Bồ-tát đạo trong Nhập Bồ-đề hành luận của Tịch Thiên

bo tat dao

Bồ-tát đạo trong Nhập Bồ-đề hành luận của Tịch Thiên

William Edelglass - Nguyễn Đăng dịch

 

Tịch Thiên (Śāntideva, khoảng thế kỷ VII - VIII CN) là một Tăng sĩ nổi tiếng của Phật giáo Ấn Độ. Ngài giảng dạy tại Nālandā, trường đại học Phật giáo gần Patna Ấn Độ ngày nay, nơi có 10.000 sinh viên theo học và có một thư viện 11 tầng, trong nhiều thế kỷ là một trong những đại học quan trọng của thế giới. Nhập Bồ-đề hành luận (Bodhicaryāvatāra) được cho đầu tiên được trình bày như một bài giảng của Tịch Thiên dành cho các Tăng sĩ đồng môn của ngài. Đây là một nghiên cứu về việc tu tập tâm Bồ-đề, tức tâm giác ngộ. Nhập Bồ-đề hành luận đóng chứng năng như một cuốn sách hướng dẫn về Bồ-tát đạo, con đường đưa đến trí tuệ và từ bi nhằm giải thoát khỏi những ô nhiễm trong tâm, và làm sinh khởi lòng vị tha với mong muốn giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ.

Những mô tả của Nhập Bồ-đề hành luận về mục đích của Đại thừa trong việc cứu độ tất cả chúng sinh khỏi đau khổ đã nhanh chóng phổ biến trong các Tăng sĩ Ấn Độ theo truyền thống Đại thừa. Ở Tây Tạng, phẩm có tựa đề "Trí tuệ Bát-nhã" đã được sử dụng rộng rãi như một giáo trình triết học. Các trường phái khác nhau có cách diễn giải khác nhau nhưng đều đồng ý rằng Nhập Bồ-đề hành luận là một bản văn trình bày có thẩm quyền về những gì những nhà Phật học Tây Tạng gọi là Trung quán Thal 'gyur ba (Prāsaṅgika), với việc sử dụng các lập luận quy giản chống lại những quan điểm sai lầm của người khác, thay vì bảo vệ độc lập quan điểm của riêng mình. Cách tiếp cận đặc biệt của Tịch Thiên đối với đạo đức học như một con đường rèn luyện tâm và chuyển hóa con người thông qua thiền định và quán tưởng, cũng như hành động và lập luận, là nguồn cảm hứng chính cho hai hình thức sáng tác văn học Phật giáo quan trọng ở Tây Tạng: Lam rim (các giai đoạn của con đường) và Blo sbyong (luyện tâm). Lời khuyên đạo đức sâu sắc về mặt tâm lý và hình ảnh mạnh mẽ của Tịch Thiên được cả giới Tăng sĩ và cư sĩ đánh giá cao. Thật vậy, sức hấp dẫn rộng rãi của Tịch Thiên khiến một số học giả đương đại lập luận rằng Nhập Bồ-đề hành luận “là văn bản được đọc, trích dẫn và thực hành rộng rãi nhất trong toàn bộ truyền thống Phật giáo Ấn Độ - Tây Tạng”[1].

Đối với Tịch Thiên, mục đích và thái độ tạo thành nên nền tảng của thực hành đạo đức. Do đó, Nhập Bồ-đề hành luận bắt đầu với một mô tả về việc làm sinh khởi tâm Bồ-đề, tâm thúc đẩy việc theo đuổi đạo lộ và cung cấp nền tảng thích hợp cho đời sống đạo đức. Thông qua việc tán dương khả năng giải thoát bản thân và người khác khỏi đau khổ và sức mạnh chuyển hóa của nó đối với tham, sân và si - ba gốc rễ của đau khổ trong luân hồi - Tịch Thiên tìm cách truyền cảm hứng cho người đọc với mong muốn dấn thân vào con đường Bồ-tát. Lời tán dương tâm Bồ-đề của Tịch Thiên có thể được hiểu là sự bắt đầu của một nghi thức truyền thống của Đại thừa, một nghi thức ở đó vị hành giả phát thệ nguyện chứng đắc giác ngộ vì lợi ích của tất cả chúng sinh. Phần này bao gồm ba chương đầu.

Ở nơi bối cảnh Phật giáo Ấn Độ của Tịch Thiên, việc phát một thệ nguyện đòi hỏi phải trải qua một quá trình tu tập. Do đó, nghi thức phát nguyện đưa đến việc thực hành các ba-la-mật của một vị Bồ-tát. Ở chương 5, Tịch Thiên thảo luận về cách tu tập bố thí (dāna) và trì giời (śīla) ba-la-mật. Bốn chương tiếp theo lần lượt dành cho các ba-la-mật nhẫn nhục (kṣānti), tinh tấn (vīrya), thiền định (dhyāna) và trí tuệ (prajñā). Những ba-la-mật này là những phẩm chất mà một vị Bồ-tát cần đạt được. Chương cuối cùng hồi hướng cho tất cả chúng sinh công đức đạt được nhờ vào việc tu tập Bồ-tát đạo.

Tư tưởng đạo đức của Tịch Thiên được thiết lập để giải quyết vấn đề đau khổ. Theo Tịch Thiên, nguồn gốc khổ đau của chính chúng ta, nỗi đau khổ mà chúng ta gây ra cho người khác, và sự vô cảm của chúng ta đối với nỗi đau khổ của người khác là sự đau khổ về tinh thần, đặc biệt là quan điểm sai lầm rằng thế giới hiện tượng có sự tồn tại thường hằng. Do đó, đối với Tịch Thiên, đạo đức về cơ bản liên quan đến sự chuyển hóa tâm. Bố-thí là ba-la-mật đầu tiên bởi vì những trói buộc của sự chấp thú đối với các khái niệm “tôi”, “của tôi”, “người khác” và “đối tượng” được nới lỏng khi thực hiện bố thí. Ở chương 5, Tịch Thiên định nghĩa bố thí ba-la-mật không phải là một thành tựu của những mục đích cụ thể trong cuộc đời, mà là một phẩm chất của tâm: “Ba-la-mật là chính là thái độ tâm[2].

Tịch Thiên hiểu rằng giới luật chủ yếu là sự kiểm soát thân (kāya), khẩu (vāc) và ý (manas). Do đó, đối với Tịch Thiên, việc tu tập giới luật chính là việc tu tập tâm. Do đó, thảo luận của ngài về giới luật tập trung vào chánh niệm (smṛti) và tỉnh giác (samprajanya). Tịch Thiên lập luận rằng những người nỗ lực nhiều trong hành động từ bi, nếu thiếu chánh niệm và tỉnh giác, vẫn sẽ gây ra đau khổ cho cả bản thân và người khác. Chánh niệm và tỉnh giác là nền tảng trong đạo đức học của Tịch Thiên vì chúng cần thiết để nhận ra những mục đích từ bi; ngài lập luận rằng một tâm trí bị phân tán thì dễ bị tổn thương trước những ô nhiễm tinh thần gây ra đau khổ.

Bởi vì con đường Bồ-tát hướng đến làm giảm bớt đau khổ của người khác nên Tịch Thiên lập luận, một vị Bồ-tát được phép phạm “những điều bị cấm” nếu điều đó được thúc đẩy bởi lòng từ bi (chương 5, kệ 84). Đây là học thuyết phương tiện thiện xảo (upāya kauśalya): Một vị thầy thiện xảo sẽ sử dụng những phương tiện thích hợp cho từng tình huống, và việc sử dụng phương tiện thiện xảo đó được đặt cơ sở trên trí tuệ và từ bi. Tịch Thiên đề cập đến các phương tiện thiện xảo trong ngữ cảnh trình bày về giới luật, như thể để nhấn mạnh rằng giới luật được thiết định để khiến người thực hành có chánh niệm và tỉnh giác, chứ không phải được coi là những quy luật bất biến quyết định hành động phổ quát.

Đối với Tịch Thiên, sự ác cảm với người khác làm xói mòn lòng từ bi mà nó thúc đẩy và định hướng cho đạo đức chuyển hóa tâm thức. Do đó, ở chương 6, ngài khẳng định rằng cần phải tu tập hạnh nhẫn nhục để có thể chịu đựng đau khổ, đặc biệt là những tổn thương do người khác gây ra, mà không tức giận, hận thù hay oán giận. Tịch Thiên lập luận, nếu chúng ta quán chiếu về học thuyết Duyên khởi, chúng ta sẽ hiểu được cách mà những ô nhiễm trong tâm gây ra các hành động. Thay vì coi hành động của họ chống lại chúng ta và phản ứng trong sự tức giận, chúng ta có thể đáp lại bằng sự bình tĩnh và lòng từ bi, lấy mục tiêu của mình không phải là trả thù, hay thậm chí là công lý, mà là giải pháp cho một vấn đề phức tạp của con người. Thêm nữa, trong suốt thảo luận của mình về các hình thức đau khổ khác nhau mà chúng ta đối mặt, Tịch Thiên nhấn mạnh rằng nguồn gốc của đau khổ không phải là những chướng ngại ngăn cản chúng ta đạt được sự hoàn thiện về mặt đạo đức; đúng hơn, những chướng ngại tạo nên con đường dẫn đến sự hoàn thiện, vì chúng cung cấp cho chúng ta những cơ hội cần thiết để đạt được sự giải thoát khỏi sự chấp thủ. Ngoài ra, nếu không trải nghiệm đau khổ thì sẽ không có sự hiểu biết về nỗi đau khổ của người khác và không có động lực để nhận chân Bồ-đề tâm.

Để chuyển hóa tâm thức và tiến bộ về đạo đức, cần phải theo đuổi các Ba-la-mật bằng sức mạnh, sự cam kết mạnh mẽ và nghị lực, đó là chủ đề của Tịch Thiên trong chương 7.

Quán về sự bình đẳng giữa ta và người bao gồm sự quán chiếu sâu sắc đến thực tế rằng tất cả chúng sinh đều trải qua hạnh phúc và đau khổ. Bởi vì tất cả chúng sinh đều mong muốn hạnh phúc và sợ đau khổ, nên Tịch Thiên lập luận rằng không có sự khác biệt đáng kể về mặt đạo đức giữa đau khổ của ta và đau khổ của người khác; chúng ta nên làm giảm cả hai loại đau khổ. Để quan tâm đến nỗi đau khổ của người khác với lòng từ bi, Tịch Thiên gợi ý, chúng ta nên coi người khác như chính mình. Coi người khác như chính mình không chỉ đơn giản là thay đổi quan điểm, hiểu nhu cầu, ham muốn, ghét bỏ và mối quan tâm của người khác: Xem người khác như chính mình chủ yếu là trân trọng người khác như ta trân trọng chính mình. Do đó, việc quán chiếu này định hướng lại tâm trí, đó là thay vì tìm cách sử dụng người khác như một phương tiện để đạt được mục đích của bản thân, chúng ta nên cung cấp bản thân mình như một phương tiện để giúp đỡ họ. Theo Tịch Thiên, sự tận tâm với nhu cầu của người khác này đồng thời đáp ứng những nhu cầu sâu sắc nhất của chính chúng ta. Sự chấp ngã gây ra đau khổ cho chính chúng ta; mong muốn làm lợi ích cho người khác giúp chúng ta giải thoát khỏi đau khổ.

Tịch Thiên coi trí tuệ bao gồm việc lĩnh hội tính Không - sự nhận chân rằng các hiện tượng tương duyên và do đó không có bản chất và sự tồn tại cuối cùng - là một điều kiện cần thiết để giải thoát khỏi các ô nhiễm tâm thức. Do đó, chương 9, dành nói về trí tuệ ba-la-mật, là một phần trình bày có hệ thống về triết học Trung quán. Trí tuệ về tính Không là ba-la-mật cao tột, và với ba-la-mật này hành giả có thể thoát khỏi sự chấp ngã và đoạn trừ mọi gốc rễ của khổ đau. Do đó, Tịch Thiên lập luận, cần phải quán chiếu về tính Không để nhận thức trực tiếp về sự tương duyên của các hiện tượng. Việc lĩnh hội trực tiếp về tính Không không chỉ bằng việc thiền quán, mà còn được phát triển trong việc thực hành các ba-la-mật khác, chẳng hạn như bố thí, trì giới và nhẫn nhục. Việc cho đi mà không đền đáp, điều Tịch Thiên mô tả là bố thí ba-la-mật, và việc nhận ra các ba-la-mật khác đòi hỏi sự lĩnh hội trực tiếp về tính Không của bản thân và các hiện tượng. Lòng đại từ bi và sự hoàn thiện trí tuệ không chỉ kết hợp với nhau để tạo thành Bồ-đề tâm, mà mỗi thứ đều cần thiết cho nhau để đạt được sự chứng ngộ viên mãn. Đối với Tịch Thiên, sự phát triển đạo đức đòi hỏi sự tu dưỡng tâm thức và sự chuyển hóa toàn bộ con người.

Nguồn: academia.edu


 

[1] Śāntideva, The Way of the Bodhisattva, nhóm dịch thuật Padmakara dịch sang Anh ngữ, Boston: Shambhala, 1997, tr.7.

[2] Śāntideva, The Way of the Bodhisattva, 5:10.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle