Ngày xuân, lại bàn về mối quan hệ truyền thống Phật giáo và dân tộc

ngay xuan

 

Minh Thạnh

 

Cụm từ “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc” là một cụm từ đề cập đến mối quan hệ Phật giáo và dân tộc thường được sử dụng hơn hết trong các diễn văn, đạo từ Phật giáo.

 

Trong một số trường hợp đặc biệt, cụm từ “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc” được sử dụng như một khẩu hiệu, được đưa lên những tấm băng rôn…

 

Gần đây, cụm từ “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc” được sử dụng ngày càng nhiều, gần như đã trở thành một dạng cụm từ tóm lược quan điểm, dùng trong sự cố định hoá.

 

Vẫn coi cụm từ nói trên là đúng, là hay, nhưng chúng tôi xin phép đề nghị thay thế cụm từ nói trên bằng cụm từ “Phật giáo luôn gắn bó cùng dân tộc”, trong bối cảnh năm cũ đang qua, năm mới sắp đến, toàn thể Tăng Ni Phật tử đang hướng về tương lai trong niềm lạc quan về mối quan hệ mật thiết giữa Phật giáo và dân tộc.

 

Trong cụm từ “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, ý nghĩa cơ bản nằm ở từ “đồng hành”. Nó thể hiện hai thực thể riêng biệt, nhưng di chuyển đồng thời trên cùng một lộ trình. Nó phần nào vẫn còn có ý phân chia rõ rệt hai thực thể, trong mối quan hệ, tuy có gắn bó, nhưng trong quan hệ cùng nhau, chưa phải là sự gắn kết triệt để, mật thiết, vẫn là Phật giáo một bên và dân tộc một bên.

 

Trong khi đó, ở cụm từ “Phật giáo luôn gắn bó cùng dân tộc”, thì mối quan hệ trên được thể hiện ở đây là mối quan hệ thống nhất, gắn kết làm một, trong mọi hoàn cảnh, tình huống. “Gắn bó” là cấp độ kết hợp cao hơn mức “đồng hành  và “gắn bó” bao gồm trong nó cả sự đồng hành (trong trạng thái di chuyển), cũng như mọi trạng thái khác.

 

Gắn bó” là sự gắn kết có thể hình dung là 2 mặt của một tờ giấy, là thành tố cấu thành cái chung, không còn hai thực thể tách rời.

 

Trở lên là vấn đề so sánh ý nghĩa giữa 2 từ “đồng hành” và “gắn bó” trong sự cân nhắc giá trị và sự biểu hiện của nó. Đến đây, chúng ta bàn sâu hơn vào vấn đề quan hệ giữa Phật giáo với dân tộc trong sự phân biệt “thuộc tính dân tộc” và “phẩm chất dân tộc”.

 

Hai khái niệm “thuộc tính dân tộc” và “phẩm chất dân tộc” được nêu ra lần đầu tiên bởi một chuyên gia nghiên cứu lý luận văn học, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Phương Lựu, khi ông đi sâu ngiên cứu về vấn đề tính dân tộc trong văn học trong các chuyên luận liên hệ.

 

Tuy vấn đề nêu ra trước hết ở lãnh vực văn học, nhưng nó có thể dễ dàng liên hệ ứng dụng sang các hình thái ý thức khác rộng hơn, như các loại hình nghệ thuật khác và tôn giáo.

 

Ứng dụng vào vấn đề mà chúng ta đang bàn luận thì “thuộc tính dân tộc” đều có thể có ở những tôn giáo nội sinh tại Việt Nam, do người Việt khai sinh ra, hoạt động chủ yếu tại Việt Nam và trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

 

Thuộc tính dân tộc ở Phật giáo, một tôn giáo được du nhập từ nước ngoài, chủ yếu được hình thành qua quá trình Việt Nam hóa Phật giáo, dân tộc hóa Phật giáo.

 

Như vậy, thuộc tính dân tộc đều có ở Phật giáo, những tôn giáo nội sinh Việt Nam cũng như những hình thức tín ngưỡng nội địa khác (chưa đạt đến cấp tôn giáo).

 

Thuộc tính dân tộc có thể gồm cả yếu tố tiêu cực có thể có trong hoạt động văn hóa tinh thần cuả dân tộc đó (1). Nó có thể phát sinh trong quá trình phát triển với dân tộc và “đồng hành cùng dân tộc”.

 

Vì vậy, “đồng hành cùng dân tộc”, về  mặt lý luận, có thể coi là gần với khái niệm “thuộc tính dân tộc”.

 

Nhưng giữa “thuộc tính dân tộc” và “phẩm chất dân tộc” có sự phân biệt.

 

Chỉ những giá trị tích cực trong “thuộc tính dân tộc” mới trở thành “phẩm chất dân tộc”.

 

Đối với văn học, Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Phương Lựu nhấn mạnh đến “phẩm chất dân tộc” như sau:

 

Vậy thì chỉ có tác phẩm nào đi sâu vào bản chất hoặc một vài khía cạnh bản chất mới thật sự phản ánh đúng cuộc sống và con người của dân tộc” (2).

 

Suy rộng ra, các hình thái ý thức đều có thể được nhìn nhận, phân biệt như thế. Có được “thuộc tính dân tộc” là một việc, nhưng đạt đến phẩm chất dân tộc lại là một việc khác, có yêu cầu cao hơn, chỉ giới hạn ở những điểm tích cực ở thuộc tính dân tộc, trong mối quan hệ đi vào chiều sâu bản chất.

 

Trước đây, trong ngành lý luận văn hóa có khái niệm “hình thức dân tộc”, nhưng sau đó không dùng nữa, vì nó có thể bị hiểu chỉ là “thuộc tính dân tộc”, tức chỉ là “dân tộc” bề ngoài, không đạt đến chiều sâu phẩm chất.

 

Khái niệm “dân tộc” trong cụm từ “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” đương nhiên phải được hiểu là phẩm chất dân tộc, là mối quan hệ với dân tộc trong bản chất, đi vào chiều sâu, với những giá trị tích cực nhất. Nó không phải là “thuộc tính dân tộc”, cái mà một số tôn giáo khác cũng có thể có trong nội sinh.Thuộc tính dân tộc” có thể là những biểu hiện bên ngoài mang màu sắc dân tộc, có thể hình thành tự nhiện hoặc cố ý, nhưng về bản chất có thể không phục vụ cho lợi ích chung của dân tộc, mà chỉ cho lợi ích một nhóm nhỏ.

 

Vậy nên, để phân biệt “phẩm chất dân tộc”, điều vốn có ở Phật giáo Việt Nam phân biệt với “thuộc tính dân tộc”, chỉ là tính chất nói chung, không phải là một giá trị nhất định, trong hướng nhìn về tương lai Phật giáo Việt Nam, chúng tôi đề nghị, thay vì thường dùng cụm từ “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”, có thể chuyển sang sử dụng cụm từ “Phật giáo luôn gắn bó cùng dân tộc”.

 

Phẩm chất dân tộc là mức độ giá trị mà Phật giáo Việt Nam đã đạt đến, mà một trong những kết quả là sự gắn bó mật thiết, máu thịt, đi vào chiều sâu bản chất của  dân tộc Việt Nam. Đây là thế mạnh truyền thống của Phật giáo Việt Nam và là mục tiêu phát triển của Phật giáo Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Về mặt lý luận, người Phật tử chúng ta cần luôn nhấn mạnh điểm này. Do đó, việc chuyển đổi cụm từ thường được sử dụng như đã trình bày ở trên, thiết tưởng là điều cần thiết.

 

Cụm từ “Phật giáo luôn gắn bó cùng dân tộc” xác định mối tương quan Phật giáo với dân tộc ở tầm cao hơn, cũng là xác định chính xác vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam, cũng như đưa ra một định hướng tập trung và cụ thể hơn cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam trong tương lai.

 

MT

 

(1)  Khi thảo luận về vấn đề này, GSTSKH Phương Lựu dựa trên cách phân tích và đánh giá của Mác và Ăngghen về vở kịch Franxơ phôn Xichkingghen. Đây là một tác phẩm được Ăngghen khẳng định: “Một vở kịch mà chủ đề và cách diễn đạt thấy đều mang tính dân tộc Đức”, tuy rằng vở kịch cũng được đánh giá là “thiếu sót về phương pháp nghệ thuật, sai lầm về quan niệm bi kịch, thâm ngầm những quan điểm triết học và thẩm mỹ duy tâm kiểu Hê-ghen…” (xem Phương Lựu (chủ biên): Lý luận văn học tập 1, Nhà xuất bản Đại Học Sư Phạm, Hà Nội, trang 145).

 

(2)  Sách đã dẫn, trang 146.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle