Tìm hiểu về các bản viết tay lá cọ ở Ấn Độ

TÌM HIỂU VỀ CÁC BẢN VIẾT TAY TRÊ

TÌM HIỂU VỀ CÁC BẢN VIẾT TAY TRÊN LÁ CỌ Ở ẤN ĐỘ

E.B. Wilson và J. Rice[1] - Vô Ưu lược dịch

 

 

Ở Nam và Đông Nam Á, lá cọ là một vật liệu được sử dụng phổ biến làm nền cho các bản viết tay và tranh vẽ trước khi giấy ra đời.[2] Trong bài viết này, chúng tôi sẽ thảo luận về ý nghĩa lịch sử và văn hóa của các bản viết tay trên lá cọ và cấu trúc vật lý của chúng. Mặc dù không thể xác định được lá cọ được sử dụng làm “giấy” viết bắt đầu từ khi nào, nhưng có bằng chứng cho thấy rằng nó có mặt từ khá sớm ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Một trong những tài liệu sớm nhất có nói đến việc ghi chép trên lá cọ là một văn bản Phật giáo Pāli sơ kỳ từ thế kỷ V tr.TL, ở đó có đề cập đến nhiều loại vật liệu khác nhau dùng làm nền viết.[3] Trong chuyên luận của mình, Naturalis Historia, Pliny the Elder (23-79 TL) cũng đã ghi lại việc sử dụng lá cọ để viết tài liệu ở Hy Lạp và La Mã.[4] Mục đích chung của các bản viết tay là lưu giữ và truyền bá kiến thức, và lá cọ là một phương tiện thuận tiện. Các bản viết tay trên lá cọ là “các vật thể nhỏ, nhẹ và dễ vận chuyển…”[5]. Các văn bản quan trọng đã được viết và sau đó được sao chép lại và lưu hành khắp Nam Á, Trung Á và Đông Nam Á. Một số lượng lớn các bản viết tay lịch sử vẫn còn tồn tại (ước tính lên tới 30 triệu bản), nhưng đây chỉ là một số lượng rất nhỏ so với các bản viết tay có thể đã từng tồn tại.[6]

Các bản viết tay trên lá cọ thực sự rất bền. Chúng “có thể tồn tại một thiên niên kỷ hoặc hơn nếu được xử lý tốt.”[7] Tuy nhiên, khí hậu và việc sử dụng dẫn đến sự xuống cấp. Trước hết, do bản chất hữu cơ của chúng, các lá cọ có thể bị phân hủy. Ở những khu vực nóng ẩm của Nam Á, chẳng hạn như Nam Ấn và Sri Lanka, chúng có tuổi thọ khoảng 400-500 năm.[8] Tuy nhiên, ở Trung Á, các bản viết tay trên lá cọ có thể tồn tại lâu dài hơn do độ ẩm thấp và nhiệt độ mát hơn.[9] Một số trong những văn bản viết tay này đã được sử dụng nhiều và bị hư hại theo thời gian. Do đó, các văn bản này được sao chép lại, và sau đó các phiên bản bị hư hỏng hoặc xuống cấp sẽ bị loại bỏ, thường là bằng cách đốt hoặc ngâm trong nước để thể hiện sự tôn kính.[10] Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các phiên bản viết tay trên lá cọ đầu tiên đã bị mất.

Việc sử dụng các bản viết tay trên lá cọ đạt đến đỉnh điểm vào đầu thế kỷ XIX. Trong thực tế, hầu hết các bản viết tay còn tồn tại đều có niên đại từ đầu thế kỷ XIX. Có nhiều bản viết tay còn sót lại từ những năm 1820 và 1830 hơn bất cứ thời kỳ nào khác.[11] Điều này một phần là do việc sử dụng giấy và công nghệ in tương đối chậm ở Ấn Độ. Giấy thủ công bắt đầu dần thay thế lá cọ từ thế kỷ XVIII, trong khi máy in, được người Bồ Đào Nha đưa vào Ấn Độ vào thế kỷ XVI, đã không được áp dụng rộng rãi cho đến cuối thế kỷ XIX.[12]

Ngày nay, vẫn còn những nơi ở Ấn Độ mà ở đó người ta tạo ra những bản viết tay trên lá cọ và chúng trở thành đối tượng thu hút sự quan tâm của một số học giả phương Tây quan tâm đến nghệ thuật sách. Ở Orissa, các bản viết tay trên lá cọ (chủ yếu chứa các hình minh họa được vẽ để bán cho khách du lịch) đang được tạo ra bằng những phương pháp truyền thống, nhưng cũng sử dụng các cải tiến như in lụa hoặc cơ học và các cấu trúc mới như lá khâu và lá hai lớp có chứa các đường cắt và gáy.

Về mặt lịch sử, các bản viết tay được lưu giữ bởi các vị thầy, vua chúa và các tổ chức tôn giáo, chẳng hạn như đền chùa và tu viện.[13] Cũng có những bộ sưu tập lớn trong nhà của những người Bà-la-môn, các thành viên của giai cấp tư tế mà họ thừa hưởng những bản văn này từ tổ tiên của họ.[14] Do đó, các bản viết tay trên lá cọ đã được lưu giữ trong nhiều điều kiện khác nhau, điều này cuối cùng đã ảnh hưởng đến sự tồn tại và tình trạng của chúng ngày nay.

Hiện nay, các bản viết tay trên lá cọ của Nam Á có thể được tìm thấy trong các thư viện và viện bảo tàng ở cả khu vực Nam Á và những nơi khác, mặc dù nhiều bản viết tay vẫn được lưu giữ riêng trong các bộ sưu tập cá nhân và tại các đền chùa và tu viện. Điều này tạo ra những thách thức về bảo tồn cũng như đạo đức. Như Sah đã chỉ ra, “Mặc dù thực tế là các bản viết tay thì thiêng liêng, nhưng hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn bản, đã bị thất lạc mỗi năm do sự bỏ bê.”[15] Trong 10 đến 15 năm qua, chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực rất nhiều để xác định vị trí, lập tài liệu và bảo tồn các bản viết tay trên lá cọ trên toàn quốc. Ngoài ra còn có những nỗ lực quốc tế, chẳng hạn như dự án Ký ức thế giới của UNESCO, với hy vọng bảo tồn cả văn hóa vật chất của các bản viết tay trên lá cọ và kiến thức văn hóa lưu giữ ở trong đó. Ví dụ, một dự án được thực hiện bởi Chương trình Lưu trữ Nguy cấp của Thư viện Anh và nó cho thấy là cần thiết bởi vì “các bản viết tay được lưu giữ trong các kho tư nhân bị bám bụi, dễ gãy vỡ và có nguy cơ bị hư hại hàng ngày do thiếu kiến thức bảo quản.”[16] Ở dự án này, “200.000 trang bản viết tay trên lá cọ từ năm quận ở Bắc Kerala, Ấn Độ” chứa thông tin về “lịch sử, khoa học, toán học, kiến trúc, triết học và kinh điển” đã được làm sạch cẩn thận trước khi được lưu trữ kỹ thuật số.[17]

2. Tầm quan trọng văn hóa của các bản viết tay trên lá cọ

Các bản viết tay trên lá cọ là một phần quan trọng trong quá trình phát triển kiến thức văn hóa Nam Á và thực hành tôn giáo. Ở Nam Á, vào khoảng thế kỷ I tr.TL, đã có một sự thay đổi từ việc truyền đạt kiến thức văn hóa bằng lời nói sang các tài liệu ghi chép, đầu tiên là trên đá, sau đó là trên lá cọ, và cuối cùng là trên giấy.[18] Như vậy, trong khoảng hai thiên niên kỷ, các bản viết tay, và đặc biệt là các bản viết tay trên lá cọ, là cách thức chính để truyền tải kiến thức.

Tính đa dạng ở nơi những bản viết tay trên lá cọ là một lý do tại sao việc bảo quản chúng lại quan trọng đến vậy. Các bản viết tay trên lá cọ bao gồm nhiều ngôn ngữ và chữ viết trải rộng khắp tiểu lục địa, đồng thời bao gồm nhiều chủ đề khác nhau. Các bản viết tay trên lá cọ ghi lại và truyền đạt kiến thức về lịch sử, y học, chiêm tinh, nghệ thuật và văn hóa.[19] Chúng cũng được sử dụng để ghi lại thông tin hành chính và những thông tin khác.[20] Ngoài ra, một số bản viết tay là những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo. Tuy nhiên, ảnh hưởng quan trọng nhất của chúng là phát triển và truyền bá các văn bản tôn giáo của ba truyền thống tôn giáo Nam Á - Ấn Độ giáo, Kỳ-na giáo và Phật giáo. Chúng cũng có ảnh hưởng đến việc truyền bá Ấn Độ giáo và Phật giáo đến Đông Nam Á và Đông Á.[21]

Trong cả ba truyền thống tôn giáo, việc bảo tồn kiến thức thông qua nghiên cứu, giảng dạy và viết ra thành văn bản là điều được quan tâm. Các văn bản được lưu giữ ở nơi các bản viết tay trên lá cọ được “viết, sao chép, nhân bản và bảo quản” bởi các tu sĩ và các học giả và được lưu giữ tại các trung tâm tôn giáo và đền chùa.[22] Trong Kỳ-na giáo và Phật giáo, các bản viết tay trở nên quan trọng về mặt nghi lễ. Do đó, những truyền thống tôn giáo này là trung tâm của câu chuyện về việc sử dụng các bản viết tay trên lá cọ và tầm quan trọng đương đại của chúng ở Nam Á.

Các bản viết tay đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống trí tuệ, tôn giáo và cộng đồng của Kỳ-na giáo ở các bang Gujarat và Rajasthan ở Tây Ấn.[23] Những văn bản mà chúng quan trọng nhất trong cuộc sống hàng ngày của người Kỳ-na thì được sao chép thường xuyên hơn. Nhiều trong số những văn bản này chứa đựng những lời dạy của Mahavira, một trong những nhân vật tôn giáo chính trong đức tin Kỳ-na giáo. Đặt mua các bản viết tay là một cách thể hiện lòng sùng đạo và “... thiết lập nơi cất giữ chúng là một trong những nhiệm vụ của người tín đồ, như một phần của sự ủng hộ và sự nhiệt tâm của họ đối với cộng đồng tu sĩ.”[24] Do đó, các thư viện và kho lưu trữ đã trở thành một không gian quan trọng trong các cộng đồng Kỳ-na. Những Jnan bhandar (kho chứa tri thức) được bắt đầu từ thế kỷ VIII. Trong thực tế, những thư viện này thường giống các nơi lưu trữ hơn, với các bản viết tay được cất giữ trong “những căn hầm nhỏ, tối tăm, không được thông gió, hoặc trong những căn phòng tương tự trên mặt đất.”[25] Những điều kiện này thường bảo vệ các bản viết tay trên lá cọ khỏi bị hư hại vì chúng là những nơi khô ráo, tối và mát mẻ.

Trong Kỳ-na giáo, các tín đồ thường tôn kính những văn bản này. Mỗi năm một lần vào ngày lễ được gọi là Jnan Panchami, những tín đồ Kỳ-na đến các thư viện “để kính lễ cả kiến thức được chứa đựng trong các bản viết tay và chính các bản viết tay vật lý.”[26]

Các bản viết tay trên lá cọ cũng quan trọng đối với sự phát triển và truyền bá Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Đại thừa. Điều này một phần là do sự tôn kính đối với kinh sách và các bản viết tay của một số cộng đồng Phật giáo, đặc biệt là vào thời kỳ Pala (thế kỷ thứ VIII-XII). Bát-nhã bát thiên tụng (Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā) là “một trong những bản văn Đại thừa quan trọng nhất và sớm nhất” đã được viết ra.[27] Vào thời Pala, địa vị của Bát-nhã bát thiên tụng “trở nên nổi bật đến mức [các bản viết tay của văn bản này] đã trở thành đối tượng thờ phụng.”[28] Ngay cả ngày nay, việc đọc tụng và tôn kính các bản kinh tạo thành “một phần quan trọng trong thực hành Phật giáo.”[29]

Do tầm quan trọng và sự tôn kính rộng rãi Bát-nhã bát thiên tụng, có nhiều thư viện và viện bảo tàng lưu giữ các bản chép tay của bản kinh này hoặc các văn bản dẫn chiếu nó. Bản Bát-nhã bát thiên tụng do Thư viện Wellcome (London) lưu giữ có niên đại từ năm 1075 TL và ở trong tình trạng tuyệt vời.[30] Ngoài ra còn có một bản viết tay hoàn chỉnh của bản kinh này tại Viện Nghệ thuật Detroit; bộ kinh chép tay này bao gồm “249 tờ được viết trên cả hai mặt ngoại trừ trang phải của tờ đầu tiên.”[31] Theo phần ghi chép ở cuối cuốn sách, bản viết tay được thực hiện vào khoảng năm 1160 TL.[32] Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở Thành phố New York cũng lưu giữ một bộ viết tay trên lá cọ của bản kinh này, nhưng nó cũng chứa đựng một số hình minh họa sớm nhất từ thời kỳ Pala (1000-1200).[33]

Bởi vì ý nghĩa văn hóa và tôn giáo của những văn bản này, các học giả, thủ thư và nhà bảo tồn đã cố gắng tìm cách đưa những văn bản cổ này vào thế kỷ XXI và giúp cho nhiều người có thể tiếp cận chúng hơn, cả ở Nam Á và bên ngoài Nam Á. Do đó, việc thực hiện số hóa và cơ sở dữ liệu trực tuyến, xem đây như một phương tiện bảo tồn di sản chứa đựng trong các bản viết tay trên lá cọ cũng như văn hóa vật chất của chính các bản viết tay, là một điều hết sức cần thiết.

Ngoài các vấn đề kỹ thuật còn có những vấn đề đạo đức quan trọng cần xem xét về việc bảo tồn các bản viết tay trên lá cọ. Đầu tiên, có một thực tế là một số bản viết tay trên lá cọ được coi là vật thể thiêng liêng. Ví dụ, khi các giáo sư từ Viện Công nghệ Rochester đánh giá và số hóa 36 bản viết tay tại một tu viện ở Ấn Độ, các tu sĩ là những người duy nhất được phép chạm vào “những chiếc lá mỏng manh và thiêng liêng”.[34] Giáo sư Mukund cho biết rằng “các học giả… mỗi lần lấy một chiếc lá và đặt nó lên bàn để chụp ảnh.” Theo Sharma và cộng sự, “ở một số khu vực của Ấn Độ, người ta tin rằng bản thân bản viết tay trên lá cọ là đối tượng được thờ phụng và là phần cốt lõi của văn bản được nhân cách hóa dưới danh nghĩa của một vị thần hoặc nữ thần.”[35] Florian mô tả sự tôn trọng và cẩn thận cần phải có đối với các đồ tạo tác nói chung vì chúng tượng trưng cho “các tài liệu về mỹ học, tín ngưỡng, phong cách sống và công nghệ của một dân tộc.”[36]

Thứ hai, nhiều bản viết tay trên lá cọ đã bị các thế lực thực dân đưa ra khỏi Nam Á mà không có sự cho phép hoặc ý kiến của các cộng đồng Hindu, Kỳ-na và Phật giáo. Nhiều bản viết tay trên lá cọ được lưu giữ trong các viện bảo tàng cách xa nguồn gốc của chúng, bao gồm một số bản viết tay tại Hoa Kỳ. Mặc dù khái niệm này chắc chắn gây tranh cãi, nhưng một số người sẽ lập luận rằng bất kỳ bản viết tay nào bị lấy đi dưới chế độ thuộc địa thì nên trả lại cho con cháu của chủ sở hữu chúng (quyền tài sản) hoặc hồi hương chúng (quyền văn hóa).[37]

Ngay cả việc số hóa các bản viết tay trên lá cọ, với những lợi ích rõ ràng về tính khả dụng ảo và bảo vệ bản gốc, cũng tạo nên nhiều mối quan tâm khác nhau. Mallan và Park trích dẫn một bài tiểu luận của Walter Benjamin lập luận rằng, “việc đưa tác phẩm nghệ thuật ra khỏi bối cảnh đặc biệt của nó sẽ phá hủy tinh hoa của nó.”[38] Ngoài ra, bất kỳ ý định nào nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu giữ vĩnh viễn các bản viết tay gốc chắc chắn khác với truyền thống phổ biến của người Ấn Độ rằng các bản viết tay trên lá cọ cũ hoặc bị ném xuống sông hoặc bị đốt cháy sau khi nội dung trí tuệ của chúng đã được sao chép vào những trang giấy mới.[39] Theo Thư viện Anh, “cho đến gần đây, việc thả các bản chép tay xuống biển hoặc sông vào những ngày kiết tường được coi là cách làm tốt nhất để bảo tồn chúng, để tránh tội chứng kiến sự mục nát của chúng.”[40] Samuel viết rằng “nếu không có người thích hợp để sao chép, các bản viết tay được phép chết một cái chết tự nhiên.”[41]

3. Cơ cấu vật lý, thiết kế và cấu trúc các bản viết tay trên lá cọ

Trong số hơn 2.400 loài cọ phân bố trên toàn thế giới, có một số loài được xác định thường được sử dụng làm “giấy” viết: Borassus flabellifer (cọ đường), Corypha umbraculifera (cọ talipot, lá buông, lá bối), Corypha taliera và Corypha utan. Theo Thư viện Đại học Cornell, loại lá cọ thường được sử dụng cho các bản viết tay là lá cọ Palmyra và Talipot[42]. Lá từ các loài khác nhau thì khác nhau về màu sắc, độ dẻo, độ mịn, độ bền, khả năng phản ứng với thời gian và tính nhạy cảm với sự tấn công của côn trùng. Những đặc điểm này của lá ảnh hưởng trực tiếp đến các bản viết tay được tạo ra từ chúng.

Lá cọ thường được thu hoạch khi còn non, thích hợp nhất là vào mùa khô, và cần được xử lý bổ sung hoặc ngâm tẩm trước khi chúng có thể được sử dụng cho các bản viết tay. Quy trình xử lý chính xác được sử dụng khác nhau tùy theo loại lá và phong tục địa phương, nhưng có thể bao gồm: đun sôi trong nước, sữa hoặc các chất lỏng khác, sấy khô trong lò sấy, xử lý bằng khói, làm khô bằng không khí, chôn trong bùn, chà nhám, chà xát hoặc đánh bóng, và xử lý lá bằng nghệ hoặc dầu như dầu mè.[43]

Các loài cọ được được sử dụng cho các bản viết tay:

Tên khoa học

Tên phổ thông

Ghi chú

Borassus flabellifer

Palmyra  (Palmyrah)  palma; Cọ rượu

Lá dày, khá dẻo, dễ gãy vỡ theo thời gian; bề mặt như sáp.

Thường viết bằng cách khắc chữ, không bám (mực hoặc sơn) tốt khi viết trên bề mặt.

Phân bổ rộng (cận nhiệt đới, nhiệt đới); được trồng rộng rãi.

Corypha taliera

Như trên

Lá màu nâu có gai đen, dày, không dẻo. Đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên; chỉ còn lại một số lượng nhỏ mẫu vật được trồng trọt.

Corypha umbraculifera

Cọ Talipot; Cọ quạt Sritala

Màu sáng, mỏng, dẻo, độ bền hàng thế kỷ; lá dài tới 50cm; viết tốt trên bề mặt (mực hoặc sơn). Phổ biến ở Ấn Độ, Sri Lanka, được đưa vào các khu vực khác của Đông Nam Á.

Corypha utan

Cọ Gebang, cọ Buri

Viết tốt trên bề mặt (mực hoặc sơn); có mặt ở Đông Nam Á, Úc.

Khi lá đã sẵn sàng sau quá trình xử lý ban đầu, chúng được cắt theo kích thước và nếu chưa được thực hiện trước đó, gân lá thường bị loại bỏ. Đôi khi, gân lá ở giữa được giữ lại, lá được gấp lại và chỉ phần bên ngoài của lá được dùng để viết. Mặc dù các bản viết tay trên lá cọ có thể có chiều dài khác nhau, từ chỉ vài cm đến hơn 1m, một kích thước điển hình hơn là dài khoảng 60cm và rộng khoảng 7cm. Thông thường các bản viết tay là hình chữ nhật, lặp lại hình dạng của những chiếc lá bị cắt, nhưng các bản viết tay đôi khi mang những hình dạng hoa mỹ hơn như hình “cá, động vật và lưỡi kiếm”. Những chiếc lá đã cắt tỉa được buộc thành cuộn hoặc bó từ một vài đến hàng trăm lá, và có thể được đặt giữa các tấm bìa, thường làm bằng gỗ. Một đến ba lỗ được tạo ra trên lá và tấm bìa, như vậy có thể xuyên dây qua và buộc lại để cố định nội dung. Những chiếc lá nhỏ có thể chỉ có một lỗ ở giữa, nhưng điển hình hơn là những chiếc lá dài có lỗ ở hai đầu. Một định dạng ít phổ biến hơn là một bản chép tay hình quạt, với một cái ghim (đôi khi làm bằng kim loại) cố định các lá ở một đầu. Perumal cho biết rằng “nếu [bản chép tay] có nhiều hơn 200 lá, sợi chỉ không thể giữ được lá, hoặc nó sẽ làm hỏng các lỗ trên lá. Trong trường hợp này, một thanh đồng nhỏ hoặc một thanh tre được xỏ vào lỗ còn lại của [bản viết tay]”.

Bìa ngoài, đặc biệt là những bìa được đặt trên các văn bản tôn giáo được sử dụng trong các đền chùa hoặc tu viện, đôi khi có các hình minh họa được vẽ đầy màu sắc tinh xảo, và thậm chí có thể được khảm bằng ngà voi hoặc xà cừ. Sau khi hoàn thành, các bản viết tay thường được bọc trong vải, và đôi khi cũng được đựng trong các hộp gỗ bảo vệ. Lớp vải bọc bên ngoài theo truyền thống có màu đỏ hoặc vàng, những màu được cho là có tác dụng xua đuổi sâu và côn trùng.[44] Xin lưu ý thêm, các bản viết tay bằng các chất liệu khác mà chúng mô phỏng cấu trúc của những bản chép tay làm từ lá cọ thực tế cũng được tìm thấy ở Ấn Độ, mặc dù chúng nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Những “chiếc lá” thay thế này được làm từ “vàng, bạc hoặc đồng mạ vàng” và thậm chí cả những tấm ngà voi.[45]

Phương pháp viết và vẽ minh họa trên lá cọ phụ thuộc vào loại lá cọ được sử dụng làm nền. Như Van Dyke giải thích, “về truyền thống, việc viết trên lá cọ được thực hiện theo hai cách: văn bản hoặc được khắc hoặc được viết trên bề mặt.”[46] Lá cọ Talipot, vật liệu nền được sử dụng cho những bản viết tay sớm nhất còn sót lại ở Ấn Độ, thường có mực hoặc bột màu được quét trên bề mặt. Mực được sử dụng cho chữ viết có nhiều thành phần khác nhau tùy theo khu vực, nhưng thường chứa muội than, nước và chất kết dính chẳng hạn như “...chất kết dính có gốc thực vật như hồ làm từ tinh bột hoặc nhựa gỗ táo...”[47] Sah cho biết rằng ở Ấn Độ, “chất kết dính phổ biến là nhựa cây hoặc dầu [mè].” Các nguồn mực khác bao gồm: nước ép táo gai đen hoặc lá đậu “trộn với than..., dầu [mè] và nghệ.” Các loại dầu được thêm vào mực vì đặc tính diệt côn trùng của chúng, có thể bao gồm những loại sau: “long não, sả, thầu dầu, cỏ chanh, gỗ tuyết tùng, mù tạt, cây thường xanh, bạch đàn, đinh hương và mè.”[48] Mực hầu như có khả năng được phết bằng cây sậy hoặc bút lông, với khoảng trống khá rộng rãi và chính xác xung quanh các lỗ đóng sách vì các cạnh của lá có thể bị mòn. “Người viết... thường để lại lề lớn, vì vậy thậm chí sau hàng trăm năm, khu vực văn bản của bản viết tay vẫn còn nguyên vẹn.”[49] Hình minh họa được vẽ bằng các màu lấy từ thực vật hoặc khoáng chất mà Van Dyke và Meher xác định bao những màu sau: đen, xanh lam, vàng, đỏ, và màu trắng. Các sắc độ, sắc thái và các màu khác được pha trộn từ bảng màu cơ bản này.

Mặt khác, những chiếc lá cọ Palmyra (Borassus flabellifer) được sử dụng bút kim loại để khắc và sau đó bôi muội đen hoặc một chất màu khác vào các rãnh hình thành trên lá để làm cho chữ viết có thể nhìn thấy được. Bút khắc cũng có thể được làm bằng xương hoặc ngà voi. Việc khắc chữ trên lá đòi hỏi nhiều kỹ năng và sự khéo léo để tránh làm thủng hoặc rách lá. Các đặc điểm vật lý của lá cũng quyết định phần nào đến việc lựa chọn và hình thức của văn bản và hình minh họa. Ví dụ, các bản viết tay “bằng chữ viết Devanagari, vốn yêu cầu các nét ngang, thường được viết”, trong khi các chữ viết tròn trịa hơn có thể dễ dàng được khắc hơn…

Kết luận

Các bản viết tay trên lá cọ rất quan trọng đối với lịch sử, văn hóa và truyền thống tôn giáo của Nam Á. Chúng là một trong những phương tiện truyền thông lâu đời nhất chứa các văn bản cổ vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. Mặc dù chúng phổ biến, với hàng triệu bản viết tay trên lá cọ vẫn còn tồn tại trên khắp thế giới, nhưng chúng cũng rất mong manh và mối đe dọa mất cả kiến thức và văn hóa vật chất là rất thực tế. Trong bài viết này, chúng tôi đã thảo luận về một số tầm quan trọng lịch sử của các bản viết tay trên lá cọ ở Ấn Độ cũng như những thách thức bảo tồn chúng. Việc bảo tồn các bản chép tay trên lá cọ là rất mực quan trọng vì nó giúp bảo vệ kho tàng trí tuệ của Ấn Độ và các vùng lân cận.

Nguồn: https://surface.syr.edu

 


 

[1] Syracuse University, New York, Hoa Kỳ.

[2] D.G. Suryawanshi, M.V. Nair, và P.M. Sinha, "Improving the Flexibility of Palm Leaf", Restaurator 13, no. 1 (1992): 37-46; Betsy Davids, "From Palm Leaf to Book: A South Asia Quest", Printing History 10, no. 10 (2011): 25-37.

[3] Anupam Sah, “Palm Leaf Manuscripts of the World: Material, Technology and Conservation”, Studies in Conservation 47, no. Supplement-1 (Jun, 2002): 15-24, 16.

[4] Yana Van Dyke, “Sacred Leaves: The Conservation and Exhibition of Early Buddhist Manuscripts on Palm Leaves”, The Book and Paper Group Annual 28, (2009): 83-97, note 4.

[5] Van Dyke, “Sacred Leaves”, 85.

[6] Wujastyk, “Indian Manuscripts”, in Manuscript Cultures: Mapping the Field, edited by Jorg Quenzer, Dmitry Bondarev, and Jan-Ulrich Sobisch, 159-81. Boston: DeGruyter, 2014. 160.

[7] Wujastyk, Ibid., 161.

[8] P. Perumal, “The Sanskrit Manuscripts in Tamilnadu”, Chap. 8, in Aspects of Manuscript Culture in South India, edited by Saraju Rath, 157-172. Leiden: Brill, 2012, 159.

[9] Jan Houben and Saraju Rath, “Manuscript Culture and Its Impact on “India”: Contours and Parameters”, in Aspects of Manuscript Culture in South India, edited by Saraju Rath, 1-53. Boston: Brill, 2012, 2.

[10] Sah, “Palm Leaf Manuscripts of the World”, 16 and John G. Samuel, "Preservation of Palm-Leaf Manuscripts in Tamil", IFLA Journal 20, no. 3 (Oct, 1994): 294-305, 296.

[11] Wujastyk, “Indian Manuscripts”, 161.

[12] Perumal, “The Sanskrit Manuscripts in Tamilnadu”, 161 and Houben and Rath, “Manuscript Culture and Its Impact on “India”: Contours and Parameters”, 41.

[13] Sahoo, Jyotshna and Basudev Mohanty, "Digitization of Indian Manuscripts Heritage", IFLA Journal 41, no. 3 (Oct, 2015): 237-250. doi:10.1177/0340035215601447”, 237.

[14] Wujastyk, “Indian manuscripts”, 160.

[15] Sah, “Palm Leaf Manuscripts”, 15.

[16] British Library. Preserving memory II-documentation and digitisation of palm leaf manuscripts from Kerala, India (EAP583).

[17] British Library, “Preserving memory II”.

[18] Jyotshna Sahoo, Bismita Sahoo, Basudev Mohanty, và Nrusingh Kumar Dash, "Indian Manuscript Heritage and the Role of National Mission for Manuscripts", Library Philosophy and Practice (E-Journal) (June 30, 2013).

[19] Perumal, “The Sanskrit Manuscripts in Tamilnadu”, 161-162.

[20] Meher, Ramesh, "Tradition of Palm Leaf Manuscripts in Orissa", Orissa Review (January, 2009): 43-46, 45.

[21] Sah, “Palm Leaf Manuscripts”, 15.

[22] Perumal, “The Sanskrit Manuscripts in Tamilnadu”, 158.

[23] John E. Cort, "The Jain Knowledge Warehouses: Traditional Libraries in India", Journal of the American Oriental Society 115, no. 1 (Jan 1, 1995): 77

[24] Cort, “The Jain Knowledge Warehouses”, 78.

[25] Ibid., 79.

[26] Ibid., 87.

[27] Wujastyk, “Indian Manuscripts”; cũng xem Van Dyke, “Sacred Leaves”, 83.

[28] Jinah Kim, "Emptiness on Palm Leaf: A Twelfth-century Illustrated Manuscript of the "Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā", Bulletin of the Detroit Institute of Arts 82, no. 1/2 (2008): 76-91.

[29] Van Dyke, “Sacred Leaves”, 84

[30] Wujastyk, “Indian Manuscripts”, 161

[31] Kim, “Emptiness on Palm Leaf”, 77.

[32] Ibid., 77.

[33] Van Dyke, “Sacred Leaves”.

[34] Jeanna Bryner, "Ancient Hindu text digitally preserved", NBC News, 9-19-2006.

[35] Sharma et al, “Chromatographic Study”, 250.

[36] Mary-Lou E. Florian, Dale Paul Kronkright, và Ruth E. Norton, The Conservation of Artifacts made from Plant Materials, Marian del Rey, Calif.: Getty Conservation Institute, 1990: 196.

[37] Piotr Bienkowski, "A Critique of Museum Restitution and Repatriation Practices", In The International Handbooks of Museum Studies, edited by Sharon Macdonald, and Helen Rees Leahy. Wiley, 2015.

[38] Mallan and Park, Mallan, Katrine and Eun Park. "Is Digitization Sufficient for Collective Remembering? Access to and use of Cultural Heritage Collections", Canadian Journal of Information and Library Science 30, no. 3-4 (2006): 201.

[39] Kumar et al, “Traditional writing system in Southern India”, 4.

[40] British Library, “Preserving memory II”.

[41] John G. Samuel, "Preservation of Palm-Leaf Manuscripts in Tamil", IFLA Journal 20, no. 3 (Oct, 1994): 301.

[42] Wolf L. Eiserhardt, Jens-Christian Svenning, W. Daniel Kissling, and Henrik Balslev. "Geographical Ecology of the Palms (Arecaceae): Determinants of Diversity and Distributions Across Spatial Scales", Annals of Botany 108, no. 8 (Dec 1, 2011): 1392.

[43] Sah, “Palm Leaf Manuscripts,” 17; Van Dyke, “Sacred Leaves,” 86.; Schuyler, “Notes on the Making of Palm Leaf Manuscripts,” 282; Perumal, “The Sanskrit Manuscripts,” 160.

[44] Perumal, “Sanskrit Manuscripts”, 161.

[45] Cyril Davenport. The Book: Its History and Development. London: Archibald Constable & Co. LTD., 1907: 15.

[46] Van Dyke, “Sacred Leaves”, 87.

[47] Deepakshi Sharma, Manager Rajdeo Singh, and Bhushan Dighe. "Chromatographic Study on Traditional Natural Preservatives used for Palm Leaf Manuscripts in India." Restaurator. International Journal for the Preservation of Library and Archival Material 39, no. 4 (Dec 19, 2018): 251

[48] Cornell University Library, “Palm Leaf Manuscripts”.

[49] Wujastyk, “Indian Manuscripts”, 161.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle