Xin thầy cô hãy dạy cho em viết đúng chính tả tiếng Việt

1. Do đâu mà viết sai

     Gần đây tôi có vào đọc bài của một số người Quảng Trị trong các forum (diễn đàn) và blog (nhật ký cá nhân), đây là hai dạng thức của thế giới mạng tin học (internet). Vào những trang đó, thấy bà con chúng ta viết sai lỗi chính tả quá nhiều. Đôi khi tôi ngồi tủm tỉm cười một mình, nhưng rồi lại thấy buồn.

     Thời đi học ở trường làng, trường huyện, tôi và bạn bè thường viết sai chính tả, lúc đó cứ nghĩ sai là do mình mới học ít chưa biết. Nhưng đến mãi khi vào đại học thì cái sai này vẫn còn, nhiều người ra trường đi làm việc vẫn chưa khắc phục được. Lỗi viết sai chính tả cứ bám dùng dằng dai dẳng như con đỉa, mà đối với người Quảng Trị đi làm ruộng thì đỉa không phải là điều đáng sợ (!). Một nét tính cách thuần hậu đáng quý của người Quảng Trị đó là chịu đựng và chấp nhận. Nhưng cũng chính cái sự dễ dàng chấp nhận này mà lỗi chính tả, thành ra cũng “ừ thì kệ nó” luôn.

     Lỗi sai chính tả dễ thấy nhất đó là viết nhầm giữa dấu hỏi với dấu ngã (dấu thanh). Cái sai này là sai chung của người Việt mình, nhưng Quảng Trị vẫn nặng hơn cả. Có người viết tên tỉnh Quảng Trị thành ra Quãng Trị, viết tên sông Thạch Hãn thành Thạch Hản, viết tên di tích lịch sử Nghĩa Trang Trường Sơn thành Nghỉa Trang Trường Sơn... Cái sai này đã chạm vào những tên riêng thiêng liêng của quê hương. Thiết nghĩ, viết như thế là đáng trách.

     Bây giờ ra đường, nhìn các biển hiệu ở quán xá dịch vụ, ta dễ dàng bắt gặp rất nhiều lỗi chính tả. Đấy là những cái sai ngờ nghệch, ngớ ngẩn, buồn cười, thậm chí thô thiển. Chẳng hạn có nhiều quán sửa chữa xe máy đề biển “sữa Honda”. Giả sử có một người khách nước ngoài tra từ điển, chắc sẽ thốt lên là ở nước Việt có một loại sữa uống mang hiệu Honda. Hoặc nhiều quán đề biển “sữa chửa”, thì nó có nghĩa là sữa của bà mẹ đang mang thai.

     Có lần tôi đọc được câu văn thế này trên trang blog của một người Quảng Trị: “Tôi rất quý mến nhà văn Hoàng Phũ Ngọc Tường”. Quý mến nhau mà thế à? Quý mến nhau mà đến cái tên người ta có mỗi một dấu chữ cỏn con cũng để sai. Ai cũng biết chữ “Phủ” (dấu hỏi) có một nghĩa rất đẹp mà có lần Nguyễn Trọng Tạo thắc thỏm thì Hoàng Phủ trả lời rằng chữ “Phủ” đó đại khái là một cái nhà chứa sách hay tiền bạc gì đó. Còn khi viết chữ “Phũ” (dấu ngã) thì thành ra một nghĩa chẳng có gì hay ho, thậm chí là xấu. Cái sai này tuy không thiêng liêng như sai tên địa danh quê hương, nhưng lại chạm đến vấn đề tình cảm mà đôi khi rất dễ làm mếch lòng nhau. Trong các blog đều có phần viết góp ý và khổ chủ trả lời góp ý đó. Một hôm nhà thơ Hữu Kim vào trang blog của một người Quảng Trị mình, ông nhà thơ viết tên rõ ràng là Hữu Kim. Thế mà ngay kế đó khổ chủ trả lời lại viết “anh Hửu Kim thân mến!”. Thân mến mà thế à? Thân mến mà đổi luôn cái tên có vẻ sang trọng quý phái của người ta thành ta một chữ hình như chẳng có nghĩa gì cả.

     Sai lỗi dấu hỏi dấu ngã trong tên riêng, đôi khi chỉ là do sơ ý như gõ nhầm phím vi tính chẳng hạn, nhưng nếu nhiều lần mắc phải thì nó là cái tật xấu. Có một cô giáo trẻ dạy tiếng Anh nhưng viết sai lỗi chính tả rất nhiều. Chợt nghĩ, đến cô giáo còn sai huống hồ học trò. Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn có nói rằng, việc học ngoại ngữ sẽ làm cho ta giỏi tiếng Việt hơn. Xin được đồng ý với nhận định đó, bởi cấu trúc ngôn ngữ của nước ngoài chặt chẽ, người Việt mình học tiếng nước ngoài muốn viết câu phải đầy đủ bộ phận chủ vị. Từ đó mà khi viết câu tiếng Việt cũng chuẩn hơn. Vậy tại sao cô giáo dạy tiếng Anh này lại sai nhiều thế? Tại đó là thói quen nghĩ rằng vấn đề chính tả không quan trọng, miễn sao hiểu được ý thì thôi.

     Hiện nay, chương trình dạy học và thi cử đều hướng đến trắc nghiệm. Học trò ít làm bài tự luận nên không lưu tâm đến chuyện viết đúng viết sai. Khi con người ta không cần đến nó thì dĩ nhiên chẳng bỏ công ra học làm gì. Thế nên nhiều học sinh cứ đến chỗ dấu hỏi dấu ngã thì lưỡng lự, rồi đánh số 2 trên đầu chữ đó thay cho dấu thanh. Dịp vừa rồi tôi có dạy môn toán cho nhóm học sinh lớp 12. Học trò cuối cấp rồi nhưng hầu như chẳng phân biệt được dấu hỏi dấu ngã. Gọi một em lên viết từ âm ỉ với ầm ĩ. Em học sinh chần chừ mãi rồi trả lời, thú thật bọn em quen tay thế nào thì viết thế ấy thôi. Một thói quen bắt nguồn từ việc thiếu cơ sở sẽ dẫn một hệ quả xấu. Không thể trách các em, mà lỗi là ở việc dạy học chính tả từ nhỏ thiếu căn bản, thiếu những quy tắc giúp các em dễ nhớ cách viết.

     Có người chơi blog, dưới dòng tự thuật tên tuổi viết hẳn câu: “Có một nhược điểm lớn là không phân biệt được dấu hỏi với dấu ngã”. Đó là một lời tự thú rất thật thà, đáng yêu. Dần dần người đó đã khắc phục được và viết chuẩn lên rất nhiều. Vậy vấn đề cần thiết nhất đối với người Quảng Trị chúng ta trước hết là biết mình sai. Cổ nhân từng dạy, muốn chữa lỗi trước hết phải tìm ra lỗi; hay, bà con Quảng Trị mình nói là “biết ngứa chỗ mô mới gãi được chơ!”.

    

 2. Góp một ý kiến nhỏ để khắc phục

     Bàn về Giáo dục, có một câu hỏi được đưa ra: “- Nếu chúng ta làm điều sai trái, có người đã chỉ bảo cho chúng ta biết, tại sao chúng ta còn tái phạm?. Triết gia Ấn Độ J.Krishnamurti đã trả lời rằng: “- Bạn nghĩ sao? Lý do nào khiến cho bạn bẻ hoa, nhổ cây, phá hoại đồ đạc, liệng giấy bừa bãi, mặc dù tôi tin chắc là bạn đã từng nghe lời khuyên không nên làm những việc đó cả chục lần? Bạn không nhận thức được, bạn không suy nghĩ, tâm trí bạn đã ngủ quên, thành ra bạn đã làm những việc rõ ràng là ngớ ngẩn, ngu ngốc. Nhưng nếu nhà giáo dục mà giúp cho bạn trở nên có óc suy nghĩ, quan tâm hơn, tỉnh thức ra... thì khi đó chỉ một gợi ý nhẹ nhàng đến với bạn là đã đủ cho bạn cảm nhận được vấn đề”. Như vậy, Krishnamurti đã đặt trọng nhiệm vụ của thầy cô giáo, rằng quý thầy cô hãy làm cho các em lưu ý đến vấn đề. Ở đây, chúng ta đang nói về vấn đề chính tả. Việc viết sai chính tả cũng như chúng ta đi bẻ phá hoa ở các công viên, biết việc đó xấu nhưng vẫn không chừa được. Nhưng xin thưa, hoa ở công viên là của chung, chúng ta có bẻ thì cũng là phá hoại của chung (mình chỉ bị thiệt một ít); còn lỗi chính tả là của mình, viết sai chính tả chính là chúng ta tự phá mình.

     Tôi nhớ hồi nhỏ đi học ở bậc tiểu học có môn Chính tả. Lúc ấy chẳng biết cái tên môn này có nghĩa gì, nhưng cứ đến giờ chính tả là chép mỏi cả tay. Cô giáo chấm bài cứ khen trò này chữ đẹp trò kia chữ xấu, rồi chấm điểm là chấm chữ viết rõ ràng, gọi là chấm vở sạch chữ đẹp. Thành ra học trò chúng tôi cứ cố gắng viết nắn nót, đừng tẩy xoá là được. Phần lớn các thầy cô giáo của chúng ta đều mắc lỗi đứng lớp này, tức là hiểu chưa đúng môn Chính tả. Chữ đẹp nó thuộc về bộ môn Tập viết. Cấp một có vở tập viết in sẵn, học trò ta cứ theo nét chấm rời đó mà họa theo thôi. Còn học Chính tả thì phải viết chính xác từ biểu đạt sự mô tả tiếng Việt.

     Lên đến cấp phổ thông cũng thế, môn tập làm văn chỉ chấm cách hành văn, cách biểu đạt ý sao cho đúng yêu cầu đề bài là được. Một số thầy cô giáo dạy văn có đặt bút đỏ đánh vào lỗi chính tả, nhưng vì đa số học sinh Quảng Trị chúng ta đều mắc và mắc nhiều nên thầy cô giáo cũng không thể chữa hết cả. “Không chống lũ được thì sống chung với lũ” - người Quảng Trị mình có nói như thế mỗi mùa nước về, cái nếp nghĩ này đã ăn sâu vào tiềm thức rồi nên đến khi dạy học, nhiều thầy cô cũng cứ thế mà chấp nhận. Thầy giáo Lê Thanh Trí dạy toán lớp tôi, mỗi lần chấm bài kiểm tra, trước hết thầy chấm chính tả. Trong các bài làm toán, hai chữ “chẵn” và “lẻ” học sinh nhầm lẫn dấu hỏi ngã rất nhiều. Cứ sai một lỗi thầy trừ đi 0,5 điểm. Từ môn toán mà chúng tôi cẩn thận hơn khi viết.

     Do đó tôi nghĩ rằng, tất cả quý thầy cô của chúng ta, bất kể dạy lớp nào môn gì, cũng nên chú trọng đến cách viết tiếng Việt của học sinh. Quý thầy cô khi phát hiện ra lỗi hãy chỉ cho học trò, thậm chí có thể trừ điểm để học trò nhớ và lần sau cẩn thận hơn. Hãy đừng để cái sai này thành chuyện cố hữu và kéo rề rà mãi. Đồng thời, tôi xin mạn phép đề xuất với Sở Giáo Dục – Đào Tạo Quảng Trị hai điều.

     Thứ nhất, nên có văn bản  gửi trực tiếp đến quý thầy cô giáo đang giảng dạy trên địa bàn tỉnh, để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc viết đúng chính tả. Thứ hai, tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức Chính tả Tiếng Việt cho quý thầy cô, vì tôi ngờ rằng ở giảng đường đại học sư phạm, thời sinh viên quý thầy cô không được học nhiều về phần này.

*

     3. Vĩ thanh

     Nhẽ ra tôi chỉ gửi bài viết này cho Sở Giáo Dục - Đào Tạo Quảng Trị, nhưng tôi sợ những ý kiến của mình không được thực hiện. Vậy nên tôi nhờ Tạp chí Cửa Việt đăng lên để nhỡ có quý thầy cô nào đọc được thì lưu ý cho. Chỉ cần một thầy cô giáo quan tâm là đã bớt đi rất nhiều học sinh viết sai chính tả rồi. Ngày xưa thầy tôi có nói rằng: Một bác sĩ tồi giết chết một người, nhưng một thầy giáo không giỏi sẽ giết chết cả thế hệ.

     Cuối cùng, tôi mong nhận được sự thông cảm từ những người viết sai chính tả mà tôi đã lấy ra để dẫn dắt vấn đề. Rồi cũng có thể bạn đọc sẽ tìm thấy những lỗi chính tả ngay trong bài viết này mà trách rằng, tác giả bài viết cũng sai, còn dám lên mặt “dạy khôn” người ta. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi tôi cũng là người Quảng Trị. Viết xong bài này tôi bỗng thấy run run, quặn đau như cảm giác bị mất đi một phần trong bụng mình. Ừ, thì sự thật mất lòng mà!

  Hoàng Công Danh

* Tạp chí Cửa Việt số 206 (11.2011)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle