Nhân ngày Phật đản: nghĩ về những điều bình thường và phi thường

Nhân ngày Phật đản

Nhân ngày Phật đản: nghĩ về những điều bình thường và phi thường

Nguyên Cẩn

 

Khi con người đối diện bất trắc

Chưa bao giờ kể từ sau Đệ nhị thế chiến, con người lại sống trong tâm trạng âu lo như hiện nay, chỉ vì một con virus nhỏ bé vô cùng có tên gọi Corona xuất phát từ Vũ Hán cách đây 3 tháng. Và số người nhiễm bệnh hay lo lắng không chỉ gói gọn trong một số nước như trong Thế chiến mà lan ra đến 210 quốc gia, nghĩa là toàn cầu. Khi bài viết này được khởi thảo thì đã có hơn 110 nghìn người chết trên tổng số gần 2 triệu ca nhiễm. Tất cả các quốc gia dù siêu cường hay nhược tiểu, dù phát triển hay lạc hậu, đều phải cố gắng chống chọi, ngăn ngừa, theo cùng một cách giãn cách xã hội (social distancing), cô lập phong tỏa vùng dịch (lockdown), cách ly người dịch (isolation).

Cuộc sống bị xáo trộn 

Rất nhiều thành phố trên thế giới đã cấm hay khuyên người dân không ra đường khi không có việc gì cần thiết; hàng quán bị đóng cửa. Bây giờ đi nhổ răng, hớt tóc cũng đành chịu, ngay cả ốm đau lặt vặt cũng không đến phòng mạch bác sĩ được (!). Con trẻ không đến trường cũng là một gánh nặng cho ông bà hay bố mẹ. Dù có học online nhưng hiệu quả vẫn còn nhiều băn khoăn. Thôi thì an toàn là trên hết! Người ta tự an ủi nhau như vậy. Nhưng không tránh khỏi cảm giác ngột ngạt, bức rứt. May là có các phương tiện truyền thông giúp người ta giao lưu với nhau như zalo, facebook, viber…, nên cũng tạm nguôi ngoai.

Chúng ta nhớ tác phẩm “Dịch hạch”[1] (La Peste) của Albert Camus khi ông kể về một thảm họa bắt đầu hết sức ngẫu nhiên ở thành phố biển Oran vào một buổi sáng tháng 4 một năm trong thập niên 1940. Bác sĩ Rieux từ trong phòng ra ngoài cầu thang thì đá phải xác một con chuột chết; ngay chiều hôm đó đi về thì gặp một con chuột khác cũng đang giãy chết. Lúc đầu người ta tưởng đó là trò nghịch ngợm của bọn trẻ, nhưng số lượng chuột chết mỗi ngày cứ tăng dần, dân cư thành phố lo sợ. Và rồi xuất hiện những người chết đầu tiên. Bệnh dịch hạch bắt đầu lan tràn. Người chết khắp nơi (hệt như hoàn cảnh chúng ta hôm nay khi mỗi buổi sáng nghe số lượng người chết không ngừng tăng lên!)

Trong đại dịch toàn cầu do virus Corona gây ra, một lần nữa tiểu thuyết “Dịch hạch” lại mang đến những cảnh báo sâu sắc. Albert Camus đã mô tả một không gian đầy bất trắc luôn đe dọa con người. Tất cả bởi một lẽ: sự phi lý. Xã hội chúng ta đang sống đầy phi lý, và tiểu thuyết của Albert Camus đã dẫn dắt mối quan hệ của chúng ta tới sự phi lý trong sự tồn tại này. Tác phẩm của Albert Camus mô tả rất thuyết phục cách mà dịch bệnh sinh nở trong một xã hội mà ở đó, con người mâu thuẫn trong lời hứa và việc làm. Con người ruồng rẫy, tàn phá tự nhiên thì con người phải trả giá cho sự tham lam và sự ích kỷ! Hiện nay chúng ta cũng đang phá rừng, khai thác tài nguyên cạn kiệt, hủy hoại môi sinh bằng đủ mọi cách. Người ta không hiểu sự tương sinh tương tức giữa muôn loài, giữa con người và thiên nhiên.

Người ta cũng ý thức rằng dịch bệnh và cái chết không phân biệt ai và đến bất kỳ lúc nào theo đúng luật vô thường.

Trước cái chết, sinh mạng con người là trên hết! Khi bị cách ly hay phong tỏa, người ta mới nhớ ra những gì cần thiết nhất cho sự sống. Đó là không khí trong lành, nước, thực phẩm sạch và tình yêu thương trong nơi trú ngụ. Chỉ giản dị thế thôi, có cần thật nhiều tiện nghi đâu, là ta cảm thấy hạnh phúc rồi.

Người ta nhận ra bao lâu nay mình đầu độc bầu khí quyển; gây ô nhiễm nguồn nước, đưa chất độc hại vào thực phẩm rau quả và vô cảm trước đồng bào. Có phải những điều đó giúp mọi người ý thức rõ hơn về ý nghĩa của cuộc sống. Người ta mơ ước một đời sống bình thường.

 Bình thường là phi thường

Có câu chuyện kể trên mạng những ngày gần đây.

Sau khi một bệnh nhân 93 tuổi ở Ý trở nên khỏe hơn trong bệnh viện, ông được bảo phải trả tiền cho máy thở trong một ngày, và ông già đã khóc...

Bác sĩ khuyên ông đừng khóc vì hóa đơn. Ông nói: "Tôi không khóc vì tiền tôi phải trả. Tôi có thể trả tất cả số tiền". Tôi khóc vì tôi đã hít thở không khí của Chúa trong 93 năm, nhưng tôi không bao giờ trả tiền cho nó. Phải mất 500 Euros để sử dụng máy thở trong bệnh viện trong một ngày. Bạn có biết tôi nợ Chúa bao nhiêu không? Tôi đã không cảm ơn Chúa vì điều đó trước đây".

Trái đất đã cho chúng ta rất nhiều, và chúng ta cũng chưa bao giờ biết ơn đến trái đất đã cho chúng ta hơi thở trong lành miễn phí.

Hôm nay Covid-19 đã đến dạy cho chúng ta một bài học về lòng biết ơn đối với trái đất.

Thiền sư Nhất Hạnh trong một bài diễn văn đọc trước Tổ chức khung về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc[2] đã nói: “Trái đất là Mẹ của chúng ta. Trái đất nuôi dưỡng và bảo vệ ta từng giây từng phút. Trái đất cho chúng ta không khí để thở, nước trong để uống, thực phẩm để ăn và những cây thuốc hiền lành để ta trị bệnh. Mỗi hơi thở vào của chúng ta đều có chứa khí ni-tơ, khí oxy, hơi nước và những nguyên tố vi lượng của trái đất. Nếu thở có chánh niệm thì ta có thể chứng nghiệm được sự tương tức giữa ta với bầu khí quyển mỏng manh của trái đất, với cây cỏ, và với cả mặt trời, vì nếu không có mặt trời thì sự quang hợp sẽ không thể xảy ra. Với mỗi hơi thở ta có thể chứng nghiệm được sự dung thông (communion), với mỗi hơi thở ta có thể nếm được những mầu nhiệm của sự sống.” 

Chúng ta đã quên mình đang sống ở đâu khi mải theo cuộc mưu sinh và vọng cầu những cái khác trên đời. Rồi đến khi đại dịch xảy ra, người ta nuối tiếc những ngày trước đó, những ngày mà người ta lãng phí thời gian sống. Khi bị phong tỏa cách ly, người ta lại ước giá như mình có thể thanh thản ghé quán café ngồi tán gẫu với bè bạn, những cuộc gặp gỡ bây giờ lại khó khăn thế! Biết bao giờ có thể bước đi ra ngoài bình an như xưa (?). Trong dịch bệnh chúng ta lại càng thấy sự vô nghĩa của tiền bạc hay quyền lực. Muốn hạnh phúc, người ta phải không tật bệnh, sống khỏe. Trước đây chúng ta quá bận rộn chạy theo những vật ngoại thân như sự giàu có, uy quyền và địa vị nên thờ ơ trước những điều kiện hạnh phúc đang có mặt đó trong ta, như sức khỏe mà chúng ta đang hủy hoại hàng ngày qua những stress vì công việc, những cuộc vui thâu đêm, những cuộc tranh giành quyền lực bằng mọi thủ đoạn, khiến thân tâm ta bị ô nhiễm bởi bạo động, giận dữ, sợ hãi và tuyệt vọng.

Rồi người ta trông chờ vào phép lạ, vào sự cứu rỗi bên trên, quên đi mình đang sống trên mặt đất. Bây giờ khi cách ly người ta mới nhớ có một thời họ được hưởng những đặc ân của sự tự do bước đi thong dong và thanh thản.

Thiền sư Nhất Hạnh bảo rằng, “Bước những bước đi thanh thản và an lạc trên mặt đất, đó là một phép lạ mầu nhiệm. Có người bảo đi trên than hồng, đi trên bàn chông hoặc đi trên mặt nước mới là phép lạ. Tôi thì tôi thấy đi trên mặt đất đã là một phép lạ rồi. Phép lạ là đi trên mặt đất”[3]. Rồi ngài đưa ví dụ về một phi hành gia không thể trở về quả đất vì lý do nào đó, khi ấy chắc anh ta sẽ mơ được bước chân trở lại trên mặt đất. Người viết cũng như các bạn, nếu có lần nào đi trên những chuyến máy bay qua vùng thời tiết xấu, những khi máy bao chao đảo, mình chỉ ước mơ nó mau đáp xuống để mình bước chân trở lại trên mặt đất. Lúc ấy cái ý nghĩ đi bộ hay đi dạo thường ngày đồng nghĩa với việc mình đang sống.

Phật ra đời dạy những gì?

Đã hơn 26 thế kỷ trôi qua từ khi Đức Phật ra đời, mở ra chân trời Chánh pháp cho nhân loại đi về thênh thang trên những nẻo đường tư duy tự do vô tận… Chúng ta nói gì về ngày Đản sinh Phật lịch 2561, ngày mà “Một hiện thể độc nhất, một nhân thể phi thường trác việt xuất hiện ở thế gian vì phúc lợi cho nhiều sinh thể, vì hạnh phúc cho nhiều sinh thể, phát xuất từ lòng từ bi đối với thế gian, vì sự lành thiện, vì sự lợi ích và vì sự hạnh phúc cho chư thiên và cho loài người. Hiện thể độc nhất ấy là ai. Đó là Đấng Như Lai, Tathagata, Ứng cúng, Chánh đẳng Chánh giác”? Đức Phật để lại gì cho nhân gian? Phải chăng đó lời dạy về lòng từ bi vô hạn, lòng hỷ xả vô biên khi tôn vinh sự bình đẳng giữa con người, khẳng định tình yêu dành cho chúng sinh, cây cỏ, thiên nhiên, và trên hết chính là sự sống đáng trân trọng từng giây phút, từng sát-na sinh diệt vào ra…? Phật đã dạy: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng mặn”. Mỗi khi các giai cấp Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà-la theo Pháp và Luật của Đức Như Lai, khi ấy họ không còn có sự khác biệt, và mọi người trở thành những phần tử đồng đẳng trong xã hội. Thợ hớt tóc Upali hay tướng cướp Angulimāna ở Sāvatthi đã trở thành những vị Tỳ-kheo hiền hòa, cũng hệt như Unita người gánh phân ở thành Vương-xá, khi gia nhập Tăng đoàn cũng sánh ngang hàng với các Tỳ-kheo khác… Trước cái chết, dù vì đại dịch hay vì lý do nào, chúng ta đều bình đẳng. Nhưng hạnh phúc cũng là một ân huệ bình đẳng. Vì sao?

Sự sống chỉ có mặt nơi giây phút hiện tại, vì vậy mỗi bước chân của chúng ta hãy trở về giây phút hiện tại, để có thêm năng lượng vững chãi và thảnh thơi. Khi ấy mỗi bước chân của chúng ta sẽ giúp mình tiếp xúc được sâu sắc với sự sống và những mầu nhiệm của sự sống. Thiền sư Nhất Hạnh đã từng viết: “Con nguyện là mỗi bước đi con sẽ chú tâm vào hơi thở, vào sự tiếp xúc giữa bàn chân với mặt đất mầu nhiệm... Những mầu nhiệm cuốc sống có mặt ngay trong giờ phút này từ nụ hoa, hạt sỏi, dòng suối, con sóc tiếng chim, cho đến gió trăng và tinh tú. Con biết rằng con sống, con có đủ hai chân khỏe mạnh và đang bước đi thảnh thơi trên mặt đất là một phép lạ, là đại thần thông.”[4]

Hạnh phúc có thể có được bây giờ và ở đây. Chúng ta không cần phải có thật nhiều tiền hay sống trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi mới có thể hạnh phúc. Ta có thể sống giản dị. Nhưng phải biết thực tập chánh niệm thì mỗi giây phút đều có thể trở thành một giây phút hạnh phúc. Chúng ta cảm nhận mình đang thở, ngắm thảm cỏ hay bầu trời xanh, thưởng thức trọn vẹn sự bình yên trong mỗi sát-na khi mình còn khỏe mạnh và sống cùng những người thương. Tiền bạc, uy quyền và sự hưởng thụ không cho ta hạnh phúc, mà ta chỉ có hạnh phúc thực sự khi trong trái tim ta tràn đầy tình thương và sự hiểu biết.

Thần thông không bằng thiện nghiệp

Chúng ta đã đọc và biết ngài Mục Kiền Liên không thể dùng thần thông để thổi tắt lửa cho mẹ ngài ăn cơm, hoặc cõng mẹ ngài thoát ra khỏi kiếp ngạ quỷ để đi sang phương khác. Khi thấy mẹ như vậy thì ngài cũng không thể làm gì trước nghiệp lực của mẹ. Rõ ràng, thần thông dù rất cao nhưng không thể cứu được nghiệp lực. Chính chúng ta phải tạo ra thiện nghiệp để cứu lấy mình, không thể nương nhờ tha lực hay thần thông của ai khác. Chúng ta phải cảm ơn những con người như Bác sĩ Rieux, nhân vật trung tâm của “Dịch hạch” (La Peste). Cũng như bao bác sĩ, y tá ở Việt Nam và trên thế giới hôm nay, ông lao vào cuộc chiến đấu với bệnh dịch để cứu thành phố. Rieux có suy nghĩ đơn giản, rõ ràng nhưng quyết liệt: "Nếu không điên thì cũng mù, không mù thì cũng hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch… Sức lực tôi đến đâu thì tôi bảo vệ họ đến đó...". Những lời nói và hành động của Rieux đã thuyết phục được nhiều người. Bản thân Rieux, chính trong thời gian dịch hạch, vợ ông ốm đau phải đi điều dưỡng, và khi bà chết Rieux cũng không được gặp (!). Nhưng ông sống với lý tưởng thiêng liêng, với lời thề Hypocrate. Chất liệu chính tạo ra hạnh phúc là lòng yêu thương, hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật là Tứ vô lượng tâm.

Những gì cần làm?

Cần phải có một cuộc cách mạng và cuộc cách mạng đó cần bắt đầu từ chính trong mỗi người chúng ta. Chúng ta phải thức tỉnh và thương yêu trái đất. Chúng ta đã là homo sapiens (con người có trí tuệ) trong một thời gian dài, bây giờ đã tới lúc chúng ta phải trở thành homo conscious (con người có ý thức, có chánh niệm). Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng “…Những thế kỷ của chủ nghĩa cá nhân và cạnh tranh đã gây ra sự tàn phá và chia cách rất lớn. Chúng ta cần tái lập sự truyền thông thật sự với chính mình, với đất Mẹ, và với những chủng loại khác trên hành tinh này với tư cách là những đứa con cùng chung một mẹ.”[5]

 Chúng ta cần phát minh ra nhiều kỹ thuật tân tiến hơn để bảo vệ hành tinh này. Chúng ta cần những cộng đồng thật sự và cần sự hợp tác với nhau, “Vì bình yên không chỉ là sự vắng mặt của loạn lạc, mà còn là một phẩm tính nảy sinh từ sức mạnh của tính cách: Vì sự tuân thủ là ý chí thường trực muốn thực thi những gì cần phải làm theo quyết định chung của cộng đồng. Ngoài ra, một cộng đồng mà sự bình yên của nó phụ thuộc vào tính lờ đờ thụ động của các thần dân, vốn được lùa dẫn loanh quanh như những con cừu chỉ để học làm nô lệ, có lẽ nên được gọi chính xác là hoang mạc hơn là một cộng đồng”[6]. Người con Phật hôm nay phải đi theo lộ trình thực hành Bồ-tát đạo để tịnh hóa lòng mình trước khi lao vào cuộc kiến tạo tịnh độ giữa nhân gian.

Muốn vậy phải huân tập “tâm bình”. Chúng tôi còn nhớ câu chuyện rằng, khi ngài Triệu Châu hỏi “Thế nào là đạo?”, thì ngài Nam Tuyền đáp “Tâm bình thường là đạo”. Vậy, tâm bình an là tâm vượt lên trên cả bình diện hạnh phúc và khổ đau. Một khi tâm đã bình an, nghĩa là trong trạng thái buông xả hoàn toàn, không còn chấp thủ, hay dính mắc. Theo thiển ý, tâm bình thường là tâm vô cầu, không vướng mắc. Tâm bình thường cũng có thể hiểu là tâm an trú trong sự bình an, tĩnh mặc.[7] Theo tư tưởng trung đạo, tâm bình thường có nghĩa là chúng ta không để mình bị lôi kéo hay vướng mắc vào một cực đoan nào cả! Hôm nay, sự kiện này có thể là đúng nhưng ngày mai nó sẽ có thể không còn đúng nữa. Nếu chúng ta bị mắc kẹt vào sự đúng sai, phải trái tuyệt đối như vậy, thì tâm mình có được bình an trong cái thế giới vô thường, luôn luôn thay đổi này hay không? Khi cả sinh và diệt đều không còn, thì trạng thái “bình thường” vắng lặng (tịch diệt) mới là niềm an lạc chân thật nhất. Khi đó bình thường chính là phi thường, và chúng ta yêu sự sống mầu nhiệm này như nó đang là.

 Đó là những điều Phật dạy còn nguyên giá trị hôm nay.

 


 

[1] Albert Camus, La Peste (1947), bản Việt dịch Nguyễn Trọng Định, NXB.Văn Học 1989.

[2] Thích Nhất Hạnh, Statement on Climate Change, (Nguồn: http://plumvillage.org/letters-from-thay/ thich-nhat-hanhs-statement-on-climate-change- for-unfccc/) September2015

[3] Ibid.

[4] Thích Nhất Hạnh, Sám pháp địa xúc, (Bhumisparsha), NXB.Thế Giới, 2018.

[5] Ibid.

[6] Spinoza, "Tractatus politicus" (Luận văn chính trị), bản tiếng Anh của R. H. M. Elwes, 1883

[7] Thiện ý, Tâm bình thường là đạo , giacngo online , 10/8/2015

Chia sẻ: facebooktwittergoogle