Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc

phan quan tu ky

PHẢN QUAN TỰ KỶ BỔN PHẬN SỰ, BẤT TÙNG THA ĐẮC

Chân Hiền Tâm

Một lần…

Vua Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ: 

- Bổn phận tông chỉ là gì? 

Tuệ Trung Thượng Sĩ trả lời:

- Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc[1]

Hỏi tông chỉ mà là tông chỉ bổn phận, không phải tông chỉ của một thiền phái.

Tông chỉ của một thiền phái là đường hướng chủ yếu mà thiền phái đó nhắm đến. Như tông chỉ của Tổ sư thiền, Lục Tổ dạy trong kinh Pháp bảo đàn, lấy vô niệm làm tông. Tức mọi thực hành của tông phái ấy đều lấy vô niệm làm chỗ quy về. Chưa được vô niệm thì hành sao đó để được vô niệm. Các tông phái thuộc Tổ sư thiền đều lấy vô niệm làm tông.

Tông chỉ bổn phận, cũng là nói đến đường hướng chủ yếu, nhưng không phải của một thiền phái mà trong phạm vi bổn phận của người tu pháp thiền đó. Tức ngoài tông chỉ của tông phái mà một thiền sinh phải hướng đến, mỗi thiền sinh của thiền phái ấy còn phải lấy thêm tông chỉ này làm việc bổn phận. Đó là phản quan tự kỷ, bất tùng tha đắc. Vì sao? Vì việc này giúp cho thiền sinh đạt được tông chỉ của thiền phái.     

Phản quan tự kỷ bổn phận sự

Phản quan là xoay lại quan sát, xem xét, quán chiếu. Hòa thượng Trúc Lâm dịch phản quan là soi sáng. Sáng đây không phải ánh sáng (quang) mà mang nghĩa soi tỏ. Tức quan sát hay xem xét một cách thông tỏ, rõ ràng. 

Phản còn có nghĩa là nghịch, là ngược lại. Sao nói đến việc ngược lại? Vì bình thường chúng sinh chỉ một mực hướng ngoại. Mở mắt ra là đã thả rong tâm thức theo ngoại cảnh. Giờ nói phản quan là muốn nói thay vì hướng ra, hãy quay vào. Quay vào đâu? Thân và tâm mình. Của mình, không phải của người khác, nên nói phản quan tự kỷ. Quay lại quan sát chính mình. 

Chính mình, cái gọi là tự kỷ, bao gồm hai phần, thân và tâm. Thân là sắc. Tâm là thọ, tưởng, hành, thức. Gọi chung là ngũ uẩn. Coi thân này thế nào, tâm này đang hiện khởi ra sao? Từng niệm, từng niệm mà coi ngó chúng. Bát-nhã tâm kinh nói: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Bồ-tát khi hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, soi thấy thân tâm này đều không. Nếu không quay lại quán xét thì sao có thể soi thấy thân tâm này đều không? Vì thế phải xoay lại, phải phản quan tự kỷ. Vì là pháp yếu cho toàn thể người tu thiền, nhất là với người mới bắt đầu, nên chỉ nói “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”, chưa nói rõ như Bát-nhã tâm kinh là thân và tâm đều không. Còn muốn thấy thân tâm này đều không thì phải hành sâu. Hành chưa sâu thì chưa thấy có gì không. Chỉ thấy rất nhiều thứ xuất hiện mà trước giờ do hướng ngoại nên không thể thấy.   

Bổn phận sự là việc bổn phận, là phận sự chính của người tu. Làm gì làm, xoay lại nhìn vào thân tâm mình mới là việc chính yếu trong ngày. Đó là bổn phận chính của người tu, không có việc gì khác. Không phải ăn cơm uống nước là phận sự chủ yếu. Khi ăn cơm uống nước, quán xem thân tâm mình thế nào mới là việc chủ yếu. Và dù ngồi thiền, làm công quả là phận sự hằng ngày của mình thì cũng chưa phải là chủ yếu. Quán xem thân tâm mình thế nào khi ngồi thiền và làm công quả mới là bổn phận chủ yếu. Ai là thiền sinh đều phải y đó thực hành. Thực hành không bỏ sót, thực hành trong từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây, trên từng sát-na, gọi là bổn phận sự. 

Bất tùng tha đắc

Không chỉ có phần “Phản quan tự kỷ bổn phận sự” mà tiếp sau còn phần “Bất tùng tha đắc”, không từ nơi khác mà được. Đây là nêu lý do vì sao phải phản quan tự kỷ.

Vua Trần Thái Tông lên tận núi Yên Tử gặp Thiền sư Trúc Lâm. 

Ngài thưa:

- Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, chơ vơ đứng trên sĩ dân, không có nơi nào để nương tựa. Lại nghĩ đến sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật, chẳng muốn tìm gì khác. 

Thiền sư Trúc Lâm trả lời: 

- Trong núi vốn không có Phật, Phật ở trong tâm. Nếu tâm lắng lặng trí tuệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài.

Mọi thứ thật rõ ràng. 

Giải thích nguyên do vì sao phải phản quan tự kỷ và vì sao phản quan tự kỷ lại là việc bổn phận của người tu, nhất là tu thiền và là thiền Phật giáo. 

Đơn giản vì...

Phật ở tại tâm, chẳng thể tìm kiếm ở bên ngoài. Trong núi không có Phật. Ngoài kia cũng không có Phật. Không ở đâu có Phật. Phật ở trong tâm. Đầu tiên phải nhận rõ cái gốc Phật là ở đó. Nhận đúng rồi thì mới có phương hướng thực hành cho quá trình tiếp theo. Nói cách khác, “Tất cả muôn pháp do tâm khởi. Nếu hay phản quán tâm tánh, không thấy có nguồn tâm, liền biết các pháp đếu không căn bản[2]. Tất cả đều sẽ được thấu tỏ tận gốc, một khi quay lại quán chiếu tâm mình.

Phật ở tại tâm

Vậy vì sao Thiền sư Trúc Lâm phải lên tận núi Yên Tử tu hành, sao không ở chốn thị thành tu hành cũng được? Sao Phật đặt ra vấn đề xuất gia cho người muốn tu giải thoát? Sao Phật dạy chư Tăng đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt? Vì đó là duyên giúp việc quay vào được thuận lợi, là duyên giúp điều phục cái tâm quen hướng ra ngoài của mình. Đa phần đều phải như thế. Nhưng không phải là tất cả. Mọi thứ còn tuỳ vào hành nghiệp cũng như nguyện lực của người tu. Như duyên của Thiền sư Trúc Lâm ở núi thì ngài ở núi. Duyên của Trần Thái Tông ở thị thành thì ngài ở thị thành. Duyên của Trần Nhân Tông lúc ở thị thành thì ở thị thành, lúc ở núi thì ở núi. Mọi thứ là tuỳ duyên. Duyên thế nào thuận thế ấy mà phản quan. Ở núi cũng phản quan. Ở thị thành cũng phản quan. Vì phản quan thì mới có thể hàng phục vọng tâm, chân Phật hiển bày, trùm khắp tất cả. 

Vì Phật ở tự tâm nên muốn giải thoát, muốn thành Phật, phải phản quan tự kỷ và phản quan tự kỷ phải là việc bổn phận. Bởi nếu không đặt việc đó thành bổn phận chủ yếu thì khó mà hàng phục được dòng tương tục, lực hướng ngoại, lực dính mắc, v.v. để Phật tâm có thể hiển lộ hoàn toàn. 

Quay lại quán xét thân tâm mình

Bài kinh dạy quán xét thân tâm, làm nền tảng căn bản cho các pháp môn sau này y đó lập nên, là kinh Niệm xứ. Niệm xứ có bốn phần: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp, nên còn gọi là Tứ niệm xứ. Mỗi phần đều có chữ quán ở trước. Tuy không phải quan, nhưng vẫn mang nghĩa thấy hay quan sát, quán xét. Vì chữ Hán đều là . Âm Hán thì tùy duyên mà lúc gọi quan, lúc gọi quán, nghĩa thì có khi khác, có khi không. Kinh thì dùng từ tuệ tri khi nói đến việc này. 

Mục đích của việc quán này là giúp cho phàm phu vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn. Đó là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh. Phật dạy như thế trong bài kinh số 10 thuộc kinh Trung bộ, bài kinh Niệm xứ. 

Nói độc nhất không có nghĩa chỉ có pháp đó mới đưa đến sự thanh tịnh. Độc nhất là nói đến phần tinh thần không thể thiếu khi các tướng tùy duyên xuất hiện. Tính duyên khởi của pháp cho phép việc này xảy ra. Tức tùy căn cơ chúng sinh của từng thời mà xuất hiện các pháp môn khác nhau, chỉ không lìa tinh thần chính này là được. Pháp môn nào đáp ứng được tinh thần đó thì dù tướng hành có khác thế nào vẫn không khác kinh Niệm xứ.

Tinh thần chính được nói trong kinh Niệm xứ là gì? Tất cả mọi hành xử đều cốt hiển bày cái gọi là tuệ tri. Tuệ tri là sự soi tỏ của cái biết. Đó là dụng của chân tâm. Nương đó hàng phục dòng vọng tưởng. Nên nói "Vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn". 

Vì sao phải tuệ tri như thế? 

Vì chân không ngoài vọng, nhưng chúng sinh chỉ một bề theo vọng bỏ chân, chấp vọng cho là chân. Do việc đó mà lưu chuyển mãi trong sinh tử khổ đau. Giờ dùng các thứ quán này, nương đó có thể hàng phục được dòng vọng niệm.

Với chư vị Nhị thừa, hàng phục dòng vọng niệm là dứt trừ dòng hiện hành đang tương tục trong tâm. Dứt trừ được thì Niết-bàn hiện tiền, sinh tử chấm dứt. Đây là quả vị của A-la-hán và Bích Chi Phật.

Với Bồ-tát, hàng phục dòng vọng niệm là tuệ tri được bản chất của dòng vọng niệm đó. Một khi vọng đã trở thành đối tượng được quán sát thì cũng có nghĩa hành giả không còn bị vọng dẫn chạy, có thể hàng phục được lực của dòng vọng niệm, thứ mà chư Phật gọi là lực nghiệp. Hàng phục được thì vọng hiện nguyên hình là vọng, chân ngay đó hiển bày. Vọng lúc này trở thành diệu dụng của chân thể nhiệm mầu.

Kinh Niệm xứ dạy bốn phần: quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp. Đây thu gọn thành hai phần là quán thân và quán tâm, vừa phù hợp với tinh thần mà Bát-nhã tâm kinh đã nói, vừa tương ưng với các pháp môn mà các bậc cổ đức sau này đã triển khai cho chúng sinh.

Quán thân

Trong phần quán thân, đầu tiên Phật dạy quán hơi thở. Kế là thực hành chánh niệm trong mọi oai nghi. Sau nữa là quán sự bất tịnh của thân khi còn sống và khi đã chết, có thêm phần quán tứ đại, là thứ tạo nên thân này.

1. Quán hơi thở

Là coi xem hơi thở của mình ra vào thế nào. Nó thế nào ghi nhận y thế ấy, không thêm, không bớt, cũng không tác ý dẫn hơi thở dài ra hay tác ý dẫn hơi thở đi vòng vòng, v.v. Kinh ghi: “Tỉnh giác vị ấy thở vô. Tỉnh giác vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy tuệ tri tôi thở vô dài. Thở ra dài, vị ấy tuệ tri tôi thở ra dài v.v…”. Tỉnh giác là không ngủ, không lơ mơ, không ngồi quán hơi thở mà tâm nghĩ chuyện khác. Tỉnh giác thì thấy rõ việc đang thực hành. Đó là quan sát hơi thở. Hơi thở thì chỉ có hai, hít vào và thở ra. Hít vào tới đâu biết rõ tới đó. Thở ra thế nào biết rõ thế đó. Không thêm gì khác. Toàn bộ mọi hành tác đều được đặt dưới sự kiểm soát của tuệ tri. Tuệ là thấy rõ. Tri là biết. Tuệ tri là thấy biết rõ ràng. Đó là dụng của chân thể. Biết rõ không thêm gì khác gọi là tuệ tri. Ngài Thần Hội nói: “Một chữ tri là cửa vào của mọi huyền diệu” là đây.  

Phần tuệ tri ở mỗi người thì luôn sẵn đủ, nhưng nó đã được dùng theo kiểu “trên đầu lại thêm đầu” từ vô lượng kiếp về trước cho đến nay, nên việc thấy biết không còn đơn giản chỉ là thấy biết, như máy ảnh ghi hình, như gương soi vạn tượng, mà đã bị sở tri và phiền não chi phối. Việc đơn giản giờ trở thành phức tạp vì các suy luận, quan điểm, định kiến, so sánh, phân biệt chất đầy trong tâm. Phần vọng tưởng này tương tục không dứt nên tri đó mà không biết được, tuệ đó mà thành mờ mịt, cứ theo dòng tương tục mà đi. Thở ra, thấy đó, rồi không thấy nữa vì đang bận hướng ngoại nghe chuyện thiên hạ bàn. Hít vào, thấy đó, rồi không thấy nữa vì cuộc gặp gỡ hồi sáng lại xuất hiện trong đầu. Mọi sự ghi nhận đều bị đứt đoạn là do lực của dòng tương tục kéo lôi, tuệ tri lúc tỏ, lúc mờ… Vì lẽ đó, khi mới thực hành phần quán hơi thở này, Phật dạy:Đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt”. Bớt ngoại cảnh để việc tập trung được dễ dàng. Nên “yên ở chỗ vắng” là một trong năm điều kiện thiết yếu của hành giả tu thiền, được nói trong Pháp yếu tu tập tọa thiền chỉ quán. Đó là lý do dù Phật ở tại tâm hành giả vẫn cần tuân thủ một số điều kiện bên ngoài, nhằm góp phần cho việc tu tập được tiến triển, đạt kết quả tốt.

Phần quán hơi thở này là bước đầu giúp hành giả phản quan được tốt. Tuy là quán thân, quán hơi thở nhưng đó cũng là chỗ nương đầu tiên, giúp hành giả hàng phục dần dòng tương tục, giúp lực của phần tuệ tri ngày mỗi mạnh hơn, sự có mặt trong giây phút hiện tại được tốt hơn. Ngài Trí Khải nói: “Phân biệt nghĩ ngợi tâm tán động chạy theo các cảnh không tạm dừng trụ gọi là báo chướng. Tâm phù động ngoa xảo chạy theo các cảnh, tán loạn tung hoành như khỉ vượn gặp cây khó mà kềm chế. Khi ấy hành giả nên dùng pháp Sổ tức. Sổ tức điều tâm chính là chân đối trị vậy. Cho nên Phật nói người duyên lự nhiều, dạy Sổ tức…[3]. Cũng nói: “Nhân Sổ tức phát sinh Tứ thiền, Tứ vô lượng tâm, v.v. người ấy quyết định được Đạo Tam thừa[4]. Sổ tức của tông Thiên Thai, tuy cũng quán hơi thở nhưng có thêm phần đếm số. Là do căn cơ người đời sau không được thắng như thời Đức Phật, cần phải thêm phần đếm số này, dùng đó nhiếp tâm, không cho tâm rong ruổi, mới có thể giúp hành giả tập trung, hàng phục dòng vọng tưởng. Đối trị được rồi, sang đến phần Tùy tức mới tương ưng được với phần Quán hơi thở mà Phật đã dạy trong kinh Niệm xứ.

Pháp “Biết vọng không theo” của Hòa thượng Trúc Lâm đa phần đều lấy việc quán hơi thở ra vô của tông Thiên Thai làm bước đầu, thuần rồi mới sang Biết vọng, buông hay không theo.

Thảy đều tùy căn cơ của chúng sinh mà có pháp phù hợp.              

2. Thực hành chánh niệm trong mọi oai nghi

Nói thực hành chánh niệm trong các oai nghi là nói tổng quát, chi tiết thì Phật dạy khá rõ trong kinh: “Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi, tuệ tri tôi đi; khi đứng, tuệ tri tôi đứng; khi ngồi, tuệ tri tôi ngồi; khi nằm, tuệ tri tôi nằm. Thân thể được sử dụng như thế nào vị ấy tuệ tri thân như thế ấy”. Tất cả đều được giám sát hay ghi nhận bởi cái gọi là tuệ tri. Chỗ nào cũng có tuệ tri. Thiết yếu nằm ở hai chữ tuệ tri này. Vì quy luật của tâm là thứ gì được lặp đi lặp lại nhiều, thứ đó sẽ hiển rõ và nắm thế chủ đạo. Cho nên, ngoài việc ngồi yên quán hơi thở, trong các oai nghi còn lại, việc phản quan cũng không được lơ là. Công phu cần miên mật như thế mới có thể giúp phá bỏ những thói quen thuận với sinh tử và khổ đau. Dụng của chân thể hiện tiền rồi, dù chỉ trong một thời ngồi thiền, chân thể ấy mới có thể hiển bày. Nhà thiền gọi là kiến tánh, là thấy được cái nhân Phật tánh trong chính mình. Kinh Đại bát Niết-bàn nói: “Phật tánh là nhân. Niết-bàn là quả”.       

Tôi đứng, tôi ngồi, v.v. là để hiểu tuệ tri cái gì. Chỉ cần biết rõ đúng như thế, không cần lặp lại các từ tôi đứng, tôi ngồi, v.v. Tuy vậy, lặp lại cũng không lỗi, nếu chưa thể chỉ một việc tuệ tri. Như Sổ tức của tông Thiên Thai, không chỉ biết rõ hơi thở mà còn có thêm phần đếm số. Đó là do căn cơ của chúng sinh từng thời, chưa thể một bước chỉ có tuệ tri, nên các bậc cổ đức hiện đời thêm phần đếm số để hành giả có thể y pháp giữ tâm. Thuần rồi thì bỏ phần đếm số sang phần Tùy tức. Tùy tức thuần rồi thì qua Chỉ, Quán, v.v. Phần này cũng vậy. Có thể chỉ tuệ tri hay vừa tuệ tri vừa lặp lại những nhắc nhở đó. Nói chung, pháp dùng như thuốc trị bệnh. Bệnh nào dùng thuốc đó. Bệnh hết thì thuốc bỏ.     

Phật dạy tiếp: “Khi bước tới bước lui biết rõ việc mình đang làm. Khi ngó tới ngó lui biết rõ việc mình đang làm. Khi co tay duỗi tay biết rõ việc mình đang làm. Khi mang áo tăng-già-lê, mang bát, mang y biết rõ việc mình đang làm. Khi ăn, uống, nhai, nếm biết rõ việc mình đang làm. Khi đại tiện, tiểu tiện biết rõ việc mình đang làm. Khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng biết rõ việc mình đang làm”. Biết rõ là tuệ tri.

Phần thực hành chánh niệm trong mọi oai nghi này khá quan trọng và cần thiết đối với người tu, nhất là tu thiền. Tông Thiên Thai cũng có phần quán này nhưng tướng quán thô hơn. Với việc nằm, Ngài dạy: “Khi nằm nên khởi nghĩ thế này, ta nay vì việc gì mà muốn nằm, nếu vì việc không lành, phóng túng, v.v. thì không nên nằm…”. Thô hơn là do tâm người đời sau mịt mờ hơn, dễ bị các triền cái dẫn chạy, nên pháp hành có khác hơn. Hòa thượng Trúc Lâm thì dạy “Làm việc gì biết việc đó…”. Đều là ứng với tâm của chúng sinh mỗi thời mà có pháp khác nhau, nhưng không lìa tinh thần chính mà Phật đã dạy.                

3. Quán thân do tứ đại hợp thành

Ai bắt đầu học Phật cũng đều được học phần quán tứ đại hợp thành này. Để hiểu thân này không có chủ tể. Chỉ là pháp duyên hợp. Đủ duyên thì hợp, hết duyên liền tan, không tồn tại cái tôi hay cái ngã nào trong đó. Nghĩa là tôi vui, tôi buồn, tôi đi, v.v. thảy đều là giả hợp. Nhờ các thứ quán này mà có sự khác nhau giữa hành giả tu Phật và hành giả ngoại đạo, dù cả hai đều tập trung cho việc diệt trừ dòng vọng niệm.     

4. Quán bất tịnh

Tùy bệnh của từng người mà việc áp dụng pháp có khác nhau. Phần quán này dành cho những ai có tập ham muốn mạnh và có duyên với pháp Quán bất tịnh này. Ai hàng phục được loại tập này rồi thì không dùng pháp quán này nữa, chỉ tập trung quán hơi thở, quán tâm, trì chú, niệm Phật, v.v.

Tông Thiên Thai có đề cập đến phần Quán bất tịnh này[5]. Sau khi Quán bất tịnh thành công thì chuyển sang Quán tịnh. 

Các pháp quán này giúp hành giả nhận rõ thực chất của thân, tập an trú trong chánh niệm, hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm, sống không nương tựa, không chấp trước một vật gì trên đời[6].

Quán tâm

Tâm gồm bốn thứ là thọ, tưởng, hành, thức.

Phần quán tâm này, cách quán không khác phần quán thân, chỉ khác là quán những thứ thuộc về tâm. Những gì sinh khởi nơi tâm đều phải được ghi nhận rõ ràng. Như đối với các trạng thái vui, buồn, không vui không buồn hiện lên trong tâm, Phật dạy “Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo khi cảm giác lạc thọ, tuệ tri tôi cảm giác lạc thọ; khi cảm giác khổ thọ, tuệ tri tôi cảm giác khổ thọ; khi cảm giác bất lạc bất khổ thọ, tuệ tri tôi cảm giác bất lạc bất khổ thọ”. Tâm sinh khởi thế nào, tuệ tri đúng thế ấy. Cũng vẫn là hai chữ tuệ tri mầu nhiệm. Tuệ tri luôn phải có mặt để ghi nhận những gì đang sinh khởi ở tâm.

Không chỉ đối với các trạng thái vui buồn của tâm cần được ghi nhận rõ, ngay cả việc các trạng thái đó xuất hiện thuộc lĩnh vực nào cũng cần ghi nhận rõ. “Cảm giác lạc thọ thuộc vật chất, tôi tuệ tri cảm giác lạc thọ thuộc vật chất. Cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất, tôi tuệ tri cảm giác lạc thọ không thuộc vật chất…”. Hành giả cần ghi nhận rõ khi một trạng thái xuất hiện và khi trạng thái ấy biến mất, v.v.

Đối với các phần còn lại của tâm như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, v.v. cũng vậy. Thảy đều phải được tuệ tri khi chúng hiện khởi ở tâm. “Với tâm có tham, tuệ tri tâm có tham. Với tâm không tham, tuệ tri tâm không tham. Với tâm có sân, tuệ tri tâm có sân. Với tâm không sân, tuệ tri tâm không sân… ”. Tương tự, với các suy nghĩ thương, ghét, hy vọng, hồi tưởng, v.v. thảy đều phải được ghi nhận rõ ràng. Tuệ tri và tuệ tri. 

Không chỉ tuệ tri những gì đang có mặt ở tâm, mà còn phải thấy rõ quá trình sinh khởi và mất đi của chúng, như kinh Niệm xứ nói: “Quán tính sinh khởi trên tâm, hay quán tính diệt tận trên tâm, hay quán tính sinh diệt trên tâm”. Quá trình sinh diệt ấy gọi là hành. Tác ý cũng thuộc về hành. Ghi nhận được rõ ràng quá trình đó gọi là quán hành.

Luận Đại thừa khởi tín, khi nói đến quá trình sinh diệt của tâm, không chỉ dừng ở hai đầu mút sinh diệt mà chi tiết thành bốn tướng, sanh, trụ, dị, diệt. Quán bốn tướng này, thô tế đều quán. Tức không chỉ quán tướng sinh diệt của những niệm tưởng trong tâm mà quán cho đến tướng sinh khởi của vạn pháp, như Lục Tổ nói: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh…/ Đâu ngờ tự tánh vốn không sinh diệt/ Đâu ngờ tự tánh hay sinh muôn pháp”.

Thức, hành tướng của nó là phân biệt. Khi một phân biệt khởi lên cũng cần được ghi nhận rõ. Khi một phân biệt biến mất cũng cần được ghi nhận rõ. 

Nói chung, tất cả những gì hiện khởi ở thân và ở tâm thảy đều phải ghi nhận rõ. Đó là việc bổn phận của người tu.

Chỉ tuệ tri hay còn phải đoạn trừ?

Kinh Niệm xứ chỉ thấy Phật dạy tuệ tri, tức chỉ thấy Phật dạy ghi nhận, không thấy Phật dạy đoạn trừ vọng tâm như pháp “Biết vọng buông đi” hay “Biết vọng không theo” của Hòa thượng Trúc Lâm. Có một động tác buông hay không theo rõ ràng. Tất cả các pháp môn sau này, chủ đích cũng là giúp đoạn trừ dòng tương tục, hay giúp vọng hiện nguyên hình là vọng, tức lực vọng không còn khả năng dẫn hành giả theo nó.

Trên thực tế, khi thực hiện công phu, dù chỉ nói tuệ tri hay nói buông đi thì ngay khi biết được vọng đang khởi, lúc đó vọng tạm dừng, cái biết hiện tiền. Luận Đại thừa khởi tín gọi thời khắc ấy là thấy được niệm diệt. Diệt rồi lại sinh. Sinh mà biết được thì vọng lại dừng. Dừng rồi lại sinh. Cứ vậy mà sinh diệt liên tục trong tâm. Cho đến khi lực vọng đã yếu, vọng hiện nguyên hình là vọng, sinh diệt như mây bay trên trời. Điều đó cho thấy đoạn trừ đã có mặt ngay khi có tuệ tri. Vì thế ngay khi tuệ tri là đã có đoạn trừ.

Cho nên…

Chỉ nói tuệ tri, không nói thêm gì nữa, thì cũng không có nghĩa quán thấy vọng rồi thì mặc cho vọng sinh khởi, không có ý đoạn trừ. Không. Phải có ý đoạn trừ như Phật đã dạy trong kinh: “Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không giảng cho người không biết, không thấy. Thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy? Có như lý tác ý và không như lý tác ý[7]. Phần này đề cập rất rõ đến sự diệt tận các lậu hoặc và nói đến việc như lý tác ý đối với các lậu hoặc đó. Nhờ như lý tác ý mà các lậu hoặc chưa sinh không sinh khởi, các lậu hoặc đã sinh được trừ diệt. Tức có một sự tác ý trừ diệt rõ ràng đối với các lậu hoặc.

Trong bảy pháp giúp trừ diệt các lậu hoặc, có một pháp gọi là “Các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ”. Pháp ấy như sau: “Ở đây, Tỷ-kheo như lý giác sát không chấp nhận dục niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại. Không chấp nhận sân niệm đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại. Không chấp nhận các bất thiện pháp đã khởi lên, từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại… Này các Tỷ-kheo, nếu vị ấy không trừ diệt như vậy, các lậu hoặc và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy chịu trừ diệt, các lậu hoặc và nhiệt não ấy không còn”. Như vậy ta thấy, trong phần tuệ tri đã ngầm nói đến sự trừ diệt, không phải không có. Tuệ tri chính là để trừ diệt. Với các hành giả quán pháp là vọng, là huyễn thì tuệ tri là để vọng trở về đúng vị trí của nó, không còn lực sai sử như đối với phàm phu, khiến mọi thứ đều thành thật như hiện nay. Cho nên, chớ nói “Đã là vọng sao còn nói đến việc diệt trừ”. Tuy là vọng, nhưng do huân tập mà sinh chấp thủ, do chấp thủ mà vọng không còn là vọng, mọi thứ đều thành thật. Vì thế cần phải có sự trừ diệt. Tuy là thấy trừ diệt dòng vọng tưởng, thực chất là trừ diệt lực của dòng vọng tưởng. Lực mất rồi thì vọng hiện nguyên hình là vọng.                       

              


 

[1] Tuệ Trung Thượng sỹ ngữ lục giảng giải. HT.Thích Thanh Từ.  

[2] Lục diệu pháp môn, Thiền sư Trí Khải soạn, HT.Thích Thanh Từ dịch giải. 

[3] Thiền căn bản, phần Tùy đối trị tu Lục diệu pháp môn, Đại sư Trí Khải soạn, HT.Thích Thanh Từ dịch. 

[4] Thiền căn bản, phần Lục diệu môn qua riêng đối các thiền, Đại sư Trí Khải soạn, HT.Thích Thanh Từ dịch. 

[5] Thiền căn bản. Chương Tọa thiền tam muội, Tùy bệnh đối trị, Pháp môn trị đa dục. Đại sư Trí Khải soạn, HT.Thích Thanh Từ dịch.

[6] Kinh Trung bộ I, bài kinh Niệm xứ, HT.Thích Minh Châu dịch. 

[7] Kinh Trung bộ, bài kinh Tất cả các lậu hoặc, HT.Thích Minh Châu dịch. 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác