Không thể nào thực hành sai
khong the nao
Không thể nào thực hành sai
Thiền sư Đạo Nguyên nói rằng, Ngồi Thiền (zazen) không phải là một kỹ
thuật, mà là một cánh cửa Pháp (pháp môn) bước vào một sự an nghỉ và thoải mái.
Vậy mà chúng ta vẫn thường lạc ra khỏi lời khuyên ấy, nhất là những khi ta ngồi
thiền một mình.
Một phương pháp, kỷ thuật, thì ta có thể thực hành đúng hay sai, tốt hoặc
xấu. Nhưng sự thực tập chân chánh, thì được đặt trên một nền tảng vượt ra ngoài
những sự phân biệt, đối lập này. Vì vậy sự thực tập của ta phải được thể hiện
làm sao cho khỏi bị kẹt vào những nhị nguyên ấy, của đúng và sai, thành công và
thất bại.
Tôi thấy một cách rất hay để duy trì được thái độ này, là xem việc ngồi
thiền như soi gương vậy.
Khi bạn ngồi xuống trên toạ cụ, trạng thái thân và tâm của bạn như thế nào,
chúng sẽ tự nhiên hiển lộ ra cho bạn thấy. Cũng như khuôn mặt của bạn vậy, tự
nhiên và tức thì, hiện ra trong gương. Tấm gương làm hết công việc ấy cho bạn.
Bạn không thể nào làm điều ấy đúng hay sai được.
Bạn hãy ngồi thiền theo lối đó. Bạn không thể nào làm sai được hết. Đây
không phải là một kỷ thuật nào để rèn luyện, hay một phương pháp nào mà bạn cần
phải thành đạt. Chỉ là, hãy để mình được là chính mình. Cảm nhận trọn vẹn những
gì đang trải nghiệm trong lúc này, và tiếp tục lặp lại điều ấy. Tuy đơn giản,
nhưng nếu ta thành thật, không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Vì sao? Vì không phải lúc nào ta cũng thích những gì mình nhìn thấy trong
gương. Chúng ta muốn quay mặt đi, hoặc cải thiện, tô đẹp hình ảnh của mình.
Chúng ta muốn sự ngồi thiền sẽ biến đổi ta thành những gì không phải là ta. Ta
muốn mình được tĩnh lặng, trong sáng, hay giác ngộ. Ta gọi thái độ chối bỏ ấy là
một “nguyện vọng”, nhưng thật ra đó chỉ là một sự ghét bỏ bản thân mà thôi.
Ngồi thiền, trước nhất và quan trọng hơn hết, là ngồi với con người thật của
chính mình — những gì ta nhìn thấy trong gương. Phương pháp thực tập của ta là
ngồi yên, quan sát, và thấy rõ rằng, “Đó là tôi.”
— Barry Magid
Duy Nhiên dịch