Kinh doanh theo chánh đạo

kinh doanh

KINH DOANH THEO CHÍNH ĐẠO

Nguyên Cẩn

Thực trạng đạo đức kinh doanh hiện nay

Inamori Kazuo, nguyên chủ tịch Japan Airlines, người sáng lập công ty Kyocera, trong tác phẩm Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế - Vương đạo cuộc đời (bản dịch của Nguyễn Đỗ An Nhiên, NXB.Trẻ, 2016.), đã viết: “Sáu mươi năm sau chiến tranh, người Nhật đã vươn lên từ đống đổ nát, tạo nên sự phát triển kinh tế thần kỳ… Tôi cho rằng các công ty, xí nghiệp Nhật bản được những con người cao quý tạo nên mà nhờ vậy kinh tế Nhật bản phát triển được như ngày hôm nay…”. Nhưng ông cũng thẳng thắn phê bình: “Ấy vậy mà, nhìn xã hội những năm gần đây, những vụ án tồi tệ liên tục xảy ra. Nào đánh tráo thực phẩm, che giấu sản phẩm lỗi, kết toán ảo, giao dịch nội gián, vô số những việc bất minh khiến ta phải đặt câu hỏi về ý nghĩa xã hội của các công ty….”. Nước Nhật mà còn như thế thì nước ta ra sao?

Trong nhiều cuộc hội thảo của Bộ Y tế hay Viện Vệ sinh, có rất nhiều tham luận công bố những con số đáng báo động về tình trạng an toàn vệ sinh, như việc người ta vẫn dùng những chất cấm trong sản xuất, ví dụ như 3-MCPD trong nước tương, hay dùng hàn the trong chả lụa, dùng hương liệu công nghiệp vào thực phẩm, nuôi heo bằng chất tạo nạc, ngâm trái cây vào hóa chất để bảo quản lâu hơn…, và rất nhiều các chất phụ gia khác. Qua báo chí, chúng ta nghe và thấy thịt ôi, cá ươn được đưa vào các bữa cơm công nhân, học sinh… khiến rất nhiều trường hợp ngộ độc thực phẩm xảy ra. Tình trạng lừa đảo, gian lận chứng từ trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính xảy ra ngày một nhiều, con số lớn đến kinh ngạc, có những vụ việc lên đến vài nghìn tỷ (!)… Vì thói làm ăn gian dối của một số doanh nghiệp, gọi đúng tên là con buôn, dưới lăng kính nhà Phật, cái gọi là “đoàn thực” đang bị nhiễm độc vì các loại hóa chất phụ gia, vì những thứ ô nhiễm khác ngay từ khi trồng hay khi nuôi. Ngay cả thực phẩm dành cho tâm ta “xúc thực” cũng bị tác động mãnh liệt khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Qua truyền hình, internet, facebook…, hàng ngày hàng giờ chúng ta nghe và xem bao nhiêu hình ảnh bạo lực, mô tả dục vọng thấp hèn. Những thứ ấy tác động đến tư niệm thực. Những ước mơ bây giờ không còn hướng thượng nữa mà nhiều người mong mau giàu bất chấp thủ đoạn, làm ít hưởng nhiều, hình ảnh trọc phú hay quan tham không còn xa lạ vì xã hội không lên án đủ mạnh để họ chùn bước. Gian trá và đạo đức giả là những từ gây bức xúc khi chúng ta phải chứng kiến một “bộ phận không nhỏ” doanh nhân, cùng với sự buông lỏng quản lý của những “công bộc “tha hóa và suy thoái  đạo đức gây nên bao nhiêu chuyện ngang trái, sai quấy trong xã hội, khiến bầu không khí thương mại bị vẩn đục.

Làm sao xây dựng lại đạo đức kinh doanh?

Nói theo sách vở thì “Đạo đức học là môn học về cách cư xử của con người không phải chỉ để tìm thấy sự thật như thực của sự vật, mà còn tìm hiểu giá trị hay điều thiện của các hành vi của con người; là khoa học về đức tính con người; liên hệ đến sự phán xét về bổn phận hay nghĩa vụ (cái đúng, cái sai, cái phải làm) và liên hệ tới các phán xét về giá trị (tốt xấu)”. (Từ điển giáo dục của Mc Graw-Hill Book Company). Nói cụ thể thì đạo đức kinh doanh của một doanh nhân hay doanh nghiệp là không kiếm lời bằng sự lừa dối khách hàng, bằng sự hủy hoại môi trường, hay bằng sự bóc lột lao động.

Nguyên nhân chủ yếu là vì lòng tham. Người ta sẵn sàng làm hàng gian hàng giả, không tính đến số phận những người sử dụng chúng; sẵn sàng biển thủ, tước đoạt tài sản chung làm của mình. Quan trọng nhất có lẽ là phải biết giới hạn lòng tham hay nói cách khác phải có trách nhiệm với sự làm giàu của mình, phải biết tôn trọng sức khỏe và hạnh phúc người khác. Tuân thủ đạo đức nghĩa là chúng ta không thể làm những nghề bất chính hay những việc bất chính đối với nghề nghiệp mà mình đang làm để mưu sinh. Người ta hay dùng chữ “lương tâm” để kêu gọi doanh nhân hành xử dù anh hay chị ta theo tôn giáo gì chăng nữa. Khi chúng ta đứng trước mấy cây cầu nghiêng ngả, đi trên những con đường mấp mô sóng trâu, nhìn những chung cư xiêu vẹo, những ngôi trường mới khánh thành đã xiêu vẹo, thì biết rằng lương tâm những kẻ thầu công trình “có còn răng hay không” để cắn rứt (!). Điều này đang diễn ra phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, đang đi tìm một cơ chế quản lý hiệu quả hơn trước thực trạng đạo đức kinh doanh sa sút. Nhất là khi đạo đức doanh nghiệp chưa được thể chế hóa, chưa thành ra một lối sống, một nếp nghĩ gắn liền với công việc, khi mà người ta vẫn chạy theo “Lợi” mà quên “Nhân”, chính nhà nước và những cơ quan thi hành luật phải thực hiện vai trò của mình, nếu không sẽ có tội với những người đang đóng thuế để trả lương cho mình. Ở đây, các doanh nghiệp và cả các cơ quan quản lý đã không làm tròn nghĩa vụ pháp lý, chứ chưa nói gì đến đạo đức – một giá trị nghe quá xa vời. Ngay ở Mỹ, có hàng loạt đạo luật quy định chặt chẽ từng lãnh vực kinh tế sau bản “Tuyên bố về Quyền của người tiêu dùng” (Consummers’ Bill of Rights) do Tổng thống Mỹ ban hành năm 1962 bao gồm các quyền được hưởng sự an toàn, quyền được biết, quyền được lựa chọn và quyền được lắng nghe. Đó là lý do mà ngày nay, trong các công ty lớn như GE GM, Caterpillar… người ta đưa vào các chương trình huấn luyện, các cuộc hội thảo những nội dung về môn học Đạo đức kinh doanh.

Hãy nhớ Đức Phật chưa bao giờ xem việc làm giàu là bất chính và mục đích quan trọng nhất của kinh doanh vẫn là làm sao đem lại tiện nghi cho người khác và nhận thù lao tương đương với phần công sức của mình. Những ai cho rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những ý tưởng xa vời, những tư tưởng tinh thần và triết học cao siêu và bỏ qua những phúc lợi về kinh tế và xã hội của mọi người, thì thật là sai lầm. Đức Phật thật ra quan tâm đến hạnh phúc của con người. “Đối với Người, hạnh phúc của con người không thể có được nếu không sống một cuộc đời thanh tịnh dựa trên nền tảng đạo đức và tâm linh. Đức Phật cũng biết rằng tuân thủ cách sống như vậy là rất khó nếu điều kiện vật chất xã hội khó khăn. Phật giáo không xem hạnh phúc vật chất tự nó là cứu cánh mà chỉ là một phương tiện để đạt đến cứu cánh cao quý hơn.” (Hòa thương Walpola Rahula, What The Buddha Taught, Colombo, 1929).

Một câu quan trọng trong kinh Parabhava cho ta thấy quan điểm của Đức Phật rằng tài sản cá nhân không chỉ dành cho bản thân. Khi nhắc đến những dấu hiệu tha hóa của người cư sĩ, Đức Phật nói: “Nếu một cá nhân sở hữu nhiều tài sản, vàng bạc và thực phẩm mà chỉ dùng chúng cho bản thân, thì người đó đang trên đường tụt hậu”. Đức Phật tán thán những người “tích lũy tài sản lớn, nhưng không bị đắm chìm trong đó”. Đó là ý nghĩa cuộc sống mà những Bill Gates hay Warren Buffet đang hành động.

Một trong những lời khuyên của Kazuo là “vứt bỏ tư lợi tư dục mà đi trên chính đạo”. Chúng ta nhớ Đức Phật đã mở ra Bát chính đạo trong đó Chính nghiệp và Chính mệnh là con đường chúng ta đi. Kazuo nhấn mạnh lợi tha là nguyên tắc cốt lõi. Ông nói “Rõ ràng trong mua bán, điều đầu tiên là “cùng nghĩ đến đối phương. Hết mình vì đối phương sẽ có lợi cho ta. Sự mâu thuẫn nhất kiến nhị lập này thật ra đã được Phật Thích Ca giải thích từ 2500 năm trước. Trong Phật giáo có câu “tự lợi tự tha”. Nếu muốn tốt đẹp thì phải làm cho người khác có lợi. Làm vậy thì chắc chắn những gì ta dành cho người, làm lợi cho người sẽ trở lại là lợi của ta, như câu thành ngữ “tử tế không vì người” (sđd). Tương tự như khi chúng ta đàm phán theo nguyên tắc win-win, hai bên đều có lợi. Lợi tha vì vậy là toa thuốc hiện đại.

 Ông cũng nói thêm “Một khi đã tiến hành công việc điều hành, dù tuyển 1,2 nhân viên thôi vẫn có nghĩa anh đang vì người khác, vì thế gian. Nếu anh làm việc chăm chỉ, hướng trái tim đến điều thiện và thực hành điều thiện, cuộc đời anh sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp” (sđd). Ông không chỉ nói mà còn làm cho các công ty của mình – công ty Kyocera và công ty KDDI trở nên những tấm gương thành công. Ông chứng minh rằng bằng sự tử tế và nhân hậu, người ta vẫn có thể làm giàu chân chính và đóng góp tích cực cho xã hội. Theo lăng kính nhà Phật thì đó chính là quy luật “nhân quả” của tự nhiên: điều thiện (hay đạo đức) đem lại an vui, hạnh phúc cho mình và người; điều ác (hay phi đạo đức) sẽ gieo rắc khổ đau cho mình và người.

Một ví dụ nữa mà có lần chúng tôi đã đề cập trước đây là tập đoàn quảng cáo The Kaplan Thaler Group, một tên tuổi lớn trong ngành quảng cáo với gần một tỷ đô-la doanh thu hàng năm khi họ thuyết trình về sức mạnh của lòng tử tế. Họ khẳng định rằng thành công họ có được nhờ tuân thủ sự trung thực, tín nghĩa với khách hàng và cả với nhân  viên của mình, rằng những người tử tế hiền lành không thể bị xem là những kẻ nhút nhát, thụ động, ba phải; không phải là “tấm thảm chùi chân” cho những người hung hăng. Vì hiền lành không có nghĩa là “ngây ngô” hay “ngớ ngẩn”. Khẳng định “Hiền lành là một từ cứng rắn nhất trên đời. Nó có nghĩa là bước tới phía trước với sự tự tin trong sáng đến từ nhận thức, rằng ta phải hết sức nhân hậu và đặt nhu cầu người khác ngang với nhu cầu của chính mình”. Từ đó hãy suy ngẫm những lợi ích mà lòng nhân hậu đem lại. Họ khẳng định “Thành công của chúng tôi giành được không phải bằng gươm đao mà bằng hoa và chocolate. Sự lớn mạnh của chúng tôi không phải kết quả của nỗi sợ hãi và sự hăm dọa, mà bằng nụ cười và lời ngợi khen.” (Trích Sức mạnh của sự tử tế. Cách chinh phục giới kinh doanh bằng sự tử tế, tác giả: Linda Kaplan Thaler và Robin Koval – Dịch giả: Trịnh Ngọc Minh. NXB.Tri Thức).

 Nói cách khác, đó chính là ý nghĩa của Tứ nhiếp pháp mà Phật nhiều lần nhấn mạnh: “Này Gia chủ tử, có năm cách vị thiện nam tử đối với bạn bè như phương Bắc: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt. Này Gia chủ tử, được vị thiện nam tử đối xử như phương Bắc theo năm cách như vậy, bạn bè có lòng thương kính vị thiện nam tử theo năm cách: che chở nếu vị thiện nam tử phóng túng, bảo trì tài sản của vị thiện nam tử nếu vị này phóng túng; trở thành chỗ nương tựa khi vị thiện nam tử gặp nguy hiểm; không tránh xa khi vị thiện nam tử gặp khó khăn; kính trọng gia đình của vị thiện nam tử.” (Trường bộ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt). Đại thi hào Nguyễn Trãi, trong “Gia huấn ca” từ năm thế kỷ trước đã nhận định: “Trời nào phụ kẻ có nhân/ Người mà có đức muôn phần vinh hoa”.

Chúng ta phải hiểu rằng ước muốn lành mạnh sẽ giúp ta tích lũy năng lượng để thực hiện hoài bão. Nhưng có những loại tư niệm thực như danh, lợi, tài và sắc làm cho ta khổ đau suốt đời. Làm sao “thanh tịnh hóa “ước mơ của mình, như: muốn được mạnh khỏe và tươi vui, muốn đóng góp cho gia đình và xã hội…

Trong một bài phỏng vấn do Đại đức Thích Tâm Hải thực hiện cách đây đã lâu, khi được hỏi về vấn đề đạo đức, cụ thể về chữ thành và tín, và tìm được điều gì trong Phật giáo để ứng dụng vào kinh doanh, người viết, khi đó còn đang chịu trách nhiệm quản lý một doanh nghiệp, đã trả lời: “Không phải bây giờ mà từ nghìn xưa, chữ tín đã được đề cao. Thiếu lòng tin thì không thể kinh doanh lâu dài được. Thời buổi của những tay làm ăn chụp giật mà người Mỹ gọi là fast-buck traders đã qua rồi. Có khi phải hy sinh một phần lớn lợi nhuận hay thậm chí chịu lỗ để giữ chữ tín với khách hàng một khi mình đã hứa hay cam kết dù không bằng văn bản. Điều này suy cho cùng cũng sẽ làm lợi cho công ty về lâu dài thôi. Còn nói về trách nhiệm xã hội như đã nói ở trên, nghĩa vụ kinh tế chỉ là một trong những trách nhiệm xã hội mà người làm kinh doanh phải lưu tâm. Chúng ta còn phải nhắc đến nghĩa vụ đạo đức, dù không được quy định trong luật pháp nhưng đây chính là giá trị tạo nên hình ảnh hay thương hiệu của một công ty. Không phải tự nhiên mà các hãng xe hơi cho thu hồi hàng nghìn chiếc xe khi phát hiện có một cơ phận nào đó chữa hoàn chỉnh, có thể gây trục trặc về sau. Ngoài ra còn nghĩa vụ nhân văn mà một doanh nghiệp luôn muốn hướng tới, đóng góp thiết thực cho xã hội. Vì vậy, có nhiều doanh nghiệp đã xây dựng những chương trình hướng về cộng đồng rất thiết thực đáng được ca ngợi… Ngoài ra khi Thiền sư Nhất Hạnh nói về tam đức của doanh nhân, ngẫm lại tôi thấy chính đoạn đức là điều kiện vô cùng cần thiết để ta biết dừng lại đúng lúc trước khi lao mình theo những đam mê dù là vì công việc hay những cuộc vui…”. Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 36 năm 2007, trích theo phatgiao.org.vn, 14/3/2014).

Giờ đây phải nói thêm rằng chính nó giúp ta tự giới hạn lòng tham, từ bỏ tư lợi không chính đáng để vững bước làm NGƯỜI. Đạo đức nào thì sau cùng cũng vì mục đích ấy!

Chia sẻ: facebooktwittergoogle