Đỉnh cô liêu kỳ nhiệm: XUÂN ĐẾN (C.IV)

ĐỈNH CÔ LIÊU KỲ NHIỆM

 

The Wisdom of Solitude

 

Jane Dobisz

Người dịch

Thích nữ Minh Tâm

 

 

Xuân đến

 

  

31. Cho anh

 

            Có lần thiền sư Seung Sahn hỏi một thiền sinh:

            - ‘Tại sao ngươi tọa thiền vào mùa đông?’

            - ‘Bởi vì tôi muốn như vậy.’

            - ‘Đó là một câu trả lời dở ẹt nhất! Ngươi hãy hỏi lại ta câu hỏi như vậy đi!’

            - ‘Được. Tại sao ngài tọa thiền vào mùa đông?’

            - ‘Cho ngươi.’

 

B

ài thần chú sáng nay như là một làn khói mỏng nhẹ mong manh của sợi dây tóc, thoảng nhanh qua như chớp và mất bóng như mây lướt trôi theo gió. Hình bóng những thân cây nhánh lá xao động trước mắt trong tâm; một chiếc máy bay từ đâu không biết về đâu không hay bay vút qua tất cả mây trời, bay vút qua tôi, qua bài thần chú, qua bóng những tàng cây xanh. Có lẽ những sự việc đó cũng đã xẩy ra tương tợ như vậy đã hàng ngàn năm qua, và bây giờ ở đây.

Không có ai. Vô nhân, vô hình, vô thanh.

Chắc chắn anh đã nghe, đã biết câu tục ngữ “Không có ai ở nhà.” Chúng tôi, những tín đồ Phật giáo, có cái nhìn khác về câu tục ngữ đó: “Không có ai ở nhà hết!” Trong nhà thiền, khi anh đã lọt được vào thâm cung của bản ngã, ngộ đạt được vạn pháp duyên sanh như huyễn thì không còn có một chướng ngại cỏn con nào có thể cản trở được anh – thênh thang cử bộ thong dong, đến đến đi đi tùy duyên tự tại như anh đang đi vào một căn nhà trống không – Không có một ai ở nhà hết!

Thiền sư Dae Soen Sa Nim đã thẩm thấu được hiện trạng đó từ khi thay đổi được quan kiến hữu ngã đến vô ngã. Từ đó, không trụ bám vào một tướng trạng nào (tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả – Kinh Kim Cang), tâm trí thiền sư khoảng khoát như đại dương bao la kia! Mênh mông, rộng lớn và vô tận. Đó là lý do vì sao những vị thiền sư có thể nói câu xanh dờn: “Cho ngươi!” Và câu nói đó hàm ý như trên.

Ngụ ý của những thiền sư và đời sống của họ đã ảnh hưởng tác động tôi không ít. Tôi luôn tự nhủ: “Nếu họ có thể ngộ đạt được; tôi cũng có thể vậy. Tại sao không?”

 

32. Tăng đoàn

 

            Có người hỏi thiền sư Man Gong:

            - “Cái gì quí nhất trong Phật giáo?”

            - “Tăng đoàn.”

 

T

hỉnh nhẹ ba tiếng chuông lúc bẩy giờ tối trước khi tụng kinh, tôi nghĩ thầm, “Vào giờ này trên thế giới, cũng có hàng vạn vạn triệu triệu người đang làm công việc thiêng liêng này như tôi: thỉnh chuông.”

Thí dụ như tại trung tâm thiền đường Providence (Thiên Ý) của đại tu viện Kim Cang, có ba mươi hay bốn mươi người đang tĩnh tọa ở đó trong thời gian 90 ngày khóa tu mùa đông. Có người nào đó cũng đang thỉnh chuông như tôi, cũng có người nào đó đang xách hành lý tìm một am tranh thanh vắng như tôi đang tĩnh tọa ở chốn núi rừng này. Ở thiền viện Warsaw, cũng có những thiền sinh đang thiền tọa như tôi, có khác chăng là giờ giấc thời khắc cách khác nhau đến 6 giờ. Ở Đại Hàn hay tại hàng trăm, hàng ngàn thiền viện, tu viện lớn nhỏ khác, các tăng ni mọi nơi, mọi nước cũng đang tu tập như thế, ngoại trừ giờ giấc khác nhau, sự tu tập của Tăng đoàn đều giống nhau.

Và lẽ dĩ nhiên cũng có những tăng sĩ Tây Tạng, những tăng sĩ Nhật Bản, Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện, Việt Nam, Cam Bốt, Lào và nhiều quốc gia Phật giáo Nam tông, Bắc tông hay Mật tông khác trên thế giới và cũng có cả những cư sĩ tu tập tại gia, v.v... đều trong cùng một giờ khắc giống nhau, một phương pháp hành trì giống nhau, một lý tưởng giải thoát giống nhau, một mục đích tự độ độ tha như nhau, mỗi một thời khắc có vạn vạn triệu triệu người đang cùng thực thi một công cuộc là “biến trần gian này thành tịnh độ.”

Chúng ta không thể loại trừ những ai không quan tâm, không làm công việc này như chúng ta, bởi vì họ cũng là một phần tử của Tăng đoàn. Họ cũng có hạt giống Phật tánh trong tâm, chỉ chưa hiển lộ mà thôi. Trăng sao, thảo mộc côn trùng, vạn vật vạn loại... đều là Tăng đoàn. Vì thế thiền sư Man Gong đã nói: “Tăng đoàn là đoàn thể quí báu nhất trong Phật giáo.”

33. Uyên nguyên

 

T

hường thường mỗi buổi chiều vào lúc 4 giờ, tôi hay bách bộ loanh quanh ngoài sân. Đó là khoảng thời gian hay phần thưởng thú vị nhất sau những thời khóa tu tập của tôi ở đây. Đứng dậy làm vài động tác thư giãn các bắp thịt sau thời gian tọa thiền, tôi đội mũ mặc áo ấm và bước ra ngoài hướng đi tới ngọn núi trước mặt. Con đường mòn ngoài căn chòi nay đã mượt mà màu xanh tươi của cỏ cây và xa xa kia, những cành cây thông dù vẫn còn đong đưa lốm đốm vài bông tuyết trắng nhưng trông thật quyến rũ mong manh, đẹp hơn bất cứ một cảnh trí mà một người nghệ sĩ trồng hoa ươm cây nghệ thuật nào có thể tưởng tượng và vẽ vời phác họa ra được.

Có đôi ngày bầu trời trên cao kia trổ màu tím xám buồn man mác, có ngày lại mầu hồng vàng rạng rỡ khiến lòng người u uẩn thênh thang. Mỗi một màu trời mang một vẻ đẹp rợn người khiến tâm hồn ta xao xuyến bâng khuâng những cảm giác khác nhau và cũng khắc họa lên những phiến đá, những tảng băng tuyết chưa tan hay những bụi rậm cỏ hoa những hình ảnh lạ kỳ tương phản đẹp dị thường.

Một lần trong lúc bách bộ trên đường, tôi chợt cảm nhận luồng khí hậu thời tiết đương xuân đang tưới tẩm phủ hơi đầy mặt tôi, giúp tẩy sạch hết những tư tưởng triền phược và những mệt mỏi khỏi tâm trí và cơ thể, và những vòm cây xanh cao như cúi rạp mình xuống cung nghinh chào đón tôi như một thượng khách bước vào thế giới thiên nhiên ảo huyền trinh bạch của chúng – một thế giới trinh khiết chưa từng có bóng dáng phàm tục nào len tới. Tôi chợt trông thấy một thân cây bị trốc gốc ngã chỏng chơ. Tôi tiến tới gần, ngắm nghía cái xác gỗ mục đó. Mối mọt đã đục khoét thân cây và rong rêu cũng đã len lỏi mọc phủ gần hết. Dưới cái lớp vỏ cây mục nát kia là đất ‘thịt’ ngọt ngào mầu mỡ đã nuôi sống thân cây tồn tại một thời gian. Rồi những mầm chồi non lại nhu nhú mơn mỡn ló ra từ cái thân mục nát đó và theo thời gian lớn lên, vút cao lên thành những đại cổ tùng ngạo nghễ một thời. Luân chuyển, luân chuyển. Trong rác có hoa, có cây, trong cây có mặt trời, có ánh sáng, có khí hậu, có thời gian, có cả con người... một vòng tròn bất tận. Luân chuyển miên man, không dừng. Luân chuyển không dừng nghỉ.

Tôi đi ngang qua cái giếng nước nhỏ, đi ngang qua căn chòi trống của gia đình Havens, đi ngang qua túp lều cũ kỹ cạnh ngọn suối nóng bao bọc bởi những tảng đá xám đục sù sì. Địa danh này đã hiện diện hàng trăm năm qua. Vùng suối ôn tuyền Temenos này là một địa điểm nghỉ mát đồng thời cũng chữa bệnh nổi tiếng vì nhờ những con suối nước nóng này. Nhiều du khách đã tìm đến nơi thanh vắng này để chữa bệnh và an dưỡng tâm trí. Tôi trèo lên những tảng đá và lắng nghe tiếng suối chảy róc rách êm tai. Có vài ngọn nến cháy dở dang cong queo gắn dính trên vài tảng đá chung quanh. Có lẽ những bệnh nhân tới đây chữa bệnh đã thắp nến lên cầu nguyện với niềm tin tôn giáo, hy vọng hòa với khí thiêng trong sạch nơi đây.

Qua hết vùng suối ôn tuyền này là con đường mòn dẫn leo tới ngọn núi.  Dọc theo đường lên núi là những cây bu lô, những bụi rậm rạp nguyệt quế, và những dốc núi thoai thoải còn phủ tuyết. Lượm một hòn sỏi nhỏ màu xám, tôi chợt tự hỏi: “Đá đã bao nhiêu tuổi rồi? Đá chuyên chở những gì trong đá?” Nhà bác học Einstein lý giải là “năng lượng của vật chất là tổng số lần khối lượng bình phương với tốc độ ánh sáng mà thành.” Thế thì con người chúng ta có giống như vậy không? Tôi quăng ném hòn đá hết sức thật xa, hết sức bình sinh của tôi quăng ném đi.

Có suy nghĩ thì có mâu thuẫn, có khác biệt.

Không suy nghĩ thì không mâu thuẫn, không có gì khác biệt cả.

Tạo hóa chính là sức sống rạt rào, là thiện thần, là Pháp tánh bản nhiên trong tất cả chúng sanh.

Nếu chúng ta có thể mặc nhiên như đá, trôi chảy lặng lẽ như suối, bao la mênh mông như trời, và tươi mát mầu mỡ như đất, xanh mướt như thiên nhiên kia thì chúng ta sẽ là cội nguồn uyên nguyên của đất trời vũ trụ.

Ta và vũ trụ là một. Ta là vũ trụ. Vũ trụ là ta.

           

34. An bình nội tại

 

C

him cúc cu hót vang lừng cả một góc rừng. Trời trong xanh ấm áp tỏa ánh sáng vàng ánh xuống trần gian, mơn trớn mặt mũi tôi thật êm ái, dịu dàng. Tâm hồn tôi lâng lâng, nhẹ nhàng, sảng khoái như bay bỗng vào thinh không. Tĩnh mịch. Không gian tĩnh mịch. Chỉ có điệu vũ nhịp nhàng của hoa lá cỏ cây đong đưa theo lời ca của gió hòa với tiếng chim hót du dương. Bặt dứt vọng niệm. Niết bàn tịch tĩnh là đây. Tìm chi xa. Ngay tại nơi đây. Ngay tại lòng mình.

Tại sao tôi lại có thể lãng quên đi niềm an bình nội tại đó qua bao kiếp luân hồi sanh tử?

 

35. Thiền là gì?

 

 nơi chốn vẳng lặng thanh khiết này tôi đã hưởng được thật sâu xa niềm an tịnh tâm hành. Một niềm hạnh phúc vô biên đối với tôi. Niềm hỷ lạc đó được thể hiện từ trạng thái an bình nội tại qua từng nhận thức kinh nghiệm đời sống. Đó là niềm vui thỏa mãn đã đặt được gánh nặng tử sinh triền phược xuống. Có bao giờ bạn tự hỏi là mình đã làm được công việc đó bao lần trong đời? Hay chưa từng làm?

Người ta thường cho rằng thiền là một pháp môn khó thực thi nhất, khó tu tập nhất. Trước kia tôi cũng nghĩ như vậy; tôi cũng cho rằng phải vượt thắng được cái bản ngã, phải chẻ ra làm ba làm bốn cái khối tự ngã cồng kềnh thì mới liễu đạo nổi nhưng rồi sau một thời gian hành trì, vạn sự đều lưu chuyển dễ dàng, tự nhiên.

Đêm nay trời mưa. Tiếng mưa rơi tí tách trên mái như một điệu nhạc vui tai dễ thương; bây giờ tôi không còn buồn khi nghe tiếng mưa rơi nữa. Tôi đứng lên, bước ra ngoài hít thở không khí trong lành mát rượi dưới làn mưa. Vừa mới mở cánh cửa ra, tôi lặng người đứng sững. Ôi chao, một quang cảnh tuyệt vời: cả một thế giới mờ ảo u huyền dưới mưa. Ôi sao tôi lại được diễm phúc ngắm nhìn thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên của đất trời thế này nhỉ? Những hạt mưa nhè nhẹ rơi xuống vỗ về trên lá, trên cây, trên đôi tay trần của tôi, mát dịu cả lòng người. Cả một thế giới thu gọn lại đẫm mình ướt át dưới mưa. Thật nên thơ trữ tình làm sao cảnh giới hiện hữu này!

Chỉ còn tôi và mưa! Và rồi chỉ còn mưa, chỉ có mưa.

Thiền là thế đó!

           

36. Khinh an

 

N

gười ta thường nói rằng “Con người luôn luôn đi tìm ý nghĩa cuộc sống,” nhưng thực ra con người chưa từng sống thực bao giờ.

Tại sao chúng ta không thể an vui như hít thở khí trời trong mát, ngửi mùi thơm của cỏ cây hoa lá trong khu vườn nhà, hay nghe tiếng chim muông hót ca ngay cả khi chúng ta đang rửa chén, đang giặt quần áo, đang làm vườn, v.v...? Chúng ta luôn mải miết đi tìm một thiên đàng xa tít viễn vông và lãng quên thực tại nhiệm mầu trước mắt. Ngay cả những người thân thương đang sống chung bên cạnh chúng ta, chúng ta cũng đã quên đi sự hiện diện của họ. Cuộc đời của chúng ta tẻ nhạt đến như vậy sao? Chỉ cứ quanh đi quẩn lại với ăn uống, ngủ nghĩ, kiếm tiền, hưởng lạc...?

Niềm khinh an xuất phát từ cảm xúc. Cảm xúc xuất phát từ chú tâm. Chú tâm xuất phát từ sự tu tập hành thiền. Thật đơn giản như tôi đã tạm bỏ hết những sinh hoạt đời thường và đến đây nhập thất một thời gian, khép mình vào thời khóa và tập theo dõi lắng nghe từng biến chuyển của tâm thức.

Và cuối cùng tôi đã nhận chân và an hưởng được niềm bình an của tâm trí.

 

37. Thẩm nhập

 

M

uôn hoa vẫn còn e ấp chưa nở rộ hết nhưng mùa xuân đã đến với đất trời và loài người. Những nụ mầm xanh tươi mơn mởn đã cựa quậy vươn mình nhú ra ngẩng mặt hít thở khí trời trong mát trên những cành cây, trên đầu những ngọn lá hay e ấp che mình dưới tàng lá, ngay cả trên mặt hồ và cả trên đống củi thông xếp còn cao ngọn kia. Rảo bước trở về căn chòi, tôi liếc mắt nhìn đồng hồ đeo tay. Vẫn còn gần độ nửa giờ nữa mới hết giờ giải lao.

Cánh rừng thông xanh dịu mát hấp dẫn mời mọc tôi dừng bước lại. Tuyết đã tan chảy nhiều lắm rồi nên đâu đâu cũng thấy một màu xanh êm dịu tươi mát nhẹ nhàng. Có phải vì mùa đông lạnh giá khô khan qúa lâu nên bây giờ nhìn cái gì tươi thắm tôi cũng đều cảm thấy vui sướng hân hoan? Hay là sự vật đơn sơ mộc mạc dễ thương quá nên ngay cả một ngọn cỏ bé nhỏ cũng khiến lòng người mềm yếu hơn, giản dị hơn, và an lạc hơn? Tôi nằm dài trên bãi cỏ non mát rượi, mềm dịu như nhung và ngước mắt nhìn qua tàng lá thông xanh bầu trời trên cao kia và những đám mây trắng bay lững lờ lười biếng. Tuyệt vời. Một cảm giác khinh an tuyệt vời. Tôi bặt dứt nghĩ suy, chỉ im lặng hân hưởng giây phút xuất thần mà vũ trụ ban tặng cho tôi.

Các bậc cổ đức đã tài trí vô song khi chọn những điểm thời gian của đất trời giao hòa để chia thành thời khóa thiền thất. Ở Đại Hàn, ba tháng dài nhập thất mùa đông được gọi là Kyol Che, tạm dịch là “Pháp trụ kiên cố.” Thời kỳ thiền thất kế sau Kyol Che được gọi là “Hae Jae, tạm dịch là “Pháp buông thư,” cũng giống như người nhạc sĩ lên giây đàn, nếu lên căng quá thì đàn không phát ra tiếng nhưng nếu giây đàn quá chùng thì âm thanh cũng không phát ra.  Thiền tập cũng như lên giây đàn vậy; hành trì căng quá hay giãi đãi quá đều không đạt được kết quả như mong muốn. Nếu một người tu tập quá căng thẳng thì sẽ tự biến mình cứng ngắc, cố chấp; nhưng nếu quá buông xả phóng túng thì hành giả đó cũng sẽ trở thành một kẻ không kỷ cương điều độ.

Hành giả đúng đắn là người biết điều chỉnh giây đàn chính xác chuẩn mực nhất.

Mùa xuân đang đến. Tuyết tan loãng và tất cả những gì trong tôi cũng đều tan loãng đi, nhường chỗ cho sự an hòa thư thái. Tâm hồn tôi rộng mở, cõi lòng phơi phới hân hoan. Cởi bỏ những lớp áo quần dầy cộm, tôi cảm thấy cơ thể nhẹ bỗng đi, dễ chịu khoan khoái hẳn lên. Tất cả vũ trụ, con người, loài thảo mộc côn trùng... đều sung sướng đón chào chúa xuân. Hoa nở, chim reo, gió hát, vạn vật sinh trưởng... tất cả như quyện hòa vào nhau, tan biến vào nhau, thẩm nhập vào nhau thành một.

Xuân! Xuân! Xuân!

 

38. Nhu nhuyến chính là hùng lực

 

C

ho đến bây giờ tôi đoán rằng bạn có thể cho là tôi đã ‘ngon lành lắm rồi đấy’ có phải? Tôi có thể tọa thiền hàng giờ không cục cựa gì hết hay có thể lễ lạy hàng ngàn lễ, chẳng thấm tháp gì, phải không? Nếu có cuộc thi tọa thiền, tôi dám đoạt giải quán quân Olympic về tọa thiền đấy! Nhưng bạn đã lầm to rồi!

Trước kia tôi cũng đã từng nghĩ hùng lực trong thiền tông là tất cả những qui luật, sự miên mật hành trì, và sức mạnh của ý chí để phải đạt tới một cái gì... nhưng nay thì tôi nhận thức ra rằng: thiền chỉ là một phương pháp dạy người ta làm sao biết kham nhẫn, biết lãnh hội, biết lắng nghe, biết xả ly từ bỏ. Hãy mở rộng tâm thức và cõi lòng ra về mọi phía để đón nhận tất cả những hương thơm cuộc sống trọn vẹn trong ân sủng của đất trời. Hãy xả bỏ đi tất cả những triền phược và dâng hiến tất cả con người bạn cho chúng sanh. Đó chính là yếu chỉ thiền tông!

Tôi rất thích quyển ‘Rơi tro trên thân Phật.’[1] Có một mẩu truyện nhỏ lý thú trong sách:

“Thiền sư Đạo An thường hay cải dạng thành một du tăng đi vân du khắp nơi. Có một lần kia, thiền sư dừng chân tại một thị trấn nhỏ và gặp một vị du tăng khác. Vị du tăng này say sưa tán thán tâng bốc sư phụ của ông ta không hết lời: ‘Mỗi ngày sư phụ tôi đều lễ sám hàng ngàn lễ. Ông chỉ độ ngọ[2] và cấm túc trong chùa gần suốt 30 năm. Sư phụ tôi luôn tọa thiền. Sư phụ tôi thật là đúng một vị thiền sư xuất sắc nhất ở Trung Quốc.’

Thiền sư Đạo An nói, ‘Ồ đúng vậy, ông ấy qủa là một nhân vật phi thường. Tôi chẳng làm được như vậy đâu. Tôi không thể lễ lạy một ngàn lễ trong một ngày nhưng tâm trí tôi không bao giờ lười biếng cả. Tôi cũng không ăn ngọ nhưng tôi không bao giờ đắm nhiễm thèm khát cái ăn. Tôi cũng không bao giờ cấm túc trong chùa, ngay cả một chút xíu thời gian nào, nhưng bất cứ nơi nào tôi đi hay đến, tôi đều đến đến đi đi thênh thang không dấu diếm gì cả. Tôi chẳng có thể ngồi thiền hàng giờ nhưng tâm trí tôi không bao giờ sanh khởi vọng niệm tạp loạn nào cần phải đè nén cả.’

Vị du tăng kia trở về chùa và thuật lại cho thầy mình nghe những gì thiền sư Đạo An đã nói. Rất xúc động, vị thiền sư này cho biết những gì Đạo An nói không phải chỉ cho mình ông ta trực ngộ mà chính là cho tất cả mọi người.

Phải, không phải chỉ cho mình tôi mà cho tất cả vạn loài chúng sanh.

Phải thấm thía tận cùng xương tủy những lời dạy của chư Phật và chư vị Tổ sư.

Tôi chưa phải là một người đệ tử Phật xuất sắc. Tôi còn cả một con đường dài để đi tới nhưng không sao, tôi vẫn đi, đang đi, và phải đi tới.

 

39. Trở về

 

Ngày kia khi mãn 90 ngày nhập thất, một thiền sinh đã hỏi thiền sư Seung Sahn:

- “Sau tất cả những khổ nhọc hành trì, nhất nhất đều y cứ theo một thời khóa khắc nghiệt, chúng con đã hoàn thành đúng những gì Thầy đã đề xuất ra. Vậy chúng con tự do muốn làm gì chúng con muốn. Thế thì chúng con sẽ làm gì bây giờ?

Thiền sư, mắt tỏa sáng ngời, trả lời vui vẻ:

- “Hãy đi tham quan các thắng cảnh đi!”

 

M

ột trăm ngày đã qua. Hạn kỳ nhập thất đã mãn. Một trăm ngày! Thời gian đó đã trôi đi đâu, về đâu?

Sáng nay tôi nhóm ngọn lửa cuối cùng trong lò. Pha ấm trà cuối cùng. Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi chậm rãi từ hòa, không vội vã lăng xăng làm việc này việc nọ. Tôi đã lau chùi sạch bóng những đồ dùng, dụng cụ và căn chòi để tỏ lòng tôn trọng tri ân chủ nhân cũng như các người khác sẽ đến nhập thất sau tôi. Lò lửa sạch sẽ, không một chút tro. Bên trong bên ngoài căn chòi đều sạch sẽ, đống củi cũng được xếp lại gọn ghẽ. Những bộ quần áo còn hôi mùi ám khói, cái đèn bin, đôi găng tay, vài quyển sách thiền, cái cưa, cái búa, tượng Phật... những người bạn đồng hành thân yêu của tôi... đã được đóng gói cẩn thận, sẵn sàng từ giã.

Tất cả trông thật hoàn hảo, khang trang sạch sẽ tươm tất. Cái sàn gỗ bằng gỗ thông mộc mạc đơn nhưng đối với tôi, trông lại đẹp hơn tất cả những sàn nhà lót thảm nhung đắt tiền hay bằng ván gỗ đánh xi bóng loáng. Tôi thuộc nằm lòng từng kẻ nứt, từng hoa văn, từng đường cong của sàn chòi như lằn chỉ trong lòng bàn tay tôi. Cái cửa kính nhỏ sau bàn thờ cũng đã được chùi thật trong, thấy rõ cả cánh rừng xanh trước mặt. Tôi cũng thay luôn cặp đèn cầy mầu vàng mới vào chân đèn.

Nghĩ đến trong chốc lát nữa thôi sẽ có một người nào đó đến mang tôi về lại phố thị huyên náo ồn ào, trả tôi về lại với những công việc thường nhật, đem tôi gặp lại những bộ mặt người quen thuộc xưa nay hay sẽ làm quen với những con người mới khác, rồi lại những câu chuyện tầm phào vô bổ, những thù tạc thế gian... tôi chợt rùng mình ngao ngán và rưng rưng muốn chảy nước mắt. Tôi thấy hiện ra trước mắt cả một bộ máy xã hội đồ sộ như muốn ăn tươi nuốt chửng lấy tôi; cái bộ máy với toàn bộ hệ thống đòi hỏi con người ta phải sản xuất, phải nói, phải làm việc, phải hành động, phải trả giá... thật nghẹt thở; tôi cảm thấy nghẹt thở. Tôi muốn khóc thật to nhưng công phu tu tập vừa qua đã khiến tôi cầm được nước mắt yếu hèn của mình. Tôi chưa thể từ bỏ hết trách nhiệm gia đình của tôi để tìm an bình cho chính riêng mình; tôi phải can đảm nhẫn chịu gánh nặng đó cho đến khi đầy đủ thiện duyên đặt được gánh nặng đó xuống toàn vẹn.

Tôi sẽ nhớ mãi làn khói hương trầm lan tỏa chung quanh tượng Phật, mùi hương thoang thoảng nhẹ nhàng, mầu chiều hoàng hôn buông xuống, những tàng thông xanh ngạo nghễ, những dãy núi trùng điệp, những mùi gỗ mới xẻ, những tiếng chim hót gió reo... tôi sẽ nhớ mãi cách nhóm lửa, cách sống ăn uống tắm rửa thật giản dị đơn sơ; tôi sẽ nhớ mãi sự tĩnh lặng thanh bình ở đây, ở nội tâm tôi.

Kính xin tri ân Phật, tri ân những vị thầy của tôi còn sống hay đã chết, tri ân tất cả mọi người, mọi vật đã trực tiếp, gián tiếp hay âm thầm giúp đỡ tôi ‘sống’ được những ngày tháng thiên đường mầu nhiệm.

Tôi xin hứa không bao giờ đánh mất tâm thức trong sáng này của tôi.

Tôi xin hứa sẽ tiếp tục cuộc hành trình Chân Lý dù phải trải qua hàng chục ngàn năm sau hay vô lượng kiếp sau.

Một chiếc xe hơi màu đỏ đã xuất hiện ngoài kia.

Máy tắt. Chìa khóa rung kêu lẻng kẻng.

Bạn tôi đang rảo bước tới căn chòi.

Thôi, đã đến giờ trở về rồi!

 

 

 

Lời kết

 

 

Người dịch hy vọng quyển sách nhỏ này sẽ đem tới cho quí độc giả những phút giây an lạc và hữu ích trong sự tu tập, nhất là khích lệ sách tấn thêm cho quí thiện nữ nhân trên bước đường tu học.

 

Kính nguyện dâng hết công đức Pháp thí này cầu nguyện cho thế giới thanh bình và chúng sanh giải thoát hết mọi khổ đau triền phược.

 

Virginia, ngày 05 tháng 5 năm 07

Thích nữ Minh Tâm cẩn bút

 (hết)



[1]Rơi tro trên thân Phật’ là sự tập hợp góp nhặt lại những lời đối thoại, những mẫu chuyện, những cuộc gặp gỡ, những Pháp ngữ, và những bức thư qua lại giữa thiền sư Sùng Sơn với các môn sinh trong lúc ngài hoằng pháp tại Hoa Kỳ.  Nguyên tác bằng tiếng Hoa

tiếng Anh.  TT Thích Giác Nguyên chuyển sang Việt ngữ.

[2] Ăn trưa.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle