Những giải thích khác nhau về nghĩa của từ Vu Lan Bồn

nhung giai thich

HỮNG GIẢI THÍCH KHÁC NHAU VỀ 
NGHĨA CỦA TỪ VU LAN BỒN
[1]

Giáo sư Seishi Karashima* - Nguyên Hiệp dịch

 

1. Vu lan bồn (盂蘭盆), Vu lan bồn kinh (盂蘭盆經), và Vu lan kinh (盂蘭經)

Vu lan bồn (盂蘭盆) là tên của một lễ hội Phật giáo được tổ chức rộng rãi ở Đông Á. Lễ hội này được cử hành vào cuối kỳ an cư mùa mưa của cộng đồng Phật giáo, tức là vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch. Những vong linh được tin sẽ quay trở về nhà vào ngày này; và để tỏ lòng thành kính đối với họ, người ta đặt bày phẩm vật dâng cúng lên bàn thờđốt hương và thỉnh mời chư Tăng tụng đọc kinh chú, v.v. Tên của lễ hội này được dựa vào kinh Vu lan bồn (盂蘭盆經, T. 16, no. 685), được cho là do Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa, khoảng 265?-311 TL) dịch. Báo ân phụng bồn kinh (報恩奉盆經, T. 16, no. 686), không biết người dịch, rõ ràng là phỏng theo kinh Vu lan bồn.[2] Tuy nhiên, việc quy cho Trúc Pháp Hộlà dịch giả của kinh Vu lan bồn gây nên nghi ngờ khi bản kinh này được xếp loại như là một bản dịch không có tác giả trong một danh mục cổ, đó là Xuất Tam tạng ký tập (出三藏記集), mà nó được biên soạn vào thời Lương Thiên Lam (502-519 TL).[3] Lịch đại Tam bảo ký (歴代三寶記, 597 TL) là tác phẩmđầu tiên quy bản kinh này cho Trúc Pháp Hộ.[4] Yutaka Iwamoto nghi ngờ việc quy ghép dịch giả này và cả tính chân thực của nó như một bản dịch từ một bản kinh Ấn Độ, bởi vì những cụm từ “xa lạ” chẳng hạn như đạo nhãn (道眼), hiếu thuận (孝順), văn như thị (聞如是) xuất hiện ở trong đó.[5] Tuy nhiên, chính những cụm từ cổ này, mà sự thực chúng được tìm thấy trong những bản dịch trước thời Cưu-ma-la-thập (Kumārajīva),[6] chứng minh rằng bản kinh này được dịch (hoặc biên soạn) vào thế kỷ III hoặc IV TL. Việc sử dụng ngô/吾 như là đại từ danh xưng ngôi thứ nhất, được tìm thấy trong bản kinh này, cũng hợp với việc ưu tiên sử dụng từ ngô thay cho ngã/我 của Trúc Pháp Hộ.[7]

Từ thế kỷ VI về sau, những đề cập khác nhau về bản kinh và lễ hội này bắt đầu xuất hiện. Những trích dẫn từ bản kinh được sử dụng đầu tiên ở trong Kinh luật dị tướng (經律異相), một tuyển tập những bài viết về Phật giáo, mà nó được những Tăng sĩ như Bảo Xước (寶唱), Tăng Mân (僧旻) cùng những người khác sáng tác vào năm 516 TL.[8] Chính lễ hội này cũng được đề cập trong Nhan thị gia huấn (顏氏家訓), do một học giả thời Bắc Ngụy tên là Nhan Chi Thôi (顏之推 531-591) viết.[9] Một phần của bản văn này cũng được trích trong luận giải của Đỗ Công Chiêm (杜公瞻, 600-?) về tác phẩm Kinh sơ tuế thời ký (荊楚歲時記, 561) của Tông Lẫm (宗懍).[10] Theo Phật Tổ thông kỷ (佛祖統紀, được biên soạngiữa 1258-1269), Lương Vũ Đế (梁武帝) đã thăm viếng chùa Đồng Thái (同泰寺) - ngôi chùa do ông ra lệnh xây dựng, và tổ chức trai lễ Vu lan bồn (盂蘭盆齋) ở đó vào năm 538 TL.[11] Điều này minh chứng sự phổ biến của bản kinh và lễ hội Vu lan ở cả hai bên bờ sông Trường Giang từ thế kỷ VI trở về sau.

Dựa trên những danh mục kinh cổ hơn và Kinh luật di tướngbản kinh cho thấy nguyên thủy có tiêu đềlà Vu lan kinh (盂蘭經).[12] Tiêu đề Vu lan bồn kinh (盂蘭盆經) chỉ xuất hiện trong những danh mục[13]và những bản kinh[14] tương đối trễ.

2. Bản dịch kinh Vu lan bồn (盂蘭盆經)

Bản kinh này do Tam tạng Pháp sư Trúc Pháp Hộ (竺法護/Dharmarakṣa) người Nguyệt Thị (月氏) dịch sang Hán ngữ vào đời Tây Tấn. Bản dịch Việt ngữ như sau:

Tôi nghe như vậy.[15] Một thời, Đức Phật cư trú tại vườn của ông Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍada), ở rừng cây Kỳ-đà (Jetavana), nước Xá-vệ (Śrāvastī).

Bấy giờ Đại Mục-kiền-liên (大目乾連/Mahāmaudgalyāyana) vừa chứng đắc được lục thông, và ngài muốn cứu độ cha mẹ để đền đáp thâm ân trong việc nuôi dưỡng mình. Lúc ấy, khi dùng thiên nhãn[16]quán sát thế giới/gian (世間), ngài thấy rằng người mẹ quá cố của mình sinh vào thế giới ngạ quỷNhận thấy vì không có thức ăn và nước uống, bà không còn gì ngoài da bọc xương, Mục-liên (目連/Maudgalyāyana) rất đau buồn và đi đến (往) trao cho (餉) bà bát cơm của mình. Sau khi nhận lấy bát cơm, mẹ của ngài dùng tay phải bóc cơm lên, trong khi dùng tay trái che đậy nó. Tuy nhiên, trước khi cơm được đưa vào miệng, cơm ấy hóa thành than lửa và do đó bà không thể ăn nó. Mục-liên đau buồn than khóc và quay về gặp Đức Phật, bạch với Ngài những gì đã xảy ra.

Đức Phật nói: “Vì tội lỗi của mẹ ông có gốc rễ sâu dày, nên (một mình) ông không thể cứu được bà. Mặc dù ông có lòng hiếu thảo, và tiếng (than khóc) của ông lay động trời đất, (nhưng ngay cả) thiên thầnđịa thần, Dạ-ma (邪魔/Māra[17]), những vị ngoại đạo[18] hay Tứ Đại thiên vương cũng không thể làm gì cứu được bà ấy. Ông cần nên cầu đến oai thần của của Tăng chúng trong mười phương, khi ấy bà sẽ được cứu thoát. Bây giờ ta sẽ nói với ông cách để cứu bà, ngõ hầu bà có thể thoát khỏi tất cả những khó khăn, và những buồn phiền đau khổ (憂苦) của bà có thể được trừ diệt.”

Thế rồi Đức Phật nói với Mục-liên: “Khi Tăng chúng mười phương tham dự lễ Tự tứ (自恣/Pravāraṇā) vào ngày 15 tháng Bảy, người ta - vì lợi ích của tổ tiên trong bảy đời và cha mẹ hiện tại của họ, những người đang chịu khổ đau - nên sửa soạn cơm, thức ăn một trăm vị, năm loại quả, những chiếc chậu (盆器) dùng để múc và rót nước, hương, dầu, đèn, nến, nệm và giường; đặt những thức ăn ngon nhất thếgian vào trong những chiếc bát (盆), và dâng những thứ này cho mười phương Tăng. Vào ngày đó, tất cả những vị Thánh - những người hành thiền trong núi rừng; những người đã chứng được Tứ đạo quả; những người kinh hành dưới các cội cây; những vị Thanh văn và những bậc Duyên giác đầy đủ lục thôngtự tại giáo hóa; hoặc những vị Đại nhân (大人 mahāsattva) là Bồ-tát Thập địa nhưng hiện thânlàm Tỳ-kheo - tất cả nhất tâm thọ nhận cơm bát-hòa-la (鉢和羅飯) ở nơi đại chúng. Những người này giữ giới thanh tịnh và giữ con đường của Thánh chúng một cách trọn vẹn; phẩm đức của họ thì rộng lớn. Nếu người nào cúng dường cho những vị Tăng tham dự lễ Tự tứ này, cha mẹ hiện thời và tổ tiên bảy đời của họ, cũng như sáu loại bà con quyến thuộc (六種親屬), sẽ có thể giải thoát khỏi khổ đau trong ba đường, được giải thoát ngay tức thời và sẽ tự nhiên có được thức ăn đồ mặc. Nếu cha mẹ của người ấy còn sống, họ sẽ hưởng được phước lạc trong một trăm năm. Nếu họ đã qua đời, (họ cũng như) tổ tiênbảy đời sẽ sinh về cõi trời. Họ được sinh theo ý họ muốn và đi vào ánh sáng của thiên hoa và thọ nhận phước lạc vô lượng.”

Lúc đó, Đức Phật bảo thập phương chúng Tăng trước hết nên chú nguyện (呪願/dakṣiṇā) cho cha mẹbảy đời vì lợi ích của gia đình thí chủthực hành thiền định và sau đó thọ nhận thực phẩm. Sau khi nhận những chiếc bát (盆), họ trước hết nên đặt chúng phía trước tháp Phật. Khi chúng Tăng chú nguyệnxong, mỗi người trong họ sau đó có thể thọ nhận thức ăn.

Lúc bấy giờ, Tỳ-kheo Mục-liên và chúng Đại Bồ-tát tất cả đều vô cùng hoan hỷ và tiếng khóc than của Mục-liên hoàn toàn chấm dứt. Vào chính ngày hôm đó, mẹ của Mục-liên được giải thoát khỏi kiếp khổ làm ngạ quỷ.

Khi ấy Mục-liên lại bạch với Phật: “Cha mẹ của con nhận được công đức của Tam bảo nhờ vào sức mạnh và oai thần của chúng Tăng. Trong tương lai, tất cả những đệ tử Phật, (những người muốn) thực hành hiếu hạnh, có thể dâng bát Vu lan (應奉盂蘭盆)[19] (cho chúng Tăng) để cứu cha mẹ và tổ tiênbảy đời của họ không?

Đức Phật trả lời: “Lành thay! Ông đã đưa ra một câu hỏi rất hay. Ông hỏi ta về điều ta định nói với ông. Thiện nam tử, nếu các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, vua, thái tửcông chúa, đại thần, tể tướng, tam công, quan chức các cấp, và dân chúng (thứ dân) mong muốn thực hành hiếu từ (孝慈),[20] tất cả họ, vì lợi ích của cha mẹ hiện tiền-những người đã sinh ra họ[21] (所生現在父母), cũng như vì lợi ích của tổ tiên bảy đời của họ, vào ngày 15 tháng Bảy, (tức là vào) ngày Đức Phật hoan hỷ, ngay Tự tứ (自恣/Pravāraṇā) của Tăng chúng, nên đặt thức ăn đồ uống trăm vị vào trong những chiếc bát Vu lan (以百味飮食安盂蘭盆中) và rồi dâng chúng cho chư Tăng, những người tham dự Tự tứ, mong muốn rằng cha mẹ hiện tiền của họ sẽ sống một trăm năm không đau bệnh, không khổ đau phiền muộn nào, tổ tiên bay đời của họ sẽ thoát khỏi khổ đau của ngạ quỷ, được sinh về cõi người và cõi trời và hưởng được phước lạc không cùng tận.”

Đức Phật nói:[22] “Những thiện nam thiện nữ là đệ tử của Phật, nếu (muốn) thực hành hiếu, họ nên thường nghĩ nhớ đến cha mẹ hiện tiền và tổ tiên bảy đời của họ.[23] Mỗi năm, vào ngày 15 tháng Bảy, vì lòng hiếu thuận,[24] họ nên[25] nghĩ về cha mẹ của họ, người đã sinh ra họ (所生父母), và tổ tiên bảy đời của họ. Vì lợi ích của những người này, (họ nên) sắm sửa những chiếc bát Vu lan và dâng chúng cho Phật và Tăng chúng (作盂蘭盆施佛及僧), và như vậy báo đáp được ân thương yêu của cha mẹ họ, những người nuôi dưỡng họ. Tất cả những đệ tử Phật nên phụng hành theo lời dạy (法) này.”

Lúc bấy giờ, khi nghe những gì Đức Phật thuyết giảng, Tỳ-kheo Mục-liên và bốn hàng (四輩) đệ tử[26]hoan hỷ phụng hành.

3. Lễ Tự tứ và việc dâng cúng của người tại gia

Những gì Đức Phật dạy trong bản kinh này là rằng, những người muốn thực hành hiếu và cứu cha mẹvà tổ tiên bảy đời của họ thoát khỏi cảnh khổ, thì vào ngày lễ Tự tứ (自恣/Pravāraṇā), tức là vào ngày 15 tháng Bảy, nên dâng cúng thức ăn được đặt trong những chiếc bát cho Tăng chúng trong mười phương, những người đang tham dự lễ Tự tứThực phẩm ấy được gọi là Bát-hòa-la phạn (鉢和羅飯). Ngoài ra, vì thức ăn này được đặt trong những chiếc bát Vu lan (以百味飮食安盂蘭盆中), nên chính thứcăn đó cũng được gọi là “Vu lan bồn” (盂蘭盆).

Pravāraṇā (Pāli: Pavāraṇā), Hán dịch là Tự tứ (自恣) và Tùy tức (隨意), là một buổi lễ được chư Tăng tổ chức vào cuối ba tháng an cư mùa mưa. Trong Phật giáo Theravāda và ở Nepal, nó từng và vẫn được tổ chức vào ngày trăng tròn tháng Bảy hoặc tháng Tám, tức là tháng Āśvina (tháng Chín đến tháng Mười) hoặc tháng Kārttika (tháng Mười-tháng Mười một) - gần đầu tháng Caitra (tháng Ba-Tư) ở Ấn Độvà những quốc gia Nam Á. Ở Đông Á, lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy hoặc tháng Tám âm lịch, nơi năm mới bắt đầu vào tháng Giêng hoặc tháng Hai. Vào ngày này, mỗi vị Tăng đến trước chúng Tăng sám hối tội lỗi mà vị ấy có thể phạm trong kỳ an cư mùa mưa và mong được xá tội.[27] Những thủ tục của ngày Tự tứ được mổ tả trong các tạng Luật (Vinaya) khác nhau.[28]

Luật tạng Pāli nói rằng, vào ngày Tự tứ, người dân địa phương đến trú xứ của chư Tăng và cúng dườngcho đến gần hết đêm.[29]

Bản dịch Tạng ngữ và Hán ngữ[30] Pravāraṇāvastu (Tự tứ pháp) của Căn bản thuyết Nhất thiết hữu bộ(Mūlasarvāstivādin) cũng nói như sau, về những người tại gia thăm viếng cộng đồng Tăng lữ với những phẩm vật cúng dường vào ngày đó:

Ngoài ra, vào chính ngày 15, tức là ngày Tự tứ (Pravāraṇā), vua, hoàng hậu, thái tử, đại thần, quan lại, thị dân và dân làng cùng đi đến chùa (ārāma). Bấy giờ nhà vua cúng dường rất nhiều y phục và đồ ăn thức uống khác (āmiṣa-lābha, 諸飲食) cho Tăng chúng; hoàng hậu, thái tử, đại thần, quan lại, thị dân và dân làng cũng làm như vậy, cúng dường nhiều y phục và đồ ăn thức uống cho Tăng chúng. Vị Tỳ-kheo phụ trách thuyết pháp cũng thuyết giảng suốt đêm.[31]

Luật tạng của Đại chúng bộ (Mahāsāṃghika) cũng nói:

Nếu những Tỳ-kheo, những người trải qua kỳ an cư mùa mưa ở trong một ngôi làng, nghe rằng ở thành phố nọ có cúng dường vật phẩm và thuyết pháp suốt đêm vào ngày Tự tự, và tất cả họ muốn đến (thành phố đó), họ nên thực hiện lễ Tự tứ vào ngày 14 và sau đó đến đó.[32]

Lại nữa, nhà chiêm bái nổi tiếng Trung Quốc là Nghĩa Tịnh (義淨, 635-713 TL), người đã đến Ấn Độ vào cuối thế kỷ VII và tu học ở đó 25 năm, sau đó quay trở về Trung Quốc và dịch nhiều kinh-luật, đã mô tảchi tiết lễ Tự tứ mà ông đã chứng kiến ở trong Nam hải ký ky nội pháp truyện (南海寄歸内法傳).[33] Ở chương XV, Về ngày Tự tứ, ông miêu tả như sau:[34]

Vào ngày kỳ an cứ kết thúc và hết năm, nên tùy ý[35] chỉ ra những lỗi lầm của người khác, như mình muốn, theo ba điểm (đó là những gì mình thấy, nghe và nghi). Rồi theo sự nhận tội và sám hối. Trước đó Pravāraṇā được dịch là tự tứ (自恣),[36] tức theo nghĩa của nó là “tùy ý”.

Vào đêm mười bốn, hội chúng mời một vị giáo thọ an tọa trên một chỗ ngồi cao và tụng một bản kinh, khi ấy những cư sĩ tại gia cũng như chư Tăng tụ hội lại với nhau giống như mây (quần tụ lại). Họ liên tụcđốt đèn và dâng cúng hương hoa. Vào buổi sáng tiếp theo, tất cả họ đi quanh làng và thành phố và phụng cúng tất cả điện thờ (kaitya) với tâm thành kính.

Họ mang những chiếc xe ngựa có tầng, những bức tượng trong những chiếc kiệu; trống và âm nhạcvang vọng cả bầu trời, cờ phướn và dù lộng được kéo lên cao theo thứ bậc cân đối; điều này được gọi là sāmagrī, mà nó được dịch là “hòa hợp” hay “tụ hội cùng nhau”. Tất cả những ngày Upasatha lớn là những ngày giống như ngày này. Điều này là những gì ở Trung Quốc chúng ta gọi là “Lễ diễu hành quanh phố”. Vào đầu buổi sáng (9-11h), họ trở lại tu viện. Vào buổi trưa họ tiếp tục lễ Upavasatha lớn, và vào buổi chiều tất cả tập họp lại, mỗi người nắm một búi cây cói tươi. Cầm bằng tay hay lấy chân dẫm lên trên nó tùy theo họ muốn, đầu tiên là những vị Tỳ-kheo, kế tiếp là Tỳ-kheo-ni, sau đó là ba lớp thành viên thấp hơn. Nếu sợ rằng thời gian kéo quá dài do đông người, Tăng đoàn sẽ chỉ dẫn cho nhiều thành viên đi cùng nhau và nhận lễ Pravāraṇa. Mỗi khi ai đó bị chỉ ra phạm tội, người ấy sẽ sám hối theo luật.

Vào lúc này, người cư sĩ tại gia hoặc phát quà, hoặc chính Tăng đoàn sẽ phát, và tất cả các loại quà được mang ra trước hội chúng. Bấy giờ năm vị cao đức nên hỏi những những vị Thượng tọa/Sthavira (其五徳應問上坐云): “Những thứ này có thể cúng dường cho thành viên của Tăng đoàn và họ có thể sở hữu chúng hay không?” Những vị Thượng tọa (là những người đứng đầu hội chúngtrả lời: “Vâng, họ có thể”. Sau đó tất cả y áo, dao, kim, dùi v.v… được nhận và được phát đồng đều. Như vậy là lời dạy (của Đức Phật). Lý do tại sao họ tặng kim và dùi vào ngày này là vì rằng họ muốn người nhận có được hiểu biết và trí tuệ sắc bén. Khi lễ Tự tứ ấy kết thúc, tất cả theo đường của họ mà về. Nếu họ thực hiện đầy đủ thời gian cư ngụ vào mùa hè thì không cần phải trải qua một đêm ở đó. Điều này được giải thích đầy đủ nơi khác, và tôi sẽ không nói chi tiết ở đây.

Như vậy, rõ ràng là ở Ấn Độ, dân chúng đã cúng dường vào ngày lễ Tự tứ, như được nói trong kinh Vu lan bồn.

Trong Phật giáo Theravāda, lễ Tự tứ vẫn được tổ chức vào ngày này. Nó được gọi là Wan Ok Phansa trong tiếng Thái và Boun Awk Phansa trong tiếng Lào. Nó cũng được đề cập đến như là Mahāpavāraṇā. Ngày này rơi vào ngày trăng tròn tháng trăng thứ 11 (tháng 10). Vào lúc bình minh hay buổi sáng, người tại gia đến chùa cúng dường thực phẩm và những vật dụng thiết yếu khác cho chư Tăng để cầu phước; và chư Tăng đáp lại việc cúng dường ấy bằng việc thuyết pháp cho họ. Vào buổi tối, hoặc có những buổi rước đèn được tổ chức quanh các ngôi chùa hoặc dân chúng thả những “chiếc thuyền” nhỏ được làm bằng thân hoặc lá chuối, trang trí bằng đèn nến và hoa, thả xuống sông hay suối.[37]

4. Hiếu, cứu độ cha mẹ và tổ tiên quá vãng

Kinh Vu lan bồn thường bị xem là một ngụy tác. Một trong những lý do cho việc quy ghép này là vì hiếu thuận (孝順) được đề cao trong bản kinh này. Quan điểm rằng hiếu là tư tưởng đặc trưng của truyền thống Trung Quốc và xa lạ với Phật giáo thường được tìm thấy trong những cuốn sách và bài viết về Phật giáoTuy nhiên điều này không đúng.[38] Ví dụ, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt (Siṅgālovāda-sutta) thuộc Trường bộ (Dīghanikāya), mà nó có những bản tương ứng bằng tiếng Sanskrit và Hán ngữ của những tông phái khác nhau,[39] miêu tả bổn phận của người cư sĩ đối với cha mẹ của mình như sau:

Bằng năm cách một người con nên chăm sóc cha mẹ của mình như phương Đông: (Người con nên nghĩ): “Đã từng được cha mẹ nuôi nấng, bây giờ ta phải nuối nấng cha mẹ; ta phải thực hiện những bổn phận của mình đối với họ; ta phải giữ gìn dòng dõi gia đình; ta phải quản lý tài sản thừa kế (một cách đúng đắn); ta phải dâng cúng cho cha mẹ khi họ qua đời (petānaṃ kālakatānaṃ dakkhiṇaṃanuppadassāmi). (DN III 189.5-9).

Lại nữa, chúng ta thấy một số bản chữ khắc bằng tiếng Kharoṣṭhī từ Ấn Độ và Pakistan nói rằng người ta xây chùa và tạc tượng cúng dường cho Tăng đoàn vì cha mẹ quá vãng của họ.[40] Ví dụ, một bản khắc chữ Kharoṣṭhī nơi bệ một bức tượng Bồ-tát được cho là từ Landi Kotal (một thành phố nhỏ nằm trên đỉnh Khyber Pass) ở Pakistan đã viết như sau:

Một sự cúng dường cho các Tăng đoàn (trong bốn phương). Đây là một sự dâng cúng (pūjā) vì cha mẹquá cố (của chúng tôi)! Đây là một sự dâng cúng (pūjā) vì đạo sư Saṃghārāma quá vãng![41]

Cứu độ cha mẹ quá vãng ở nơi thế giới preta (quỷ đói) đôi khi được xem là xa lạ đối với Phật giáo Ấn ĐộTuy nhiên, Takashi Irisawa (1990: 154) và Akira Fujimoto (2003) đã chỉ ra rằng, có những câu chuyện trong văn học Pāli và Sanskrit đã mô tả việc những đệ tử Phật cứu độ các preta.

Trong Petavatthuchúng ta thấy có một câu chuyện giống với kinh Vu lan bồn, đó là Sāriputtattherassa mātupetīvatthu (Chuyện người mẹ Petī của Trưởng lão Xá-lợi-phất; Pv, no. 14), ở đó Xá-lợi-phất (Sāriputta, Śāriputra) đã cứu mẹ của mình, người tái sinh làm một nữ quỷ (petī), bị khổ sở vì đói khát và ăn máu mủ của người lẫn thú vật. Bà kêu cầu con bà là Xá-lợi-phất hãy cứu bà: “Con ơi, hãy bố thí cho mẹ, và khi con bố thí cho mẹ (uddisāhi me) - chắc chắn rằng khi ấy mẹ sẽ không còn phải ăn máu mủnữa”.[42] Sau khi nghe mẹ nói, Xá-lợi-phất “dựng bốn túp lều và dâng những túp lều đó cùng với thức ăn đồ uống cho Tăng đoàn trong bốn phương và sau đó hồi hướng việc bố thí đó cho mẹ của mình (mātu dakkhiṇāya ādisi). Ngay khi ông hồi hướng việc làm này, kết quả liền có mặt. Thức ăn, đồ uống và y phục là kết quả của sự bố thí này (dakkhiṇāya). Ngay sau đó, người mẹ trở nên sạch sẽ, được khoác áo quần mới sạch, mang những thứ xinh đẹp hơn đồ của xứ Kāsi (Ca-thi)…”.[43]

Ngoài ra, Irisawa (1990: 154) cũng cho biết rằng có những câu chuyện ở trong Avadānaśataka (nos. 41-45 = T. 4, no. 200, 222b-224c) có những mô-típ giống như kinh Vu lan bồnĐặc biệt câu chuyện số 45 (Avś I 256f.) rất giống với bản kinh này. Câu chuyện kể rằng Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana) đã gặp năm trăm preta trên đường đến Rājagṛha. Những vị này đã giải thích cho ngài cách họ trở thành những preta và yêu cầu ngài truyền đạt cho bà con của họ ở Rājagṛha về quả bảo những việc làm xấu ác của họ. Họ cũng yêu cầu ngài đề nghị bà con của họ “tùy hỷ cúng dường” (chandakabhikṣaṇaṃ)[44] thực phẩm cho Tăng đoàn với Đức Phật là người đứng đầu, và vì họ mà hồi hướng phước đức có được từ những việc bố thí này (asmākaṃ nāmnā dakṣiṇādeśanāṃ kārayitvā),[45] để họ có thể giải thoát khỏi cảnh giới preta.[46] Sau khi đồng ý làm như vậy, Mục-kiền-liên viếng thăm bà con của các preta này và bảo họ chuẩn bị “tùy hỷ cúng dường” và thỉnh mời Tăng đoàn với Đức Phật là người đứng đầu đến vào ngày hôm sau. Sau khi đã làm như vậy, ngài bảo với cả các preta và thân quyến của họ rằng họ sẽ gặp nhau vào ngày hôm sau.

Vào sáng hôm sau, khi thực phẩm được chuẩn bị và đúng giờ đã định, các preta không xuất hiện. Mục-kiền-liên cố dùng thần lực tìm kiếm họ nhưng không có kết quả; ngài không nhìn thấy họ bất kỳ nơi đâu trong toàn thế giớiLo lắng, ngài đến gặp Phật và bạch với Phật rằng ngài không thể nhìn thấy những người bố thí (dānapati). Đức Phật trả lời rằng họ đã bị ngọn gió nghiệp (karmavāyu) thổi bay đi và rằng có vô số thế giới mà nó vượt qua khả năng nhìn thấy của các Thanh văn và Bích Chi Phật. Sau đó, nhờ vào năng lực thần thông của Phật, các preta nhìn thấy cảnh Đức Phật và chư Tăng đang thọ thực. Các preta cũng nhớ lại việc những người thân của họ vì họ mà cúng dường cho Đức Phật và chư Tăng. Sau đó, Đức Phật hồi hướng phước đức bố thí (dakṣiṇām ādiśati) như sau: “Nguyện hồi hướng phước đứcbố thí này đến các preta! Nguyện họ sẽ thoát khỏi thế giới preta đáng sợ!” Nhờ tin vào Đức Phật, những preta đã sinh vào cõi trời Tam thập tam (Trāyastriṃśat) sau khi mạng chung.

Như vậy, hiếu và cứu độ cha mẹ và tổ tiên quá vãng, như được miêu tả trong kinh Vu lan bồn, mà nó thường được xem là xa lạ với Phật giáo Ấn Độ, sự thực được chứng thực rõ nguồn văn học của nó.

5. Những giải thích thức trước đây về Vu lan bồn (盂蘭盆)

5.1. Giải thích của Huyền Ứng (玄應)

Nghĩa của Vu lan bồn đã được thảo luận rộng rãi hơn một thế kỷ, và một số lượng lớn các bài viết và sách vở nhằm giải quyết từ ngữ khó hiểu này đã được xuất bản. Tôi sẽ không liệt kê những nghiên cứuđó và thay vì vậy xin giới thiệu cho độc giả quan tâm những tác giả sau để đọc thêm: Ashikaga 1951, Teiser 1988: 21-25, và Irisawa 1990: 159-166.[47] Tất cả những bối rối quanh nghĩa của từ này xuất phát từ giải thích sai lầm của Huyền Ứng trong Nhất thiết kinh âm nghĩa (一切經音義), mà nó được xuất bản vào năm 650 TL. Giải thích của ông về từ này như sau:

Vu lan bồn (盂蘭盆). Từ này bị sai. Hình thức đúng là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), có nghĩa là “treo ngược”. Theo phong tục Ấn độ, vào ngày Tự tứ (Pravāraṇā) của Tăng đoàn, (những người tại gia) chuẩn bị nhiều thí phẩm và cúng dường cho Tăng đoàn để tổ tiên quá vãng của họ được cứu thoát khỏi sự đau đớncùng cực của việc bị treo ngược. Do đó, một quyển sách thế tục ở đó (tức ở Ấn Độ) nói: “Nếu một thân quyến quá vãng đã phạm những tội ác, và vị ấy không có con cháu, và không có ai phụng cúng chư thần linh để thỉnh cầu họ cứu giúp người ấy, thì người ấy sẽ chịu khổ đau cùng cực của việc b