Những món quà ngài để lại: Di sản giáo pháp của Ajaan Dune Atulo

Những món quà ngài để lại

Những món quà ngài để lại: Di sản giáo pháp của Ajaan Dune Atulo

Phra Bodhinandamuni ghi lại

Thanissaro Bhikkhu dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh

 

Ajaan Dune Atulo (1888 - 1983) sinh ngày 4-10-1888 tại làng Praasaat, huyện Muang, tỉnh Surin. Năm 22 tuổi, ngài xuất gia ở tỉnh lỵ. Sáu năm sau, thất vọng với nếp sống của một Tăng sĩ thất học, ngài rời đi để học ở Ubon Ratchathani, nơi ngài kết bạn với Ajaan Singh Khantiyagamo và tái xuất gia vào tông phái Dharmayut. Không lâu sau đó, ngài và Ajaan Singh gặp Ajaan Mun, người vừa trở về vùng Đông Bắc Thái Lan sau nhiều năm lang thang. Ấn tượng với những lời dạy và pháp thực hành của Ajaan Mun, cả hai tu sĩ đều từ bỏ việc học và bắt đầu cuộc sống thiền định lang thang dưới sự hướng dẫn của ngài Ajaan Mun. Vì vậy họ là hai đệ tử đầu tiên của Ajaan Mun. Sau khi lang thang 19 năm qua rừng núi Thái Lan và Campuchia, ngài đảm nhận chức vụ trụ trì của Wat Burapha, ở giữa thị trấn từ năm 1934. Ngài ở đó cho đến khi qua đời vào năm 1983. Và sau đây là những lời dạy của ngài, với cách xưng hô tôn kính là Luang Pu.

Kỳ 2:

11. Ở BẬC TỐI THƯỢNG, SẼ KHÔNG CÒN THAM

Trước mùa an cư năm 1953, Luang Phaw Thaw, một người bà con của Luang Pu, người đã xuất gia vào cuối đời, đã trở về sau nhiều năm lang thang cùng Ajaan Thate và Ajaan Saam ở tỉnh Phang-nga để tỏ lòng tôn kính Luang Pu và để học thêm về thực hành thiền. Ngài nói chuyện với Luang Pu bằng những lời quen thuộc, “Bây giờ ngài đã xây xong một hội trường truyền giới và hội trường rộng lớn, xinh đẹp này, hẳn nhiên ngài đã làm được một đại công đức”.

Luang Pu trả lời, “Những gì tôi xây dựng là vì lợi ích chung, lợi ích cho thế gian, lợi ích cho tu viện và cho Phật giáo, thế thôi. Về chuyện gặt hái công đức, tôi muốn gì với công đức như thế này?”.

12. DẠY MỘT BÀI HỌC

Sáu năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, di sản chiến tranh vẫn còn là sự nghèo đói và khó khăn do thiếu lương thực và vật dụng ảnh hưởng đến mọi nhà. Đặc biệt là thiếu vải trầm trọng. Nếu một nhà sư hay Sa-di có được một bộ y hoàn chỉnh thì là may mắn rồi.

Tôi là một trong số đông các Sa-di tập sống cùng Luang Pu. Một ngày, Sa-di Phrom, một người cháu khác của Luang Pu, nhìn thấy Sa-di Chumpon mặc một bộ y mới, rất đẹp nên hỏi: “Bạn kiếm được bộ y đó ở đâu?” Sa-di Chumpon đáp, “Khi tới phiên tôi chăm sóc Luang Pu, ngài thấy y của tôi rách nên đã cho tôi một y mới”.

Khi đến lượt Sa-di Phrom xoa bóp chân cho Luang Pu, anh này mặc một chiếc y rách với ý nghĩ rằng mình cũng sẽ được tặng một chiếc y mới. Khi hoàn thành nhiệm vụ và chuẩn bị rời đi, Luang Pu nhìn thấy vết rách bộ y và cảm thấy thương xót cho cháu mình. Vì vậy, ngài đứng dậy, mở tủ và đưa cho cháu trai một thứ gì đó và nói: "Đây. Khâu nó lại đi. Đừng đi loanh quanh với một bộ y rách thê thảm như thế". Thất vọng, Sa-di Phrom nhanh chóng nhận lấy cây kim và sợi chỉ từ tay Luang Pu.

13. TẠI SAO NGƯỜI TA ĐAU KHỔ?

Một hôm, một phụ nữ trung niên đến đảnh lễ Luang Pu. Cô tự mô tả hoàn cảnh đời sống của mình, cho biết địa vị xã hội của cô rất tốt và cô chưa bao giờ thiếu bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, cô rất buồn vì đứa con trai không vâng lời, vô trật tự và bị ảnh hưởng bởi mọi trò giải trí xấu xa. Cậu đang phung phí tài sản của cha mẹ mình cũng như lòng thương yêu của họ, vượt quá sức chịu đựng của họ. Cô tới xin Luang Pu lời khuyên hay một cách nào để cô bớt khổ, cũng như giúp đưa con trai của cô từ bỏ đường xấu.

Luang Pu đã cho cô một số lời khuyên về các vấn đề này, và dạy cô cách làm dịu tâm trí và cách buông bỏ. Sau khi cô rời đi, Luang Pu nhận xét: "Người ta bây giờ đau khổ vì các niệm khởi".

14. LỜI CẢM HỨNG

Luang Pu tiếp tục bài pháp thoại, “Vật chất đã có sẵn trên thế giới một cách hoàn hảo. Những người thiếu trí tuệ và khả năng không thể sở hữu chúng và vì vậy họ gặp khó khăn trong việc tự nuôi sống bản thân. Những người có trí tuệ và khả năng có thể sở hữu số lượng lớn của cải thế gian, làm cho đời sống của họ thuận lợi và thoải mái trong mọi hoàn cảnh. Về phần các bậc Thánh, họ cố gắng hành xử để đạt được sự giải thoát khỏi tất cả những vật chất đó, bước vào chỗ họ không sở hữu gì hết, bởi vì “Trong thế giới vật chất, bạn có những thứ mà bạn có. Trong lĩnh vực của Chánh pháp, bạn có những thứ mà bạn không có” (In the area of the Dhamma, you have something you don't have).

15. THÊM LỜI CẢM HỨNG

Khi bạn có thể tách rời tâm ra khỏi sự dính líu của nó với mọi thứ, tâm sẽ không còn bị buộc vào buồn khổ nữa. Cho dù là cái được thấy, cái được nghe, cái được ngửi, cái được nếm, hay cái được chạm xúc dù tốt hay xấu đều tùy thuộc vào việc tâm vẽ vời chúng theo cách nào đó. Khi tâm thiếu tỉnh thức, nó hiểu sai các thứ. Khi nó hiểu sai các thứ, nó bị mê hoặc dưới sự ảnh hưởng của tất cả những thứ ràng buộc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Những tác hại xấu và trừng phạt mà chúng ta phải gánh chịu về mặt thể chất là những thứ mà người khác có thể giúp bạn thoát được, ít nhất là phần nào. Nhưng các tác hại xấu trong tâm, mà tâm bị trói buộc bởi vọng tưởng và tham ái, là những thứ mà chúng ta phải học cách tự giải thoát chính mình.

Các bậc Thánh đã tự giải thoát họ khỏi những ảnh hưởng xấu của cả hai loại, đó là lý do tại sao đau khổ và căng thẳng không thể đánh bại các bậc Thánh”.

16. VẪN CÒN THÊM LỜI CẢM HỨNG

Khi một người cạo râu, tóc và đắp bộ y màu son lên, đó là biểu tượng vị này là tu sĩ. Nhưng điều đó chỉ bên ngoài. Chỉ khi nào vị đó đã cạo sạch những rối loạn tâm niệm - tất cả những mối bận tâm thấp kém - ra khỏi trái tim của vị này, mới có thể được gọi là một vị sư trong nội tâm.

Khi một cái đầu đã được cạo trọc, những loài côn trùng nhỏ bé như chấy rận không thể trú ngụ ở đó. Tương tự như vậy, khi tâm đã thoát khỏi những bận tâm của nó và thoát khỏi sự tạo tác, đau khổ không còn chỗ cư trú nữa. Khi điều này trở thành trạng thái bình thường của bạn, bạn có thể được gọi là một tu sĩ chân chính".

Nguyên Giác dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle