Vài dòng cuối năm

Vài dòng cuối năm

Vài dòng cuối năm

Chân Hiền Tâm

Cuối năm rồi...

Một năm với kẻ này là thắng lợi, với kẻ kia là thất bại.

Nhiều sự thật đau buồn hé lộ nhưng là điềm báo cho những tốt đẹp về sau. Hy vọng qua năm mới, cuộc sống của người dân được tốt đẹp hơn, mọi oan ức được giải quyết và các tệ nạn giảm thiểu. Nói hy vọng, vì mọi thứ còn tùy thuộc vào phước đức của người dân. Cộng nghiệp của người dân là nhân tố mang tính quyết định cho việc làm trong sạch bộ máy chính quyền. Những vị có tâm huyết là duyên giúp phước báu của người dân trổ quả. Nhân duyên đầy đủ, quả mới tựu thành. Dân nếu không đủ phước thì khó mà gặp được một chính quyền tốt đẹp, nhóm lợi ích trở thành kẻ đắc thế, đất nước nguy nan, nhân dân không thể tránh lầm than. Chính vì thế, Trúc Lâm Đại Đầu Đà mới đi khắp nơi phá bỏ các dâm miếu, dạy người giữ ngũ giới và hành thập thiện, là cốt giúp dân gieo cái nhân tốt đẹp cho tương lai. Nhân không tốt thì khó mà gặp được một chính quyền tốt. Có gặp được những con người tốt, họ cũng chẳng thể làm gì được cho mình. Một người bạn kể với tôi, người miền núi khổ lắm, cũng không phải nhà nước không giúp, giúp nhiều là đằng khác, nhưng ngoài những việc khách quan linh tinh khác thì chính bản thân người dân thấy cũng không ổn. Bởi cho bao nhiêu cũng mang vào cờ bạc, hút chích. Thành quý Tăng có tiền ủng hộ dân nghèo, chính quyền địa phương, những người có tâm huyết với dân, góp ý là nên xây nhà rồi giao lại cho họ. Không thì cho bao nhiêu cũng cứ lầm than. Cho nên, phước đức của người dân vẫn là thứ quyết định hạnh phúc của chính họ. Nếu nghiệp báo của đa phần người dân tốt thì mọi thứ sẽ thành công tốt đẹp trong tương lai. Cho nên Thánh nhân chú trọng vào việc dạy người sống thiện.           

Năm nay lại có vài cơn bão ghé thăm. Mưa mấy ngày, nước lênh láng như sông hồ. Cũng có vài nơi, mưa thì nhận mà ngập thì không. Đường không ngập. Nhà cũng không ngập. Trong cái gọi là đồng nghiệp vẫn có biệt nghiệp. Không có nghiệp nhận chịu ngập lún thì thiên hạ có ngập đầy trời, mình vẫn không ngập. Đã mang cái nghiệp ngập lún thì thiên hạ không ngập, mình vẫn cứ ngập.

Thường thì người nghèo mới là người phải nhận những ngập lụt do thủy triều và mưa bão gây ra. Năm nay, người giàu cũng không tránh khỏi. Thiệt hại khá nặng. Xe tiền tỷ ngâm nước vài ngày trong hầm của các căn hộ cao cấp không lấy ra được. Những căn hầm lớn bây giờ trở thành những điểm ngập lụt khá nghiêm trọng, hơn cả những căn nhà lụp xụp. Nước vào được mà không tự rút xuống được. Máy hút của chung cư không làm việc nổi, phải nhờ đến xe cứu hỏa. Chẳng thể ngờ! Có những vấn đề không phải bao giờ đầu óc của con người cũng tính đến được. Pháp nhân duyên, đủ duyên liền hiện. Chẳng trở kịp tay khi nhân đã gieo và đến hồi ra quả.

Với cái nhìn của Đức Phật, sông máu, sông tro, cát nóng, biển độc, bắt uống nước đồng chảy v.v… đều là quả của cái nhân tập quán ngã mạn lấn lướt lẫn nhau. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: “Lấn lướt là khinh dễ, xem thường người khác. Phát ra ở nơi tâm ỷ thị, như ỷ có thể lực, ỷ có danh dự v.v… đều hiện ra trạng thái phóng túng lao chao. Do đây chiêu cảm có sông máu v.v… Chính cái cao cử tự đắc, bèn thành dòng nước đầy tràn cùng khắp, nên phải cảnh tỉnh vậy[1]. Nói đến tập quán là nói đến thói quen, là những gì đã huân tập trong tàng thức. Thứ gì là thói quen thì thường có tác dụng thúc tâm thức vận hành tiếp vào những kiếp sau nếu ta không ý thức từ bỏ. Càng vận hành thì thói quen càng có lực mạnh. Quả ra càng khủng khiếp. Không biết mà cứ gieo nhân thì khổ chồng khổ.  

Cũng chưa bao giờ thấy “nghèo là cái tội” như thời buổi hiện nay.

Không có tiền, sẽ ít có sự chọn lựa hơn cho cuộc sống của mình.

Ai cũng biết ăn những thứ độc hại thì tương lai sẽ bệnh. Nhưng để có thể ăn những thứ thiên hạ cho là sạch, thì phải có tiền. Nhưng tiền lấy đâu ra khi cuộc sống đang còn quá chật vật? Thành không phải không biết ăn những thứ đó sẽ bệnh, nhưng không ăn thì hiện tại thế nào? Có xảy ra bệnh thì cũng là tương lai. Nó có thể xảy ra mà cũng có thể không xảy ra. nhưng nếu hiện tại không ăn, không uống, không mặc thì cũng chết. Không có sức làm việc thì không có tiền, càng chết. Thành cứ thế mà liều mạng, ăn những thứ người ta kêu độc mà vẫn ăn, mặc những thứ người ta kêu hại mà vẫn mặc. Để còn tồn tại. Bên cạnh đó lại có những vị, không hẳn do nghèo, chỉ là vì không làm chủ được tập nghiệp ăn của mình. Cái tập này mới đáng nói. Bị cái tập này rồi, dù có điều kiện để dừng, cũng không chịu dừng, cắm đầu cắm cổ ăn cho chết. Thành lâu lâu lại nghe người này ăn tiết canh heo, nhiễm liên cầu khuẩn lợn, chết. Người kia ăn cá nốc, trúng độc chết.     

Đôi lúc, cũng thấy lo lắng khi đang sống trong thế giới đầy bảo táp này. Cái gì cũng có thể làm giả. Phật nói thân này không thật, thế giới này không thật, mọi thứ đều không thật. Chưa kịp khám phá ra điều đó thì trên cái không thật đó, thiên hạ đã chồng thêm những cái giả dối khác. Thịt bò giả được hô biến từ thịt heo với hóa chất độc hại. Chuối ngâm hóa chất cho to trái. Rau phun thuốc vô tội vạ để mau hái v.v… Giờ còn có màng gạo giả. Không biết nó làm từ thứ gì ra, như nhựa. Để làm gì cũng không biết. Chỉ biết là người làm ra nó không sợ nhân quả. Tin nhân quả, không ai làm các việc ấy. Thịt giả có thể không ăn. Rau thuốc, có thể tự trồng… nhưng gạo mà giả thì quả là hơi khó khi con người chưa thể thiếu cơm mà sống. Thiền đạt trình độ không ăn là đuối, không uống là chết như mình, thì khó mà rời cái gọi là đoàn thực. Còn lệ thuộc vào thứ gì là còn nhấp nhô theo thứ đó.

Cho nên, muốn yên bình ở thế giới này thì không phải chỉ có phước là đủ (Phước là thứ mình nhận được từ việc bố thí, cúng dường, giúp đỡ người khác khi họ cần v.v...) mà còn phải tạo đức. Đức là để yên bình với nạn tai ở thế giới này. Không dối trá, không lừa phỉnh, không hại người, không giết vật v.v… đó là đức. Giữ giới tốt thì có đức. Đức giúp mình được bình an. Có phước mà không đức thì giàu sang phú quý có nhưng khó mà thoát được nạn tai ở thế giới này. Có những việc mình thấy nghịch lý, chẳng qua vì nhân quả chi phối ba đời, mà thường thì nhân gieo những kiếp trước, kiếp này quả mới gặt. Cũng như nhân gây kiếp này, những kiếp sau mới gặt quả. Chỉ những ai có phước báu lớn thì gieo nhân mới gặt quả liền. Còn thông thường thì ba đời.

Biết vậy, nhưng vì sao có những giới mình vẫn cứ phạm, theo kiểu “biết mà cố phạm” như Triệu Châu đã nói? Vì bị tập nghiệp chi phối. Tập nghiệp là thói quen từng huân tập bao đời, hoặc là huân tập sâu dày trong kiếp này. Biết hút thuốc là hại mình hại người nhưng vẫn hút. Ngay cả khi bệnh rồi, nói bỏ cũng không chịu bỏ. Vì hút thuốc đã thành thói quen. Không có nó thấy chơi vơi hụt hẫng.

Giờ muốn bỏ thì phải có lực của định tuệ. Có định tâm thì việc ngăn dứt một thói quen không phải khó. Nhưng người đời thường ít có định tâm, dù tuệ có khi có ít phần. Vì không có định tâm nên việc từ bỏ một thói quen trở thành khó. Và thường thì tuệ phải đi tiên phong. Tuệ, là biết thói quen bỏ được, chỉ là mau hay chậm. Đây là việc đơn giản đầu tiên quyết định dừng một tật xấu. Không có cái thấy ấy thì khó mà dứt trừ một thói quen. Hàng xóm nhà tôi không chịu bỏ thuốc vì nghĩ không thể nào bỏ được. Đến khi tim hở van, máu nhiễm mỡ, men gan cao, bác sĩ yêu cầu bỏ thuốc, anh ta vẫn duy trì việc hút thuốc 5 điếu một ngày. Chỉ vì nghĩ không bỏ được. Không vượt qua được khoảng trống khi thiếu thuốc. Cái chơi vơi của tâm khi phải rời bỏ chỗ đang bám không phải là việc dễ dàng với người đời. Thay vì bám vào đó thì bám vào chỗ khác? Cũng khó khi hút thuốc đã thành thói quen. Không bám vào chỗ nào càng khó hơn nữa. Bàng Long Uẩn nói: “Khó khó mười tạ dầu mè trên cây vuốt”[2]. Mất chỗ bám không phải là việc dễ dàng vượt qua, ngay với người tu. Nhưng hiểu biết và có niềm tin rồi thì cũng không phải là việc khó làm. Hiểu cái khoảng trống ấy vô thường, hiểu mọi thứ sẽ trở lại bình thường nếu đã quyết tâm. May, anh hàng xóm không tin bản thân nhưng lại tin tôi. Việc bỏ thuốc cũng xong. Nhờ vào nhiều duyên mới bỏ được, mà duyên lý tưởng nhất là đống bệnh thúc sau lưng. Không tin thì ung thư hiện tiền. Nhờ đó ta người cùng thoát nạn, không phải ngửi cái mùi độc hại đó nữa. Giúp người cũng là cứu mình.   

Cho nên, muốn an ổn sung sướng ở thế giới này thì ngoài việc làm phước, giữ giới, còn phải đọc học thêm kinh luận để mở mang đầu óc, biết thứ gì nên làm, thứ gì không nên làm. Tập thở sâu hít sâu để tăng cường định lực cho mình. Hiểu về đồng nghiệp và biệt nghiệp cũng giúp mình thấy an ổn hơn trong cuộc sống xô bồ.      

Nhìn thiên hạ khổ, thấy thế đời bấp bênh, không phải là việc làm mình hạnh phúc. Mình chưa bất động được với nỗi khổ của thiên hạ, cũng chưa thể ngồi yên khi thấy cái nhân thiên hạ gây ra mang tai họa đến cho họ. Thật ra, chung quanh tôi không ai khổ. Họ không giàu nhưng hạnh phúc với những gì họ đang có. Họ bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Sống chất phác, chân tình dù không biết tu là gì. Nói chung, cứ quanh quẩn quanh cái chuồng cu của tôi thì không thấy ai khổ để động tâm. Vấn đề xảy ra là ở cái facebook. Lũ lụt nước ngập cũng từ facebook. Bệnh tật đói rách cũng từ facebook. Nạo thai phá thai cũng từ facebook. Tai nạn giao thông cũng từ facebook. Không coi, thiên hạ gửi tới cho coi để còn kêu gọi cứu trợ. Nói chung bất an là từ facebook. Song trong cái hại vẫn có cái lợi. Những phút giật mình hoảng loạn với thế giới bên ngoài giúp mình tỉnh giác khi đang sống trong những điều kiện quá đầy đủ. Nhờ nó, mình không dám an vị trong cái an ổn mình đang có. Nó nhắc mình vô thường luôn hiện diện ở thế giới này. Nếu an trú vào những phước báu đang có mà quên gieo nhân tiếp tục thì mình cũng chẳng ngoại lệ. Việc trước mắt là phải làm sao để định được tâm với những gì mình đang chứng kiến từ cái facebook mà không cần phải tránh duyên. Cũng là việc tốt cho mình.

Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ[3]. Thứ gì cũng có thể là pháp trong thế giới này, nếu mình biết vận dụng nó.

Cái đáng yêu ở thế giới này là vẫn luôn hiện diện những con người có tấm lòng yêu thương đồng loại. Tùy sức mình mà tỏ tấm lòng yêu thương. Người mở quán cơm, kẻ đặt bình nước, người bỏ tiền ra mua xe cứu thương, người cho đi không tiền xe, phát hàng ngàn phần cơm ở bệnh viện, cứu trợ, xây nhà tình thương, chung tay cho tiền bệnh nhân, kêu gọi liền có bạc tỷ với những ca bệnh khó, vá xe cho theo kiểu vá xe, nghèo khó giúp theo kiểu nghèo khó. Mọi thứ đều xuất phát từ tâm yêu thương đồng loại. Đúng là Bồ-tát, giờ không chỉ thờ trong chùa mà tràn lan ngoài đường. Có Bồ-tát đã làm xong hình hài, nghêng phong tiếp nắng. Có Bồ-tát mới xong phần mình, cũng chẳng ngại gió mưa. Chỗ nào khổ, tâm Bồ-tát liền xuất hiện, dù khó khăn hay dư dả. Từ bi là Quán Thế Âm, hỉ xả là Đại Thế Chí, năng tịnh là Đức Thích Ca, bình trực là Phật Di Đà[4]. Mong là phần tinh túy này trong mỗi người luôn được huân mạnh và phát triển.   

Bên cạnh những tích cực đó, vẫn tồn tại những tiêu cục không ai mong muốn. Phá thai được xem là việc bình thường của giới trẻ hiện nay. Bắt nguồn từ tham dục và không ý thức về nhân quả. Thêm các loại thuốc gây nghiện v.v…

Nhìn những cái nhân như thế thì biết cái quả vật chất sẽ sung mãn ở thế giới này, nhưng tà kiến, nạn tai, bệnh tật, tàn sát lẫn nhau vẫn khó tránh khỏi. Trong đồng nghiệp có biệt nghiệp. Sinh, trụ, hoại, diệt cứ thế mà biến thiên.                   

Lại sắp hết một năm.

Sang năm mới, chỉ biết hướng nguyện mong an lành đến với mọi người, người người sống thiện để thế giới của mình và người được bình an. Cũng thành kính tri ân chư vị Bồ-tát đã trợ duyên giúp con có điều kiện học đạo cũng như hành đạo được tốt đẹp. Con chân thành cảm ơn tất cả. 

 

 

 


 

[1] Kinh Thủ lăng nghiêm trực chỉ - Thiền sư Hàm Thị trực giải – TT. Thích Phước Hảo dịch.     

[2] Thiền sư Trung Hoa - HT Thích Thanh Từ biên soạn.

[3] Lời của phu nhân Bàng Long Uẩn.

[4] Pháp Bảo Đàn Kinh – Phẩm Nghi Vấn.   

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle