Xuân trên cao nguyên: Ngẫm về sự cô đơn

Xuân trên cao nguyên

Xuân trên cao nguyên: Ngẫm về sự cô đơn

Chân Hiền Tâm

Lại long nhong với mấy đứa nhóc lên tận cao nguyên mù sương.

Đoàn đi cứu trợ, cúng chùa, nghe pháp.

Mình cũng đu theo. 

Không phải để cứu trợ, vì khi thiên hạ đang vất vả chuyển đồ, trao tặng, v.v. thì mình lại một mình thả bộ trên con đường thẳng tắp, khô cằn, lạnh giá. Một vùng đất với những con người không lành lặn. Một vùng đất với những tướng đi nghiêng ngửa khi đôi bàn chân không còn nguyên vẹn. Một vùng đất với đầy ấp trẻ con đen đủi nhưng thật hồn nhiên. Một vùng đất hoang hoang vu vu, nhà lơ thơ, cây cũng lơ thơ một màu trăng trắng. Không hiểu người ta sống thế nào nơi cái vũng khô cằn nứt nẻ thế này.

Vẫn sống đó thôi.

Bệnh tật không làm tắt đi nụ cười. Khổ nhọc không làm mất đi ánh mắt trẻ thơ. Chúng cười giòn trong khí lạnh của cao nguyên. Cuộc sống vẫn đầy vui vẻ. Người ta đang nhận quà với bao niềm vui sướng và xúc động. Mình có thể nhận quà một cách hồn nhiên như thế không? Không! Có một chút gì đó hơi thẹn thùng khi thấy mình có tên trong danh sách nhận quà của bệnh viện. Nhân đến hồi ra quả, cho rồi giờ đến lúc nhận, vậy mà lại thấy ngăn ngại. Được một suất như thế không phải là dễ dàng. Ưu ái lắm đó. Thiên hạ rất vui nhưng mình thì thấy ngại. Tâm không thể hồn nhiên, vô tư, vui vẻ như bao người. Vẫn còn nhiều quái ngại trong tâm mà chỉ khi đủ duyên mới lộ ra. Từng thấy xấu hổ và muốn chuồn khỏi vị trí đang ngồi khi đang chờ nhận quà. Do chỉ quen cho, không quen nhận? Hay vì cái tôi đã khiến mình thành như thế. Chắc cả hai. Lệ thuộc vào duyên nên duyên khác đi liền thấy ngăn ngại. Cái tôi đã khiến mình thấy xấu hổ khi làm kẻ nhận, không phải kẻ cho.

Con nít nói tiếng gì đó, không phải tiếng Việt. Người lớn cũng nói tiếng gì đó, không phải tiếng Việt. Ngôn ngữ là thứ dùng để truyền đạt ý nghĩ và tình cảm của mình với người khác, cũng là thứ giúp mình hiểu được những gì người khác muốn truyền đạt với mình. Nhưng ở đây, ngôn ngữ có đủ mà sự truyền đạt thì không, vì trong cái đồng nghiệp vướng phải cái biệt nghiệp. Tuy là đồng bào với nhau mà lại khác tiếng nói. Tôi không hiểu được những gì thằng nhóc nói, thằng nhóc cũng cười vì không biết tôi nói gì. Nhưng chắc chắn đó là những lời nói tốt đẹp và dễ thương. Ánh mắt và nụ cười như thế khó mà diễn đạt những lời không vui vẻ. Tôi chỉ chỉ gốc cây, làm dấu hẹn nó vào sang năm, cũng tại chỗ này. Nó gật đầu nhưng hiểu được ý tôi không là chuyện khác. Câu trả lời có lẻ phải đợi sang năm mới biết kết quả chính xác.

Việc chỉ tay không lời đó làm tôi nhớ đến câu chuyện của cây cầu Brooklyn bắc ngang con sông nằm giữa hai thành phố Manhattan và Brooklyn. Cây cầu được xem là một phép lạ của ngành xây dựng vào thời ấy[1].

Năm 1883, một kỹ sư tên John Roebling đã nảy ra ý tưởng xây một cây cầu thật ngoạn mục bắc ngang hai thành phố này.

Tuy nhiên, không một chuyên gia cầu đường nào chịu hợp tác với John Roebling. Họ cho rằng không thể nào làm được một cây cầu như thế. “Đó là một ý tưởng điên rồ, không thể thực hiện, ông nên quên nó đi”. Roebling về nhà thuyết phục con trai là Washington, cũng là một kỹ sư đầy tiềm năng, rằng có thể xây dựng một cây cầu như thế. Washington gật đầu. Hai cha con tìm cách để có chi phí cho việc xây dựng. Ngân hàng rồi cũng đồng ý. Họ tuyển công nhân và thực hiện ước mơ của mình.

Dự án tiến hành được vài tháng thì tai họa ập đến. Công trình xảy ra sự cố. John Roebling chết và con trai ông bị thương nặng ở đầu, không thể nói chuyện cũng như đi đứng được nữa. Dự án chắc phải đình chỉ vì không ai biết được kế hoạch xây dựng cây cầu ngoài John Roebling và Washington. Nhưng không, khi đang còn trong bệnh viện, Washington đã nghĩ ra cách “nói chuyện” với người khác để hoàn thành dự án của mình.

Nhúc nhích ngón tay là vận động duy nhất còn lại ở nơi cơ thể của Washington lúc bấy giờ. Để tận dụng được năng lực cuối cùng này, ông đã nghĩ ra bộ mã truyền tin, có thể giúp ông nói chuyện được với vợ bằng chính ngón tay đó. Ông gõ ý nghĩ của mình vào tay vợ để thông tin những gì cần nói, nhờ bà truyền đạt các thông tin đó cho các kỹ sư, tiếp tục thực hiện việc hoàn tất cây cầu.

Trong suốt mười ba năm, Washington đã chỉ đạo xây dựng cây cầu bằng cách đó. Cuối cùng cây cầu cũng hoàn thành. Một cây cầu không chỉ vĩ đại về ý tưởng mà còn vĩ đại vì ý chí và năng lực của người chủ tạo ra nó. 

Không thể truyền tải ý muốn của mình bằng lời nói cho người khác là việc khá khó chịu. Nhưng điều đó không có nghĩa là không hoàn thiện được những gì mình muốn nói khi có tâm cùng nhau. Đã không có tâm thì lời nói có khi chính là vũ khí sắc bén làm tổn hại đến nhau. Không phải do sân hận, ganh ghét mà miệng lưỡi con người trở thành những lời nguyền rủa độc ác, lớn tiếng, chỉ trích, mạt sát, v.v.? Không phải do tham dục mà con người dễ dàng nói ra những lời không thật, đổi trắng thành đen, nói thêm nói bớt, nói lời chia rẽ để đạt cho được mục đích của mình? Truyền thông bẩn hiện nay đang lan truyền trên mạng xã hội là một điển hình. Mọi thứ đều do tham, sân, si mà ra. Chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, không thấy cái hại kề sau. Không thấy nhân quả đang chi phối thế giới này. Không hiểu những cái nhân bất thiện sẽ đưa đến những bất hạnh trong tương lai. Nhân này nối tiếp quả kia, trở thành trói buộc trong vạn kiếp.

Ở vùng đất khô cằn này, có những thứ mà Sài thành không có.

Con người ở Sài thành được giáo dục ràng buộc trong những thứ gọi là nề nếp gia phong. Lệch khỏi cái nếp đó, mình sẽ bị nhìn bằng con mắt kỳ lạ. Nề nếp cần thiết thật, nhưng có khi nó chính là đầu mối khiến mình đánh mất đời sống hồn nhiên của mình. Nhưng duyên nào có pháp đó mọi thứ mới tốt đẹp. Ở Sài thành phồn hoa, nếu không có những ràng buộc gọi là nề nếp gia phong đó xã hội sẽ hết bình an, bản thân mình cũng không tới đâu. Sự nổi loạn có thể làm mình hưng phấn trong chốc lát, khiến mình thấy tự do trong vài giờ, nhưng kết cuộc có khi đẩy mình vào chốn ràng buộc khổ não nhiều hơn gấp bội, từ đời này sang đời khác, không biết bao giờ mới thôi, nếu không một lần tỉnh giác, quay đầu.      

Rốt cuộc việc đi cúng dường ở các chùa cũng không thực hiện được.

Bởi khoảng thời gian ấy lại tranh thủ về thăm người bạn cũ. Một người bạn không cùng tuổi tác nhưng cùng chí hướng. Không cùng giới tính nhưng cùng dòng tộc Thích Ca.

Quen nhau không hẹn. Gặp nhau không mừng. Xa nhau không luyến nhớ. Nhưng thật là bạn tốt của nhau.

Hắn cho tôi ăn một bữa cơm thịnh soạn chưa từng thấy. Hình như từ hồi ăn chay đến giờ chưa bao giờ tôi được dọn cho ăn một bữa cơm như thế. Hắn lo cho mọi người từng tí một. Chắc chỉ có kẻ sống đạo mới làm như thế mà không chút vụ lợi. Hắn đưa tôi đi thăm một ngôi chùa hắn thấy có lý nhất ở thành phố Ban Mê. Tôi cũng thấy đẹp. Hắn nói nếu có tiền sẽ xây cho tôi cái thất mà tôi vừa nói với hắn là tôi rất thích. Vấn đề là hiện tại hắn không có tiền. Mà tương lai thì chắc cũng không bao giờ có tiền. Ai tu cho hắn để hắn bươn chải kiếm tiền xây thất cho tôi? Hắn ở một căn phòng nào đó của gia đình, không ở thiền viện, vào đó chỉ vài tháng để tập tu. Thời gian còn lại, làm cái gì đó vừa đủ ăn để sống mà giữ cái hạnh ít nói cho đến cuối đời. À, không phải hắn tu chỉ để thành ít nói mà do bận giữ tâm nên lời nói thành ít hẳn. Nói ít, nói nhiều, hay không nói không phải là chỗ rốt ráo của người tu. Chỉ là hắn đang đối trị cái gọi là tâm vọng tưởng tương tục của mình. Đối trị hoài, giờ bắt đầu quen, nên ít nói hẳn. Đi chung với một kẻ ít nói cũng thấy bình yên. Bởi không phải động tâm để nghe. Cũng không phải mở miệng để trả lời điều gì. 

Dù biết cái thất không bao giờ có nhưng tôi vẫn bật cười sung sướng. Một lời hứa không có kết cuộc nhưng là một lời hứa rất chân thành. Kèm với một chữ “nếu”, nên dù không thành tựu, cũng chẳng bao giờ thành kẻ thất hứa. Những kẻ có tiền chưa hẳn đã có thể hứa với tôi một lời như thế. Phải nói quanh tôi nhiều người rất chân thành. Có lẽ đó là món quà mà tôi nhận được do sự chân thành của mình với những ai tôi gặp được trong đời.

Xã hội bây giờ, nhiều khi sự chân thành được soi rọi như một sự lợi dụng. Người ta cảm thấy lo sợ khi gặp phải một người quá nhiệt tình với mình. Không biết hắn định giở trò gì đây? Bản thân mình cũng vậy, có khi rồi tự mình đánh dấu hỏi với một kẻ xa lạ rằng, nhiệt tình quá đáng như thế với ý đồ gì? Quên rằng, mình cũng từng có tâm không vụ lợi khi giúp đỡ người khác. Nhưng đến khi người ta không vụ lợi với mình, mình lại thấy nghi ngờ và sợ hãi. Chỉ vì hiện tại con người đa phần đánh mất tấm chân tình trong danh vọng và tiền bạc. Lời nói ra không biết thật được bao phần. Sự nhiệt tình chỉ xuất hiện khi có danh và lợi làm nền tảng, nên mọi dấu hỏi mới xuất hiện, lòng tốt mới bị nghi ngờ. Trong cái guồng máy đó, mình cũng trở thành kẻ “tự hỏi” nhiều như thiên hạ. Là do mình chưa có được cái nhìn trực giác, pháp thế nào nhìn đúng như thế ấy, như Phật dạy “Khi sân hận, biết rõ tâm sân hận. Khi tán loạn, biết rõ tâm tán loạn…”. 

Quanh tôi là những con người rất chân tình. Tiền không nhiều nên không lấy tiền ra thị uy. Cũng không ỷ vào đồng tiền mà nói chuyện với nhau. Cũng không phải vì nghèo khó mà hạ tiện với nhau. Chúng sống và vui, cho và nhận. Hồn nhiên với số tuổi không có, tôi vui lây cái vui của chúng. Chúng cho tôi tuổi trẻ và sự hồn nhiên mà chúng đang có. Tôi cho chúng những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua. Không nhiều nhưng cũng có chỗ để gặp nhau.

Cái khoảng thời gian thầy đang ban pháp, tôi lại lang thang trên con đường dẫn tới thiền viện. Khoảng đường rất ít xe cộ mà nhà cửa cũng không nhiều. Cây xanh bạt ngàn. Sông nước mênh mông. Thiền viện chót vót trên cao. Ít bóng người. Dang dở chưa xong.

Lạnh thế này buồn lắm, nhưng là nỗi hạnh phúc của kẻ sống đời tĩnh lặng. Cô đơn là ngưỡng cửa của hạnh phúc. Tôi nghe được câu nói đó từ một vị thầy, không biết thầy tên gì, nhưng câu nói lọt vào tai một lần, xoáy tận tâm can, nhớ mãi đến bây giờ và có lẽ tận về sau. Cô đơn là ngưỡng cửa của hạnh phúc. Chịu được cái ngưỡng cô đơn đó, nó sẽ dẫn bạn vào khoảng hạnh phúc vô bờ. 

Cô đơn, với người bình thường không chỉ đơn giản là một mình ở mặt thể chất mà còn ở mặt tâm hồn. Một mình khi tâm chưa thể một mình khó mà nói đến hai chữ hạnh phúc. Dù có khi việc đó cũng mang lại hạnh phúc nhiều hơn là phải tiếp cận với những người mà ở đó chúng ta không tìm được điểm chung cùng nhau. Cái gọi là không tìm thấy được người hiểu mình. Trong những mối quan hệ đó, lời nói trở thành một loại công cụ khiến bản thân bị tổn thương nhiều hơn là chuyển tải những thông điệp thương yêu. Chính vì thế, chúng ta chọn cách sống một mình, để tránh một sự đụng chạm không vui vẻ. Chúng ta tìm thấy ít nhiều an ổn khi không phải giao tiếp. Nhưng cô đơn vẫn là thứ gì đó không thể gọi là hạnh phúc. 20%, tức khoảng 60 triệu người Mỹ, báo cáo rằng cô đơn là nguồn gốc đau khổ của họ[2]. Một số tìm vui với mạng xã hội, tiếp tục một đời sống ảo để tránh sự cô đơn. Ở Calgary, họ giải quyết nỗi cô đơn bằng cách nuôi một con chó. Chó thì luôn trung thành, không biết nói những lời xúc phạm, cái tôi phần nào được vuốt ve, giải quyết được phần nào nỗi cô đơn, nếu không có sự chia ly xảy ra để nỗi đau tăng gấp bội. 

Có những nỗi cô đơn không do tự nguyện như thế. Đó là tình trạng của những đứa trẻ bị bỏ rơi. Chúng lớn lên trong những gia đình mà cha mẹ không có thời gian hoặc đủ nguồn lực về tình cảm để tôn trọng cảm xúc và nhu cầu của chúng. Chúng cảm thấy bị phớt lờ, không được yêu thương, thấy xấu hổ hoặc cô đơn. Chúng cảm thấy mình như một kẻ ngoài cuộc dù gia đình của chúng vẫn đầy đủ. Để đối phó với tình trạng đó, những đứa trẻ không thể tự thích nghi như người lớn mà bắt đầu nổi loạn, có khi dẫn đến nghiện ngập, che đậy và cuối cùng, phủ nhận những gì chúng cảm thấy bên trong[3].

Cô đơn với những cách như thế không phải là hình thức được xã hội chấp nhận. Đạo giáo cũng không khuyến khích một sự cô đơn như thế. Bởi nó dẫn đến nhiều tác hại cho bản thân đương sự. Các nghiên cứu cho thấy cô đơn kéo dài sẽ sinh ra lòng tự trọng thấp, hướng nội, bi quan, bất đồng, giận dữ, nhút nhát, lo lắng, giảm kỹ năng xã hội, đồng thời gây ra trạng thái rối loạn thần kinh. Chúng ta tưởng tượng ra những đánh giá tiêu cực từ người khác, được gọi là sự lo lắng xấu hổ, dẫn đến các hành vi lo lắng, tiêu cực và tự bảo vệ, khiến người khác phản ứng tiêu cực, đáp ứng kết quả tưởng tượng của chúng ta. Một số cảm thấy chán nản, buồn rầu nhưng không hề biết do mình đang cô đơn[4]

Mối liên hệ chặt chẽ giữa cô đơn và trầm cảm cho đến nay đã được ghi nhận. Cô đơn cũng gây ra những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết, miễn dịch và tim mạch của chúng ta, làm tăng nhanh cái chết. Theo nghiên cứu gần đây, những người cô đơn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh thoái hóa thần kinh và nhiễm virus. Cảm nhận cô đơn sẽ kích hoạt phản ứng căng thẳng khi vượt qua hoặc chống chọi với căng thẳng. Hormone căng thẳng và triệu chứng viêm trong cơ thể tăng lên, đồng thời giảm tập thể dục và giấc ngủ khó phục hồi. Hàm lượng Norepinephrine trong máu tăng cao, làm tắt các chức năng miễn dịch và tăng cường sản xuất các tế bào bạch cầu gây viêm. Và hợp chất này làm cho chúng ta ít nhạy cảm hơn với cortisol bảo vệ chúng ta khỏi bị viêm[5]

Một số để thoát khỏi tình trạng căng thẳng khi cô đơn lại làm quen với những chất gây nghiện, như rượu, thuốc lá, v.v. Do rượu làm tê liệt thần kinh nên giúp họ quên đi tình trạng cô đơn khi đang say. Do trong thuốc lá có chứa nicotine, một chất giúp tạo hưng phấn thần kinh nhất thời, nên cũng giúp họ nguôi ngoai nỗi cô đơn. Tuy nhiên, những thói quen này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch, lao phổi, nghiêm trọng hơn là tàn phá mọi cơ quan trong cơ thể[6].

Cô đơn của người đời là thế.

Cô đơn nói trong “Cô đơn là ngưỡng cửa của hạnh phúc” là chỉ cho trạng thái tâm không còn dính mắc vào các pháp. Theo kinh Lăng-già, đó là lúc bạn sống được với tâm hiện lượng của chính bạn. Do không còn bị bất cứ thói quen nào ràng buộc, từ thân đến tâm, nên nhận được trạng thái tâm như thế. Ngài Huyền Giác nói, "Thường độc hành thường độc bộ/ Đạt giả đồng du Niết-bàn lộ"[7]. Cư sĩ Bàng Long Uẩn nói, "Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên tay vuốt". Một sự cô đơn do vượt thoát mọi ràng buộc. Ở đó, không có muộn phiền hay đau khổ, thường thanh tịnh và bình an. Phật gọi là Niết-bàn. Luận Đại thừa khởi tín gọi là đạt được cái lạc rốt ráo. Chân thể có nơi mỗi người vốn như thế. Vốn đủ bốn đức thường, lạc, ngã, tịnh. Do vô minh mà thành lưu chuyển. Nhận hạt bọt nhỏ trong biển cả là mình. Cuốn theo những cơn sóng sinh tử. Bám trụ vào các pháp. Lìa pháp liền thấy hụt hẫng, lo sợ, bất an. 

Cô đơn này, không do trốn chạy tổn thương, đối chọi hay bất an mà thành, chính là trạng thái đã sống được ít nhiều với chân thể pháp thân nơi mỗi người. Đại sư Huyền Giác nói:

Mặc ai biếm mặc ai dèm

Châm lửa đốt trời nhọc xác thêm

Ta nghe như uống cam lồ vậy

Tan hết vào trong chẳng nghĩ bàn

Xét lời ác đấy công đức

Đó mới chính là thầy ta thật

Chớ vì báng bổ, nổi oan thân

Sao tỏ vô sinh, nêu nhẫn lực[8].

Mọi lời nói bên ngoài dù cay nghiệt bao nhiêu đểu trở thành nước cam lồ. Ta thật tâm nhận được lợi ích từ những lời nói ác, lời vu khống, lời ly gián, lời báng bổ, lời nguyền rủa, lời thêm bớt. Những lời nói như thế còn mang lại lợi ích cho bản thân, khiến bản thân tăng thêm nhẫn lực, huống là những lời góp ý chân thành không vụ lợi. Không đau khổ hay trầm cảm vì những lời nói ác thì nhất định chẳng có tâm dính mắc với những lời nói dịu êm. Không vướng mắc vào lời nói dịu êm thì không chỗ nào cần tránh né. Là do hành giả đã hàng phục được ít nhiều bốn tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. 

Thiền sư Từ Minh, khi còn là một thường tăng, nghe danh Thiền sư Thiện Chiêu ở Phần Dương là tri thức bậc nhất trong thiên hạ nên quyết định tìm đến. Khi ấy nhằm lúc triều đình cử đại binh đến hỏi tội Hà Đông Lộ Trạch, nhiều người khuyên Sư đừng đi. Sư bất chấp một mình vượt sông leo núi đến Phần Dương. Thiền sư Phần Dương trông thấy Sư liền thầm chấp nhận. Sư ở đây hai năm nhưng không được nhập thất. 

Mỗi khi Sư vào thưa hỏi đều bị Phần Dương mắng chửi thậm tệ, hoặc nghe chê bai những vị khác. Nếu có lời dạy bảo, toàn dùng lời thô tục của thế gian. Một hôm Sư đang buộc miệng than "Từ ngày đến pháp tịch này đã qua hai năm mà chẳng được dạy bảo, chỉ khiến tăng trưởng niệm thế tục trần lao, năm tháng qua nhanh việc mình chẳng sáng, mất cái lợi của kẻ xuất gia". Nói chưa dứt, đã thấy Phần Dương đứng trước mặt, nhìn thẳng vào Sư quát: "Đây là ác tri thức dám chê trách ta". Nói rồi cầm gậy định đánh, Sư toan la cầu cứu, Phần Dương liền bụm lấy miệng. Sư bỗng đại ngộ, mới nói: "Mới biết đạo của Lâm Tế vượt ngoài lẽ thường tình". Sư ở lại đây hầu hạ Phần Dương bảy năm.

Muốn đạt được loại cô đơn hạnh phúc này, đòi hỏi hành giả phải có một tâm ý mạnh mẽ, dám đương đầu với những khó khăn đang gặp phải, nhẫn chịu những thứ không vừa ý, tập quen dần với những lời nói thô thiển, khó nghe, v.v.

Dù vậy, ít người chịu được con đường mà thiền nhân đã đi qua, thành đau khổ và hạnh phúc cứ nhường nhau đắp đổi. Chẳng thể hưởng được sự bình yên vĩnh viễn như chư Phật.

Tôi rất thích cái nơi giá rét và vắng vẻ này.

Đã buộc miệng nói với thầy: “Con về đây tu với thầy nha”. Thầy cười. Không chắc nhưng cũng là một lời nói. Liệu có trở thành lời hứa phải thực hiện trong vùng đồi núi linh thiêng?

Chốn núi rừng lạnh lẽo nhưng mang đến sự bình an rất nhiều. Những con becgie hung dữ cũng trở thành hiền hòa. Tôi không thấy sợ cái tối của núi rừng hay cái giá của vùng cao nguyên. Chỉ sợ đi trên những con đường của Sài thành đầy ắp xe cộ và bụi bặm. Nhưng cũng xuống núi vì không chịu nỗi cái lạnh một mình. Cứ như thiếu một cái gì đó và tìm kiếm. Ai cũng có khuynh hướng bươn ra ngoài tìm kiếm một thứ gì đó. Được rồi, lại thấy chưa đủ. Cứ thế mà suốt đời cứ tìm kiếm. Từ kiếp này sang kiếp khác. Như tầm làm kén, tự nhả, tự trói.

Rồi một lúc nào đó…

Cũng nhận ra được mặt bình đẳng của vạn pháp. Tùy duyên tiêu nghiệp cũ. Đâu rồi cũng tìm thấy được bình an. Bởi bình an là ở tâm, chẳng phải do núi rừng hay phố hội thành đô.

  


 

[1]  Năm câu chuyện truyền cảm hứng hay nhất để ta sống tốt hơn mỗi ngày. momo.vn

[2] Mặt tối của sự cô đơn. vinmec.com

[3] Sđd.

[4] Sđd.

[5] Sđd.

[6] Đừng để sự cô đơn làm hại sức khoẻ của bạn. vinmec.com.

[7] Chứng đạo ca, Đại sư Huyền Giác.

[8] Sđd.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác