Quan niệm về cái ác của F. Dostoevsky

quan diem




QUAN ĐIỂM CÁI ÁC CỦA F. DOSTOEVSKY[1]

Ngô Thị Hường

 

Tóm tắt: Một trong những tác phẩm nổi tiếng thế giới của F. Dostoevsky được xuất bản năm 1866 tại Nga là Tội ác và hình phạt. Tác phẩm này phản ánh nhiều phương diện về con người, về xã hội Nga giai đoạn F. Dostoevsky thuộc về, trong đó có “cái ác”. Bằng việc quán sát và trải nghiệm thực tế, lập luận của F. Dostoevsky xung quanh cái ác rõ ràng, cụ thể hơn so với quan điểm của một số triết gia trước và cùng thời với ông. Nhờ vậy, cách thức nhận diện và chuyển hóa cái ác của F. Dostoevsky vẫn còn nguyên giá trị giữa thời hiện đại.

Từ khóa: F. Dostoevsky, cái ác, nhận diện cái ác, chuyển hóa cái ác.

Dẫn nhập

Tội ác và hình phạt không chỉ phơi bày hiện thực xã hội mà còn lột tả những điều ẩn tàng trong tâm hồn mỗi người. Bằng chính trải nghiệm thực tế, F. Dostoevsky có sự chiêm nghiệm và thấu hiểu sâu sắc hơn về quan hệ giữa con người và cái ác của con người. Con người làm ác vì một mặt, con người không nhận diện được cái ác từ bên trong họ là gì, mặt khác, con người không biết hoặc không thực hành phương thức chuyển hóa cái ác.

1.      Quan niệm về cái ác của các triết gia trước thời F. Dostoevsky

Các nhà triết học và thần học, qua các thời kỳ khác nhau, như là Saint Augustine (Augustine), Thomas Aquinas (Aquinas), Immanuel Kant (Kant), Karl Marx (Marx) Friedrich Engels (Engels) đã dùng nhiều phương cách để lý giải về sự xuất hiện cái ác nhưng mọi sự biện giải đều chỉ dừng lại ở ngôn từ, lý thuyết.

Thời cổ đại, triết học Do Thái giáo (thời kỳ tiền-Kitô[2]) nói riêng, thuyết độc thần (monotheism)[3] nói chung đều không thể chỉ ra rõ ràng sự tồn tại của cái ác và mối quan hệ giữa cái ác với quyền năng vô hạn của Chúa trời.[4] Do lý giải mọi sự vật, hiện tượng theo tinh thần Nhất nguyên luận (monoism), tức Chúa trời là nguyên nhân đầu tiên và duy nhất tạo ra vạn vật, các nhà triết học, thần học cổ đại đều bất lực trong việc chỉ ra khởi nguyên của cái ác. Họ biện minh rằng tuy Chúa trời toàn thiện, toàn năng và con người được Chúa tạo ra theo hình ảnh của Chúa nhưng cái ác của con người không do Chúa trời tạo ra. Con người đầu tiên được tạo ra (vật thụ tạo) làm ác vì họ đã không nghe lời Chúa.[5] Theo đó, ba vấn đề liên quan đến cái ác đã không được lý giải minh bạch: một là, cái ác xuất hiện từ đâu trong khi Chúa trời là đấng tạo ra toàn vũ trụ; hai là, tại sao con người hung ác khi con người là hình ảnh của Chúa trời; ba là, tại sao Chúa không làm gì để ngăn chặn cái ác khi Chúa trời là đấng toàn năng.

Đến đầu Công nguyên, Nhị nguyên luận (dualism) tiếp tục luận giải mối quan hệ giữa Chúa trời và cái ác. Nhị nguyên luận chia thế giới thành hai nhóm: một bên là Chúa trời - hiện thân của sự tốt lành thuần túy[6] và bên kia là quỷ Satan - hiện thân của cái ác. Cái ác xuất hiện khi hai con người đầu tiên gồm Adam và Eva đã tự ý đi ra khỏi con đường thiện lành của Chúa trời để đi theo con đường xấu ác của quỷ Satan. Từ sau đó, cái ác của cá nhân được luận giảng là do sự kế thừa tội lỗi của tổ tiên, tức “tội tổ tông” (ancestral fault).[7] Các nhà triết học Kitô giáo cho rằng thế hệ thứ ba, thứ tư trong dòng tộc vẫn tiếp tục chịu lãnh tội ác mà tổ phụ đã gây ra (the iniquities of the fathers are visited upon the sons and daughters - unto the third and fourth generation. Exodus 20:5).

Biện luận cái ác theo “tội tổ tông khiến cá nhân, tập thể sẵn sàng phủ nhận tất cả tội ác họ gây tạo trong đời hiện tại. Mọi tội ác, nếu có, đều được quy kết là hệ quả tất yếu từ tổ tiên. Việc lý giải tội ác theo khuynh hướng có lợi cho kẻ tạo ác như trên thường được đề cập trong các nghiên cứu thuộc chủ nghĩa duy lý và chủ nghĩa lãng mạn thời kỳ sau này.[8]

            Đến thế kỷ thứ IV, nguồn gốc cái ác tiếp tục được nhà thần học Kitô Augustine (354 - 430)[9] luận bàn cụ thể hơn và lý thuyết về cái ác của ông trở thành một trong những tư tưởng nền tảng của phương Tây thời đó và sau này. Theo Augustine, tuy Chúa tạo ra con người, nhưng cái ác là do ý chí của con người (human will) tạo ra.[10] Augustine khẳng định “cái ác không phải là một thực thể mà là sự đồi bại của ý chí, đã đi chệch xa Chúa, là thực thể cao nhất để đi xuống với những sự vật thấp nhất”.[11] Khi con người muốn rời xa Chúa, tức là con người đã thực hành sai lời dạy của Chúa và họ tạo ra cái ác. Do đó, con người phải chịu trách nhiệm về tội ác của họ. Tuy nhiên, Augustine hoàn toàn bế tắc trước những nghi vấn liên quan giữa Chúa và cái ác: tại sao Adam và Eva cãi lời Chúa trong khi Chúa tạo ra họ? Tại sao Chúa trời không tạo ra ý chí toàn thiện khi Chúa quyết định ý chí con người? Tại sao con người quyết định được ý chí của họ trong khi Chúa là đấng toàn năng? Nếu con người được tự do, tại sao ý chí con người không chọn cái thiện mà chọn cái ác?[12] Vì không thể luận giảng quyền năng của Chúa khác với truyền thống, Augustine biện luận rằng: tuy ý chí con người tự do, nhưng sự tự do được đặt trong sự sắp đặt của Chúa; tuy con người tạo ra cái ác, nhưng con người không cố tâm tạo ác. Cái ác của con người xuất hiện là do quỷ sứ - một trong những thiên thần bị sa ngã[13] đã tách sự tồn tại thấp (con người) ra khỏi tồn tại cao (Chúa trời).

Sau Augustine, Thomas Aquinas (1225 - 1274)[14] tiếp tục luận bàn về nguồn gốc cái ác. Aquinas không đồng tình quan điểm cái ác là phạm trù đối lập với cái thiện. Ông cho rằng cái ác có trong cái thiện; cái ác là sự tách rời khỏi cái thiện; cái ác là sự vắng mặt của cái thiện. Theo Aquinas, tuy cái ác có quan hệ với cái thiện, với Chúa toàn năng, nhưng cái ác không do Chúa trời tạo ra.[15] Cái ác là kết quả tổng hợp từ nhiều yếu tố: tình bác ái của Chúa trời, sự cám dỗ của ma quỷ, hoàn cảnh con người, thân xác con người ý chí tự do của cá nhân.[16]

Khác với Augustine, một mặt Aquinas nhấn mạnh cái ác có liên quan đến thể xác con người. Trong khi linh hồn con người được nhận trực tiếp từ Chúa thì thể xác được Chúa tạo ra từ vật thể khác bên ngoài Chúa. Do vậy, thể xác tạo tội ác không liên quan đến Chúa. Mặt khác, Aquinas cũng thừa nhận nguyên tội.[17] Như thế, thực chất cái ác đến từ đâu vẫn không được Aquinas làm sáng tỏ.

Đối với Aquinas, cái ác bao gồm hai loại. Cái ác thứ nhất việc làm sai trái với đạo đức truyền thống (moral evil in the tradition), tức là cố ý làm trái ngược với điều thiện. Cái ác thứ hai việc trừng phạt những người đã có hành vi trái với đạo đức. Tuy rằng việc trừng phạt có tác dụng giáo dục hoặc răn đe những kẻ tạo ác, nhưng việc làm đó khiến kẻ tạo ác phải đau khổ. Gây đau khổ cho người cũng chính là cái ác. Aquinas nhấn mạnh việc làm trái đạo đức hay sự trừng phạt đều là những biểu hiện xa rời Chúa trời của con người.[18]

Như vậy, giải thích của Aquinas về cái ác mâu thuẫn với sự toàn năng của Chúa trời. Nếu cho rằng cái ác của con người không liên quan đến Chúa trời, thì rõ ràng Chúa không phải là duy nhất, là nguyên nhân tối cùng của tất cả.

            Đến thế kỷ XVIII, Immanuel Kant (1724 - 1804)[19] tiếp nối tư tưởng của Augustine về mối liên hệ giữa cái ác với ý chí tự do. Theo Kant, cái ác là sản phẩm của ý chí tự do, cái ác nảy sinh từ ý chí của con người, không phải của Chúa. Một mặt, con người luôn mơ ước được về với Chúa, về với những nguyên tắc, những lý tưởng, những chuẩn mực mà con người không thể biết chính xác là gì.[20] Mặt khác, con người được tự do lựa chọn thực hiện cái ác. Con người trở thành ác quỷ không do những hành động vi phạm luật pháp, mà vì tâm hồn người đó chìm trong đau khổ, hối hận từ những hành động bất thiện đã gây tạo.[21] Như vậy, tận căn của cái ác là gì vẫn không được Kant trả lời minh bạch.

Khác với các triết gia trước đó, Karl Marx (1818 - 1883)[22] và Friedrich Engels (1820 - 1895)[23] khẳng định, cái ác là hệ quả con người tha hóa[24] trở thành hàng hóa dưới chế độ tư bản chủ nghĩa. Trong thời đại tư bản, con người xem tài sản, danh vọng, quyền lực, địa vị… là điều kiện và mục đích sinh tồn. Do vậy, con người bất chấp đánh đổi mọi thứ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, kể cả làm ác. Tuy nhiên, tại sao người với người ác độc, bạo lực lẫn nhau vẫn chưa được Marx và Engels giải thích tận nguồn.

Tóm lại, các tư tưởng triết học được khái quát trên đây, một mặt đã không giải thích được nguồn gốc của cái ác và mối quan hệ giữa Chúa với cái ác. Mặt khác, các triết gia không thể giúp con người nhận diện rõ ràng bản chất hay biểu hiện của cái ác. Điều này giải thích vì sao xã hội phương Tây đến thế kỷ XIX vẫn đầy dẫy tội ác và bạo loạn, đời sống tinh thần toàn châu Âu rơi vào khủng hoảng toàn diện.

2.      Quan điểm của F. Dostoevsky về cái ác

Bằng trải nghiệm thực tế, F. Dostoevsky không đồng ý với quan điểm cái ác hiện hữu là do môi trường hay xã hội tác động. Ông cho rằng, nếu con người không nhận thức được “cái ác có nguồn gốc từ bên trong” (evil has an inward origin),[25] cái ác sẽ bành trướng, biểu hiện ra bên ngoài, sẽ hủy hoại từ cá nhân cho đến toàn xã hội.

a.      Chủ nhân của cái ác

Cái ác có mặt trong mỗi con người. Cái ác không chỉ xuất hiện trong những kẻ thất học, lưu manh như Xvidrigailov mà còn hiện hữu trong những người có trình độ, có học thức như sinh viên, sĩ quan, như Raxcolnicov. Kẻ bần cùng, khốn khó như Marmeladova hay người nhiều tiền, lắm của như bà chủ hiệu cầm đồ Aliona đều chất chứa cái ác. Những đứa trẻ thơ cho đến linh mục không hoàn toàn thánh thiện, trong sáng.

b.      Biểu hiện của cái ác

Cái ác không chỉ biểu hiện thành hành động bên ngoài mà còn manh nha trong từng ý niệm, từng dòng suy nghĩ.

Cái ác bằng hành động, bằng lời nói được thể hiện rõ trong Tội ác và hình phạt. Giữa quán nước công cộng, người sinh viên không những ngang nhiên bày tỏ quan điểm bất chính: “Tớ sẵn lòng giết phăng mụ già kia để cướp lấy của cải và tớ cam đoan với cậu là lương tâm tớ sẽ không mảy may cắn rứt”[26] còn không ngần ngại xúi bảo viên sĩ quan: “Hãy giết mụ ấy đi, và đoạt lấy số của ấy để suốt đời phụng sự nhân loại và sự nghiệp chung”.[27] Bà chủ hiệu cầm đồ Aliona đánh đập, hành hạ em gái như tôi mọi. Xvidrigailov công khai hãm hiếp nông nô để thỏa mãn dục vọng; thẳng tay giết chết người vợ lớn tuổi để thừa hưởng tài sản. Những đứa trẻ mới lên bảy tuổi đã biết trộm cắp, trụy lạc.[28] Khi những người nghèo khó đang oằn mình chống chọi với cái nghèo, cái đói, vị linh mục vẫn thản nhiên khuyên dạy: “Chúa rất từ bi, hãy hy vọng vào sự cứu giúp của đấng vô cùng”.[29] Khi những người nghèo lên án Chúa đã bỏ rơi họ, không cứu họ, vị linh mục liền gán ghép hành vi bất kính của họ là tội lỗi, là trái quấy.

Cái ác còn được ngụy tạo dưới lớp vỏ hào nhoáng nhân danh phụng sự nhân loại[30] như lập luận “chỉ hy sinh một tính mạng mà cứu được hàng nghìn sinh linh ra khỏi cảnh thối nát và tan rã.[31] F. Dostoevsky khẳng định đó chỉ là những “ý tưởng trá ngụy” (false idea)[32] của kẻ ác. Thứ nhất, sinh mạng của mỗi người không thuộc quyền phán xét của Thượng đế. Do vậy, thật sai lầm khi tự cho mình quyền thay Chúa để phân xử người này được sống, người kia phải chết.[33] Thứ hai, kết quả của hành động ác không bao giờ là sự tốt đẹp, mà chắc chắn là sự trừng phạt. Bên cạnh sự trừng phạt từ pháp luật nhà nước, người tạo ác còn nhận lãnh sự trừng phạt vô hình từ tòa án lương tâm. Sau cùng, F. Dostoevsky khẳng định giết người khác cũng chính là tự giết chết bản thân mình, vì ngay khi giết người khác, kẻ giết người đã mất luôn tính người.[34]

F. Dostoevsky còn giới thiệu cái ác được biểu hiện dưới dạng những ý niệm, suy nghĩ. Raxcolnicov thường chìm trong suy nghĩ giết người là việc quan trọng cần phải thực hiện “thẳng tay, triệt để, sao cho có thể thu xếp thật ổn sự nghiệp sau này và bước vào một con đường mới, một cuộc sống tự lập”.[35] Theo F. Dostoevsky, môi trường sống chính là sự phóng chiếu của tâm thức. Do vậy, một khi tâm tưởng đã nghĩ đến việc giết người, kẻ ác không thể nào có được cuộc sống an ổn hay thành đạt.

Như vậy, cái ác tồn tại trong mỗi con người. Cái ác không chỉ biểu hiện ra bên ngoài thông qua hành động, lời nói mà còn ẩn tàng trong tư duy, suy nghĩa.

c.       Nguồn gốc của cái ác

Theo F. Dostoevsky, cái ác xuất hiện là do con người rời xa Chúa, nghi ngờ Chúa và phản kháng lại Chúa. Khi cá nhân không thực hành lời dạy của Chúa trong đời sống hiện tại, họ tạo ác và thản nhiên gán ghép tội ác do “tiền định”.[36] Điều này có nghĩa, con người không giải thích được vì sao cái ác hiện hữu trong đời sống hiện tại.

Cái ác là hệ quả của việc rời xa Chúa. Raxcolnicov rời khỏi Chúa để tự bước vào con đường bất thiện của quỷ Satan. Thay vì tín thác mọi sự vào Chúa, Raxcolnicov tham muốn được tạo lập đời sống thuần túy dựa vào lý trí, ý chí và sức mạnh cá nhân.[37] Raxcolnicov đã tự tưởng tượng rằng giá trị tồn tại của con người chỉ đạt được khi con người dám thoát khỏi sự lệ thuộc vào Chúa để can đảm hành động và tự chịu trách nhiệm cho mọi hành động. Tuy nhiên, do muốn tách biệt thân phận người ra khỏi Chúa, Raxcolnicov đã phủ định Chúa tính (thần tính) trong nhân tính. Vì không nhận diện được hai yếu tố thần và nhân, tức cái thiện và cái ác luôn tồn tại cùng lúc trong mỗi con người, con người đánh mất cơ hội tăng trưởng tính thiện của họ. Thay vào đó, càng muốn thể hiện ý chí mạnh mẽ cá nhân, con người càng bành trướng tính ác và cái ác không ngừng tăng trưởng.

Cái ác còn là hệ quả khi con người nghi ngờ năng lực cứu rỗi của Chúa. Đối với Raxcolnicov, Chúa chỉ cần thiết với người chết. Sau khi đã thực hiện tội ác giết người, Raxcolnicov vẫn ngang nhiên ngạo mạn với đời sống không có bóng dáng của Chúa trong anh ta: “Có cuộc sống đấy! Có phải giờ đây ta không sống đâu? Đời ta không chết theo mụ già ấy! Chúa cứu vớt lấy linh hồn mụ, và thế là đủ rồi, mụ ạ”.[38] Tính thiên chấp của Raxcolnicov đã lý giải vì sao có nhiều “tín đồ ngày chủ nhật[39] tin rằng, họ có thể gửi tiền cho nhà thờ để quý cha cầu kinh, cầu hồn cho họ sau khi chết dù lúc còn sống họ đã hủy hoại đạo đức hay vi phạm luật pháp.

Nguy hại hơn, Raxcolnicov phỉ báng Chúa vì cho rằng Chúa đã lừa dối con người: Chúa đã để con người kêu khóc như những đứa trẻ; Chúa đã để trẻ con không còn là trẻ con được nữa. Có đứa lên bảy đã trụy lạc, trộm cắp. Thế mà trẻ con là hình ảnh của Chúa Cơ-đốc, vương quốc của Đức Chúa trời là của chúng. Chúa đã phán cho chúng hằng được kính, được yêu, chúng là nhân loại tương lai”.[40] Hành động phủ nhận Chúa của Raxcolnicov chính là đỉnh điểm sa sút đức tin trong tâm hồn những tín đồ không còn tự thực hành đời sống tôn giáo.

Theo F. Dostoevsky, những người không tin vào Thiên Chúa[41] thường có khuynh hướng tạo ác. Họ muốn hưởng thụ đỉnh cao tự do, không bị ràng buộc bất cứ điều gì, kể cả quyền năng của Thiên Chúa. Khi không còn bất kỳ sự hiệp thông nào với Chúa, con người không còn phương pháp nào để hóa giải những bế tắc trong đời sống. Một khi đánh mất hoàn toàn nơi nương tựa tâm linh cao quý, con người phải đối mặt với bi kịch và đau khổ. Tìm đến cái chết như Xvidrigailov vì không chịu đựng nổi cơn khủng hoảng trước tội ác là minh chứng sự bế tắc đỉnh điểm của những kẻ tạo ác.

3.      Phương thức đối trị cái ác

a.      Phương thức của những triết gia trước F. Dostoevsky

Do bất lực trong việc nhận diện cái ác, không xác định được xuất phát điểm của cái ác, các nhà triết học, thần học của phương Tây trước và cùng thời với F. Dostoevsky hoàn toàn không có phương pháp đối trị với cái ác. Thay vào đó, họ nỗ lực chống chế bằng nhiều hình thức khác nhau để cải hóa cái ác.

Đối với Augustine, “Chúa đã làm mọi sự tốt đẹp Đối với Ngài không có điều gì xấu”.[42] Do vậy, con người nên tán tụng vinh quang danh Ngài”[43] để giảm việc làm ác. Tương tự như Augustine, Aquinas cũng không thể nêu ra việc làm cụ thể để đối trị cái ác. Trong khi đó, Kant hiểu được mỗi người có khả năng tự chọn làm thiện, song Kant không lý giải được làm sao một người có thể làm thiện sau khi đã hành động ác. Giải pháp của Kant là ý chí tự do của mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về mặt đạo đức sau khi đã làm ác.[44]

Với Marx và Engels, cần phải làm cuộc cách mạng xã hội nhắm đến hủy bỏ chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất để xã hội được tốt đẹp. Marx và Engels tin rằng con người sẽ sống thiện lương trong môi trường tốt. Tuy nhiên, thực chất cuộc cách mạng chỉ là cải tạo cộng sản chủ nghĩa đối với các quan hệ xã hội.[45] Do vậy, cái ác của con người vẫn chưa có cách đối trị.

b.      Phương thức của F. Dostoevsky

F. Dostoevsky nêu ra hai điều cần thực hiện để đối trị cái ác. Một là, con người cần quay trở về với Chúa - Chúa bên trong tâm hồn và Chúa bên ngoài. Hai là, con người cần can đảm đối diện đau khổ sau khi đã tạo ác và quyết tâm chuộc tội.

Quay trở về với Chúa đồng nghĩa thực hành những lời Chúa dạy về tình thương, tình bác ái. Con người cần yêu thương chính mình và yêu thương tha nhân chân thành. Bằng tình yêu thương rộng mở, vô điều kiện, cái ác trong con người sẽ giảm xuống hoặc không còn có cơ hội phát khởi.

Xonia trong Tội ác và hình phạt, dù xuất thân trong nghèo túng cùng cực và trưởng thành trong ô nhục, thấp hèn, Xonia vẫn giữ tâm hồn thiện lương và tình yêu vô điều kiện với chính mình và tha nhân. Ở tuổi mười tám, Xonia đã hy sinh tuổi thanh xuân, quyết định đeo thẻ vàng và tự nguyện dành hết những đồng tiền kiếm được cho cha thỏa cơn uống rượu, chu cấp cho người mẹ kế và chăm lo cho ba đứa em không cùng huyết thống. Ngoài giờ đi làm, Xonia dành thời gian cho người bạn đạo và “pho Tân ước bằng tiếng Nga”.[46] Tuy không đến nhà thờ, nhưng Xonia chăm chỉ thực hiện cầu nguyện và phó thác cuộc đời vào tình yêu Thiên Chúa. Cô không biện minh khi bị vu oan là kẻ trộm cắp và cũng không oán trách khi bị người khác mắng mỏ tục tằn. Xonia bình thản đón nhận cuộc sống dù cô luôn đối mặt những điều bất hạnh và bất như ý đã cụ thể hóa việc thực hành lời Chúa dạy một cách tự nhiên, thuần thục. Điều này lý giải vì sao Xonia là người duy nhất Raxcolnicov tìm đến để được yêu thương sau khi đã cắt đứt mọi liên hệ với người thân; Xonia là người duy nhất Raxcolnicov tìm đến thú nhận tội ác.[47]

F. Dostoevsky tin rằng, khi tất cả các học thuyết du nhập từ phương Tây đã lần lượt thất bại trên nước Nga, gây ra khủng hoảng toàn diện trong xã hội thì lựa chọn sáng suốt nhất của dân tộc Nga là quay về với tinh thần Chính Thống giáo Nga, tức là sự thực hành bao dung, yêu thương chân thật giữa người với người. Chỉ tình người, tình yêu dân tộc dựa trên tinh thần Chính Thống giáo Nga, đất nước Nga mới giảm thiểu được cái ác, cái bạo lực, bất công. Hình ảnh Xonia quyết định đi đày cùng Raxcolnicov, gắn kết cuộc đời mình với một kẻ sát nhân, cùng với tình cảm chân thành của cô dành cho tất cả tù binh trong nhà tù Siberia chính là sự khẳng định con đường thể nhập tinh thần Phúc âm trọn vẹn của Xonia.[48] Tình thương của Xonia đã xoa dịu những trái tim hận thù, độc ác, việc làm nhân từ của Xonia đã đánh thức những linh hồn chết, u uất, mờ mịt của Raxcolnicov nói riêng và các tù nhân trong nhà tù Siberia nói chung. Cơ hội phục sinh, đón nhận cuộc sống thiện lương, an vui được mở ra cho những kẻ tạo ác.

Trong trường hợp đã tạo ác, con người cần can đảm nhận lãnh đau khổ từ sự trừng phạt của lương tâm. Hình phạt từ sự giày vò lương tâm đáng sợ hơn so với sự trừng phạt bên ngoài của pháp luật nhà nước.[49] F. Dostoevsky khẳng định “cần phải nhận lấy khổ nhục để chuộc tội… hãy đau khổ… đau khổ là một việc lớn lao”.[50] Một khi chấp nhận sự trừng phạt từ lương tâm, chịu đựng được sự giày vò về tội ác đã tạo, tâm hồn kẻ tạo ác có cơ hội được gột rửa bớt tội lỗi.[51]

Sau khi giết bà Aliona, Raxcolnicov luôn sống trong giằng xé, giày vò từ tinh thần đến thể xác. Sự trừng phạt trong tâm hồn không dừng nghỉ khiến Raxcolnicov kiệt quệ hoàn toàn. Raxcolnicov gần như điên loạn và đã nghĩ đến tự tửkhông đủ dũng khí nhận lãnh bản án từ tòa án lương tâm. Quyết định nhận lãnh đau khổ từ tội giết người là cách duy nhất để Raxcolnicov được cứu rỗi. Chỉ khi can đảm thú nhận tội ác, can đảm chịu đau khổ trong tâm hồn, hình phạt với kẻ tạo ác mới thật sự có giá trị. Điều này lý giải vì sao Raxcolnicov không một lời biện hộ trước tòa án nhà nước. Khi “tất cả những nỗi thống khổ của dĩ vãng ấy là cái gì? Tất cả, ngay cả tội ác của chàng, ngay cả cuộc xét xử và án đày của chàng, giờ đây chàng có cảm giác như đó là những sự kiện gì bề ngoài, xa lạ, thậm chí không liên quan gì đến chàng nữa,[52] Raxcolnicov vui mừng nhận ra tâm hồn tự do dù thân đang bị giam nhốt trong nhà tù Siberia.

Ngược lại với Raxcolnicov, Xvidrigailov quyết định tự tử không đủ can đảm đối mặt với con quỷ dâm dục, trâng tráo, đồi bại[53] bên trong tâm hồn đã thúc đẩy anh ta làm ác.

Kết luận

Như vậy, cái ác đã manh nha từ trong tâm trước khi thể hiện thành hành động bên ngoài. Cái ác phát khởi do con người tự lựa chọn rời xa Chúa. Cái ác được con người trưởng dưỡng, rồi quay lại làm hại chính con người. Một khi đã không thừa nhận, đối diện với cái ác ngay chính trong con người mình, con người ngày càng bị cái ác thao túng và nhấn chìm vào vòng xoáy tội lỗi. Thế nên, dù thân có đến nhà thờ, miệng có tụng đọc Phúc âm, có cầu kinh rửa tội, nhưng cái ác vẫn diễn ra, tội ác vẫn không ngừng lan rộng và lan sâu.

F. Dostoevsky khẳng định, cái ác thể hiện ra bên ngoài là kết quả của cái ác đã được tích tụ, trưởng dưỡng từ bên trong tư tưởng của con người. Do vậy, để cái ác không có cơ hội được bành trướng, mỗi người cần ý thức tu sửa từng nếp nghĩ, từ sai lầm thành đúng đắn, từ tiêu cực thành tích cực, từ ích kỷ thành vị tha, từ xung đột thành hòa hợp, ngay bây giờ và ở đây.

 

THAM KHẢO

Dostoevsky, M. F., (2017), Chàng ngốc, Võ Minh Phú dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội.

Dostoevsky, M. F., (2018), Bút ký dưới hầm, Thạch Chương dịch, NXB.Văn Học.

Dostoevsky, M. F., (2019), Anh em nhà Karamazov, Phạm Mạnh Hùng dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội.

Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội.

Dostoevsky, M. F., (2021), Lũ người quỷ ám, Nguyễn Ngọc Minh dịch, NXB.Hà Nội.

Gagné, R., (2013), Ancestral Fault in Ancient Greece, Cambridge University Press.

Kinh thánh Cựu ước, (2002), NXB. Tôn Giáo, Hà Nội.

Nguyễn Hữu Vui (2002), Lịch sử triết học, NXB. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội.

Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press.

Thánh Augustine, (2010), Tự thuật, Vân Thúy dịch, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

 



[1] Tên viết tắt của đại văn hào, triết gia người Nga Fyodor Mikhailovitch Dostoevsky (1821 - 1881).

[2] Thuật ngữ “tiền-Kitô” để chỉ triết học Do Thái giáo, là tôn giáo của người Do Thái ở vùng Trung cận đông. Do Thái giáo ra đời khoảng năm 1850 tr.TL, là tôn giáo độc thần. Tôn giáo này cho rằng chỉ duy nhất Chúa trời (God) là năng lượng toàn hảo tạo ra vạn vật. Do Thái giáo có ảnh hưởng lớn đến sự ra đời hai tôn giáo độc thần khác ở Trung cận đông là Kitô giáo và Hồi giáo.

[3] Là những học thuyết chủ trương Thượng đế/Chúa trời là nguồn gốc duy nhất của vạn vật.

[4] Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press, tr.23.

[5] Kinh thánh Cựu ước, (2002), Sáng thế 1,31 - Sáng thế 3,22, NXB. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.17-21.

[6] Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press, tr.28-29.

[7] Gagné, R., (2013), Ancestral Fault in Ancient Greece, Cambridge University Press, tr.3-4.

[8] Sđd., tr.128.

[9] Augustine nhà thần học, triết học nổi tiếng người Algerie, Bắc Phi. Augustine có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Kitô giáo và triết học phương Tây. Ông cũng là người xây dựng khái niệm “nguyên tội” và “chiến tranh công chính” (chính nghĩa).

[10] Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press, tr.39.

[11] Thánh Augustine, (2010), Tự thuật, Vân Thúy dịch, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.226.

[12] Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press, tr.46-49.

[13] Nguyễn Hữu Vui (2002), Lịch sử triết học, NXB. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.220.

[14] Thomas Aquinas, người Italia, là nhà thần học, triết học lớn của thế kỷ XIII - giai đoạn hưng thịnh nhất của triết học kinh viện. Học thuyết của ông được nhà thờ Kitô xem là triết học duy nhất đúng đắn và lấy làm hệ tư tưởng của mình. Xem thêm: Nguyễn Hữu Vui (2002), Lịch sử triết học, NXB.Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr228.

[15] Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press, tr.67.

[16] Sđd., tr.68.

[17] Sđd., tr.71.

[18] Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press. Tr.57-61.

[19] Immanuel Kant là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất trong lịch sử tư tưởng phương Tây. Hegel đánh giá triết học Kant là “nền tảng và điểm xuất phát của triết học Đức hiện đại, những hạn chế trong triết học của ông không làm lu mờ công lao đó của triết học Kant”. Xem thêm: Nguyễn Hữu Vui (2002), Lịch sử triết học, NXB.Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.378.

[20] Nguyễn Hữu Vui (2002), Lịch sử triết học, NXB.Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.387.

[21] Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press, tr.121-122.

[22] Karl Marx là nhà triết học, nhà kinh tế học, nhà sử học, nhà xã hội học, nhà lý luận chính trị, nhà báo và nhà cách mạng người Đức. Ông là người sáng lập ra chủ nghĩa Cộng sản.

[23] Friedrich Engels là nhà triết học, nhà chính trị, nhà cách mạng người Đức. Engels là đồng sáng lập chủ nghĩa Cộng sản cùng với Karl Marx.

[24] Mark sử dụng thuật ngữ “tha hóa” của hai triết gia người Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel (Hegel) (1770 - 1831) và Ludwig Andreas Feuerbach (Feuerbach) (1804 - 1872). Hegel xem hiện tượng của tự nhiên và xã hội là sự tồn tại tha hóa của “ý niệm tuyệt đối” và quy toàn bộ vấn đề phát triển thành khắc phục sự tha hóa ấy. Feuerbach xem tôn giáo là sự tha hóa của bản chất con người, sự tha hóa này quy định tất cả các hình thức tha hóa khác giữa con người với nhau. Vì vậy, cần phải xóa bỏ tôn giáo hiện có và xây dựng tôn giáo mới, lấy con người làm trung tâm, thay cho Thượng đế. Theo Marx, trong xã hội tư bản, lao động đã chiếm tất cả sức lực và thời gian của con người, nô dịch con người, dẫn đến sở hữu tư nhân, bóc lột và các giai cấp. Đó là “lao động bị tha hóa”, tức là hoạt động đó của con người nhưng lại trở thành lực lượng xa lạ, nô dịch con người, thống trị ngay chính người sản xuất ra nó, làm cho người công nhân mất tính người, mất cuộc sống của họ và phá vỡ mối quan hệ giữa người với người. Xem thêm: Nguyễn Hữu Vui (2002), Lịch sử triết học, NXB.Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.482-483.

[25] Berdyaev, N., (1957), Dostoevsky, (trans.) Attwater, D., Meridian Books, tr.91.

[26] Sđd., tr.90.

[27] Sđd., tr.91.

[28] Sđd., tr.432.

[29] Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.241.

[30] Berdyaev, N., (1957), Dostoevsky, (trans.) Attwater, D., Meridian Books, tr.96.

[31] Sđd., tr.91.

[32] Sđd., tr.101.

[33] Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.534.

[34] Berdyaev, N., (1957), Dostoevsky, (trans.) Attwater, D., Meridian Books, tr.97.

[35] 544.

[36] Quan điểm “tiền định” của F. Dostoevsky khác với quan điểm của những triết gia trước F. Dostoevsky. Họ cho rằng tội ác tiền định do là kế thừa tội lỗi của tổ tiên.

[37] Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, NXB.Văn Học, tr. 246-247.

[38] Sđd., tr. 246-247.

[39] Thuật ngữ chỉ những tín đồ giữ hình thức đi nhà thờ vào ngày chủ nhật, nhưng không thực hành đức tin trong đời sống hàng ngày.

[40] Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.432.

[41] Tức Chúa trời (Thượng đế). H tin vào Đức Chrits/Chúa Con, nhưng không tin vào Chúa trời/Chúa Cha.

[42] Thánh Augustine, (2010), Tự thuật, Vân Thúy dịch, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.223.

[43] Quyển Tự thuật của Augustine là lời tự sự của Augustine với Thiên Chúa. Augustine tán tụng vinh quang Danh Thiên Chúa và những Ân sủng Thiên Chúa ban cho tất cả.

[44] Rae, G., (2019), Evil in the Western Philosophical Tradition, Edinburgh University Press, tr.130-133.

[45] Nguyễn Hữu Vui (2002), Lịch sử triết học, NXB.Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội, tr.483.

[46] Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.426.

[47] Sđd., tr.536.

[48] Phúc âm cho rằng chịu khổ như mang thánh giá (suffering as cross bearing) là biểu hiện tình yêu Chúa cao tột nhất.

[49] Berdyaev, N., (2017), Thế giới quan của Dostoevsky, Nguyễn Văn Trọng dịch và chú giải, NXB.Tri Thức, tr.148-149.

[50] Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.550, 603, 605.

[51] Berdyaev, N., (1957), Dostoevsky, (trans.) Attwater, D., Meridian Books, tr.90-92.

[52] Dostoevsky, M. F., (2020), Tội ác và hình phạt, Cao Xuân Hạo dịch, NXB.Văn Học, Hà Nội, tr.724-725.

[53] Tội ác và Hình phạt, tr.671-672.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác