Những đóng góp của Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh đối với Phật giáo Nam Bộ

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THIỀN SƯ TIÊN

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA THIỀN SƯ TIÊN GIÁC - HẢI TỊNH

ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO NAM BỘ

Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh là một vị Tăng cang tại kinh đô Phú Xuân (Huế). Sau thời gian làm Tăng cang ở đó, ngài trở về Nam Bộ tiếp tục sứ mệnh truyền bá Chánh pháp và phát triển Phật giáo. Nhận thấy rằng đời sống của hàng Tăng sĩ tại Nam Bộ phần lớn thiên về cúng tế hơn là giảng kinh thuyết pháp, và nhằm ổn định đời sống Tăng sĩ theo tinh thần giới luật để tiếp nối duy trì mạng mạch Phật pháp, ngài đã nỗ lực thực hiện một số việc làm để chấn hưng Phật giáo ở vùng đất này. Một số việc làm của ngài có thể kể đến là: phát triển cơ sở tự viện, trùng tu chùa chiền, khai mở trường Hương, trường K...

Xây dựng và trùng tu chùa chiền

Buổi đầu ở vùng đất mới, các vị thiền sư truyền đạo thường dùng cây lá dựng am tranh nhỏ để thờ tự và cư trú. Trải qua thời gian, các Phật tử đã đóng góp kiến lập chùa chiền nhằm phục vụ cho nhu cầu tu học của Tăng sĩ, cho tín ngưỡng tâm linh cho việc thờ phụng lễ bái của họ. Tiếp nối các bậc tiền nhân đi trước, vào những năm giữa thế kỷ XIX, Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh cùng với các Phật tử đã kiến tạo nhiều ngôi chùa ở Nam Bộ, góp phần phát triển Phật giáo. Đầu tiên ngài kiến tạo chùa Linh Nguyên (Đức Hòa - Long An), chùa Tân Hưng (Bình Dương) và tu sửa Quan Âm viện thành chùa Giác Viên (TP.HCM), sau đó ngài “bước đầu mở đạo vùng Châu Đốcdựng chùa Mai Sơn, Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên (An Giang). Rồi tiếp giáo hóa chùa Hòa Thạnh, Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên (An Giang)”[1].

 Vào năm 1851, ngài trùng tu chùa Phú Thạnh, chùa Vĩnh Thông ở An Giang, sau đó đến Hà Tiên lập chùa Giang Thành, Viên Thành (riêng 2 chùa ở Hà Tiên hiện nay không còn tư liệu ghi chép về ngài). Những ngôi chùa ở vùng đất An Giang và Hà Tiên nằm sát địa phận biên giới Việt Nam - Campuchia, nơi đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn.

Với tầm nhìn sâu rộng của một vị từng làm Tăng cang ở kinh đô, ngài biết rằng muốn giữ gìn mạng mạch Phật giáo thì trước tiên cần phải tiếp Tăng độ chúng, kiến lập tùng lâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của chư Tăng và tín đồ Phật tử. Kiến tạo tùng lâm là thiết lập cơ sở để phát triển Phật giáo, trước tiên là để có nơi tiếp độ người xuất gia, và về sau những người xuất gia này sẽ đảm trách việc hướng dẫn người dân tu học Phật pháp.

Việc kiến tạo, xây mới một ngôi chùa không chỉ giúp hướng dẫn người xuất gia tu tập mà còn đem lại nhiều giá trị thiết thực cho Phật tử, như tác giả Nguyễn Đăng Duy nhận định: “Niềm tin mở rộng trong toàn thể dân ta không xuất gia tu hành, nhưng vẫn lên chùa lễ Phật, cầu bình yên mạnh khoẻ khi sống, cầu siêu linh tịnh độ khi chết. Đồng thời niềm tin Phật giáo đã in hằn lên thói quen, nếp sống trong dân ta”[2].

Như vậy, một ngôi chùa là điểm tựa tinh thần và là nơi gửi gắm tâm tư nguyện vọng của người dân ở địa phương vào chư Phật, Bồ-tát. Họ đặt niềm tin vào các Ngài, mong muốn được che chở để vượt qua mọi khó khăn, để có được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống. Đồng thời, ngôi chùa cũng là nơi di dưỡng tâm hồn người Phật tử, qua đó giúp cho họ tìm được sự thanh thản, thoát khỏi những buồn phiền, khó khăn mệt nhọc trong sinh hoạt hàng ngày, tạo cảm giác như được trở về với thế giới an lành. Do đó, đâu có đất mới được mở ra là ở đó có chùa mới dựng. Tiếng chuông chùa và tiếng tụng kinh chẳng khác gì lời ru êm ái đối với cả một xã hội lầm lũi.[3] Và Chùa không chỉ là nơi các nhà sư tu hành, các tín đồ Phật giáo tới làm lễ mà còn là nơi hội tụ tín ngưỡng và sinh hoạt tinh thần ở làng quê”[4].

Như vậy, việc kiến tạo một ngôi chùa góp phần duy trì mạng mạch và phát triển Phật giáo, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh của quần chúng một cách thiết thực và đầy ý nghĩa.

Khai mở trường Hương[5]

Trường Hương, nay gọi là trường Hạ (an cư kiết hạ). Phật Quang đại từ điển giải thích an cư là: “Dịch ý là vũ kỳ (thời kỳ mưa). Là một trong các chế độ tu hành. Còn gọi là Hạ an cư, Vũ an cư, Tọa hạ, Hạ tọa, Kết hạ, Tọa lạp, Nhất hạ cửu tuần, Cửu tuần cấm túc, Kết chế an cư, Kết chế”[6]. Tại Ấn Độ, Mưa kéo dài đến 3 tháng, nếu ra ngoài sợ giẫm chết côn trùng và mầm chồi cỏ cây mới mọc trên mặt đất khiến cho người đời cười chê, nên trong khoảng thời gian 3 tháng này, người xuất gia không được đi ra ngoài mà phải ở chung lại một chỗ để gắng sức tu hành, gọi là an cư”[7].

Như vậy, Đức Phật chế định pháp an cư để chư Tăng cùng tập trung tại một chỗ để tu học trong thanh tịnh hòa hợp. Tuy mỗi quốc gia có điều kiện khí hậu khác nhau nhưng chư Tăng vẫn giữ được truyền thống an cư trong ba tháng trên tinh thần lục hòa[8]. Tại Nam Bộ, an cư có tên gọi khác là trường Hương. Theo tác giả Trần Hồng Liên: “Trường Hương còn dùng để phân biệt với an cư kiết hạ ở quy mô tổ chức lớn, tập hợp nhiều Tăng sĩ các chùa, mang tính chất tu học, đào tạo Tăng tài, và theo đúng giới luật”[9].

Về việc khai mở trường Hương ở Nam Bộ, đầu tiên phải kể đến sự đóng góp của Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh. Vào năm 1844, khi từ kinh đô trở về Sắc tứ Từ Ân tự, “Thiền sư đã đứng ra thành lập trường Hương đầu tiên tại chùa Giác Lâm”[10]. trường Hương này, ngài đã thỉnh Thiền sư Phổ Nguyệt chùa Huệ Lâm làm thiền chủ, Thiền sư Từ Tạng chùa Trúc Lâm làm Yết-ma. Tác phẩm Ngũ gia tông phái ký toàn tập có ghi lại như sau: “Vào năm Giáp Thìn, ngày 20 tháng 7, Hòa thượng bèn tuyên dương Chánh pháp, tiếp dẫn người sau, hộ trì Phật pháp. Hòa thượng thiết lập trường Hương, Tăng chúng ba tháng an cư, tham thiền nghe pháp”[11]. Có thể nói đây cũng là trường Hương đầu tiên ở Nam Bộ được tổ chức có quy mô lớn. Theo nhận định của tác giả Trần Hồng Liên: “An cư kiết hạ đầu tiên ở Nam bộ được tổ chức tại Gia Định với trung tâm Phật giáo nổi tiếng thời bấy giờ là chùa Giác Lâm vào năm 1844 đời vua Thiệu Trị, do Tổ Hải Tịnh mở”[12].

Như vậy, Tổ Hải Tịnh rất quan tâm đến vấn đề tu tập của hàng Tăng sĩ, cũng như quan tâm đến việc gìn giữ giềng mối Chánh pháp. Cho nên sau khi nhận uỷ thác của Thiền sư Tiên Tín - Chánh Trực, trụ trì Sắc tứ Từ Ân tự, ngài đã khai mở trường Hương để quy tụ chư Tăng các chùa về tham dự, mục đích nhằm chấn chỉnh đời sống Tăng sĩ lúc bấy giờ. Trong bài Sách tấn Tăng chúng các chùa tu tập thiền đường chỉ tịnh, ngài dạy: “Người xuất gia học đạo ‘5 hạ đầu phải tinh chuyên trau giồi giới luật; 5 hạ sau mới được phép nghe giáo tham thiền’. Đó là Tăng lạp từ mùng 8 tháng 4 phải an cư kiết hạ, chuyên tu Tịnh độ, niệm Phật tham thiền, thân tâm phải dừng lo nghĩ, dứt bỏ tạp niệm và xa lìa các duyên, các việc ngoài”[13]. Ba tháng an cư chính là thời gian giúp cho hành giả tu tập để thu nạp lại năng lượng đã tiêu hao trong 9 tháng đi phụng sự nhân sinh. Do đó, an cư không chỉ là trách nhiệm mà còn là bổn phận của một vị Tăng đang thực hiện lý tưởng giác ngộ giải thoát.

Trường Hương không chỉ dành cho việc hành trì tu tập mà còn là nơi giảng dạy kinh luật cho Tăng sĩ. Ở đó tất cả đều phải tham gia những lớp học về nội điển và oai nghi phép tắc, được những vị am hiểu chuyên sâu giảng dạy. Việc học áp dụng cho tất cả các thành viên tham dự trong trường Hương, không phân biệt lớn hay nhỏ. là Hòa thượng nhưng khi tới trường Hương thì cũng phải học như bao nhiêu người khác. Có nghĩa là tất cả đều phải học để ôn lại, từ giáo lý căn băn là giới, định, tuệ.(biên bản phỏng vấn số 03).

Để giúp cho đạo tràng được trang nghiêm thanh tịnh, trường Hương đã đặt ra nhiều luật lệ và nội quy: “Trong trường hương cũng hạn chế đi lại trong khuôn viên, vì sợ làm ồn các vị khác (hay còn gọi là động chúng). Một khi ở trong nhà thiền là mình cứ ở trong nhà thiền đó luôn, tới giờ cúng kiếng gì đó phải ở trên chánh điện thì mình mới được vào chánh điện, còn ngoài ra không được vào chánh điện, chứ không phải đi lung tung ở trong đó.(biên bản phỏng vấn số 03).

Trong trường Hương gồm có: chức sự thiền đường[[14]], thanh quy, thời khóa tu học[[15]]… Vấn đề thời khóa tu tập trong trường Hương cũng được quy định: Công phu tụng niệm đàng hoàng, rồi tất cả những oai nghi trong lúc hạ phải giữ nghiêm túc lắm, kể cả đi đứng bước ra cửa, vô cửa cũng phải theo cung cách của nó… Sau này những quy định này được gọi là Luật thiền đường.(biên bản phỏng vấn số 03). Thời khoá tu tập trong trường Hương khác hơn so với thời khoá hằng ngày tại các ngôi chùa. Theo HT.Thích Hồng Khoa: Về thời khóa trong ngày, thông thường công phu tụng kinh thì đương nhiên ở đâu cũng phải làm rồi, nhưng mà trong đó thêm ngồi thiền, rồi giờ giấc sinh hoạt nó luôn nối tiếp. Nếu đúng chương trình đó thì phải đến 10 rưỡi hoặc 11 giờ đêm mới Hòa nam Thánh chúng (tức là mới chấm dứt), trong khi đến 3 rưỡi ngày hôm sau mình phải dậy rồi. Thành ra thời gian ngủ nghỉ cũng ít... Đến giờ thiền không phải là thiền quán mà là thiền tịnh, thiền để niệm Phật, tịnh niệm Phật.(biên bản phỏng vấn số 03).

Việc khai mở trường Hương không chỉ nhằm chấn chỉnh đời sống sinh hoạt của Tăng sĩ, mà còn tạo điều kiện cho chư Tăng chung sống trong môi trường trang nghiêm thanh tịnh, để tam nghiệp được tịnh hóa và giới luật nghiêm minh, giúp cho đạo tâm được trưởng dưỡng, như vậy mới có thể làm gương cho tín đồ Phật tử noi theo, đồng thời góp phần duy trì mạng mạch Phật giáo.

Sau lần khai mở trường Hương đầu tiên tại chùa Giác Lâm, từ đó việc khai mở trường Hương trở thành truyền thống và phổ biến rộng rãi tại vùng đất Nam Bộ. Với uy đức của ngài, nhiều ngôi chùa khai mở định kỳ, tạo điều kiện thuận lợi để tứ chúng có nơi nương tựa tu tập trong ba tháng. Những chùa tổ chức theo định kỳ được liệt kê trong Ngũ gia tông phái ký toàn tập gồm: “Chùa Giác Lâm tọa tĩnh hương, an cư 2 lần (kiết hạ và kiết đông); chùa Từ Ân tọa tĩnh hương, an cư 2 lần (kiết hạ và kiết đông); chùa Hội Phước tọa tĩnh hương, an cư 1 lần; chùa Phước Hội tọa tĩnh hương, an cư 1 lần; chùa Phước Hương tọa tĩnh hương, an cư 1 lần; chùa Sắc Tứ Kiển Phước tọa tĩnh hương, an cư 1 lần; chùa An Lạc tọa tĩnh hương, an cư 1 lần; chùa An Lạc tọa tĩnh hương, an cư 1 lần; chùa Bảo An tọa tĩnh hương, an cư 1 lần; chùa Sùng Phước tọa tĩnh hương, an cư 1 lần”[16].

Không chỉ an cư kiết hạ mà an cư kiết đông cũng được ngài thực hiện: “Từ tháng 9 trở đi nên an cư kiết đông, tu học kinh luật, khảo cứu giáo nghĩa, tinh thông việc thọ trì, chúc tụng, hầu tiến đạo, nghiêm thân”[17]. Đây là một điểm hay của Phật giáo Nam Bộ. Tuy nhiên, về an cư kiết đông thì ít chùa áp dụng so với an cư kiết hạ.

Để tưởng nhớ và ca ngợi công hạnh của Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh trong việc khai mở trường Hương, Ngũ gia tông phái ký toàn tập đã có những câu thơ sau:

Cấm túc an cư chế độ thiền,

Trường hương ba tháng mở đầu tiên

Dắt dìu Tăng chúng phăng nguồn đạo

Gội đức từ bi Hải Tịnh truyền[18].

Qua những lần khai mở trường Hương như vậy đã cho chúng ta thấy được công đức to lớn của Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh đối với Phật giáo Nam Bộ trong việc chấn chỉnh đời sống tu tập của hàng Tăng sĩ.

Khai mở trường K

Trường Knay được gọi là Giới đàn. Theo Phật Quang đại từ điển, Giới đàn (戒壇) có nghĩa là: “Nơi cử hành nghi thức thụ giới và thuyết giới. Đàn là cái nền đất được đắp hơi cao hơn mặt đất trong giới trường. Giới trường vốn không cần xây cất nhà cửa, chỉ cần kết giới làm dấu trên bất cứ chỗ đất trống nào là được”[19]. Giới đàn được tổ chức để truyền thọ giới pháp cho hàng xuất gia và tại gia cần cầu thọ giới.

Trước khi Đức Phật nhập Niết-bàn, Ngài dạy: “Các thầy Tỷ-kheo, sau khi Như lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là người thầy cao cả của các thầy. Nếu Như lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy”[20]. Để trở thành một vị pháp khí Đại thừa trong hàng Tăng bảo thì điều kiện cần và đủ phải đăng đàn thọ Cụ túc giới Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Ni. Giới có công năng chuyển hóa phiền não khổ đau, đưa đến giải thoát, bởi vì nhân giới sinh định, nhân định phát tuệ. Trong kinh Di giáo, Đức Phật dạy: “Giới thì chính thuận với căn bản của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhờ giới mà phát sinh thiền định, và trí tuệ có năng lực huỷ diệt thống khổ”[21].

Vào khoảng thế kỷ XIX, rất ít giới đàn được mở tại Nam Bộ. Sử liệu cũng chưa ghi chép cụ thể. Tuy nhiên, Trịnh Hoài Đức trong Gia Định thành thông chí có đề cập giới đàn do Tổ Tông - Viên Quang khai mở: “Năm Gia Long thứ 15 [1816] ông mở giới đàn, từ đó thiện nam tín nữ đến quy y rất đông, chốn sơn môn càng thêm sinh sắc”[22]. Từ giới đàn được mở vào năm 1816 thì đến năm 1849 mới thấy có một giới đàn ở Nam Bộ do Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh khai mở. Qua đó cho thấy việc khai mở giới đàn là rất ít.

Tuy vậy, sau khi ngài Tiên Giác trở về Nam Bộ thì có đến bảy giới đàn được tổ chức vào các năm: 1849, 1862, 1870, 1871, 1872, 1873, 1875. Qua đây cho thấy sự nhiệt tâm của ngài đối với sứ mệnh “truyền đăng tục diệm”. Vào thời kỳ điều kiện giao thông chưa phát triển, chủ yếu đi xuồng dọc theo những con sông lớn, vậy ngài đã không từ khó nhọc để đến những nơi xa xôi, chẳng hạn như những vùng biên giới, để khai mở giới đàn, nhằm mục đích truyền trao giới pháp cho các vị xuất gia, để “kế vãng khai lai”, tiếp dẫn hàng hậu học. Bí quyết quảng đại hoằng thâm đều là do đăng đàn truyền giới; phàm hàng áo thô tu sĩ phải nối truyền tông chỉ đèn thiền. Cốt cho trí thân rộng rãi, sắc tướng rõ ràng. Giới thể phát do tâm, truyền thọ phải do thầy. Đạo không có giới thì không rộng rãi. Giới không có thầy thì chẳng vẹn toàn”[23]. Đây là một đóng góp rất lớn của ngài Tiên Giác trong việc duy trì, phát triển Phật giáo ở vùng đất Nam Bộ.

Trong đàn truyền giới gồm có: Đường đầu Hòa thượng truyền giới, Yết-ma A-xà-lê, Giáo thọ A-xà-lê, 7 vị Tôn chứng sư (được gọi chung là Tam sư thất chứng), và 4 vị Dẫn thỉnh sư (tứ dẫn thỉnh sư). Giới đàn thường được tổ chức trong vòng 3 ngày. Theo HT.Thích Hồng Khoa: “Giới đàn tổ chức ba ngày và sử dụng bộ sách của ngài Hoằng Giới, chứ không phải Giới đàn Tăng như bây giờ. Trong cuốn của ngài Hoằng Giới thì có những điểm nói khác ở phần Yết-ma, giáo thọ và tất cả đều dùng âm Hán. Hiện nay thì dùng cuốn Giới đàn Tăng của Hòa thượng Thiện Hòa. (biên bản phỏng vấn số 03).

Để ghi nhớ công ơn to lớn của ngài, hàng hậu học tại các ngôi tổ đình cũng thường tổ chức giới đàn để tạo điều kiện cho Tăng sĩ thăng tiến trong quá trình tu tập. “Nhờ công đức của Hòa thượng Thiện Trinh và Hòa thượng Thiện Minh mà các giới đàn luân phiên được tổ chức với sự bảo hộ của chính quyền địa phương tại Châu Đốc - An Giang. Lần lượt vào những năm 1980, 1982, 1983, 1984, 1985, 1988, 1990, 1993, 1995, 1997 và 2003 luôn mang tên giới đàn ‘Hải Tịnh’. Đặc biệt giới đàn đầu tiên được tổ chức vào năm 1980 với số lượng 5.000 giới tử từ khắp mọi miền đất nước về chốn Tổ đình Phú Thạnh để lãnh thọ giới pháp”[24]. Điều này cũng được HT.Thích Thiện Nghĩa, là người thọ giới đàn đầu tiên vào năm 1980, cho biết: “Giới đàn mang tên Tổ Hải Tịnh được tổ chức liên tục và nhiều lần tại chùa Phú Thạnh.(biên bản phỏng vấn số 01).

Như vậy, Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh là người có công rất lớn trong việc phát triển Phật giáo tại vùng đất Nam Bộ, thể hiện qua việc trùng tu chùa chiền, kiến lập tùng lâm làm nơi cư ngụ cho chư Tăng và nơi gửi gắp tâm linh của người Phật tử. Bên cạnh đó, nhằm đưa đời sống của người tu sĩ vào quy củ, ngài đã tiến hành khai mở trường Hương, trường Kỳ. Trường Hương, trường Kđược tổ chức theo một hệ thống nhất quán, có nghĩa trong thời gian an cư kiết hạ ngoài được đào tạo về kinh, luật, luận thì giới đàn cũng được theo đó mà tổ chức đan xen vào. Bên cạnh trường Hương còn có khóa kiết đông cho chư Tăng. Tuy nhiên hiện nay phần lớn khu vực Nam Bộ nghi thức kiết đông rất ít được duy trì, chỉ số ít còn thực hành.


 

[1] Lược sử chùa Phú Thạnh (2004), lưu hành nội bộ, tr.11.

[2] Nguyễn Đăng Duy (2001), Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam, NXB.Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội, tr.401.

[3] Nguyễn Khắc Thuần (2005), Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập II, NXB.Giáo Dục, tr.156.

[4] Nguyễn Phương Thảo (1997), Văn hóa dân gian Nam Bộ những phát thảo, NXB.Giáo Dục, Hà Nội, tr.242.

[5] Theo Hòa thượng Thích Minh Cảnh: Sở dĩ gọi là trường Hương vì có liên quan đến việc tọa hương tham thiền hay niệm Phật trong thời gian đại chúng vân tập để tu tập theo một thời khóa biểu nhất định. Dù hành thiền hay niệm Phật đều lấy khoảng thời gian cháy tàn 01 cây hương làm thời hạn. Tùy theo thời khóa biểu tu tập của từng nơi mà số tọa hương được quy định nhiều hay ít lần trong ngày. Nếu tọa hương vào mùa hạ gọi là Kiết hạ. Nếu tọa hương vào mùa đông thì gọi là Kiết đông.

[6] Sa-môn Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Phật Quang Đại từ điển, tập 1, NXB.Phương Đông, tr.188.

[7] HT.Thích Minh Cảnh (dịch) (2007), Từ điển Phật học Huệ Quang, tập V, NXB.Tổng Hợp, Tp.HCM, tr.102.

[8] 1. Thân hòa đồng trú (Thân hòa cùng ở); 2. Khẩu hòa vô tránh (Lời nói hòa hiệp, không tranh cãi nhau); 3. Ý hòa đồng duyệt (Ý hòa cùng vui); 4. Khẩu hòa vô tránh (Lời nói hòa hiệp, không tranh cãi nhau); 5. Kiến hòa đồng giải (Thấy biết giải bày cho nhau hiểu); 6. Lợi hòa đồng quân (Lợi hòa cùng chia cân nhau).

[9] Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam, từ thế kỷ 17 đến 1975. NXB.Khoa Học - Xã Hội, Hà Nội, tr.180.

[10] Trần Hồng Liên (2019), Chùa Giác Lâm di tích lịch sử - văn hóa, NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, tr.15.

[11] Hòa thượng Thích Huệ Sanh dịch (2002), Ngũ gia tông phái ký toàn tập, NXB.Tôn Giáo, tr.50-53.

[12] Trần Hồng Liên (2000), Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ - Việt Nam, tái bản lần 1. NXB.Khoa Học - Xã Hội, Hà Nội, tr.181.

[13] Hòa thượng Thích Huệ Sanh dịch (2002), Ngũ Gia tông phái ký toàn tập, NXB.Tôn Giáo, tr.74.

[14] Ban Chức sự trường hạ gồm có:

- Chủ hương                                   1 vị

- Thiền chủ                                     1 vị

- Hóa chủ                                       1 hoặc nhiều vị

(Ngoài ra còn có Hòa thượng chứng minh hay ban Chứng minh gồm ít nhất ba vị)

- Chánh na             1 vị                Phó na              1 vị

- Chánh chúng       1 vị                Phó chúng        1 vị

- Chánh ký             1 vị                Phó ký              1 vị

- Chánh giám         1 vị                Phó giám          1 vị

- Chánh sự              1 vị                Phó sự              1 vị

- Chánh thị             1 vị                Phó thị              1 vị

- Chánh quán         1 vị                Phó quán          1 vị

- Chánh biện          1 vị                Phó biện           1 vị

(Trước khi khai hạ thì phải tụ chúng trước đó 2 ngày để cắt cử công việc).

[15] Theo ghi chép của Hòa thượng Thích Minh Cảnh thì thời khóa của trường Hương là như sau:

     Sáng:

2g 40      (Khai bảng nước) Trị nhật tự cúng nước Phật.

3g 00      Trị nht lạy 15 lạy.

3g 10      Khai chung thức chúng.

3g 25      Nhắp khánh Đại chúng đắp y.

3g 30      Đại chúng vân tập lạy 15 lạy.

4g 00      Ngồi thiền.

4g 30      Kinh hành (chuyển trống).

5g 00      Công phu.

6g 30      Cúng cháo. Trị nht nhận ban từ ông Giám.

6g 35      Đại chúng tiểu thực.

8g 30      Lạy thù ân.

9g 00      Lên giảng đường nghe kinh.

10g 30    Hưu tức.

11g 00    Thọ trai.

11g 30    Kinh hành.

12g 00    An tức.

     Trưa:

13g 40    Khai bảng nước thức chúng.

14g 00    Trùng tuyên.

15g 00    Hưu tức.

16g 00    Công phu chiều.

17g 30    Dược thạch.

     Chiều:

18g 30    Khai bảng nước. Trị nhật lạy 15 lạy.

18g 45    Nhắp khánh tạ đơn đắp y.

19g 00    Lạy 15 lạy.

19g 30    Tọa thiền.

20g 30    Kinh hành 7 vòng (chuyển trống).

21g 10    Thâu chuông (hạ đơn giải thoát).

22g 00    Đại chúng tái tịnh.

22g 40    Xả già kinh hành.

23g 00    Tịnh độ.

23g 30    Hòa nam (tái tỉnh nếu có).

24g 00    An tức.

[16] Hoà thượng Thích Huệ Sanh dịch (2002), Ngũ gia tông phái ký toàn tập, NXB.Tôn Giáo, tr.75-76.

[17] Sđd., tr.74-75.

[18] Sđd., tr.119.

[19] Sa-môn Thích Quảng Độ (dịch) (2014), Phật Quang Đại từ điển, tập 2, NXB.Phương Đông, tr.2244.

[20] Tỷ-kheo Trí Quang (dịch) (2006), Kinh Di giáo, NXB.Tôn Giáo, tr.8.

[21] Sđd., tr.11-12.

[22] Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, Pham Hoàng Quân (dịch, chú và khảo chứng) (2019), NXB.Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.553.

[23] Hòa thượng Thích Huệ Sanh dịch (2002), Ngũ gia tông phái ký toàn tập, NXB.Tôn Giáo, tr.76.

[24] Thích nữ Như Hạnh (biên soạn), Thiền sư Tiên Giác - Hải Tịnh, bậc Tổ khai đạo đất phương Nam, lưu hành nội bộ, tr.18-19.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác