Tìm hiểu về thân cũ và thân mới trong Kinh Mi Tiên vấn đáp

tim hieu ve than

Tìm hiểu về thân cũ và thân mới trong Kinh Mi Tiên vấn đáp

Thích Ngộ Tánh

 

Khái niệm thân cũ và thân mới

Thân cũ (Purāakāya, 身現在) và thân mới (Navakāya, 身來世) trong tái sinh có thể được hiểu qua câu hỏi: Chúng ta của hiện tại và chúng ta của sau này hay kiếp sau có giống nhau hay không? Như vậy, thân cũ là thân hiện tại và thân mới là thân của kiếp sau. Hay danh sắc của con người cũ và danh sắc (nāma rūpa, 名色) của người mới giống hay khác nhau, và đây cũng là câu hỏi mà vua Milinda hỏi Đại đức Na Tiên:

Chúng sinh trong thế gian này có nhiều loài, nhiều loại, như đàn ông, đàn bà, bàng sinh, noãn sanh, thấp sanh, v.v. Khi chúng chết đi, thác sinh trở lại, thì đàn ông vẫn làm đàn ông, đàn bà vẫn làm đàn bà; loài hai chân thành loài hai chân, loài bốn chân thành loài bốn chân... hay sao, thưa Đại đức?

- Ý đại vương nói rằng, thân trước thân sau vẫn mang hình tướng ấy? Con người cũ ấy?

- Đúng là trẫm muốn hỏi như thế![1]

Đại đức Na Tiên đã trả lời nhất quán như sau: “Nói con người cũ là không phải, mà nói chẳng phải con người cũ cũng không phải, tâu đại vương!.[2] ngài nói tiếp: “Ngay trong kiếp sống này thôi mà lập ngôn như thế cũng đã sai rồi. Khi chúng ta sinh ra trên đời này, kể từ khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, hài nhi nằm trong nôi, lớn lên biết bò, biết đi rồi khôn lớn trưởng thành, trung niên, già lão. Này đại vương! Vậy đứa bé và ông lão ấy cùng là một con người hay là hai con người?” - Một cũng trật, hai cũng chẳng nhằm!.[3] - Vua Milinda trả lời.

Nhận định

Trước hết, nhìn lại tổng thể về nguyên lý nghiệp báo (vipākakamma, 業報) chúng ta thấy rằng nghiệp (Kamma, ) đóng vai trò chi phối và dẫn dắt tâm tái tục (citta nibbattana, 心再俗), hay dẫn dắt tổng thể nghiệp của chúng sinh vào cảnh giới mới với sự tương thích nghiệp quá khứ (Purāakamma, 業過去), và điều này cũng có nghĩa rằng nghiệp đi tái sinh (paisandhi, 再生) chứ không phải cả một con người tứ đại (mahā-bhūta, 四大) với mắt, tai, mũi, lưỡi… đó đi tái sinh. Hình dáng, thân thể, môi trường, hoàn cảnh kiếp sống mới đều tùy thuộc các hành nghiệp của đương sự đó ở kiếp trước.

Ví như cây đèn đốt cháy đầu hôm cho đến sáng, đầu hôm thì đầy dầu, sáng thì cạn dầu. Tâu đại vương! Vậy thì đầu hôm, giữa khuya và sáng là ba cây đèn khác nhau chăng?

- Chẳng phải thế. Nó chỉ là một cây đèn ấy được cháy đỏ liên tục đầu hôm đến sáng.

- Tất cả chúng sinh cũng y như thế đó, tâu đại vương. Danh và sắc đầu tiên kết hợp thành thân và tâm này tạo nên một sinh mạng, một đời sống hữu tình; tuy thân và tâm đều vô thường, thay đổi nhưng nó vẫn duy trì tồn tục sinh mạng cho đến lúc chấm dứt tuổi thọ. Già lão có thay đổi nhưng vẫn là một con người ấy mà thôi.[4]

Theo người viết, khi nói “Nói con người cũ là không phải”, bởi trong suốt một kiếp sống, con người tạo tác biết bao nhiêu nghiệp với thân (kāyakamma, 身業), khẩu (vacīkamma, 口業), ý (manokamma, 意業) qua rất nhiều phương diện khác nhau. Chính sự tác ý (cetanā, 作意) qua ba cơ quan trên nhiều khía cạnh như thế đã hình thành nên những cơ chế nghiệp khác nhau về tư duy và hành động, về thân thể và tâm hồn, v.v. Cho nên, sau quá trình phân tích, phân định, sàng lọc, hành nghiệp sẽ cho ra quả nghiệp (kammaphala, 果業) tương thích, dựa vào các mẫu số chủ thể tác ý trong suốt đời sống cũ. Nguyên tắc hoạt động là như thế, cho nên rõ ràng nói con người cũ là không đúng, bởi sẽ có sự khác biệt ít nhiều về hình tướng, ngoại cảnh sống, v.v.

Nói chẳng phải con người cũ cũng không phảibởi cũng chính con người đó tạo tác để hình thành nên những kết quả của nghiệp (kammaphala, 果業), chứ không phải một ai khác, và nếu là ai khác thì họ cũng sẽ có những cơ cấu nghiệp khác nhau chứ không thể mặc nhiên có sự giống nhau được. Cho nên, chính chúng sinh đó tạo tác những suy nghĩ và việc làm với ba nghiệp qua nhiều nền tảng nên mới có các kết quả nghiệp, chứ không phải do thần linh, do ma quỷ nhúng tay vào, và đặc biệt không phải tự nhiên hay ngẫu nhiên mà có những nghiệp quả đó. Điều này đã được Đức Phật phân định rất rõ: “Tự mình, làm điều ác/ Tự mình làm nhiễm ô/ Tự mình không làm ác/ Tự mình mình làm thanh tịnh/ Tịnh, không tịnh tự mình/ Không ai thanh tịnh ai.[5] Do đó, nói không phải là con người cũ cũng không đúng là vậy. Đại đức Na Tiên chứng minh hai điều này qua ví dụ tiếp theo như sau:

Bệ hạ lúc còn là hài nhi, còn ẵm ngữa trong lòng quốc mẫu với bệ hạ bây giờ có khác gì nhau không?

- Khác chứ sao không! Hồi đó nhỏ dại mà bây giờ lớn khôn. Thân thể đã khác mà hiểu biết cũng khác nữa.

- Nếu đại vương nói thế thì không những bệ hạ khác mà mẫu hoàng, phụ hoàng, thầy dạy học của bệ hạ cũng khác nữa. Bần tăng nghi ngờ lắm. Nghi ngờ rằng, cha mẹ của bệ hạ bây giờ không phải là cha mẹ thuở xưa của bệ hạ. Phụ hoàng và thầy dạy học của bệ hạ cũng là người khác rồi. Một kẻ tội đồ, gây ác nghiệp cách đây mấy năm là một người khác, bây giờ bị cắt tay, cắt chân lại là một người khác nữa hay sao?

- Không phải thế! Ý trẫm không phải là vậy. Nếu là Đại đức thì Đại đức trả lời sao?

- Tâu đại vương! Bần tăng sẽ trả lời rằng, lúc còn bé nhỏ là bần tăng, mà lúc lớn lên cũng là bần tăng chứ không phải người khác. Cái thân có thay đổi từ bé, trung niên đến già lão, nhưng vẫn tồn tục một sinh mạng ấy thôi.[6]

Qua đó, chúng ta thấy rằng thân cũ và thân mới trong tái sinh tuy hai nhưng là một, tuy một nhưng là hai, không giống nhau nhưng cũng không khác nhau. Vì được kết nối với nhau qua sợi dây nghiệp, cho nên tiến trình của thân cũ và thân mới luôn có sự tiếp nối nhau, tương đồng về chủ thể tạo nghiệp (kamma mimmināti, 造業), nhưng có thể dị biệt ở kết quả nghiệp, bởi còn tùy thuộc vào sự thăng trầm của các nghiệp đã tạo để hình thành nên tổng số nghiệp mới (navakamma, 業買). Cho nên sau khi Đại đức Na Tiên xác nhận danh và sắc dẫn dắt chúng sinh đi tái sinh (paisandhi, 再生), nhà vua đã hoài nghi: “Nghĩa là danh sắc của con người cũ này sinh trở lại?.”[7] Và ngài Na Tiên đã trả lời: “Không phải vậy, tâu đại vương! Chính danh sắc này làm các việc thiện ác; và chính do năng lực của nghiệp thiện ác ấy mà một danh sắc khác kế tục được sinh ra để nhận lãnh quả phước hoặc tội đã tạo tác.[8] Nhà vua lại cho rằng: “Nếu danh sắc cũ mà không sinh trở lại, thì đời này làm ác, đời sau đâu có chịu tội báo? Và như thế có nghĩa là mình đã thoát khỏi luân hồi sinh tử sao?[9] Đại đức Na Tiên kết luận: “Không phải vậy, tâu đại vương! Chỉ có người không còn gây nhân thiện ác mới chấm dứt tái sinh, chứ nếu còn gây nhân thiện ác thì sẽ sinh trở lại để thọ nhận quả báo, vòng sinh tử vì thế sẽ tiếp nối mãi không ngừng. Danh sắc cũ và danh sắc mới cũng chính là mình đấy chứ không phải ai khác.[10]

Cho nên, sẽ luôn có sự kế tục giữa danh sắc (nāma rūpa, 名色) mới với danh sắc cũ, tuy nhiên sẽ còn tùy thuộc vào danh sắc cũ như thế nào mà có sự cộng trừ thích đáng để hình thành nên danh sắc mới. Thân cũ và thân mới trong tái sinh cũng như thế, cùng một chủ thể tạo tác thì không thể nói là hai được, nhưng còn tùy thuộc vào sự tác ý đó như thế nào thiện (kusala, ), bất thiện (akusala, 不善) hay trung tính mà đưa ra tổng đáp án (thân mới) tương thích, phù hợp nhất. Vì như đã nói ở trên, con người sống và tương tác rất nhiều vấn đề trong cuộc sống qua thân, khẩu, ý, cho nên tổng thể về kết quả nghiệp sẽ có sự khác biệt tùy vào mức độ sâu cạn của nghiệp đã tạo. Điều này cũng là đáp án cho một câu hỏi liên quan khác, đó là thân thể của người mới có giống như thân thể người cũ trong kiếp sống mới hay không? Câu trả lời là không, nhưng vẫn là có. Không bởi còn tùy theo tổng thể nghiệp tạo tác, và trong kiếp sống chúng ta tác ý rất nhiều vấn đề với nhiều loại cảm xúc, trạng thái tâm lý khác nhau, cho nên sẽ có sự khác biệt về thân thể, hoàn cảnh sống, môi trường sống thậm chí là cảnh giới. Như cơ thể của chúng ta trong kiếp sống này đây nó vẫn có khác biệt lúc mới sinh ra cho đến khi trưởng thành, rồi già chết (jarāmaraa, 老死). Có là bởi tuy khác biệt nhưng cũng chính đương sự đó tạo nghiệp chứ không ai khác vào đây, nên chính họ sẽ là người tái tục thọ lãnh nghiệp quả dẫu có sự khác biệt với thân thể cũ, bởi nghiệp là một cán cân nhân quả (hetu- edhati, 因果) rất công bằng: “Ví như sữa tươi, để lâu thành sữa chua, thành sữa đặc, thành sữa trong, v.v. Nói sữa tươi là sữa chua thì hẳn không đúng, nhưng nếu nói sữa chua không do sữa tươi mà ra thì sai. Tương quan thân lão và thân hài nhi là vậy, cho chí kiếp này qua kiếp kia cũng y như thế.[11]

Theo người viết, về các nhân quả thâm sâu của nghiệp báo (vipākakamma, 業報) chúng sinh trong ba kiếp quá khứ, hiện tại, vị lai, hay sự tác ý và trả nghiệp một cách chi tiết của chúng sinh với quá khứ và các kiếp quá khứ lâu xa như thế nào cho hiện tại và tương lai thì chỉ có Đức Phật và các bậc chứng đắc Thánh quả mới thực sự thấu triệt được gốc rễ. Chúng ta với sự hạn định của nhận thức chỉ có thể trình bày ở những mức độ cơ bản và tổng quan cần thiết nhất về tiến trình nhân quả của nghiệp thôi: “Nguyên nhân này kỳ lạ lắm, tâu đại vương! Chỉ có Bậc Toàn giác mới thấy rõ, biết rõ.[12]

Tóm lại, thân cũ và thân mới là một quan điểm rất sâu sắc bởi thứ nhất: Đó là sự nhất quán và chứng minh được rằng tái sinh (paisandhi, 再生) là nguyên lý luôn tồn tại, vận hành kiếp sống con người lên xuống khi chưa đạt đến cực hạn của hạnh phúc tức là sự giải thoát (vimutti, ). Điều này không những làm cho con người từ bỏ niềm tin vào học thuyết sáng thế, vào bàn tay của Thượng đế, các đấng thần linh sắp đặt, chi phối con người nói chung, mà quan điểm này còn giúp con người thấy rõ các hậu quả là động lực lớn lao cho sự tinh chỉnh các hành vi (ācarati, 行為), lời nói của bản thân phù hợp với nếp sống đạo đức (sukaa, 道德) cao thượng; cùng với đó còn giúp mỗi người biết sống có ý thức trách nhiệm với những sai lầm đã tạo, và tiến tới thêm một bước nữa là biết cải thiện và sửa đổi bản thân. Thứ hai, đây cũng là cơ hội để con người thực tập ứng dụng về nhận thức nhân quả, đạo đức trong lối sống nhằm tạo ra những mẫu số nghiệp thích ứng với các trạng thái bình an, hạnh phúc, và mồi đèn hạnh phúc đến mọi thành phần trong xã hội ngay trong đời sống hiện tiền một cách tốt nhất qua từng nhịp sống và giai đoạn ở hiện tại cũng như tương lai.

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc.[13]

 

 


 

[1] Kinh Mi Tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB.Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh, 2009, tr.123.

[2] Sđd., tr.123.

[3] Sđd., tr.123.

[4] Sđd., tr.124.

[5] Kinh Tiểu bộ - tập I, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2015, tr.65.

[6] Kinh Mi Tiên vấn đáp, Giới Nghiêm dịch, NXB.Phương Đông, TP.Hồ Chí Minh, 2009, tr.123-124.

[7] Sđd., tr.135.

[8] Sđd., tr.135.

[9] Sđd., tr.135.

[10] Sđd., tr.135.

[11] Sđd., tr.125.

[12] Sđd., tr.306.

[13] Sđd., tr.107.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác