Cách tiếp cận của Phật giáo với phát triển bền vững: Liên hệ thực tiễn ở vương quốc Bhutan và gợi mở cho Việt Nam

cach tiep can

CÁCH TIẾP CẬN CỦA PHẬT GIÁO VỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG:

LIÊN HỆ THỰC TIỄN Ở VƯƠNG QUỐC BHUTAN VÀ GỢI MỞ CHO VIỆT NAM

Thích thanh tâm

 

Tóm tắt

Phật giáo đã và đang góp phần lý giải thấu đáo về nguyên nhân của sự phát triển không bền vững trong đời sống kinh tế xã hội hiện nay. Với giáo lý nhân duyên, duyên khởi, Phật giáo đã khiến nhận thức của con người thay đổi vì mình vì người. Mặt khác, tự thân Phật giáo cũng có những yếu tố bền vững và điều chỉnh hướng phát triển đáp ứng vai trò của mình đối với yêu cầu xã hội đặt ra.

Việc nghiên cứu cách tiếp cận của Phật giáo đối với vấn đề phát triển bền vững sẽ giúp cho các quốc gia, đặc biệt là ở một số quốc gia châu Á - nơi tư tưởng Phật giáo có ảnh hưởng lớn, gia tăng nhận thức và hành động về chiến lược phát triển bền vững trên quy mô toàn cầu cũng như ở từng quốc gia.

Cách tiếp cận ấy được liên hệ thực tiễn đến vương quốc Phật giáo Bhutan với hệ giá trị Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) - do cựu quốc vương Phật tử Bhutan Jigme Singye Wangchuck đề xuất xây dựng mô hình phát triển để đo lường nếp sống người dân - là cách tiếp cận toàn diện và bền vững cho sự phát triển cân đối giữa vật chất và các giá trị phi vật chất với niềm xác tín con người muốn tìm kiếm hạnh phúc thật sự. Từ đó, gợi mở phát triển bền vững kinh tế - xã hội Việt Nam phù hợp với hướng đi của nhân loại.

Từ khóa: phát triển bền vững, hệ giá trị GNH, bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hóa

1. Cách tiếp cận của Phật giáo với phát triển bền vững

1.1 Phát triển bền vững (PTBV) là gì?

Khái niệm phát triển bền vững xuất hiện trong phong trào bảo vệ môi trường từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ XX. Năm 1987, trong báo cáo Tương lai chung của chúng ta của hội đồng thế giới về môi trường và phát triển của LHQ, phát triển bền vững được định nghĩa là “sự phát triển nhằm thoả mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thoả mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai”.[21] 

Trong hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển tổ chức ở Rio de Janeiro (Braxin) năm 1992 và hội nghị thượng đỉnh thế giới về phát triển bền vững ở Johannesburg (Cộng hoà Nam Phi) năm 2002 đã xác định phát triển bền vững là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa ba mặt của sự phát triển, gồm: phát triển tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, và bảo vệ môi trường. Tiêu chí để đánh giá phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao được chất lượng môi trường sống.

Như vậy, “Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, do đó đã được các quốc gia trên thế giới đồng thuận xây dựng thành chương trình nghị sự cho từng thời kỳ phát triển của lịch sử”.[19] Tại hội nghị thượng đỉnh trái đất về môi trường và phát triển được tổ chức năm 1992 ở Braxin, 179 nước tham gia hội nghị đã thông qua Tuyên bố Rio de Janeiro về môi trường và phát triển bao gồm 27 nguyên tắc cơ bản và chương trình nghị sự 21 về các giải pháp PTBV chung cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Hội nghị khuyến nghị từng nước căn cứ vào điều kiện và đặc điểm cụ thể để xây dựng chương trình nghị sự 21 ở cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương. Mười năm sau, tại hội nghị thượng đỉnh thế giới về PTBV tổ chức năm 2002 ở Johannesburg, 166 nước tham gia hội nghị đã thông qua Bản tuyên bố Johannesburg và Bản kế hoạch thực hiện về PTBV, khẳng định lại các nguyên tắc đã đề ra trước đây và tiếp tục cam kết thực hiện đầy đủ chương trình nghị sự 21 về PTBV.

1.2 Cách tiếp cận của Phật giáo với phát triển bền vững

Thế giới hiện đang đứng trước nguy cơ phát triển thiếu bền vững. Sự bất bình đẳng thể hiện dưới nhiều dạng, ngay trong vấn đề PTBV. Từ nguồn tài nguyên thiên nhiên cho đến cam kết gìn giữ và bảo tồn đang gặp khó khăn và hầu như không thể giữ gìn và bảo quản tài nguyên trước tác động của hiện đại hóa, toàn cầu hoá. Bên cạnh đó, xã hội hiện đại còn mắc phải căn bệnh trầm kha về thương tổn tinh thần và sự thiếu hụt đời sống bên trong, như một phản ánh tất yếu sự phát triển thiếu cân bằng của đời sống vật chất bên ngoài. Sự chuyển đổi của văn hóa xã hội và đời sống chính trị đã cá nhân hoá đời sống làm cho con người dần thiếu ý thức về cái chung, về cộng đồng. Điều này khiến con người trở nên khó tìm được điểm thăng bằng giữa sự tự do và an toàn mà thay vào đó là “bất ổn của sự tồn tại” đã trở thành điều kiện phổ quát cho sự sống con người.

Vì thế, cách tiếp cận của Phật giáo với PTBV là một phương cách để điều chỉnh và loại bỏ những trở ngại cho định hướng PTBV. Với thuyết Duyên khởi (縁起, pratītyasamutpāda), sự hiện hữu của mọi vật lệ thuộc vào nhau, không ngoại trừ ai hay ngoại trừ cái gì, nên việc bám vào ý nghĩ về sự hiện hữu riêng biệt là không thực tế. Mối tương quan lẫn nhau giữa người với người, người với tự nhiên được Đức Phật thể hiện bằng khái niệm “trùng trùng duyên khởi”. Trong mối tương duyên không ngừng nghỉ ấy, con người vừa như một sản phẩm tự ý thức của thiên nhiên lại vừa lệ thuộc vào thiên nhiên. Phật giáo không tuyệt đối hóa năng lực của con người, không cho rằng con người có thể tách ra và đối lập trở lại với những gì đã sinh tạo ra mình bằng thái độ chiếm hữu.

Từ một tầm nhìn như vậy, Phật giáo chủ trương yêu thương tất cả, vì hành vi của ta đối xử với thế giới như thế nào cũng chính là cách ta tự đối xử với chính mình như vậy. Tầm vóc nhỏ bé hay lớn lao của con người tuỳ thuộc vào việc có nhận thức ra và thể hiện mối tương quan vô tận giữa mình với thế giới xung quanh hay không, hay chỉ gói gọn mình trong sự thỏa mãn những giác quan thể chất cá nhân. Không dừng lại ở triết lý, đạo Phật đòi hỏi con người phải hiện thực hóa nhận thức đó bằng hành động và năng lực qua việc tu tập và chuyển hóa những giới hạn hẹp hòi từ bên trong, nhằm đạt tới mục đích cứu cánh là sự an lạc tuyệt đối. Vì thế, Phật giáo nhấn mạnh đến một triết lý dấn thân, những hành trang con người cần mang theo là sự kết hợp biện chứng của tất cả các phẩm chất và năng lực: “Từ bi về đạo đức, trí tuệ về lý tính, dũng cảm về hành động, cái này lấy cái kia làm nền tảng cho mình để cuối cùng đạt đến sự giác ngộ, an lạc trên cơ sở thống nhất đó”.[13]

Cho nên, từ góc nhìn phát triển toàn diện con người, lịch sử xã hội hiện thực là một tiến trình phát triển con người kinh tế. Các chính phủ đang ra sức cạnh tranh kinh tế bằng mọi giá. Lợi nhuận đem lại từ xã hội tiêu dùng thúc đẩy việc tạo ra hàng hóa để con người ngày càng tiêu dùng nhiều hơn nữa, thỏa mãn đòi hỏi nhu cầu và cơn khát lợi nhuận. Những say mê không giới hạn của con người đối với hàng hóa vật chất đã vô tình dẫn tới việc bóc lột các nguồn tài nguyên thiên nhiên, phá vỡ sự cân bằng và mối tương sinh giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người. Chuỗi hệ quả cho sự “vô minh” ấy của con người là những nguy cơ hủy diệt sự sống từ thiên nhiên và huỷ diệt con người từ chính con người. Vì thế, cách tiếp cận của Phật giáo là, bất cứ sự phát triển nào không đem lại sự tăng trưởng về đời sống đạo đức và hạnh phúc bình an về tâm linh cho con người thì đó không thể là sự PTBV.

Tóm lại, cách tiếp cận của Phật giáo về PTBV thể hiện, thứ nhất, về lĩnh vực kinh tế. Hiện nay, nhiều nhà kinh tế lấy tiêu chuẩn tăng trưởng kinh tế ngắn hạn để đánh giá sự phát triển của quốc gia, mà quên hệ lụy từ việc tăng trưởng kinh tế không gắn với PTBV. Do đó, cách tiếp cận của Phật giáo đã tái tạo một nền kinh tế bền vững ở hai phương diện: ứng xử với nguồn lực tự nhiên và ứng xử với nguồn lực con người. Cho nên, các hoạt động kinh doanh phải luôn chú trọng bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái.

Thứ hai, về lĩnh vực xã hội. Trong các giá trị xã hội, việc ưu tiên giá trị cộng đồng hay đề cao giá trị đạo đức xã hội là một đặc điểm nổi bật trong đời sống dân tộc. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để các giá trị đạo đức Phật giáo thực sự bén rễ và phát triển trong lòng dân tộc Việt Nam, giúp cho con người ý thức về vai trò hành động của mình trong các lĩnh vực hoạt động xã hội, sao cho phù hợp với quy luật, tạo cơ sở đảm bảo cho sự tiếp tục phát triển ở tương lai. Từ đó, những chuẩn mực đạo đức ấy có tác động nhất định đến nền đạo đức của dân tộc Việt Nam, góp phần bổ khuyết những giá trị đạo đức mới, cũng như làm phong phú và sâu sắc thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Sự kết hợp hài hòa giữa đạo với đời, giúp xây dựng cho mình cuộc sống đầy tình người, góp phần ổn định trật tự an toàn xã hội tiến dần đến sự bền vững con người, bền vững xã hội.

Thứ ba, về lĩnh vực môi trường. Thảm họa về sinh thái và môi trường đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, nhưng vì nhu cầu cuộc sống, con người vẫn bóc lột tự nhiên bất chấp sự phản ứng của tự nhiên. Giáo lý Phật giáo coi trọng bảo vệ môi trường, sống hòa hợp thiên nhiên, dù có tác động vào tự nhiên thì cũng đặt trong mối quan hệ biện chứng. Điều này thể hiện rõ ràng nơi thuyết duyên khởi. Cho nên, việc tác động vào giới tự nhiên một cách tiêu cực, con người không sớm thì muộn cũng phải chịu chung số phận.

Tóm lại, cách tiếp cận của Phật giáo với PTBV là làm sao xây dựng được một xã hội tỉnh thức, và tự chuyển hóa nội tâm của mỗi người cũng quan trọng như việc nhà nước hoạch định chính sách ở tầm vóc quốc gia, vì một khi đã vượt qua giới hạn hẹp hòi của dục lạc cá nhân. Không cần phải thuyết phục toàn thể xã hội trở nên khiêm tốn hơn mà phải bắt đầu với hạnh phúc cá nhân, giúp đỡ người khác và cảm thấy là người khác quan trọng như chính mình. Vì thế, những cách tiếp cận về PTBV theo tinh thần Phật giáo không dừng lại ở lý thuyết mà đã đi vào thực tế như trường hợp của Bhutan với chỉ số GNH.

2. Liên hệ thực tiễn tại Vương quốc Phật giáo Bhutan

2.1 Mô hình phát triển bền vững GNH Bhutan

Vương quốc Phật giáo Bhutan, là đất nước Phật giáo nên giáo lý được dùng như kim chỉ nam trong cuộc sống thường nhật của người dân và là nền tảng cơ bản để xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách phát triển quốc gia. Khi thế giới lao đao trước những cơn khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên thì Bhutan - qua nhiều năm phát triển, bên cạnh quá trình toàn cầu hóa, vẫn giữ được những nét vốn có từ thế kỷ XVII - lại càng nổi lên như một quốc gia đi đầu, định hướng được cách phát triển bền vững, bởi ý tưởng GNH phát xuất từ nền tảng giáo lý “thiểu dục tri túc” mà cựu Quốc vương Jigme Singye Wangchuck đề ra như là mục tiêu phát triển hàng đầu bàng bạc trong tinh thần chính trị Bhutan.

Cựu quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck là nhà cải cách, một kiến trúc sư cho việc bảo vệ môi sinh. Ngài kế tục con đường giáo dục, kinh tế và ngoại giao để phát triển những thành quả tốt đẹp mà vua cha để lại; giữ gìn truyền thống văn hóa cổ truyền và chủ trương một quốc gia, một dân tộc dân chủ. Nhà vua đẩy mạnh hiện đại hóa giáo dục, nâng cấp hệ thống y tế và chủ trương miễn phí giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội. Đồng thời, qua những hình mẫu phát triển của nước ngoài, nhà vua thấy người dân không hạnh phúc khi khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng, phúc lợi xã hội không được đảm bảo, môi trường bị phá hủy trầm trọng từ quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế. Sau bao băn khoăn, trăn trở, ông đã tìm kiếm và tự xây dựng một mô hình phát triển bằng sự cân đối giữa giá trị vật chất với giá trị tinh thần thông qua chỉ số GNH.

Tháng 4/1986 GNH xuất hiện trong một cuộc phỏng vấn nhà vua đăng trên tờ Financial Times của London với tiêu đề của bài viết là “Tổng hạnh phúc quốc gia quan trọng hơn tổng sản phẩm trong nước.”[1] Từ đó, Bhutan đã định hướng xây dựng chính sách quốc gia và kế hoạch phát triển theo tiêu chí GNH. Nhìn chung, GNH tạo ra một xã hội hay quốc gia, trong đó hạnh phúc là mục tiêu của quản trị. Mục đích của chính phủ là tạo ra hạnh phúc tập thể, bởi vì hạnh phúc tập thể phụ thuộc vào hai điều mà chúng ta nuôi dưỡng và bảo vệ là các mối quan hệ và môi trường. Khía cạnh cơ bản đầu tiên của hạnh phúc là mối quan hệ. Khía cạnh quan trọng thứ hai là môi trường, nhưng nếu không có khía cạnh mối quan hệ thì khía cạnh môi trường cũng không thể được duy trì.  Do đó, Chính phủ Butan đánh giá mô hình phát triển bền vững dựa trên 4 lĩnh vực:

1. Phát triển kinh tế - xã hội bền vững:

Butan tập trung vào y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội. Butan đưa ra tiêu chuẩn sống cao hơn và tiếp cận với tiện nghi hiện đại và công nghệ trên mọi khu vực của đất nước. Yếu tố quan trọng của sự tăng trưởng này là phát triển bình đẳng, để những lợi ích của phát triển đến được những người nghèo nhất và yếu thế nhất. Butan đã đạt được sự phát triển ấn tượng và cải thiện cuộc sống của nhiều người, đặt nền móng cho sự phát triển nhanh hơn, công bằng hơn và nhân đạo hơn.

2. Bảo vệ môi trường:

Được ghi nhận trong hiến pháp là quyết tâm và cam kết duy trì ít nhất 60% diện tích cả nước có rừng che phủ. Hiện nay, 72% diện tích của Butan là rừng và hơn 1/3 nằm trong mạng lưới các khu bảo tồn. Nhiều người dân Butan khi được hỏi về lý do tại sao luôn có ý thức cao đối với môi trường thì đều có chung một đáp án là con người sống chung với thiên nhiên, đối xử với môi trường như thế nào thì sẽ được nhận lại như vậy.

3. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa:

Kiến trúc riêng biệt, các giá trị văn hóa, các nghi lễ truyền thống... là tất cả các khía cạnh cuộc sống mà người dân Butan muốn gìn giữ, bảo tồn. Thách thức hiện nay đối với quốc gia này là khôi phục và duy trì những yếu tố đó thông qua việc bảo tồn văn hóa.

4. Thúc đẩy quản trị tốt:

Thế giới đang theo dõi tiến trình dân chủ mới ở Butan, và những nỗ lực để thành công với quản trị tốt là một ưu tiên để đất nước này thể hiện với thế giới. Với nền dân chủ này, chính phủ phản ánh ý kiến của người dân, và người dân chủ động hơn trong tham gia đóng góp sự thay đổi.

2.2 Kết quả khảo sát mô hình GNH trong thực tế vận hành

Từ đó, để hoàn thiện mô hình PTBV, Bhutan đã thành lập Ủy ban Tổng hạnh phúc quốc gia, dưới sự chủ trì của thủ tướng để sàng lọc tất cả các đề xuất chính sách mới được đưa ra bởi cơ quan chính phủ. Bhutan đã tiến hành ba cuộc điều tra toàn quốc về GNH trong năm 2008, 2010 và 2015, các dữ liệu thu thập được cung cấp cho Chính phủ một cái nhìn sâu sắc vào chất lượng cuộc sống. Để thực hiện các cuộc khảo sát trên, Bhutan xây dựng tiêu chuẩn khảo sát dựa trên các tiêu chí. Thứ nhất, phải phản ánh được các giá trị chuẩn mực GNH được nêu trong các văn bản chính thức như các kế hoạch phát triển quốc gia; phản ánh các giá trị chuẩn mực phù hợp các nền văn hóa và truyền thống của Bhutan. Thứ hai, các chỉ số liên quan đến thống kê tài sản phải được phân tích chi tiết để đảm bảo độ chắc chắn. Thứ ba, các chỉ số được lựa chọn sẽ phản ánh chính xác hạnh phúc đã hoặc đang diễn ra ở các vùng khác nhau theo thời gian và giữa các nhóm khác nhau. Thứ tư, các chỉ số nêu ra phải thích hợp để hành động chung, nghĩa là mang tính chung nhất, và dễ hiểu đối với mọi người. Vì thế, qua các cuộc khảo sát, “kết quả chỉ ra rằng mô hình mới này mạnh hơn so với GDP và khẳng định GNH là một mô hình phát triển bền vững khả thi.”[22]

  Bắt đầu từ năm 2005, chính phủ Bhutan quyết định tạo ra một thước đo các chỉ số GNH, nhằm xác định kế hoạch và chính sách xây dựng đất nước. Năm 2006, tiến hành một cuộc điều tra thí điểm, nhằm phục vụ việc thiết kế bảng câu hỏi và (1) thiết lập một khuôn khổ cho sự phát triển của các phương án; (2) cho từng ngành chỉ số định hướng phát triển; (3) trong phối hợp giữa các mục tiêu và công cụ sàng lọc GNH, việc phân bổ hiệu quả các nguồn lực; và (4) đo mức độ hạnh phúc và phúc lợi của công dân; (5) đo mức độ tiến bộ; (6) mức độ phát triển của các so sánh giữa các quốc gia. Tháng 12/2007, việc khảo sát lại được thực hiện, song do hạn chế về ngân sách nên các cuộc khảo sát chỉ cho 12 khu vực.[2]

Do đó, trong khảo sát năm 2010, Bhutan chia thành bốn nhóm tùy thuộc vào mức độ hạnh phúc: 50%, 66%, và 77%. Những người đã đạt được đầy đủ ít hơn 50% là không hài lòng, chỉ chiếm 10,4% dân số; có 48,7% số người đạt mức độ từ 50-65% gọi là cận hạnh phúc. Nhóm chiếm 32,6%, được gọi là rộng rãi hạnh phúc, vì đạt 66-76% trong khoảng từ sáu đến bảy lĩnh vực. Và ở nhóm cuối cùng, 8,3% số người được xác định là vô cùng hạnh phúc vì đạt trên 77%. Đó là khảo sát được báo cáo theo giới tính, theo khu vực nông thôn-thành thị.[3]

2010 GNH

Mức độ:

Chiếm tỷ lệ dân số:

Vô cùng hạnh phúc

77%-100%

8.3%

Rộng rãi hạnh phúc

66%-76%

32.60%

Cận hạnh phúc

50%-65%

48.7%

Không hài lòng

0-49%

10.4%

Đến năm 2015, theo khảo sát đánh giá mới nhất do The Center for Bhutan studies and GNH Research công bố trong A Compass Towards a Just and Harmonious Society, trang 6:

2015 GNH

Mức độ:

Chiếm tỷ lệ dân số:

Vô cùng hạnh phúc

77%-100%

8.4%

Rộng rãi hạnh phúc

66%-76%

35.0%

Cận hạnh phúc

50%-65%

47.9%

Không hài lòng

0-49%

8.8%

3. Hướng gợi mở PTBV kinh tế - xã hội Việt Nam phù hợp thời đại mới

Với Việt Nam, “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã trở thành tôn chỉ quốc gia nên luôn cam kết nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững nhằm đem lại hạnh phúc. Vì thế, trong xu thế phát triển kinh tế xã hội bền vững của thế giới, cũng như tình hình kinh tế, chính trị ở Việt Nam trong dòng chảy đó, thì việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cũng như bảo vệ môi trường là hai hướng phát triển khả thi nhất cho Việt Nam trong giai đoạn này.

Thứ nhất, giữ gìn bản sắc văn hóa. Toàn cầu hóa đã và đang tạo nên xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có thách thức về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc cũng như bảo vệ môi trường sống. Cho nên, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc như một sức mạnh nội sinh để phát triển trên nền tảng kế thừa di sản văn hóa của cha ông, kết hợp học hỏi những tinh hoa văn hóa nhân loại cần được đặc biệt chú trọng.

Trong quá trình phát triển Việt Nam hiện nay, mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa chưa thực sự được tôn trọng. Kinh tế đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục, nâng cao vị thế trên trường quốc tế, tuy nhiên sự phát triển đó vẫn chưa thật sự bền vững vì coi trọng lợi ích trước mắt; giữ gìn bản sắc văn hóa có xu hướng chạy theo phong trào, hình thức, khuôn mẫu mà chưa tính hết tính đa dạng, làm nghèo nàn bản sắc văn hóa vốn có. Từ đó dẫn đến đời sống xã hội, kinh tế có bước phát triển nhưng bản sắc văn hóa lại bị mai một, lai căng một cách tự phát.

Như vậy, từ thực trạng trên, Việt Nam cần phải xây dựng chính sách để người dân ý thức tự rèn luyện, nâng cao trình độ, học hỏi kỹ năng, để tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi vì, giữ gìn bản sắc văn hóa là giữ gìn cốt cách dân tộc trong quá trình phát triển, tức không chỉ nói tới những nét đặc sắc, đậm đà được biểu hiện qua tính cách mà còn thông qua toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần. Cốt cách dân tộc là cái tương đối ổn định, bền vững bởi nó được hình thành, tạo dựng và khẳng định trong lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc. Lĩnh vực thể hiện rõ nhất cốt cách dân tộc, tinh thần dân tộc là bản sắc văn hóa. Đó chính là biểu hiện sống động của cốt cách dân tộc qua bao thăng trầm của lịch sử, nên giữ gìn cốt cách dân tộc là để tạo nên một nền văn hóa có đủ đề kháng, chống lại sự ô nhiễm văn hóa hay xâm lăng văn hóa một cách vô thức hay có chủ định.

Cho nên, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ để khẳng định mình mà còn giúp dân tộc có thái độ đúng mực với cái mới, cái hiện đại, hướng tới một nền văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú về sắc thái chứ không phải là một nền văn hóa nghèo nàn, giống nhau, cùng khuôn mẫu. Sáng tạo sẽ cởi trói tư duy con người thoát khỏi sự khuôn buộc của thói quen, phong tục hay tiêu chuẩn đã không còn phù hợp với điều kiện mới. Với tư duy sáng tạo, con người mới làm chủ được quá trình giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn, kế thừa và phát triển, mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, cái truyền thống và cái hiện đại. Đồng thời, bảo tồn và giữ gìn phát huy văn hóa là gắn với bảo vệ mối quan hệ hòa hợp giữa con người với tự nhiên và xã hội, bởi con người gn liền với quá trình phát triển lâu dài của thế giới tự nhiên nên không thể tách rời thế giới đó. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người ngày càng ý thức rõ rệt về mối quan hệ hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, con người với con người. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đã trở thành triết lý sống của con người trong mọi thời đại.

Thứ hai, bảo vệ môi trường. Chúng ta thấy, môi trường tự nhiên Việt Nam hiện nay với những hiện tượng đáng báo động như tình trạng ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại các giống loài, ảnh hưởng xấu sức khoẻ con người là cái giá phải trả cho quá trình tự do hóa thương mại mới được tiến hành ở nước ta. Với những dòng sông ở các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng bị ô nhiễm nặng nề do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề, rác thải nông nghiệp và rác thải từ các khu công nghiệp vẫn đang từng ngày, từng giờ đổ xuống, làm hủy hoại nguồn thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống, sức khoẻ của cộng đồng. Nhiều dự án luyện, cán thép lớn đã, đang và sẽ xuất hiện, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu thép lớn, song đồng thời cũng có nguy cơ biến Việt Nam thành nơi tập trung “rác” công nghệ và chất thải v.v.

Như vậy, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội không chỉ là môi trường sống mà còn là môi trường văn hóa, nơi những giá trị văn hóa hay bản sắc văn hóa dân tộc hình thành, tồn tại và phát triển. Để giữ gìn văn hóa nói chung, bản sắc văn hóa nói riêng, tất yếu phải bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội. Điều này không chỉ có ý nghĩa với văn hóa mà còn có ý nghĩa với quá trình phát triển kinh tế khi mà hệ lụy của quá trình phát triển công nghiệp như vấn đề ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên đang là mối đe dọa đầy bất trắc cho sự tồn tại và phát triển của loài người. Hơn lúc nào hết, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát huy cách ứng xử văn hóa với tự nhiên và xã hội được coi như một bảo đảm cho sự ổn định và phát triển.

Do đó, Việt Nam cần vận dụng cả hai trụ cột này một cách cấp thiết để định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu biết về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó hình thành ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc một cách chủ động, tích cực và tự giác. Chỉ có như vậy cốt cách dân tộc, lòng tự tôn dân tộc mới luôn giữ vai trò hạt nhân trong quá trình phát triển kinh tế và phát triển nói chung của dân tộc. Đồng thời, mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phải được quán triệt trong tổng thể hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Cho nên, phát triển kinh tế và văn hóa phải gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Đây là một trong những nhân tố bảo đảm cho sự phát triển bền vững của dân tộc. Đặc biệt việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cần gắn với giữ gìn không gian văn hóa - nơi duy trì đời sống của cộng đồng dân tộc Việt Nam.

4. Kết luận

Qua đây, chúng ta cần suy nghĩ nghiêm túc về PTBV. Toàn cầu hóa làm cho các dân tộc xích lại gần nhau, nhưng lại có nguy cơ đẩy tới đơn nhất hóa văn hóa trên mặt địa cầu, làm phai mờ văn hóa địa phương và văn hóa tộc người, mà cái lõi tạo nên bản sắc văn hóa ấy là cái thiêng của các tôn giáo truyền thống. Kinh tế thị trường tạo động lực để tạo ra khối lượng của cải chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nhưng lại đẩy tới việc khai thác đến tột cùng tài nguyên thiên nhiên, gồm cả tài nguyên trên mặt đất, tài nguyên dưới lòng đất và tài nguyên trong vũ trụ. Kinh tế thị trường tìm được động lực phát triển từ kích thích nhu cầu của con người, nhưng lại đẩy con người tới dục vọng tiêu dùng thái quá, trở thành xã hội tiêu dùng và động vật tiêu thụ bị điều khiển bởi các nhà sản xuất với lòng tham không đáy. Con người trước nhu cầu của thị trường, trước tác động của triết lý vô minh, trước xã hội thiêu thụ đã suy giảm và làm mất đi cái thiêng liêng trong nếp nghĩ, cách làm, sâu xa hơn là văn hóa và đạo đức. Điều đó nói lên tính cấp bách hiện nay trong việc vận dng cách tiếp cận đối với PTBV.

 Đây là thời điểm mà cách tiếp cận PTBV của Phật giáo phát huy được vị trí và vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội. Để thực hiện tốt cách tiếp cận này Phật giáo cần có lối điều chỉnh hướng phát triển, thông qua các kênh để giáo lý Phật giáo thật sự đi vào xã hội, xây dựng nếp sống đạo đức, giúp con người khai mở nguồn sáng tạo trong việc xây dựng văn hóa trí tuệ, hướng tới một nền văn hóa bền vững. Do đó, với tình hình phát triển hiện nay, cách tiếp cận phát triển bền vững nói chung và mô hình bền vững Bhutan là tiếng nói riêng biệt sâu lắng. Một sức mạnh mềm thật sự hiệu quả trong dòng chảy phát triển sức mạnh quốc gia, hướng đến kỷ nguyên “kinh tế hạnh phúc”, hướng đến sự an lạc giải thoát, phù hợp mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc. Đồng thời, trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang tạo ra những biến chuyển quan trọng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, cần có những thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thời đại, đóng góp PTBV đất nước và nhân loại trong các mối tương quan tương duyên, tương tức tương nhập giữa con người với mọi duyên liên quan để tồn tại, không những cho cuộc sống bây giờ mà còn đảm bảo cho thế hệ tương lai, đồng thời luôn hướng đến nếp sống nhân sinh an lạc.

Tài liệu tham khảo

1.      Nguyễn Đình Hòe (2007), Môi trường và Phát triển bền vững, NXB.Giáo dục.

2.      Lê Quốc Lý (2016), Tăng trưởng kinh tế với phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở Việt nam, NXB.Lý luận chính trị.

3.      Nguyễn Văn Thanh (2003), Những mảng tối của toàn cầu hóa, NXB.Chính trị quốc gia.

4.      Nguyễn Tất Lân (2014), “Hệ giá trị tổng hạnh phúc quốc gia Bhutan và đời sống quốc tế hiện nay”, Tạp chí Đối ngoại - Ban đối ngoại Trung ương, số 12(62), tr.46.

5.      Nguyễn Tất Lân (2015), “Vương quốc Bhutan và Hệ giá trị tổng hạnh phúc quốc gia”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và Châu Á, số 8 (33), tr.32.

6.      Dasho Karma Ura and Dorji Penjore (2009), Gross National Happiness: Practice and Measurement, The Centre for Bhutan Studies.

7.      Karma Ura and Karma Galay (2004), Gross National Happiness and Development, The Centre for Bhutan Studies.

8.      Karma Ura, Sabina Alkire, Tshoki Zangmo, and Karma Wangdi (2012), A Short Guide to Gross National Happiness Index, The Centre for Bhutan Studies.

9.      Karma Phuntsho (2013), The history of Bhutan, Published by Random House India.

10.  The Centre for Bhutan Studies and GNH Research (2016), A Compass Towards a Just and Harmonious Society, Centre for Bhutan Studies and GNH Research.

11.  Bhutan Foundation, Bhutan believes in gross national happiness, http://www.bhutanfound.org/?p=151, ngày 1/8/2018

12.  Karma Ura, An Introduction to GNH (gross national happiness), https://www.schumachercollege.org.uk/learning-resources/an-introduction-to-gnh-gross-national-happiness, ngày 9/1/2018

13.  Saamdu Chetri (2016), National Happiness an Alternative Paradigm to Sustainable Socio-economicDevelopment,http://www.aquaac.org/dl/1nl3art3.html, ngày 3/12/2016


 

[1] Xem thêm Karma Ura and Karma Galay (2004),  Gross National Happiness and Development, The Centre for Bhutan Studies, p.287

[2] Xem thêm Karma Ura, Sabina Alkire, Tshoki Zangmo, and Karma Wangdi (2012), A Short Guide to Gross National Happiness Index, The Centre for Bhutan Studies, p.102

[3] Xem thêm Karma Ura, Sabina Alkire, Tshoki Zangmo, and Karma Wangdi (2012), p.36.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle