Giảng dạy đạo đức: Cách thức Phật pháp ứng phó với yêu cầu phát triển bền vững và thay đổi xã hội

giang day dao duc

GIẢNG DẠY ĐẠO ĐỨC: CÁCH THỨC PHẬT PHÁP ỨNG PHÓ VỚI YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VÀ THAY ĐỔI XÃ HỘI

Natpiya Saradum

Nguyễn Thị Vân Anh - Tenzin Tulstrim Woser dịch

 

Ngày nay cả thế giới đều đang tích cực triển khai các dự án toàn cầu về phát triển bền vững. Hầu hết các nước đều đã có các chính sách để phát triển bền vững hệ thống chính trị, kinh tế và giáo dục của mình nhằm giúp cho việc cải thiện đời sống người dân. Ví dụ, nước Mỹ tiến hành một dự án hội thảo nhằm giáo dục cho học sinh của mình về các phong trào xã hội khác nhau và về cuộc đấu tranh cho quyền con người trong xã hội. Châu Âu khuyến khích học sinh học nhiều các môn về chính trị, xã hội và kinh tế hơn. Anh và Đan Mạch cung cấp các chương trình giảng dạy đại học đáp ứng được đòi hỏi của các dự án phát triển quốc tế và thay đổi xã hội. Tại châu Á, các nước như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam có chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội trong các trường đại học của họ.

Tuy nhiên, do sự tập trung cao nhất được đặt cho việc phát triển giá trị vật chất, đời sống của người dân đang dựa nhiều vào các giá trị vật chất nhiều hơn là các quan tâm đến đạo đức. Như vậy, xã hội ở quy mô toàn cầu đã thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hơn. Thế giới đã và đang chứng kiến cuộc nội chiến ở Syria, bạo lực chính trị ở Thái Lan và Ukraina. Ngoài ra, còn có khủng bố ở Mỹ và miền Nam Thái Lan. Argentina, Hồng Kông và một số nước khác thì lại đang gặp phải nhiều vấn đề nhân quyền quan trọng khác. Bên cạnh đó, cũng có nhiều quốc gia cam kết mang lại hòa bình cho Syria.

Thực tế là, sự phát triển của chủ nghĩa vật chất không đáp ứng đủ nhu cầu của phát triển bền vững và biến đổi xã hội.

Từ góc độ Phật giáo, tất cả các hiện tượng đều có căn nguyên, nên để giải quyết một vấn đề chúng ta phải khám phá nguyên nhân của nó. Trong thực tế, nguyên nhân của tất cả các cuộc xung đột trên thế giới bắt đầu từ mâu thuẫn nội tại trong tâm con người. Chừng nào tâm thức vẫn còn chứa chấp tham lam, sân hận, si mê, thì xung đột nội bộ luôn luôn xảy ra. Những tâm lý này ảnh hưởng đến suy nghĩ, lời nói, và hành động của người dân một cách tiêu cực, khiến con người luôn luôn suy nghĩ đến lợi ích và ham muốn ích kỷ cá nhân nhiều hơn. Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển bất cứ điều gì trong xã hội và trên quy mô thế giới, cần phải bắt đầu từ việc thanh lọc tâm thức con người khỏi các cảm xúc tiêu cực dẫn dắt bởi tham lam, thù hận và si mê. Giảng dạy đạo đức phải là câu trả lời cho nhu cầu phát triển bền vững. Nó phải thực thi vai trò hướng đạo cho xã hội và thế giới này thay đổi một cách tích cực hơn.

Sau khi giác ngộ, Đức Phật khám phá ra Quy luật tự nhiên (hay còn gọi là Pháp/Dharma) cho phép tất cả chúng sinh có một đời sống hạnh phúc và an bình. Ngài biết rằng tất cả chúng sinh đang phải chịu đựng đau khổ (dukkha) do sinh, lão, bệnh, tử, và do tính chất vô thường của sự vật.

Tuy nhiên, Đức Phật có một phát hiện quan trọng hơn là kinh nghiệm đau khổ có nguyên nhân của nó (khổ tập). Nguồn gốc của đau khổ là khát ái (tham muốn), đó là sự “khát khao” có được các hình sắc, hương thơm, mùi vị, âm thanh, các vật tiếp xúc và các đối tượng tinh thần nào đó. Những thứ này giam hãm con người trong các tham muốn khiên họ tái sinh lặp đi lặp lại. Sự tham ái này bị sự thiếu hiểu biết hay vô minh thúc đẩy, và chính sự thiếu hiểu biết này ngăn cản con người hiểu được bản chất thực tế của các sự vật hiện tượng.

Trên đường đi tìm chân lý, Đức Phật đã chứng nghiệm được trạng thái dứt khổ (nirodha). Đây là trạng thái lìa được các tâm tham ái. Tâm thức lúc này thoát ra khỏi si mê và tham chấp.

Thêm nữa, Đức Phật đã tìm ra con đường (magga) để đạt được giải thoát được gọi là Bát Chánh đạo. Đó là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Trong thực tế, hầu hết mọi người không bao giờ suy tư rằng cuộc sống vốn mang bản chất của khổ đau, nên họ vui vẻ với việc có cuộc đời này. Họ hiểu sai rằng thời gian được hưởng những niềm vui ngắn ngủi từ sự hưởng thọ lạc thú là hạnh phúc. Do đó, họ mong muốn giữ gì nó lâu dài với mình. Với sự thiếu hiểu biết này, tâm lý khát ái được hình thành trong tâm trí con người. Sau đó, người ta sẽ cố gắng thọ hưởng tối đa những thú vui có thể hỗ trợ cơn khát ái này. Với những mong cầu thú vui, họ ít quan tâm đến người khác mà nghĩ nhiều về bản thân mình. Họ sẽ dễ bỏ qua các vấn đề về quyền con người và giá trị đạo đức. Việc các phương pháp họ sử dụng để đạt được những thú vui này là đúng hay sai trở nên không còn quan trọng nữa. Họ sẽ sẵn sàng xung đột với những người khác nếu điều đó là cần thiết để họ đạt được mục đích của mình. Chính sự vô mình đã thúc đẩy sự vô đạo đức trong suy nghĩ, lời nói và hành động. Đức Phật đã nói rằng vô minh chính là gốc rễ của tham độc. Nó khiến cho người ta không còn biết xấu hổ và không sợ hãi trong việc thực hiện các hành vi sai trái. Khi người ta chìm đắm trong vô minh, tà kiến sẽ xuất hiện và như vậy dẫn dắt người ta đi vào các con đường sai trái khác, bao gồm tà tư duy (ý định sai), tà ngữ, tà nghiệp (hành động sai trái), tà mạng (nghề nghiệp sai trái), tà tinh tấn (nỗ lực sai), tà niệm và tà định.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng căn nguyên của bất kỳ cuộc xung đột và bạo động nào đều bắt nguồn từ tâm trí. Vì vậy, để phát triển bền vững xã hội và thế giới trong hòa bình, chúng ta phải trước hết giải quyết được các vấn đề về tâm thức con người. Đức Phật nói rằng chỉ có hiểu biết thực sự mới có thể chiến thắng được vô minh. Ngài chỉ ra rằng Bát Chánh đạo là phương thức để có được sự hiểu biết thực sự. Đó là con đường Trung đạo, không chiều theo cảm giác khoái lạc, cũng không lệch về sự khổ hạnh quá mức. Đây là quá trình để đạt được sự bình tâm, thức tỉnh, tri kiến, tri kiến sâu xa và thực chứng Niết-bàn.

Hai con đường đầu tiên, đó là chánh kiến và chánh tư duy, yêu cầu con người phải suy nghĩ một cách đúng đắn. Ít nhất họ cần phải có sự hiểu biết đúng đắn và thái độ đúng đắn về chân lý của cuộc sống rằng Tứ Diệu đế là có thật. Hơn nữa, họ nên nhận ra ba đặc tính của các pháp, là khổ đau (dukkha), vô thường (anicca) và vô ngã (anatta). Khi đã có được các suy nghĩ đúng đắn này, họ sẽ trở nên quan tâm tìm hiểu tại sao cuộc sống lại đau khổ. Họ sẽ nhận thấy rằng tất cả chúng sinh khác cũng có những đau khổ mà họ có. Họ phải biết rằng mọi thứ luôn luôn biến đổi và không thật có. Họ không thể nắm giữ bất cứ điều gì mãi mãi. Với sự hiểu biết đúng đắn rằng cuộc sống và nhiều thứ khác đều có ba đặc tính này, họ sẽ không chạy theo các tham muốn khoái lạc giác quan. Ngược lại, họ sẽ sống một cách tỉnh giác hơn. Hơn nữa, họ phải cố gắng để tìm ra con đường thoát ra khỏi đau khổ. Kết quả là, họ sẽ trân trọng và tuân theo Bát Chánh đạo bằng cách thực hành chánh ngữ, thay vì nói lời gian dối, lời nói sai trái, nói lời thô ác, thêu dệt, v.v. Họ sẽ thực hành chánh nghiệp hay các hành động đúng đắn và sống đúng cách để thanh tẩy những hành vi ô nhiễm trong đời sống. Trong thực tế, Đức Phật đã khuyến cáo rằng cách để giữ một đời sống trong sạch trong lời nói và hành động là giữ năm giới. Những người đã không chú tâm giữ năm giới hẳn sẽ mất đi các phẩm hạnh con người. Vì vậy, những người muốn giữ phẩm hạnh con người cần tránh việc làm hại đời sống của chính bản thân mình và những người khác, lấy những thứ không được cho, tà dâm, nói dối và sử dụng các chất độc hại hay ma túy. Tuy nhiên, quá trình diệt trừ đau khổ của cuộc sống không chỉ là quá trình thanh tịnh lời nói và hành động, mà còn là con đường để thanh lọc tâm.

Đức Phật chỉ ra con đường tiếp theo để mọi người học theo là chánh tinh tấn (nỗ lực đúng đắn), chánh niệm và chánh định. Sau khi mọi người đã tịnh hóa được khẩu nghiệp và thân nghiệp tránh làm những điều bất thiện, tâm thức của họ sẽ có đủ điều kiện cần thiết để có thể học và đạt được những tri kiến thực sự. Chánh tinh tấn có nghĩa là mọi người cố gắng tích lũy các thiện nghiệp. Giai đoạn này sẽ mang tính chất hỗ trợ tâm thức của con người đạt được chánh niệm và chánh định, hay các mức độ thiền định khác nhau. Thông qua việc thực hành thiền định đúng đắn, trí tuệ sẽ phát khởi và các tri kiến thực sự sẽ phát sinh. Khi tri kiến hay sự thấu hiểu chân lý thực tại phát sinh thì sự vô minh vẫn dẫn dắt cho sự tham ái sẽ hoàn toàn bị trừ diệt. Tâm thức sẽ đạt đến giai đoạn ngừng bặt sự khát ái, chỉ còn tĩnh lặng, và tỉnh giác. Với tâm thanh tịnh, con người sẽ không còn bị chi phối bởi tâm tham lam, si mê và thù hận. Tâm họ sẽ tràn đầy hạnh phúc bởi vì không còn nhiễm ô phiền não nào có thể làm ảnh hưởng đến tâm thức của họ.

Kết quả là, chúng ta có thể thấy rằng tuân theo Bát Chánh đạo thì ít nhất cũng là cách để tiết giảm ham muốn trong tâm trí, lời nói và hành động của chúng ta. Khi tâm thức ta ít bị tham lam, si mê và thù hận chi phối, những xung đột và bạo động với những người khác bên ngoài sẽ ít xảy ra hơn.

Ngoài ra, có một bản kinh Phật giáo khác mà chúng ta có thể thực hành để đạt được hạnh phúc trong cuộc sống và có một xã hội thái bình. Trong Trường bộ kinh (Dīgha Nikāya), Vāseṭṭha có hỏi Đức Phật làm cách nào để hợp nhất được với Phạm thiên, hay đạt được các phẩm hạnh để sinh lên cõi Phạm thiên. Đức Phật đã thuyết giảng Tứ vô lượng tâm (Brahma vihāra), đó là từ-bi-hỷ-xả, những phẩm hạnh cần có để sinh lên cõi trời Phạm thiên. Thật ra thì chúng ta cũng có thể thay đổi thế giới của mình trở thành cõi của Phạm thiên. Điều này có nghĩa là nếu người ta thực hành Tứ vô lượng tâm, họ sẽ đạt được những phẩm hạnh của cư dân cõi Phạm thiên với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ vô lượng với những người khác. Ngoài ra, họ cũng đã đạt được định lực nên không để tâm của mình bị ảnh hưởng bởi bất cứ điều gì và không bị xáo động bởi bất kỳ cảm xúc đau khổ hay hoan lạc nào. Một khi người ta đã phát triển được tâm từ bi rộng lớn với nhau, thế giới trần tục sẽ trở nên cõi giới của chư thiên, không có bạo lực mà là cõi sắc giới tràn ngập hạnh phúc, tĩnh lặng và an hòa.

Mặc dù có bạo lực xảy ra ở một số nước, một số cộng đồng Phật giáo đang cố gắng giảng dạy cho người dân làm theo những lời dạy của Đức Phật. Họ khuyến khích người dân tuân theo Bát Chánh đạo bằng cách nhận chân sự thật rằng tất cả chúng sinh đều đau khổ, rằng họ đang bị chi phối bởi nghiệp quả và tất cả các pháp đều mang ba đặc điểm của khổ đau, vô thường và vô ngã nếu chúng ta có được cái nhìn và thái độ đúng đắn về cuộc sống. Họ yêu cầu mọi người giữ gìn ít nhất là năm giới liên quan đến chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Họ cũng tổ chức các khóa học thiền để giúp mọi người thực tập đi theo con đường chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Thêm nữa, họ chia sẻ tình thương và tâm từ bi của mình với xã hội bằng cách hỗ trợ những người khác trong các hoạt động giáo dục, văn hóa, từ thiện và bảo vệ môi trường. Các cộng đồng Phật giáo có thể được tìm thấy ở một số nước. Tuy nhiên, các cộng đồng mạnh, phân biệt bởi mức độ thực hiện các hỗ trợ xã hội, là các cộng đồng Phật giáo tại Đài Loan. Có sáu tổ chức Phật giáo chính tại Đài Loan, trong đó có Tzu Chi Gongdehui, FoGuang Shan, Fagushan, Chung Tai Chan SZU, Ling jion Shan và Fu-Chih. Họ có cùng một mục đích xây dựng trái đất như cõi Tịnh độ. Do đó, họ chia sẻ một sứ mệnh chung trong hoạt động nhập thế. Họ khởi xướng các chiến dịch giảng dạy đạo đức trong các trường học, trung học và các trường đại học bằng cách giáo dục đạo đức cá nhân cho thanh niên, giúp đỡ những người thiệt thòi, bảo vệ môi trường và hỗ trợ văn hóa. Hòa thượng Thái Hư (Taixu) đã khuyến khích các môn đệ của mình thực hành sống như các vị Bồ-tát với tình thương và tâm từ bi thương yêu vạn loài chúng sinh. Ông đã tạo ra khái niệm “Phật pháp nhập thế”, có nghĩa rằng thế giới này là nơi để phát triển và tích tập công đức. Ngoài ra, Hòa thượng Ấn Thuận (Yinshun) đã khuyến khích mọi người thực hành tôn giáo và các hoạt động từ thiện. Đây là một số thí dụ minh họa cho những phương cách mà Phật giáo Đài Loan đã áp dụng để tạo ra thiên đường trên trái đất này.

Từ các hoạt động Phật pháp ở Đài Loan nói trên, chúng ta có thể thấy rằng các hoạt động này giúp cho việc phát triển xã hội và đạt được thịnh vượng một cách bền vững thông qua việc lấy đạo đức nhà Phật làm nền tảng cơ bản cho đời sống. Khi tâm thức người dân được đào luyện để lấy giới hạnh làm nền tảng, sự phát triển chính trị và kinh tế sẽ tạo ra ít xung đột hơn so với các nước khác.

Tóm lại, đào tạo nhân cách là cốt lõi cho sự phát triển bền vững của xã hội và thế giới. Khi mọi người quan tâm tìm hiểu Tứ Diệu đế, trì giữ năm giới và thực hành Bát Chánh đạo, họ sẽ xấu hổ và e sợ khi làm những điều bất thiện. Hơn nữa, với việc thực hành Tứ vô lượng tâm từ-bi-hỷ-xả, xung đột và bạo lực sẽ không xảy ra. Con người sẽ dễ dàng thỏa hiệp với nhau nhiều hơn đối với bất kỳ vấn đề gì. Từ đó, sự phát triển chính trị, kinh tế và xã hội sẽ được chuyển biến theo một sự thay đổi tích cực. Điều này có nghĩa rằng việc cải thiện thế giới phải bắt đầu từ việc đào luyện các phẩm hạnh đạo đức từ trong tâm. Chính phủ của mỗi nước cần phải thực hiện dự án đào tạo nhân cách đạo đức một cách phổ cập thành chính sách trong từng trường học và cơ sở giáo dục đại học. Hơn nữa, bây giờ là thời điểm thích hợp để Liên Hiệp Quốc đóng vai trò tiên phong trong việc khuyến khích mọi người thực tập con đường đạo đức vì sự phát triển bền vững của thế giới.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle