Vui như Tết và buồn cũng như... Tết?

vui nhu tet

Hải Tâm

Liệu con số bình quân đó có phản ánh đúng thực chất, khi ta đánh đồng cộng tất cả tết người giàu người nghèo, rồi chia trung bình, để hàng năm hồ hởi công nhận với nhau là đời sống người dân đã được cải thiện nhiều.

Tết nhà mình và Tết nhà người

Như một "bài ca theo cùng năm tháng", mỗi độ Tết đến xuân về, chúng ta lại xôn xao, nóng bỏng, thấp thỏm với vấn đề muôn thuở: so Tết nhà mình với Tết nhà người.

Có thể nói tết chính là khoảng thời gian thuận lợi phát huy khả năng (hay bản tính?) so sánh vốn có của con người. Suốt năm bận rộn, bản tính đó phần nào nằm yên.

Nhưng khi tết đến, trong cái không khí tổng kết tràn ngập khắp nơi, hầu như chẳng ai tránh khỏi việc tự mổ xẻ xem mình đang ở đâu trong cái thang bậc cuộc sống. Có lẽ vì thế mà tết trở thành thời điểm phơi bày rõ rệt nhất khoảng cách chất lượng đời sống trong xã hội.

Thời đại thông tin với các phương tiện truyền thông bủa vây cũng đang tích cực "tiếp tay" cho khả năng so sánh.

Ngoái lại một chút thời bao cấp, khi phương tiện truyền thông cao cấp của các gia đình cũng chỉ là chiếc đài hay sang trọng hơn là tivi đen trắng, với số kênh khiêm tốn và hai màu trắng đen, hình ảnh cuộc sống đến với mỗi người không quá náo nhiệt, rực rỡ.

Phải chăng vì thế mà người thời trước ăn Tết cũng bình thản hơn? Vì nếu muốn so sánh, người ta cũng chỉ nhìn được sang nhà hàng xóm, hay rộng hơn thì cũng đến trong làng, trong cơ quan.

Giờ đã khác. Tết đến, chỉ cần bật tivi hay nhấp chuột, chúng ta đã có thể "đọc vanh vách" mọi người ăn tết thế nào và nhanh chóng "xếp hạng" được mình trên cái thang không đỉnh và không đáy của mức sống. Phép so sánh bắt đầu và như không có hồi kết:

-   Trong khi tiền thưởng Tết của người ta lên đến 700 triệu, đủ mua một căn nhà (cho người thu nhập thấp) thì thưởng Tết của mình chưa đủ mua mấy viên ngói che tạm chỗ dột để ăn Tết cho yên.

-  Trong khi người ta lo sắm xế hộp siêu khủng để chơi xuân, mình phải dành dụm bao lâu mới đủ tiền mua vé xe về quê.

-   Trong khi người ta rôm rả bàn xem Tết này ăn gì để ra Tết không tăng cân, thừa mỡ, mình phải chật vật lo đủ vài tấm bánh chưng cho ra cái... hồn Tết.

-   Trong khi người ta hào hứng lên kế hoạch du lịch chơi xuân, mình còn đang cắm đầu làm tăng ca để dành dụm thêm ít tiền tiêu Tết. Mình còn phải tính tích trữ thêm trước ít xăng, để nhỡ ra Tết đến, ngành xăng dầu lại "nổi hứng" tăng giá... mừng xuân.

-  Trong khi người ta bỏ cả nghìn đô thuê "rước" đào Tết về ngắm, mình phải tính chi li từng nghìn tiền Việt trong cái ngân sách eo hẹp.

-          ...

Vui như Tết và buồn cũng như...Tết?

Cứ thế, hố sâu khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt và khiến con người ta day dứt. Vui như Tết mà buồn cũng như Tết là vậy.

Hầu như ai cũng hiểu khả năng, nỗ lực, vận may... và rất nhiều yếu tố khác của mỗi người là khác nhau, nên thành quả họ được hưởng cũng khác nhau.

Nhưng nếu xét sòng phẳng trên con số, liệu có tránh khỏi việc phải đặt câu hỏi: Chẳng lẽ những người có mức thưởng Tết hàng trăm triệu lại hội đủ những yếu tố đó gấp hàng nghìn lần so với những người chỉ được thưởng Tết 100-200.000, hay gấp vài chục nghìn lần so với những người cầm trong tay số tiền Tết tượng trưng vỏn vẹn 30.000đ?

Có người sẽ nói là các ngành khác nhau, so sánh chỉ là khập khiễng. Nhưng cùng trong một ngành, tình hình có khác?

Chẳng hạn chỉ trong nội bộ ngành giáo dục, cũng có thể thấy sự chênh lệch một trời một vực giữa giáo viên thành thị với nông thôn, trường giàu với trường nghèo.

Ở những trường "sang", tiền thưởng Tết của các thầy cô có thể lên tới hàng chục triệu - một khoản tiền là niềm mơ ước của không chỉ các đồng nghiệp mà còn của không ít ngành khác. Đó là chưa kể những khoản "muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy" của các phụ huynh.

Nhưng tại những trường vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo thậm chí còn không biết đến khái niệm thưởng Tết, chỉ cần học trò đến trường đủ đã là may mắn. Trong trường hợp này, buộc chúng ta phải đặt câu hỏi những thầy cô ở vùng sâu vùng xa quanh năm đã chịu rất nhiều thiệt thòi, vất vả, đến Tết lại "tay trắng" thì liệu có là công bằng?

Câu chuyện thưởng tết không năm nào không nóng

Cần có chỉ số bình quân Tết?

Ai cũng có quyền bình đẳng ăn Tết, nhưng ăn Tết như thế nào lại là một chuyện mà chưa biết đến bao giờ có thể bình đẳng. Và như thế cái vòng quay đến Tết lai so sánh, đến Tết lại nao lòng hẳn sẽ còn tuần hoàn tiếp diễn.

Bởi thế, với những người mang chủ nghĩa hoài nghi với thế giới hiện đại và nặng lòng hoài cổ, hẳn cũng có lý do để quay lại Tết... nghèo chung ngày xưa. Trong ký ức được kể lại của thế hệ từng trải qua những cái Tết bao cấp đơn sơ, thời đó nghèo mà vẫn có cái vui riêng.

Nhưng thực tế vẫn là, "bánh xe lịch sử" không quay ngược trở lại, trong khi lại có nhiều người giữa thời đại này vẫn ăn tết như... thời bao cấp.

Nhìn vào số lượng tiêu thụ hàng hóa cũng như số tiền tiêu Tết ngày càng tăng, không ai có thể phủ nhận đó là dấu hiệu cho thấy đời sống đang khấm khá dần. Chúng ta có thể nghĩ đến việc cho ra đời một loại chỉ số mới để đánh giá mức độ phát triển: Chỉ số bình quân Tết.

Nếu chỉ số thu nhập bình quân đầu người GDP có thể cho thấy tốc độ phát triển kinh tế quốc gia, thì chỉ số bình quân Tết cũng khá quan trọng để đánh giá mức độ cải thiện mức sống. Tuy nhiên, liệu con số bình quân đó có phản ánh đúng thực chất, khi ta đánh đồng cộng tất cả Tết người giàu người nghèo và chia trung bình, để hàng năm hồ hởi công nhận với nhau là đời sống người dân đã được cải thiện?

Không có lý gì vì thực hiện công bằng, bình đẳng người ta có thể đòi hỏi kéo cái Tết của người giàu xuống cho bằng cái Tết của người nghèo. Vậy còn cách thứ hai: Kéo cái Tết của người nghèo lên để rút ngắn dần khoảng cách giàu nghèo?

Con số bình quân ngày càng tăng. Nhưng còn những người mà năm này qua năm khác tiền thưởng Tết không có, hoặc vẫn ở mức động viên tinh thần, trong khi giá cả thị trường tăng chóng mặt, thì thực ra những cái Tết của họ lại ngày càng thụt lùi. Chỉ số bình quân Tết liệu có "công hiệu" với những người như vậy?

Nghịch lý là, trong thời đại internet, con người ngày càng bình đẳng trong tiếp cận thông tin, song điều này lại không đồng bộ với sự bình đẳng trong cải thiện khoảng cách sống. Kết quả là, họ ngày càng nhận ra sự thiếu bình đẳng trong các mặt đời sống khác và phát triển khả năng- bản tính so sánh của mình. Nhiều hụt hẫng, hoang mang, bế tắc cũng từ đó mà sinh ra.

Nói đến bình đẳng, hẳn sẽ không ai hiểu theo cách thô sơ là cần lấy Tết của người giàu chia cho người nghèo như trong một số truyện cổ. Cũng không ai phê phán người giàu vì tiêu pha phóng tay nếu tiền họ làm ra theo cách chân chính. Xét ở khía cạnh khác, nó còn có tác dụng kích thích tiêu dùng và kích thích cả chí làm giàu trong xã hội.

Vì thế, không có lý gì vì thực hiện công bằng, bình đẳng người ta có thể đòi hỏi kéo cái Tết của người giàu xuống cho bằng cái Tết của người nghèo. Vậy còn cách thứ hai: Kéo cái Tết của người nghèo lên để rút ngắn dần khoảng cách giàu nghèo?

Đây có lẽ là cách chúng ta đang nỗ lực thực hiện và sẽ rất tuyệt vời nếu thành công. Tặng quà, hỗ trợ tiền tàu xe, kêu gọi lòng hảo tâm của xã hội đem Tết đến cho người nghèo... là những nỗ lực đã được thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định.

Tuy nhiên, liệu phải chăng những biện pháp đó mới chỉ là sự an ủi của xã hội và mang tính giải quyết tình thế? Bởi suy cho cùng, cái Tết nghèo cũng chỉ là biểu hiện cao điểm của cả một đời sống thiếu thốn kéo dài, và khoảng cách Tết giàu - Tết nghèo cũng chỉ là một điển hình tiêu biểu cho khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng phân cách sâu sắc trong xã hội.

Nếu nhìn như vậy, thì giải quyết gốc rễ vấn đề Tết giàu - Tết nghèo lại nằm ở chỗ phải giải quyết sự chênh lệch trong đời sống người dân. Đây là một bài toán khó không chỉ với riêng quốc gia nào.

Nhưng nếu thiếu những chính sách tổng thể lâu dài phân phối thu nhập và phát triển cân bằng thì có thể "bài ca" Tết giàu- Tết nghèo vẫn sẽ thành bài ca... bất tận.

Theo Tuanvietnamnet

Chia sẻ: facebooktwittergoogle