Trên đôi chân thực tại
tren doi chan thuc tai
TRÊN ĐÔI CHÂN THỰC TẠI
Trong văn học thiền sơ kỳ có ghi lại câu chuyện một toán người lữ hành đi ngang
qua ngọn đồi thấy trên đỉnh đồi có một người đang đứng, họ bèn bàn tán về người
đó. Người thì bảo ông ấy đang bị mất con vật quý. Người khác lại bảo: Không, ông
ấy đang tìm một người bạn thân. Người khác nữa lại nói: Các vị nói không đúng,
ông ấy thật sự đang tận hưởng không khí trong lành mà thôi. Họ bàn tán với nhau,
cãi qua cãi lại, không ai đồng ý với ai, nên cùng nhau đi lên đỉnh đồi hỏi người
ấy cho ra lẽ. Nhưng người ấy nói: Nhận thức của quý vị sai cả, tôi chẳng bị mất
con vật quý nào, cũng chẳng tìm người bạn thân, cũng không phải thưởng thức
không khí trong lành. Tôi chỉ đơn giản là đang ở đây thôi!
Trong cuộc sống cũng vậy, ta có nhìn nhận người khác đúng với con người thật của
họ không hay chỉ là những ý tưởng của mình gắn lên người khác, như những người
trong câu chuyện trên? Làm sao ta nhận thức đúng về người khác mà không phải là
ảo tưởng? Thường thì ta nhìn ai đó nhưng không nhìn con người đang là mới mẻ của
họ mà nhìn ý niệm sẳn có của ta về họ. Ta luôn chụp lên người khác hình ảnh mà
ta đã có về họ. Ta nhìn người khác thường bằng định kiến, thiên kiến, bằng ký ức
mà không phải cái nhìn mới mẻ về con người đang là của họ. Cái thấy của ta về
người khác, vì vậy là một ảo tưởng, không đúng với con người thật của họ. Thấy
đúng về người khác phải là cái thấy mới mẻ như họ đang là hay như mới gặp lần
đầu, không có thành kiến, định kiến gì cả.
Trong đời sống quan hệ xã hội, ta rất ít có sự tương giao, phần lớn là mâu thuẫn,
chia cách và xung đột. Nhưng do đâu có sự mâu thuẫn, chia cách và xung đột? Là
tại vì ta nhìn nhận người khác không phải bằng chính con người đích thực của họ
mà nhìn qua lăng kính diễn dịch của bản ngã. Người đó thật đáng ghét, người kia
thì dễ thương… đấy là sự diễn dịch của bản ngã. Bản ngã diễn dịch theo nhận thức
chủ quan của nó. Thường thì bản ngã diễn dịch thành điều nó ưa thích và không ưa
thích. Trong mối quan hệ, nếu bản ngã diễn dịch thành điều không ưa thích thì
mối quan hệ đó trở nên chia cách, mâu thuẫn và xung đột. Nhưng nếu bản ngã diễn
dịch thành điều ưa thích thì sao? Mối quan hệ đó có trở nên tương giao không?
Xem ra trên hình thức, mối quan hệ đó không có chia cách, xung đột, mâu thuẫn
nhưng vẫn không có tương giao thật sự, vì đó vẫn là một kiểu diễn dịch theo dạng
luyến ái của bản ngã đối với đối tượng. Tương giao chỉ thật sự diễn ra khi vắng
bóng hoàn toàn của bản ngã. Vì vậy, trong các mối quan hệ xã hội, ta phải hết
sức thận trọng cảnh giác xem mình nhìn nhận đúng con người của họ không hay chỉ
nhìn qua lăng kính diễn dịch của bản ngã, như Giáo sư Jon Kabat Zinn, nhà sáng
lập Trung tâm Thiền chánh niệm tại Mỹ, đã đề cập đến điều này một cách rất nhẹ
nhàng:
“Mỗi khi nhìn một người nào, ta nên tự hỏi, ta có thật sự thấy được người ấy
không hay đó chỉ là những ý tưởng của ta về họ? Nhiều khi ý nghĩ của ta cũng
giống như là một cặp mắt kính mộng tưởng. Khi mang vào rồi, ta chỉ thấy một
người chồng mộng tưởng, người vợ mộng tưởng, đứa con mộng tưởng, việc làm mộng
tưởng… Và rồi chúng ta cũng sống trong một hiện tại mộng tưởng, cho một tương
lai cũng sẽ là mộng tưởng y như thế”.
Sự diễn dịch của bản ngã tạo ra cặp mắt kính mộng tưởng. Bản ngã thêu dệt và vẻ
vời theo trí tưởng tượng chủ quan của nó. Cho nên con người và thế giới, dưới
cặp mắt kính mộng tưởng ấy, đều là ảo mộng, không thực. Thế giới không thực là
thế giới ta phóng hiện ý niệm của mình ra bên ngoài. Do vậy, ta nói ta nhận thức
thế giới nhưng kỳ thực là ta nhận thức chính ý niệm của mình. Điều này trong Duy
thức học gọi là nhận thức phân đôi. Nghĩa là khi nhận thức tâm trí ta phân đôi
thành chủ thể và đối tượng. Chủ thể là tâm thức mà đối tượng cũng là tâm thức.
Cho nên ta nhận thức chính nhận thức của mình mà không phải nhận thức chính tự
thân thực tại bên ngoài. Tâm ta phóng hiện ra bên ngoài đủ thứ ý niệm, cho nên
thế giới bên ngoài mà ta thấy cũng muôn màu muôn vẻ, tùy theo ý niệm của ta mà
chúng trở nên tốt hay xấu, đáng yêu hay đáng ghét… Thế giới muôn màu muôn vẻ ấy
là không thật, là ảo mộng, do những ý niệm ảo tưởng của ta phóng hiện ra mà thôi.
Chừng nào nhận thức của ta vẫn còn phân đôi thì sự thấy biết vẫn là vô minh ảo
tưởng, không thấy được thực tại, không thể giác ngộ được sự thật. Điều này như
Thiền sư D.T.Suzuki nói:
“Khi vẫn còn sự tách rời giữa người tìm kiếm sự toàn vẹn và chính sự toàn vẹn ấy
thì mục đích tối hậu sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được. Một khi mà sự chia đôi
hiện thực ra thành hai thành phần đối nghịch nhau vẫn chưa loại bỏ được, tức là
tình trạng phân tách giữa chủ thể và đối tượng, một bên là người suy nghĩ về một
thứ gì đó và bên kia là chính thứ ấy, hay nói cách khác, giữa người nêu lên câu
hỏi và chính câu hỏi của người ấy vẫn còn nguyên thì khi đó sự phân tách ấy sẽ
vẫn còn tiếp tục ngăn chặn sự thực hiện giác ngộ”.
Giác ngộ chỉ có thể xảy ra khi không còn sự phân tách giữa chủ thể nhận thức và
đối tượng được nhận thức, nghĩa là nhận thức không bị phân đôi. Người đi tìm sự
toàn vẹn chính là sự toàn vẹn. Không có sự toàn vẹn nằm đâu đó để ta đi tìm kiếm;
nếu có thì đó chỉ là sự phóng chiếu ý niệm của ta mà thôi. Mọi thứ vốn đã là sự
toàn vẹn, hoàn hảo, nhưng do ý niệm dựng lập phân đôi hiện thực làm mất đi sự
toàn vẹn ấy. Giác ngộ là thấy ra những ý niệm, tư tưởng chia chẻ sự toàn vẹn ấy
và trở về thể nhập trọn vẹn vào thực tại, không tạo ra chủ thể nhận thức và đối
tượng nhận thức nữa. Giác ngộ như vậy không phải là một chứng ngộ siêu hình,
siêu nghiệm, mang tính trừu tượng mà là một nhận thức trong sáng khách quan,
không có dựng lập ý niệm để tạo ra chủ thể và đối tượng; không có thiên kiến, xu
hướng quan niệm, ý tưởng hay tình cảm chủ quan của ta áp đặt lên hiện thực.
Thực tại hay sự thật là cái đang là, cái đang diễn ra, nếu ta phản ứng lại cái
đang diễn ra, đang là ấy theo quan kiến, sở thích, ước muốn của riêng mình thì
ta không thấy được sự thật hay thực tại đang là. Cái đang diễn ra, đang là mà ta
muốn phải diễn ra theo ý ta, phải “là” theo ý mình, đấy là một phản ứng tạo ra
sự phân tách giữa chủ thể và đối tượng, giữa ta với thực tại, giữa ta với tha
nhân, giữa ta với thế giời. Phản ứng với cái đang là sẽ tạo ra vô minh tham ái
dẫn đến khổ đau phiền muộn. Hành động trong sự phản ứng với thực tại đang là sẽ
tạo ra bản ngã, tạo ra người hành động và hành động. Hành động với người hành
động, tức hành động bằng bản ngã sẽ dẫn đến xung đột, đấu tranh và phân cách.
Hành động không phản ứng với thực tại đang là chỉ đơn giản là tự thân hành động
đang trải nghiệm, nghĩa là chỉ có hành động mà không có người hành động, không
có bản ngã hành động. Hành động ấy là hành động của tự do và giải thoát.
Cuộc sống của chúng ta suy cho cùng chỉ có hai chiều hướng diễn ra: chạy trốn và
tìm cầu. Chạy trốn điều không ưa thích và tìm cầu sự thích thú. Ta chạy trốn sự
chỉ trích, tìm cầu sự khen ngợi. Ta sợ bị khinh bỉ, tìm cầu sự kính trọng. Cuộc
sống trốn chạy và tìm cầu như vậy là một ảo ảnh. Chạy trốn là chạy trốn chính
cái ảo ảnh mà tâm trí ta dựng nên. Tìm cầu cũng là tìm cầu cái ảo ảnh do tâm trí
ta phác họa ra. Tất cả chúng là những hình ảnh ảo mộng, không thật do tâm thức
ta dựng lập nên đấy thôi. Sống, vì vậy ta không bao giờ thấy được sự thật, tiếp
xúc được với sự thật, chứng nghiệm được sự thật, chỉ chạy theo những ảo ảnh bên
ngoài do tâm trí ta phóng hiện ra mà thôi. Sống chạy trốn và tìm cầu như vậy là
một ảo vọng nhưng khổ đau thì luôn hiện hữu có thực: căng thẳng, mệt mỏi, bất
an, phiền muộn... Bạn có thể trốn chạy, có thể tìm cầu và đạt được một chút an
ổn, thỏa mãn. Nhưng sự an ổn đó không thật sự rốt ráo, không bền vững, đằng sau
sự an ổn đó vẫn là sự bất an ngấm ngầm, tiềm ẩn. Bởi vì sự bình an, yên ổn đó
cũng chỉ là một sự giả tạo do cái ảo ảnh chạy trốn và tìm cầu tạo ra mà thôi.
Thế nên, một cuộc sống thật sự an ổn, bình lặng là cuộc sống không chạy trốn
điều gì và cũng không tìm cầu điều gì, chỉ ngay nơi thực tại hiện tiền mà sống,
tiếp xúc thật sâu sắc và cởi mở, trong sự rỗng lặng trong sáng của tâm trí. Đó
chính là đi trên đôi chân thực tại.
Đi trên đôi chân thực tại sẽ tiếp xúc được với mặt đất, tiếp xúc được với sự
thật, với thực tại đang là, không có vô minh ảo tưởng, vì vậy mà không có khổ
đau phiền muộn. Mỗi bước chân ta đi như chạm vào cõi Niết-bàn, thật an lạc,
thong dong và tự tại!
Hoàng Nguyên