Cảm nhận về bài kệ Thị tịch của Ni sư Diệu Nhân

cam nhan ve bai ke

CẢM NHẬN VỀ BÀI KỆ THỊ TỊCH CỦA NI SƯ DIỆU NHÂN

Sinh lão bệnh tử

Tự cổ thường nhiên

Dục cầu xuất ly

Giải phược thiêm triền

Mê chi cầu Phật

Hoặc chi cầu Thiền

Thiền Phật bất cầu

Uổng khẩu vô ngôn .

Đôi nét về Ni sư Diệu Nhân (1042-1113)

Ni sư xuất thân từ hoàng tộc, là con gái của Phụng Càn Vương Lý Nhật Trung (con vua Lý Thái Tông). Bà tên thật là Lý Nhật Kiều, người làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Được vua Lý Thánh Tông đem vào cung nuôi và phong làm công chúa. Sau khi chồng mất, một hôm bà nói với thể nữ: “Ta xem tất cả các pháp trong thế gian đều như mộng ảo, huống gì những thứ vinh hoa phù phiếm mà có thể trông cậy được hay sao”. Sau đó, bà theo học đạo với Thiền sư Chân Không thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi và được Thiền sư ban đạo hiệu là Diệu Nhân. Ni sư tu hành đắc đạo và trở thành Thiền sư đứng đầu của thế hệ thứ 17 dòng thiền này.

Bài kệ Thị tịch

Những bài kệ thị tịch trước hết là gia tài tâm linh cho thấy kinh nghiệm chứng đắc của các bậc Thánh, tương tự tam tạng kinh điển mà Đức Phật để lại. Đó không phải là văn chương chữ nghĩa để hý luận, mà là ngón tay để chỉ mặt trăng. Bài kệ Ni sư Diệu Nhân đọc trước khi viên tịch cũng vậy. Có nhiều truyền bản khác nhau về bài kệ này. Bài viết của chúng tôi y theo bản in trong cuốn Thiền uyển tập anh, được dịch nghĩa như sau:

Sinh lão bệnh tử

Xưa nay vẫn vậy

Nếu muốn xa lìa  

Cởi trói càng trói

Mê mới cầu Phật

Hoặc mới cầu Thiền

Thiền Phật không cầu

Uổng phí cả lời.

Hai câu đầu mang đến cho người đọc cảm giác bình yên vì bao quát và đồng cảm được tất cả những nỗi thống khổ của đời người. Con người tham sống sợ chết, sợ đau khổ, sợ đủ thứ, sợ nhất là cái chết, thì Ni sư khẳng định “sinh lão bệnh tử, xưa nay vẫn vậy”, đó là quy luật. Hai câu đầu của bài kệ cho thấy Ni sư đã vượt thoát sinh tử cho nên không còn sợ sinh tử nữa, Ni sư đã thể nhập được quy luật vô thường. Sinh lão bệnh tử ở đây tượng trưng cho Khổ đế. Nỗi khổ của con người không chỉ là sinh, lão, bệnh, tử, mà còn là khổ vì oán ghét gặp gỡ, thương yêu xa lìa, mong cầu mà không được, và tất cả khổ đau nói tóm lại đều do chấp thủ năm uẩn. Trong kinh Tương ưng, phẩm Gánh nặng, Đức Phật đã tuyên thuyết chân lý thẳm sâu về năm uẩn như sau:

Năm uẩn là gánh nặng

Kẻ gánh nặng là người

Cầm lấy gánh nặng lên Chính là khổ ở đời

Còn đặt gánh nặng xuống Chính là lạc ở đời

Đặt gánh nặng xuống rồi

Không mang thêm gánh khác

Nếu nhổ khát ái lên

Tận cùng đến gốc rễ

 Không còn đói và khát

 Được giải thoát, tịnh lạc.

Trong kinh A Nậu La Độ, Đức Phật dạy rằng xưa nay Ngài chỉ giảng dạy về khổ và con đường diệt khổ. Ni sư Diệu Nhân đã liễu tri được Khổ đế, cảm giác bình an mà hai câu đầu của bài kệ mang lại cũng chính là sự bình an mà Ni sư đã đạt được trong tâm thức. Đức Phật dạy rằng ai liễu tri được một trong bốn chân lý của Tứ diệu đế tức là đã liễu tri được ba chân lý còn lại. Khổ đế, sự thật về khổ đau, là sự đồng cảm vĩ đại của Đức Phật đối với kiếp nhân sinh. Giáo lý mười hai nhân duyên lại là một cách lý giải về nguyên nhân của khổ đau: “Vì có vướng mắc mà có hiện hữu, rồi sinh tử, khổ não và ưu sầu không thể kể xiết” (kinh Độ người hấp hối).

Chúng sinh ai cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau. Tuy nhiên, nhầm lẫn giữa hạnh phúc đích thực và hạnh phúc do năm món dục lạc đem lại, số đông con người theo các dục quay cuồng. Rất ít người hiểu được rằng: “Trong cái vui phi thời của ái dục, chất ngọt ngào thì ít mà cay đắng thì lại rất nhiều, sự hưởng thụ rất bé mà tai họa thì lại rất lớn” (kinh Tuổi trẻ và hạnh phúc). Vì vậy khổ đau là một vị thầy để chúng ta giác ngộ lời dạy của Đức Thế Tôn. Ni sư Diệu Nhân đã qua được bờ bên kia nên quyết định bỏ chiếc bè xuống, không mang theo nữa:

Dục cầu xuất ly

Giải phược thiêm triền.

Ni sư dạy rằng nếu muốn thoát ly sinh tử thì như là muốn cởi trói mà lại tự trói thêm. Đây là ngôn ngữ của người đã đắc đạo. Như Sa–di Đạo Tín hỏi ngài Mã Tổ, xin ban cho con pháp giải thoát, Mã Tổ liền hỏi, ai trói buộc ông? Ngài Đạo Tín ngay đó hoát nhiên đại ngộ. Chúng ta là kẻ phàm phu chưa liễu thoát sinh tử thì chớ nên hiểu lầm rằng không nên thoát ly sinh tử, không nên cầu đạo giải thoát. Chưa đến đích thì vẫn phải còn đi. Pháp là phương tiện. Ni sư Diệu Nhân đã đạt tới cứu cánh nên buông bỏ phương tiện, đó là rốt ráo tu hành mà trong kinh Kim cương Đức Phật đã dạy: “Nhữ đẳng T-kheo, tri ngã thuyết pháp, như phiệt dụ giả. Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”. (Các thầy Tỷ-kheo, nên biết pháp ta nói ví như chiếc bè, pháp mà còn phải bỏ huống là không phải pháp).

Sinh lão bệnh tử

Tự cổ thường nhiên

Dục cầu xuất ly

Giải phược thiêm triền.

Bốn câu kệ này đồng thời cũng là phương tiện để hành giả quán chiếu. Xưa có vị học trò thỉnh vấn một Thiền sư, bạch hỏi phải tìm Niết-bàn ở đâu. Vị thiền sư đáp, cần tìm ngay ở trong sinh tử. Đây cũng chính là ý mà Lục tổ Huệ Năng nói trong kinh Pháp bảo đàn:

Phật pháp tại thế gian

Bất ly thế gian giác

Ly thế mích Bồ Đề

Kháp như cầu thố giác.

Ngài Lâm Tế quyết liệt hơn, bảo học trò: “Các ngươi là đồ ngu. Ra khỏi tam giới thì các ngươi đi đâu?”. Phải hiểu được ý chỉ của chư Tổ. Đó là chúng sinh tức Phật, phiền não tức Bồề vậy. Bỏ bùn đi thì không có sen. Y theo bốn câu kệ đầu, hành giả cần quay về bản tánh giác ngộ nơi tự thân mà không nên phóng tâm tìm cầu bên ngoài. Nhìn vạn pháp đúng bản chất của nó là khổ, chấp nhận sự thật ấy, liễu tri được sự thật ấy thì không cần cầu thoát ly nữa vì không còn bị mũi tên thứ hai bức bách. Đó cũng là ý chỉ của hai câu kệ tiếp theo:

Mê chi cầu Phật

Hoặc chi cầu Thiền.

Đây là lời dạy phá tan mọi chấp trước. Mê nên chấp Phật, chấp Thiền, nói cách khác là chấp pháp. Người tự tại với sinh tử như Ni sư Diệu Nhân thì còn mê lầm gì nữa, cho nên mới nói:

Mê mới cầu Phật

Hoặc mới cầu Thiền.

Phàm phu chúng ta e rằng vẫn còn mê hoặc cho nên vẫn phải cứ còn tiếp tục cầu, tiếp tục dụng công khai ngộ. Còn Ni sư Diệu Nhân đã đạt tới chỗ không còn tìm cầu gì nữa, tịch diệt vắng lặng là cảnh giới của Ni sư:

Thiền Phật bất cầu

Uổng khẩu vô ngôn

(Thiền Phật không cầu

Uổng phí cả lời).

Đó là im lặng sấm sét của đạo. Là lời tuyên bố của ngài Vô Ngôn Thông: Đừng hỏi ta nữa, ta vốn là vô ngôn. Về ngữ nghĩa của câu Uổng khẩu vô ngôn, vốn có dị bản là Đỗ khẩu vô ngôn. Người viết đồng tình với quan điểm của tác giả Hà Thúc Minh trong bài Bài kệ của Ni sư Diệu Nhân về sống và chết, đăng trên Giác ngộ online ngày 12-10-2010, rằng cách dùng uổng - vô trong câu Uổng khẩu vô ngôn cũng tương tự trong thành ngữ Uổng công vô ích, và các văn bản chữ Hán đều ghi là uổng chứ không không phải đỗ.

Tuy Ni sư nói rằng uổng khẩu vô ngôn nhưng đã từ bi để lại cho hậu thế một di ngôn hùng hồn đánh thức hàng hậu học. Đến đây, có lẽ những ai đang hý luận về đạo cũng nên nín lặng, thôi tìm cầu bên ngoài mà trở về với khả năng giác ngộ sẵn có của mình. Ni sư đã tịnh khẩu mà chúng ta cứ “nhả ngọc phun châu” mãi hoài e cũng khó coi.

Bài kệ Thị tịch trong mối liên hệ với một số bài kệ khác

Thiền sư Mãn Giác  trước khi viên tịch đã để lại cho đệ tử một cành mai vĩnh hằng tươi mới mà trải qua bao thế k, văn học Việt Nam vẫn vinh hạnh được Thiền sư góp vào:

Xuân đi trăm hoa nở

Xuân đến trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai.

Sở dĩ cành mai ấy bất tử vì đó là cành mai tâm linh, là trạng thái tâm thức viên mãn của Thiền sư. Còn ngài Vạn Hạnh trước đó cũng đã để lại bài kệ bất hủ:

Thân như bóng chớp chiều

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời

chi suy thịnh cuộc đời

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.

Tất cả những bài kệ này đều có đặc điểm là được tác giả, những bậc tu hành đắc đạo đọc trước khi viên tịch như di huấn để lại cho đệ tử. Cả ba bài kệ đều đề cập đến quy luật vô thường, đều thấm đẫm tinh thần an nhiên, lạc quan, tự tại, bình thản và vô úy. Ni giới Việt Nam vô cùng diễm phúc có được Ni sư Diệu Nhân như một mẫu mực để nương theo. Cùng với Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Mãn Giác và rất nhiều vị khác vào thời đại Lý - Trần, tấm gương tu hành và bài kệ Thị tịch của Ni sư đã làm nên vết son ghi dấu ấn một thời đại được coi là thuần từ và văn minh nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam.

Tuệ Anh

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác