Luận giải bài kệ Thị tịch của Thiền sư Pháp Loa

luan giai

LUẬN GIẢI BÀI KỆ THỊ TỊCH CỦA THIỀN SƯ PHÁP LOA

 

Nguyễn Thanh Huy

(Giảng viên Trường Đại học Khánh Hòa)

Tóm tắt:

Cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc ra đời, đó là Thiền phái Trúc Lâm do Sơ Tổ Trần Nhân Tông sáng khởi. Những đóng góp của dòng thiền này trong sự chấn hưng và phát triển của Phật giáo Việt Nam là vô cùng to lớn. Có lẽ, bởi Tam Tổ Trúc Lâm đều là những nhân vật kiệt xuất, từ Trần Nhân Tông đến Pháp Loa đến Huyền Quang tất cả là những con người thông tuệ, quảng bác và đầy ngộ tính. Bên cạnh cuộc đời hành giả, là những bậc cao tăng, họ còn là những nhà thơ lớn của dân tộc. Các trước tác của họ gắn với nghiệp tu nên cũng mang đậm chất thiền. Chính đặc điểm thiền đã góp phần làm nên một diện mạo khác của văn học Lý - Trần: một mặt đặc sắc, một mặt cao siêu khó hiểu. Do vậy, điều tiên quyết để giải mã được văn thơ thiền giai đoạn này là chúng phải được soi chiếu qua lăng kính Phật giáo. Cụ thể, bài viết này sẽ đi tìm lời giải cho một thi phẩm độc đáo của Nhị Tổ Pháp Loa - bài Thị tịch - dựa trên tinh thần  khoa học và những kiến giải mang tính tâm linh.

Từ khóa: Phật giáo, thị tịch, hành giả, thiền sư, duyên.

I. Mở đầu

Có một điểm chung ở các bậc cao tăng đắc đạo, đó là trước lúc viên tịch họ thường để lại một bài kệ cho các môn đồ. Ở đây những bài kệ không chỉ đơn thuần là lời căn dặn về Phật sự hay những chuyện thế tục, mà là những yếu chỉ tu tập dành cho những cao đồ đủ căn cơ dễ đi đến bến giác. Và kệ Thị tịch của Nhị Tổ Pháp Loa là một bài tiêu biểu cho tinh thần ấy.

II. Nội dung

1. Vài nét về Thiền sư Pháp Loa

Pháp Loa (法螺) (sinh ngày 23 tháng 5 năm 1284, viên tịch 22 tháng 3 năm 1330), quê ở hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang (nay thuộc thành phố Hải Dương); tục danh là Đồng Kiên Cương (同堅剛), ngoài ra còn có tên Minh Giác (明覺) và Phổ Tuệ Tôn giả (普慧尊者). Ông là một Đại sư tu theo cả Thiền tông và Mật Tông, là môn đồ của Trúc Lâm Đại sĩ Trần Nhân Tông, và là Nhị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

Năm 1304, Điều Ngự đi khắp nơi để tìm người thừa kế. Khi xa giá vừa đến thôn, Đồng Kiên Cương đảnh lễ xin xuất gia. Trần Nhân Tông ngay đó bảo: “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là pháp khí”, nên đã đặt tên là Thiện Lai (善來), cho theo về thụ giới Sa-di. Khi về đến núi Linh Sơn (Chí Linh, Hải Dương), Trần Nhân Tông lại bảo Thiện Lai đến chùa Quỳnh Quán học với Hòa thượng Tính Giác. Thiện Lai hỏi rất nhiều điều nhưng Hòa thượng vẫn chưa giải đáp hết mọi thắc mắc. Vì thế, ông bèn tự nghiên cứu kinh Lăng nghiêm. Khi chiêm nghiệm chỗ Tôn giả A-nan-đà (Ānanda) hỏi Phật bảy lần về vị trí của Tâm và đoạn nói về khách trần, thì có chỗ sở đắc. [3, tr.21]

Sau một thời gian ở Quỳnh Quán, Thiện Lai từ tạ trở về với Điều Ngự. Khi Điều Ngự lên pháp đường đọc bài tán Thái dương ô kê, Thiện Lai có phần chứng ngộ. Điều Ngự bèn cho ông theo hầu bên mình. Một hôm, ông dâng ba bài tụng nhưng cả ba đều bị chê. Điều Ngự khuyên ông phải tự tham lại. Ông vào phòng đầu óc nặng trĩu, thức đến quá nửa đêm, nhìn thấy bông đèn tàn rụng xuống bỗng nhiên đại ngộ. Điều Ngự âm thầm ấn khả cho ông. Từ đây, ông lập chí tu theo 12 hạnh Đầu-đà. [3, tr.21]

Năm 1305, Điều Ngự đích thân truyền giới Thanh văn và giới Bồ-tát cho ông. Điều Ngự thấy Thiện Lai tu tập tiến bộ nên ban đạo hiệu Pháp Loa. Năm 1306, Điều Ngự cử Pháp Loa làm chủ giảng tại chùa Báo Ân.

Tháng 4 âm lịch năm 1307, Điều Ngự an cư tại am Thiên Bảo, ở đây có 7, 8 thị giả nhưng xét thấy Pháp Loa là người có sở ngộ nhất, nên Điều Ngự thuyết Đại tuệ ngữ lục cho ông nghe. Tháng 5 âm lịch năm này, ông theo Điều Ngự lên ở am Ngọa Vân, núi Yên Tử. Ngày rằm tháng này, Điều Ngự làm lễ Bố-tát, sau đó cho các đệ tử khác xuống núi, chỉ giữ Pháp Loa ở lại, đem y bát và tâm kệ giao phó ông, cùng lời dặn phải giữ gìn. [3, tr.22]

Ngày 1 tháng 1 âm lịch năm 1308, tại Cam Lộ Đường chùa Siêu Loại, Điều Ngự trao cho Pháp Loa chính thức trở thành trụ trì chùa Siêu Loại, đồng thời xác nhận ông là Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm. Cũng năm này, vua Anh Tông đã coi ông là người nối dòng chính thống của Thiền phái Trúc Lâm, không phải bị ràng buộc bởi luật pháp thế tục. [3. tr.15]

Tháng 11 âm lịch năm 1308, Điều Ngự viên tịch, Pháp Loa phụng mệnh đưa xá-lợi về kinh đô và thuyết pháp cho hoàng tộc. Sau đó Pháp Loa trở về núi và soạn lại những bài tụng của Điều Ngự rồi biên tập thành Thạch thất mị ngữ. [3, tr,23]

Tháng 2 âm lịch năm 1317, Thiền sư Pháp Loa lâm bệnh nặng, ông viết bài tâm kệ rồi đem cùng pháp y của Điều Ngự phó thác cho Huyền Quang. Nhưng không bao lâu, Pháp Loa lại khỏi bệnh, Huyền Quang xin trả lại tâm kệ và pháp y.

Vào thời kỳ hành đạo của Pháp Loa, Phật giáo Mật tông bắt đầu ảnh hưởng vào Đại Việt nhiều hơn so với trước. Nghi thức Quán đảnh (Abhiseka) được thực hiện khá phổ biến ở giai đoạn này. Ngoài ra, năm 1318, vua Minh Tông hạ chiếu, thỉnh Pháp Loa nhờ vị tu sĩ người Nam Á Ban-để-ba-ô-sá-thất-lợi (Panditausasri) dịch kinh Bạch tán cái thần chú (Mahasitatapatradharani) - một tài liệu của Mật tông. Bản thân Pháp Loa cũng soạn sách Kim cương đạo trường đà-la-ni kinh khoa chú, chú giải kinh Kim cương đạo trường đà-la-ni (Vajramanda dharani) cũng của Mật tông. Ngay cả trong sách Thiền đạo yếu học nói về đạo Thiền của mình, Pháp Loa cũng nhắc đến Phật Đại Nhật Như Lai (Vairocana) - một vị Phật quan trọng trong Mật giáo.

2. Hoàn cảnh ra đời của bài kệ Thị tịch

Năm 1330, Pháp Loa lên Thăng Long chúc mừng Thượng hoàng Trần Minh Tông dẹp được quân Ngưu Hống. Ngày 3 tháng 2 âm lịch, ông trở về viện An Lạc, 2 ngày sau ông bị bệnh và trong vòng một tuần bệnh trở nên trầm trọng, nhưng sau có phần bình phục. Đến ngày 13 tháng 2 âm lịch, ông trở về phương trượng viện Quỳnh Lâm, 6 ngày sau bệnh lại trở nặng. Ông bèn giao phó áo cà-sa và tâm kệ của Điều Ngự cho Huyền Quang. [3. tr.31]

Ngày 1 tháng 3 âm lịch năm 1330, Thượng hoàng Trần Minh Tông đến thăm, nhưng không thấy thiền sư có dấu hiệu gì của người sắp mất. Sau đó, Thượng hoàng hai lần cho thái y đến chữa trị nhưng cũng đều rút ra kết luận tương tự.

Đến đêm ngày 3 tháng 3 âm lịch (22 tháng 3 dương lịch), bệnh tình nguy kịch, Pháp Loa có cuộc đối thoại với Huyền Quang. Sách Tam Tổ thực lục (三祖實錄) thuật lại:

“Huyền Quang vào thăm hỏi: ‘Xưa nay những người sắp lâm chung thì buông đi tốt hay giữ lại tốt?’

Sư đáp: ‘Đi hay ở đều chẳng liên can gì cả’.

Huyền Quang hỏi: ‘Chẳng liên can gì cả là thế nào?’

Sư đáp: ‘Tùy xứ Tát-bà-ha’”. [3, tr.32]

Các đệ tử khác vào có hỏi vì sao các Tổ đều làm kệ lâm chung mà thầy không làm, khi ấy ông mới viết bài Thị tịch:

“Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

Na biên phong nguyệt cánh hoàn khoan”.  

Viết xong, ông ném bút, an nhiên viên tịch vào đúng giờ Tý, thọ 47 tuổi. Các đệ tử khâm liệm thiền sư, đến giờ Sửu rước lên chôn cất ở chùa Thanh Mai (núi Thanh Mai). Thượng hoàng Minh Tông sai trung sứ đến núi Thanh Mai để nghe thuật lại bài kệ Thị tịch cùng những cuộc đối đáp của Pháp Loa lúc sắp mắt. Đến ngày 11 tháng 3 âm lịch, Thượng hoàng truy tặng Pháp Loa danh hiệu Tịnh Trí Tôn giả (淨智尊者), cúng dường 10 lượng vàng cho việc xây tháp thờ Pháp Loa. [3, tr.32]

Như vậy, trong suốt cuộc đời hành đạo 26 năm của mình, Thiền sư Pháp Loa đã xây cất nhiều chùa tháp. Đặc biệt, mở rộng 2 ngôi chùa lớn (Báo Ân và Quỳnh Lâm) và 5 bảo tháp, mở ra hơn 200 tăng xá, tạc 1.300 pho tượng Phật lớn nhỏ, 2 bộ tượng sơn mài và hàng trăm tượng bằng đất. Các đệ tử của ông cũng xây chùa tháp ở nhiều nơi. Đồng thời, ông đã truyền bá rộng rãi những lời dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Tổ sư Trúc Lâm, kết nạp nhiều Tăng Ni, cư sĩ, trong đó có các vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông, cùng nhiều thành viên hoàng tộc và đại thần. Ông còn là người ấn hành Đại tạng kinh tại Việt Nam vào khoảng năm 1329, và đã để lại nhiều tác phẩm Thiền học, luận thuyết về các kinh Nhập Lăng-già, Diệu pháp liên hoa, Bát-nhã-ba-la-mật-đa(1).

3. Kệ Thị tịch - một sự tu chứng

Bài kệ Thị tịch (示寂) này được viết bằng chữ Hán theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật, vì thế nội dung cũng cần được tiếp cận theo hướng khai - thừa - chuyển - hợp để diễn đạt lại được tâm tư, suy nghĩ và những thủ pháp nghệ thuật trong sáng tác của tác giả.

Nguyên tác:

Thị tịch

“Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn

Tứ thập dư niên mộng huyễn gian

Trân trọng chư nhân hưu tá vấn

Na biên phong nguyệt cánh hoàn khoan”.  

Hán văn:

示寂

 

 

  寬。

                                     [1, tr.648]

 

Dịch thơ: (2)

Vạn duyên đoạn tuyệt tấm thân nhàn

Hơn bốn chục năm mộng ảo tan

Trân trọng mọi người đừng gạn hỏi

Bên kia trăng gió càng mênh mang.

Dịch nghĩa:

Cắt đứt vạn duyên, một thân nhàn

Hơn bốn chục năm qua sống trong ảo mộng

Trân trọng nhắn mọi người đừng gạn hỏi

Trăng gió ở thế giới bên kia lại càng mênh mông.

 

Mở đầu “Vạn duyên tiệt đoạn nhất thân nhàn”萬緣裁斷一身閒 (Cắt đứt vạn duyên, một thân nhàn) là lời khái quát cả quá trình tu tập của thiền sư và đến lúc đã đạt được thành tựu. Nó cũng là một sự đúc kết, khẳng định chắc chắn để làm lời răn cho chúng đồ nghe theo.

Chữ “duyên” trong nhà Phật là một khái niệm phổ dụng. Phật giáo quan niệm rằng: vì “nhân” mà được “quả” là nhờ “duyên” . Nói một cách khác, “duyên” là điều kiện, là cơ hội. Và từ đó sinh ra khái miệm “nhân duyên”因緣 để chỉ các lý do, điều kiện, nguyên nhân trong luật nhân quả.

Hiểu được chữ “duyên”, chúng ta sẽ nhận thấy vạn vật trong vũ trụ này tồn tại đều có nguyên do, hay bất kể sắc tướng nào cũng được hợp thành bởi những điều kiện của riêng nó. Tương tự vậy, sắc thân tứ đại là duyên, khổ đau cũng là duyên, đến với nhà Phật tìm đường giải thoát cũng do duyên…

Khi hành giả có thể “vạn duyên tiệt đoạn” (萬緣裁斷) là lúc đã đạt đến trạng thái tịch tịnh viên mãn. Ở đó là sự an lành trong tâm, là thoát khỏi sự trói buộc của vô minh với những khổ đau, phiền não. Rõ ràng, đây cũng chính là tinh thần vô trụ vô chấp trong lý Kim cang Bát-nhã: Hành giả nên phát triển một tâm thức không nương tựa bất cứ nơi nào; nên phát triển một tâm thức không nương tựa vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trần. Đó cũng là ý nghĩa của câu kinh “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” 應無所住而生其心 (Đừng khởi vọng tâm trụ chấp một nơi nào) mà khi xưa Lục Tổ Huệ Năng vừa nghe xong đã đốn ngộ.

Có lẽ, đến đây Thiền sư Pháp Loa đã hoàn toàn hàng phục được vọng tâm và an trụ chân tâm.

Để giải thích rõ hơn cho điều này ta cần nhận ra “nhất thân nhàn” (一身閒) được đặt trong mối quan hệ trước - sau, nhân - quả giữa hai vế của một cấu trúc tiểu đối (vạn duyên tiệt đoạn >< nhất thân nhàn).

Tuy nhiên, cần minh định rằng cái nhàn của nhà tu không phải như cái nhàn mà ta thường thấy ở những con người thế tục. Nếu như cái nhàn của Nho gia là bằng nhận thức - tự “tri túc”, “tri nhàn” (“Tri túc đãi túc hà thời túc/ Tri nhàn đãi nhàn hà thời nhàn”)  hay chọn lối sống ẩn dật, vui thú điền viên, say sưa với phong hoa tuyết nguyệt, thì Lão gia lại nhàn theo cách tiêu diêu tự tại, sống thuận theo tự nhiên, hòa mình vào đại đạo của vũ trụ. Trong khi cái nhàn của Phật gia là đạt đến trạng thái tĩnh lặng, tâm an trụ; xa lìa những dao động do bản năng sinh khởi, đoạn trừ mọi nguyên nhân gây ra tất cả cảm giác khổ đau. Khi ấy trong tâm sinh ra hỷ lạc, rồi đến “xả niệm lạc trú”, và cuối cùng - “xả hỷ xả khổ”, “diệt hỷ diệt ưu”.

Như vậy, nhàn ở đạo Lão, đạo Khổng liên quan đến giữa nhận thức với thế giới khách quan, còn ở đạo Phật là một quá trình tu tập (giữ nghiêm giới luật, sống đời phạm hạnh) hướng đến nội tâm và nhờ định sinh ra.

Câu thứ hai “Tứ thập dư niên mộng huyễn gian”四十餘年夢幻間 (Hơn bốn chục năm qua sống trong ảo mộng) là lời tự thuật về thời gian mà một đời tu tập của thiền sư, cũng như sự quán chiếu lại tất cả những gì thuộc về sắc thân, hình tướng hiện hữu trong cõi Ta-bà.

Khi thiền sư nhận ra thế giới này là mộng ảo, hư huyền, có lẽ đó là thời khắc của tu chứng giác ngộ. Cách nói “mộng huyễn gian”(夢幻間) chính là sự thấu hiểu rốt ráo tinh thần của kinh Kim cang. Tinh thần ấy được chính Đức Phật thuyết lại bằng mấy câu kệ sau:

Phiên âm:

“Nhất thiết hữu vi pháp

Như mộng huyễn bào ảnh

Như lộ diệc như điện

Ưng tác như thị quán”.

Hán văn:

觀。

Dịch nghĩa:

Tất cả pháp hữu vi

Như mộng ảo, bọt nước

Như sương sa, điện chớp

Nên quán sát như vậy.

 

Đến đây ta bắt gặp sự tương đồng giữa Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Vạn Hanh thông qua việc tái hiện lại những hình ảnh thí dụ, so sánh trong kinh Kim cang để nói đến lẽ vô thường của mọi sắc tướng, tất cả chỉ là giả tạm, hư ảo. Tuy nhiên, một đằng mượn lại hình ảnh “mộng huyễn” thì một đằng nhắc đến “điện” chớp. Trong bài Thị đệ tử (示弟子), Thiền sư Vạn Hạnh viết:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”.

Hán văn:

示弟子 

鋪。

Sự gặp gỡ này giữa họ không phải ngẫu nhiên, tình cờ. Nó cũng không có gì khó lý giải, bởi lẽ, đó là sự tất yếu khi họ cả hai cùng đạt đến cảnh giới giác ngộ.

Câu tiếp theo “Trân trọng chư nhân hưu tá vấn” 珍重諸人休借問 (Trân trọng nhắn mọi người đừng gạn hỏi). Thoạt nghe, tưởng chừng như một lời phàn nàn, trách cứ khi ông bị đồ chúng làm phiền. Nhưng không. Trước hết, đúng như trong giáo điển, cảnh giới giác ngộ, đắc pháp là “bất khả tư nghị” và cũng chớ hoài nghi. Tuy nhiên, những ai chứng đắc sẽ tự khắc cảm nhận được sự tu chứng. Trạng thái này ngôn ngữ hoàn toàn bất lực trong việc mô tả, diễn đạt... Có lẽ vì vậy mà Thiền tông chủ trương “bất lập văn tự” và bằng “trực chỉ nhân tâm” để “kiến tánh thành Phật”.

Bên cạnh đó, nếu suy nghiệm, có thể hiểu đây còn là một tâm tư, nhắn nhủ đến các môn đồ hãy tự đốt đuốc lên mà đi. Chỉ như thế mới là cách đúng đắn duy nhất để tìm thấy con đường giải thoát cho chính mình.

Câu kết “Na biên phong nguyệt cánh hoàn khoan” 那邊風月更 (Trăng gió ở thế giới bên kia lại càng mênh mông). Rõ ràng, lời nói này càng khẳng định chắc chắn cho sự tu chứng ở Nhị Tổ Pháp Loa.

Quan niệm về con người là một thực thể sinh học thuần túy hay con người có cả linh hồn và thể xác là một vấn đề lớn của khoa học và tôn giáo. Ngày nay khoa học thực chứng cũng đã khám phá ra và dần thừa nhận có sự tồn tại của linh hồn.

Trong quan niệm nhà Phật, thân mạng con người chỉ là giả tướng, nó chỉ là sự hợp duyên tạm thời của ngũ uẩn, không thường hằng; và đến lúc đoạn duyên nó lại được chuyển hóa theo lẽ vô thường. Nhưng thần thức của mỗi chúng sinh (mạt-na thức)(3) khi trong vòng luân hồi sẽ chuyển hóa thành một kiếp sống mới của một chúng sinh trong một cảnh giới. Do vậy, dưới góc độ này, mạt-na thức cùng với tàng thức(4) có tính thường hằng.

Còn đối với những bậc chân tu đắc đạo, họ đã thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Khi ấy cái chết chỉ là một sự giải thoát để trở về với Chân như(5), Phật tính. Rõ ràng, đối với một hành giả, chính cái thân xác khiến con người ta bị mắc kẹt, bị trói buộc bởi lục căn, do đó tu tập là một quá trình định tâm để đoạn trừ dần sự chi phối bởi các giác quan, nói một cách khác, đó là sự thanh tẩy sáu căn để chúng trở nên thanh tịnh. Từ đây người tu đã đoạn diệt mọi sinh khởi của dục vọng bản năng, lánh xa mọi vô minh phiền não, và bước vào bể chân tâm thanh tịnh. Đây cũng chính là trạng thái mà Thiền sư Pháp Loa đang cảm nhận - “Na biên phong nguyệt cánh hoàn khoan” (Trăng gió ở thế giới bên kia lại càng mênh mông). Có lẽ vậy, nơi ấy sao không “mênh mông” cho được khi mà không còn bó buộc bởi sự chật chội của thân xác, không còn những phiền luỵ, khổ đau.

III. Kết luận

Tựu trung, đi tìm lời giải cho một nghiệp tu có chứng hay không là một việc không đơn giản, vì cảnh giới ấy là bất khả tư nghị. Nhưng nếu không mạo muội bàn luận thì khác nào hậu thế bỏ mặc, lãng quên. Đặc biệt, với một bậc cao tăng mà sứ mệnh của ngài gắn chặt với lịch sử trong sự phát triển của Phật giáo Việt Nam thì càng đòi hỏi chúng ta phải tìm tòi, khám phá. Phải nghiên cứu nghiêm cẩn và khắt khe hơn. Tất nhiên, ở đây dựa trên những cứ liệu lịch sử về cuộc đời, nghiệp tu, cũng như những tri kiến về Chánh pháp Như Lai mới có thể mong kiến giải được một nan đề “bất khả tri” trên tinh thần khách quan khoa học.

 

Chú thích:

(1) Kinh Bát-nhã-ba-la-mật-đa:: còn được gọi là Ma-ha-bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, hay Đại Bát-nhã.

(2) Dịch thơ: Nguyễn Thanh Huy - tác giả bài viết này.

(3) Mạt-na-thức: còn gọi là thức thứ bảy, thức này chính là nguồn gốc của ý thức. Mạt-na-thức có hai công năng: 1. Chấp ngã: tức cái chấp “Ta” khác với người; 2. Làm căn bản cho thức thứ sáu.

(4) Tàng thức: là A-lại-da thức, còn gọi là thức thứ tám. Nguyên Phạn âm của nó là ālayavijñāna. A-lại-da thức là kho tàng tích chứa tất cả tập khí chủng tử từ vô thỉ kiếp cho đến nay của mỗi chúng sinh. Nó tích chứa tất cả mọi chủng tử, không phân biệt thiện ác, tốt xấu, sinh tử, Niết-bàn, mê ngộ, khổ vui...

(5) Chân như: đồng nghĩa với Như Lai tạng, Phật tính, Pháp thân.

 

Tài liệu tham khảo

[1] Nguyễn Huệ Chi (chủ biên) (1988), Thơ văn Lý - Trần, Tập II - Quyển thượng, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[2] Phan Huy Chú (1992), Viện Sử học Việt Nam phiên dịch, Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 1, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[3] Khuyết danh (1995), Thích Phước Sơn dịch và chú giải, Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

[4] Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, NXB.Văn Học, Hà Nội.

[5] Ngô Sĩ Liên (1993), Đại Việt sử ký toàn thư. Nội các quan bản, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[6] Nguyễn Thanh Huy (2022), “Hoa cúc trong thơ của Thiền sư Huyền Quang”, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 391, ngày 23 tháng 06.

[7] Nguyễn Thanh Huy (2023), “Hoa qua góc nhìn của Thiền sư Trần Nhân Tông”, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 404, ngày 01 tháng 01.

[8] Nguyễn Thanh Huy (2021), “Đọc bài kệ Cư trần lạc đạo qua lăng kính Kim cang Bát-nhã Ba-la-mật-đa”, Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học, ngày 22 tháng 8. https://tapchinghiencuuphathoc.vn/doc-bai-ke-cu-tran-lac-dao-qua-lang-kinh-kim-cang-bat-nha-ba-la-mat-da-kinh.html

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle