Học giới luật Phật giáo ở Việt Nam hiện nay

hoc gioi luat

Học giới luật Phật giáo ở Việt Nam hiện nay

Thích Hạnh Chơn

 

Trong một bài viết trước đây[1] tôi có đề cập đến việc giảng dạy và học giới luật Phật giáo tại các trường Phật học. Tôi đã nêu ra những bất cập trong việc thiết lập chương trình giảng dạy dẫn đến việc Tăng Ni mất nhiều thời gian học những điều không áp dụng (chỉ trì), trong khi những điều cần ứng dụng trong đời sống thiền môn thì không được dạy-học (tác trì). Trong bài viết này, tôi xin tiếp tục phân tích rõ hơn sự bất cập của việc thiết kế chương trình cũng như cách dạy học giới luật. Bài viết chỉ thuần túy phân tích sự bất cập, những điều được và chưa được từ bất cập đó, và không bình luận đúng sai. Bài viết cũng chỉ giới hạn đối tượng là chư Tăng thuộc Phật giáo Bắc truyền. Dựa vào sự phân tích, chỉ mong các nhà giáo dục Phật giáo, nhất là Giáo hội, Ban Giáo dục Phật giáo, và giáo thọ bộ môn nhìn nhận để thiết kế chương trình học giới luật Phật giáo sao cho phù hợp với thời hiện đại.

1. Cách dạy-học giới luật Phật giáo hiện nay

Trong xã hội, bất cứ tổ chức nào dù lớn hay nhỏ đều có luật lệ để quy định cách sinh hoạt. Phật giáo (Tăng Ni) vào thời Đức Phât tại thế đều phải sinh hoạt theo quy chế Tăng đoàn, tức là theo tổ chức tập thể. Giới luật ra đời ngoài mục đích đặc thù của Phật giáo là bảo vệ cá nhân trong sự tu tập giải thoát, còn đáp ứng mục tiêu làm cho tập thể sinh hoạt công bằng, thanh tịnh, đoàn kết, hòa hợp. Những quy định sinh hoạt tập thể không thể nào bất di bất dịch, nhất là thời đại khác, văn hóa địa phương khác. Do đó, ưu tiên cho việc dạy và học giới luật phải là học những điều có thể ứng dụng được trong đời sống và dành những điều mang tính chuyên sâu cho những ai muốn tìm hiểu thêm.

Hơn nữa, đặc thù của Phật giáo là học giới luật để làm “Thầy”, để thực hành chứ không phải chỉ vì mục đích làm “luật sư” xử tội ai hay xử kiện tụng, nhất là thời đại ngày nay khó thực thi. Một đặc điểm đặc biệt của giới luật Phật giáo nữa là giới luật Phật chế không được chỉnh sửa thêm bớt theo chủ trương của ngài Maha Kassapa (Đại Ca Diếp). Thế thì, Thượng tọa bộ, Đại chúng bộ và các bộ phái sau khi tách ra từ Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ để thành lập bộ phái riêng đã sử dụng giới luật Phật dạy hay tự chế thêm? Nếu chỉ sử dụng giới luật Phật dạy thì tất cả các bộ luật[2] đều giống nhau về nội dung, còn nếu các bộ luật của các bộ phái có sự khác nhau nào đó thì chính các bộ phái đã chỉnh sửa, thêm vào và không theo chủ trương của ngài Maha Kassapa nhưng lại theo tôn chỉ của Đức Phật. Vậy thì cách khôn ngoan và thực dụng là chúng ta nên chọn một bộ luật tiêu biểu để giảng dạy là đủ, và có thể bổ sung những điểm dị biệt lớn từ các bộ luật khác để tham khảo. Điều này tìm thấy trong truyền thống của Phật giáo Nam truyền.

Tăng Ni Bắc truyền Việt Nam hiện đang học các bộ luật Phật giáo của các Tổ sư Trung Quốc biên soạn từ thế kỷ thứ VI[3], thế kỷ thứ VIII[4] và thế kỷ thứ XVI, XVII[5]. Các bộ luật Phật giáo được sử dụng tại Việt Nam là các bản dịch và chú giải từ các bộ luật của các Tổ sư Trung Quốc vừa nêu. Lịch sử các luật sư Việt Nam không rõ ràng và chỉ được ghi nhận từ thế kỷ thứ XVII đến nay, bắt đầu từ Thiền sư Hương Hải (1628-1715)[6]. Trước đó, Phật giáo Việt Nam sử dụng bộ luật nào, của ai soạn chưa được công bố. Do đó, chúng tôi căn cứ bộ luật Tứ phần đang được sử dụng để phân tích cho phần luật Tỷ-kheo.

2. Dạy giới luật cho Sa-di

Phật giáo Việt Nam hiện nay áp dụng cách sinh hoạt của các Tổ sư Trung Quốc nên việc dạy và học luật cũng đi theo khuôn mẫu đó. Những ai xuất gia theo Bắc truyền ở Việt Nam đều học theo “bốn quyển luật tiểu” do các Tổ sư Trung Quốc soạn. Bốn quyển luật tiểu gồm: Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu, Sa-di thập giới, Oai nghi, Cảnh sách.

Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu

Trước tiên cần tìm hiểu khái niệm Tỳ-ni. Tỳ-ni được dịch từ thuật ngữ Vinaya (Pāli) nghĩa là luật, pháp luật, pháp cấm chế, quy tắc sống… Vinaya (Tỳ-ni) thuộc tạng luật do Phật chế nhưng trong phần Tỳ-ni nhật dụng này hầu hết đều do Tổ soạn. Cách nhận biết là trong Tỳ-ni nhật dụng có rất nhiều câu thần chú và khi đối chiếu luật Sa-di của các bộ phái khác như Nam truyền sẽ thấy rất ít sự tương đồng.[7] Hơn nữa, theo thiển ý chúng tôi, nội dung trong Tỳ-ni nhật dụng không tương thích với nghĩa thuật ngữ Tỳ-ni vừa nêu.

Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu có 51 mục gồm: 1. Tảo giác (thức dậy sáng sớm), 2. Minh chung (thỉnh chuông sáng), 3. Văn chung (nghe tiếng chuông), 4. Trước y (mặc áo), 5. Hạ đơn (xuống đơn/giường), 6. Hành bộ bất thương trùng (bước đi không hại côn trùng), 7. Xuất đường (ra đường), 8. Đăng xí (vào nhà vệ sinh), 9. Tẩy tịnh (rửa sạch), 10. Khử uế (làm sạch), 11. Tẩy thủ (rửa tay), 12. Tẩy diện (rửa mặt), 13. Ẩm thủy (uống nước), 14. Ngũ y (y 5 điều), 15. Thất y (y 7 điều), 16. Đại y (y lớn), 17. Ngọa cụ (đồ ngồi nằm), 18. Đăng đạo tràng (lên chánh điện), 19. Tán Phật (ca tụng Phật), 20. Lễ Phật (lạy Phật), 21. Phổ lễ chân ngôn, 22. Cúng tịnh bình (cúng bình sạch), 23. Đãng tịnh bình chân ngôn (chân ngôn súc bình sạch), 24. Quán thủy chân ngôn (chân ngôn rót nước), 25. Thọ thực (thọ trai), 26. Xuất sanh (xuất cho chúng sanh), 27. Thị giả tống thực (thị giả đưa thức ăn), 28. Kiết trai (kết thúc sự thọ trai), 29. Tẩy bát (rửa bát), 30. Triển bát (mở bát), 31. Thọ sấn (nhận đồ cúng dường), 32. Thủ dương chi (lấy nhánh dương), 33. Tước dương chi (nhấm nhánh dương), 34. Sấu khẩu (súc miệng), 35. Xuất tích trượng (lấy tích trượng), 36. Phu đơn tọa thiền (bày đơn ngồi thiền), 37. Thụy miên (ngủ nghỉ), 38. Thủ thủy (lấy nước), 39. Dục Phật (tắm Phật), 40. Tán Phật (ca tụng Phật), 41. Nhiễu tháp Phật (nhiễu quanh tháp Phật), 42. khán bệnh (coi bệnh), 43. Thế phát (cắt tóc), 44. Mộc dục (tắm gội), 45. Tẩy túc (rửa chân), 46. Sa-di thập giới tướng (10 giới tướng Sa-di), 47. Sa-di ưng cụ ngũ đức, ưng tri 10 số (Sa-di phải đủ 5 đức, phải biết 10 pháp số), 48. Sa-di-ni thập giới tướng (10 giới tướng Sa-di-ni), 49. Thức-xoa-ma-na giới tướng (giới tướng Thức-xoa-ma-na), 50. Ưu-bà-tắc giới tướng (giới tướng Ưu-bà-tắc), 51. Bát quan trai pháp giới tướng (giới tướng pháp Bát quan trai).

Trong 51 mục vừa liệt kê, có 2 mục tán Phật là 19 và 40; mục 14, 15, 16, 27 và 35 dành cho Tỷ-kheo và liên quan đến đắp/vận y nhưng lại thiếu bài kệ man y cho Sa-di[8]; mục từ 46 đến 51 chỉ là kiến thức không phải ứng dụng cho các sinh hoạt hằng ngày; các mục từ 24 đến 33 có trong nghi thức quá đường; và 33 mục có câu thần chú. Nội dung của Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu dạy cho Sa-di và thực tế cũng là cho Tỷ-kheo vì cả cuộc đời tu sĩ theo truyền thống Bắc truyền đều có thể sử dụng.

Phương pháp dạy-học hiện tại ở các trường Phật học là học viết chữ Hán, học âm nghĩa chữ Hán, nghĩa cả câu và giải thích mở rộng với nhiều nội dung giải thích trích từ kinh, luận được ghi trong quyển Tỳ-ni hương nhũ. Nếu học theo cách này thì một học kỳ ở Trung cấp Phật học với thời lượng hai tiết một tuần khó có thể hoàn tất, trừ khi Tăng sinh đã biết chữ Hán. Hơn nữa, nếu học thuộc lòng và thông hết quyển Tỳ-ni nhật dụngTỳ-ni hương nhũ thì mục đích cũng là để có kiến thức thực tập đạt chánh niệm trong các hành động trong đời sống hằng ngày nếu được hành giả ứng dụng.

Sa-di thập giới

Sa-di thập giới là nêu 10 giới tướng của Sa-di có đề cập trong mục 46 quyển Tỳ-ni nhật dụng. Trong phần Sa-di luật nghi yếu lược, đoạn đầu giải thích ý nghĩa thuật ngữ Sa-di, điều kiện để được gọi là Sa-di và trở thành Tỷ-kheo trong tương lai. Đồng thời, phần đầu cũng nêu bổn phận Sa-di là không được rời thầy ở riêng và Tỷ-kheo thì phải ở bên Thầy ít nhất năm năm để học luật, phép tắc cho rành. Bộ Luật giải bổ sung giải thích rõ hơn về 10 giới và thêm nhiều lời dẫn từ các kinh, luận, câu chuyện xảy ra tại Trung Quốc cũng như lợi ích và tội báo nếu phạm giới.

Việc dạy và học 10 giới Sa-di cũng được thực hiện như việc dạy học Tỳ-ni nhật dụng. Nghĩa là Tăng sinh cũng phải học chữ Hán, âm nghĩa chữ Hán, học thuộc lòng âm chữ Hán, học nghĩa câu văn trong các giới và học các chú giải mở rộng. Học theo quy trình này thì một học kỳ hay thậm chí một năm Trung cấp Phật học với thời lượng hai tiết một tuần có thể hoàn tất chăng?

Hơn nữa, mặc dù phải học chữ Hán, học thuộc lòng âm hán Việt, lời văn giải thích 10 giới nhưng vấn đề quan trọng là những điều kiện nào thì mới gọi là phạm giới thì không có ghi chép. Như vậy, căn cứ vào đâu để xử phạt đúng pháp khi một vị Sa-di phạm các giới trong 10 giới Sa-di?

Oai nghi

Quyển Oai nghi do Sa-môn Châu Hoằng soạn và Sa-môn Hoằng Tán chú giải nên mục đích làm cho phù hợp với văn hóa Trung Quốc đương thời. Có tất cả 24 chủ đề được phân chia trong phần oai nghi cho Sa-di gồm 1. Kính Đại Sa-môn, 2. Sự sư (hầu thầy), 3. Tùy sư xuất hành (đi theo thầy), 4. Nhập chúng (vào trong chúng), 5. Tùy chúng thực (ăn chung với chúng), 6. Lễ bái, 7. Thính pháp (nghe pháp), 8. Tập học kinh điển, 9. Nhập tự viện (vào chùa tháp), 10. Nhập thiền đường tùy chúng (vào thiền đường với chúng), 11. Chấp tác (làm việc), 12. Nhập dục (vào nhà tắm), 13. Nhập xí (vào nhà vệ sinh), 14. Thụy ngọa (nằm ngủ), 15. Vi lô (vây quanh bếp lò), 16. Tại phòng trung trú (ở trong phòng), 17. Đáo Ni tự (đến chùa Ni), 18. Chí nhân gia (đến nhà người), 19. Khất thực, 20. Nhập tụ lạc (vào xóm làng), 21. Thị vật (mua đồ), 22. Phàm sở thi hành bất đắc tự dụng (không được tự ý làm), 23. Tham phương (đi xa), 24. Y bát danh tướng (danh tướng của y bát).

Cách dạy và học 24 oai nghi cũng như cách dạy và học Tỳ-ni, Sa-di 10 giới được nêu ở phần trên. Với nội dung dài hơn Tỳ-niSa-di 10 giới, một năm Trung cấp Phật học có thể học hết 24 oai nghi chăng? Nếu học thêm phần Luật giải với nhiều chi tiết nữa thì càng khó hoàn tất hơn. Về các oai nghi, sách cũng không đưa ra các quy định phạt để làm căn cứ nhắc nhở, khiển trách... cho một vị Sa-di vi phạm. Phải chăng việc xử phạt đệ tử Sa-di do vị bổn sư tự quyết?

Cảnh sách

Cảnh sách do Thiền sư Đại Viên ở núi Quy Sơn soạn. Đây là bản văn rất có giá trị cho hàng xuất gia. Bản văn này cần được học và tham khảo, bởi lời văn sâu sắc, chỉ ra những thói xấu cần bỏ và khuyến tấn tu học đạt giác ngộ giải thoát. Tất nhiên, Cảnh sách là văn khuyên dạy thì không có quy định hình phạt như các điều luật. Cách dạy và học Cảnh sách cũng đang được thực hiện tương tự như các phần trên. Thời gian học hết quyển cảnh sách nhanh nhất cũng phải một học kỳ.

3. Dạy giới luật cho Tỷ-kheo

Tại Việt Nam hiện nay, giới luật trong bộ luật Tứ phần được áp dụng dạy cho các Tỷ-kheo. Căn cứ bộ luật Tứ Phần[9] do Tỷ-kheo Thích Tuệ Sỹ biên soạn, có bốn phần như sau:

Phần I: trình bày 250 giới, gồm 4 pháp Ba-la-di, 13 pháp Tăng tàn, 2 pháp Bất định, 30 pháp Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề (xả đọa), 30 pháp Ba-dật-đề (đơn đọa), 4 pháp Đề-xá-ni (hối quá), 100 pháp Thức-xoa-ca-la-ni (chúng học) , 7 pháp Diệt tránh.

Phần II: trình bày các giới Tỷ-kheo-ni.

Phần III: trình bày 18 nhóm sự việc (kiền độ) trong đời sống chư Tăng gồm thọ giới (nói về việc thọ giới), thuyết giới (cách thức tụng giới), an cư (nói về việc an cư), tự tứ (nói về pháp tự tứ), da thuộc (nói về việc sử dụng giày dép bằng da), y (nói về cách may và sử dụng y áo), thuốc (nói về việc dùng thuốc chữa bệnh), y Ca-thi-na (nói về y công đức), Câu thiểm di (nói về sự tranh cãi và cách hòa giải), chiêm ba (nói về cử tội đúng pháp, phi pháp), khiển trách (nói về các trường hợp khiển trách), nhân (nói về các việc liên quan đến tội tăng tàn), phú tàng (nói về việc che dấu tội và cách xử phạt), già yết ma (nói về việc ngăn cản người cử tội), phá Tăng (nói về việc phá Tăng), diệt tránh (nói về 7 cách xử lý chấm dứt sự tranh cãi), Tỳ-kheo-ni (nói về sinh hoạt của Tỳ-kheo-ni), pháp (nói về oai nghi của Tỷ-kheo).

Phần IV: nêu các nhóm sự việc (kiền độ) tiếp theo, gồm phòng xá (nói về viêc xử dụng phòng xá), tạp sự (nói các việc nhỏ khác), Ngũ bách kết tập (nói về kỳ kết tập có 500 người tham dự), Thất bách kết tập (nói về kỳ kết tập có 700 người tham dự), điều bộ (giải thích thêm về tội Ba-la-di và Tăng tàn), và Tỳ-ni Tăng nhất (trình bày các pháp, giới…theo con số từ 1 đến 11).

Các trường Trung cấp Phật học chưa có chương trình dạy giới luật Tỷ-kheo hoặc nếu có dạy luật Tỷ-kheo thì không thể nào dạy hết các giới, nói gì đến các vấn đề khác. Hơn nữa, trong khi dạy luật Sa-di thì gồm cả chữ Hán, thuộc lòng âm Hán-Việt, nghĩa câu văn bằng ngôn ngữ Việt thì học luật Tỷ-kheo không bắt học chữ Hán mà chỉ học nội dung nghĩa tiếng Việt.

Học viện Phật giáo và Cao đẳng Phật học có môn Luật học Phật giáo nhưng thời lượng quá ít (sẽ đề cập phần sau) nên Tăng sinh không có cơ hội học hết phần căn bản giới luật Tỷ-kheo được.

4. Nhận định về cách dạy học và đề xuất

Mục đích học luật là để áp dụng trong sinh hoạt đời sống hằng ngày của người tu. Các câu kệ trong phần Tỳ-ni nhật dụng giúp hành giả nhớ đọc để có chánh niệm. Mười giới Sa-di gồm hai phần nặng và nhẹ. Năm giới trước thuộc nặng nếu phạm thì phạt nặng, năm giới sau thuộc nhẹ nếu phạm thì hình phạt nhẹ. Phần Oai nghi là dạy cách sống, cách ứng xử của người tu. Phần Cảnh sách là lời khuyến tấn của Tổ sư cho hàng xuất gia.

Cách dạy hiện tại buộc người học phải học hết chữ Hán, thuộc lòng âm Hán - Việt, học nghĩa toàn văn. Dạy kỹ như thế sẽ mất nhiều thời gian cho môn luật trong khi chương trình phân thời lượng cho môn này không nhiều. Trong chương trình Trung cấp Phật học ba hoặc bốn năm, các trường có thể dạy hết bốn quyển luật theo cách vừa nêu chăng?

Làm thế nào để đạt mục đích học bốn quyển luật tiểu trong vòng hai năm? Theo chúng tôi, giáo án chương trình nên thiết lập lại. Thứ nhất, chỉ cần học nội dung các câu kệ trong Tỳ-ni, nội dung Mười giới Sa-di, nội dung 24 oai nghi bằng phần dịch tiếng Việt; riêng văn Cảnh sách có thể học cả âm Hán -Việt và phần dịch tiếng Việt. Nếu buộc Tăng sinh phải học thuộc lòng thì chọn bản dịch thống nhất để dạy. Việc này không quá khó đối với Ban Giáo dục Phật giáo. Thứ hai, nếu học thêm chữ Hán, giáo thọ chỉ cần dạy các thuật ngữ bằng chữ Hán và giải thích bằng tiếng Việt thay vì học toàn văn chữ Hán. Sau khi học xong bốn quyển luật, Tăng sinh cần thuộc và hiểu các điều trong Tỳ-ni, hiểu rõ Mười giới Sa di, hiểu rõ 24 oai nghi và những lời khuyên trong Cảnh sách.

Theo lời dẫn phần Sa-di thập giới, năm hạ đầu học giới luật, năm hạ sau mới học kinh, luận. Điều này trong luật có nghĩa là các tân Tỷ-kheo phải gần thầy học luật, phép tắc trong thời gian năm năm đầu cho rành để có thể làm thầy nhận đệ tử sau này. Đối với Sa-di, luật quy định Sa-di không được rời xa thầy chứ không phải năm năm hay mười năm. Ngày nay khó áp dụng hoàn toàn quy định đó nhưng có thể áp dụng một phần. Nghĩa là mỗi Sa-di phải thực hiện bổn phận của mình (như được quy định trong bốn quyển luật vừa nêu) đối với bổn sư hay y chỉ sư trong một thời gian nhất định. Bổn sư hay y chỉ sư có trách nhiệm và chịu trách nhiệm xác nhận tư cách của đệ tử dựa vào các điều đã dạy trong bốn quyển luật để làm điều kiện cho phép đệ tử được thọ giới Tỷ-kheo.

Như trên đã nêu, các trường Trung cấp Phật học tại Việt Nam với chương trình ba hay bốn năm học đều chỉ thiết kế chương trình dạy bốn quyển luật tiểu cho Tăng Ni sinh. Các trường Trung cấp Phật học không có chương trình dạy giới luật Tỷ-kheo là vì bị rào cản “Sa-di không được học giới luật Tỳ-kheo”. Từ đó, các trường Trung cấp không thể áp dụng chương trình dạy giới luật Tỷ-kheo cho Tăng sinh mà phần lớn họ là Sa-di. Một số ít trường vượt qua rào cản này thì thời lượng chương trình dành để dạy giới luật Tỷ-kheo cũng không đủ để dạy hết giới luật Tỷ-kheo. Điều đó cho thấy chưa có sự đồng bộ trong việc thiết kế chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Phật học, Tăng Ni sinh tiếp tục chương trình Đại học hay Cao đẳng Phật học. Như vậy, cấp đại học có tiếp tục thiết kế chương trình cho các Tăng sinh (bao gồm Tỷ-kheo và Sa-di) học giới luật Tỷ-kheo?

Theo chương trình học được công bố trên trang nhà Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh[10], chương trình học đại cương có môn Đại cương luật học Phật giáo 3 tín chỉ cho các khoa như Triết, Phật giáo Việt Nam, Hoằng pháp… Chỉ có Khoa Luật học Phật giáo ngoài môn Đại cương luật học Phật giáo còn có các môn bắt buộc như Giới Tỷ-kheo 3 tín chỉ, So sánh giới Tỷ-kheo 3 tín chỉ, Giới Tỷ-kheo-ni 3 tín chỉ, So sánh giới Tỷ-kheo-ni 3 tín chỉ, Pháp thọ giới 3 tín chỉ, Pháp thuyết giới 3 tín chỉ, Pháp an cư 3 tín chỉ, Pháp tự tứ 3 tín chỉ, Luật Đại thừa 12 tín chỉ, và Chú sớ luật 15 tín chỉ. Như vậy, Tăng sinh không học Khoa Luật học Phật giáo thì chỉ học có 3 tín chỉ môn Đại cương luật học Phật giáo. Với 3 tín chỉ học môn Đại cương luật học Phật giáo, liệu rằng Tăng sinh có thể thông hiểu giới luật Tỷ-kheo? Điều đáng nói là học giới luật Tỷ-kheo là bổn phận bắt buộc của một vị Tỷ-kheo. Tóm lại, chương trình học giới luật Phật giáo như đã nêu được Giáo hội hay Ban Giáo dục Phật giáo thiết kế có phải là còn nhiều bất cập?

Trong trường hợp một số trường dạy giới luật Tỷ-kheo cho Tăng sinh thì lại dạy theo cách “từ chương”. Nghĩa là giáo thọ dạy các giới bằng cách nêu nội dung rồi kể ra một loạt các duyên khởi từ vị A, vị B phạm nên có các giới đó. Tuy nhiên, điều cần thiết nhưng không thực hiện là không áp dụng so sánh giới đó với thực tế sao cho dễ hiểu. Ví dụ, với giới Ba-la-di trộm cắp thì khi trộm năm tiền là tương đương với bao nhiêu ngày nay và đã có ai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam phạm giới này bị tẩn xuất (đuổi) chưa…? Những điều kiện nào mới cấu thành tội nặng Ba-la-di?... Theo cách học này thì một hay hai năm ở trường không thể đủ thời lượng cho việc dạy học hết 250 giới Tỷ-kheo, nói gì đến các pháp yết-ma, các nhóm sự việc (kiền độ) khác.

Theo chương trình học giới luật Phật giáo, một bất cập lớn nữa là chỉ dạy lý thuyết mà ít quan tâm dạy thực hành. Đối với Sa-di, khi họ vi phạm giới nặng, giới nhẹ hay oai nghi thì cách xử phạt như thế nào? Tượng tự, đối với Tỷ-kheo vi phạm các giới thì cách thức xử phạt cho từng loại như thế nào? Phương thức tiến hành xử phạt theo quy trình ra sao? Trong 250 giới được phân ra năm thiên (mục), bảy tụ (nhóm), nếu Tỷ-kheo phạm vào thiên Tăng tàn chẳng hạn thì cách thức tiến hành xử phạt ra sao? Nếu học lý thuyêt và có thực hành thì sẽ giúp người học hiểu rõ và ứng dụng giới luật đúng trong cuộc sống. Tương tự, các việc như yết-ma an cư, tự tứ, thuyết giới và giới đàn nếu được dạy vừa lý thuyết vừa thực hành thì sẽ không có tình trạng xảy ra sự việc truyền giới không đúng pháp như đã xảy ra gần đây.

Với những bất cập vừa nêu, thiết nghĩ Ban Giáo dục Phật giáo cần thiết kế lại chương trình cho Tăng Ni học đủ giới luật Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni và các kiền độ (Tăng sự, nhóm việc) cần thiết trong sinh hoạt Tăng đoàn Phật giáo. Thứ nhất, các trường Trung cấp Phật học cần rút ngắn thời lượng học bốn quyển luật tiểu Sa-di để phân thời lượng học giới luật Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni cho Tăng Ni. Để thực hiện được điều này, đương nhiên chúng ta phải bỏ rào cản Sa-di không được học giới luật Tỷ-kheo. Thực tế, có nhiều vị Sa-di học tại các trường Trung cấp Phật học và Học viện Phật giáo. Thứ hai, Học viện Phật giáo và Cao đẳng Phật học tiếp tục dạy giới luật Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni cho tất cả Tăng Ni với chương trình cơ bản nhất, thiết thực nhất (có thể ứng dụng trong thực tế) mà không phân biệt khoa nào. Bởi vì, Tăng Ni học khoa nào cũng phải học bổn phận làm tu sĩ mà giới luật Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni là phần quan trọng nhất. Chương trình giáo dục Phật giáo chính thống bỏ trống nhiệm vụ quan trọng này rồi đẩy qua cho các tự viện, các trung tâm phải chăng là sự thiếu sót lớn trong nền giáo dục Phật giáo Việt Nam?!

 

 

 


 

[1] Đôi điều về học giới luật Phật giáo, Nguyệt san Giác Ngộ số 299, 2021.

[2] Có 6 bộ luật của các bộ phái hiện còn, đó là bộ luật Thập tụng của phái Thuyết nhất thiết hữu, bộ luật Tứ phần của phái Pháp tạng, bộ luật Ma-ha-tăng-kỳ của phái Đại chúng, bộ luật Ngũ phần của phái Hóa địa, bộ luật của phái Căn bản thuyết nhất thiết hữu, và bộ luật (Vinaya) của phái Thượng tọa.

[3] Theo Luật học tinh yếu của HT.Thích Phước Sơn, Luật sư Đạo Tuyên (596-667) có công lớn trong việc hoằng dương Luật học và được tôn là Tổ thứ nhất Tứ phần luật (bộ Luật Tăng Ni Bắc tông Việt Nam đang sử dụng). Thích Phước Sơn, Luật học tinh yếu, TP.HCM, NXB Phương Đông, 2006.

[4] Luật sư Quy Sơn Linh Hựu (771-853) tác giả quyển Cảnh sách.

[5] Luật sư Độc Thể (1601-1697) tác giả quyển Tỳ-ni nhật dụng, Luật sư Châu Hoằng Liên Trì (1535-1612) soạn quyển Sa-di oai nghi, và Luật sự Hoằng Tán (1611-1685) chú giải quyển Sa-di oai nghi.

[6] Thích Phước Sơn, Luật học tinh yếu, TP.HCM, NXB.Phương Đông, 2006, tr.36.

[8] Trong quyển Luật Sa-diSa-di-ni, HT.Trí Quang dịch, có thêm vào ở phần chú thích: “Đại tai giải thoát phục, Vô tướng phước điền y, Phi phụng trì giới hạnh, Quảng độ chư chúng sanh.”

[9] Thích Tuệ Sỹ soạn, Luật Tứ phần, TP.HCM, NXB.Hồng Đức, 2020.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle