Những trẻ em đặc biệt

Những trẻ em đặc biệt

 

Thưa quí vị và các bạn,

Nếu nói rằng chỉ ở phương Tây trẻ em mới được quan tâm, tôn trọng, v.v… thì e rằng không đúng lắm, vì người Á Đông chúng ta từ xưa đã cho trẻ em tham dự vào ngày Tết của người lớn: Tết Trung Thu.

Thật vậy, chỉ có những nước Đông Nam Á mới có ngày Tết Trung Thu của trẻ em, nên tết này còn được gọi là Tết Thiếu Nhi. Vì vậy, cứ sau mùa Vu Lan là đến Tết Trung thu. Dưới ánh trăng rằm, các em được rước đèn, vui chơi; riêng các em Oanh Vũ - thiếu nhi của GĐPT, ngày Vu Lan lại là ngày Hiếu của các em nên các em có đến hai ngày vui lớn nối tiếp nhau trong tháng 7 và tháng 8 âm lịch.

Trẻ con dù trong các gia đình giàu hay nghèo, hầu hết đều được thương yêu chiều chuộng theo cách riêng của mình nhưng về tính tình thì đúng là thiên hình vạn trạng. Chúng ta đã nghe nói nhiều đến phương pháp giáo dục thiếu nhi ở các nước tiên tiến trên thế giới, hay những khiếm khuyết ở các nước chậm tiến, v.v… nên hôm nay các huynh trưởng trẻ quen thuộc của chúng ta muốn đề cập đến những trẻ em đặc biệt – xin thưa đặc biệt chứ không phải là cá biệt, vì cá biệt để chỉ những trẻ em khó dạy, trái tính trái nết… ở đây chỉ bàn về những trẻ em có những tánh nết – đúng hơn là những đức tính đặc biệt và cuộc đời của các em về sau cũng chứng tỏ là khác đời. Tuy nhiên cũng không dám bàn đến những trường hợp một học sinh Einstein 9 tuổi mới biết đọc chữ quốc ngữ mà sau này lại là cha đẻ của bom nguyên tử hay của một em bé Trần Quốc Toản mà lòng yêu nước ngút trời, đã bóp nát trái cam mà không hay, khi tuổi còn thơ chưa được phép bàn quốc sự, chỉ được đứng nghe ở ngoài, hay em bé huyền thoại Phù Đổng Thiên vương, v.v… mà chỉ xin đề cập đến những em bé trong lịch sử Phật giáo có

Xin mời quý vị và các bạn theo dõi cuộc đối thoại của các huynh trưởng A, B, C.

 

A: Chào các bạn, hôm nay chúng mình nói về những thần đồng Phật giáo hả?

B: Nói đúng hơn là mình chỉ giới hạn trong hàng đại đệ tử Phật, chứ nói Phật giáo thì làm sao nói cho hết!

C: Phải, phải, mình cũng chỉ biết rõ những vị có trong chương trình học thôi chứ đâu có biết hết mà nói cho nhiều! ☺ ☺!!

A: Mình xin bắt đầu với ngài Xá-lợi-phất (Sariputta) nha! Ngài Xá-lợi-phất là trưởng tử của đức Phật. Tôn giả có danh hiệu “Trí tuệ bậc nhất” trong 10 vị đại đệ tử Phật. Thuở nhỏ, mới 8 tuổi, cậu bé Xá-lợi-phất đã có thể giải suốt mọi thư tịch. Trong một buổi so tài lý luận, cậu tự tỏ ra là một luận sư với những lời lẽ đối đáp khúc chiết, chững chạc, lý luận chặt chẽ làm những người lớn kinh ngạc, không ai thắng được, nên được mọi người khen ngợi, quốc vương cũng đẹp lòng, đem cả một thôn trang tặng cho Xá-lợi-phất và thân phụ Xá-lợi-phất vừa tự hào vừa tự nhủ “thông minh tài trí của ta đâu đã bằng thằng con này”.

B: Đúng vậy, cậu bé Xá-lợi-phất đã nổi tiếng thông minh trong cả nước Ma-kiệt-đà (Magadha),  thuộc Đông Bắc Ấn Độ.

C: Chúng ta chỉ nói về thời thơ ấu của ngài Xá-lợi-phất thôi nha, nếu kể chuyện về Ngài, e rằng đến tối cũng chưa xong.

A: OK! Như vậy đề nghị bạn B nói về thời thơ ấu của tôn giả Tu-bồ-đề đi nha!

B: Cảm ơn bạn, vì bạn biết mình thích Tôn giả này! Tu-bồ-đề (Subhūti) có danh hiệu “Giải không đệ nhất”. Tôn giả Tu-bồ-đề sinh ra trong một gia đình giàu có, hồi còn là một thiếu niên, chưa quy y Phật, Tu-bồ-đề đã có tính thương người khác thường. Cậu bé nhà giàu sau một buổi đi chơi trở về nhà trên mình chỉ còn cái quần cụt! Bao nhiêu áo quần sang trọng lúc ra đi đã được cậu bé cởi ra cho người nghèo hết, tiền bạc đem đi theo cũng vậy, có mấy đồng đều cho hết mấy đồng; cha mẹ có phàn nàn thì cậu bé trả lời: Không hiểu vì sao con thấy mọi người trên thế gian này đều rất liên quan đến con, thân mọi người cũng như thân con, người ta lạnh con cũng lạnh, nguời ta đói con cũng đói; có mấy cái áo quần, mấy đồng tiền cho họ khỏi đói lạnh, đâu có sao!

C: Riết rồi cha mẹ nhốt cậu bé ở nhà không cho đi ra đường nữa vì “thằng bé phá của quá, không chịu nổi”, nhưng cậu bé không buồn khổ gì cả, bị nhốt ở nhà thì xem kinh đọc sách nên hiểu biết của cậu bé về thiên văn địa lý, triết học, khoa học, v.v… rất phong phú và sâu rộng, cậu bé thường tự hào biết rõ về vũ trụ.

A: Hồi cậu bé vừa chào đời, của cải trong nhà tự nhiên biến mất, cả nhà lo sợ, mời thầy tiên tri đến giải đoán, nhà tiên tri nói rằng đó là điềm lành, đứa bé sau này sẽ không vướng bận gì của cải, danh vọng, địa vị, v.v… nó sẽ là người “Giải không đệ nhất thiên hạ”.

B: Tu-bồ-đề lớn lên với niềm kiêu hãnh về sự hiểu biết sâu rộng của mình trong dòng dõi quý tộc Bà-la-môn. Vì vậy, đáng lẽ Ngài không phải là đệ tử Phật nhưng vì có nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp với đức Phật nên Tôn giả trở thành một trong 10 vị đại đệ tử của Thế Tôn.

C: Xin tạm chấm dứt chuyện cậu bé Tu-bồ-đề để chuyển qua cậu bé Ca-chiên-diên nha! Ca-chiên-diên là cháu gọi A-tư-đà (người đoán vận mệnh của thái tử Tất-đạt-đa) bằng cậu ruột. Tôn giả Ca-chiên-diên là đại đệ tử của đức Phật với danh hiệu  “Luận nghị đệ nhất”. Thân phụ của tôn giả Ca-chiên-diên là quốc sư đương thời. Ngay từ hồi nhỏ, Ca-chiên-diên chỉ tự học ở nhà mà đã hơn xa ông anh của mình đi du học khắp nơi làm ông anh mất mặt. Ông anh vì thế đề nghị cha mẹ đuổi người em đi; thế là cậu bé Ca-chiên-diên được gởi đến ở với cậu A-tư-đà, vì nếu cậu bé ở nhà thì người anh không thể “lên” được!

A: Bây giờ mình xin bảo đảm với các bạn, chính cậu bé Ca-diếp mới là đặc biệt hơn tất cả các em bé trên đời này vì trẻ con ở nước nào cũng cần tình thương, sự âu yếm của cha mẹ nhưng cậu bé Ca-diếp thì không; ngay từ tấm bé đã không thích ngũ dục của thế gian, thích ở một mình chỗ yên tịnh, đi xa cũng không nhớ đến cha mẹ, gia đình!

B: Phải rồi, ngay khi vừa chào đời cậu bé Ca-diếp đã “chọn” sanh ra dưới bóng một cây đại thọ như thái tử Tất-đạt-đa chứ đâu có sinh trong nhà như những đứa bé khác! Khi mới tám tuổi, cậu đã được dạy các giới điều của Bà-la-môn, bốn bộ Phệ-đà, ngũ minh, tế lễ, thi họa, toán số, thiên văn, sấm ký, âm nhạc… không thiếu thứ nào và sức thông minh của cậu bé Ca-diếp đủ sức thấu suốt tất cả các môn học!

C: Hèn gì sau này cũng vậy, tôn giả Ca-diếp được danh hiệu “Đầu-đà đệ nhất” trong 10 vị đệ tử lớn của đức Phật. Tôn giả chỉ muốn ở những nơi hoang vu vắng vẻ như trong rừng, ngoài nghĩa địa, v.v… chứ không thích ở chỗ đông người.

A: Xin đi qua cậu bé A-na-luật mà sau này là vị đệ tử “Thiên nhãn đệ nhất” của đức Phật.

B: Tôn giả A-na-luật là dòng dõi vua chúa, đại tướng Ma-ha Nam chính là anh ruột của tôn giả A-na-luật. Cậu bé A-na-luật là một đứa trẻ rất thông minh, hoạt bát, có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc và kỹ thuật. Cậu bé rất dễ thương, ca hát và làm điệu bộ khôi hài làm cho ai cũng yêu mến. Cậu bé không những có gốc vua chúa mà còn có gốc phi phàm nữa; không hiểu do phước báo gì, cậu bé được bánh trong những chiếc hộp đã hết bánh! (cậu bé đánh bài ăn bánh mà cứ bị thua hoài, đến nỗi thua hết bánh trong nhà nhưng cậu bé cứ đòi mẹ cho bánh, thế là bà mẹ đem hộp bánh trống không ra cho cậu coi, nhưng lạ thay, khi đến tay cậu bé thì bánh lại đầy!) Từ đó bà mẹ không dám xem thường cậu con “phi thường” này.

C: Sau này lớn lên còn nhiều chuyện phi thường do ý chí sắt đá của tôn giả A-na-luật nữa nhưng mình phải tạm dừng để nói về cậu bé La-hầu-la, là con trai của thái tử Tất-đạt-đa và công chúa Da-du-đà-la.

A: Đúng vậy, La-hầu-la không được nhắc đến thời kỳ ở với mẹ tại cung đình, chỉ được nhắc đến khi cậu bé La-hầu-la trở thành chú Sa-di đầu tiên trong Tăng đoàn của đức Phật. Sau này tôn giả La-hầu-la cũng là một trong mười vị đại đệ tử Phật, với danh hiệu “Mật hạnh đệ nhất”.

B: Lúc La-hầu-la xuất gia, Tăng đoàn chưa có qui luật cho Sa-di nên cậu bé 10 tuổi La-hầu-la cũng gặp nhiều gian truân lắm. Lúc đầu, La-hầu-la quen thói trẻ con hay nói dối phỉnh người, bị đức Phật quở trách nặng nề nên đã tỉnh ngộ và sau đó không những trở nên khiêm tốn mà còn chịu nhiều thiệt thòi mà một đứa trẻ khó lòng chịu nổi nhưng La-hầu-la đã can đảm vượt qua.

C:  Thật tội nghiệp cho một đứa bé chỉ mới 10 tuổi, con vua cháu chúa mà bị lâm vào cảnh “không nơi nương tựa” làm cho đức Phật cũng phải cảm thương.

A: Đúng vậy, đức nhẫn nhục của cậu bé La-hầu-la thật là đáng nể; đề nghị bạn B hãy kể chi tiết một chút nha!

B: Trước khi nói về đức nhẫn nhục của La-hầu-la, mình xin kể chuyện cậu bé La-hầu-la mắc nạn trong nhà vệ sinh đã nha! Mỗi ngày La-hầu-la phải quét dọn sạch sẽ một khu vườn rộng, rồi đi nghe Phật giảng, xong mới được trở về phòng nghỉ ngơi. Hôm ấy, phòng của La-hầu-la bị thầy quản lý để cho một vị Tỳ-kheo khách ở, y bát, tọa cụ của La-hầu-la đều bị bỏ ra ngoài. Theo qui định, mỗi người ở mỗi phòng, nay phòng của mình bị chiếm rồi, biết làm sao? Hơn nữa La-hầu-la còn là Sa-di, Sa-di thì phải nhường Tỳ-kheo! Vì vậy La-hầu-la đành đứng ở ngoài… lúc đó mây đen kéo đến và mưa ầm ầm nên La-hầu-la phải chạy vào ẩn thân trong nhà vệ sinh tuy hôi hám nhưng khỏi bị ướt. La-hầu-la ngồi trong đó nỗ lực nhớ đến lời Phật dạy, dù trong hoàn cảnh nào cũng không khởi tâm oán giận, trách móc, v.v… mưa càng to nước chảy càng nhiều, có con rắn ở trong hang bên ngoài bị ngập nước, bò vào nhà vệ sinh, rắn độc rất nguy hiểm nhưng La-hầu-la không biết, sinh mạng chú Sa-di thật như chỉ mành treo chuông! Đức Phật bỗng nhớ đến La-hầu-la, dùng thiên nhãn thấy được sự nguy hiểm gần kề bèn đi ra nhà vệ sinh lên tiếng kêu “ai ở trong đó?” Dạ, con, La-hầu-la. Con hãy ra đi! La-hầu-la nghe tiếng Phật, mừng quá, vội chạy ra quỳ dưới chân Phật nước mắt chan hòa! Phật hỏi cớ sự mới biết và kêu La-hầu-la hãy vào ở trong phòng mình đêm nay. Vì nhân duyên đó, Phật qui định cho các Sa-di có thể ngủ chung phòng với Tỳ-kheo 2 đêm.

C: Còn câu chuyện về đức nhẫn nhục của cậu bé La-hầu-la nữa!

A: Một hôm, La-hầu-la theo tôn giả Xá-lợi-phất đi khất thực ở thành Vương-xá; trên đường đi gặp một tên lưu manh, hắn lấy cát ném vào bát của ngài Xá-lợi-phất và lấy gậy đánh lên đầu La-hầu-la đến nỗi chảy máu, máu  nhỏ giọt xuống y! Hắn lại còn chửi mắng hai thầy trò Tôn giả; La-hầu-la giận căm gan tím ruột nhưng Xá-lợi-phất an ủi: La-hầu-la, nếu là đệ tử Phật, cần phải nhẫn nhục, trong tâm không chứa sân hận, phải đem từ bi thương xót chúng sanh! Này La-hầu-la, nên điều phục tâm giận dữ, nắm chắc tâm nhẫn nhục. Trên thế gian không ai có thể sánh bằng người có sức nhẫn mạnh mẽ. Sa-di La-hầu-la nghe tôn giả Xá-lợi-phất khai thị, lẳng lặng đến bên ao nước soi mặt rửa vết thương trên đầu rồi an nhiên tiếp tục đi khất thực với thầy. Trên đường về, Sa-di La-hầu-la mới nói với tôn giả Xá-lợi-phất: con người tại sao lại ác độc như thế, Phật dạy chúng ta nhẫn nhục nhưng những hạng người ác độc ấy có hiểu không? Người ta có tôn trọng chúng ta không hay lại khinh thường chúng ta mà tôn trọng những kẻ ác ấy? Lúc đầu, con tưởng mình không chịu nổi!

Tôn giả Xá-lợi-phất nghe xong rất hoan hỷ là La-hầu-la nghịch phá hôm xưa hôm nay đã tiến bộ rõ rệt, bèn đem chuyện này kể với đức Phật, đức Phật cũng thật hoan hỷ, dạy La-hầu-la thêm: người không biết nhẫn sẽ không tiếp thu được Phật pháp; những ai giận đời, oán người là trái với Pháp, xa chư Tăng... hạnh nhẫn nhục mới là hạnh an ổn, mới có thể tiêu trừ tai nạn.

B: Từ đó La-hầu-la ít nói, im lặng tu hành, không xuất hiện giữa đám đông, không tỏ ra nổi bật… đúng là con người mật hạnh đệ nhất.

C: Như vậy là chúng ta đã kể được nhiều chuyện về những gương “thiếu nhi anh hùng” rồi đó hở các bạn? Nhưng là anh hùng về tâm, không phải như những superman đấm đá, bắn súng… búa xua.

A: Phải rồi, đến đây xem như tạm đủ, chúng mình chia tay nha! Hẹn gặp lại lần sau!  Tạm biệt!

B và C: Tạm biệt! Tạm biệt!■

 

Tâm Minh

Chia sẻ: facebooktwittergoogle