Chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ XX và hiện nay

Chấn hưng Phật giáo ở thế kỷ XX

Chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX và hiện nay

Thích Hạnh Chơn

 

Phật giáo là một thực thể tồn tại bao gồm tổ chức và giáo pháp được chép thành kinh điển. Là một thực thể tồn tại nên Phật giáo chịu sự chi phối của quy luật thăng trầm, lúc phát triển, lúc suy tàn. Suốt chiều dài lịch sử Viêt Nam 2.000 năm qua, Phật giáo đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Gần đây nhất là cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, Phật giáo được cho là bị suy thoái nên dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra trên toàn quốc và trải qua thời gian dài hơn nửa thế kỷ. Ngày nay, khái niệm chấn hưng Phật giáo ít khi được nhắc đến trong quá trình duy trì Phật giáo. Dựa vào các mục tiêu chấn hưng được đưa ra trong thời gian chấn hưng Phật giáo thế kỷ XX, bài viết này đưa ra vài dẫn chứng để chứng minh rằng Phật giáo vẫn còn phải được tiếp tục chấn hưng để Phật giáo được duy trì và phát triển trong hiện tại và tương lai.

Bối cảnh xã hội và tình hình Phật giáo thế kỷ XX

Xã hội Việt Nam có nhiều biến đổi vào thế kỷ XX dẫn đến Phật giáo bị ảnh hưởng. Cuối thế kỷ XIX đến năm 1945, Việt Nam bị người Pháp đô hộ. Xã hội có nhiều biến động buộc người dân phải thay đổi để thích nghi. Nhiều tôn giáo cùng tồn tại nên phải cạnh tranh để duy trì và phát triển. Chữ Quốc ngữ dần thay thế chữ Hán và được sử dụng chính thức trong xã hội. Các phong trào chống Pháp thường xảy ra khiến cho đời sống người dân khốn khó thêm. Từ năm 1945 đến 1975, Việt Nam trải qua hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, cũng như nội chiến giữa Nam và Bắc.

Phật giáo trong giai đoạn lịch sử bất ổn nên bị ảnh hưởng nặng nề. Các tổ chức Phật giáo gọi là sơn môn pháp phái nhỏ lẻ rời rạc, không đủ mạnh để điều hành Phật giáo cả nước. Tăng Ni phần lớn không có môi trường để học tập dẫn đến không hiểu hay hiểu sai và thực hành sai lời dạy của Đức Phật. Tăng Ni ít người giỏi chữ Hán để có thể đọc kinh sách chữ Hán, trong khi kinh sách dịch sang chữ Quốc ngữ chưa có hoặc có rất ít. Vì tình trạng Tăng Ni không thông hiểu giáo pháp nên tín đồ không hiểu đạo, mê tín là điều dễ hiểu. Trong tình hình u tối đó, chư tôn đức nhiệt tâm muốn vực dậy nền Phật giáo nước nhà đã bắt đầu tìm cách chấn hưng Phật giáo.

Khái niệm chấn hưng Phật giáo được hiểu là tìm lại giá trị thật của Phật giáo và truyền bá giá trị ấy đến với nhiều người. Giá trị thật đó có thể khái quát: là nền đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng xã hội bình yên hạnh phúc, là giá trị giải thoát giúp con người thoát khỏi khổ đau.

Các nguyên nhân được nêu ra cần phải chấn hưng

Trước tình hình bất ổn của xã hội, Phật giáo cũng được cho là suy thoái. Các nhà khởi xướng chấn hưng Phật giáo đã đưa ra các nguyên nhân cần phải thực hiện thay đổi hay làm cho tốt hơn. Đó là các vấn đề liên quan đến Tăng Ni thất học, không nghiêm trì giới luật, thực hành mê tín, không dấn thân phụng sự xã hội…. Đó là vấn đề thiếu trường học để đào tạo Tăng tài; thiếu kinh sách bằng chữ Quốc ngữ; chưa có các tổ chức Phật giáo vững mạnh cùng hợp tác duy trì và phát triển Phật giáo; là tín đồ không hiểu giáo lý Đức Phật; thiếu nguồn tài chính để hoạt động.[1] Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác không đề cập trong bài viết này.

Các mục tiêu chấn hưng

Sau khi tìm ra các nguyên nhân khiến cho Phật giáo suy thoái, các nhà khởi xướng phong trào chấn hưng đã hoạch định kế hoạch, chương trình hành động. Nói cách khác, mục tiêu chấn hưng đã được đưa ra trong giai đoạn này có thể liệt kê như sau: Một là thành lập các tổ chức Phật giáo để hướng dẫn Tăng Ni và tín đồ thực hành đúng Chánh pháp. Hai là mở trường đào tạo Tăng tài có khả năng truyền bá Chánh pháp, dấn thân phụng sự xã hội. Ba là truyền bá lời Phật dạy đến với nhiều người gồm Tăng Ni, tín đồ và quần chúng để họ có điều kiện học và hành Chánh pháp. Bốn là xây dựng đoàn thể Tăng già trang nghiêm thanh tịnh. Năm là hạn chế, giảm thiểu vấn đề mê tín dị đoan trong môi trường Phật giáo.

Các thành tựu đạt được

Các mục tiêu chấn hưng Phật giáo được chư tôn đức đề ra trong thế kỷ XX về cơ bản đã hoàn thành. Thứ nhất, tổ chức Phật giáo toàn quốc đã được thành lập. Các hội Phật giáo ở ba miền cho đến tổ chức Phật giáo thống nhất là Tổng hội Phật giáo Việt Nam (1951) lần lượt ra đời.[2] Đến năm 1964, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được lập trên cơ sở thống nhất 13 tổ chức Phật giáo. Đây được xem là tổ chức Phật giáo thống nhất thật sự đến thời điểm ấy (1964). Tuy nhiên, đến năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập trên cơ sở thống nhất 9 tổ chức Phật giáo, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đây là Giáo hội Phật giáo duy nhất được công nhận hợp pháp tại Việt Nam cho đến nay.

Thứ hai, các trường Phật học đã được mở trên khắp ba miền. Vào giai đoạn đầu có các Phật học viện như: Phật học đường Nam Viêt, Huệ Nghiêm, Báo Quốc... Sau đó có Đại học Vạn Hạnh, các trường cao đẳng Hải Đức, Huệ Nghiêm, và nhiều trường Trung cấp Phật học. Hiện nay, Việt Nam có 4 trường đại học (học viện) Phật giáo, 35 trường trung cấp và nhiều lớp sơ cấp.[3]

Thứ ba, sự truyền bá Chánh pháp về lý thuyết và thực hành diễn ra khắp nơi trong cả nước. Sau khi các hội Phật giáo ra đời, các tạp chí Phật giáo như Viên Âm, Đuốc Tuệ… đã truyền tải giáo lý Phật giáo đến với nhiều người. Tiếp theo, tam tạng kinh điển (phần lớn) đã được dịch sang tiếng Việt. Sách báo được xuất bản khá nhiều. Bên cạnh đó, có nhiều giảng sư giảng trực tiếp. Nhiều clip về pháp thoại đã được xuất bản và được lưu trên mạng internet. Có thể nói về lý thuyết thì kinh sách và các clip pháp âm có thể đáp ứng nhu cầu mọi tầng lớp tín đồ.

Thứ tư, Tăng đoàn ngày càng được quản lý chặt chẽ hơn, có trình độ Phật học căn bản nhất định.

Thứ năm, mê tín dị đoan trong môi trường Phật giáo có lẽ là vấn đề khó nhận định nhất, bởi từ mê tín khó thống nhất trong nhận thức của mỗi người.

Các thành tựu đạt được từ phong trào chấn hưng đã giúp cho Phật giáo củng cố vị thế của mình trong xã hội và có tiếng nói nhất định trong việc góp phần ổn định và phát triển đất nước.

Chấn hưng Phật giáo hiện nay

Hiện nay Phật giáo có cần chấn hưng? Nếu xét mục tiêu chấn hưng ở giai đoạn thế kỷ XX như được nêu ở trên thì vẫn cần tiếp tục. Mục tiêu chấn hưng thế kỷ XX có đề cập vấn đề mê tín và thất học hay mù Phật pháp trong Tăng Ni và tín đồ. Thật sự thì ngày nay hai vấn đề ấy vẫn cần phải tiếp tục chấn hưng… bởi phần lớn tín đồ đã quy y vẫn chưa hiểu giáo lý cơ bản của Phật giáo và còn tin vào một số hình thức tín ngưỡng dân gian như phong thuỷ, tốt xấu, bùa chú. Vấn đề mù Phật pháp thì đã rõ nhưng vấn đề mê tín thì rất tế nhị và khó có tiếng nói thống nhất chung trong cộng đồng Phật giáo Việt Nam cho đến hiện tại.

Về tổ chức Giáo hội, chúng ta có Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất các tổ chức dưới sự quản lý hành chính của Giáo hội các cấp. Tuy nhiên, sinh hoạt Tăng sự vẫn còn phải tiếp tục chấn hưng. Cụ thể có rất nhiều Tăng Ni không sinh hoạt theo truyền thống Phật giáo, nghĩa là không sinh hoạt theo Giáo hội địa phương hay thậm chí là tông môn pháp phái qua hình thức hội họp bố-tát hàng tháng (theo luật là Tỷ-kheo phải sống trong một đại giới, tham gia yết-ma bố-tát…).

Nếu xét về mục tiêu của Phật giáo nói chung là đạt an lạc, Niết-bàn thì rất cần chấn hưng. Khi nào trong Phật giáo chưa có nhiều bậc chân tu, bậc thấy đạo để làm chỗ nương tựa cho tín đồ tu tập thì khi đó vẫn còn phải chấn hưng. Cái thiếu của Phật giáo hiện nay không phải là kinh sách, bài giảng mà là môi trường thực hành và pháp thực hành cụ thể.

Phật giáo cần xác định rõ pháp hành cụ thể nào có thể ứng dụng trong đời sống để chuyển hóa phiền não, để tâm được an lạc. Ví dụ pháp hành của Tăng đoàn Làng Mai, của Tăng đoàn của Thiền sư Thanh Từ, của Đạo tràng Pháp Hoa, của các Tổ sư Trung Hoa… Trước mắt, cần đánh giá xem Tăng Ni tại các trường Phật học ứng dụng pháp hành nào và kết quả ra sao thông qua hành vi ứng xử, sinh hoạt trong đời sống hằng ngày của họ.

Tín đồ hiện nay phần lớn vẫn nặng về phần tín ngưỡng. Trừ một vài thành phố lớn, Phật giáo tại các tỉnh hầu như vẫn phục vụ tín ngưỡng là chính và đó cũng là nguồn sinh hoạt của các chùa. Tín đồ đến các chùa thường là lưu động từ chùa này qua chùa kia để tham gia khoá tu hay sự kiện nào đó họ thích. Các chùa vẫn có giảng pháp nhưng tín đồ sau khi quy y thường đến chùa khi có hữu sự chứ không phải thường xuyên mỗi tháng hai hay một lần để nghe pháp. Tín đồ đến chùa thường tư vấn các vấn đề liên quan tín ngưỡng, tốt xấu… hơn là hỏi pháp. Từ đó, Tăng Ni phải kiêm phần việc gọi là tà mạng để đáp ứng nhu cầu quần chúng nhằm đưa họ về chùa.

Lại nữa, nhu cầu mời Tăng Ni về cúng lễ tang, thất tuần, chẩn tế cô hồn… buộc Tăng Ni phải dành thời gian để học các nghi thức ứng phó đạo tràng nhằm đáp ứng nhu cầu ấy. Cuối cùng, khó có các chùa tồn tại chỉ thuần học và hành giáo pháp trừ một số thiền viện. Niềm tin vào Tam bảo, vào Đức Phật hay Bồ-tát vẫn chưa đủ để tín đồ bỏ các tín ngưỡng mà nhiều người cho là mê tín. Do đó, giảng dạy giáo pháp cho tín đồ và giúp họ tu tập cũng như hướng họ có niềm tin vào Chánh pháp là điều tiếp tục cần thực hiện cho đến khi nào đạt kết quả.

Lời kết

Chấn hưng Phật giáo theo nghĩa là tìm lại giá trị đích thực của Phật giáo thì vẫn luôn cần tiếp tục. Tăng đoàn vẫn cần tiếp tục củng cố để sản sinh ra nhiều bậc cao Tăng, bậc Thánh làm nơi nương tựa cho tín chúng. Giáo pháp của Đức Phật bao la nhưng cần phải hệ thống cụ thể để làm tiêu chuẩn căn cứ, tránh tình trạng tự do tùy tiện diễn giải. Các hệ phái, các tự viện cần phát huy khả năng truyền bá giáo pháp, phát triển tín đồ nhưng cần tránh tình trạng cạnh tranh lôi kéo tín đồ sẵn có từ các chùa khác bằng các chiêu thức lôi kéo.

Muốn vậy, Giáo hội cần củng cố vai trò của mình là cung cấp các kịch bản phương pháp tu tập chung cho các chùa để họ chọn lựa áp dụng. Một khi đến chùa nào tín đồ cũng có thể thực hành, cũng có thể đạt an lạc thì họ không cần phải nhọc công tìm kiếm chỗ này chỗ kia, trừ khi họ đến vì nhu cầu tín ngưỡng. Ví dụ họ chọn tu theo pháp môn Làng Mai thì dù ở bất cứ nơi đâu họ vẫn thực hành theo kịch bản ấy và họ có thể đạt kết quả như nhau nếu thực hành đúng kịch bản.

 

 

 

 


 

[1] Xem Dương Thanh Mừng, Phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Trung Việt Nam, Đà Nẵng: NXB.Đà Nẵng, 2018, tr.58-68.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sluận, tập 3, Hà Nội: NXB.Văn Học, 1994, tr.321, 495.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác