Bến giác và dòng đời của J. Leiba
Ngu Hạ - Nhật Hải
J. Leiba, tên thật là Lê Văn Bái. Ông sinh
năm 1912 tại Yên Bái, lúc đang theo học Trường Bưởi, đến năm thứ ba, ông bỏ học
đi theo một nhóm giang hồ hết một năm. Năm 1934, báo Tiểu thuyết thứ Bảy ra đời,
ông cộng tác với Vũ Đình Long (chủ báo), rồi được cử giữ chức Chủ bút tờ Ích
hữu. Ngoài ra, ông còn viết các tờ: Tân báo, Tin văn, Việt báo, Nam Cường,
L'Annam nouveau... Năm 1935, ông thi đỗ bằng Thành chung, được bổ vào ngạch thư
ký tòa sứ Bắc Kỳ, nhận việc ở tòa sứ tỉnh Sơn Tây. Trong thời kỳ làm công chức ở
đây, ông đã sống khá trác táng. Đến khi đổi lên tòa sứ Hà Giang thì J. Leiba đã
mắc hai chứng bệnh: lao phổi và đau tim. Ông xin nghỉ về Hà Nội chữa trị, nhưng
đến tháng 7 năm 1940, tự biết mình không thể khỏi bệnh nên xin về nghỉ ở quê
nhà.
Đến nay, bài thơ Bến giác và cuộc đời của J. Leiba vẫn có nhiều cách nhìn nhận
đánh giá khác nhau. Dưới đây, là một cách nhìn mới về bài thơ bến giác và cuộc
đời của ông.
Thơ của J. Leiba cũng như cuộc đời của ông, luôn man mác một nỗi buồn xa xăm khó
hiểu. Không hiểu nó đến từ thế giới nào mà cứ ào ào thổi vào trong thơ ông một
cách tự nhiên và say đắm bí ẩn.
Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai
Ba xuân muôn thắm thêu cành biếc
Bạc mệnh hoa kia đã rụng rồi!
Những câu thơ trên được trích từ bài thơ Hoa bạc mệnh của J. Leiba. Phải chăng
đó là chân lí của cuộc đời mà tác giả đã nhìn thấy được trước? Để rồi anh ra đi
ở độ tuổi ba mươi. Ở độ tuổi này, các nhà thơ sáng tác với con tim cháy bỏng và
rạo rực, khát vọng và hoài bão, ước mơ và nghị lực để khẳng định tên tuổi với
văn đàn hoa sắc nghệ thuật. Với Mai rụng J. Leiba chan chứa một nỗi niềm:
Sầu đối gương loan, bóng lạ người,
Chàng không lại nữa, đẹp cùng ai?
Với Nhớ thì tác giả lại:
Thiếu phụ mong gì hoa đã rụng
Trời chiều lại lỡ một chờ mong!...
Để rồi đến Năm qua phải thốt lên:
Nhành liễu vườn xuân, ai ấy chủ?
Chờ ai biết có khỏi trao cành?
Qua những dẫn chứng trên, ta thấy đời không mỉm cười với J. Leiba. Tác giả không
được yêu trọn vẹn với mối tình của mình. Những cuộc tình dường như tan vỡ theo
năm tháng, nó chẳng khác nào nước chảy mây bay. Ông chỉ biết ngắm nhìn, nhớ
nhung, mơ mộng một viễn cảnh xa xăm không thay đổi được hiện thực. Tình yêu cho
ta những giây phút thật đẹp, những kỉ niệm hằng ghi sâu thẳm, những ân tình sâu
nặng khó phai. Chỉ có những ai yêu rồi mới thấy đó là sự thật. Nhưng cũng chính
nó làm cho ta đau khổ tột cùng, để trái tim đày đọa theo năm tháng:
Nhìn cánh phù dung nơi bến vắng
Nhớ người thiếu phụ nhớ yêu đương.
Một chữ tình làm cho cuộc đời thêm ý nghĩa, làm cho thế giới thêm sinh động,
nhưng cũng làm cho con người đảo điên, khờ dại. Không chỉ vậy, đối với J. Leiba
còn nhiều thứ đau khổ khác nữa đã cho ông sớm ngộ ra vì ân hận những việc làm
của mình. Phải chăng vì thế mà J. Leiba đã sớm tìm về Phật giáo như muốn tìm ý
nghĩa của cuộc đời thêm tươi sáng? Những gì đến với Ông như một cơn giấc mộng
dài từ năm này qua năm khác, hết nỗi đau này đến nỗi đau khác, để rồi cuối cùng
gởi vào trong Bến giác, để lại cho đời chiêm nghiệm và đó cũng chính là nỗi lòng
của ông:
Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá!
Lệ lòng mong cạn chốn am không
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt
Quên hết người quen chốn bụi hồng.
Đời là bể khổ, có phải ta vẫn nghe đâu đây những lời than vãn đó? Bản chất của
cuộc đời phải chăng là khổ? Nhưng khổ vui là chuyện con người. Chính con người
đã làm cho cuộc đời này trở nên đau khổ hay hạnh phúc. Con người đã lăng xăng
theo đuổi, tìm cầu những gì không thuộc về mình, rồi ngộ nhận đó là ý chí, là
bản lĩnh. Để một mai không toại ý lại than trời trách đất, thất vọng ê chề. Nếu
chúng ta biết sống cho hiện tại, hạnh phúc với những gì mình đang có thì cuộc
sống sẽ tươi đẹp hơn nhiều. Chúng ta không phải sống trong âu lo, khao khát…Cái
khổ chỉ có mặt trong những con người tham vọng và tự kỷ. Cả cuộc đời chúng ta
chỉ là sự tìm kiếm mong cầu nhưng chưa bao giờ được thỏa mãn. Chính cái tìm cầu
ảo tưởng không thỏa mãn đó được tạo ra liên tục và làm cho con người phải trôi
theo sanh tử. Phải chăng đó là nghiệp lực mà con người phải mang lấy? Cái nghiệp
mà cách đây ba thế kỷ, một cô Kiều xinh đẹp, tài ba đeo đẳng nó suốt mười lăm
năm lưu lạc trong chốn phong trần, mặc cho dòng đời nghiệt ngã, chịu bao nỗi
gian truân, và đến hôm nay một J.Leiba biết thơ mộng cũng ngao ngán thốt lên:
Phù thế đã nhiều duyên nghiệp quá!
Phù thế là chỉ những gì nổi trôi theo dòng đời thế sự mà con người có thể thấy
và cảm nhận được. Đời người là một giấc mộng dài bảy tám mươi năm nhưng đem so
với thời gian vô tận của vũ trụ vô biên thì có là bao? Tại sao cứ mãi đua chen
danh lợi, tiền tài, ảo vọng để tự mang bao ràng buộc? Có bao giờ chúng ta suy tư
về điều đó hay một phút tĩnh lặng để sống thật sự với nó chưa? Vậy mà J.Leiba đã
hiểu được, hiểu một cách sâu sắc ngay trong lứa tuổi hai mấy, cái tuổi xuân sắc
nhất của đời người, cái tuổi mà người ta thường dành cho những cuộc tình yêu
đương lãng mạn hay sự bắt đầu tươi sáng của một tương lai. Thế nhưng với J.Leiba
thì nó lại là một sự kết thúc, một sự giác ngộ của lẽ vô thường. Câu thơ tuy có
vẻ chán ngán, mệt mỏi, lẫn chút than van nhưng lại mong muốn thoát ly chứ không
như Kiều cam chịu, chấp nhận:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa
Không một sự vật nào hiện hữu mà không có mặt của duyên, duyên chính là sự tượng
trợ lẫn nhau, tạo nên một mối quan hệ sống còn, để cùng nhau tồn tại. Vì thế tất
cả vạn vật đều do duyên sanh mà cũng do duyên diệt, vũ trụ và con người đang
sanh diệt cũng không nằm ngoài lý duyên sanh. Từ duyên mà kết thành quả còn gọi
là nghiệp. Những hành động, lời nói, ý nghĩ đều được gọi là nghiệp, tuy chúng đã
tản mác trong không gian, tan loãng theo thời gian nhưng âm hưởng của chúng vẫn
còn đọng lại trong tàng thức khiến mỗi người mang một cá tính và nhân cách khác
nhau. Ở đây, J.Lebai nhìn lại quãng đời của mình, những dấu ấn đau thương đang
quay trở về trong tàng thức mà lúc này ông gọi nó là nghiệp. Đối với con người,
cuộc đời hai mươi mấy năm là quá ngắn với dòng thời gian của một kiếp người
nhưng lại quá nhiều với những nghiệp duyên. Nhiều đến phát ngán, đến phải hụt
hẫng, lặn hụp trong nó mà vẫn chưa thể với tới bờ. Có thể trước kia đối với ông
đó là một giấc mơ đẹp mà ông đã say mê, đã điểm màu cho những bức tranh làng quê
đầy hương vị yêu thương hay những cuộc tình đầy hứa hẹn bằng những bài thơ tình
lãng mạn:
Mừng xuân em thấy tim hồi hộp.
Nhìn cái xuân sang khác mỗi lần.
Đến khi căn bệnh nan y xuất hiện thì giấc mơ kia biến thành ác mộng. Không biết
có phải vì thế mà ông tìm đến cửa thiền mong gửi lại nơi đây những nghiệp duyên?
Hay đó là một cách để ông chạy trốn quá khứ lẫn thực tại phủ phàng?
Lệ lòng mong cạn chốn am không
Không sai, ông đã quá đau khổ, lòng ông đang khóc, nước mắt rơi đi thì nỗi lòng
cũng vơi theo nhưng một khi nước mắt chảy ngược vào trong thì tiếng khóc chỉ còn
là tiếng nấc, nỗi lòng càng dài ra với những chuỗi ngày âm ỉ nhói đau. Tự ông đã
chọn cho mình một thứ khổ bế tắc mà không ai có thể cứu giúp trừ chính bản thân
ông.
Có một Thiền Sư đã nhìn sự vật như vầy:
Thấm thoát thu qua mấy độ rồi
Đời người bóng chớp áng mây trôi
Muôn vật hiện bày trò ảo hóa
Sen nở trong lò sắc thường tươi
Trong lò lửa vô thường của thân tứ đại có một đóa sen luôn tươi tốt. Đóa sen ấy
chính là Chân Tâm. Thân này vô thường, thời gian - không gian đều vô thường
nhưng Chân Tâm thì không bao giờ biến hoại. Nếu chúng ta biết nhận ra và sống
với bản tâm thanh tịnh này thì khổ cũng không còn. Còn tìm cầu, mong mỏi một ai
hay một thứ gì giúp ta thoát khổ cũng đều không được. Ngay cả Đức Phật là Bậc
toàn Tri toàn Giác cũng không thể làm cho chúng sanh hết khổ mà Ngài chỉ cho
phương pháp thoát khổ. Phải tự bản thân mình làm điều đó chứ không ai khác cả.
J.Leiba đã không ngộ được lý lẽ này. Ông cũng như bao nhiêu người quan niệm theo
kiểu lấy thiền môn làm nơi phát tán những nỗi ưu sầu chứ không vì mục đích tối
thượng nào khác. Nhưng người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Cuối cùng sầu
càng thêm sầu. Qua câu thơ thứ ba ông có phần quyết tâm hơn:
Cửa thiền một đóng duyên trần dứt
Nếu như ở trên là sự mong mỏi thì đến đây tác giả đã cương quyết và tự khẳng
định mình. Nhưng duyên trần của ông liệu có dứt được không? Ông đã quá tự tin
với thái độ dứt khoát của mình. Chỉ đóng cửa thiền thôi, một hành động mà ai
cũng làm được nhưng để đóng chặt được tâm mình thì được mấy ai? Cái tâm như con
ngựa chạy rong, như con vượn chuyền cành thì làm sao chỉ một hành động đóng cửa
là xong hết mọi chuyện. Cái khổ của ông đã không diệt được giờ lại đeo thêm cái
ngã. Vì ông vẫn còn thấy có nghiệp duyên, ràng buộc bởi nó nên cứ phải tìm cầu
mong muốn dứt bỏ chúng. Tại sao chúng ta đã mỉm cười nhìn chúng đến lại không
thể mỉn cười nhìn chúng ra đi? Tại sao phải mong cầu, tìm mọi cách dứt bỏ chúng,
khác gì càng muốn quên lại càng thấy nhớ đã khổ còn chồng thêm khổ?
Để rồi ông đi đến kết thúc một cách tự tin:
Quên hết người quen chốn bụi hồng
Đến đây ta lại nhớ Kiều:
Sự đời đã tắt lửa lòng
Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?
Chính bản thân Kiều từ thế tục vào thiền môn rồi từ thiền môn trở về thế tục,
nàng đã nếm trải đủ hương vị của trần ai. Đây là giai đoạn mà Kiều thật sự thấm
thía và thật sự sống nên mới trải nghiệm được vấn đề này. Còn nói theo kiểu
J.Leiba giống như nói suông, nói cuội. Không phải ông không trải nghiệm nhưng sự
trải nghiệm của ông là sự trải nghiệm của những đau khổ trần tục vùi dập, của
những hơn thua tranh đoạt… sự trải nghiệm về tâm linh thì ông chưa có. Ông chỉ
là một người đang bế tắc, lựa chọn thiền môn làm chỗ thoát ly là đều thường thấy
trong dân gian. Mới vào cửa thiền nên tâm tu rất mạnh, có lẽ vì thế mà ông mạnh
dạng khẳng định là quên hết người quen chốn bụi hồng.
Có thể nói bài thơ tuy ngắn nhưng chứa đựng rất nhiều điều đáng suy ngẫm, với
thể thơ quen thuộc, ngôn ngữ giản dị nhưng đã chuyển tải được một góc nhìn cuộc
sống mà chính tác giả là người thể nghiệm sâu sắc nhất. Cái mà ông đặt ra ngay
từ tiêu đề bài thơ đã nói lên một sự khao khát, mong mỏi như nội dung toàn bộ
bài thơ. Đứng về phương diện thế tục đế của Phật giáo mà nói thì đó là một nhận
thức vô cùng quý báu, một khi đã nhận thức được thì nhất định sẽ tìm ra lẽ sáng.
Nhưng ở phương diện chơn đế thì đáng tiếc nhà thơ đã không hiểu sâu sắc lắm giá
trị thật sự của cái mà mình mong cầu. Tuy nhiên, ông đã rất tỉnh thức trong số
những người còn đang mê muội trong khổ đau mà vẫn chưa thấy mình đau khổ.■