Giáo lý căn bản của Đức Phật (II)

gly2

 

 

Chân đế thứ hai: dính mắc là khổ đau

Chân đế, tức sự thật mầu nhiệm thứ nhất đã không ngần ngại gì khi tuyên bố thẳng thừng rằng, đau đớn là tự tánh cố hữu của sự sống, vì tất cả mọi vật đều biến đổi không ngừng. Chân đế thứ hai giải thích, khổ đau có mặt khi ta chống cự với những kinh nghiệm của cuộc sống, thay vì biết cởi mở và chấp nhận chúng với một thái độ thông minh và từ ái.

Hiểu được chỗ này, ta sẽ thấy rằng giữa đau đớn (pain) và khổ não (suffering) có một sự khác biệt rất lớn. Đau đớn thì không thể tránh né được, sự sống đi kèm với đau đớn. Nhưng khổ thì không bắt buộc. Nếu khổ là những gì xảy ra khi ta vùng vẫy chống cự lại những kinh nghiệm của mình, vì thiếu khả năng chấp nhận, thì khổ là một điều dư thừa, không cần thiết.

Tôi đã từng hiểu lầm điểm này, khi mới bắt đầu tu tập, tôi cứ đinh ninh rằng nếu tôi công phu thiền tập cho đúng mức, mọi đớn đau của tôi sẽ biến mất. Đó là một lầm lẫn lớn. Tôi rất thất vọng khi khám phá ra sự sai lầm ấy và cũng hơi xấu hổ vì sự ngây thơ của mình. Rõ ràng là ta sẽ không bao giờ có thể chấm dứt hết những đớn đau trong cuộc đời này.

Đức Phật có dạy: “Những gì ta yêu quý sẽ đem lại cho ta đớn đau.” Tôi nghĩ đó là sự thật. Thường thì ít khi nào tôi nhắc đến lời ấy với những thiền sinh mới bắt đầu, tôi không muốn họ hiểu lầm là đạo Phật bi quan. Nhưng sự thật là vậy. Vì mọi việc đều biến đổi luôn, những mối liên hệ của ta đối với những gì ta yêu quý, hoặc mối liên hệ của chúng đối với ta, rồi cũng sẽ thay đổi. Và rồi ta sẽ chịu nỗi đau của sự mất mát, chia lìa. Chúng ta đã chọn cuộc sống tương giao ấy, vì ta chấp nhận sẵn sàng trả giá bằng sự đau đớn.

Đối với tôi, thấy được sự khác biệt giữa một thái độ dửng dưng và một thái độ vui vẻ, nhiệt tình đối với kinh nghiệm của sự sống mà không bị dính mắc, luôn luôn là một thử thách lớn (trong nhà thiền có lẽ gọi đó là một công án). Theo tôi thì chuyện ấy có thể thực hiện được. Nhưng vì trong mỗi giây, mỗi phút của cuộc sống bao giờ cũng có một sự chọn lựa giữa sự “dễ chịu” và “khó chịu”, nên khó có thể nào ta lại không muốn sự “dễ chịu”. Thật ra thì rất khó để không muốn gì hết.

Người ta kể rằng thánh John of the Cross có lời cầu nguyện rằng: “Thượng đế, xin hãy ban cho con được thấy ảnh tượng của ngài!” Khi mới bắt đầu tập thiền, tôi cũng muốn được thấy hình ảnh này nọ. Thời ấy là vào cuối thập niên sáu mươi, ban nhạc trẻ The Beatles và đạo sư Maharishi Mahesh đang phổ cập hóa pháp môn định tâm, và nền văn hóa lúc ấy đang có một tính chất “ảo hóa.” Và tôi cũng mong muốn có một việc kỳ lạ nào đó xảy đến cho mình.

Vài năm sau đó cũng đã có những chuyện “kỳ lạ” xảy đến cho tôi. Trong một thời gian nỗ lực tích cực hành thiền, tôi kinh nghiệm được con người tôi tràn ngập ánh sáng, và tỏa chiếu nữa. Thật là kỳ diệu vô cùng. Trong lãnh vực của sự hành thiền nghiêm túc thì kinh nghiệm ấy chẳng có gì to tát hết, nhưng đối với tôi thì nó huyền diệu vô cùng. Và sau một thời gian, tôi bắt đầu cho rằng nó cũng chưa đủ kỳ diệu. Tôi nhớ lại câu chuyện của thánh Paul, bị mù lòa vì ánh sáng chói rực trên đường đi đến Damacus, và vì tôi chưa bị mù, tôi bắt đầu mong ước được thấy thêm ánh sáng nữa. Nhưng tôi không bao giờ dám thú nhận điều ấy với bất cứ một ai, vì trong giới tu hành, mong muốn được thêm lạc thú thì chẳng có vẻ thiền một chút nào hết – mặc dù tôi là thế!

Chân đế thứ hai của đức Phật là: Tham muốn bất cứ điều gì cũng khổ đau cả. Thường thường thì người ta hay diễn dịch rằng “nguyên nhân của khổ đau là lòng tham muốn,” nhưng theo tôi nghĩ thì nói như vậy cũng không thật chính xác. Nói nguyên nhân thì có vẻ như là cái xảy ra trước và sẽ sinh ra một kết quả cụ thể nào đó. Như ta hay nói: “Mong muốn bây giờ, đau khổ sau này.” Nhưng tôi tin là: “Mong muốn bây giờ, đau khổ bây giờ.”

Có lần tôi nghe một người nào đó nói rằng dấu hiệu của sự giác ngộ là khi ta lúc nào cũng có thể nói, và thật sự tin nữa: “Tôi đâu có muốn đâu, nhưng đó là những gì tôi có, thì cũng là tốt vậy!”

Mẹ vợ của con trai tôi là người không những có một thái độ khoan dung đối với những sự khó chịu, mà còn biết tán thưởng những điều đó nữa. Bà là người duy nhất mà khi tôi đi xe chung trên xa lộ ở Los Angeles, với hàng trăm chiếc xe phóng ào ào, xuyên qua lại ngang ngược trong một không khí đầy bụi bặm, khói xăng, kẹt cứng, bực bội, mà vẫn nói với một giọng ngạc nhiên chân thành: “Chà! Coi kìa, người ta đi đâu đông quá!”

Lẽ dĩ nhiên, từ chuyện xa lộ cho đến những nạn đói kém, cho đến chiến tranh, khoảng cách ấy xa vời lắm, nhưng khi ta nhận thấy được rằng thái độ chấp nhận khoan dung là có thể được, thì việc ấy sẽ khích lệ ta nhiều lắm. Sự thực nghiệm tâm linh có lẽ là để khám phá ra tiềm năng ấy trong ta và khai mở nó ra. chân đế thứ ba cho ta biết việc đó chắc chắn có thể thực hiện được.

Chân đế thứ ba: Một tin vui tuyệt vời

Một yếu tố chủ yếu trong sự tu tập của đạo Phật được gọi là chánh kiến (right view). Chánh kiến có nghĩa là thấy biết và nhận hiểu một cách chân chánh. Một khía cạnh của chánh kiến là ý thức được rõ rệt mục đích của con đường tu tập chánh niệm. Nhưng bước chân của tôi vào con đường tu tập chánh niệm đã được hoàn toàn thúc đẩy bởi tà kiến (wrong view), tức một cái thấy sai lầm. Tôi đã tưởng rằng nếu công phu tu tập đúng mức, tôi sẽ không còn kinh nghiệm những đớn đau nữa. Lẽ dĩ nhiên cái thấy biết đó rất sai lầm. Không thể nào khi ta vẫn còn mang thân này, sống trong cuộc đời này, mà lại tránh khỏi được sự đau đớn.

Sau khi kham phá ra sự sai lầm ấy, tôi đã tự an ủi bằng niềm tin là dầu sao đi nữa tôi vẫn có thể chấm dứt được nỗi khổ của mình. Và đó chính là Chân đế thứ ba. Chân đế thứ ba nói rằng giải thoát, an lạc và hạnh phúc là những chuyện ta có thể thực hiện được – ngay trong chính cuộc đời này. Đó quả thật là một ý tưởng hết sức tuyệt diệu!

Trong vài năm trước, tôi có dạy môn Tôn giáo Đông phương cho một trường đại học Thiên Chúa giáo. Sinh viên đa số là những thiếu niên, thiếu nữ vừa học xong cấp trung học của một trường trung học Thiên Chúa giáo gần đó. Các em lớn lên, phần đông có một đời sống gia đình thoải mái, đầy đủ và rất sùng đạo, giữa một kỷ nguyên hòa bình. Các em có vẻ cảm thấy rất hoang mang khi tôi bắt đầu dạy về đạo Phật, và giới thiệu ngay đến khái niệm về khổ. Nhưng làm sao tôi có thể tránh được việc ấy. Ý niệm về khổ và sự chấm dứt khổ đau là giáo lý chủ yếu của đạo Phật. Ngày xưa đức Phật có lần đã tuyên bố như thế với một người đệ tử của ngài. Theo truyền thuyết thì người đệ tử ấy đến chất vấn đức Phật. Anh ta trách đức Phật đã không dạy gì cho anh về vũ trụ quan và triết học như anh đã hy vọng.

Truyện kể rằng, đức Phật trả lời: “Ta chỉ dạy có một điều và mỗi một điều mà thôi: Đó là khổ đau và con đường chấm dứt khổ đau.”

Những em sinh viên trẻ của tôi lộ vẻ lo âu khi nghe tôi nói, mặc dù mọi việc dường như có vẻ là vui thú đó, nhưng cuối cùng rồi tất cả sẽ làm cho ta thất vọng, vì không có gì là trường tồn mãi mãi. Khi tôi cố gắng giải thích và cho thí dụ “Cũng giống như nhiều khi các em muốn một việc gì đó mà không được,” thì chúng không đồng ý. Đa số các em có được tất cả những gì mà chúng muốn. Theo ý kiến của các em thì đạo Phật dường như hơi bi quan, và các em hỏi tôi: “Những người Phật tử có tổ chức tiệc mừng sinh nhật không cô?”

Tôi hết sức cố gắng để tìm những trường hợp khổ đau nào mà các em sinh viên của tôi có thể liên tưởng đến được. “Có bao giờ các em bị một người bạn trai hoặc bạn gái nào đó bỏ em không? Lúc đó em có cảm thấy đau khổ không?”

“Ồ,” họ trả lời, “nếu khổ đau là vậy thì em có thể liên tưởng được!” Dù vậy, tôi cũng cảm thấy chút gì bất mãn khi thấy mình phải là một người mang tin buồn đến cho những người trẻ ấy.

Nhiều khi tôi thấy mình lướt qua hai Chân đế đầu tiên để giảng ngay đến Chân đế thứ ba, để tôi có thể nói đến cái tin vui. Chúng ta có thể sống hạnh phúc được. Mỗi người chúng ta có khả năng phát triển một tâm rộng lớn đủ để có thể thương yêu, tỉnh thức, đáp ứng, quan tâm đến mọi việc, và không cần phải tranh đấu. Đó không phải chỉ là một tin vui thôi, mà là một tin vui tuyệt vời.

Tam Tổ của Thiền tông và Nhất Tổ của Berkeley

Tăng Xán, vị tổ thứ ba của thiền tông Trung Hoa sống vào thế kỷ thứ sáu, đã viết: “Chí đạo vô nan, duy hiềm giản trạch” (Tín tâm minh) có nghĩa là: “Đạo lớn không khó, chỉ hiềm vì ta có sự lựa chọn mà thôi.”

Khi đọc những lời ấy, tôi nghĩ: “Chắc mình sẽ không bao giờ đạt đạo nổi!” Dường như mỗi kinh nghiệm trong đời đều mang lại cho tôi một cơ hội để có sự ưa ghét, và tôi lúc nào cũng thiên vị.

Lúc đầu tiên khi được nghe giáo lý ấy, đứa con gái nhỏ của tôi đang theo học môn múa ba-lê rất chuyên cần, và vị giáo sư của nó cho rằng nó rất có khiếu. Vào mỗi mùa giáng sinh, nó được chọn múa trong vở tuồng Nutcracker của đoàn, và mỗi năm được giao cho đóng một vai quan trọng hơn. Mặc dầu đứa con gái của tôi chỉ là một cô bé, tôi vẫn tưởng tượng đến một ngày nào đó, nó sẽ được đóng vai chánh Snow Queen, và tôi không tin rằng đến lúc ấy, tôi sẽ có một thái độ dững dưng về việc con mình sẽ được thủ vai chánh ấy hay là một cô bé nào khác. Tôi có một sự thiên vị.

Tôi có thể hiểu được giáo lý vô phân biệt này trên một lãnh vực bình thường. Tôi biết mình sẽ không bao giờ bước vào một tiệm kem và nói: “Bán cho tôi loại kem nào cũng được,” nhưng tôi cũng biết chắc là mình sẽ không khổ tâm lắm nếu họ đã bán hết kem sô-cô-la. Bởi vì còn biết bao nhiêu loại kem khác cũng thơm ngon như vậy. Đây là một bình diện phân biệt, chọn lựa được biểu hiện qua sở thích và thị hiếu bình thường cá nhân.

Điều mà tôi đã không thể hiểu tới là làm sao việc ấy cũng có thể đúng với những ý thích sâu xa của ta nữa! Thật ra, tôi đã không tưởng tượng nổi vì sao người ta lại muốn mình không còn có một sự phân biệt nào hết. Đối với tôi thì dường như chính sự chọn lựa mới làm cho cuộc đời hào hứng và lý thú. Lúc ấy, quan điểm của tôi hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý của kinh Kim Cang: “Tâm vô sở trụ”, có nghĩa là một tâm không bị dính mắc vào đâu hết. Nhưng rõ ràng, điều tôi không hiểu là sự sống này vẫn có thể được hào hứng lý thú, và ta vẫn có thể có những dự án, hy vọng và đeo đuổi chúng hết lòng, mà vẫn sẵn sàng buông bỏ nếu chuyện không thành.

Tôi học bài học lớn ấy từ Bill, một người bạn đã qua đời cách đây hơn hai thập niên. Tôi thường nghĩ đến anh như là vị Tổ Thứ Nhất của vùng Berkeley.

Bill bị bệnh ung thư vào năm anh ta còn rất trẻ, mới bốn mươi tuổi. Anh có vợ, một sự nghiệp đang lên và những đứa con thật dễ thương. Khi biết rằng cái chết gần kề, anh viết một lá thư để gửi đến bạn bè sau khi anh qua đời. Trong thư, anh viết về cuộc đời của mình: “Tôi còn muốn nhiều chuyện muốn làm nữa, nhưng không bao giờ tôi muốn nó sẽ là gì khác hơn!”

Tôi nghĩ, nếu tôi có thể sống cuộc đời mình được như vậy thì kỳ diệu vô cùng, muốn thêm nhiều nữa là một sự tán thưởng đối với cuộc đời, nhưng tôi sẽ không bao giờ muốn nó là gì “khác hơn”.

Tôi có người bạn là một vị thầy dạy Zen. Anh ta kể cho tôi nghe về một bài kệ thị tịch. Có một tập sách sưu tầm các bài kệ thị tịch để lại bởi những thiền sư – theo truyền thống Zen, các ngài nói ra vào hơi thở cuối trước khi viên tịch. Anh bạn kể cho tôi nghe về một bài kệ thị tịch viết: “Kệ thị tịch là chuyện láo lếu. Chết chỉ là chết.”

Vị thiền sư ấy nhắc tôi nhớ đến một người bạn khác là Pat, cũng qua đời vì chứng bệnh ung thư vào năm bốn mươi mấy tuổi, để lại bốn đứa con, nhiều bạn hữu và một sự nghiệp luật sư lý thú. Tôi học được từ cô là chúng ta vẫn có thể có sự thiên vị, một sự thiên vị sâu sắc, không bao giờ thối chí, và cũng không hề đắng cay về nó.

Pat sống được thêm vài tháng sau khi biết là cuộc chiến đấu với cơn bệnh của cô đã không còn hy vọng. Cô ta dùng thời gian còn lại để hàn gắn mối liên hệ với người chồng cũ, hoàn tất những công việc còn dở dang, tâm sự với bạn bè và bộc lộ hết với họ những gì cô hằng muốn nói. Có những chuyện cô muốn giải quyết, và tuy chúng rất rắc rối về tình cảm, nhưng cô vẫn cứ làm. Lúc gần cuối đời, cô nói với tôi bằng một giọng hết sức bình thường và thực tế: “Chị biết không, tôi đã trưởng thành rất nhiều về mặt tình cảm nhờ chứng bệnh ung thư này. Tôi đã làm được những chuyện mà tôi không bao giờ dám làm nếu như tôi không có bệnh. Nhưng thành thật mà nói, tôi vẫn ước gì mình không mắc bệnh và không phải trưởng thành.”

Một sự thật rất đơn sơ. Trưởng thành cũng không hay ho gì. Sống thì vẫn thú vị hơn. Được trao cho những gì không thể thay đổi được, cô bạn tôi đã sống những ngày cuối đời mình bằng một thái độ vui vẻ và sẵn sàng. Một ngày trước khi mất, tôi bắt gặp cô ngồi trên giường đọc báo. Cô nói: “Tôi đã làm hết mọi chuyện rồi, bây giờ chỉ còn chờ đợi thôi.” Tôi nghĩ việc ấy đủ cho cô xứng đáng làm vị Tổ Thứ Nhất của vùng San Anselmo.

Đứa con gái của tôi không bao giờ được đóng vai chánh Snow Queen. Nó đã không trở thành một vũ công, và thái độ chấp nhận của nó cho phép tôi buông bỏ những kỳ vọng của chính tôi. Tôi vẫn còn thích xem tuồng Nutcracker, và tôi rất vui thú tưởng tượng đến cái cảm xúc của người mẹ cô bé đang thủ vai Snow Queen. Tôi cũng cảm thấy nỗi vui ấy khi xem những trận đấu banh trên ti-vi, khi nhìn thấy mẹ của một cầu thủ đứng reo hò trên khán đài, ngay sau khi con mình vừa thắng điểm. Tôi cảm động vô cùng, đôi khi đến chảy nước mắt. Tôi cũng khóc khi thấy những chuyện bất hạnh xảy đến cho người ta. Không có một vị thuốc nào có thể chữa được tiếng khóc. Và tôi rất mừng về sự bất lực ấy.

Chân đế thứ ba rưỡi

Đức Phật dạy rằng, chấm dứt khổ đau là chuyện có thể được. Ngài dạy, chúng ta có thể tu tập rèn luyện tâm mình, giữ cho nó được trong sáng và rộng lớn, để mọi kinh nghiệm của ta đến và đi trong một đại dương bao la của tuệ giác. Khổ đau và an lạc sẽ đến rồi đi, thỏa mãn và thất vọng sẽ đến rồi đi, và tâm ta vẫn giữ được sự tĩnh lặng muôn thuở của nó. Ý thức được rằng ta không cần phải được thỏa mãn mới có hạnh phúc, là một tự do rất lớn.

Nhưng dù sao thì tôi vẫn chưa chấm dứt được khổ đau, tôi biết không phải vì tôi chưa khao khát đủ. Tôi khao khát lắm chứ! Cũng không phải vì tôi không hiểu. Trong thâm tâm, tôi tin giải thoát là chuyện có thể được. Tôi biết, chúng ta tranh đấu vất vả vì ta bám chấp và cho những chuyện xảy ra là của riêng mình, thay vì nhìn chúng như một phần của vở tuồng vũ trụ to lớn đang khai mở. Tôi biết chắc là mọi việc đều do duyên khởi và ít nhiều tôi tin vào karma, tức luật nhân quả.

Tuy nhiên, tôi vẫn vất vả tranh đấu và tôi đau khổ. Nhưng dù sao thì bây giờ tôi cũng ít khổ đau hơn, và tôi cũng không còn bị tuyệt vọng vì những nỗi khổ, như trong quá khứ.

Vì vậy, tôi cộng thêm một nửa Chân đế nữa. Nửa chân đế ấy là “Khổ đau có thể chăm sóc được (manageable).” Còn thiếu một chút nữa là chấm dứt được khổ đau, điều mà tôi hoàn toàn tin là có thể được, nhưng tôi hài lòng với việc mình có thể đối trị được khổ đau một cách tốt đẹp hơn. Vì biết rằng tôi có thể săn sóc được khổ đau của mình, tôi không còn sợ hãi những đau đớn như khi trước.

Ngày nay, tôi thường nói thẳng với học trò của mình, mặc dù đức Phật có dạy là ta có thể chấm dứt được khổ đau, nhưng chính tôi chưa đạt đến trình độ ấy. Học trò của tôi không thất vọng. Và tôi cũng không hề mất đi một điểm nào. Nghe được rằng ta có thể săn sóc được những khổ đau của mình, đối với họ đã là một tin vui lắm rồi.

Một nửa Chân đế phụ thêm đó còn giúp cho tôi có lòng từ bi đối với chính mình và người khác hơn. Tôi có thể thấy được tôi đã bị dính mắc ra sao, tôi đã vất vả, khổ đau như thế nào, tôi đã mong muốn những gì, và cuối cùng rồi thì mọi việc cũng đã thay đổi và giải quyết ra sao. Tôi thương mình hơn, khi hiểu tôi đã tạo nên biết bao nhiêu đau đớn trong tâm cũng vì những bám víu bị điều kiện của mình. Ý thức được nỗi khổ của mình, mặc dù đã nhiều năm tu tập và dù đã có một hiểu biết nào đó, tôi vẫn rất nhạy cảm đối với một nỗi đau chắc phải là rất to tát của tất cả mọi người đang cùng với tôi chia sẻ trái đất này.

Tim tôi vẫn còn níu kéo

Trong một bài nhạc tình, câu “Tim em gắn bó với anh” là một lời yêu thương rất nồng nàn tha thiết. Chúng ta muốn trái tim và ý nghĩ của người mình yêu gắn chặt với mình. Nhưng theo sự hiểu biết của nhà Phật thì chính sự bám víu, dính mắc này là nguyên nhân của khổ đau. Mặc dù vậy, trái tim của tôi vẫn còn rất dính mắc. Vào những ngày đẹp trời thì nó ít bị dính mắc hơn một chút.

Lúc mới bắt đầu tu tập, một trong những việc mà tôi thích nhất là được nghe kể chuyện về đức Phật và Phật pháp. Trước khi tôi ý thức được là ta cũng có khả năng tĩnh tâm và cảm nhận được giải thoát là gì, tôi rất thích được nghe kể những câu chuyện về giải thoát.

Những câu chuyện về đức Phật bao giờ cũng rất kỳ diệu. Thường thì chuyện được bắt đầu bằng sự mô tả về nơi chốn đức Phật thuyết pháp, tên của những nhân vật chánh đến nghe pháp. Và thường thì chuyện kể lại có một vị nào đó “từ chỗ ngồi của mình trong đại chúng, đứng dậy, đảnh lễ đức Phật, xong ngồi xuống và nghe pháp.” Và tiếp theo “Đức Như Lai nói như thế này,” rồi chuyện trình bày một bài pháp trong đó đức Phật giải thích về chân tánh của mọi vật. Câu chuyện thường được chấm dứt bằng câu: “Sau khi nghe Phật nói xong, các vị... đều được giác ngộ hoàn toàn” hoặc là: “Nghe xong, tất cả đại chúng đều được hoàn toàn giác ngộ.” Lời kết ấy thường được viết như thế này: “Và tâm các ngài, nhờ không còn bị dính mắc, được giải thoát khỏi những sự ô nhiễm.”

Tôi yêu thích những lời ấy vô cùng. Trải qua biết bao nhiêu năm tu tập cho đến ngày hôm nay, mỗi khi có dịp được nghe ai thuyết pháp, tôi đều tưởng tượng rằng có thể đây là lúc mình sẽ đạt được sự giác ngộ hoàn toàn và cuối cùng, như những vị ấy. Sự thật là điều đó đã xảy ra trong thời đức Phật, đã để lại cho ta một tiền lệ rất tốt. Có điều là nó chỉ chưa xảy đến cho tôi mà thôi!

Tôi nghĩ việc ấy đã không xảy đến dễ dàng cho chúng ta, là vì tâm ta đã bị điều kiện bởi những phản ứng theo thói quen quá nặng nề. Thói quen của tâm rất khó thay đổi. Tôi thường hay bị nhức đầu mỗi khi tức giận, vì tôi không biết cách nào để biểu lộ sự bất mãn của mình ra cho được tự nhiên. Bây giờ tôi có thể bày tỏ cảm xúc tức giận của mình thoải mái hơn, nhưng đôi khi tôi cũng cần một cơn nhức đầu để nhắc nhở là mình đang giận. Và tôi cũng hoàn toàn tin rằng khổ đau phát sinh mỗi khi tôi gắng chống cự lại với những biến cố nào trong đời mà tôi không thay đổi được. Dù biết vậy, đôi lúc, tôi vẫn cứ khăng khăng chống cự. Thói quen thật rất khó chuyển đổi.

Tôi có một giả thuyết về việc vì sao thói quen của tâm lý và tâm linh lại khó có thể xóa bỏ hoàn toàn. Tôi gọi đó là giả thuyết chiếc-áo-thun-của-sự-thay-đổi trong tâm.

Đã lâu rồi, trong một tiết mục quảng cáo trên ti-vi có một bà mẹ đưa lên chiếc áo thun của con trai mình, cho thấy những nơi bị dính dơ bởi đậu phụng, mứt, chỗ cậu ta làm vấy kem sô-cô-la, và những nơi cậu ta lăn lộn chơi banh trên đất bùn. Bà ta bỏ chiếc áo thun dính bẩn ấy vào máy giặt và cộng thêm với loại xà bông mà họ muốn quảng cáo với khán giả. Sau đó khi bà lấy ra khỏi máy giặt, chiếc áo trở nên trắng tinh như mới, không còn một tì vết nào. Trong kinh nghiệm giặt quần áo suốt đời tôi, tôi chưa bao giờ thấy một chiếc áo nào khi lấy ra khỏi máy giặt mà trông hoàn toàn như mới. Lúc nào cũng có một vài chỗ bị phai màu, và ngay cả những trường hợp hiếm hoi khi mọi chỗ dính bẩn đều được giặt sạch, chiếc áo vẫn không bao giờ có thể thẳng thớm như khi còn mới. Những dấu vết cho thấy chiếc áo đã được mặc rồi sẽ dính vào nó mãi mãi.

Tôi nghĩ đối với tâm ta cũng vậy, và tôi nghĩ việc ấy cũng bình thường thôi. Nếu chúng ta biết bên nào của chiếc áo bị ngắn hơn, ta có thể nhét bên ấy vào cho chặt hơn một chút, và rồi thì nó cũng xem rất chỉnh tề.

Nếu như tâm tôi không bị dính mắc, tôi sẽ hoàn toàn không có sự lo sợ. Không có gì đe dọa tôi được, vì không có một vật gì tôi sợ phải đánh mất, và cũng không có một vật gì tôi cần cho hạnh phúc của mình. Nhưng tâm tôi vẫn còn dính mắc, nên đôi khi tôi vẫn sợ rằng không có được những gì mình nghĩ là cần thiết, hoặc sẽ đánh mất những gì tôi nghĩ là mình muốn.

Nhưng dầu sao đó cũng không còn là một vấn đề lớn nữa, vì sự sợ hãi không còn làm tôi kinh khiếp như xưa. Tôi biết nó có mặt là do sự dính mắc của mình, và tôi biết nó rồi sẽ đi qua. Tôi có thể tự nhủ: “Tôi đang sợ hãi, bởi dù tôi biết cái gì là chân thật, nhưng ngay lúc này tôi đã quên mất. Nhưng tôi biết khả năng ấy hiện hữu.” Và khả năng ấy, niềm tin tưởng ấy, đã đem lại cho tôi thật nhiều hy vọng, giữa những cơn dông tố hãi hùng trong cuộc đời.

 

 

Nguyễn Duy Nhiên dịch

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle