Chánh Niệm vẫn chưa đủ

chanh niem
Chánh Niệm vẫn chưa đủ
Có lẽ bạn cũng được nghe nhắc nhở rằng chúng ta lúc nào cũng phải giữ chánh niệm, be mindful, cho dù mình đang bất cứ ở đâu hay đang làm gì: ở nhà, trong sở làm, đang ngồi trên xe buýt, hay trong khi lái xe…
    Và ta có thể hiểu rằng “luôn giữ chánh niệm”, to be mindful all the time, có nghĩa là ta chỉ miên mật chú ý đến những gì mình đang làm trong giây phút này. Thật ra đó cũng chỉ là đặc tính của một người khi họ chăm chú để hết tâm ý vào công việc của mình. Một họa sĩ, một nhà văn, một nhà sáng tác, một vị bác sĩ… đều hoàn toàn chú tâm vào công việc của mình đang làm, nhưng đó có phải là họ đang có chánh niệm?
    Một con mèo tập trung hết sự chú ý của nó vào một con mồi để có thể chụp bắt mà không làm con mồi kịp phản ứng. Một con chim hạc đứng thật yên một chỗ thật lâu, chờ đợi một con cá nào bơi ngang qua. Nhưng tiếc thay là con mèo hay con chim hạc ấy sẽ không phát triển được thêm chút tuệ giác nào, vì chúng không hề làm thay đổi được những gốc rễ của phiền não - tham, sân, si – chỉ vì nó hoàn toàn chú ý đến đối tượng của nó.
    Nếu chỉ đơn giản chú tâm hoàn toàn đến những gì mình đang làm trong giây phút này, ta sẽ không thể nào diệt trừ được gốc rễ của phiền não, mà đó mới là mục đích chính của thiền quán.  Chú ý đến một đối tượng duy nhất là phương pháp của thiền định, và bạn có thể chú ý đến một đề mục trong vòng năm mươi năm, nhưng những gốc rễ phiền não trong tâm của bạn trước sau cũng sẽ vẫn không thay đổi.
    Có người nghĩ rằng họ sẽ có thể giải thoát ra khỏi những vướng mắc khổ đau, nếu như họ có một phương cách tu tập đặc biệt nào đó. Hoặc là giữ hết giới luật, học và ghi nhớ thật nhiều kinh luận, các chi pháp, có được một tâm thật an tĩnh, hay là sống một mình trong tĩnh mịch. Thật ra đó là những điều rất hay, nhưng nếu như trước hết ta không nhận diện và buông bỏ những gốc rễ phiền não của mình, của những bất thiện trong ta, thì cho dù có làm gì, chúng ta cũng sẽ không có một sự thay đổi nào hết.
    Trong khi chánh niệm về một đối tượng nào đó, ta rất dễ thiếu yếu tố của tuệ giác (panna).  Sự chú tâm của ta phải được đi kèm theo với năng lượng của tỉnh giác, đó là năng lượng của vô tham, vô sân và vô si. Hay nói một cách khác, chánh niệm của ta phải có trong đó yếu tố của rộng lượng, của tình thương và sự hiểu biết.
    Vì vậy, ta hãy biết giữ chánh niệm trong mỗi việc mình làm, nhưng khi ta có chánh niệm về một đối tượng nào, ta phải chú ý đến nó với một tâm niệm không tham, không sân và không si, có nghĩa là giữ cho mình luôn được rộng mở, với một tình thương và một tâm hiểu biết.
Nguyễn Duy Nhiên
Viết phỏng theo Chan MagazineSpring 2010

 
Chia sẻ: facebooktwittergoogle