Đóng góp của Phật giáo đối với văn hóa Ấn Độ
diong gop
Đóng góp của Phật giáo đối với văn hóa Ấn Độ
Vigneshwar Bhat
- Đăng Nguyên dịch
Giới thiệu
Người sáng lập Phật giáo là Đức Phật Gautama. Vào thời điểm Phật giáo được thành
lập, đó thực sự là một cuộc cách mạng, mở ra những vai trò mới cho phụ nữ và
những người thuộc giai cấp thấp, giúp họ có thể lựa chọn và khám phá khuynh
hướng tôn giáo của mình vào thời điểm bất bình đẳng còn rất cao. Phật giáo phản
biện một số tập tục tồn tại vào thời kỳ đó như hệ thống đẳng cấp, các nghi lễ
như hiến tế, v.v. Trái ngược với Bà-la-môn giáo, Phật giáo thúc đẩy sự bình đẳng
trong xã hội, đơn giản hóa việc thực hành tôn giáo và giảm thiểu vai trò của
nghi lễ. Giáo pháp Phật giáo đề cao tinh thần bất bạo động, bình đẳng, từ bi, sự
thật, bố thí, v.v.
Phật giáo xuất hiện như một phong trào cải cách vào thời bấy giờ. Đức Phật đã
phản đối các tập tục tồn tại vào thời đại của Ngài và đặt câu hỏi về các nghi lễ
và nghi thức Vệ-đà. Ngài phê bình sự sắp xếp xã hội được quy định bởi hệ
thống đẳng cấp (varṇa) theo truyền thống Bà-la-môn, và phê bình việc phân
loại con người dựa trên nghề nghiệp và nơi sinh. Đức Phật coi các lễ hiến tế (yagnā)
là vô ích, và lên án mạnh mẽ việc hiến tế động vật. Đức Phật muốn mang lại sự
cải cách trong việc thực hành tôn giáo và quay trở lại các nguyên tắc cơ bản.
Phật giáo cũng có những đóng góp đáng kể cho nền văn hóa và xã hội Ấn Độ và ảnh
hưởng đến các hoạt động, phong tục và tín ngưỡng của đất nước này, do đó trở
thành một phần không thể thiếu của lịch sử Ấn Độ. Những đóng góp của Phật giáo
bao gồm nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, kiến trúc, biểu tượng, ngôn ngữ, văn
học, triết học, đạo đức, kinh tế, hệ thống giáo dục, hệ thống chính trị, ngoại
giao, v.v. Phật giáo cũng tạo ra những tư tưởng mới, thúc đẩy sự thống nhất và
tình anh em phổ quát. Mặc dù ngày nay không còn là tôn giáo chiếm ưu thế ở Ấn
Độ, nhưng Phật giáo vẫn giữ được tầm quan trọng của nó trong dòng lịch sử Ấn Độ.
Nghệ thuật, kiến trúc và hội họa
Ở lĩnh vực kiến trúc, điêu khắc và hội họa, Phật giáo đã có những đóng góp
đáng kể vào những lĩnh vực này. Nghệ thuật và điêu khắc Phật giáo đã phát triển
cùng với sự truyền bá Phật pháp. Sau khi Đức Phật nhập diệt, nhiều công trình
kiến trúc khác nhau đã bắt đầu phát triển, chủ yếu để phụng thờ và lưu giữ
xá-lợi của Đức Phật. Có ba loại công trình chính được các Phật tử xây dựng và sử
dụng: tháp (stupa), tịnh xá (vihāra) và điện thờ (caitya).
Tháp được xây dựng để tôn trí xá-lợi của Đức Phật, điện thờ được sử dụng làm nơi
thờ phụng và hành lễ, tịnh xá là nơi các Tăng sĩ sinh sống. Các ngôi tháp ở
Sanchi, Bodhgaya, Amaravati, v.v. là những ví dụ điển hình nhất về những đóng
góp của kiến trúc Phật giáo. Kiến trúc tháp rất phổ biến vào thời vua Asoka. Vào
thời vua Kaniṣka, vương triều này đã kết nối tuyến đường thương mại Ấn Độ với
nhiều nước khác nhau, dẫn đến sự pha trộn giữa phong cách kiến trúc và nghệ
thuật Hy Lạp-La Mã và Phật giáo, giới thiệu những hình thức điêu khắc mới.
Phật giáo đã thiết lập nên mối liên hệ mật thiết giữa tiểu lục địa Ấn Độ và các
nước khác. Các Tăng sĩ Phật giáo đã truyền bá Phật pháp đến các quốc gia khác và
nhiều tín đồ và học giả Phật giáo từ các nước khác đã đến Ấn Độ để nghiên cứu và
tu học. Điều này cũng đã khiến cho nghệ thuật, kiến trúc và nhiều lĩnh vực khác
ở Ấn Độ có sự pha trộn các yếu tố nước ngoài. Do đó, Phật giáo cũng góp phần tạo
nên xã hội Ấn Độ hiện đại. Phật giáo cũng đóng góp vào các hoạt động nghệ thuật
và điêu khắc của Ấn Độ. Nghệ thuật đã phát triển trước khi Phật giáo sinh khởi
nhưng chúng hầu như được sử dụng để trang trí các bàn thờ hay bệ thờ. Các Phật
tử là những người đầu tiên đã áp dụng nghệ thuật vào kiến trúc. Nhiều tịnh xá
được các Tăng sĩ Phật giáo xây dựng trên khắp đất nước. Một số lượng lớn các bảo
tháp đã được xây dựng tại các thánh tích Phật giáo và toàn bộ lịch sử cuộc đời
của Đức Phật đã được mô tả trên đá.
Do tiếp xúc với nước ngoài, nghệ thuật và điêu khắc cũng chịu ảnh hưởng những
yếu tố ngoại lai. Ví dụ, một số tác phẩm điêu khắc Phật giáo chịu ảnh hưởng mạnh
mẽ nghệ thuật điêu khắc Hy Lạp, điều này thể hiện rõ ở nơi các đường nét trong
các tác phẩm điêu khắc, đặc biệt ở vùng Tây Bắc Ấn Độ. Một ví dụ khác là nghệ
thuật Gandhara chịu ảnh hưởng đặc điểm Hy Lạp, và các chùa tháp bắt đầu xuất
hiện với các họa tiết trang trí của Hy Lạp. Trường phái nghệ thuật Gandhara,
Amaravati và Mathura phát triển vào thời Kushan đã tạo động lực cho sự phát
triển nghệ thuật Phật giáo. Trường phái nghệ thuật Gandhara là trường phái đầu
tiên đã thể hiện Đức Phật dưới dạng tác phẩm điêu khắc và cũng bao hàm các yếu
tố nước ngoài. Trường phái nghệ thuật Mathura đã phát triển các tác phẩm điêu
khắc trên đá đỏ. Trường phái nghệ thuật Amaravati ở Andhra đã phát triển một nền
nghệ thuật mô tả niềm vui của những người tìm thấy con đường mới với sự hỗ trợ
của Đức Phật. Một số lượng lớn các tác phẩm điêu khắc về Đức Phật và Bồ-tát đã
được thực hiện theo trường phái nghệ thuật Mathura và Gandhara.
Các Phật tử cũng bắt đầu xây dựng các ngôi chùa hang và mô hình kiến trúc này
sau đó được Ấn Độ giáo tiếp thu. Các ngôi chùa hang ở Karle, Ajanta, Ellora là
ví dụ điển hình nhất về các các mẫu hình kiến trúc Phật giáo thuộc dạng này, cho
thấy thành tựu của họ trong việc điêu khắc và khoét đục đá để kiến tạo chùa
chiền. Đóng góp của Phật giáo cho nghệ thuật hội họa cũng là một trong nhiều
đóng góp có giá trị mà các Phật tử đã thực hiện. Các bức tường của của các ngôi
chùa hang và đền thờ Phật giáo được trang trí phong phú các bức bích hoa vô cùng
ấn tượng và tuyệt đẹp. Ví dụ, những bức tranh nổi tiếng ở Ajanta đã mô tả những
cảnh đầy cảm xúc về con đường của Đức Phật. Nó đưa ra ví dụ điển hình nhất về
trình độ mà các Phật tử đã đạt được trong lĩnh vực hội họa, tạo nên một chương
trong lịch sử nghệ thuật Ấn Độ.
Ảnh hưởng đến văn hóa
Phật giáo ảnh hưởng hầu như đến mỗi bộ phận của văn hóa Ấn Độ và triết lý tôn
giáo. Phật giáo thúc đẩy bình đẳng vào thời điểm xã hội bị chia rẽ dựa trên đẳng
cấp mà một người sinh ra. Phật giáo coi mọi giai cấp đều bình đẳng, không có
giai cấp nào cao hơn hay thấp hơn. Đức Phật đã xóa bỏ toàn bộ hệ thống đẳng cấp
trong tôn giáo của mình. Do đó, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc gắn
kết mọi người lại với nhau và phát triển ý thức về tình anh em. Phật giáo cũng
đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập mối liên hệ dễ nhận biết giữa Ấn Độ
và các quốc gia khác. Các Tăng sĩ Phật giáo từ Ấn Độ đã truyền bá giáo pháp của
Đức Phật đến các quốc gia khác và biến nó thành một tôn giáo thế giơi. Những
phái đoàn truyền giáo này cũng giúp truyền tải thông điệp của nền văn minh Ấn Độ
đến nhiều quốc gia xa xôi. Nhưng điều này cũng tạo sự ảnh hưởng của nước ngoài
đối với văn hóa Ấn Độ. Các tổ chức Phật giáo cũng đóng vai trò đáng kể trong
việc thúc đẩy văn hóa trong khu vực. Những người hành hương từ các quốc gia xa
xôi bắt đầu đến thăm Ấn Độ và nhiều sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đã đến
các tổ chức Phật giáo để nghiên cứu và tu học. Các tổ chức này không chỉ giúp
phát triển tôn giáo mà còn trong các lĩnh vực khác bao gồm y học, nghệ thuật,
kiến trúc, ngôn ngữ, kinh tế, v.v.
Khái niệm đời sống tu viện đã được Phật giáo đưa vào trong văn hóa Ấn Độ. Các
ngôi chùa Phật giáo không chỉ là nơi dành cho các Tăng sĩ và cư sĩ tu tập mà còn
đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa Ấn Độ. Nó phát triển
một vai trò quan trọng trong việc nâng cao tinh thần. Phật giáo là tôn giáo đầu
tiên ở Ấn Độ đã áp dụng các thủ tục dân chủ trong việc tổ chức Tăng đoàn cũng
như cách thức tổ chức của một ngôi chùa, đó là bầu người đứng đầu tu viện. Các
Tăng sĩ Phật giáo tu học dưới sự hướng dẫn của người đứng đầu ngôi chùa và sống
theo giới luật và thanh quy. Về sau, Ấn Độ giáo đã học theo khái niệm đời sống
tu viện này, hay nói cách khác, đời sống tu viện trong Ấn Độ giáo được phát
triển từ hệ thống tu viện Phật giáo. Phật giáo cũng đã ảnh hưởng đến vai trò của
phụ nữ ở trong xã hội. Phật giáo đã mở ra một con đường mới cho họ; không có sự
phân biệt đối xử dựa trên giới tính trong Phật giáo. Tăng đoàn Phật giáo cũng
tiếp nhận các nữ tu. Do đó tạo ra một tác động cao quý đến xã hội giúp nâng cao
vị thế của phụ nữ trong xã hội.
Phật giáo cũng giúp phát triển đạo đức trong xã hội Ấn Độ. Phật giáo đề cao
nhiều phẩm hạnh đạo đức giúp hình thành nên những con người tốt cho xã hội; và
những phẩm chất như bất bạo động, trung thực, tình yêu thương, lòng trắc ẩn,
không sở hữu, bố thí, trong sạch, hy sinh bản thân, tình anh em, sự thống nhất,
kiểm soát suy nghĩ, v.v. đã giúp ích rất nhiều trong việc vun đắp xã hội. Bất
bạo động (ahiṃsā) là một trong những lời dạy quan trọng của Đức Phật. Ví
dụ điển hình nhất là câu chuyện về vua Asoka, người dưới ảnh hưởng của Phật giáo
đã nhận ra sự vô nghĩa của chiến tranh, từ bỏ giấc mơ bành trướng và bắt đầu
thấy ghê sợ bạo lực. Phật giáo đã phổ biến phương châm ‘‘ahiṃsā paramo dharma’’,
coi trọng tất cả các sinh vật bao gồm cả động vật. Đức Phật luôn phê bình các
hành vi hiến tế động vật.
Đức Phật phản đối chế độ đẳng cấp tồn tại trong xã hội vào thời đó. Ngài tin
rằng quan niệm này là một tập tục xấu làm tổn hại đến khái niệm bình đẳng, nhân
đạo và thống nhất trong xã hội. Đức Phật cũng mở ra những cánh cửa mới cho những
người ở tầng lớp thấp nhất của xã hội. Ngài giới thiệu một tôn giáo mới mà họ có
thể khám phá một cách cởi mở. Ngài thuyết giảng cho họ bằng ngôn ngữ bản địa đơn
giản và cũng dễ hiểu hơn đối với họ. Những điều này đã được Mahatama Gandhi và
B.R. Ambedkar áp dụng; những vị này đã phát triển Ấn Độ hiện đại và hạn chế sự
phức tạp của chế độ đẳng cấp.
Ảnh hưởng về phương diện tôn giáo
Phật giáo kêu gọi sự bình đẳng giữa mọi người, đề cao đức tính giản dị, bất bạo
động, lòng tốt, lòng từ bi và một bộ quy tắc đạo đức dễ dàng áp dụng. Vào buổi
đầu, Phật giáo được người Ấn đón nhận vì sự đơn giản và gần gũi của nó. Việc Đức
Phật sử dụng phương ngữ trong các bài giảng của mình đã tập hợp những người
thuộc các tầng lớp thấp hơn trong xã hội lại với nhau và họ có thể hiểu được nó.
Ngoài ra, Phật giáo cũng giúp làm giảm bớt các hủ tục trong xã hội Hindu. Phật
giáo ít phức tạp hơn tôn giáo Vệ-đà, tôn giáo đã coi một số người là những kẻ bị
ruồng bỏ. Đức Phật cũng lên án một số tập tục vào thời kỳ đó như hiến tế động
vật và các nghi lễ phức tạp, coi chúng là vô nghĩa. Điểm thu hút chính là khái
niệm bình đẳng, và vì lý do đó, Phật giáo đã dễ dàng truyền bá rộng khắp Ấn Độ
và ra khỏi Ấn Độ mà không cần đến sự trợ giúp của bất kỳ lực lượng bên ngoài
nào. Phật giáo cũng có ảnh hưởng lớn đến lịch sử của Ấn Độ, phát triển các tập
tục mới, thống nhất các nền văn hóa, xóa bỏ tệ nạn xã hội, v.v. Phật giáo cũng
ảnh hưởng đến đời sống và cách thức trị vì của những vị vua nỗi tiếng của Ấn Độ
như Asoka, Kaniṣka và Harshavardhan.
Đức Phật coi trọng đời sống đạo đức hơn là sự thờ phụng. Ngài thuyết giảng cho
mọi người cách phát triển phẩm chất đạo đức và trao cho họ những nguyên tắc để
đạt được điều đó. Đức Phật cũng tin tưởng mạnh mẽ vào khái niệm nghiệp rằng hành
động tốt sẽ gặt kết quả tốt còn hành động xấu sẽ gặt kết quả xấu. Đây cũng là
khái niệm trong Ấn Độ giáo, nhưng Đức Phật đã phổ biến học thuyết này theo chiều
hướng đạo đức. Ngài dạy rằng con người chính là kiến trúc sư của số phận của
mình. Đức Phật không nói cụ thể về sự tồn tại của một vị thần hay sự vắng mặt
của một vị thần. Bởi vì tin vào nghiệp, Ngài không quá quan tâm đến thần linh.
Ngôn ngữ và văn học
Phật giáo cũng có những đóng góp giá trị vào lĩnh vực ngôn ngữ và văn học. Một
số lượng lớn các tác phẩm văn học Phật giáo được viết bằng ngôn ngữ mà người dân
thường có thể hiểu được. Hầu hết các tác phẩm văn học nổi bật của Phật giáo đã
được dịch sang các ngôn ngữ nước ngoài. Nhiều học giả Phật giáo cũng đóng góp
vào lĩnh vực văn học. Rất nhiều tác phẩm văn học của Phật giáo đã giúp định hình
và liên kết lịch sử của Ấn Độ cổ đại.
Đức Phật luôn sử dụng ngôn ngữ đơn giản để truyền đạt tư tưởng của mình. Ngài
thuyết giảng giáo pháp của Ngài bằng phương ngữ mà người dân thường có thể hiểu
được. Sau đó, Ngài thuyết giảng bằng tiếng Pāli. Theo thời gian, Phật giáo bắt
đầu được thuyết giảng bằng tiếng Sanskrit. Điều này đã giúp ích cho sự phát
triển ngôn ngữ. Tam tạng Phật giáo sơ kỳ được viết bằng tiếng Pāli, về sau các
kinh luận Phật giáo cũng được viết bằng Sanskrit ngữ. Do đó, Phật giáo cũng ảnh
hưởng đến ngôn ngữ và văn học.
Vai trò trong chính trị
Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong lịch sử chính trị Ấn Độ, truyền bá tư
tưởng bất bạo động, tình yêu thương và lòng trắc ẩn. Vua Asoka đã phái các Tăng
sĩ đến nhiều nơi trên thế giới để truyền bá giáo pháp của Đức Phật và cũng xây
dựng nhiều chùa tháp Phật giáo. Phật giáo lan rộng đến mọi nơi ở Ấn Độ và tạo ra
mối đoàn kết giữa những người theo đạo bất kể địa vị. Vào thời kỳ thuộc địa,
khái niệm bất bạo động đã được Mahatma Gandhi tiếp thu từ Phật giáo. Tôn giáo
này đã đóng góp vào ý tưởng về sự thống nhất, toàn vẹn và đoàn kết dân tộc đối
với đất nước. Thông điệp về bình đẳng, việc phê bình hệ thống đẳng cấp và việc
mở ra cánh cửa mới cho phụ nữ và những người thuộc đẳng cấp thấp hơn, v.v. đã có
tác động rất lớn đến việc phát triển sự thống nhất chính trị trên khắp Ấn Độ.
Ngoài những đóng góp này, Phật giáo còn trở thành sứ giả của tính phổ quát. Về
mặt ngoại giao, Phật giáo đã đóng một vai trò đáng chú ý trong lịch sử Ấn Độ.
Phật giáo là tôn giáo truyền giáo đầu tiên. Từ rất sớm, Phật giáo đã trở thành
sứ giả văn hóa của Ấn Độ đến các quốc gia khác nhau bao gồm Trung Quốc, Nhật
Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Miến Điện, Indonesia, v.v. Ngoài ra, Phật giáo còn giúp
đưa những người hành hương từ các quốc gia này đến Ấn Độ, do đó truyền bá nền
văn minh và nền văn hóa phong phú của Ấn Độ đến họ.
Ảnh hướng đến giáo dục
Phật giáo cũng có những đóng góp to lớn trong lĩnh vực giáo dục. Ở Ấn Độ cổ đại,
đặc quyền giáo dục chỉ giới hạn nơi một số đẳng cấp nhất định. Nhưng Đức Phật đã
thay đổi quan niệm đó. Từ rất sớm, các ngôi chùa Phật giáo đã trở thành những
trung tâm giáo dục lớn. Sinh viên từ nhiều nơi trên thế giới đã đến Ấn Độ để học
tập. Các tu viện Phật giáo chủ yếu được sử dụng cho mục đích giáo dục và bắt đầu
hình thành khái niệm về các trường đại học lưu trú. Phật giáo đã thành lập các
trường đại học như Nālandā, Takṣaśilā, Vikramasilā, Vālābhī, v.v. Sinh viên từ
Trung Quốc, Hàn Quốc, Tây Tạng và những nơi khác trên thế giới đã học tại các
trường đại học này. Ngoài ra, các đại học này không chỉ hướng dẫn về tôn giáo mà
còn dạy các môn học khác. Các đại học này cũng đóng vai trò quan trọng trong
việc đóng góp cho các lĩnh vực khác như nghệ thuật, kiến trúc, y học, ngôn ngữ
và văn học.
Kết luận
Như vậy, Phật giáo đã có tác động sâu sắc đến đời sống văn hòa - xã hội của Ấn
Độ. Phật giáo đã làm giàu cho đất nước trong nhiều lĩnh vực bao gồm nghệ thuật,
kiến trúc, ngôn ngữ, văn học, giáo dục, kinh tế, v.v. Nó phê bình những hành vi
sai trái tồn tại trong xã hội như hệ thống đẳng cấp, do đó ảnh hưởng lớn đến
lịch sử Ấn Độ, tạo ra động lực mới cho đất nước. Khái niệm bình đẳng xã hội và
công lý xã hội đã hỗ trợ Phật giáo vượt qua ranh giới của tiểu lục địa và trở
thành một tôn giáo thế giới. Bài viết này phân tích sự ảnh hưởng của Phật giáo
như một tôn giáo, những đóng góp khác nhau của nó đối với các hoạt động văn hóa
của Ấn Độ và nhiều lĩnh vực khác nhau, và cho thấy được sự ảnh hưởng của Phật
giáo đối với lịch sử Ấn Độ như thế nào.
Nguồn: Journal of Veda Samskrita Academy, tập I, 4-2022.