Thiếu nhi: phương pháp làm lắng dịu tâm trí

mối quan tâm

vừa mới bắt đầu trong lớp học

là làm lắng dịu tâm trí

 

 

 


                                         Patricia Leigh Brown

 

Oakland, California, ngày 12 tháng 6 – Buổi học bắt đầu bằng một tiếng chuông Tây Tạng được thỉnh lên để đưa tâm trở về với sự tỉnh thức.

Với tiếng chuông trường ngân vang mới lạ, các em học sinh lớp năm ở trường tiểu học Piedmont Avenue khép mắt lại và chú tâm đến hơi thở, y như các em cố gắng quán tưởng “tâm từ” khi chơi ở ngoài sân trường.

“Tôi thua trận đấu bóng chày, và tôi sắp vứt đi cây đánh bóng chày,” bé trai Alex Menton, 11 tuổi, kể lại cho các bạn cùng lớp nghe vào ngày hôm sau.  “Chánh niệm quả thực đã giúp ích.”

Vừa khi kỳ nghỉ hè tới, các em học sinh ở nhiều trường khắp nơi trong nước đang hết sức cố gắng để có mặt trong hiện tại.  Đây là điều được biết như là sự thực tập chánh niệm mà trong đó các phương pháp giảm bớt căng thẳng được rút ra từ pháp thiền Phật giáo.  Buổi thực tập chánh niệm được xen giữa giờ thi đọc sách và giờ thi viết chánh tả.

Sự thực tập chánh niệm, trong khi phổ cập tại các bệnh viện, liên đoàn, hội thể thao chuyên nghiệp và ngay cả trong nhà lao, vẫn còn tương đối mới lạ trong việc giáo dục trẻ em quá mức hiếu động.  Tuy vậy, một con số nhỏ các trường học đang trên đà tăng tiến ở các nơi như là tại thành phố Oakland, California, và thành phố Lancaster, Pennsylvania, dần dà chấp nhận ý niệm này – cũng giống như các trường học đã chấp nhận thuyết du già cách nay 5 năm – và các học viện, như là ban phân khoa tâm lý học tại trường đại học Stanford và Mindful Awareness Research Center (Trung Tâm Nghiên Cứu Về Sự Tỉnh Giác) tại trường đại học California thuộc thành phố Los Angeles, đang cố gắng đo lường hiệu quả của sự thực tập chánh niệm.

Trong suốt cuộc thử nghiệm kéo dài 5 tuần tại trường tiểu học Piedmont Avenue, cô giáo Megan, huấn luyện viên về sự thực tập chánh niệm, ghé thăm mỗi lớp hai lần trong tuần và hướng dẫn các buổi thực tập 15 phút về cách thức làm sao để có “hơi thở êm dịu và thân thể yên vững.”  Tiếng chuông Tây Tạng vang dội vào lúc bắt đầu và chấm dứt của mỗi buổi thực tập.

Các kỹ xảo, trong số này là phương pháp hít thở có sự chú tâm và tập trung về một đề mục duy nhất, được mô phỏng theo tác phẩm của ông Jon Kabat-Zinn, là nhà sinh vật học phân tử đã tiên phong trong việc ứng dụng chánh niệm vào đời sống thế tục tại trường đại học Massachusetts vào năm 1979, nhằm giúp các bệnh nhân đối ứng với chứng đau nhức kinh niên, lo lắng và trầm cảm.  Bà Susan Kaiser Greenland, người sáng lập InnerKids Foundation, mà hội này đã đào luyện các học sinh và thầy cô giáo ở vùng Los Angeles, gọi chánh niệm là “các mẫu tự A, B, C hiện đại – hãy nên học hỏi và sẽ dẫn tới một đời sống thăng bằng.”

Tại trường đại học Stanford, ban phân khoa tâm lý học đang đánh giá tính cách khả thi trong việc giảng dạy chánh niệm cho các gia đình.  “Cha mẹ cùng thầy cô giáo nói với các con em cả trăm lần mỗi ngày về sự chú tâm,” nhà nghiên cứu Philippe R. Goldin nêu lên nhận xét.  “Tuy nhiên, chúng ta chưa hề chỉ dạy con em mình cách thức làm thế nào.”

Chương trình thử nghiệm tại trường tiểu học Piedmont Avenue, có chừng khoảng 65 phần trăm học sinh là người da đen, 18 phần trăm thuộc nền văn hóa La-tinh và bao gồm một con số lớn di dân, đã được trợ cấp tài chánh bởi Park Day School, một trường tư thục gần đó (chính sự kiện này đã khiến cho một giáo viên bực mình lẩm bẩm rằng đây chỉ là “nhóm người theo lối sống tự do tư tưởng híp pi ở tận đâu đâu trên chín tầng mây không à, rồi bây giờ còn đòi mang ‘giác ngộ’ tới các trường học thành phố trong nước”).

Nhưng Angela Haick, Hiệu trưởng của trường tiểu học Piedmont Avenue, chia sẻ là bà có được nguồn cảm hứng để thực hiện cuộc thử nghiệm này sau khi quan sát một lớp học tại một trường trung học đệ nhất cấp trong vùng địa phương. 

“Nếu chúng ta có thể giúp đỡ con em mình chậm lại và ngẫm nghĩ,” bà Tiến sĩ hiệu trưởng Haick nhận định thêm, “Con em chúng ta sẽ có những lời giải đáp ngay chính bên trong các em.”

Dường như có sự chú tâm và sự lơ đễnh xen kẽ nhau khi các học sinh lớp năm của cô giáo Graham đã cố gắng chú ý đến hơi thở mình, một cách thức làm an tịnh tâm trí kéo dài trong 20 giây.  Sau đó, người hướng dẫn thiền tập yêu cầu các em học sinh “vun bồi tâm lượng từ bi” bằng cách quán chiếu về những cảm xúc của mình trước khi mắng nhiếc ai đó trên sân trường.

Tyran Williams định nghĩa chánh niệm như là “không xúc phạm, không làm tổn hại, hay không gây đau khổ cho người nào đó.”

“Con tôi không biết làm gì với năng lượng trong nó,” mẹ một cậu bé, bà Towana Thomas, phát biểu trong một buổi hội thảo dành cho cha mẹ.  “Nhưng một ngày nọ sau khi tan trường, bé bảo với tôi, ‘Con đang tiếp xúc với hiện tại từng giây phút một.’  Nếu sự tiếp xúc này có công hiệu đối với tâm trí của một em nhỏ – với quá nhiều điều ngổn ngang trong đầu – ắt hẳn phải có cái lý trong sự tiếp xúc này.”

Được hỏi về phản ứng của các em học sinh đối với tiếng chuông ngân lên, Yvette Solito, một nữ sinh lớp ba, đã viết rằng tiếng chuông làm cho em cảm thấy “an tịnh, thật nhẹ người như trong chương trình gỡ rối của bà Oprah.”  Bạn cùng lớp với bé là Corey Jackson đã viết, “Giống như là lúc con chim mổ nứt vỏ trứng mình vậy.”

Tiến sĩ Amy Saltzman, một y sĩ ở thành phố Palo Alto, California, người đã thành lập Association for Mindfulness in Education (Hội Giáo Dục Về Chánh Niệm) cách nay ba năm, nghĩ về việc giáo dục chánh niệm như là “thuyết du già nói chuyện” (talk yoga).  Những người thực tập này có khuynh hướng sử dụng cụm từ chuyên môn và được ưa thích (sticky-mat buzzwords) như là “sống trong hiện tại” và “vun bồi năng lượng từ bi,” trong khi tránh bất cứ gì có tính cách tôn giáo.

Tiến sĩ Saltzman, người cùng phụ trách chương trình nghiên cứu về sự thực tập chánh niệm tại trường đại học Stanford, tuyên bố rằng những khám phá ban đầu cho thấy là sự kiểm soát về sự chú tâm được gia tăng và “bớt đi sự nói chuyện huyên thiên tiêu cực bên trong – đó là điều mà một bé gái diễn tả như là ‘nói chuyện tầm phào trong đầu:  Tôi ngu, tôi mập, hay tôi sắp sửa thi trượt môn toán.’”

Một cuộc nghiên cứu mới đây dành cho các thiếu niên do tổ chức y tế Kaiser Permanente thực hiện tại thành phố San Jose, California, đã nhận thấy phương thức hành thiền giúp cải thiện được các căn bệnh rối loạn tánh khí, bệnh trầm cảm, và những lối hành xử tự làm tổn hại bản thân mình như là chứng biếng ăn cũng như chứng háu ăn. 

Tiến sĩ Susan L. Smalley là giảng sư về môn học tâm thần tại trường đại học U.C.L.A. và cũng là giám đốc của Mindful Awareness Research Center trong trường đại học này.  Trung tâm này đang nghiên cứu những ảnh hưởng đối với các em học sinh.  Bà Smalley kể lại là có một bé gái 4 tuổi đã nhận ra mẹ mình đang bị cơn nổi xung lôi kéo trong khi bị kẹt xe.  “Cô bé nói, ‘Má ơi, má à, má phải hát bài hơi thở mới được.”

Mặc dù một số học sinh thực tập sống trong chánh niệm thật dễ dàng, tự nhiên, tuy nhiên, điều đó “không phải là một bửu bối,” bà Diana Winston phơi bày ý nghĩ mình.  Bà là giám đốc của chương trình giáo dục về chánh niệm tại trung tâm U.C.L.A., và bà cho biết là cho đến bây giờ cuộc nghiên cứu “chưa đi đến kết luận nào cả” về chánh niệm có hiệu quả ra sao đối với trẻ em bị những rối loạn do chấn thương, như là một thí dụ cụ thể.  Đây là “một tiến trình chầm chậm,” bà Winston nói thêm.  “Chỉ vì các em ngồi và lắng nghe tiếng chuông không nhất thiết có nghĩa là các em từ ái hơn.”

Glenn Heuser, người dạy lớp bốn và lớp năm được gom chung lại tại trường tiểu học Piedmont Avenue, kể lại một học sinh bắt đầu khóc cho ông bà nội ngoại đã mất, còn một em khác thì quá đỗi xúc động trong màn lệ.  “Thiền tập đã chạm sâu vào trong tâm khảm cảm xúc của các em,” thầy giáo Heuser nhận xét.  “Các em đã đối diện với, ‘Vớ tới mức đó có tốt không?’”

Cho dẫu việc giáo dục về chánh niệm có lẽ giống như một bức tranh biếm họa của tờ tuần san New Yorker về đời sống ở miền duyên hải phía Tây, địa hạt trường học có lẽ có kinh nghiệm hơn nhứt là thành phố Lancaster, Pennsylvania, nơi mà chánh niệm được chỉ dạy trong 25 lớp học một tuần tại 8 trường học.  Địa hạt này có một tỷ lệ nghèo nàn khá cao, với 75 phần trăm học sinh hội đủ tiêu chuẩn nhận lãnh phần ăn trưa miễn phí.

Midge Kinder, một bà giáo Du già, và chồng bà, Rick, khởi sự chương trình cách nay sáu năm tại trường tiểu học George Ross, nơi đó có cô con gái của họ, Wynne, dạy học.

Hiệu trưởng Camille Hopkins chia sẻ rằng ban đầu bà còn ngờ vực.  Bà Hopkins nói là lớn lên ở miền Nam của thành phố Philadelphia, “Tôi chưa bao giờ được dạy cho biết thở hít theo phương pháp thang máy (elevator breath)” – một cách thức hít thở theo tầng bực, được dạy trong thuyết du già – “hay là nghe những tiếng chuông hòa âm để lắng dịu xuống.”

Nhưng mà ngày nay những căng thẳng trở nên to lớn hơn, bà thừa nhận, đặc biệt đối với các học sinh sống trong nguy cơ bạo động.  “Nhiều thứ mà chúng ta xem trên tivi là một phần trong đời sống hằng ngày của các em,” bà tiếp.  “Nó là ‘Bạn có biết người này, người nọ đã bị bắn vào cuối tuần đó không?’”

Bị giữ lại sau khi tan trường (after-school detention), các em được yêu cầu “xem xét lại các cảm thọ của mình,” bà Hopkins chia sẻ.  “Làm sao có thể thực sự thay đổi được tư cách đạo đức nếu như các em chỉ ngồi đó mà không thực tập gì hết?”    

Yolanda Steel, một cô giáo lớp hai tại trường tiểu học Piedmont Avenue, nói là cô ta hy vọng rằng sự rèn luyện sẽ giúp cho thế hệ mắc phải chứng bệnh thiếu sự chú ý có thể xoay xở khá hơn khi đối diện với một chướng ngại kích thích, bao gồm các trò chơi điện tử và tin tức bằng chữ (text messages).  “Trẻ em Hoa Kỳ bị kích động quá mức,” bà Steel phát biểu như vậy.  “Một số trẻ em gặp phải khó khăn ngay cả trong việc khép mắt lại thôi.”

Nhưng bà cũng lưu ý thêm là một số học sinh gõ viết chì và khua bàn thay vì khép mắt và lắng nghe tiếng chuông.  “Tiền đề thì hấp dẫn,” bà Steel kết luận.  “Nhưng chánh niệm không thể giải quyết hết mọi việc.” ®

Theo nhật báo the Boston globe; http://www.boston.com.

 

Tâm Diệu Phú dịch

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle