Đức Phật - Vị thầy thuốc vĩ đại

duc phat vi


Đức Phật - Vị thầy thuốc vĩ đại

Vắc xin nào cho nhân loại hôm nay?

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đại dịch Covid đã làm ít nhất 15 triệu người chết dù số ca tử vong theo báo cáo chỉ có 5.4 triệu (đó là chưa thống kê được con số chính xác của Trung quốc) mà chỉ mới tính những nước có tỷ lệ cao như Mỹ, Nga, Brazil, Ấn Độ, Indosnesia…

Không ai có thể ngờ rằng đại dịch có thể ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống xã hội trên phạm vi toàn cầu. Những làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới và các biện pháp nhằm hạn chế lây nhiễm áp đặt lên đời sống xã hội đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại, vận hành và phát triển của nhiều quốc gia. Đến nay, WHO vẫn chưa thể khẳng định bao giờ đại dịch chấm dứt và việc phải chung sống với COVID-19 dường như là một thực tại hiện hữu. Những biện pháp phòng, chống đại dịch được các quốc gia áp dụng khó có thể hàn gắn được những đổ vỡ và sang chấn tâm lý mà người dân trải qua. Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, lao động bị mất việc, thất nghiệp là những đối tượng dễ mắc các rối loạn tinh thần. Sau khi mắc COVID-19 có người luôn cảm thấy chán nản, bi quan tiêu cực, mệt mỏi về thể xác lẫn tinh thần, không có động lực, dễ nổi nóng, mất phương hướng và thậm chí đã nghĩ đến chuyện tự tử. Chưa kể tác động rất lớn đến kinh tế khiến nhiều triệu người thất nghiệp, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu…

Nhưng cũng vì con virus “tham lam”, những kẻ trục lợi COVID từ vụ kit test Việt Á đến chuyến bay giải cứu ở nước ta cũng trở thành một loại tâm bệnh: Tham lam vô độ bất chấp đạo lý. Tất cả đều cần một loại vắc xin “tâm linh” để xử lý, giải quyết.

Cũng vì lòng tham đất đai, tranh giành ảnh hưởng, vì quyền lợi, người ta gây chiến tranh tàn phá cả một quốc gia như Ukraine, như Sudan, Syrie… Người ta tuyên bố biển nọ trời kia là của mình(!). Âu cũng là một loại virus tàn phá tâm hồn con người...

 Vì lòng tham, bất chấp môi sinh, trong mối tương quan giữa con người và thiên nhiên, người ta đã hành xử thiếu suy xét, cân nhắc khi chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế mà quên đi những hiệu ứng khác như môi trường, nhân sinh. Chúng ta mải mê sản xuất năng lượng, hàng hóa mà không tính đến hiệu ứng nhà kính, khí thải… Cố Thiền sư Nhất Hạnh từng nhắc nhở: “Có thể nào chúng ta không biết rằng trái đất xanh tươi của chúng ta đang trong tình trạng nguy kịch. Mỗi bước chân ta dẫm lên mặt đất đều có ảnh hưởng đến các loài động vật và cây cỏ. Thế mà chúng ta vẫn sống dửng dưng, như thể chúng ta không có liên quan gì với thế giới chung quanh. Chúng ta sống như những người mộng du, không biết mình đang làm gì và đi đâu.” (Thích Nhất Hạnh, Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh thái). Nhà Phật với giáo lý Duyên khởi dạy rằng “Một” hiện hữu trong “Tất cả” và “Tất cả” hiện hữu trong “Một”. Sự ô nhiễm hay phá hoại ở nơi này là ô nhiễm hay phá hoại ở những nơi khác trên mặt đất. Đã có những lời kêu gọi của những nhà môi trường yêu cầu các cá nhân, tổ chức và mọi quốc gia hãy có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ môi sinh cùng lúc vì sự sống còn của nhân loại; hạn chế cái gọi sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục tiêu hòa bình, và tạo ra biện pháp an toàn cho việc loại bỏ các chất thải từ các nhà máy và các xưởng công nghiệp; bảo vệ rừng và các động vật khỏi các sự tàn phá.

Cố Hòa thượng Thích Chơn Thiện từng nhấn mạnh: “…quan trọng nhất là giúp con người hiểu và kiểm soát dục vọng (lòng khát ái, có nghĩa là tham, sân, si) vốn là nguyên nhân cơ bản của mọi nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi sinh. Có nghĩa là giải thoát sự ô nhiễm tâm thức. Nếu các ham muốn dục lạc, dục tình càng ngày càng gia tăng như đang xảy ra thì sẽ không có cách nào để bảo vệ môi sinh như những điều mà chúng ta học được từ giáo lý Duyên khởi; chỉ còn một điều còn lại: sự tàn lụi, khổ đau và sự hủy diệt đối với các sinh thể trên thế giới”. (Thích Chơn Thiện, Quan niệm của Phật giáo về môi sinh và đạo đức môi sinh, www.thuvienhoasen.org.)

Chúng ta phải hành động như những cá nhân có trách nhiệm, đồng thời thay đổi tâm thức cộng đồng. Gần đây, một vài lãnh đạo địa phương ngần ngại khi phê duyệt những dự án gây ô nhiễm. Cụ thể, Tập đoàn TAL Hồng Kông muốn đầu tư dự án dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đến nay dự án này chưa được cấp phép dù đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý về chủ trương. Tại hội nghị khoa học của tỉnh, ý kiến của hầu hết các đại biểu, các nhà khoa học, chuyên gia một số tỉnh lưu vực sông Cầu cũng như chính quyền huyện Bình Xuyên đều nhấn mạnh quan điểm thận trọng khi cấp phép đầu tư. Hay khu công nghiệp gang thép Long Sơn với diện tích 468 ha tại xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn đang khiến dư luận lo lắng gần đây vì hình ảnh Formosa vẫn còn là một nỗi ám ảnh đến môi trường nói chung và môi trường du lịch là điều cần cân nhắc thiệt hơn…

Liệu pháp và vắc xin của Đức Phật

Một trong những trợ lý của Tổng thống Obama có lần nói “Never let a crisis go to waste” vì cho rằng khủng hoảng có thể mở ra cơ hội khi nhìn dưới những lăng kính khác, đó là dịp kiểm tra năng lực thực sự của mình. Có người cho rằng rất có thể những điều tốt đẹp phát sinh từ trong cơn khủng hoảng. Kinh Thánh dạy rằng chúng ta cần cảm tạ những bất trắc vì cơn khủng hoảng sẽ làm nên tính cách. Winston Churchill có lần nói, “Bạn có thể nhận ra tính cách một người do những chọn lựa của anh ta khi bị áp lực.”

Với liệu pháp của Đức Phật, con người không cần là Phật tử nhưng vẫn có thể quán sát lối sống mà Đức Phật đề nghị, trước hết đó là việc giữ gìn năm giới. Giới thứ nhất là không giết hại, nghĩa là bảo vệ sự sống; giới thứ hai là không trộm cắp, và hơn thế nữa là phải biết bố thí, làm được điều ấy sẽ giảm bất công xã hội; giới thứ ba là sống có trách nhiệm với những người thương yêu; giới thứ tư là nói lời hòa ái và tập lắng nghe, chia sẻ; giới thứ năm là tiêu thụ có trách nhiệm, ăn uống chừng mực, nghĩa là trong chánh niệm.

Trở lại với nguyên lý Duyên khởi, khi hiểu rằng chúng ta và thiên nhiên sẽ cùng tương sinh tương diệt thì chúng ta sẽ đối xử với thiên nhiên bằng sự trân trọng và hòa ái, nghĩa là không trấn áp theo kiểu đắp đập, ngăn dòng, xây thủy điện bừa bãi, phá rừng làm đô thị, bịt dòng chảy kênh mương khiến thành phố, xóm làng ngập lụt, hủy hoại môi sinh bằng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, tàn sát sinh vật để rồi chính chúng ta đào mồ chôn mình một ngày nào đó, nhanh chậm do chúng ta quyết định. Người ta còn nghi ngờ virus Vũ Hán sinh ra do sơ suất từ phòng thí nghiệm (!). Thiên tai có thể ngăn chặn nếu chúng ta chủ động và có ý thức trách nhiệm cộng đồng. Hãy đọc lại phẩm 23 (Dược vương) trong kinh Diệu pháp liên hoa:

“…Tú Vương Hoa! Kinh này có thể cứu tất cả chúng sinh, kinh này có thể làm cho tất cả chúng sinh xa rời các khổ não, kinh này có thể lợi ích cho tất cả chúng sinh, đầy mãn chỗ mong cầu của chúng như ao nước trong mát có thể đầy đủ cho những người khát nước, như kẻ lạnh được lửa, như kẻ trần truồng được y phục, như người buôn được chủ, như con gặp mẹ, như qua sông gặp thuyền, như người bệnh gặp thầy thuốc, như tối được đèn, như nghèo gặp của báu, như dân gặp vua, như khách buôn được biển, như đuốc trừ tối. Kinh Pháp hoa này cũng thế, có thể làm cho chúng sinh xa rời tất cả khổ, tất cả bệnh tật đau đớn, có thể mở sự trăn trói của tất cả sanh tử…

 …Chẳng còn bị lòng tham dục làm khổ cũng lại chẳng bị lòng giận dỗi, ngu si làm khổ, cũng lại chẳng bị lòng kiêu mạn ghen ghét các tánh nhơ làm khổ, được thần thông Vô sinh pháp nhẫn của Bồ-tát, được pháp nhẫn đó thì nhãn căn thanh tịnh. Do nhãn căn thanh tịnh đó thấy bảy trăm muôn hai nghìn ức na-do-tha hằng hà sa các Đức Phật Như Lai.

 …Bấy giờ, các Đức Phật đồng nói khen rằng: "Hay thay! Hay thay! Thiện nam tử! Ông có thể ở trong pháp hội của Đức Thích Ca Mâu Ni Phật mà thọ trì, đọc tụng, suy ngẫm kinh này vì người khác nói, ông được công đức vô lượng vô biên, lửa chẳng đốt được, nước chẳng trôi được. Công đức của ông, nghìn Phật nói chung cũng chẳng thể hết được. Ông nay có thể phá giặc ma, hoại quân sinh tử, các oán địch khác thảy đều trừ diệt.”

Nghĩa là chúng ta phải bình tâm trong khủng hoảng, đối đầu trực diện với những bất trắc sẽ giúp chúng ta phát triển năng lực giải quyết nó theo thời gian. Bạn càng giải quyết nhiều, bạn càng trở nên hoàn thiện. Tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của vấn đề, có khi những điều chỉnh nhỏ cũng đủ đem lại một giải pháp lâu dài. Nếu như cuộc khủng hoảng có tính chất khá trầm trọng, một bản danh sách các vấn đề phải được đề ra. Cuộc khủng hoảng đòi hỏi phải có những cái mới chưa từng hiện hữu hay ít nhất thì cũng phải vận dụng chính sách hiện tại với một liều lượng rất khác. Theo Danny Cox, trong “Leadership when the heat is on”, để xử lý khủng hoảng, chung ta cần theo ba cách sau:

- Giải quyết vấn đề dù lớn hay nhỏ càng nhanh càng tốt.

- Duy trì cảnh giác trước khả năng có những rắc rối đang manh nha.

- Tìm kiếm những giải pháp đơn giản và trực tiếp. Sự giản dị là hình thức tối hậu của sự cầu kỳ. Vì nghĩ cho cùng, “Vượt qua xung đột là gặt hái thêm sức mạnh.”

Có đương đầu với dịch bệnh, chúng ta mới thấy quý sức khỏe. Sức khỏe mới thực sự là vốn liếng lớn nhất của đời người. Nếu không có thân thể khỏe mạnh, thì dù có cả núi vàng biển bạc nhưng chúng ta cũng chẳng vui vẻ gì. Có ai đó nói rằng: “Một lần dịch bệnh giúp chúng ta hiểu ra rằng… chiếc giường đắt nhất thế gian là giường bệnh, thần dược quý giá nhất thế gian chính là sức khỏe." 

Không đau yếu là một trong những niềm vui tối thượng như có bạn trung hậu, như trong phẩm Niết-bàn của kinh Pháp cú có nói:

 Không bệnh lợi tối thượng,

 Biết được tiền tối thượng

Thành tín đối vối nhau

 Là bà con tối thượng

 Niết-bàn, lạc tối thượng.  (Pháp cú 204)

Nhận thức đầy đủ về điều này tạo nên một sự tự tín, một sự lạc quan vững chãi trong mỗi chúng ta. Ở đây, nhân loại không chỉ phải tìm ra nguyên nhân đại dịch để dập tắt nó mà còn phải ngăn ngừa những hiểm họa tương tự trong tương lai, trong đó các quốc gia phải thành tín với nhau, không che giấu.

Bài học về an lạc trong đời sống

 Từ những nhận thức trên, chúng ta hiểu về hạnh phúc, như chúng ta biết là kết quả của thương yêu và hiểu biết. Ví dụ như hạnh phúc của học sinh hôm nay là được yên tâm đến trường, với hàng chục ngàn người bệnh là thoát khỏi cái chết.

 Vui thay chúng ta sống

 Không bệnh giữa ốm đau

 Giữa những người bệnh hoạn

 Ta sống không ốm đau.  (Pháp cú 198)

Đức Phật chính là vị thầy thuốc vĩ đại dạy ta bằng chánh niệm. Chánh niệm giúp chúng ta ý thức được những gì đang diễn ra quanh ta và biết trân quý những điều kiện an lạc, hạnh phúc đang có mặt ngay bây giờ và ở đây. Chánh niệm giúp ta tiếp xúc được với những điều kiện khổ đau của thế giới và nhận diện những điều kiện hạnh phúc mà ta đang có. Chúng ta thầy an toàn hạnh phúc và đủ sức mạnh để thay đổi  tình trạnh xung quanh ta. Tăng thân hay đoàn thể chỉ có tác dụng tăng cường trợ lực chứ không quyết định thay cho khả năng tu chứng của từng người. Đức Phật dạy về Thất Bồ-đề phần, trong đó chỉ riêng Tứ chánh cần và Bát chánh đạo là đã đủ để một cá nhân, nếu thực hành và tu tập, thay đổi bản thân triệt để rốt ráo.

Phật dạy chúng ta “Tự thắp đuốc lên mà đi”, nghĩa là tự mình là ngọn đèn cho chính mình (Be a light unto yourself); ngoài ra phải cùng sống cùng tiến với mọi người chung quanh; đồng thời gây nhân lành và tích lũy công đức. Bằng cách nào?

Bằng Tứ chánh cần (Catvāri prahāṇāni), là hành phẩm thứ hai trong bảy hành phẩm trợ đạo của 37 phẩm trợ đạo, là bốn phương tiện siêng năng tinh cần trong nỗ lực hằng ngày. Dùng bốn pháp này trong việc siêng năng tinh tấn (cần) để có thể đoạn trừ ác cùng mọi sự giải đãi biếng nhác của chúng ta trong việc hành thiện. Tóm lại, tinh tấn đoạn trừ các điều ác đã sinh, tinh tấn ngăn ngừa các điều ác chưa sinh; tinh tấn làm tăng trưởng những điều thiện đã sinh, tinh tấn làm phát sinh những điều thiện chưa sinh. Nỗ lực như thế thì các điều ác được đoạn trừ, còn các điều thiện được phát sinh và tăng trưởng. Chúng ta trở thành cánh tay của Bồ-tát Quán Thế Âm, luôn có khả năng mang giọt nước thanh lương đến những nơi có nhiều khổ đau và tuyệt vọng. Hạnh phúc chẳng phải là số phận mà là sự lựa chọn. Chúng ta hãy mạnh mẽ và bình tĩnh ứng phó với khủng hoảng. Hãy vững vàng với tâm kiên cố, vô quái ngại.

Cụ thể hơn, chúng ta duy trì hoạt động thể chất theo một lịch trình hàng ngày và mô hình tập thể dục (Tập thể dục mỗi ngày, đặc biệt là thiền và yoga rất tốt cho tâm trạng). Duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng; ngủ đủ giấc; hạn chế dùng các chất kích thích và không sử dụng ma túy.

Hoạt động xã hội: Duy trì liên lạc với gia đình và bạn bè (Thường xuyên dùng ái ngữ và lắng nghe khi trò chuyện với người thân trong gia đình, bè bạn qua điện thoại, nhắn tin hoặc mạng xã hội); gặp gỡ các thành viên trong gia đình và bạn bè thân thiết khi có các triệu chứng buồn bã, trầm cảm và lo lắng; luôn suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn bớt căng thẳng và lo âu hơn vì đại dịch hay vì biến cố bất trắc nào đó.

Cuối cùng là tự chăm sóc, điều trị: Nếu đang mắc bệnh mãn tính, hãy duy trì sử dụng thuốc và tái khám đều đặn.

Điều quan trọng, luôn giữ chánh niệm, trì tụng kinh, nếu có thể, xây dựng lòng tin vào Phật pháp. Hãy cùng đọc lại phẩm Dược vương:

“Tú Vương Hoa! Vì thế ta đem phẩm ‘Dược vương Bồ-tát bổn sự’ này chúc lụy cho ông. Năm trăm năm sau khi ta diệt độ phải tuyên nói lưu bố rộng truyền ở nơi cõi Diêm-phù-đề, chớ để dứt mất. Chớ cho hàng ác ma, dân ma, các trời, rồng, dạ-xoa, cưu-bàn-trà, v.v. phá hỏng.

 Tú Vương Hoa! Ông phải dùng sức thần thông giữ gìn kinh này. Vì sao? Vì kinh này là món lương dược của người bệnh trong cõi Diêm-phù-đề; nếu người có bệnh được nghe kinh này bệnh liền tiêu diệt, chẳng già, chẳng chết.

 Tú Vương Hoa! Nếu ông thấy có người thọ trì kinh này, phải dùng hoa sen xanh đựng đầy hương hột rải trên người đó. Rải xong nghĩ rằng: ‘Người này chẳng bao lâu quyết sẽ lấy cỏ trải ngồi nơi đạo tràng, phá các quân ma, sẽ thổi ốc pháp, đánh trống pháp, độ thoát tất cả chúng sinh ra khỏi biển sinh, già, bệnh, chết.

Cho nên người cầu Phật đạo thấy có người thọ trì kinh điển này, nên phải sinh lòng cung kính như thế.”

Được như thế, người hành giả kia trở thành một vị Bồ-tát tự thân, một chiến binh thay mặt cho chân-thiện-mỹ chống lại cái giả dối, cái ác. “Nói cách khác, vì lòng bi càng lớn khi trí huệ càng cho thấy sự mê lầm gây ra khổ đau của thế gian. Bồ-tát mặc mũ giáp để chiến đấu với những cái gì làm hạ phẩm giá của con người và đưa con người đến chân, thiện, mỹ. Bồ-tát chống lại cái xấu, ác nơi tâm con người, chiến đấu chống lại sự biểu lộ của những xấu, ác ấy nơi xã hội và môi trường, những tệ nạn xã hội, nạn phá hoại môi trường, nạn giết hại, nạn trộm cướp, nạn tà dâm, nạn dối trá lừa gạt, nạn nghiện ngập… Tóm lại, Bồ-tát là một chiến sĩ của chân, thiện, mỹ chiến đấu chống lại cái giả, cái bất thiện và cái xấu xí. (Nguyễn Thế Đăng - Áo giáp của Bồ-tát - VHPG số 271). 

Để kết luận, chúng ta hiểu con người là một phạm trù đối lập nhưng thống nhất với tự nhiên và xã hội. Con người toàn diện phải bao gồm các mặt tâm lý, sinh lý và xã hội, tu dưỡng để trở thành toàn diện với tâm hồn luôn hướng thiện và hướng thượng. Với những “thắng nhân” như thế thì lý tưởng xây dựng một xã hội mới, nếp sống nhân chủ, xây dựng đời sống chung hài hòa, an vui và sung túc sẽ không còn là chuyện “đường xa vạn dặm”. Các loại virus không thể thâm nhập được khi chúng ta có vắc xin Ngũ giới, Tứ chánh cần, Bát chánh đạo…

Hãy dựa vào liệu pháp muôn đời của Đức Phật và cùng chắp tay nguyện cầu trong ngày Phật đản Phật lịch 2567 này để thấy Ngài đang đản sinh ngay giây phút này, trong mỗi chúng ta!

 Nguyên Cẩn

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle