Diện mạo kiến trúc Phật giáo cho TPHCM - Bài 6: Cần ngôi chùa giao lưu quốc tế

dien mao

Minh Thạnh

Trung tâm TPHCM không có một ngôi chùa Phật giáo lớn nào cả (chùa An Lạc, đường Phạm Ngũ Lão chỉ là một căn phố lầu trong hẻm nhỏ). Vì vậy, khách quốc tế đi bộ ở khu trung tâm chỉ có thể thăm nhà thờ Đức Bà, đền thờ Hồi giáo và đền thờ Ấn giáo.

 

THỰC TRẠNG

Một buổi chiều, chúng tôi làm một chuyến đi tìm hiểu việc khách quốc tế đến thăm các cơ sở tôn giáo tại TPHCM.

-    Chuyến đi bắt đầu từ đầu giờ chiều với điểm đến trước tiên là nhà thờ Đức Bà. Phía trước và trên những con đường nhỏ chung quanh nhà thờ, có khoảng 27 xe khách lớn nhỏ chở khách quốc tế đến thăm viếng nhà thờ Đức Bà vào bên trong nhà thờ thì thấy đông nghịt khách quốc tế, gồm cả khách phương Tây da trắng, khách đến từ các nước châu Á, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…, mà chúng tôi có thể nhận biết qua bảng chữ hướng dẫn. Nhưng đây không phải đều là khách đến bằng những chiếc xe đậu trước cửa và chung quanh nhà thờ theo tour. Nhiều khách đi lẻ vẫn vào nhà thờ từ những hướng khác nhau. Bên ngoài nhà thờ, dưới chân tượng Đức Mẹ, cũng có nhiều khách quốc tế đang tham quan, chụp ảnh. Khách quốc tế chụp ảnh còn đứng ở những vị trí xa hơn, 2 bên góc đường bên kia, phía lề đường bưu điện và phía nhà sách nhà thờ.

-    Tại thánh đường Hồi Giáo trên đường Đông Du, có một xe khoảng hơn 40 chỗ. Nhưng trong thánh đường thì số khách quốc tế có vẻ đông hơn, khoảng gấp đôi. Có lẽ số khách còn lại là khách đi bộ.

-    Đền thờ Ấn Giáo trên đường Pasteur – Tôn Thất Thiệp, có khoảng hơn 20 khách quốc tế, dường như là khách đi bộ, vì không thấy có xe phục vụ đậu bên ngoài.

-    Tại đền thờ Ấn Giáo trên đường Trương Định, có một xe khách lớn (trên 40 chỗ). Bên trong đền thờ, số khách quốc tế có lẽ gấp rưỡi số chỗ trên xe. Một vài khách quốc tế đi lẻ đang bước vào đền thờ. Họ là khách tản bộ, đến từ hướng chợ Bến Thành gần đó.

-    Tại chùa Vĩnh Nghiêm, có một xe chở khách quốc tế khoảng 25 chỗ. Vào chùa, thì số khách quốc tế có vẻ ít hơn số chỗ trên xe. Có lẽ đoàn khách quốc tế có số người ít hơn.

-    Đến chùa Giác Lâm, thì thấy cũng có xe khách có số chỗ ngồi tương tự ở chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng số khách quốc tế còn ít hơn nữa.

-    Đến các chùa Xá Lợi, Ấn Quang, Phổ Quang, Giác Viên, Phụng Sơn… thì không thấy có khách quốc tế. Khách viếng chùa là người trong nước thưa thớt vì không phải ngày sám hối, ngày rằm, mồng một.

-    Trở lại nhà thờ Đức Bà vào khoảng 5 giờ, thì số xe khách các cỡ đậu quanh nhà thờ tăng lên 35 chiếc. Tuy nhiên, số khách quốc tế, đặc biệt là khách phương Tây tăng lên khoảng gấp rưỡi, đứng nhiều bên ngoài nhà thờ. Hỏi một người bán hàng rong, thì được biết số khách quốc tế như thế là đông hơn so với ngày thường, vì nghe nói có một du thuyền lớn cập cảng Sài Gòn, lưu lại trong vài ngày.

Lưu lại ở quảng trường Công xã Paris đến tối, chúng tôi thấy khách quốc tế đến thăm nhà thờ Đức Bà hầu như không giảm bớt, mà phần đáng kể là khách đi bộ. Có những đoàn khách đi bộ là người phương Tây có đến khoảng 20 người, trong đó phần lớn là thanh niên, có nhiều khách chưa tới 20 tuổi.

Vì cuối buổi chiều, Dinh Độc Lập đóng cửa, nên điều chắc chắn là khách quốc tế đến nhà thờ Đức Bà đông hơn nhiều lần so với khách đến Dinh Độc Lập.

 

BÌNH LUẬN

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là cơ sở tôn giáo thu hút khách quốc tế đến TPHCM ở mức đông đảo hơn cả. Đó chỉ là so sánh ở góc độ cơ sở tôn giáo và đó là điều chắc chắn.

-    Nhưng dường như, nhà thờ Đức Bà là công trình kiến trúc ở TPHCM có đông khách du lịch đến thăm hơn cả. Nhà tôi ở quận 3, thường xuyên đi ngang Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, thì thấy cũng đông khách quốc tế, nhưng rõ ràng không đông như nhà thờ Đức Bà. Sáng và chiều khách du lịch đến Dinh Độc Lập tương đương với đến nhà thờ Đức Bà, nhưng Dinh Độc Lập mở cửa trong giờ hành chính nên chắc chắn khách ít hơn. Ở nhà hát thành phố - Trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố…, khách quốc tế chỉ đứng nhìn từ bên ngoài, không là điểm tham quan bên trong như nhà thờ Đức Bà.

Nếu nhà thờ Đức Bà là điểm thu hút đông đảo khách quốc tế đến thăm TPHCM hơn cả, thì đây quả là vấn đề về mặt giao lưu quốc tế của TPHCM, và là vấn đề về mặt chính trị, xã hội, không chỉ là vấn đề văn hóa, tôn giáo.

-    Phật giáo là tôn giáo hàng đầu Việt Nam, được coi là có số tín đồ đông đảo hơn cả. Nhưng khách quốc tế đến TPHCM thường chỉ thăm chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Giác Lâm, với số lượng ít hơn rất nhiều lần so với nhà thờ Đức Bà. Điều đáng nói là số khách quốc tế đến thăm từng chùa Phật giáo ít hơn cả khách đến đền thờ Hồi giáo và Ấn giáo. Hiện trạng như thế là rất không bình thường đối với Phật giáo. Đối với TPHCM, nó phản ánh một diện mạo méo mó về mặt tôn giáo. Một số lớn khách quốc tế đến TPHCM thấy đây là thành phố theo đạo Ca tô La Mã. Kế đến là… Hồi Giáo, Ấn Giáo. Chỉ một số ít du khách biết đến các kiến trúc Phật giáo. Trong album ảnh chụp của phần lớn khách quốc tế đến thăm trung tâm TPHCM, chỉ có hình ảnh nhà thờ, đền Hồi giáo, Ấn giáo. Ấn tượng về tôn giáo TPHCM của phần đông khách quốc tế sẽ là như vậy.

-    Trước đây, tháp chùa Vĩnh Nghiêm là một kiến trúc cao hơn cả trên đường từ sân bay vào trung tâm TPHCM, nên khách quốc tế đến TPHCM ít ra cũng thấy thoáng qua cửa xe một kiến trúc Phật giáo. Đến nay, con đường đó đã có rất nhiều cao ốc, và tháp chùa Vĩnh Nghiêm còn thấp hơn một số cao ốc. Điều này gián tiếp xóa đi biểu tượng kiến trúc Phật giáo mà khách quốc tế đến thành phố có thể nhìn thấy. Những vị quốc khách đến đến TPHCM, không đến thăm nhà thờ Đức Bà nhưng lưu thông trên những con đường trung tâm TPHCM, thì cũng chỉ nhìn thấy mỗi một kiến trúc tôn giáo là nhà thờ Đức Bà mà thôi. Có thấy nhiều hơn thì là… đền thờ Hồi giáo và Ấn giáo.

-    Điều này dễ dàng lý giải vì ở trung tâm TPHCM không có một ngôi chùa Phật giáo lớn nào cả (chùa An Lạc, đường Phạm Ngũ Lão chỉ là một căn phố lầu trong hẻm nhỏ). Vì vậy, khách quốc tế đi bộ ở khu trung tâm chỉ có thể thăm nhà thờ Đức Bà, đền thờ Hồi giáo và đền thờ Ấn giáo.

 

ĐỀ XUẤT

Thực trạng và bình luận như trên cho thấy nhu cầu bức thiết phải có một ngôi chùa lớn, kiến trúc truyền thống dân tộc ở trung tâm TPHCM.

Trong hoàn cảnh hiện nay, một ngôi chùa lớn bên sông Sài Gòn, tại khu đô thị mới Thủ Thiêm đang quy hoạch, khu bờ sông chưa xây dựng, là một giải pháp khả thi hơn cả.

Nhu cầu này không phải chỉ xuất phát từ lợi ích của Phật giáo, mà là từ lợi ích của TPHCM và lợi ích của cả nước trong hoạt động giao lưu quốc tế, quảng bá văn hóa Việt Nam, khắc họa hình ảnh thành phố và đất nước trong mắt khách quốc tế.

Dù đặt vấn đề từ góc độ một công dân TPHCM, chúng tôi vẫn tiếp tục hướng về những vị tu sĩ yêu nước, yêu thành phố quê hương trong Ban Trị sự GHPGVN TPHCM. Kính mong quý vị sớm có đề xuất với chính quyền, xuất phát từ lợi ích của chính TPHCM, phục vụ cho các mặt hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa, tuyên truyền của TPHCM.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle