Khái niệm siêu thoát trong Phật giáo

khainiem

Khái niệm siêu thoát trong Phật giáo

Thích Hạnh Chơn

 

Sống chết là quy luật, là sự thật trên cõi đời này. Hầu hết các tôn giáo tồn tại trên thế giới đều đề cập đến vấn đề sau khi chết. Tùy theo quan điểm của mỗi tôn giáo, vấn đề sau khi chết được trình bày khác nhau. Phật giáo quan niệm sau khi chết con người hay rộng ra là tất cả chúng sanh sẽ tiếp tục tái sinh chứ không phải chấm dứt, không còn gì nữa. Vậy thì sau khi chết họ sẽ như thế nào và người sống có thể giúp người chết bằng cách nào? Bài viết sẽ trình bày vấn đề này và tìm hiểu khái niệm siêu thoát cũng như điều kiện siêu thoát được ghi chép trong các bản kinh.

Thế giới quan theo Phật giáo

Theo quan điểm Phật giáo, có sáu cõi mà một chúng sanh sẽ tiếp tục trong sự tái sinh còn luân hồi là Thiên (cõi trời), Nhân (cõi người), A-tu-la, Ngạ quỷ, Súc sinh và Địa ngục. Trong khi đó, các bậc chứng Thánh quả từ A-la-hán trở lên[1] thì vẫn còn tái sinh nhưng không còn luân hồi nên không ai biết được dấu tích của các vị ấy. Điều này được Đức Phật miêu tả, giải thích và được ghi lại trong nhiều bản kinh Pāli là: “…Vị ấy đã giải thoát và biết: sinh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, không có trở lui đời sống này nữa”[2]. Đối với con người chưa chứng Thánh quả thì còn trong vòng sinh tử luân hồi và khái niệm siêu thoát được sử dụng.

Như vậy, con người sau khi chết sẽ tái sinh luân hồi trong sáu cõi vừa nêu. Ba cõi trên là Thiên, Nhân, A-tu-la gọi là thiện, là hạnh phúc; còn ba cõi dưới là Ngạ quỷ, Súc sanh, Địa ngục gọi là ác, là khổ. Mục đích tu tập trong Phật giáo là giải thoát, nghĩa là vượt qua tái sinh luân hồi trong sáu cõi. Tuy nhiên, giải thoát luân hồi vượt ra khỏi sáu cõi không phải ai cũng có thể làm được, nhất là đời sống cư sĩ tại gia. Vậy thì với đời sống thực tế của người cư sĩ tại gia và ngay cả người xuất gia thì họ sẽ được siêu thoát hay giải thoát?

Siêu thoát là gì?

Theo quan niệm dân gian, siêu thoát là linh hồn con người sinh về cảnh giới an vui vĩnh hằng. Con người có hai phần là thể xác và linh hồn. Sau khi chết, thể xác tan rã còn phần linh hồn sẽ được siêu thoát hay đọa lạc vào chốn khổ tùy vào nhân thiện ác họ đã tạo khi còn sống. Cảnh giới an vui vĩnh hằng là cảnh nào chưa được xác định. Theo Phật giáo, khái niệm linh hồn thường được thay bằng khái niệm thức tái sinh.

Như trên đề cập, giải thoát là khái niệm dùng chỉ cho bậc từ A-la-hán trở lên đã vượt khỏi sáu cõi. Vậy siêu thoát có đồng nghĩa với giải thoát không? Nếu siêu thoát đồng nghĩa với giải thoát thì tự thân mỗi người tự tu tập để giải thoát chứ không ai có thể giải thoát thay, ngay cả Đức Phật. Nếu siêu thoát khác với giải thoát thì siêu thoát trong sáu cõi hay ngoài sáu cõi? Siêu thoát phải do tự thân tu tập hay chỉ nhờ tha nhân trợ giúp hay cần cả hai?

Siêu thoát theo kinh điển Pāli

Trong rất nhiều bài kinh Pāli, Đức Phật dạy những nhân đọa vào ba cõi ác và những nhân sinh vào ba cõi lành. Trong kinh Trường bộ, Đức Phật dạy nhân dẫn đến đọa vào ba cõi ác chịu khổ là “…làm những điều ác hạnh về thân, lời và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”[3]

Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy nhân dẫn đến đọa ba cõi ác là: “sát sinh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, đắm say rượu men rượu nấu.[4] Kinh Tăng chi cũng ghi: “…Những chúng sinh nào làm những ác hạnh về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những vị này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.”[5]

Trong phẩm Thân do nghiệp sinh, kinh Tăng chi, Đức Phật dạy mười pháp dẫn đến đọa địa ngục:

Có người sát sinh hung bạo, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với tất cả các loài hữu tình, các sinh vật. Lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. Sống tà hạnh trong các dục vọng, tà hạnh với hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh em che chở, có chị che chở, có bà con che chở, có pháp che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Người ấy nói láo, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: ‘Này người kia, hãy nói những gì người biết’; dầu cho vị ấy không biết, vị ấy nói: ‘Tôi biết’; dầu cho vị ấy biết, vị ấy nói: ‘Tôi không biết’. Hay dầu cho vị ấy không thấy, vị ấy nói: ‘Tôi có thấy’; hay dầu cho vị ấy thấy, vị ấy nói: ‘Tôi không thấy’. Như vậy lời nói của người ấy trở thành cố ý nói láo, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi. Người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia nói, để sinh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này, để sinh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy ly gián những kẻ hòa hợp, hay xúi giục những kẻ ly gián, ưa thích chia rẽ, vui thích chia rẽ, thích thú chia rẽ, nói những lời đưa đến chia rẽ. Và người ấy nói lời thô ác, bất cứ lời gì thô bạo, thô tục, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định. Người ấy nói những lời như vậy. Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích. Người ấy có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: ‘Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!’ Có sân tâm, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: ‘Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại!’ Người ấy có tà kiến, có tưởng điên đảo, như: ‘Không có bố thí, không có cúng thí, không có tế tự, các hành vi thiện ác không có kết quả dị thục, không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sinh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự mình với thắng trí, giác ngộ đời này và đời sau, và tuyên bố’.[6] 

Trong kinh Trường bộ, Đức Phật cũng dạy nhân sinh cõi lành, cõi trời hưởng vui là “…làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên các thiện thú, cõi trời, trên đời này.”[7] Trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy nhân sinh cõi lành, cõi trời là giữ năm giới “Từ bỏ sát sinh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà hạnh, từ bỏ nói dối, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu.[8] Kinh Tăng chi cũng ghi: “…Những chúng sinh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, được sinh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này.”[9] Trong phẩm Thân do nghiệp sinh, kinh Tăng chi, Đức Phật dạy thành tựu mười pháp được sinh lên cõi trời với nội dung ngược lại với phần nêu trên.

Qua lời Phật dạy, người chưa giải thoát thì sẽ sinh cõi lành, cõi trời nhờ thiện nghiệp; còn đọa vào cõi ác vì ác nghiệp. Cõi lành chỉ cho cõi trời, cõi người và cõi A-tu-la. Còn cõi ác là súc sinh, ngạ quỹ và địa ngục. Chưa có cõi của Đức Phật nào khác với danh hiệu cụ thể được Đức Phật Thích Ca giới thiệu để con người sau khi chết tái sinh về và nếu có đề cập thì thường là chung chung như cõi lành, cõi tịnh độ. Tuy nhiên, cõi lành hay tịnh độ được đề cập cũng không xác định là vượt khỏi luân hồi, tức là về đó sẽ chính thức giải thoát như ý nghĩa nêu trên. Từ đó, chúng ta suy luận rằng siêu thoát nghĩa là người sau khi chết không đọa vào ba cõi ác mà được tái sinh vào các cõi lành bao gồm cõi trời, cõi người, cõi A-tu-la.

Siêu thoát theo kinh Bắc truyền

Trong hệ Bắc truyền cũng có nhiều bài kinh đề cập đến vấn đề siêu thoát. Bài viết này chọn bốn kinh phổ biến thường được sử dụng là kinh Vu lan, kinh Báo hiếu, kinh Địa Tạng, và kinh A Di Đà.

Kinh Vu lan đề cập trường hợp mẹ của ngài Mục-kiền-liên là bà Thanh Đề. Bà Thanh Đề vì nghiệp tham lam, bỏn xẻn nên đọa làm ngạ quỷ đói khát khổ sở. Ngài Mục-kiền-liên bạch Phật chỉ dạy phương pháp cứu mẹ thoát khỏi ngạ quỷ. Đức Phật dạy pháp cúng dường tạo phước để hồi hướng cho mẹ siêu thoát khỏi ngạ quỷ. Ngài Mục-kiền-liên đã tổ chức trai tăng cúng dường chư Tăng và nhờ phước báu cúng dường đó làm chuyển hóa tâm tham lam, bỏn xẻn của bà Thanh Đề nên bà và nhiều chúng sinh khác được tái sinh lên cõi trời. Như vậy, sự siêu thoát của bà Thanh Đề là siêu thoát khỏi ngạ quỷ và tái sinh lên cõi trời, và sự siêu thoát của bà là nhờ ngài Mục-kiền-liên trợ giúp.[10]

Kinh Báo hiếu kể về công lao khổ nhọc của mẹ từ khi mang thai cho đến khi nuôi con khôn lớn. Vậy mà, có nhiều người con bất hiếu làm cho cha mẹ khổ thêm. Đức Phật dạy muốn báo hiếu thì phải tụng kinh để hiểu lời Phật dạy mà thực hành, ăn năn tội lỗi, cúng dường Tam bảo, cúng dường trai Tăng, quy y Tam bảo, giữ giới. Sau khi làm phước xong thì hồi hướng cầu nguyện cho cha mẹ sinh về tịnh độ an nhàn.[11] Tịnh độ an nhàn là cõi người, cõi chư thiên hay cõi nào thì kinh chưa xác định.

Kinh Địa Tạng kể về tiền thân của Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện độ sinh và cứu độ mẹ. Trong phẩm thứ nhất, tiền thân của Bồ-tát là nữ Bà-la-môn đã cứu mẹ thoát khỏi địa ngục và tái sinh cõi trời bằng cách cúng dường tạo phước. Phầm thứ tư kể lại tiền thân Bồ-tát là Quang Mục, người đã cứu mẹ thoát khỏi địa ngục và tái sinh cõi trời làm Phạm Chí nhờ cúng dường và phát nguyện độ hết chúng sinh. Như vậy, siêu thoát trong trường hợp này là siêu thoát khỏi địa ngục, sinh về cõi trời và cũng nhờ sự trợ giúp của người thân.

Kinh A Di Đà không dùng từ tái sinh hay siêu thoát mà dùng từ vãng sinh về thế giới Cực lạc của Đức Phật A Di Đà. Điều kiện được nêu là phải có căn lành lớn, phước đức nhiều, nhân duyên tốt (bất đắc dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên đắc sinh bỉ quốc) và nhất tâm bất loạn thì khi lâm chung sẽ được Phật A Di Đà và Thánh chúng tiếp dẫn về Cực lạc.

Dựa vào bốn kinh trên thì có hai hướng một người sau khi chết tái sinh ở đó. Một là tái sinh cõi trời, cõi tịnh độ an nhàn (kinh Vu lan, kinh Báo hiếu, kinh Địa Tạng) và cõi Phật A Di Đà (kinh A Di Đà). Nếu tái sinh cõi trời thì vị ấy được gọi là siêu thoát và vẫn còn luân hồi. Vậy tái sinh hay vãng sinh cõi Phật thì vị ấy có còn luân hồi nữa không? Nếu không còn luân hồi nữa tức là vị ấy đã giải thoát. Như trên đã nói, giải thoát thì vị ấy phải đoạn tham, sân, si… Sự thật là vị ấy chưa đoạn hết tham, sân, si…, tức chưa giải thoát nhưng được sinh về cõi Cực lạc theo thuyết đới nghiệp vãng sanh. Cõi Cực lạc có bảo đảm cho vị ấy giải thoát, không còn luân hồi nữa hay không thì kinh không đề cập, và điều này nằm ngoài tầm hiểu biết của người viết.

Từ những dẫn chứng và phân tích trên, chúng ta có thể hiểu khái niệm siêu thoát là chỉ cho sự tái sinh cõi lành gồm trời, người, A-tu-la. Siêu thoát vẫn còn luân hồi trong sáu cõi. Siêu thoát là do tự bản thân tu tập, làm thiện hay nhờ người thân trợ giúp qua phương cách tạo phước như cúng dường, bố thí… Ngược lại, giải thoát là chứng Thánh quả từ A-la-hán trở lên và không còn luân hồi. Vấn đề hộ niệm, cầu siêu cho người chết vãng sinh cõi Cực Lạc thì thuộc siêu thoát hay giải thoát thì bài viết này chưa thể giải đáp được.

 


 

[1] A-la-hán, Duyên giác, Độc giác, Bồ-tát, Phật.

[2] Tiểu kinh dụ dấu chân voi, kinh Trung bộ.

[3] Kinh Sa-môn quả, kinh Trường bộ.

[4] Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ.

[5] Kinh Tăng chi, chương Mười pháp, phẩm Nam cư sĩ.

[6] Kinh Tăng chi, chương Mười pháp, phẩm Thân do nghiệp sinh.

[7] Kinh Sa-môn quả, kinh Trường bộ.

[8] Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ.

[9] Kinh Tăng chi, chương Mười pháp, phẩm Nam cư sĩ.

[10] Thích Huệ Đăng diễn nghĩa, kinh Vu lanBáo hiếu, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.22.

[11] Thích Huệ Đăng diễn nghĩa, Kinh Vu lanBáo hiếu, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.49, 50.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác