Bồ-tát Văn Thù trong các kinh Phương Đẳng

bo tat van thu

BỒ-TÁT VĂN THÙ TRONG CÁC KINH PHƯƠNG ĐẲNG

Miroj Sakya[1] - Nghiệp Đức dịch

Giới thiệu

Bồ-tát Văn Thù (Mañjuśrī) được gọi là “Pháp vương tử” bởi vì trí tuệ thâm sâu của Ngài.[2] Về hình tượng, Bồ-tát Văn Thù được mô tả nắm thanh gươm trí tuệ trong tay phải và một hoa sen trong tay trái.[3] Tất cả những thuộc tính của Bồ-tát Văn Thù đều nhằm vào trí tuệ mà Ngài hiện thân.[4] Văn Thù được đề cập trong nhiều bản kinh Đại thừa chẳng hạn như Bát-nhã, Pháp hoaHoa nghiêm. Tuy nhiên, trong kinh tạng Pāli, Ngài không được đề cập đến. Bởi vì những hạnh nguyện của mình, Ngài trở thành một vị Bồ-tát vô cùng quan trọng và phổ biến ở Đông Á và ở những khu vực theo Phật giáo Đại thừa ở Ấn Độ, Nepal và Bhutan. Chi-lâu-ca-sấm (Lokakena) đã dịch những bản kinh Đại thừa liên quan đến Ngài sang Hán ngữ vào cuối thế kỷ II Tây lịch,[5] đó là Đạo hành bát-nhã (Aṣṭasahasrikā Prajñāpāramitā Sūtra, T. 224), Văn Thù Sư Lợi vấn Bồ-tát thự kinh (T. 458), Đồn-chân-đà-la sở vấn Như Lai tam muội kinh (Drumakinnararāja Paripccha Sūtra, T. 624), Phật thuyết nội tàng bách bảo kinh (Lokānuvartana Sūtra, T. 807), Đâu sa kinh (T. 280), và Phật thuyết A-xà-thế vương kinh (Ajataśatru Kauktyavinodana Sūtra, T. 626).[6]

Ở Trung Quốc, kinh Văn Thú Sư Lợi Phật độ nghiêm tịnh kinh (Mañjuśrī Buddhaketraguavyūha Sūtra) được dịch vào cuối thế kỷ III[7] và kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdeśa Sūtra) được dịch vào khoảng thế kỷ VI.[8] Ở bản kinh sau, Văn Thù có những đối thoại sâu sắc với vị Bồ-tát tại gia Duy Ma Cật.

Paul Williams cho rằng tín ngưỡng thờ Văn Thù bắt đầu ở Trung Á (Khoān?), hay thậm chí ở Trung Quốc, vào những thế kỷ đầu Tây lịch. Ngũ Đài sơn, trú xứ của Bồ-tát Văn Thù ở Trung Quốc đã trở thành một địa điểm hành hương quan trọng.[9] Từ thế kỷ IV TL, đây là trung tâm chính thờ phụng Bồ-tát Văn Thù ở đất nước này.[10] Vào thời nhà Đường, tín ngường thờ Bồ-tát Văn Thù thịnh hành với sự ủng hộ của những nhà lãnh đạo Hoa Nghiêm tông.[11]

Ngài Bất Không Kim Cương (Amoghavajra, 705-774), người đã dành trọn đời để truyền bá việc thờ phụng Bồ-tát Văn Thù vào thời Đường,[12] là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc. Ngài là một dịch giả lớn, một người giỏi nghi lễ, và là thầy của ba vị hoàng đế.[13] Ngài cũng truyền bá Mật giáo ở Trung Quốc và đã thành lập Kim Các tự trên núi Ngũ Đài.[14] Phần lớn nhờ nỗ lực của ngài mà tín ngưỡng thờ Bồ-tát Văn Thù đã trở thành việc thờ phụng chung của Trung Quốc vào cuối triều nhà Đường.[15]

Trong Phật giáo Đại thừa, Bồ-tát là con người lý tưởng, bậc tu tập nhằm chứng đắc Phật quả và phát thệ nguyện cứu giúp tất cả chúng sinh, và như vậy là một vị Phật sẽ thành.[16] Những vị Bồ-tát đã đạt được sở chứng cao được xem là những bậc có sức mạnh lớn, bao gồm sức mạnh cứu độ. Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền, Di Lặc, Quan Âm… là những bậc Bồ-tát như vậy.[17]

Có nhiều bản kinh liên quan đến Bồ-tát Văn Thù được tìm thấy trong Hán tạng, trong khi không có nhiều bản kinh bằng tiếng Sanskrit còn tồn tại khi nhiều bản kinh bằng ngôn ngữ này đã bị thất lạc hoặc bị tiêu hủy sau khi Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ. Hiện tại, không có một tạng kinh Phật hoàn chỉnh bằng tiếng Sanskrit, nhưng một số bản kinh Đại thừa bằng tiếng Sanskrit đã được tìm thấy ở những khu vực khác nhau như Nepal, Tây Tạng, Gilgit và những nơi khác.[18] Hầu hết chúng được phát hiện ở Nepal, và về phương diện lịch sử chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và lưu truyền phần cốt lõi của văn học Sanskrit Phật giáo. Viện Mathilā đã xuất bản một số bản kinh Phật bằng tiếng Sanskrit này.[19] Nhiều viện hay nhóm khác, chẳng hạn như Central Institute of Higher Tibetan Studies (ở Sāranāth), Viśva Bhāratī Śānti Niketan, Kaukhambā Sanskrit Sasthān, và Oriental Institute Barodā cũng đã xuất bản những bản kinh Sanskrit này.

Những bản kinh Sanskrit này đã được công chúng biết đến sau khi Brian Houghton Hodgson, một công sứ người Anh ở Nepal,[20] phát hiện và phổ biến chúng đến các học giả phương Tây. Số kinh mà ông phát hiện ước đoán khoảng 381 cuốn, bao gồm 200 bản sao chép những bản viết tay được gửi đến các học giả phương Tây.[21]

Có chín bản kinh Đại thừa tạo thành tập hợp những bản kinh Phật quan trọng nhất ở trong Phật giáo Newār và được gọi là Chín Pháp. Chúng bao gồm: Bát-nhã (Prajñāpāramita), Hoa nghiêm (Gaṇḍavyūha), Thập địa (Daśabhūmīka), Chánh định vương (Samādhirāja), Lăng-già (Lākāvatāra), Pháp hoa (Saddharmapudarīka), Như Lai tạng (Tathāgataguhyaka), Phổ diệu (Lalitvistara), và Kim quang minh (Suvaraprabhāsa).

Chín bản kinh Đại thừa này là những bản kinh chính của Phật giáo Newār và vẫn được thờ phụng ở Nepal ngày nay. Chúng được xem là tạng kinh của một dòng truyền thừa đặc biệt. Nhưng theo J.K. Nariman, vai trò của chúng không gì hơn vai trò của một tạng kinh trong Phật giáo Newār.[22] Chín bộ kinh Phương đẳng (Vaipulya) này, được xem là những bản kinh căn bản của Phật giáo Newār, là những bản kinh chính nói về truyền thống Bồ-tát.

Brian Hodgson cho rằng, “Vaipulya bàn về một số loại pháp (dharma) và artha, tức là về những cách thức khác nhau trong việc đạt được những điều tốt trong cuộc đời này và đời vị lai.”[23] Tuy nhiên, theo Nariman, “Chín Pháp này không phải kinh điển của riêng bất kỳ bộ phái nào, mà một loạt những cuốn kinh được kiết tập vào những thời kỳ khác nhau và thuộc về những tông phái khác nhau, mặc dù tất cả chúng rất được kính trọng ở Nepal ngày nay.”[24]

Không hề có ghi chép cụ thể nào cho biết thời điểm chính xác các bản kinh Đại thừa được truyền đến thung lũng Kathmandu. Về phương diện lịch sử, sự có mặt đầu tiên của những bản kinh không thuộc truyền thống Thượng tọa bộ có niên đại vào thời kỳ Kanika[25] (132-152).[26] Akira Hirakawa chỉ ra rằng “Mặc dù sự truyền bá Phật giáo đầu tiên đến Trung Quốc có thể xảy ra vào khoảng đầu Tây lịch, những tác phẩm Phật giáo không được chuyển dịch sang Hán ngữ mãi cho đến khoảng một thế kỷ sau.”[27] Nhưng không có bằng chứng rằng liệu những bản kinh được truyền đến Trung Quốc vào thời bấy giờ có phải là những bản kinh Đại thừa hay không. Một trong những công trình được biết đến đầu tiên là bản dịch 14 bộ kinh thành 27 tập, bao gồm Đạo hành bát-nhã kinh (T. 224. Aṣṭasahasrikā Prajñāpāramitā Sūtra) được dịch bởi Chi-lâu-ca-sấm (Lokaema?), người đến Trung Quốc từ Kuṣāa.[28] Hirakawa cũng nói rằng “Bởi vì Chi-lâu-ca-sấm đến Trung Quốc sớm hơn, những bản kinh gốc mà những bản dịch của ông dựa vào có thể có niên đại từ thời Kuāa, một thời điểm trước năm 150 TL.”[29]

Theo sử gia Taranatha người Tây Tạng sống vào thế kỷ XVI, Thế Thân (Vasubandhu), một vị thầy nổi tiếng người Ấn Độ sống vào thế kỷ V[30], vào cuối đời mình đã cùng với một ngàn vị giáo thọ (ācārya) đi đến Nepal. Ngài được cho đã thành lập những trung tâm Phật giáo ở Nepal và truyền bá Phật pháp cho những người địa phương.[31] Ngài cũng được cho là đã dạy Uṣṇiavijaya Dhāraī cho các đệ tử của mình và sống phần đời còn lại ở Nepal. Đệ tử của ngài đã xây dựng một bảo tháp để tưởng niệm ngài.[32] Khi đến Nepal, theo quan điểm của tôi, ngài hẳn mang theo những bản kinh Phật đã có mặt ở Ấn Độ và có khả năng rằng nhiều bản kinh từ Ấn Độ đã đến Nepal vào thời Thế Thân.

Sau sự sụp đổ của vương triều Pāla và Sena ở Ấn Độ, Phật giáo bị các giáo phái phi Phật giáo ở Ấn Độ kìm hãm, và chín bản kinh này biến mất ở Ấn Độ. Nhưng ở Nepal, chúng được bảo tồn cùng với những bản kinh Đại thừa khác được viết bằng tiếng Sanskrit.[33] Nhưng vì Kathmandu không có truyền thống lưu giữ những ghi chép các bản kinh này, chúng ta không thể biết chính xác niên đại những bản kinh này được truyền đến Nepal. Tuy nhiên, những Phật tử Newār có truyền thống đọc tụng và sao chép những bản kinh này và nhờ đó đã bảo tồn chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Họ thờ phụng và dâng hương hoa đến các bản kinh trong khi tụng đọc vào các buổi lễ Aṣṭamī Vrata, Vasundharā Vrata, Tārā Vrata và những lễ hội khác từ thời xưa ở thung lũng Kathmandu.[34] Những Phật tử Newār thường giữ chín bộ kinh này như giữ những báu vật ở trong nhà và tụng đọc chúng với lòng tôn kính. Bên cạnh, việc bảo trợ cho những hoạt động như sao chép và tụng đọc, và thực hiện những buổi thuyết giảng chúng, được xem là tạo nên phước đức lớn.[35]

Như đã nói ở trước, những bản kinh Đại thừa này có mặt ở phương Tây vào thế kỷ XIX nhờ vào Hodgson, người vào năm 1824 đã phát hiện nhiều tuyển tập về chín bản kinh.[36] Nơi ba trong chín bản kinh, Bồ-tát Văn Thù được đề cập một cách nổi bật. Ba bản kinh này là Bát-nhã, Pháp hoaHoa nghiêm. Trong khi kinh Kim quang minh chỉ đề cập tên của Ngài mà không trình bày thêm những chi tiết liên quan khác.

Một bản kinh khác có đề cập đến Bồ-tát Văn Thù là Như Lai tạng kinh. Bản kinh này hầu như được tìm thấy với tên gọi Tam nghiệp bí mật kinh (Guhyasamaja Tantra), nhưng nó không được xem là một bản kinh độc lập bằng tiếng Sanskrit. Mặc dù những học giả hiện đại xem bản kinh này là Tam nghiệp bí mật kinh, theo Benoytosh Bhattachrya, Tam nghiệp bí mật kinh cũng được gọi là Như Lai tạng kinh.[37] Tuy nhiên, Mauricie Winternitz không đồng ý rằng Như Lai tạng kinh Tam nghiệp bí mật kinh có cùng tên gọi. Ông nêu vấn đề rằng Như Lai tạng kinh mà nó được trích trong Tập Bồ-tát học luận (Śikāsamuccaya) thì khác với Tam nghiệp bí mật kinh.[38] Nhưng Bồ-tát Văn Thù được đề cập trong Tam nghiệp bí mật kinh. Trong bản kinh này, “Vị Bồ-tát nổi tiếng Văn Thù được đề cập bốn lần là Mañjusrī và ba lần là Mañjuvajra, đồng thời cho thấy sự phổ biến của vị Bồ-tát trí tuệ này.”[39]

Bồ-tát Văn Thù trong kinh Bát-nhã

Kinh Đạo hành bát-nhã là bản kinh phổ biến nhất trong các Phật tử Newār và việc tụng đọc nó là một trong những thực hành phổ biến nhất tại các tu viện của Phật giáo Newār ở ba thành phố Lalitpur, Kathmandu và Bhaktapur ở thung lũng Kathmandu. Hầu hết các tu viện đều có bản kinh này trong chánh điện hay ở trong thư viện. Tại đại tinh xá Hirayavara ở Lalitpur, có một bản sao kinh Đạo hành bát-nhã được viết bằng mực vàng. Nó vẫn được những vị thầy Kim cương thừa (Vajrācārya) thờ phụng và tụng đọc quanh năm.[40] Trong những bản kinh Đại thừa sơ kỳ nói về trí tuệ Bát-nhã như kinh Đạo hànhPhóng quang (Pañcaviśatisāhasrikā), tên của Bồ-tát Văn Thù thỉnh thoảng xuất hiện, nhưng Ngài không giữ vai trò nổi bật. Tuy nhiên, Bồ-tát Văn Thù giữ vai trò chính trong kinh Thất bách tụng bát-nhã (Saptasatika Prajñāpāramitā Sūtra).

Thất bách tụng bát-nhã, cũng được gọi là Văn Thù vấn kinh (Mañjuśrīparivarta), bao gồm 700 bài kệ được viết theo thể văn xuôi. Bản kinh này được Giuseppe Tucci biên tập và xuất bản ở Rome vào năm 1923. Nó cũng được J.Masuda biên tập vào năm 1930 và được công bố nơi chuyên sản của Đại học Taisho, ở các tập VI-VII, phần II, Tokyo, 1930.[41] P.L.Vaidya đã chọn bản của Masuda cho ấn bản của mình được công bố nơi Mahāyābasūtra Sagraja, phần 1, 1961. Edward Conze đã dịch bản của Masuda ở trong tác phẩm của ông, Short Prajñāpāramitā Texts, vào năm 1973. Thất bách tụng bát-nhã cũng có bản Hán ngữ. Bản dịch Hán ngữ đầu tiên kinh này có niên đại 502-552 TL,[42] cho thấy rằng nó đã phổ biến vào thế kỷ VI.

Trong Thất bách tụng bát-nhã có một cuộc đối thoại thú vị bao gồm hai phần. Phần đầu, giảng giải về phước điền, bao gồm một cuộc đối thoại giữa Văn Thù, Xá Lợi Phất và Đức Phật Thích Ca ở Vá Vệ, tại vườn của ông Câp Cô Độc ở tinh xá Kỳ Viên.[43] Đức Phật, Xá Lợi Phất đã đặt những câu hỏi và Văn Thù đã trả lời bằng việc giải thích những thuật ngữ triết học thâm sâu chẳng hạn như bất sinh (anutpāda), chân như (tathatā) cũng như việc phát triển và khai mở trí tuệ viên mãn. Ngài mô tả học thuyết vô hữu (asat) và cho rằng chữ “Phật” thực sự đồng nghĩa với vô sinh. Ngài cũng nói rằng ngã và chư Phật có cùng nghĩa và do đó giác ngộ không tồn tại cũng không không tồn tại. Giác ngộ được cho là giống với sự vô hữu của tất cả pháp.[44] Trong khi họ thảo luận, quả đất bỗng nhiên rúng động và Ananda đã hỏi Đức Phật lý do. Đức Phật bấy giờ đã thuyết giảng về pháp có tên gọi là Khai diễn về phước điền.[45]

Ở phần hai của bản kinh, Văn Thù thảo luận với thính chúng về chủ đề làm cách nào nhập vào Vô tưởng định. Đại Ca Diệp tham gia thảo luận với họ và Đức Phật đã dạy họ về những đặc điểm và tính ưu việt của trí tuệ Bát-nhã. Đức Phật nói rằng pháp chỉ có một vị duy nhất đó là “vị vô sinh, vô hữu, tự tại và giải thoát”.[46]

Bồ-tát Văn Thù trong kinh Hoa nghiêm

Kinh Hoa nghiêm là một bản kinh vô cùng phổ biến ở Nepal cũng như ở Trung Quốc. Bản viết tay cổ xưa nhất bằng tiếng Nepal của bản kinh này thuộc về Hội Royol Asiatic Society of Great Britain and Northern Island, London. Nó là một bản chép tay trên lá bối và có niên đại 286 TL.[47] Bản kinh này cũng được xem là một phần của bản kinh Hoa nghiêm (Avatasaka) lớn hơn. Trong kinh này, Văn Thù được tôn vinh là người có thể giúp một người phát tâm Bồ-đề đạt được giác ngộ viên mãn. Và ở đây câu chuyện về con trai một vị thương nhân được thuật lại: “Chàng thanh niên này có tên là Thiện Tài do sự việc rằng ngay sau khi chàng trai hạ sinh, cha của chàng đã bất ngờ trở nên giàu có.”[48] Bấy giờ Thiện Tài phát tâm tìm cầu giác ngộ. Ở câu chuyện này Bồ-tát Văn Thù đóng chức năng như một vị thiện tri thức (kalyāamitra) của Thiện Tài, bằng việc trao cho chàng trai những lời khuyên cụ thể và thực tiễn. Như vậy, Văn Thù giữ một vai trò nổi bật trong kinh Hoa nghiêm, đặc biệt ở phần cuối, Gaṇḍavyūha.

Ở câu chuyện này, Bồ-tát Văn Thù sau khi đảnh lễ Đức Phật đã rời tịnh xá Kỳ Viên, rồi cùng với Xá Lợi Phất và những Tỷ-kheo khác đi về hướng Dakiapatha.[49] Bấy giờ, Xá Lợi Phất và những Tỷ-kheo khác thấy được sức mạnh vi diệu của Bồ-tát Văn Thù. Sau đó, khi ở trong hội chúng, Xá Lợi Phất đã thể hiện mong muốn đạt được sức mạnh giống như Bồ-tát Văn Thù. Bấy giờ Bồ-tát Văn Thù trả lời các vị Tỷ-kheo rằng các thiện nam tử và thiện nữ nhân có thể thực hành mười nguyên tắc để phát khởi tâm Bồ-đề và đi vào Như Lai địa (Tathāgatabhūmi).[50]

Bồ-tát Văn Thù nhấn mạnh rằng sự thực hành của Bồ-tát có thể thành tựu với mười nguyên tắc này, và một hành giả cuối cùng sẽ đạt được Phật quả.[51] Ngài cũng dạy những vị Tỷ-kheo này phát triển tâm Bồ-đề và thực hành những thệ nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền. Chúng lần lượt là thanh tịnh thân, khẩu, ý và đạt được sức mạnh vi diệu thông qua thiền định và trí tuệ. Sau khi thiết lập những vị Tỷ-kheo này vào con đường giác ngộ viên mãn, Bồ-tát Văn Thù đi đến thành phố có tên Dhanyakara ở phía Nam.[52]

Bồ-tát Văn Thù sau đó đi đến thành phố Dhanyakara, ở đó có năm trăm người tập họp sẵn đề chào đó Ngài. Trong số họ có con trai của một vị thương nhân tên là Thiện Tài.[53] Bồ-tát Văn Thù nhìn Thiện Tài[54] và nhận thấy rằng chàng trai này có thể đạt được trí tuệ của một vị Bồ-tát và phát triển tâm Bồ-đề. Sau đó Bồ-tát Văn Thù thuyết giảng cho Thiện Tài cùng những người khác[55] và ra đi. Tuy nhiên, sau khi nghe Bồ-tát Văn Thù giảng về những phẩm tính của Phật quả, Thiện Tài đã theo Ngài với mong muốn đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttara samyak sambodhi). Bồ-tát Văn Thu đọc một bài kệ để tán thán Thiện Tài.[56]

Bồ-tát Văn Thù sau đó đã trả lời câu hỏi của Thiện Tài về cách thực hành Bồ-tát đạo và Ngài nói với Thiện Tài rằng phương pháp tốt nhất để thực hành Bồ-tát đạo là gặp những vị thiện hữu trí thức.[57] Thiện Tài lại hỏi Bồ-tát Văn Thù những câu hỏi khác: Chúng con nên học Bồ-tát đạo như thế nào? Chúng con có thể duy trì và thực hành những nguyên tắc mà chúng con đã học được như thế nào? Sau đó, bằng những bài kệ, Bồ-tát Văn Thù đã trả lời rằng Thiện Tài nên thực hành những thệ nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền để có thể nhanh chóng làm lợi ích bản thân cùng người khác và đạt được giác ngộ viên mãn.[58] Ngài nói rằng Thiện Tài nên tìm gặp các thiện hữu tri thức nếu chàng muốn biết thêm về việc tu tập chứng đắc giác ngộ; chàng trai nên lắng nghe những vị thiện tri thức; không nên nhận lời dạy của một vị thiện tri thức theo một cách thức tiêu cực; và cũng không nên phê phán phương tiện thiện xảo và tính cách của những vị thiện tri thức đó.[59] Sau đó Bồ-tát Văn Thù khuyên Thiện Tài nên đi đến một nơi được gọi là Ramavanta ở phía Nam.

Ở Ramavanta có một ngọn núi có tên gọi là Sugrīva. Ở đó có một vị Tỷ-kheo tên là Đức Vân (Meghaśrī) đang sống. Bồ-tát Văn Thù khuyên Thiện Tài nên đến gặp Đức Vân và học cách thực hành Bồ-tát đạo.[60] Sau đó Bồ-tát Văn Thù khuyên Thiện Thài thực hành những hạnh nguyện của Bồ-tát Phổ Hiền.[61] Vâng theo lời Bồ-tát Văn Thù, Thiện Tài đã đến gặp Tỷ-kheo Đức Vân. Bản kinh tiếp tục với hành trình của Thiện Tài trong việc tìm gặp những vị thiện tri thức khác nhau. Chàng trai đi đến 110 thành phố và sau đó quay trở lại thành phố Sumanamukha để gặp lại Bồ-tát Văn Thù.[62] Bằng việc làm theo những hướng dẫn và lời khuyên của Bồ-tát Văn Thù, cuộc đời của Thiện Tài đã hướng thẳng đến con đường giác ngộ. Như vậy, bản kinh này đã đề cao những hành hoạt của Bồ-tát Văn Thù và sự đóng góp của Ngài đối với việc tầm đạo của Thiện Tài.

Bồ-tát Văn Thù trong kinh Pháp hoa

Kinh Pháp hoa cho đến nay là bản kinh phổ biến và nổi tiếng nhất ở trong những truyền thống theo Phật giáo Đại thừa. Kinh Pháp hoa là bản kinh chính của Thiên Thai tông ở Trung Quốc và Nhật Liên tông (Nichiren) ở Nhật Bản.[63] Bản kinh cũng được xem là một trong Chín Pháp của Phật giáo Nepal. Có những phiên bản kinh Pháp hoa khác nhau bằng tiếng Sanskrit. H.Kern và B.Nanjio đã công cố phiên bản kinh này trong Bibliotheca Buddhica, vào năm 1908-1912 ở Nga. Có sáu bản chép tay bằng chữ Devanagari đã được sử dụng cho phiên bản này: hai từ London, hai từ Cambridge, một từ Nepal, và một bản chép tay của Watters, cựu lãnh sự người Anh ở Formosa. Phiên bản này cũng sử dụng một số đoạn được phát hiện ở Kashgar và Trung Á.[64]

Ba bản dịch Hán ngữ sớm hơn có niên đại 255, 270 và 386 TL hiện không còn. Hiện có ba bản dịch Hán ngữ, và theo danh mục Nanjio (南条文雄) ký số của chúng là 138, 134 và 139. Trong số đó, bản dịch của Cưu-ma-la-thập (số 134 theo danh mục Nanjio)[65] là bản phổ biến nhất.[66] Bản khác (số 138 theo danh mục Nanjio) do Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn (265-316). Bản dịch Hán ngữ thứ ba do Xà-na-quật-đa (Jñānagupta) và Pháp Tạng (Dharmagupta) thực hiện vào năm 601 (số 139 theo danh mục Nanjio).[67] Bản kinh này cũng được dịch sang Tạng ngữ, do Surendrabodhi và Snam-man Ye-śes-sde thực hiện (số 113 theo danh mục Tohoku).[68]

Bồ-tát Văn Thù xuất hiện nhiều lần trong bản kinh này. Ở phẩm 1, có một cuộc đối thoại giữa Bồ-tát Văn Thù và Di Lặc về lý do có nhiều tia sáng mầu nhiệm phát ra từ lông mày của Đức Phật.[69] Văn Thù giải thích lý do cho Di Lặc và toàn thể hội chúng Bồ-tát:

Chư vị thiện nam tử, theo tôi suy xét thì Đức Thế Tôn hiện muốn nói Chánh pháp vĩ đại, đổ mưa Chánh pháp vĩ đại, thổi loa Chánh pháp vĩ đại, đánh trống Chánh pháp vĩ đại, diễn nghĩa Chánh pháp vĩ đại.[70]

Bồ-tát Văn Thù tiếp tục giải thích rằng Như Lai phóng ra những tia sáng vi diệu như vậy từ thân của Ngài với ý muốn khai mở Chánh pháp. Bồ-tát Văn Thù cũng nói rằng Ngài đã chứng kiến chư Như Lai trong quá khứ đã phát ra những tia sáng rực rỡ như vậy trước khi bắt đầu thuyết pháp. Ngài nhắc lại rằng trong nhiều kiếp quá khứ, có một vị Phật tên là Nhật Nguyệt Đăng Minh (Candrasūtrapradīpa) ra đời đã dạy Chánh pháp khiến cho vô số chúng sinh đạt được giác ngộ tối thượng.[71] Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh lúc còn sống đời thế tục đã có tám người con. Tên của họ là Hữu Ý, Thiện Ý, Vô Lượng Ý, Bảo Ý, Tăng Ý, Trừ Nghi Ý, Hướng Ý và Pháp Ý. Nhật Nguyệt Đăng Minh sau đó xuất gia và chứng đắc giác ngộ. Khi nghe phụ hoàng xuất gia, tám vị vương tử cũng xuất gia theo.[72] Khi Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thuyết giảng pháp Đại thừa có tên Nghĩa vô lượng, bấy giờ có một trận mưa hoa và những tia sáng phát ra từ chùm lông trắng giữa hai chân mày Ngài, chiếu soi mười tám ngàn cõi Phật.[73] Bấy giờ, trong hội chúng có một vị Bồ-tát tên là Diệu Quang (Varaprabha). Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đã dạy kinh Diệu pháp liên hoa cho Diệu Quang trong 60 tiểu kiếp.[74] Sau đó Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đã nhập Niết-bàn, và Bồ-tát Diệu Quang giữ trách nhiệm giảng kinh Diệu pháp liên hoa Ngài đã giảng giải kinh này trong 80 tiểu kiếp. Tất cả tám vị vương tử của Nhật Nguyệt Đăng Minh đều trở thành đệ tử của Diệu Quang. Trong số h, vị vương tử út trở thành Phật có tên gọi là Nhiên Đăng (Dīpakara). Bồ-tát Văn Thù kết luận bằng việc nói với Di Lặc rằng Bồ-tát Diệu Quang chính là Ngài chứ không ai khác.[75]

Phẩm 12 đề cập đến một hoạt động quan trọng khác của Bồ-tát Văn Thù. Bồ-tát Trí Tích (Pranjñākua) đã hỏi Bồ-tát Văn Thù đã giáo hóa được bao nhiêu chúng sinh ở long cung.[76] Khi ấy Bồ-tát Văn Thù trả lời rằng “Số lượng ấy vô lượng, không thể tính kể, không thể miệng nói hay trí lường mà biết được”.[77] Bồ-tát Văn Thù nói chưa xong thì có vô số hoa sen từ biển vọt lên. Sau đó bản kinh nói:

Trên những hoa sen này có vô số Bồ-tát ngồi trên đó, họ tụ hội trong không trung và cùng đi đến Linh Sơn. Các vị Bồ-tát này đều do Bồ-tát Văn Thù hóa độ, hoàn bị phong cách Bồ-tát, và cùng luận thuyết sáu pháp ba-la-mật.[78] Gốc của các vị này là Thanh văn, ở trong không gian mà nói về việc làm Thanh văn, nhưng nay thì ai cũng thực hành nguyên lý Không của Đại thừa.

Ở phẩm XII, Bồ-tát Văn Thù nói với Bồ-tát Trí Tích rằng Ngài đã thuyết kinh Pháp hoa dưới long cung. Kết quả, con gái của Long vương tên là Sāgara, mặc dù chỉ mới tám tuổi, đã hiểu được tất cả pháp.[79] Bồ-tát Văn Thù nói rằng công chúa của Long vương đạt được giác ngộ viên mãn nhưng Trí Tích nghi ngờ và hỏi: Làm thế nào con gái của Long vương có thể đạt được giác ngộ? Vào lúc đó, con gái của Long vương xuất hiện trước hội chúng và đảnh lễ Đức Phật.[80] Sau đó Xá Lợi Phất nói với cô rằng, việc cô nói đạt được tuệ giác vô thượng một cách nhánh chóng thì thật sự khó tin, bởi vì có năm điều mà thân một người nữ không thể đạt được,[81] đó là:

1. Không thể làm Phạm thiên.

2. Không thể làm Đế Thích.

3. Không thể làm Ma vương.

4. Không thể làm Chuyển luân thánh vương.

5. Không thể làm Phật.[82]

Khi ấy con gái của Long vương dâng một viên châu lên Đức Phật với mong muốn sớm đạt được giác ngộ. Vào ngay lúc đó, cô chuyển từ thân nữ sang thân nam, có đầy đủ tư cách Bồ-tát và rời khỏi thế giới Vô cấu ở phương Nam và ngự trên một đài sen quý, theo đó chứng đắc giác ngộ.[83]

Bồ-tát Văn Thù trong kinh Kim quang minh

Tên của Bồ-tát Văn Thù được đề cập ở phẩm 18 của kinh Kim quang minh. Ở đó Đức Phật Thích Ca kể cho Ananda nghe câu chuyện về một tiền kiếp của Ngài. Bấy giờ có một vị vua tên là Mahāratha có ba người con trai, đó là Mahāpraada, Mahādeva, và Mahāsattva. Một ngày nọ, họ đi vào một khu rừng có tên là Dvadaśavanagulma.[84] Ở đó họ nhìn thấy một con cọp mẹ cùng với năm cọp con đang rất đói. Ba vị hoàng tử này khởi lòng thương xót đối với cọp mẹ, nhưng chỉ có hoàng tử Mahāsattva quyết định lấy nhục thân của mình cứu con cọp đó.[85] Ở câu chuyện này, Đức Phật Thích Ca cho biết rằng hoàng tử Mahāsattva là tiền thân của Ngài, còn hoàng tử Mahāpraada là Bồ-tát Di Lặc, và hoàng tử Mahādeva là Bồ-tát Văn Thù. Con cọp mẹ và năm cọp con là Mahāprajāpatī và năm vị T-kheo khác.[86]

Kết luận

Trong Phật giáo Newār, Chín Pháp (chín bộ kinh Phương đẳng) là những bản kinh quan trọng nhất và vẫn được thờ phụng ở Nepal ngày nay. Nepal đã giúp thế giới Phật giáo bảo tồn chín bản kinh này bằng tiếng Sanskrit sau khi Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ. Chín bộ kinh này không được xem là kinh tạng của một bộ phái cụ thể, tuy nhiên chúng được xem là một tạng kinh ở trong Phật giáo Newār. Trong chín bản kinh này, Bồ-tát Văn Thù được một tả giữ một vai trò chính yếu. Ngài giữ vai trò thượng thủ trong kinh Thất bách tụng bát-nhã, Pháp hoa Hoa nghiêm. Sau khi xem xét vai trò của Bồ-tát Văn Thù trong ba bộ kinh ngày, chúng ta thấy rằng Bồ-tát Văn Thù đã hóa độ vô số chúng sinh và đưa họ đến giác ngộ. Trong Thất bách tụng bát-nhã, Bồ-tát Văn Thù đã giúp chúng ta hiểu chi tiết những thuật ngữ triết học thâm sâu như vô sinh, chân như cũng như sự phát triển trí tuệ bát-nhã. Trong kinh Hoa nghiêm, Bồ-tát Văn Thù hướng dẫn Thiện Tài về cách thực hành Bồ-tát đạo và dạy chàng thanh niên này rằng cách tốt nhất để thực hành Bồ-tát đạo là tìm gặp các vị thiện trí thức. Tương tự, trong kinh Pháp hoa, lời dạy của Bồ-tát Văn Thù về kinh này đã giúp con gái của Long vương là Sāgara đạt được giác ngộ. Như vậy, những bản kinh này đã chứng minh rằng Bồ-tát Văn Thù giữ một vai trò ý nghĩa trong các bản kinh Đại thừa ở Nepal.

Nguồn: academia.edu


 

[1] Giáo sư Phân khoa Nghiên cứu tôn giáo, Đại học The West (đại học tư thục Phật giáo), California, Hoa Kỳ.

[2] Min Bahādur Śākya, Sacred Art of Nepal, Kathmandu: Handicraft Association of Nepal, 2000, p.76.

[3] Jonathan Landaw and Andy Weber, Images of Enlightenment: Tibetan Art in Practice, New York: Snow Lion Publications, 1993, p.61.

[4] Ibid.

[5] Paul M. Harrison, ’Majurśī and the Cult of the Celestial Bodhisattvas,’ Chung-Hwa Buddhist Journal, No. 13, 2000, p.157.

[6] Ibid, p. 164.

[7] Paul Williams, Mahāyāna Buddhism: The Doctrinal Foundations, London: Routledge, 1989, p.238.

[8] Ibid, p.238.

[9] Ibid.

[10] Raffaello Orlando, ‘A Study of Chinese Documents Concerning the Life of the Tantric Buddhist Patriarch Amoghavajra (705-774 AD)’, Ph. D. Dissertation, Princeton University, 1981, p.56.

[11] Ibid, p.56.

[12] Raoul Birnbaum, Studies on the Mysteries of Manjuśrī: A Group of East Asian Madalas and their Traditional Symbolism, Boulder: Society for the Study of Chinese Religions, 1983, p.25.

[13] Ibid, p.25.

[14] Orlando, op cit, p.56.

[15] Birnbaum, op cit, p.29.

[16] Paul Williams (ed.), Buddhism: Critical Concepts in Religious Studies, Vol 3, New York: Routledge, 2005, p.182.

[17] Ibid, p.182.

[18] Akira Hirakawa, A History of Indian Buddhism from Śakyamuni to Early Mahāyāna, Honolulu: University of Hawaii Press, 1990, p.295.

[19] Ibid, p.295.

[20] Rājendralāl Mitra, The Sanskrit Buddhist Literature of Nepal, Calcutta: Sanskrit Pustak Bhandar, 1971, p.XIX.

[21] Ibid, p.XXXV.

[22] J.K. Nariman, Literary History of Sanskt Buddhism, Delhi: Motilal Banārsidāss Publishers, 1992, p.64.

[23] Brian H. Hodgson, Essays on the Languages, Literature, and Religion of Nepal and Tibet, New Delhi: Manjusārī Publishing House, 1972, p.15.

[24] Nariman, op cit, p.64.

[25] Ibid.

[26] Hirakawa, op cit, p.135.

[27] Ibid., p.248.

[28] Ibid.

[29] Ibid.

[30] Xem: Erich Frauwallner, On the Date of the Buddhist Master of the Law Vasubandhu, Rome: IsMEO, 1951.

[31] Tārānātha et al., Taranatha's History of Buddhism in India, Simla: Indian Institute of Advanced Study, 1970, p.174.

[32] Ibid.

[33] Divya Vajra Vajrācārya, Nava Sūtra Sagraha, Lalitpur: Bodhi Prakasana Kendra, 1990, p.52.

[34] Ibid, p.42.

[35] Ibid, p.43.

[36] Ibid, p.22.

[37] Benoyto Bhaṭṭācārya (ed.), Guhyasamja Tantra or Tathāgataguhyaka, Baroda: Oriental Institute, 1967, p.V.

[38] Sitasuśekhar Bāgcī (ed.), Guhyasamja Tantra or Tathāgataguhyaka, Darbhanga: The Mithila Institute, 1965, p.II.

[39] Bhaṭṭācārya, op cit, p.XXVII.

[40] Dibya Vajra Vajrācārya, op cit, p.34.

[41] Paraśurām Lakma Vaidya, Māhāynasūtra-sagraha, Part 1, Darbhanga: The Mithila Institute, 1961, p.IX.

[42] Ibid.

[43] Edward Conze, The Short Prajñāpāramitā Texts, London: Luzac & Co, 1973, p.79.

[44] Ibid, p.87.

[45] Ibid, p.92.

[46] Ibid, p.102.

[47] Paśurām Lakma Vaidya (ed.), Gaṇḍavyūha Sūtra, Darbhagā: Mithilā Institute, 1960, pp., X-XI.

[48] Mitra, op cit, p.89.

[49] Divya Vajra Vajrācārya (tr.), Āryagaṇḍavyūha Sūtra, Nepal: Lotus Research Center, 1996, p.93.

[50] Ibid, pp.96-97.

[51] Ibid, p.97.

[52] Ibid, p.99.

[53] Ibid, p.101.

[54] Ibid, p.103.

[55] Ibid, p.106.

[56] Ibid, p.118.

[57] Ibid.

[58] Ibid, pp.118-119.

[59] Ibid, p.121.

[60] Ibid.

[61] Ibid, p.122.

[62] Ibid, p.185.

[63] Paraśurām Lakśma Vaidya (ed.), Saddharmapuṇḍarīka Sūtra, Darbhagā: Mithilā Institute, 1960, p.vii.

[64] Ibid.

[65] Lewis R. Lancaster and Sung-bae Park, The Korean Buddhist Canon: A Descriptive Catalogue, Berkeley: University of California Press, 1979, p.55.

[66] Vaidya, Saddharmapuṇḍarīka Sūtra, op cit, p.VIII.

[67] Bunyiu Nanjio, A Catalogue of the Buddhist Tripitaka (Delhi: Lokesh Chandra, 1980), 45.

[68] Vaidya, Saddharmapuṇḍarīka Sūtra, op cit, p.VIII.

[69] Ibid, p.9.

[70] Ibid, pp.16-17.

[71] Ibid, pp.17-18.

[72] Ibid, p.19.

[73] Ibid, p.20-21.

[74] Ibid, p.21.

[75] Ibid, pp.21-23.

[76] Ibid, pp.249.

[77] Ibid.

[78] Ibid.

[79] Ibid, p.250.

[80] Ibid, p.251.

[81] Ibid.

[82] Ibid.

[83] bid, p.253.

[84] R.E. Emmerick, The Suūtra of Golden Light: Being a Translation of the Suvarabhaāsottamasuūtra, Oxford: Pālī Text Society, 1992, p.87.

[85] Ibid, p.88.

[86] Ibid, p.97.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle