Những món quà Ngài để lại: DI SẢN GIÁO PHÁP CỦA AJAAN DUNE ATULO

NHỮNG MÓN QUÀ NGÀI ĐỂ LẠI

NHỮNG MÓN QUÀ NGÀI ĐỂ LẠI:

DI SẢN GIÁO PHÁP CỦA AJAAN DUNE ATULO

 

Phra Bodhinandamuni ghi lại

Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh

Nguyên Giác dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt

Kỳ 6

Người học và người thực hành Pháp có hai loại. Loại thứ nhất là những người chân thực học và hành để tìm giải thoát khỏi đau khổ. Loại thứ nhì là những người học và hành để khoe về thành tích của mình và dành cả ngày để tranh luận, tin rằng việc thuộc lòng nhiều văn bản hay có thể trích dẫn nhiều vị thầy là một dấu hiệu của tầm quan trọng của họ. Nhiều lần, khi những người thuộc loại thứ hai này đến gặp Luang Pu, thay vì hỏi lời khuyên của ngài về cách thực hành, họ lại phun ra kiến thức và ý tưởng của họ cho ngài nghe với nhiều chi tiết. Tuy nhiên, ngài vẫn cứ luôn ngồi và lắng nghe họ. Thực tế, khi họ nói đủ thứ xong, ngài mới thêm một nhận xét: “Những người bị ám ảnh bởi kinh điển và các vị thầy sẽ không thể thoát khỏi đau khổ. Dù vậy, những người muốn thoát khổ phải nương dựa vào kinh điển và các vị thầy”.

KHI TÂM CHỐNG LẠI SỰ TĨNH LẶNG

Trong việc tập định, không thể nào mọi người được kết quả với tốc độ như nhau. Vài người có kết quả nhanh, những người khác kết quả chậm. Thậm chí có những người dường như chưa bao giờ cảm nhận được hương vị của tĩnh lặng. Dù vậy, họ không nên nản lòng. Riêng việc nỗ lực trong tự thân đã là một công đức lớn và kỹ năng cao, nhiều hơn so với việc bố thí hay trì giới. Một số đông đệ tử của Luang Pu hỏi ngài, “Con đã ra sức tập định trong một thời gian dài, nhưng tâm con chưa bao giờ tĩnh lặng. Nó cứ lang thang ra ngoài. Có cách nào khác mà con có thể thực hành được không?"

Đôi khi Luang Pu đưa ra phương pháp khác: “Khi tâm không tĩnh lặng, ít nhất con có thể bảo đảm rằng tâm không đi lang thang xa. Hãy dùng chánh niệm để chỉ chú tâm vào thân. Hãy nhìn để xem thân là vô thường, căng thẳng và vô ngã. Hãy phát triển nhận biết rằng thân bất tịnh, và không có thực chất nào trong thân cả. Khi tâm nhìn thấy rõ ràng theo cách này, tâm sẽ sinh khởi một cảm giác mất vui, không say đắm và xa lìa tham ái. Điều này cũng có thể cắt đứt các uẩn bám chấp”.

NỀN TẢNG CHÂN THỰC CỦA PHÁP

Có một điều mà người hành thiền sinh ưa nói đến, đó là "Bạn thấy gì khi ngồi thiền? Những gì hiện ra khi bạn thiền?" Hoặc họ than phiền rằng họ đã ngồi thiền rất lâu mà vẫn không thấy gì hiện ra cho họ thấy. Hoặc họ nói về việc nhìn thấy thứ này hay thứ kia hoài. Điều này khiến một số người hiểu lầm, cho rằng khi thiền, bạn sẽ thấy những gì bạn muốn thấy.

Luang Pu cảnh giác những người này rằng loại khát vọng này hoàn toàn sai lầm, vì mục đích của thiền là đi vào nền tảng chân thực của Pháp. "Nền tảng chân thực của Pháp là tâm, do vậy hãy tập trung vào quan sát tâm. Hãy làm thế để quý vị hiểu được tâm quý vị một cách sâu sắc. Khi quý vị hiểu được tâm mình một cách sâu sắc, quý vị đã có được nền tảng của Pháp ngay tại đó".

LỜI CẢNH GIÁC ĐỪNG LƯỜI BIẾNG

Để tránh bất kỳ sự lười biếng hoặc thiếu chú tâm nào trong hành vi của các Tỳ-kheo và Sa-di, Luang Pu đã chọn một cách khiển trách họ một cách sâu sắc: “Người tại gia phải làm việc vất vả trong đời sống với nhiều khó khăn để có được của cải vật chất, thực phẩm và tiền bạc cần thiết để nuôi sống gia đình, con cháu. Dù mệt mỏi hay kiệt sức đến đâu, họ cũng phải nỗ lực. Đồng thời, họ muốn tạo công đức nên họ hy sinh một số tài sản để cúng dường, làm công đức. Họ dậy sớm, nấu thức ăn ngon để đặt vào bát khất thực của chúng ta. Trước khi họ đưa thức ăn vào bát của chúng ta, họ nâng cao quá đầu họ và nói lời ước nguyện. Khi hoàn tất đưa thức ăn vào bát, họ lùi lại, ngồi xổm xuống và chắp hai tay cung kính một lần nữa. Họ làm như vậy vì họ muốn công đức trong việc hỗ trợ chúng ta tu hành. Và công đức nào trong sự tu hành của chúng ta mà chúng ta có thể trao tặng cho họ? Quý vị đã tự cư xử theo cách mà quý vị xứng đáng được nhận và ăn thức ăn của họ chưa?”

ĐÔI KHI NGÀI CỨNG RẮN

Ajaan Samret đã xuất gia từ khi còn ấu niên cho đến khi sư này gần 60 tuổi. Vị này trước đó là một thiền sư, nghiêm khắc trong tu tập, có danh tiếng tốt và được nhiều người kính trọng. Nhưng sư này đã không đi trọn con đường. Tâm của vị sư này suy giảm vì sư yêu thương con gái của một trong những thí chủ. Vì thế vị này xin rời Luang Pu để cởi y và kết hôn.

Mọi người đều bị sốc trước tin này và không tin điều đó có thể là sự thật bởi vì nhìn vào sự tu hành của sư này, họ đã cho rằng nhà sư này sẽ sống đời tu hành cho đến cuối đời. Nếu tin này là thật thì đó sẽ là một cú đánh mạnh vào cộng đồng những người hành thiền. Vì lý do này, các Trưởng lão và học trò của sư này đã cố gắng bằng mọi cách có thể để khiến vị này đổi ý và không cởi y. Đặc biệt, Luang Pu đã gọi vị này tới và cố gắng thuyết phục vị này đổi ý, nhưng vô ích. Cuối cùng, Ajaan Samret nói với ngài: “Con không thể ở lại được. Mỗi lần con ngồi thiền, con thấy khuôn mặt của nàng lơ lửng trước mặt con”.

Luang Pu đáp lại bằng một giọng lớn, “Đó là bởi vì con không thiền định về bản tâm của con. Con đang thiền định về phía sau của cô ta, nên tất nhiên con cứ nhìn thấy mãi phía sau của cô ta. Bước ra khỏi đây đi. Hãy tự do đi bất cứ nơi nào con muốn".

KHÔNG CHỆCH HƯỚNG

Tôi đã sống với Luang Pu hơn ba mươi năm, làm thị giả chăm sóc mọi việc của ngài cho đến cuối đời ngài, và tôi quan sát thấy rằng sự tu hành của ngài phù hợp với Chánh pháp và Luật tạng, phù hợp với con đường độc đạo để thoát khỏi đau khổ. Ngài không bao giờ phân tâm vào các phép thuật, bùa thiêng hay bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào khác, dù chỉ một chút xíu. Khi người ta xin ngài ban phước cho họ bằng cách thổi vào đầu họ, ngài sẽ hỏi: "Tại sao tôi phải thổi vào đầu quý vị?" Khi người ta xin ngài đánh dấu điềm lành trên xe hơi của họ, ngài nói: "Tại sao lại đánh dấu điềm lành?" Khi người ta xin ngài chọn ngày lành hay tháng tốt cho hoạt động của họ, ngài nói: “Tất cả các ngày đều tốt”. Hoặc nếu ngài nhai trầu và người ta hỏi xin phần bã đã nhai, ngài nói, "Sao quý vị lại muốn thứ đó? Nó dơ quá".

CHỈ ĐƠN GIẢN LÀ MỘT CHUYỂN ĐỘNG

Có những lúc tôi cảm thấy không thoải mái, sợ rằng mình có thể đã làm sai khi đứng về phía những người đã thuyết phục Luang Pu làm những việc mà ngài không thích làm. Lần đầu tiên là khi ngài dự lễ khai trương Bảo tàng Phra Ajaan Mun ở Wat Pa Sutthaavaat ở Sakon Nakhorn. Có rất nhiều thiền sư và cư sĩ đến gặp các vị thầy để tỏ lòng tôn kính và xin điều gì đó. Nhiều người xin Luang Pu thổi vào đầu họ [để lấy hên]. Khi tôi thấy ngài chỉ ngồi yên mà không trả lời, tôi đã thỉnh cầu ngài: “Ngài hãy làm cho xong việc đi”. Thế là ngài thổi vào đầu họ. Sau một thời gian, khi không thể thoát ra được, ngài sẽ đánh dấu những điềm lành trên xe hơi của họ. Khi ngài cảm thấy mệt mỏi với những thỉnh cầu của họ về bùa hộ mệnh, ngài đã cho phép họ làm các bùa hộ mệnh mang tên ngài. Khi cảm thấy thương hại họ, ngài sẽ thắp ngọn nến “chiến thắng” trong các nghi lễ tụng kinh của họ và tham gia vào các nghi lễ dâng bùa hộ mệnh của họ.

Nhưng sau đó tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi Luang Pu nói: “Tôi làm những việc như thế này chỉ đơn giản là một chuyển động vật chất bên ngoài để tương ưng với các quy ước xã hội. Nó không phải là một chuyển động của tâm mà có thể dẫn đến các trạng thái trở thành, các cấp độ của hiện hữu, hoặc đối với con đường, quả vị và Niết-bàn theo bất kỳ cách nào”.

NĂM LẤY CƠ HỘI

"Tất cả 84.000 phần của giáo pháp chỉ là những chiến lược để dẫn mọi người quay lại và nhìn vào tâm. Lời dạy của Đức Phật rất nhiều, vì phiền não của con người thì nhiều. Tuy nhiên, con đường chấm dứt đau khổ chỉ có một: Niết-bàn. Cơ hội này chúng ta phải thực hành Chánh pháp một cách đúng đắn là điều rất hiếm hoi. Nếu chúng ta để nó trôi qua, chúng ta sẽ không có cơ hội đạt được giải thoát trong kiếp này và chúng ta sẽ phải lạc lối trong những tà kiến trong một thời gian rất dài trước khi chúng ta có thể gặp lại Chánh pháp này lần nữa. Do vậy, bây giờ chúng ta đã gặp được lời dạy của Đức Phật, chúng ta nên khẩn cấp tu tập để được giải thoát. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội tốt này. Khi các sự thật cao quý bị lãng quên, bóng tối sẽ tràn ngập chúng sinh với cả khối đau khổ trong một thời gian dài tương lai”.

GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC

Không phải chỉ một lần Luang Pu dạy Pháp bằng cách so sánh. Có lần ngài đã nói, "Sự nhận biết bên ngoài là sự nhận thức về những giả định. Nó không thể soi sáng tâm về Niết-bàn. Quý vị phải dựa vào sự nhận biết rõ ràng về con đường cao quý nếu quý vị muốn vào Niết-bàn. Kiến thức của các nhà khoa học, như Einstein, là có nhiều thông tin và rất có năng lực làm nhiều chuyện. Nó có thể chẻ ra hạt nguyên tử nhỏ nhất và nhập vào chiều không gian thứ 4. Nhưng Einstein không có ý niệm gì về Niết-bàn, đó là lý do tại sao ông không thể nhập vào Niết-bàn, “Chỉ có tâm đã giác ngộ trong con đường cao quý mới có thể đưa đến sự Tỉnh thức thực sự, sự Tỉnh thức đầy đủ, sự Tỉnh thức viên mãn. Chỉ có như thế mới có thể đưa đến sự giải thoát khỏi đau khổ, tới Niết-bàn”.

LÀM THẾ NÀO ĐOẠN TẬN KHỔ ĐAU

Năm 1977, nhiều sự kiện không mong muốn đã xảy ra với các quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Thái Lan - mất của cải, mất địa vị, bị chỉ trích và đau khổ. Và dĩ nhiên, nỗi đau buồn lan rộng, ảnh hưởng đến vợ con của họ nữa. Do vậy, một ngày nọ, một số người vợ của họ đến đảnh lễ Luang Pu và kể cho ngài nghe về nỗi đau khổ của họ để ngài có thể khuyên họ cách vượt qua nó. Ngài nói với quý bà, “Người ta không nên cảm thấy buồn hay nhớ nhung những thứ bên ngoài thân mình đã trôi qua và biến mất, vì những thứ đó đã hoàn tất chức năng của chúng một cách chính xác trong cách hoàn hảo nhất”.

SỰ THẬT LUÔN LUÔN NHƯ NHAU

Nhiều học giả sẽ nhận xét rằng những lời dạy của Luang Pu rất giống với những lời dạy của Thiền tông hay kinh Pháp bảo đàn [của Huệ Năng]. Tôi đã hỏi ngài về điều này nhiều lần và cuối cùng ngài trả lời một cách khách quan: “Tất cả những chân lý của Pháp đều đã có mặt trên thế gian. Khi Đức Phật giác ngộ những chân lý đó, Đức Phật đã mang chúng ra để giảng dạy cho chúng sinh trên thế gian. Bây giờ, bởi vì những chúng sinh đó có những khuynh hướng khác nhau - thô thiển hay tinh tế - nên Đức Phật đã dùng rất nhiều ngôn từ: tất cả có 84.000 phần của Chánh pháp. Khi người trí tìm cách chọn những chữ thích hợp nhất để giải thích sự thật cho những người hướng tới sự thật, họ phải sử dụng các phương pháp của sự thật rằng, về sự quán chiếu [tự tâm], là chính xác nhất và viên mãn nhất mà không bận tâm về ngôn từ hay cứ dính mãi vào các chữ trong các văn bản trong cách tận cùng ít nhất".

Chia sẻ: facebooktwittergoogle