Nhị Tổ Pháp Loa

NHỊ TỔ PHÁP LOA

NHỊ TỔ PHÁP LOA

Chân Hiền Tâm

Thân thế

Pháp Loa là Tổ thứ hai, nối pháp Điều Ngự Giác Hoàng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Sư tên thực là Đồng Kiên Cương, sinh ngày mùng 7 tháng 5 năm Thiệu Bảo thứ 6; người thôn Đông Hòa, hương Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, miền Bắc Việt Nam.

Mẹ Sư là Vũ Thị, đêm nằm mộng thấy có dị nhân trao cho thanh kiếm báu, bà ôm vào lòng, sau đó mang thai Sư. Vì sinh nhiều con gái, sợ lại sinh gái nữa, nên bà âm thầm uống thuốc phá thai, nhưng đến lần thứ tư thai vẫn không ra. Khi biết mình sinh con trai, bà vô cùng mừng rỡ và đặt tên là Kiên Cương.  

Kiên Cương sinh ra, mùi hương lạ bay khắp nhà hồi lâu mới hết.

Khi còn bé, Sư đã có thiên tư đỉnh ngộ, không nói lời ác, không ăn thịt cá và các thứ có vị cay nồng.

Nhân duyên xuất gia

Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12, Điều Ngự Giác Hoàng đang du hành khắp các miền đất nước, bố thí pháp dược nhằm trị bệnh cho người nghèo, người bệnh, giúp dân phá bỏ dâm tự v.v.  thì Sư khi ấy 21 tuổi[1], đang đi chơi xa, bỗng thấy phiền muộn mà quay về. Vừa lúc ấy, Điều Ngự Giác Hoàng cũng đến thôn Đông Hòa. Trông thấy Sư, Điều Ngự buộc miệng: “Kẻ này có đạo nhãn, sau này hẳn là bậc pháp khí”. Sư gặp Giác Hoàng rồi liền muốn xuất gia. Sư tới đảnh lễ và xin xuất gia. Do duyên cớ đó mà Giác Hoàng đặt tên cho Sư là Thiện Lai.

Về đến liêu Kỳ Lân núi Linh Sơn, Giác Hoàng đích thân xuống tóc và trao y cho Sư, rồi dạy đến Quỳnh Quán tham học với Hòa thượng Tính Giác. Sư tìm đủ cách để thưa hỏi nhưng vẫn không thể khai ngộ. Một hôm, nhân đọc kinh Lăng nghiêm, tới đoạn bảy chỗ tìm tâm và thí dụ khách trần, Sư được chỗ vào, liền từ tạ Quỳnh Quán trở về tham yết Giác Hoàng. Đang lúc Giác Hoàng thượng đường đọc bài kệ “Thái dương ô kê”, Sư bỗng tỏ ngộ. Giác Hoàng biết Sư đã ngộ, liền bảo theo hầu bên mình.

Hoa đèn rơi   

Tuy được hầu cận Giác Hoàng nhưng lần nào Sư trình tụng Giác Hoàng cũng lắc đầu. Lần thứ tư, Giác Hoàng bảo Sư về tự tham cứu. Trở về phòng, tâm thần Sư nặng trĩu… Đến nửa đêm, nhân thấy hoa đèn rơi, Sư hoát nhiên đại ngộ, rồi đem những gì đã ngộ trình lên Giác Hoàng. Giác Hoàng rất bằng lòng. Từ đó Sư thệ nguyện tu theo mười hai hạnh đầu đà.

Đạo nghiệp

Năm 22 tuổi, Sư được Giác Hoàng đích thân truyền giới Tỷ-kheo và Bồ-tát tại liêu Kỳ Lân, có pháp hiệu là Pháp Loa. Sau đó, được cử làm chủ giảng ở chùa Báo Ân. So với các thị giả khác, căn tánh Sư vượt trội, nên vào lễ Bố-tát tháng 5 năm sau, Sư được Giác Hoàng truyền y bát và tâm kệ làm Tổ thứ hai.

Năm 25 tuổi[2], Sư làm lễ nối pháp trụ trì tại Cam Lộ Đường chùa Siêu Loại, cũng được phái làm chủ Sơn môn Yên Tử. Khi Giác Hoàng viên tịch, Sư phụng mệnh cung nghinh xá-lợi về kinh đô, rồi trở về núi soạn tập Thạch thất mị ngữ bao gồm những bài tụng mà Giác Hoàng đã làm ở Thạch thất. Từ đó Sư chính thức đảm nhiệm vai trò mà Giác Hoàng đã giao phó - Nhị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Vào những năm sau, lúc thì Sư được mời giảng trong Đại nội, lúc được các bậc tôn túc mời giảng ở các chùa. Kinh giảng chủ yếu là Hoa nghiêm, Viên giác, Kim cang, Duy-ma và các bộ ngữ lục như Truyền đăng lục, Đại Huệ ngữ lục, Tuyết Đậu ngữ lục, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục và Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục.   

Điểm nổi bật trong Phật sự của Sư thời gian này là quy định chức vụ cho Tăng sĩ trong nước và bổ nhiệm đến hơn trăm ngôi già lam. Chư Tăng từ đó mới có sổ bộ, đều do Sư trông coi. Về sau cứ ba năm Sư độ Tăng một lần, mỗi lần trên dưới ngàn người.

Thứ hai, kêu gọi Tăng sĩ và cư sĩ chích máu dâng lễ làm bộ Đại tạng kinh hơn 5.000 quyển.

Thứ ba, lập đàn tràng cúng cầu mưa khi trời hạn hán, thảy đều ứng nghiệm.

Thứ tư, tạo tượng, xây chùa, lập am, tạo thắng cảnh, tổng cộng từ trước đến sau hơn 1.300 tượng Phật, xây hơn 200 Tăng xá...

Thứ năm, độ hơn 15.000 Tăng Ni, trong đó đệ tử đắc pháp hơn 3.000 người, thành Đại pháp sư có 6 vị. Hàng thái hậu, công chúa, vương công, quý khách thỉnh Sư truyền giới tại gia và Bồ-tát nhiều vô kể. Họ đua nhau cúng đất, vàng, tiền để Sư lập chùa, đúc tượng, làm của thường trụ nuôi Tăng v.v.

Viên tịch

Năm 47 tuổi[3], Sư bệnh nặng. Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm rồi gọi thái y đến thăm. Ai cũng bảo không thấy triệu chứng viên tịch[4]. Nhưng ngày hôm sau, Sư sai Thu Tử trình lên vua pháp kệ và lời di chúc. Giờ Hợi hôm sau nữa thì bệnh trở nặng[5]. Chúng vào thỉnh xin kệ trước khi Sư đi, Sư quở nhưng vẫn bảo đem giấy bút lại viết.

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn

Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng

Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi

Bên kia trăng gió rộng thênh thang.[6]

Viết xong, Sư ném bút, an nhiên thị tịch, thọ 47 tuổi. Đệ tử theo lời phó chúc của Sư đem nhục thể lên nhập tháp tại Thanh Mai Sơn. Thanh Mai Sơn và Côn Sơn là hai điểm danh lam thắng cảnh Sư đã mở thêm vào đầu năm Khai Hựu (1329), tức khoảng một năm trước khi Sư viên tịch. 

Ngày 11 tháng 3 năm ấy, Thái thượng hoàng ngự bút ban hiệu cho Sư là Tịnh Trí Tôn Giả, tháp tên là Viên Thông, tặng mười lượng vàng để xây tháp và đề tặng một bài thơ.

Đã hết duyên trần thỏng tay đi

Giác Hoàng kim tuyến được truyền y

Thanh Sơn cỏ mọc che phần mộ

Cây biếc trong sương để xác ve

Đêm phủ giảng đường trăng kim cổ

Ngày ngày trượng thất khói mờ che

Thân mến biết bao, ôi luyến tiếc!

Nhớ công giáo hóa lệ đầy mi.

Tác phẩm lưu truyền ở đời

- Đoạn sách lục

- Tham thiền chỉ yếu (Thiền đạo yếu học)

- Kim cương đạo tràng Đà-la-ni kinh

- Tán Pháp hoa kinh khoa số

- Bát-nhã tâm kinh khoa

- Một bài kệ thị tịch

Tư tưởng chủ đạo của Nhị Tổ

Nói tư tưởng hay tư tưởng chủ đạo của bậc Tổ sư là lời nói mạo phạm. Đã “không” thì tư tưởng còn chẳng lập, huống là tư tưởng chủ đạo. Chỉ vì ứng duyên hành pháp ở đời mà có ngôn từ và tông chỉ, nên nói tư tưởng chủ đạo của Nhị Tổ. Chỉ là cách mượn ngôn từ hiện thời để rõ về bút pháp mà một bậc Tổ sư đã đề ra nhằm lợi lạc quần sinh.   

1. Cho chung người học Phật

Là Tổ sư của dòng thiền thuộc thiền Tổ sư, nên ý chỉ mà Nhị Tổ đề ra cho người học Phật là trước phải thấy tánh, kế là tu giới, định, tuệ, sau là hành đạo giúp người. Đó là tinh thần chung cho mọi người tu Phật, dù tại gia hay xuất gia.

- Trước phải thấy tánh: Đầu tiên phải tin mình có tánh như Phật và tin mình sẽ ngộ nhập được Phật tánh ấy. Tin rồi còn phải dụng công để chứng nhập cái gọi là “thấy tánh”, điều này được Nhị Tổ chỉ bày rất rõ trong bài phổ thuyết Khuyên chúng Thượng thừa tam học. Đó là “Thấy tánh không phải là có tánh để thấy. Nói thấy là thấy chỗ không thể thấy mà thấy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy, thì chân tánh hiện…”. Thứ gì còn thuộc thấy hay không thấy, thứ ấy không phải là cảnh giới của chân tánh. Rất phù hợp với những gì Bát-nhã tâm kinh đã nói về tướng không của các pháp.

- Tu giới, định, tuệ: Thấy tánh rồi phải giữ giới cho thanh tịnh. Giới nói ở đây không còn nằm ở giới tướng như ngũ giới hay 250 giới mà là giới tánh. “Trong 12 giờ, ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì tâm không loạn nên cảnh đến vẫn an nhàn. Mắt không vì sở duyên của thức mà chạy ra. Thức không vì sở duyên của cảnh mà chui vào. Ra vào không giao thiệp nên gọi là ngăn chặn. Tuy nói ngăn chặn mà không phải ngăn chặn. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế…[7]. Tức sáu căn tiếp xúc với sáu trần tâm không phan duyên. Phương tiện chút nữa là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, niệm khởi liền buông[8]. Y đó mà tu định tuệ. Phát sinh diệu huệ vô thượng. Tứ vô lượng tâm, Tứ niệm xứ, Tứ vô úy, Bát Chánh đạo v.v. cùng tất cả các môn tam muội đều từ nơi mình lưu xuất, mỗi mỗi đều đầy đủ.  

- Lợi tha không cùng:  Giới, định, tuệ có rồi thì “Ban cho chúng sinh, nguyện lực không cùng tận, tự giác, giác tha, bốn sinh và chín loài. Tất cả đều được thấm nhuần…[9].

Ý chỉ học đạo đề ra cho người tu Phật, Tổ chỉ đặt nặng ở mặt khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến, rồi nương đó mà lợi ích quần sinh, không đặt nặng ở các mặt khác. Nói cách khác, “Biết vọng là chánh tu, làm các điều lành là trợ tu[10].

2. Riêng với người xuất gia

Với người xuất gia, là chư vị nắm mạng mạch Phật pháp trong cái duyên là Tổ sư thiền, Nhị Tổ dạy mấy điều[11], nếu theo đó thì có thể biết sinh hiểu tử. Xin tóm ý như sau:

- Xác định bổn phận và trách nhiệm của mình. Đó là đền bốn ân nặng và cứu khổ tam đồ. Xác định rồi thì tùy duyên mà thực thi cho tốt.

- Biết rõ Tông sư. Hành giả tu hành phải biết Tổ sư đã thuyết những pháp nào? Có bao nhiêu người đã đắc đạo nối pháp truyền tông? Đến nay thầy nào, chúng nào là chỗ để mình nên theo học?

- Biện pháp chân ngụy. Chân là giữ giới luật, y pháp tu hành. Ngụy là bàn luận ngoại đạo, phỏng đoán nghĩa lý v.v. trao truyền cho nhau. Chân thì theo. Ngụy thì dừng.   

- Biết thiện ác. Thiện là thường giữ giới luật, y pháp tiến tu, hằng thường sám hối, gần gũi bạn lành, thân cận thiện tri thức. Ác là miệng nói xuất gia mà tâm làm theo nghiệp thế tục, gần gũi bạn xấu, tâm không biết tàm quý v.v. Thiện thì theo. Ác thì dừng.  

- Học pháp cầu thầy. Thường ở trong tùng lâm có thiện tri thức, hằng nằm trong khuôn vức của Tổ sư. Nhưng không nên bo bo chấp giữ tình thầy trò huynh đệ, cũng không đắm mê danh vọng lợi dưỡng. Vì chấp tình, đắm danh, mê lợi là bỏ trói buộc mà rơi vào trói buộc. 

Trên đây là những gì mà Nhị Tổ đã đề ra cho người xuất gia thời bấy giờ. Vẫn còn hiệu lực cho người đủ cơ duyên thời nay.

Kết luận

Trong ba đời Tổ sư của Thiền phái Trúc Lâm, nói đến di sản Phật giáo - từ tinh thần đến vật chất - có lẽ thời Nhị Tổ là thời rực rỡ nhất. Bởi Nhị Tổ đã kế thừa được từ Sơ Tổ một đất nước yên bình và những con người mà niềm tin và sự hiểu biết đối với Phật giáo khá vững chãi.

Sơ Tổ hai lần dẹp quân Nguyên, giữ yên bờ cõi, đã tạo được niềm tin rất lớn đối với dân chúng về một loại tôn giáo rất thực tế. Đạo Phật không phải là một tôn giáo chỉ nói về một Niết-bàn giải thoát, nó còn chỉ cho mọi người thấy rằng Phật giáo là một tôn giáo mà nếu nhân loại hiểu đúng, biết cách ứng dụng và ứng dụng được nó vào đời sống của mình, nhất định sẽ tìm được an vui trong hiện đời và mai sau.

Sơ Tổ, đại diện cho người truyền thừa Phật giáo thời ấy, đã cho nhân loại thấy được giá trị sâu rộng của Phật pháp. Sâu là giúp mọi người khai, thị, ngộ, nhập lại Phật tánh của mình. Một đại sư nhân duyên mà vì nó chư Phật ra đời. Rộng nên sự an vui chính đáng của chúng sinh (dù ở cấp độ nào) vẫn là một trong những mục đích nhắm đến của người tu Phật. Đó là lý do Sơ Tổ cầm quân đánh giặc giữ yên bờ cõi, đi khắp các nơi phá bỏ dâm tự và truyền bá Thập thiện cho nhân dân. Tu Thập thiện là bước đầu giúp người đời tiến dần về Đạo vô thượng, cũng là cách giúp chúng sinh thoát được các đường khổ và có một đời sống an vui trong cõi trời người. Vì thừa kế được di sản quý báu đó, nên thời Pháp Loa, ngoài chỗ tâm chứng của chính mình, ngôn hạnh tương ưng (biểu thị qua hai cuộc nói chuyện với Huyền Quang và một bài kệ để lại trước khi viên tịch tự tại), ngài còn tạo dựng được nhiều thành tích đáng kể trong việc xây chùa, tạo tượng, dịch kinh, thuyết giảng, độ Tăng Ni và Phật tử.

Hiện tại đây, qua bao năm thăng trầm, dòng thiền Trúc Lâm đã được Hòa thượng Thích Thanh Từ xiển dương trở lại, đang được truyền thừa qua các đời sau. Từ vật chất đến tinh thần, có lẽ hiện nay quy mô xây dựng và số lượng thiền viện thuộc Thiền phái Trúc Lâm khá lớn, số lượng Tăng Ni tập trung tu học ở các thiền viện phía Nam đa phần hơn số trăm, người đắc pháp cũng có, chúng sinh nương đó được lợi lạc khá nhiều. Nói chung Thiền phái Trúc Lâm đã chung tay với Phật giáo Việt Nam ổn định phần nào đời sống nhân sinh. Đó là điều đáng mừng cho Phật giáo, cũng là duyên lành cho chúng sinh. Nhân duyên hiện nay là như vậy. Nhân duyên sau này thế nào còn lệ thuộc vào sự tu tập của người đời sau, Tăng cũng như tục. Song thăng hay trầm là chuyện thường tình ở thế gian. Dù thăng hay trầm thì mạng mạch Phật pháp mà Phật Tổ đã trao, luôn âm thầm tuôn chảy trong mỗi người con Phật. Dù là người của Thiền phái Trúc Lâm hay không phải của Thiền phái Trúc Lâm, đã là con Phật, chúng ta cùng có sứ mạng là tiếp nhận, giữ gìn và truyền trao những gì Phật Tổ đã dạy, rồi tùy duyên của mỗi người mà hành đạo, hoặc hiện hoặc ẩn, không phân biệt tông phái, màu da hay sắc áo, chỉ là một lòng với con đường mình đã chọn. 

Nhân ngày Nhị Tổ Pháp Loa viên tịch, nguyện cho thế giới an bình, nhân sinh hạnh phúc, người người tin vào nhân quả, giới, định, tuệ tròn đầy, rốt cuộc “đều trọn thành Phật đạo”.  

 


 

[1] Năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304).

[2] Năm Mâu Thân, niên hiệu Hưng Long thứ 16 (1308).

[3] Năm Canh Ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ 2 (1330).

[4] Ngày mừng 1 tháng 3 năm Canh Ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ 2 (1330).

[5] Ngày mừng 3 tháng 3 năm Canh Ngọ, niên hiệu Khai Hựu thứ 2 (1330).

[6] Chánh văn “Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn/ Tứ thập dư niên mộng huyễn gian/ Trân trọng chư nhân hưu tá vấn/ Na biên phong nguyệt cánh man khoan”.     

[7] Khuyên chúng thượng thừa tam học, Thiền sư Việt Nam, HT.Thích Thanh Từ biên soạn.

[8] Thời của ngài thì dạy Tham thoại đầu.

[9] Khuyên chúng thượng thừa tam học, Thiền sư Việt Nam, HT.Thích Thanh Từ biên soạn.

[10] Lời của Tổ Khuê Phong Tông Mật trong tác phẩm Nguồn thiền, HT.Thích Thanh Từ dịch giảng.

[11] Khuyên chúng thượng thừa tam học, Thiền sư Việt Nam, HT.Thích Thanh Từ biên soạn.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác