Những món quà Ngài để lại: DI SẢN GIÁO PHÁP CỦA AJAAN DUNE ATULO

NHỮNG MÓN QUÀ NGÀI ĐỂ LẠI

 

NHỮNG MÓN QUÀ NGÀI ĐỂ LẠI:

DI SẢN GIÁO PHÁP CỦA AJAAN DUNE ATULO

 

Phra Bodhinandamuni ghi lại

Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh

Nguyên Giác dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt

 

Kỳ 12

101. Một sự so sánh

"Mong muốn được biết và thấy để chấm dứt nghi ngờ của mình là điều bạn tìm thấy ở tất cả những người bậc cao. Tất cả khoa học, tất cả ngành học, đều được thiết lập để mọi người đặt câu hỏi và muốn biết. Đó là khi họ sẽ nỗ lực học và hành để đạt được mục tiêu của ngành học đó. Nhưng trong lĩnh vực giáo lý của Đức Phật, bạn phải học và hành một cách quân bình. Và nỗ lực của bạn phải mãnh liệt để bạn có thể tự mình đạt đến bậc cao nhất trong Pháp. Đó là lúc riêng tự bạn sẽ kết thúc những nghi ngờ của bạn.

Giống như một người ở nông thôn chưa bao giờ thấy Bangkok. Khi người ta nói với người này rằng, ngoài việc được phát triển về những mặt khác, Bangkok còn có 'Bức tường ngọc' [tên bức tường pháo đài quanh Đại cung điện] và 'Núi Vàng' [tên của tháp Phật ở Wat Sraket]. Người này quyết định đi đến Bangkok với mong muốn rằng mình sẽ có thể lấy được một số đồ trang sức trên tường và một ít vàng từ ngọn núi. Cuối cùng khi người này đến được Bangkok và có người chỉ cho anh ta, 'Đó là Bức tường Ngọc; đó là Núi Vàng', như thế là dấu chấm hết ngay lập tức cho mọi thắc mắc và mong đợi của anh ta.

Đường đạo, quả vị và Niết-bàn đều như vậy”.

102. Cách an trú an toàn nhất

Tôi nhớ rằng vào năm 1976, hai thiền sư từ vùng phía Bắc vùng Đông Bắc đã đến đảnh lễ Luang Pu. Cách họ thảo luận về thực hành với ngài rất thú vị và đầy cảm hứng. Họ mô tả những giới hạnh và thành tựu của các vị Trưởng lão khác nhau mà họ đã từng sống và tu hành cùng trong một thời gian dài, nói rằng có vị Trưởng lão có định là nơi an trú thường trực của tâm; rằng vị Trưởng lão này an trú trong thái độ của Phạm thiên, đó là lý do tại sao rất nhiều người kính trọng vị này; rằng vị Trưởng lão này sống trong tâm vô lượng của Phạm Thiên, đó là lý do tại sao không có giới hạn về số lượng học trò mà vị này có và tại sao vị này luôn được an toàn trước những nguy hiểm.

Luang Pu nói, “Bất kể một nhà sư đã đạt đến cấp độ nào, theo tôi, vị ấy đều được chào đón để an trú ở đó. Còn tôi, tôi an trú với cái biết”.

103. Tiếp theo

Khi hai vị sư đó nghe Luang Pu nói rằng ngài an trú với cái biết, họ im lặng một lúc rồi xin ngài giải thích thế nào là an trú với cái biết.

Luang Pu giải thích, “Biết là trạng thái bình thường của tâm, trống rỗng, trong sáng, thanh tịnh, ngừng tạo tác, ngừng tìm kiếm, ngừng mọi chuyển động của tâm - không có gì, không dính mắc vào bất cứ thứ gì cả”.

104. Đoạn tận căng thẳng

Luang Pu trong sáng trong lời nói vì ngài thích nói về sự thật chân chính. Ngài chỉ nói về những mục đích cao nhất của giáo lý Đức Phật, ngài chỉ đề cập đến những lời dạy của Đức Phật đưa đến sự chấm dứt đau khổ và căng thẳng. Bạn có thể biết điều này từ lời dạy của Đức Phật mà ngài thường trích dẫn nhất.

Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, ở đó không có chiều không gian, nơi không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có chiều không gian vô biên, không có chiều không gian vô hạn của thức, không có chiều không gian của không, cũng không có chiều không gian của tưởng mà cũng không phi tưởng; không đời này, không đời sau, không mặt trời, không mặt trăng. Và ở đó, Ta nói, là không đến, không đi, không ở, không diệt mà cũng không sinh: không dựng lập, không chuyển biến, không có gì hỗ trợ.... Đây, chỉ thế này thôi, là sự đoạn tận của căng thẳng".

105. Cơn bệnh cuối cùng

Khi Luang Pu trở về từ bệnh viện hồi đầu năm 1983, điều đó không có nghĩa là ngài đã khỏi bệnh hoàn toàn, chỉ đơn giản là ngài phải vận dụng một sức chịu đựng cực độ để sống thêm 8 tháng nữa, tới buổi lễ lập công đức đặc biệt đã được lên kế hoạch cho sinh nhật lần thứ 96 của ngài. Khi ngày tổ chức buổi lễ đến gần, các bệnh chứng của ngài bắt đầu trở nên thất thường: Thỉnh thoảng ngài rất mệt mỏi, khó chịu và lên cơn sốt. Tôi hỏi ngài rằng có nên đưa ngài trở lại bệnh viện Chulalongkorn không, nhưng ngài nói: "Không cần đâu". Rồi ngài nói thêm, "Ta cấm sư đưa ta đi, vì dù ta có đi, ta cũng sẽ không bình phục được".

Tôi đáp: “Lần trước bệnh của ngài nặng hơn thế này mà ngài vẫn hồi phục. Lần này không nặng chút nào, chắc chắn ngài sẽ hồi phục”.

Luang Pu nói, “Đó là lần cuối cùng. Đây không phải là lần cuối cùng”.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle