Bằng những việc nhỏ

bằng những việc nhỏ
bằng những việc nhỏ
Con đường tu học là một con đường chuyển hóa. Một con đường giúp cho cuộc đời được tốt đẹp hơn, và giúp chúng ta bớt khổ đau hơn. Theo tôi nghĩ, vấn đề hạnh phúc và khổ đau cũng không phải là những gì quá vĩ đại và lớn lao như ta nghĩ tưởng.
    Một đêm khuya sau giờ ngồi thiền, tắt ngọn nến trên chiếc bàn con, tôi thấy ánh trăng chiếu qua khung cửa sổ vuông sáng căn phòng nhỏ. Tôi thấy hạnh phúc có mặt tự nhiên. Đâu có một hạnh phúc nào là quá nhỏ hay một khổ đau nào là quá lớn, phải không bạn?
Câu truyện một cây tùng
Con đường tu học là một con đường chuyển hóa và giải thoát. Thế nhưng ta chuyển hóa những gì và giải thoát những gì? Chúng là những phiền muộn, lo âu, thao thức của chính ta. Giải thoát có nghĩa là cởi mở, là tháo gỡ những sợi dây trói buộc ta vào một hoàn cảnh khổ đau, nghịch ý nào đó. Chúng là những lo lắng, phiền giận, ganh tỵ... của mình.
    Thật ra thì giải thoát chỉ có nghĩa là giải thoát ra khỏi những ham muốn, hờn giận, hiểu lầm của chính mình - của chính mình chứ không phải của bất cứ một người nào khác. Đối với tôi thì giải thoát không bao giờ là một chuyện xa vời, lớn lao nào đó, mà rồi mình chỉ biết mong cầu ở một tương lai xa xôi.
    Tôi nghĩ, một giải thoát lớn được làm bằng những giải thoát nhỏ. Tôi nhớ hình ảnh của một cây tùng to lớn vững vàng đứng ở giữa rừng, nó có thể đứng vững vàng trước những cơn mưa to, dông tố lớn. Nhưng vào một buổi sáng đẹp trời nó chợt ngã đổ. Người ta đến gần xem thì khám phá ra rằng thân nó đã bị mục nát từ lâu vì những con mối nhỏ.
    Cây tùng ấy ngã đổ không phải vì những lực lượng bão tố, phong ba bên ngoài, mà là vì những con mối nhỏ gậm nhấm từ bên trong. Những con mối ấy chính là những muộn phiền nho nhỏ trong đời sống hằng ngày, mà ta vô tình không ý thức đến, chỉ mơ tưởng đến một giải thoát ở tương lai xa xôi nào đó.
Đừng bận rộn đi tìm giải thoát lớn
Tôi nghe kể, tại Sở thú Quốc gia ở Hoa kỳ, (Washington DC National Zoo), trước đây có nuôi một con cọp trắng rất nổi tiếng tên là Mohini. Những năm đầu họ nhốt Mohini trong một cái chuồng nhỏ chừng bốn thước vuông. Cuộc sống hằng ngày của con cọp trắng Mohini vẫn diễn ra trong giới hạn của cái chuồng nhỏ bé ấy, nó thường đi qua đi lại trong bốn thước vuông đó.
    Sau này, người ta xây cho Mohini riêng một khu vực rộng lớn hơn, với khung cảnh thiên nhiên, có đồi, có cây, có ao hồ. Lúc người ta mang Mohini vào đó thì ai cũng háo hức mong đợi, sẽ được xem nó chạy nhảy tự do trong môi trường thiên nhiên rộng mở này. Nhưng khi Mohini bước vào đó thì nó tìm đến một gốc nhỏ của miếng đất, và rồi ở đó. Và cả quảng đời còn lại, con cọp Mohini chỉ đi tới lui trong khoảng trống bốn thước vuông của miếng đất đó mà thôi.
    Và nhiều khi chúng ta cũng vậy, cũng có một thái độ sống như con cọp trắng đó. Mỗi người chúng ta cũng có một giới hạn riêng mà mình tự đặt cho chính mình, vì những khổ đau, phiền muộn của quá khứ, vì những lo lắng, sợ hãi ở tương lai.  Nó không cho phép ta được hạnh phúc, nó không cho phép ta bước ra khỏi cái khoảng bốn thước vuông đó, mà mình đã tự giới hạn cho mình.
    Có khi vì bận rộn đi tìm một giải thoát lớn mà ta quên đi sự có mặt của những sợi dây đang trói buộc ta trong đời sống mỗi ngày, của những giới hạn ta tự đặt ra cho chính mình. Đó là những cái khổ ta cần phải nhận thức để thấy được nguyên nhân của chúng. Và muốn nhận diện, ta chỉ có thể trở về trong giây phút này để thấy được chúng.
    Sự chuyển hóa không phải bằng một sự nỗ lực, tôi luyện theo một sự mong cầu nào đó, mà chỉ bằng sự tĩnh lặng và trong sáng của mình ngay ở nơi thực tại này, để thấy ra được những vướng mắc của mình mà thôi.
Nguyễn Duy Nhiên
Chia sẻ: facebooktwittergoogle