Di sản nghìn năm

Di sản nghìn năm

Di sản nghìn năm

H.W.Schumann viết: “Thật hiếm nhân vật nào trong lịch sử tư tưởng nhân loại đã có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài như Đức Phật Siddhattha Gotama, và cũng không ai đã để lại dấu ấn sâu đậm trên toàn châu Á như Ngài. Ðạo giáo do Ngài sáng lập không chỉ đem lại nguồn an ủi cho vô số người mà còn cung cấp nền tảng học thuyết nhân bản cao thượng và một di sản văn hóa vô cùng tinh tế”.[1]

Trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, vị giáo chủ, và cũng là nhà truyền giáo tích cực nhất, bền bỉ nhất, giản dị nhất, bao dung nhất, không thể ai khác hơn Đức Phật. Suốt 49 năm, Đức Phật đã đi không ngừng nghỉ, từ nơi giàu sang tới chốn nghèo hèn. Đến đâu, Ngài cũng tùy duyên hóa độ, chỉ dẫn con đường đưa đến sự giải thoát rốt ráo. Vậy thì di sản của Phật để lại là một triết thuyết hay tôn giáo có những tính chất gì?

Phật giáo: Một tôn giáo dân chủ và  “vô thần

Các tôn giáo độc thần luôn có một đấng tối thượng. Phật giáo thì chỉ coi việc giác ngộ bản thân là tối thượng chứ không tồn tại một đấng tối thượng siêu hình nào bên ngoài ta. Bậc Vô thượng hay gọi đơn giản là Phật chính là một “cảnh giới” mà mọi chúng sinh đều có thể đạt được nếu kiên trì tu tập, tĩnh tâm thiền định.

Ở các tôn giáo khác có sự hiện diện các vị thần với quyền lực siêu nhiên, còn trong Phật giáo, Phật là một người đã giác ngộ, đạt tới giải thoát, tâm ý hoàn toàn trong sạch và là người có lòng từ bi thương yêu, cứu giúp tất cả chúng sinh không phân biệt dù hy sinh cả bản thân mình. Danh hiệu hay “cảnh giới này ai trong chúng sinh cũng có thể đạt tới, dù thời gian tu tập kéo dài rất lâu, thậm chí trong nhiều kiếp.  Chính Phật cũng đã khẳng định: "Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành".

Các tôn giáo khác thường có Giáo hội và người đứng đầu, lãnh đạo toàn bộ tín đồ (ví dụ như Giáo hoàng của Công giáo, Giáo chủ của Hồi giáo). Họ có quyền lực gần như tuyệt đối. Trong Phật giáo, người có thời gian, cấp độ tu hành cao sẽ được các tín đồ trọng vọng, nhưng họ không có toàn quyền chỉ đạo các tín đồ khác. Trước khi nhập diệt, Đức Phật Thích Ca đã để lại di ngôn rằng Tăng đoàn sẽ không có người đứng đầu (để tránh Tăng đoàn bị sa vào tranh chấp quyền lực, tài sản), các bài kinh và lời dạy của Phật là điều có thể giúp các tín đồ dựa vào đó để sử dụng trí tuệ của mình tự soi sáng cho mình: "Này A-Nan, thầy cho rằng các Tỷ-kheo không có nơi nương tựa, không có ai che chở sau khi Ta nhập diệt ư? Đừng nghĩ như vậy, những Kinh, Luật mà Ta đã giảng dạy từ khi thành Phật đến nay sẽ là chỗ nương tựa che chở cho các thầy đó... Này các đồ đệ, các con hãy tự làm đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con; hãy tinh tấn tu hành".[2]

Một tôn giáo “khoa học

Theo cố Giáo sư Phạm Công Thiện thì không thể nói “Phật giáo là một  tôn giáo mang tính chất khoa học mà phải nói “khoa học mang tính chất Phật giáo vì bản thân Phật giáo là khoa học. Albert Einstein có lần nói  “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng” (Science without religion is lame. Reigion without science is blind). Ông đã nghiên cứu đạo Phật qua các sách báo do các học giả Phật học Âu-Mỹ viết. Nhờ nghiên cứu như vậy mà A.Einstein đã nhìn thấy đạo Phật như là một triết lý cực kỳ sống động và triết lý ấy đã đi vào cuộc đời bằng chân lý thực chứng của mình, giảm bớt  sự chậm tiến, lạc hậu, mê tín của thời đại. Đạo Phật đã đem lại cho con người một cái nhìn mới, một lối sống mới, một sự hài hòa mới, sống với nhau như ánh sáng trong không gian, chan hòa với nhau như nước với sữa.

Einstein đã phát biểu về đạo Phật: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực bên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”.[3]

Một số tôn giáo cho rằng trái đất trung tâm của vũ trụ, nhưng Phật giáo cho rằng trái đất chỉ là một trong muôn vàn các thế giới cùng tồn tại, mỗi thế giới lại có những đặc điểm khác nhau, trong tam thiên thế giới, tức là số lượng các thế giới gần như là vô hạn. Đức Phật Thích Ca từng nói: "Trong vũ trụ này còn vô số những thế giới khác, trong một ly nước cũng có vô số chúng sinh. Quan điểm này hiện nay đã được khoa học hiện đại chứng minh là đúng (theo thuật ngữ của khoa học hiện đại thì "Tam thiên đại thiên thế giới" chính là tương ứng với những thiên hà, còn những chúng sinh trong ly nước chính là vi trùng, vi khuẩn).

Một tôn giáo bình đẳng giữa chúng sinh

Các tôn giáo khác coi loài người là sinh vật tối thượng. Còn trong Phật giáo, được làm người là một điều đáng quý nhưng loài người (nhân giới) cũng chỉ là một kiếp sống như các loài vật khác (súc sinh giới, a-tu-la giới, thiên giới), có kiếp sống còn cao cấp hơn loài người. Song dù là người, a-tu-la, trời hay súc sinh thì cũng đều là sinh vật, phải chịu quy luật nhân quả, không sinh vật nào là vĩnh cửu mà đều phải có lúc chết; lúc chết thì sẽ luân hồi sang kiếp sống khác, tùy theo thiện nghiệp hay ác nghiệp.

Một tôn giáo phi giai cấp

Xã hội vào thời Đức Phật có bốn giai cấp với sự kỳ thị rất lớn:

1- Bà-la-môn (Brāhmaṇā): giai cấp Tăng lữ, đứng đầu xã hội.

2. Sát-đế-lỵ (Khattiya; Kṣtriya): đây là giai cấp của vua chúa, tướng lĩnh, chiến sĩ nắm quyền điều hành, lãnh đạo, quản lý xã hội.

3. Vệ-xá (Vessa; Vaiśya): gồm giới thương buôn, buôn bán sỉ và lẻ, các ngành nghề thủ công, canh tác... Họ là giai cấp trung lưu.

4. Thủ-đà-la (Sudda, Sūdra; Śūdra): Gồm những nghề lao động tay chân nặng nhọc. Ngoài ra còn có hạng tiện dân, nô lệ Chiên-đà-la (Caṇḍāla) ở tận đáy xã hội, không được bốn giai cấp trên thừa nhận. Họ là “giai cấp” tiện nhân, hạ liệt, sống cơ cực, bần cùng và luôn bị xã hội coi khinh, rẻ rúng.

Thời nào cũng vậy, giai cấp Thủ-đà-la luôn bị coi khinh, kỳ thị; riêng giới Chiên-đà-la thì sống ngoài rìa xã hội, đến nổi luật Maṇu có điều khoản: “Giết một người Caṇḍāla không phạm tội giết người, vì Caṇḍāla không phải là người”.[4]

Trong một lần thuyết pháp cho vua nghe, Phật dạy: “Này đại chúng, chúng sinh sai biệt nhau về phước nghiệp, chứ không phải vì dòng dõi hay giai cấp. Ai sống theo thiện pháp thì đó là người đáng kính, chứ không phải vì người đó thuộc dòng dõi, giai cấp nào cả.

Này đại chúng, Không có giai cấp khi máu cùng đỏ, không có giai cấp khi nước mắt cùng mặn!”[5]

Ngay lúc đó, vua Sudhodana bỗng chứng ngộ một quả vị cao hơn, đứng bật dậy nói: “Mỗi một hạt bụi dưới chân ta cũng tràn đầy sự sống”. Nhiều người trong hoàng tộc chứng sơ quả Tu-đà-hoàn, rơi nước mắt vui mừng.

Một tôn giáo mang tính chất triết học

Triết lý siêu việt của đạo Phật đã trở thành một trong những đỉnh cao tư tưởng của lịch sử triết học Đông phương cũng như Tây phương. Phật giáo đã vượt ra khỏi một tôn giáo và là một tư tưởng triết học.

Phật giáo không chấp nhận  đức tin mù quáng và tuyệt đối. Nghiên cứu triết học nhằm giúp ta phán đoán và đi tìm chân lý. Nói cách khác, nếu hiểu triết học là sự yêu mến trí tuệ giác ngộ thì Phật giáo là một triết học, bởi vì Phật giáo đã hướng dn ta nhận thức sáng suốt về các hành động và tư tưởng của ta. Trong Tăng chi bộ (Anguttara Nikaya) có ghi lời Đức Phật như sau: “Đừng tin tưởng những điều gì dựa vào tập quán, những bài văn viết lưu truyền lại. Đừng tin những gì được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đừng tin tưởng những điều gì do các bậc thánh nhân, giáo chủ nói lại. Ngay cả đừng tin tưởng vào những điều mà thầy học của mình, tôn sư của mình nói ra. Điều quan trọng là chúng ta phải kiểm nghiệm những lời nói, những điều do các bậc nêu trên dạy, ta phải nhận rõ đâu là chỗ đúng, đâu là chỗ sai, đâu là điều có lợi cho mình, cho kẻ khác. Các đệ tử hãy lấy đó làm tiêu chuẩn sống ở trong cuộc đời này”.

Như vậy, Phật giáo được coi như là một triết học. Đức Phật được xem như là một triết gia lớn (the great philosopher), một nhà tư tưởng lớn (the great thinker)...[5]

Khi nghiên cứu “Phật giáo như là một triết học”, chúng ta sẽ nghiên cứu các lĩnh vực triết học chính yếu của Phật giáo như: nhận thức luận, nhân minh luận hay luận lý học, đạo đức học, giải thoát luận hay con đường giải thoát của đạo Phật. Chúng ta sẽ tìm hiểu lý Duyên khởi, Tứ diệu đế, triết học Tánh không, Trung đạo... qua các kinh điển Nguyên thủy và Đại thừa.

Trong kinh Lăng-g Đức Phật nói: “Ta từ khi thành đạo, trong 49 năm thuyết pháp, chưa từng nói một lời”. Chúng ta phải hiểu,

 Vô hữu Niết-bàn Phật

 Vô hữu Phật Niết-bàn

Viễn ly giác, sở giác

Mâu-ni tịch tịch quán

Thị tắc yểm ly sanh

Thị danh vi bất thủ

Kim thế hậu thế tịnh. (Kinh Lăng-g)

 (Không Phật vào Niết-bàn

 Không Niết-bàn của Phật

 Xa lìa biết bị biết

Bậc thành lặng quan sát

Nhờ vậy sanh nhàm chán

Ấy là không ôm giữ).

Khi ngã chấp tiêu diệt thì khổ hết, Niết-bàn hiển lộ như mây tan trăng hiện. Ảo tưởng về ngã vướng vào đâu thì khổ đó, ảo tưởng về ngã tan đi thì Niết-bàn ở đó. Cho nên khổ hay Niết-bàn cả hai vừa ở khắp nơi vừa không ở nơi nào...[6]

Đạo Phật không lưu lại kinh điển do chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni viết bằng một văn tự nào; đây có thể là một ưu điểm, và có thể là một may mắn cho tư tưởng Phật giáo. Điều này giúp cho tư tưởng Phật giáo không bị dính chặt vào văn tự, nhờ thế các nhà diễn giải, các luận sư đã làm rực rỡ, và đã điểm tô triết học Phật giáo thành rừng triết học đầy kỳ hoa dị thảo. Do đó, khi nghiên cứu tư tưởng Phật giáo, người học Phật cần đem sự hiểu biết, trí tuệ của mình để có thể thấu hiểu cái triết lý thâm sâu và siêu việt này.

Chúng ta nhớ Bốn điều y c:

1. Y pháp bất y nhân: nghĩa là y cứ vào giáo pháp của Phật mà tu hành, chứ đừng nương tựa, chấp mắc vào người.

2. Y nghĩa bất y ngữ: tức là y vào nghĩa lý mà tu hành, đừng y cứ vào văn tự ngôn ngữ mà chấp mắc vào đó

3. Y trí bất y thức: nghĩa là y cứ vào lý trí, chứ đừng nương tựa vào thức tình.

4. Y liễu nghĩa bt y bất liễu nghĩa: nghĩa là y cứ vào kinh điển liễu nghĩa, chứ đừng y cứ vào kinh điển bất liễu nghĩa, chưa nói rõ hết nghĩa lý.

Tôn giáo không phân biệt giới tính

 Theo cố Ni sư Thích Nữ Trí Hải, “Nhiều người đã căn cứ vào Bát kỉnh pháp và căn cứ vào việc Phật chế giới cho Ni nhiều hơn Tăng mà cho rằng Phật kỳ thị nam nữ. Thật ra vì phái nữ có những điều kiện vật lý tâm lý khác hẳn nam giới nên giới luật cũng khác... Mãi đến nhiều năm sau khi thành lập Tăng đoàn, bà mẹ nuôi Đức Phật là hoàng hậu Mahāprajāpatī cùng với 500 nữ nhân dòng họ Thích Ca mới đến xin Phật thế phát xuất gia. Phật từ chối. Lần thứ hai khi nghe Đức Phật đang ở Kỳ Hoàn tịnh xá, hoàng hậu cùng 500 nữ nhân ấy từ xa xôi lặn lội, đi bộ rách cả gót chân, y phục lấm lem đất bụi đến nơi đứng ngoài cửa khóc lóc thảm thương. Ngài A Nan thấy thế động lòng can thiệp giúp cho  hoàng hậu và sau ba lần năn nỉ, Phật mới bằng lòng cho bà và 500 nữ nhân xuất gia với điều kiện phải tuân Bát kỉnh Pháp. Phật biết tâm lý kiêu căng cố hữu của người phụ nữ, mặt trái của bản năng làm mẹ, ưa bảo bọc và tự cho mình quan trọng. Bà là đương kim hoàng hậu, lại là mẹ nuôi đã chăm sóc Thái tử (Đức Phật trước khi xuất gia) từ khi mới ra khỏi lòng mẹ được bảy ngày. Bà có đủ tất cả lý do để kiêu căng ngã mạn khi bước vào hàng ngũ xuất gia. Nếu Phật không chế ra Bát kỉnh pháp thì bà sẽ trổ trời mà lên, không coi ai vào đâu nữa. Nếu ở đời bà sai bảo lính tráng quan hầu thì không lý do gì khi vào đạo và lại là mẹ của Phật, bà không sai bảo được những nam tu sĩ choai choai đáng tuổi con cháu bà?.... Chúng ta cần hiểu trở ngại lớn nhất cho người đi tìm đạo là thói kiêu căng. Gandhi nói, Người tìm chân lý phải xem mình hèn mọn hơn cát bụi”. Phật đã nói, “Cũng như nước trong bọt biển chỉ có một vị mặn. Đạo ta chỉ thấm nhuần một vị, ấy là vị giải thoát.

Trong số đông đảo phụ nữ xuất gia thời Đức Phật còn tại thế, nhiều người chứng quả A-la-hán. Nếu trong khi Tăng bộ có hai vị thượng thủ là Sariputta (Xá-lợi-Phất) và Mogallamna (Mục-kiền-liên) thì trong Ni bộ cũng hai vị tương tự là bà Khema và Uppalavanna. Chưa kể việc Phật độ cho nàng Ambapali, một kỳ nữ kiều diễm của thành Vệ-xá-ly mà nhan sắc suýt làm cho vua Bimbisara mất mạng. Đức Phật đã cảm hóa và khiến nàng trở thành một người xuất gia thanh tịnh trong hàng ngũ Ni, chứng tỏ đức bình đẳng và lòng từ bi bao la của Ngài.

Ni sư kết luận: “Dưới ánh sáng tâm linh của Đức Phật, không có vấn đề kỳ thị mà trái lại mọi người mọi loài đều hiển lộ đúng chỗ của nó và đều quan trọng cần thiết như nhau. Như trường hợp Long nữ thành Phật trong kinh Pháp hoa, hay Phật thọ ký cho các bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề và Da-du-đà-la thành Phật... Đức Phật dạy rằng chỉ có tự chúng ta làm cho chúng ta thanh cao hay hèn hạ , không ai khác có thể nâng cao hay hạ thấp phẩm giá của ta. Trong vấn đề phụ nữ cũng vậy khi họ theo đuổi giá trị tinh thần tâm linh, biết sống vì chân lý, thì họ không có lý do gì để mặc cảm về thân phận mình, lại càng không có lý do gì để kiêu căng, mà chỉ sống như một con người, đơn thuần là một con người, và theo Phật giáo, đấy là một địa vị thuận lợi mở ra muôn ngàn khả năng đạt đến tuyệt đối, Niết-bàn.[7]

Thế đấy, di sản của Đức Phật còn mãi với thời gian, không gian để hiện hữu quanh ta, trong ta với những tính chất nêu trên. Hãy trân trọng gìn giữ và hoằng dương Chánh pháp.

 Nguyên Cẩn

Ghi chú:

(1)   H.W.Schumann (1982), The Historical Buddha (Ðức Phật lịch sử), Trần Phương Lan (dịch) (2000), NXB.TP.HCM.

(2)   https://gdptvietnam.org/duc-phat-nhap-niet-ban.gdpt

(3)   https//phatgiao.org.vn/nha-khoa-hoc-thien-tai-albert-einstein-nghi-gi-ve-giao-ly-dao-phat-d32630.html

(4)   https://luatminhkhue.vn/boi-canh-van-hoa-xa-hoi-ton-giao-tin-nguong-thoi-duc-phat.aspx

(5)   https://thientonphatquang.com/ngan-xua-duc-phat-da-noi-gi-ve-chong-phan-biet-chung-toc/

(6)   https://phatgiao.org.vn/phat-giao-nhu-la-mot-triet-hoc-hay-mot-ton-giao-d38182.html

(7)   Thích Nữ Trí Hải, Từ nguồn diệu pháp, Niết-bàn sinh tử, NXB.Tôn giáo, 2004.

(8)   Thích Nữ Trí Hải, Từ nguồn diệu pháp, Nữ giới trong đạo Phật, NXB.Tôn giáo, 2004. 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle