Tư tưởng Thiền học của Tam tổ Huyền Quang

Tư tưởng Thiền học của Tam tổ Hu

Tư tưởng Thiền học của Tam tổ Huyền Quang

Thích Quảng Thiên

 

Hành trạng Tam tổ Huyền Quang

Tổ Huyền Quang (1254-1334) thế danh Lý Đạo Tái[1], người hương Vạn Tải, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Theo Tam tổ thực lục (三祖實錄), mẹ là Lê Thị hay đến chùa Ngọc Hoàng cầu nguyện vì tuổi đã 30 mà chưa có con. Đầu năm Giáp Dần 1254, vị trụ trì chùa Ngọc Hoàng là Huệ Nghĩa mơ thấy các tòa nhà trong chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, Kim Cương Long Thần la liệt đông đúc. Đức Phật chỉ Tôn giả A-nan-đà bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí Đông Độ và phải nhớ lại duyên xưa.”[2] Năm ấy Lê Thị sinh Huyền Quang. “Khi sinh có tia sáng mờ ảo, mùi hương thơm phức. Người ta gọi đó là đứa hài đồng có mùi hương thanh tịnh. Lê Thị mang thai Tổ đến 12 tháng mà bụng bà không chuyển động, bà nghi mắc bệnh nên uống nhiều thuốc phá thai mà thai không hư. Khi Tổ sinh ra, lại là một đứa bé trai cứng cáp. Đến tuổi đồng ấu, thể mạo Tổ dị thường, có chí của bậc trác việt vĩ nhân, cha mẹ đều yêu thương, dạy cho học nghề. Tổ nghe một hiểu mười, có tài như Nhan Hồi Á Thánh nên được gọi là Tải Đạo”[3]. Lớn lên, ngài có dung mạo dị thường, làm quan đến chức Hàn Lâm.

Tam tổ thực lục, phần Tổ gia thực lục chép tiểu sử Huyền Quang nói: Ngài cùng vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phượng Nhãn, nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, liền nhớ lại duyên xưa, xin xuất gia thụ giáo. Tuy nhiên, cũng trong sách này mà phần tiểu sử Tổ Pháp Loa lại nói ngài Huyền Quang thụ giáo với Bảo Phác ở chùa Vũ Ninh (Bắc Ninh). Ngài được cử làm thị giả của Trúc Lâm Đầu Đà và được ban pháp hiệu là Huyền Quang. Sau, ngài theo lời phó chúc của Trúc Lâm trụ trì chùa Vân Yên (nay là chùa Hoa Yên) trên núi Yên Tử. Vì đa văn bác học, tinh thông đạo lý nên Tăng chúng đua nhau đến học.

Niên hiệu Đại Khánh thứ 4 (1317), ngài được Tổ Pháp Loa truyền y của Trúc Lâm và tâm kệ. Sau khi Tổ Pháp Loa tịch (1330), ngài kế thừa làm Tổ thứ ba của Thiền phái Trúc Lâm nhưng vì tuổi đã cao nên ngài giao phó trách nhiệm lại cho Quốc sư An Tâm.

Ngài đến trụ trì Thanh Mai Sơn sáu năm, sau dời sang Côn Sơn giáo hóa. Ngày 23 tháng 1 năm Giáp Tuất (1334) thời vua Trần Hiến Tông, ngài viên tịch, thọ 80 tuổi. Thượng hoàng Trần Minh Tông sắc thuỵ là Trúc Lâm Thiền sư Đệ tam đại, đặc phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn giả

Công việc hoằng pháp độ sinh của Tổ Huyền Quang từ đây bắt đầu khởi động. Tổ cùng Điều Ngự và Nhị Tổ Pháp Loa đi khắp mọi nơi trong nước khuyến cáo mọi người bỏ ác làm lành. Theo ý của Điều Ngự, Tổ Huyền Quang đã biên soạn Chư phẩm kinh (Tuyển tập những phẩm kinh thiết yếu và thực dụng), Công văn tập (Tuyển tập những bài văn sớ điệp dùng trong các nghi lễ Phật giáo) và Thích khoa giáo (tập sách giáo khoa về đạo Phật)[4]. Trúc Lâm Sơ tổ đã ngự bút khen: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa[5]. Điều này chứng tỏ Tổ Huyền Quang là người rất giỏi văn chương và Phật học. Bằng chứng là lúc ngài đến thăm bệnh Nhị t Pháp Loa, một cuộc pháp thoại giữa hai người đã diễn ra khá lý thú về vấn đề thức hay ngủ, bệnh hay không bệnh…, qua đó chúng ta thấy rõ sự đắc pháp của Tổ Huyền Quang như Tam Tổ thực lục đã ghi nhận[6].

Những nghi vấn trong hành trạng Tổ Huyền Quang

Chúng ta thấy rằng ngài Huyền Quang nhiều hơn ngài Pháp Loa đúng 30 tuổi, nhưng vẫn là người tiếp nhận sự phó chúc của ngài Pháp Loa. Trong việc lãnh đạo Thiền phái Trúc Lâm, Tam tổ Huyền Quang luôn gặp chướng duyên.

Chướng duyên thứ nhất, theo Tổ gia thực lục, là về mối quan hệ giữa Tổ Huyền Quang và Điểm Bích[7] mà sau này đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Những người bênh vực Tổ Huyền Quang như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hoàn và Ngô Thì Sĩ thì cho đây là nỗi hàm oan của Đệ tam tổ. Ngô Thì Sĩ kết luận: “Cái khí tượng núi rừng, mây sáng đã thể hiện ra lời thơ, con người thanh đạm, giản dị cũng có thể hình dung mà thấy được, đâu có chuyện thêu dệt không căn cứ như sự ngoa truyền của người đời”. Nguyễn Công Lý gần đây cho rằng: “Dù trong truyện có nêu vì nàng vu oan cho nhà sư mà bị giáng phạt nhưng người chép truyện không miêu tả nàng là người xấu xa, độc ác và tuy miêu tả Huyền Quang như một cao tăng đắc đạo, có giới hạnh đáng kính nhưng ông cũng tỏ ra thông cảm mối nghi ngờ của vua Trần, của Mạc Đĩnh Chi[8]. Kết luận của truyền thuyết Điểm Bích cho thấy cuối cùng vua Trần Anh Tông cũng có hối tâm, càng minh chứng đạo hạnh của Tổ Huyền Quang không có gì có thể lay chuyển được.

Chướng duyên thứ hai mà Tổ Huyền Quang phải đón nhận đó là sự công kích của các thành phần quan lại Nho gia trong triều để từ đó tạo ra thế đứng cho Nho gia trên vũ đài chính trị.[9] Cũng vì chướng duyên này, về sau có những dư luận cho rằng Phật giáo Trúc Lâm suy yếu từ khi Tam tổ lãnh đạo. Thực tế, Tổ Huyền Quang không còn chú trọng phát triển Phật giáo theo con đường tổ chức, củng cố cơ sở Giáo hội mà chú trọng về sự giải thoát tự thân. Suy cho cùng mục đích tận cùng của Phật giáo là chỉ ra sự khổ đau và tìm cách vượt thoát khổ để xây dựng một đời sống hạnh phúc cho con người.

Về tư tưởng Thiền học

Tư tưởng của Trúc Lâm là hành đạo giúp đời, đưa đạo đến đời, mang khuynh hướng “nhập thế”. Thông qua các sáng tác văn thơ của Tổ Huyền Quang như Chư phẩm kinh, Công văn tập, Thích khoa giáo, Phổ Tuệ ngữ lục, Ngọc tiên tập, nhưng đáng tiếc là chỉ còn lưu giữ 24 bài thơ và một bài phú Nôm, chúng ta thấy rõ quan điểm, tư tưởng của Tam Tổ, đó là tập trung bàn về con đường chứng ngộ và lẽ sinh tử trong cõi đời này. Là Thiền sư, cũng là một văn tài được Nhân Tông khen ngợi: văn “không thể thêm bớt chữ nào”, nên hẳn nhiên nội dung tư tưởng của ngài được trình bày với một bút pháp nghệ thuật khiến người học đạo dễ dàng tiếp nhận. Cũng như Trần Nhân Tông, Tuệ Trung, quan điểm thiền của Tam tổ cũng khởi đầu bằng cái nhìn kiến tính để đập vỡ các khái niệm phân biệt đối đãi nhị nguyên, an nhiên tự tại trước hiện thực cuộc sống biến động. Theo Tổ thì con người phải biết giữ gìn tính cho sáng, không lạc vào tà đạo; Phật ở trong lòng mỗi người khi minh tâm, tức Phật ở trong tâm:

“Gìn giữ tính sáng, mựa lạc tà đạo.
Sửa mình học, cho phải tính tông.
Chỉn Bụt là lòng, sá ướm hỏi đòi cơ Mã Tổ.”

(Thích Thanh Từ, Tam Tổ Trúc Lâm giảng giải - Hội thứ ba)

Thực chất của một đời sống đạo là phải an trú trong thế giới bình đẳng của vạn pháp theo cái nhìn Duyên khởi mà theo Tổ Huyền Quang là “Nhãn phóng quan”. Trực ngộ như thế thì thị - phi, ma - Phật, mê - ngộ, sinh - tử... chỉ là những cặp phạm trù đối đãi không thật mà con người cần phải bước ra khỏi. Khi trực ngộ, con người hằng sống với cái tâm chân thật của mình, không còn vướng vào danh lợi, địa vị… của cuộc đời. Trong Tổ, cái mình là cái ta không còn phân biệt, mà cái ta của bậc Thánh giác ngộ hòa nhập với tất cả chúng sinh, vũ trụ thành một thể viên dung. Đúng như lời của Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đã khen: “Ý tinh tế, cao siêu”, “lời bay bướm, phóng khoáng” (Thiền học đời Trần). Đối với Tổ, tất cả chỉ là ảo ảnh phù du nên không có gì để bận tâm, lưu luyến, ngay cả khi đối diện với cả vấn đề sinh tử. Cuộc đối thoại giữa Tam tổ và Nhị tổ Pháp Loa cho chúng ta thấy rõ điều đó. Tam tổ từng phát biểu “muốn đi thì đi, muốn ở là ở” trong một lần vấn bệnh Nhị tổ. Qua những câu trao đổi giữa Tam tổ Huyền Quang và Nhị tổ Pháp Loa bên giường bệnh của Nhị tổ, chúng ta có thể thấy những nét chính của tư tưởng Tam tổ Huyền Quang về vấn đề tu chứng: sống và chết là hai phương diện của cùng một thực tại, cái mà Thiền sư Lâm Tế gọi là Chân nhân vô vị (con người thực không có vị trí trong không gian và thời gian). Thực tại này không vì sinh mà có, không vì diệt mà mất. Nếu ai thực chứng được thực tại bất sinh bất diệt ấy nơi bản thân thì người ấy sẽ đạt đạo và thoát khỏi sinh tử, hoàn toàn tự do.

Ngoài ra, không chỉ nổi tiếng với tư cách là Đệ tam tổ Thiền phái Trúc Lâm, ngài còn được biết đến là thi nhân truyền bá tư tưởng thiền qua một tâm hồn thi sĩ. Trong bài thơ Chùa Diên Hựu, Tam tổ đã viết những câu sau đây mà có thể được xem là quan điểm của ngài về vấn đề đạt đạo:





.

Phiên âm:

Vạn duyên bất nhiễu, thành già tục
Bán điểm vô ưu, nhãn phóng khoan
Tham thấu thị phi bình đẳng tướng
Ma cung Phật quốc hảo sinh quan.

Dịch nghĩa:

Thành ngăn tục lụy trần không vướng
Cửa mở vô ưu mắt rộng tầm
Thấy được thị phi cùng một hướng
Ma cung, Phật quốc cũng ngồi chung.

Bài thơ trên thể hiện rõ hai giai đoạn “tiệm tu và tỏ ngộ”, dùng giới và định làm những bức thành để ngăn giữ không cho phiền não thâm nhập. Giữ tâm hồn thanh thoát không lo lắng thì tầm mắt có thể nhìn xa thấy rộng, khi thấu triệt được bản chất của những cặp đối lập như thị-phi, mê-ngộ thì cái nhìn nhị kiến không còn, lúc ấy không còn sự đối lập Ma-Phật nữa, và cảnh nào cũng là cảnh Phật, Ma cung cũng trở thành Phật quốc.

Bài Vịnh Vân Yên tự phú (Phú vịnh chùa Hoa Yên) là một ví dụ khác. Đây là một bài phú hoàn bị về hình thức và đặc sắc về nội dung khi mô tả thế giới Phật cảnh Đại Việt - Yên Tử chẳng khác gì Linh Thứu của Ấn Độ. Trong bài kệ bằng chữ Nôm viết ở cuối bài Phú vịnh chùa Hoa Yên, Tam tổ viết hai dòng sau:

Biết được tính ta nên Bụt thật

Ngại chi non nước cảnh đường xa.

Tổ muốn nói, nếu ý thức được tự tính giác ngộ sẵn có nơi mình thì sẽ không còn thấy con đường tu trước mắt xa thẳm nữa. Thiết nghĩ từng đó cũng cho ta thấy được quan điểm Thiền học của ngài Huyền Quang. Đó là thế giới thiên nhiên, Phật đã được thanh lọc từ những tâm hồn buông bỏ trần tục. Lời phú bay bổng, tao nhã, càng đọc càng có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát: “Chim óc bạn cắn hoa nâng cúng/ Vượn bồng con kề cửa nghe kinh/ Nương am vắng Bụt hiện từ bi, gió hiu hiu, mây nhè nhẹ/ Kề song thưa ngồi thiền định, trăng vằng vặc, núi xanh xanh.” (Phú vịnh chùa Hoa Yên)…

Bằng cuộc đời sống đạo của mình, Tam tổ đã xây dựng và phát triển Thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc dân tộc. Những bài thơ được sáng tác trong thời gian Thiền sư ẩn cư sinh sống trong rừng cho chúng ta thấy được phương pháp tu hành của ngài. Nhưng khách quan mà nói, đấy là con đường tu hành của Thiền phái Trúc Lâm. Hằng ngày ngài vẫn thông qua thiền định để tu tâm, dùng kinh sách làm tiêu chuẩn để thẩm định sự tiến bộ tâm linh của bản thân, dùng kinh văn để soi sáng những nghi ngờ nảy sinh trong quá trình tu hành. Và để được như vậy, đầu tiên phải tạo cho mình một môi trường phù hợp để tu hành, đó chính là ở ẩn trong rừng sâu, không ham muốn những vinh hoa phú quý, lợi lộc và công danh.


 

[1] Có sách chép: Trần Đạo Tái; Lý Tái Đạo. Theo Thích Phước Đạt, Thích hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế, Thiền học Việt Nam, NXB.Phụ Nữ Việt Nam, 2022, tr.220.

[2] Thích Phước Sơn (dịch và chú giải), Tam tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1995, tr.78.

[6] Thích Phước Sơn (dịch và chú giải), Sđd., tr. 54-56.

[7] Thích Phước Sơn (dịch và chú giải), Sđd., tr. 83-89.

[8] Nguyễn Công Lý, Văn học Phật giáo thời Lý - Trần: diện mạo và đặc điểm, NXB.Đại Học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.263.

[9] Thích Phước Đạt, Thích Hạnh Tuệ, Thích Nữ Thanh Quế, Sđd., tr.223.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác