Thực hành chánh ngữ để tránh khẩu nghiệp

thuc hanh chanh ngu

THỰC HÀNH CHÁNH NGỮ ĐỂ TRÁNH KHẨU NGHIỆP

Gautam Sharda

 

Bài pháp đầu tiên và quan trọng nhất của Đức Phật là Tứ Thánh đế. Tứ Thánh đế chính yếu đề cập đến vấn đề khổ đau. Thánh đế thứ nhất nói về khổ (dukkha); Thánh đế thứ hai đề cập đến nguyên nhân của khổ (samudaya); Thánh đế thứ ba là sự chấm dứt khổ (nirodha); và Thánh đế thứ tư nói về con đường đưa đến chấm dứt khổ (magga). Trong Phật giáo, khái niệm khổ gắn liền với khái niệm vô ngã (annatta). Theo Đức Phật, không có một bản ngã vĩnh hằng, mà đúng hơn mỗi cá nhân được tạo thành từ năm uẩn, đó là sắc (rupa), thọ (vedana), tưởng (sanna), hành (sanskara) và thức (vinnana). Không có một bản ngã vĩnh hằng hay một bản ngã vượt ra khỏi năm uẩn này, và con người đau khổ vì họ tin rằng có một bản ngã vĩnh hằng duy nhất, mà theo Đức Phật là không có thật.

Có ba giáo thuyết quan trọng khác ở trong Phật giáo, đó là thuyết Duyên khởi, thuyết Nghiệp, và Bát Chánh đạo. Những học thuyết này hàm chứa những tư tưởng đạo đức quan trọng. Theo Đức Phật, có một quy luật nhân quả tự nhiên và phổ quát làm điều kiện cho sự xuất hiện của tất cả các sự vật. Theo luật này, bất cứ khi nào một sự việc (nguyên nhân) cụ thể xuất hiện, thì nó được theo sau bởi một sự việc cụ thể khác (kết quả). Sự tồn tại của mọi thứ đều do điều kiện, phụ thuộc vào nguyên nhân. Đây được gọi là thuyết Duyên khởi. Niềm tin vào thuyết Nghiệp chỉ là một phần của học thuyết này. Duyên khởi là một quy luật tự nhiên chi phối tất cả con người, mà ở đó nghiệp có nghĩa là hành động có chủ ý, và hành động có chủ ý có thể được coi là phù hợp hoặc không phù hợp, lành mạnh hoặc không lành mạnh. Nghiệp tốt là khi lời nói, ý nghĩ và hành động được hướng dẫn bởi lời nói, ý nghĩ và hành động không có sự chi phối của tham, sân và si.

Ở bài viết này, chúng ta sẽ tập trung vào Bát Chánh đạo, cụ thể là một chi phần ở trong đó, Chánh ngữ. Trong thực tế, Bát Chánh đạo có liên hệ mật thiết với chi phần thứ tư trong Tứ Thánh đế, đó là con đường đưa đến giải thoát. Bát Chánh đạo bao gồm Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Chánh ngữ trong Bát Chánh đạo

Tất cả các chi phần của Bát chánh đạo được thực hành cùng nhau nhằm tạo nên sự thay đổi ở nơi một người, bao gồm những thay đổi ở các phương diện trí tuệ, tình cảm và đạo đức. Có người nghĩ rằng tách Chánh ngữ thành một chi phần hay khía cạnh độc lập là không cần thiết, vì lời nói là một loại hành động nên có thể gộp nó vào chi phần “Chánh nghiệp”. Vì tác động của lời nói không trực tiếp như tác động của hành động thuộc thân thể, nên đôi khi tiềm năng và tầm quan trọng của nó có thể ít được chú ý. Nhưng Phật giáo coi Chánh ngữ là một trong những nguyên tắc quan trọng đối với mỗi cá nhân và xã hội.

Trong Phật giáo Kim cương thừa (Vajrayana), thân, khẩu và ý được liên hệ tương ứng với ba bộ phận quan trọng trên thân thể con người, đó là đầu, cổ và tim. Đầu không chỉ là phần quan trọng của thân thể mà còn đại diện cho trí tuệ hay sự hiểu biết; trong khi tim đại diện cho tình cảm và cảm xúc của chúng ta. Cổ tượng trưng cho lời nói, nằm ở giữa đầu và tim, và mang hàm ý rằng lời nói chia sẻ bản chất của cả hai, đó là cả những tư duy và tình cảm của chúng ta. Do đó Chánh ngữ thể hiện cả trí tuệ lẫn lòng từ bi.

Trong tiếng Pāli, Chánh ngữ là “samma vaca”; từ “samma” có nghĩa là hoàn chỉnh hay hoàn hảo, và “vaca” có nghĩa là lời nói. Chánh ngữ không chỉ là lời nói đúng đắn mà nó còn là lời nói thiện lành, hòa ái. Giao tiếp bằng lời nói là điều mà chúng ta phải tham gia mọi lúc, cho dù muốn hay không thì chúng ta cũng phải giao tiếp. Chúng ta thấy rằng, lời nói hay giao tiếp bằng lời nói, với sự trợ giúp của một ngôn ngữ có cấu trúc, giúp phân biệt chúng ta với thế giới động vật. Và một phần lớn văn hóa của chúng ta phụ thuộc, trực tiếp hoặc gián tiếp, vào lời nói. Thực hành Chánh ngữ cũng là thực hành chánh niệm. Với sự thực hành này, chúng ta nhận thức rõ hơn về thân thể, tâm trí và cảm xúc của chúng ta. Chánh niệm giúp chúng ta dễ dàng nhận ra những gì chúng ta sắp nói, và do đó, nó cho chúng ta quyền tự do lựa chọn những gì chúng ta nói. Với chánh niệm, chúng ta học cách kiềm chế bản thân vào những lúc tức giận, thù hần và bối rối. Lời nói đúng đắn hay thích hợp là một phần quan trọng trong đạo đức Phật giáo. Đối với câu hỏi “Chánh ngữ là gì?”, Đức Phật trả lời rằng Chánh ngữ có thể được chia thành bốn thành phần, đó là tránh nói dối, tránh nói phỉ báng, tránh nói cay nghiệt, và tránh nói nhảm nhí.

Bốn điều cần tránh giúp tạo nên Chánh ngữ

Tránh nói dối

Trong kinh điển Pāli, cụ thể là trong Tăng chi bộ (Angutara Nikāya), Đức Phật đã đề cập đến việc nói dối như sau: “Ở đây, này Cunda có người đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, đến chỗ tập hội hay đến chỗ chúng tội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa các vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: ‘Này người kia, hãy nói những gì người biết’. Nếu không biết, người ấy nói: ‘Tôi không biết’. Nếu biết, người ấy nói: ‘Tôi biết’. Hay nếu không thấy, người ấy nói: ‘Tôi không thấy’. Nếu thấy, người ấy nói: ‘Tôi thấy’. Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc nguyên nhân vì mình, hoặc nguyên nhân vì người, hoặc nguyên nhân vì một vài quyền lợi gì.” (Tăng chi bộ 10:176; sử dụng bản dịch Việt của HT.Minh Châu). Với lời dạy này, Đức Phật cho ta thấy cả mặt tiêu cực và tích cực của giới này. Mặt tiêu cực là tránh nói dối và mặt tích cực là nói sự thật.

Điều đáng lưu ý ở nơi giới luật này là động cơ lừa dối hay nói dối. Về động cơ nói dối, nó có thể do ba yếu tố: tham lam, sân hận và si mê. Lòng tham có thể là nguyên nhân dẫn đến việc nói dối do vì lòng vị kỷ muốn đạt được lợi ích riêng cho bản thân hay người thân; người đó nói dối vì của cải vật chất, địa vị hay danh tiếng. Với lòng sân hận là động cơ, lời nói dối sẽ mang hình thức lời nói dối ác ý có ý định làm tổn thương hay gây tổn hại cho ai đó; trong khi nói dối vì si mê thì thường mang những hình thức như: nói dối vì bị ép buộc, nói dối vì mục đích tiêu khiển hay đùa giỡn…

Từ bỏ nói dối là một điều quan trọng đối với người tu tập theo Phật giáo. Đó là lý do tại sao từ bỏ nói dối được coi là một phần của năm giới. Đức Phật đã nêu ra một số lý do tại sao nó lại có tầm quan trọng như vậy. Lý do đầu tiên là nói dối nói chung không tốt cho một xã hội hòa hợp hay cho sự nâng đỡ lẫn nhau giữa các cá nhân ở trong một xã hội nói chung. Một xã hội được xây dựng bởi những kẻ nói dối thì nhất định sẽ bị diệt vong theo thời gian vì sự nghi ngờ lẫn nhau ở trong xã hội; trật tự xã hội sẽ sụp đổ và cuối cùng sẽ dẫn đến hỗn loạn. Lý do thứ hai mà Đức Phật nêu ra thì có tính chất cá nhân. Một cá nhân không tránh việc nói dối thì sẽ có xu hướng bao lấy mình bằng một mạng lưới dối trá khi người này nói dối người kia, và quá trình này chính nó lặp đi lặp lại cho đến khi cá nhân đó không thể thoát ra khỏi mạng lưới dối trá do chính mình tạo nên. Vì vậy, chúng ta nên từ bỏ hoàn toàn lời nói dối…

Tránh nói phỉ báng

Nói phỉ báng có thể là lời nói nhằm tạo ra sự thù địch giữa các cá nhân hay một phát ngôn ác ý, hoặc tường thuật ác ý về một người nào đó. Lời nói phỉ báng cũng có thể được xem là đưa ra những tuyên bố sai sự thật gây tổn hại đến danh tiếng của người khác. Động cơ đằng sau những lời nói như vậy thường là sự ác cảm hay oán giận đối với thành công của đối thủ và ý định độc ác gây tổn hại cho người mà ta coi là đối thủ. Nguyên nhân của lời nói phỉ báng đôi khi cũng do vô minh. Lời nói phỉ báng là một trong những hành vi vi phạm đạo đức có tính hủy hoại nghiêm trọng.

Vì lời nói phỉ báng cũng bao hàm sự nói dối nên nó cùng lúc tạo nên hai sự tiêu cực và như vậy tạo ra một hành nghiệp vô cùng bất thiện. Lời nói gây thù hận cũng là một loại lời nói phỉ báng vì gốc rễ của lời nói phỉ báng là lời nói thù hận. Ngược lại với lời nói phỉ báng là lời nói đem lại sự hòa hợp và đoàn kết giữa người với người. Vì vậy Đức Phật nói rằng Chánh ngữ không chỉ nói chân thật mà còn nói ái ngữ, lời nói phát xuất từ tâm từ bi và cảm thông. Ngài Đạt-lai Lạt-ma nói: “Cần nên có sự yêu thương và thấu hiễu lẫn nhau giữa người với người, chỉ khi đó chúng ta mới biết nhu cầu của người khác là gì và chỉ khi đó một xã hội mới có thể được cho là thật sự hài hòa”.

Tránh nói lời cay nghiệt

Trong kinh Pháp cú (Dhammapada), Đức Phật dạy rằng: Người thô lỗ buông lời ác độc/ Người trả đòn, hằn học chua cay/ Khổ đau đến với cả hai/ Lời qua tiếng lại, chẳng ai được gì”. Lời nói cay nghiệt thường được thốt ra trong cơn tức giận nhằm gây ra đau khổ cho người nghe. Tuy nhiên lời nói cay nghiệt đôi khi cũng được nói ra trong những lúc không tức giận bởi những lý do khác nhau. Lời nói cay nghiệt có thể mang các hình thức như chửi bới, nói xấu người khác bằng những lời lẽ cay độc để gây tổn thương tình cảm, xúc phạm, châm biếm, bôi nhọ, gán cho người khác một thuộc tính để hạ thấp phẩm giá của người đó…

Đức Phật khuyên chúng ta nên nhẫn nhịn và im lặng vào những lúc tức giận. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng những lời nói bạo lực, thù hận thì ít gây nên tổn hại hơn hành động bạo lực và thù hận, thậm chí đôi khi chúng ta có thể nghĩ rằng những lời nói thô bạo và bạo lực là chính đáng ở trong một số trường hợp. Nhưng theo Phật giáo (và ngay cả trong tâm lý học phát triển của Carl Jung), những suy nghĩ và lời nói thù hận đều đưa đến hay trở thành tiến trình cho những hành động thù hận hay độc ác và chúng hỗ trợ lẫn nhau. Do đó chúng ta cần tránh những lời nói được thúc đẩy bởi sự tức giận và ác ý, học cách khoan thứ việc đổ lỗi và sự chỉ trích từ người khác, tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm và chịu đựng sự sỉ nhục mà không ôm ấp ý nghĩ trả thù. Chỉ khi đó, một cá nhân và một xã hội mới có thể sống trong sự hòa hợp và hòa bình hoàn hảo.

Tránh nói nhảm nhí

Kinh Ca-diếp Sư tử hống (Kassapa-Sīhanāda sutta, Trường bộ) nói rằng, “Sa-môn Gotama nói đúng thời, nói chân thật, nói lợi ích, nói hợp pháp, nói đúng luật”. Như vậy Đức Phật biết khi nào nên nói, nói vừa đủ và những gì nên nói. Nói nhảm nhí là lời nói vô nghĩa, lời nói không có mục đích hay nói đúng hơn là lời nói truyền đạt thông tin không có giá trị. Đức Phật khuyên rằng nên hạn chế những lời nói nhảm nhí càng nhiều càng tốt. Nói nhảm nhỉ sẽ làm cản trở việc thảo luận nghiêm túc và mang tính xây dựng. Mặc dù sự hài hước và trò chuyện vặt đôi khi có thể giúp chúng ta cảm thấy thoải mái, nhưng chúng ta nên sử dụng ở mức độ vừa phải. Lời nói và các hình thức giao tiếp khác phải hướng đến lợi ích của con người và sự tốt đẹp của xã hội. Vì vậy, theo Đức Phật, không nên để tâm đi lạc trong những câu chuyện phiếm mà phải giữ chánh niệm và sự điềm tĩnh.

Lắng nghe đúng và im lặng đúng

Trong Phật giáo, chúng ta thường nghe đến câu “Im lặng như Chánh pháp và nói năng như Chánh pháp”; nói cách khác là lắng nghe đúng và im lặng đúng. Đức Phật thường nhấn mạnh việc im lặng và chính Ngài đã giao tiếp với rất nhiều người thông qua việc giữ im lặng. Đức Phật tin rằng nếu lời nói của bạn không hữu ích thì tốt hơn là bạn nên giữ im lặng. Trong thực tế, Đức Phật đã thực hành sự im lặng khi ai đó hỏi Ngài về một số câu hỏi siêu hình không dẫn đến sự chấm dứt đau khổ. Việc Đức Phật tránh trả lời những câu hỏi siêu hình này được gọi là “Sự im lặng của Đức Phật”. Một số câu hỏi mà Đức Phật đã giữ im lặng không trả lời là: “Vũ trụ là vĩnh hằng hay không vĩnh hằng? Vũ trụ là hữu hạn hay vô hạn? Linh hồn là một với thể xác hay là một thứ gì đó khác với thể xác? Như Lai tồn tại sau khi chết hay Ngài không tồn tại sau khi chết, hay Ngài vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi chết?” Đức Phật, người đã nhận ra bản chất thực sự của những vấn đề này, trước những câu hỏi đặt ra cho Ngài như vậy, đã giữ im lặng.

Sự im lặng của Đức Phật đối với những vấn đề này có ý nghĩa hơn việc cố gắng đưa ra hàng trăm bài thuyết pháp về chúng. Khi Đức Phật biết rằng người hỏi không ở trong trường hợp có thể hiểu câu trả lời đối với những câu hỏi này vì bản chất sâu xa của chúng, Ngài đã chọn cách im lặng. Đức Phật không cố gắng đưa ra câu trả lời cho tất cả các câu hỏi được đặt ra cho Ngài, vì Ngài nhận thấy rằng việc trả lời những câu hỏi ấy là vô nghĩa và không có ích lợi gì đối với đời sống tâm linh.

Ngài là một người thầy thực tiễn, đầy lòng từ bi đối với con người và muôn loài. Đối với Đức Phật, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thật và im lặng. Sự im lặng của Đức Phật không phải là không nói gì, mà nó có một sức mạnh chuyển hóa tràn ngập bầu không khí xung quanh Ngài với cường độ mạnh đến nỗi ngay cả những người ngồi xung quanh Ngài cũng trải nghiệm được sự an lạc không thể nói được. Trong kinh Phạm võng (Brahmajala, Trường bộ), Đức Phật giải thích và liệt kê ra 62 cách mà ở đó các Bà-la-môn và Sa-môn đã “tái dựng quá khứ và sắp xếp tương lai”. Đức Phật nói “họ bị mắc kẹt trong mạng lưới với 62 bộ phận của nó, và bất cứ chỗ nào họ nhảy lên và cố gắng thoát ra, họ đều bị bắt giữ ở trong chiếc lưới này”.

Đối với Đức Phật, có một khía cạnh quan trọng khác có thể giúp con người tạo nên sự giao tiếp đó là lắng nghé đúng đắn. Trong tác phẩm The heart of the Buddha’s teaching, Thiền sư Nhất Hạnh đã nói: “Lắng nghe sâu sắc là nền tảng của Chánh ngữ. Nếu chúng ta không thể lắng nghe một cách chánh niệm, chúng ta không thể thực hành Chánh ngữ”. Lời nói này cho thấy sự lắng nghe đúng đắn quan trọng như thế nào, nếu một người muốn có sự giao tiếp hài hòa. Trước khi giảng Pháp, Đức Phật thường bảo các đệ tử của Ngài “Hãy lắng nghe, chú ý và Ta sẽ nói”. Có một câu nói rất hay rằng chúng ta chỉ có một miệng và hai tai, do đó chúng ta nên nghe nhiều hơn nói.

Đức Phật nhấn mạnh vào việc lắng nghe một cách sâu sắc, lắng nghe bằng tất cả trái tim, để tâm và tập trung vào lời của người nói, gạt bỏ sự tự cao tự đại của chúng ta trong khi nghe. Nói là diễn đạt những từ ngữ mang những ý nghĩa nhất định, và lắng nghe là để ý thức những lời được nói ra. Giao tiếp của con người là một quá trình đòi hỏi cả nói và nghe, qua đó thể hiện tư tưởng, cảm xúc và mong muốn của chúng ta với nhau. Giống như bất kỳ phương pháp thực hành chánh niệm nào khác, lắng nghe đúng vừa là một kỹ năng vừa là một cách sống. Chỉ khi người ta có thể lắng nghe giáo pháp một cách đúng đắn, họ mới có thể lĩnh hội được bản chất thực sự của những lời dạy của Đức Phật. Đó là lý do tại sao Đức Phật rất coi trọng việc lắng nghe đúng; và khi Đức Phật nói về Chánh ngữ, Ngài đã đưa vào đó cả hai mặt của quá trình giao tiếp, đó là nói và nghe có chánh niệm.

Nhận xét kết luận

Lời nói dối sẽ tạo nên hậu quả khủng khiếp khi nó đi kèm với lời nói gây thù hận. Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy có rất nhiều bằng chứng về việc lời nói thù hận được sử dụng để kích động sự thù hận giữa người với người nhằm chia rẽ họ thành các cộng đồng tôn giáo và hệ tư tưởng khác nhau, dẫn đến bạo lực ở quy mô lớn. Ở phương diện quốc tế, lời nói gây hận thù dẫn đến bạo lực quy mô lớn có thể nhìn thấy từ cuộc tàn sát của Đức Quốc xã. Mặc dù Hitler là một “nhà hùng biện giỏi”, nhưng ông ta không sử dụng năng khiếu hùng biện của mình theo cách xây dựng. Ông lên nắm quyền một phần vì tình hình chính trị nước Đức vào lúc bấy giờ, và một phần nhờ khả năng hùng biện. Những bài phát biểu trước công chúng chất đầy thù hận của ông nhằm chống lại người Do Thái đã dẫn đến những vụ thảm sát quy mô lớn. Có vô số ví dụ khác về lời nói gây thù hận dẫn đến bạo lực quy mô lớn có thể nhìn thấy từ những nhân vật lịch sử khác nhau. Những ví dụ như thế này khiến chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc giám sát lời nói, và điều này đã được Đức Phật lưu ý hơn 2.500 năm trước.

Đức Phật luôn dạy về lòng từ bi và tình yêu thương đối với con người. Đối với Đức Phật, lời nói thô bạo hay thù hận dẫn đến hành động thô bạo hay thù hận, điều đó tiếp tục đưa đến làm ô nhiễm toàn bộ xã hội. Hiện nay, lời nói gây thù hận không còn là những lời nói mặt đối mặt với người khác, mà sự thù hận cũng có thể được truyền bá bằng ngôn ngữ văn bản và những hình thức khác như phát sóng trực tiếp trên internet, v.v. Một ví dụ nổi tiếng của dạng thức này cũng có thể được chỉ ra. Cách đây không lâu, một nhà văn đã bị buộc tội làm tổn thương tình cảm và phẩm giá của hàng triệu người một cách tàn nhẫn và vô cớ. Ông ta bị buộc tội thể hiện thành kiến ​​trắng trợn đối với một cộng đồng cụ thể và vu khống một cách thái quá niềm tin của họ.

Như vậy chúng ta thấy, việc thực hành Chánh ngữ quan trọng như thế nào vào thời buổi hiện nay. Sự thật là Đức Phật đã nhiều lần đề cập đến tầm quan trọng của Chánh ngữ trong các bản kinh. Chi phần Chánh ngữ có liên hệ mật thiết với các chi phần khác của Bát Chánh đạo. Nếu chúng ta ngồi xuống và tập trung sự chú ý vào bản thân, chúng ta nhận ra rằng tất cả những suy nghĩ, cấu trúc khái niệm và hành động của chúng ta đều được xây dựng thông qua hay phát sinh trực tiếp hoặc gián tiếp từ ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một cấu trúc xã hội do con người tạo ra để có thể giao tiếp với nhau. Trong thực tế, suy nghĩ của chúng ta cũng được tạo thành từ ngôn ngữ. Do đó chúng ta nên rèn luyện tâm trí của mình để có được sự trầm tĩnh khi chúng ta nói chuyện với người khác. Có rất nhiều lời nói là vô thức hay là sự lặp lại của dòng suy nghĩ của chúng ta. Muốn có một trạng thái tâm bình an thì việc nói Chánh ngữ cũng là một điều kiện cần thiết, và khi tâm ta được bình an và nói lời Chánh ngữ, thì lòng từ bi và sự hỷ lạc sẽ lan đến với những người khác.

Ngay cả khi không hiểu triết lý Phật giáo, người ta vẫn có thể nhận ra được sự lợi ích từ việc thực hành Chánh ngữ. Chánh ngữ có một tác lực mạnh mẽ có thể gắn kết tất cả chúng ta lại với nhau. Như vậy, Đức Phật nhấn mạnh đến Chánh ngữ là nhằm lan tỏa tính chân thực, lòng từ bi, tình nhân ái và bình đẳng mà chúng cuối cùng có thể trở thành động lực mạnh mẽ cho điều chí thiện.

Nguồn: Journal of Religion and Theology, volume 3, 2-2019, tr.32-38.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle