Phật giáo và tư vấn tâm lý

phat giao

TINH VÂN

NGUYỄN PHƯỚC TÂM dịch

 

“Tư vấn tâm lý” là một trong những liệu pháp tâm lý hiện đại phương Tây. Nhân viên tư vấn chuyên ngành tâm lý thông qua phương pháp hướng dẫn tâm lý, làm cho căn bệnh phiền não khổ đau trong tiềm ý thức của đương sự dần dần được khơi hiện, và tiếp sau đó sẽ đưa ra một liệu pháp ‘chuyển hóa’ thích hợp; từ đấy khắc phục, vượt qua rào cản tâm lý. 

Cụm từ “Tư vấn tâm lý”, vốn có nguồn gốc từ “Tâm lý học”, nghĩa là “giải thích/làm rõ các tri thức của tâm hồn”, tiếp đó lại được mở rộng thành “Khoa học hành vi nghiên cứu các vấn đề tự thân của con người”. Nhà tâm lý học phương Tây Sigmund Freud (1856-1939) là người sáng lập lý luận phân tích tinh thần (lý thuyết phân tâm học/psychanalysis), cũng là nhà tư tưởng đầu tiên chú trọng vai trò tiềm thức của con người trong lịch sử học thuật phương Tây. Với phát minh này, ông sánh ngang với những thành tựu của nhà vật lý Newton (1643-1727) và nhà thiên văn người Balan Copernicus (1473-1543 ).

Carl Gustav Jung (1875-1961) - nhà tâm lý học Thụy Sĩ, là học trò kiệt xuất của Freud, ông tiếp thu tư tưởng Phật giáo, từ đó tiến thêm một bước nữa là chia lĩnh vực tinh thần của con người làm ba cấp độ, gồm ‘ý thức’, ‘vô (ý) thức cá nhân’, và ‘vô (ý) thức tập thể’. ‘Vô thức cá nhân’ ví như là một ‘kho ký ức’, lưu trữ những tình kết tâm lý cá nhân bị dồn nén trong suốt cuộc đời; ‘Vô thức tập thể’ là cất giữ những hình ảnh ban đầu tiềm tàng được truyền từ đời này sang đời khác. Những lý thuyết này gần giống với ‘A-lại-da thức’ (alayavijnana) mà Phật giáo từng đề cập. Đồng thời cũng có thể suy ra sự hiện hành như bộc lưu của hạt giống A-lại-da thức, cho nên có sự phân biệt giữa ‘biệt nghiệp’ và ‘cộng nghiệp’.

Sau đại chiến thế giới lần thứ 2, phương Tây từng bước phát triển ‘Tâm lý học nhân văn’ (humanistic psychology), mà tiêu biểu là nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908-1970), chia nhu cầu của con người thành 5 thang bậc, cấp độ cao nhất là ‘tự mình thực hiện’(tự khẳng định mình), ông đã dẫn dụng khái niệm khai ngộ Phật giáo, giải thích mức độ tư tưởng tự thực hiện, và cho rằng triết lý vô ngã và Phật tính chân ngã của Phật giáo, có thể hướng dẫn con người từ tự thực hiện, cho đến hướng tới làm lợi ích toàn thể loài người. Một nhà tâm lý học nhân văn khác, ông Erich Seligmann Fromm (1900-1980) đánh giá cao lý niệm sinh mệnh từ bi thương cảm của Phật giáo, bởi lý niệm này khiến chúng sinh cảm thấy an vui rốt ráo, bằng cách này có thể trị liệu bệnh trạng xã hội của người phương Tây. Từ ‘Tâm lý học nhân văn’ lại phát triển ra ‘Tâm lý học tự ngã siêu việt’, với các nguyên lý luận chứng khoa học hiện đại mô tả hành giả Phật giáo có nhiều hiện tượng tâm lý siêu việt khó mà giải thích. Đại diện trường phái này là nhà thần kinh học, nhà tâm thần học người Áo Frankl (1905-1977). Ông được biết đến như người sáng lập nên ‘Liệu pháp ý nghĩa/Ý nghĩa trị liệu’ (logotherapy). Ông rất chú trọng sự tìm tòi và nhận thức về sự sống (sinh) và cái chết (tử). Đây chính là cứ điểm quan trọng mà Đức Phật đã khai thị ngộ nhập.

Hơn hai ngàn năm qua, nội hàm của Phật giáo không ngừng khơi gợi cho các ngành nghề trong cõi đời này, nhất là về phương diện tâm lý học. Công tác tư vấn tâm lý trong xã hội (cộng đồng) ngày nay chủ yếu là dùng tâm lý trị liệu; và vì thế, nó có thể gặp phải một số khốn cảnh, chẳng hạn như:

1. Nhận thức (cognition) các hiện tượng đời sống (sinh mệnh) của nhân viên chuyên nghiệp là hữu hạn, vì thế các bệnh kết báng trong tâm lý bệnh nhân, khó mà thực hiện chuyển hóa triệt để.

2. Do không thể tạo ra sự cộng hưởng sinh mệnh mang tính toàn diện của bệnh nhân quan niệm đồng thể cộng sinh, e rằng tốn mất rất nhiều thời gian, tâm sức, quá trình, nhưng không dễ dàng thu được kết quả lý tưởng như mong muốn.

3. Nhân viên tư vấn chưa thấu rõ pháp duyên khởi, thường xuyên chịu các gánh nặng, bệnh thái trầm trọng trong tâm bệnh nhân, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống bản thân và sức khỏe thân tâm.

4. Coi kinh nghiệm trong quá khứ như là một điều kiện tiên quyết cho việc trị liệu, khiến bệnh nhân rất khó đối mặt với cuộc sống hiện tại, và rồi hình thành một khốn cảnh tâm lý khác.

Tổng hợp tất cả các điểm đã trình bày trên đây, nhân viên tư vấn chuyên nghiệp nếu có thể lấy Phật pháp làm thể, lấy phương pháp tư vấn được học qua làm dụng, phối hợp tu trì tọa thiền hàng ngày, lấy kinh nghiệm chứng ngộ bản thân để chỉ dẫn bệnh nhân, có thể đạt được hiệu quả ‘làm ít công to’.

Phật-đà là bậc đại y vương tâm linh của loài người, không chỉ có khả năng đánh mở sự vô tri về sinh mệnh, mà còn thường xuyên nhằm vào sự khác biệt đối với thân tâm cá nhân, ứng bệnh cho thuốc tùy theo trường hợp cụ thể. Xét thấy tất cả chúng sinh đều có tiền đề của Phật tính, Phật đã đưa ra Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, Bát-nhã chánh quán cho toàn thể nhân loại, xem đó như là pháp chung tư vấn sinh mệnh của quần thể/nhóm; đối với cá nhân thì sử dụng Tứ nhiếp pháp, Tứ tất đàn, ba mươi bảy phẩm trợ đạo… để đối trị.

Đức Phật chính là bậc thầy tư vấn tâm linh vĩ đại của chúng sinh. Trong hội Pháp hoa, Ngài từng ngầm đồng ý cho năm ngàn người ra khỏi hội trường, xem như là tư vấn sàng lọc (screening) cấp độ nhóm. Trong hội Hoa nghiêm, từ phẩm Thế chủ diệu nghiêm thứ nhất đến phẩm Ly thế gian thứ 38, đấy có thể nói là quá trình tư vấn tinh thần cấp độ cao giữa Phật và chư Đại Bồ-tát; phẩm Nhập pháp giới thứ 39 là sự chu đáo trong đời sống nhân gian, coi Thiện Tài Đồng Tử như là đại diện, làm mẫu cho sự quan sát toàn diện về tư vấn tâm lý đời sống nhân gian. Trong kinh Duy Ma Cật (Vimalakirti), Đại sĩ Duy Ma Cật lấy ‘thị tật’ (示疾) làm mào đầu, còn A-la-hán (Arahant) lấy ‘đối trị tất đàn’ với ‘đệ nhất nghĩa tất đàn’, nhằm đạt tới trình độ cao nhất về tư vấn sinh mệnh. Giáo điển Tam tạng với mười hai bộ khác nhau, không có cái nào không nhắm đến tư vấn chiều sâu về nội hàm (ý nghĩa) sở tác và phương hướng đời sống con người.

Phật điển Tam tạng của Phật giáo, thông qua việc chung sức hộ trì, phiên dịch của các triều đại vua chúa, lần lượt hoằng truyền đến Trung Quốc, đã có 2.000 năm lịch sử. Trong quá trình hoằng hóa, từng bước dung hòa với văn hóa Trung Quốc, lại phát triển và mở ra giai đoạn mới nữa. Trong tư vấn nhóm, có nhiều pháp môn chẳng hạn đại tọa giảng kinh, tranh biện kinh pháp, cũng như tham thiền đoàn thể, đăng đàn thọ giới v.v… Trong phần tư vấn đời sống cá nhân, có thể thâm nhập mà lại huyền cơ diệu dụng vô cùng, có thể lấy Thiền tông làm đại diện. Ví dụ ‘Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền’ mà Thiền tông biểu thị, thực chất chính là muốn Thiền sư với các Thiền giả không câu nệ, không ngăn trở bởi ‘ngôn ngữ văn tự’ của khái niệm thế tục, tỷ như ‘dương mày nhíu mắt’, ‘đốn củi gánh nước’, ‘hành đường điển tọa’ (đưa cơm thêm nước), ‘tác vụ xuất pha’ (lao động), ‘tri tân hội khách’ (tiếp đãi khách khứa) v.v…; cho đến ‘hoa cỏ cây cối’, ‘núi sông đất đai’- những thứ chung quanh ta, không thứ gì là không thể dùng làm công cụ (phương tiện) tư vấn. Về mặt ngôn ngữ cũng là sử dụng ‘mâu thuẫn điên đảo pháp’ (pháp đảo lộn đối lập), ‘gián tiếp ám thị pháp’ (pháp ra hiệu ngầm gián tiếp), ‘vấn đáp bất định pháp’ (pháp hỏi đáp bất định) cứ như ‘ý đáo ngôn xuất’, hoặc là ‘phản cật khải thị pháp’ (pháp phản vấn gợi ý) sắc bén. Tất cả thiền cơ diệu dụng này, đều là lấy ‘ý nghĩa trị liệu pháp’ để đạt tới hiệu dụng ‘tự ngã siêu việt’ một cách thần tốc cao nhất.

Trong quá trình tu đạo của Phật, từng như là ‘bản mẫu’ trong quá trình thực hiện ‘tư vấn tâm linh tự ngã’. Suốt 49 năm hoằng pháp giáo hóa, bản thân Ngài chính là bậc thầy tư vấn tâm lý tài trí của Tăng đoàn. Mỗi một vị Tăng lữ khi hành đạo khuyến hóa cũng vậy, lấy việc chữa trị tâm linh cho tất cả chúng sinh làm trách nhiệm, tự nhiên trở thành bậc thầy tư vấn tâm linh của ‘tận hình thọ’ (toàn bộ thân hình và thọ mạng đời này của chúng ta), có thể làm tư vấn chính xác hiệu quả cho tâm linh tha nhân, và tất nhiên là có thể thực hiện việc tư vấn sâu sắc hơn trong tự tâm mình. Với nhiều kinh nghiệm của quá trình tư vấn, kết hợp cùng Bát-nhã trí tuệ không quán, có thể làm nhà tư vấn và người được tư vấn đều đạt tới cảnh giới viên mãn tự tại giải thoát tâm linh.

Tóm lại, trị liệu tư vấn tâm lý, cần phải dung hòa với triết học Đông Tây, thông suốt việc kiểm chứng trong khoa học kỹ thuật hiện đại, và sau cùng còn phải trở về vận dụng Phật pháp, mới có thể đạt đến mục tiêu cuối cùng viên mãn của đời người.

(Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, NXB.Từ Thư Thượng Hải, tr.92-94)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle