Tôi có một kinh nghiệm tu học với nhiều vị thầy thuộc các trường phái Phật
giáo khác nhau, cũng như những tông phái khác biệt trong các truyền thống
như là Nguyên Thuỷ (Theravada), thiền Zen, và Tây tạng.
Tôi nhận thấy rằng những giáo pháp và những điều các vị thầy giảng dạy
rất khác nhau, và thường khi lại là trái ngược nhau, về những vấn đề như là
tự tánh của tâm, tự tánh của ý thức và giải thoát. Vì vậy mà nhiều khi tôi
không biết là mình phải hành xử như thế nào, khi những vị thầy mà tôi kính
trọng nhất lại nói trái nghịch nhau về những vấn đề mà tôi cho là chủ yếu
nhất.
Ai mà biết được?
Phản ứng đầu tiên của tôi là tự hỏi, "Ai đúng đây?" Nhưng câu hỏi ấy cũng có
nghĩa là, nếu có người này đúng thì có nghĩa là người kia sai! Và tôi cũng
đã tự dằn vặt mình về vấn đề này trong một thời gian khá lâu. Cuối cùng tôi
ý thức rằng, mình sẽ không bao giờ có thể tìm được câu trả lời cho một chân
lý tuyệt đối bằng sự phân tách hay lý luận. Tôi buông bỏ và không còn cố
gắng tìm hiểu nó bằng tri thức nữa.
Một câu thần chú xuất hiện trong đầu, và tôi vẫn còn sử dụng nó cho đến
ngày hôm nay trong sự thực tập cũng như khi đi giảng dạy: Ai biết được? Tự
tánh giác ngộ của đức Phật là gì? Ai mà biết được! Ngày nào ta chưa thành
Phật thì ta sẽ không bao giờ biết được. Và khi tôi chấp nhận được điều ấy,
thay vì cảm thấy bối rối, tôi lại có cảm giác như là mình đã buông bỏ được
bao nhiêu là những dính mắc. Tôi cảm thấy mình đã thật sự có thể cởi mở ra
để tiếp nhận tất cả những giáo pháp khác nhau.
Và từ đó tôi bắt đầu hiểu rằng, tất cả những giáo pháp nên được xem như
là những phương tiện thiện xảo hơn là những lời dạy của một chân lý tuyệt
đối. Nếu chúng ta xem chúng như là những chân lý tuyệt đối, thì những lời
dạy trái nghịch nhau sẽ chắc chắn đưa đến một sự bất hoà. Chúng ta cũng thấy
rõ rằng những quan điểm phân biệt tông phái này đã làm nền tảng cho biết bao
nhiêu là sự xung đột trên thế giới ngày nay.
Những phương tiện tháo gỡ.
Nhưng ngược lại, nếu chúng ta thấy được chúng chỉ là những phương tiện giải
thoát, thì ta có thể thu nhận những gì là có giá trị từ những lời dạy, mặc
dù chúng có thể khác biệt nhau. Tiêu chuẩn duy nhất của chúng ta là lời
dạy ấy có giúp ta chuyển hóa khổ đau và giúp mở rộng tâm mình hay không!
Và điều này cũng khơi lên một câu hỏi nữa là: mở rộng tâm mình hay giải
thoát có nghĩa là gì? Theo kinh nghiệm thực tập của tôi qua nhiều truyền
thống thì tôi thấy nó chỉ có nghĩa là như vầy thôi: phát triển một tâm
không bị vướng mắc vào bất cứ một việc gì.
Tôi nhớ đến một lời dạy của đức Phật "Không nắm bắt hay dính mắc vào
bất cứ một điều gì và cho đó là tôi hay là của tôi. Ai nghe lời dạy này là
đã nghe hết toàn thể giáo pháp, ai thực hành theo lời dạy này là đã thực
hành hết toàn thể giáo pháp, ai chứng đắc được lời dạy này là đã chứng đắc
được hết tất cả."
Cuối cùng thì lời dạy của đức Phật, thật ra không có gì là khó hiểu.
— Joseph Goldstein
Duy Nhiên dịch