Lý tưởng giải thoát trong nhà Phật

lý tưởng giải thoát trong nhà Ph

lý tưởng giải thoát trong nhà Phật

Thích Minh Thành[1]

 

 Bằng sự tu tập lâu dài vượt qua vách sắt thành đồng của địa ngục thiết vi hay sự co duỗi của bàn tay trước mắt mà ta vươn tới sự giải thoát thời đoạn, cuối cùng là sự giải thoát hoàn toàn.

 

Khái niệm “giải thoát” gợi lên sự hiện hữu của ít nhất là ba thực thể: Một là có một sinh thể A có cảm xúc, có cảm nhận; hai là có một nơi chốn B có tính chất ràng buộc, hạn chế, áp bức, đau khổ; ba là có một nơi chốn C có tính chất tự do, thoải mái, ít đau khổ hay không còn đau khổ. Giải thoát có nghĩa căn bản là sinh thể A đang ở chốn B di chuyển sang chốn C. Khi sinh thể A còn ở trong chốn B thì nhân gian có thành ngữ “Cá chậu chim lồng”. Khi sinh thể A rời khỏi chốn B và đi vào chốn C thì có thành ngữ “Tháo cũi sổ lồng”. Nghi thức phóng sinh là làm cho con cá A đang ở trong chậu B và đang được thả vào thế giới tự do C; con chim A đang ở trong lồng B và đang được thả vào bầu trời C. Nghi thức phóng sinh là một pháp tu được nhiều người theo Phật giáo thực hành thường xuyên để tạo phúc đức cho bản thân và cho con cháu.

Trong thế giới của loài người thì không phải là lồng và chậu mà là nhà tù và xiềng xích đủ kiểu đủ dạng và nhiều vô kể. Tại Việt Nam hàng năm vào dịp lễ tết, vị lãnh đạo cao nhất và những cấp có thẩm quyền khác đã thực hiện việc giải thoát ấy dưới nhiều tầng nghĩa khác nhau.

Ngoài ý niệm về những sinh thể A, lồng chậu B và trời đất rừng biển bao la C, mang tính vật lý, Phật giáo còn có ý niệm về những linh thể A, cảnh giới bị ràng buộc B và cảnh giới giải thoát C. Cả ba thực thể này người viết tạm gọi là có tính phi-vật-lý trong thế giới nhị phân đối đãi. Rời khỏi thế giới nhị phân rạch ròi giữa vật lý và phi vật lý thì ta có một cái nhìn dung thông thú vị[2]. Với cái nhìn ấy Phật giáo thấy sinh thể A có thể đang ở một trong 6 cảnh giới B mà sinh thể A ấy có thể ý thức được hay không ý thức được. Đa số con người dù thuộc Phật giáo hay thuộc những hệ thống khác thì không ý thức được mình đang ở cảnh giới nào trong mỗi lúc. Thuật ngữ nhà Phật gọi trạng thái không ý thức ấy là vô minh, nhà Thiền thì gọi là Thất niệm. Thiểu số con người ý thức được thì sẽ khởi tâm hướng đến những cảnh giới giải thoát cao trên mà người viết ký hiệu là C.

Sáu cảnh giới gồm:

1. Cảnh giới địa ngục.

2. Cảnh giới ngạ quỷ.

3. Cảnh giới súc sinh.

4. Cảnh giới a-tu-la.

5. Cảnh giới người.

6. Cảnh giới chư thiên.

Địa ngục là thấp nhất, súc sinh thì khá hơn một chút… cứ như thế mà nói thì cảnh giới chư thiên là cao nhất. Cõi trời là cao nhất[3]. Sống trong xã hội mang tính ước định và tương đối thì chúc cho một người nào đó được sinh vào cõi trời là một lời chúc phúc cao nhất. Lời chúc này cao hơn năm lời chúc về sống lâu, sắc tốt, yên vui, sức mạnh và trí tuệ lưu hành rộng rãi trong thế giới Phật giáo Nam truyền.

Với cái nhìn ước định và tương đối ta sẽ thấy cảnh giới địa ngục là tệ hại nhất. Sinh thể ở cảnh giới địa ngục cần được giải thoát lên cảnh giới ngạ quỷ cao hơn. Sinh thể ở cảnh giới ngạ quỷ cần được giải thoát lên cảnh giới súc sinh… Nói theo mạch như vậy thì sinh thể ở cảnh giới người cần được giải thoát lên sống trên cảnh trời. Mặt khác, cảnh giới địa ngục luôn luôn là B trong mọi trường hợp. Cảnh giới ngạ quỷ là B đối với 4 cảnh giới súc sinh, a-tu-la, người và trời nhưng lại là C đối với cảnh giới địa ngục. Cảnh giới súc sinh là B đối với 3 cảnh giới a-tu-la, người và trời nhưng vẫn là cảnh giới lý tưởng C đối với 2 cảnh giới địa ngục và ngạ quỷ. Cứ theo mạch như vậy thì ta sẽ có cảnh trời là cảnh giới lý tưởng của 5 cảnh giới còn lại.

Cảnh giới địa ngục, Phật giáo miêu tả có 18 tầng. Cơ quan cai quản và vận hành là Thập điện Diêm vương. Cốt tượng Diêm vương được thờ phụng; hình ảnh đặc tả cảnh hình phạt của những tầng địa ngục được trang trí trên những bức bích họa của nhiều ngôi chùa cổ trong hệ thống Bắc truyền. Kinh Địa Tạng cho biết nguyên do và số lượng của địa ngục[4] qua câu chuyện đối đáp giữa một vị Thánh nữ và một vị quỷ vương tên là Vô Độc:

- …Ðó đều là do những nghiệp nhân xấu xa của ba nghiệp mà cảm vời ra, đồng gọi là biển nghiệp, chính là ba cái biển này vậy.

- Địa ngục ở đâu? Thánh Nữ lại hỏi quỷ vương Vô Ðộc.

- Trong ba cái biển đó đều là địa ngục, Vô Độc đáp, nhiều đến số trăm nghìn, mỗi ngục đều khác nhau. Về địa ngục lớn thời có 18 chỗ, bậc kế đó có 500 chỗ đủ không lường sự khổ sở, bậc kế nữa có đến nghìn trăm cũng không lường sự thống khổ.

Kinh Địa Tạng hé lộ vài nét lớn miêu tả hình phạt trong địa ngục qua đó ta có thể hình dung mức độ đau khổ mà tội nhân phải trải nghiệm[5]:

Hoặc có địa ngục kéo lưỡi người tội ra… hoặc có địa ngục moi tim người tội để cho qủy Dạ-xoa ăn, hoặc có địa ngục vạc dầu sôi sùng sục nấu thân người tội, hoặc có địa ngục đốt cột đồng cháy đỏ rồi bắt người tội ôm lấy. Hoặc có địa ngục từng bựng lửa lớn bay tấp vào người tội, hoặc có địa ngục toàn cả thuần là băng giá, hoặc có địa ngục đầy vô hạn đồ phẩn tiểu, hoặc có địa ngục lao gai chông sắt, hoặc có địa ngục đâm nhiều giáo lửa...

Như vậy, diễn trình giải thoát trong nhà Phật là diễn trình giải thoát khỏi cảnh giới địa ngục ký hiệu là B để vươn tới những cảnh giới cao hơn ký hiệu là C. Mẫu số chung của diễn trình ấy là xuất phát từ cảnh giới rất khổ đau một sinh linh tiến lên cảnh giới bớt khổ đau. Cuối cùng là cảnh giới không còn khổ đau nữa, cảnh giới của các bậc Thánh, chư Phật, chư Bồ-tát.

Rời khỏi hệ thống kinh điển ta đi vào thế giới ngôn hạnh của những vị đạo sư và nghe được lời dạy về những con đường mà một người có thể theo đó để giải thoát bản thân khỏi sáu nẻo luân hồi hay sáu cảnh giới tái sinh như đã được trình bày ở trên. Con đường giải thoát chính là con đường mà nhà Phật gọi là Trung đạo. Căn bản của Trung đạo trong đời sống tu hành là Bát Chánh đạo. Tổ sư Minh Đăng Quang dạy cho đồ chúng về vai trò của Bát Chánh đạo từ góc độ giáo lý hay giáo tông: 

Bát Chánh đạo cũng là tám con đường ngay thẳng, hay tám cửa giải thoát cho chúng sinh, đang ở trong rừng sâu hố thẳm là đời... chỉ quanh quẩn trong sự cần sống hiện tại; nên chúng sinh đã tạo ra cho mình đám rừng nguy, hố độc. Càng lúc càng sâu dày, để tự giam hãm và hành phạt lấy [mình].[6]

Bát Chánh đạo là con đường của Giới - Định - Tuệ, con đường của sự giải thoát từ thấp lên cao để đạt đến cảnh giới giải thoát hoàn toàn[7]. Thông thường một người tu hành nghĩ rằng trong thời gian ngắn ngủi của một đời người thì khó có thể làm được gì nhiều. Đường Tam Tạng cùng với bốn đồ đệ mà còn phải vượt qua 81 ách nạn mới thành chánh quả, tức là cảnh giới giải thoát hoàn toàn. Một kẻ phàm phu thì cần quãng thời gian nhiều A-tăng-kỳ kiếp và không biết sẽ có bao nhiêu ách nạn mà nói.

Các vị Thiền sư thường không thích nói theo hướng nhọc nhằn tu tập tiệm tiến lên từng bước, giải thoát từng bậc theo trình tự từ thấp lên cao. Từ địa ngục một sinh linh được giải thoát mà sinh vào cảnh giới ngạ quỷ; rồi từ ngạ quỷ sinh linh được giải thoát mà sinh vào cảnh giới bàng sinh hay súc sinh… Từ thế giới loài người với thân phận của một phàm phu, một sinh linh nhờ công phu hành thiền, lạy Phật sám hối, tụng kinh trì chú, làm lành lánh dữ mà sinh linh ấy được giải thoát khỏi thế giới loài người mà sinh vào cảnh giới chư thiên cao trên sung sướng.

Chuyện trình tự tiến hóa các vị Thiền sư không thích nói nhưng thường thì tùy theo căn cơ mà không phủ nhận. Chuyện mà các vị Thiền sư thích nói là chuyện đương cơ mà mỗi một người cần làm trong mỗi lúc. Trang mạng vuonhoaphatgiao.com có đăng một giai thoại như sau[8]:

Một ngày, có chàng trai đến gặp vị Thiền sư và nói: “Thưa Đại sư, vì sao con không thể sống vui vẻ được? Có quá nhiều điều không như ý, có quá nhiều điều bất công trong đời, khiến con luôn thấy mệt mỏi và phiền não”.

Thiền sư không trả lời, mà chỉ yêu cầu anh ta ra vườn hái đầy hai lẵng hoa. Một lát sau, chàng trai quay trở lại, mang hai lẵng đầy hoa dâng lên trước mặt Thiền sư.

Thiền sư nói: “Buông!”.

Chàng trai lưỡng lự không hiểu, nhưng cũng đặt lẵng hoa bên tay trái xuống trước.

Thiền sư lại nói: “Buông!”.

Anh ta lại đặt lẵng hoa bên tay phải xuống.

Thiền sư lại nói: “Buông!”[9].

(… )

Chàng trai nghe đến đây, đột nhiên bừng tỉnh.

Người viết đã biên tập bớt một câu thoại giữa vị Thiền sư và chàng thanh niên trước khi chàng thanh niên bừng tỉnh và đã thay câu thoại đó bằng khoảng trống (…). Một khoảng trống mà người viết mạo muội tạo ra với mục tiêu là gợi lên một “nhịp cầu tâm giao” cho tất cả khách hữu duyên. Khách hữu duyên có nhã hứng trước khi tra cứu có thể điền vào khoảng trống ấy theo cơ cảm và suy tư của mình.

Tam kết: Qua hai thái cực đã được trình bày ở trên. Một thái cực là nghiêm cẩn chí thú hành trì từng chút, từng ngày, từng thời duyên cảnh ngộ. Một thái cực là động thái xòe nắm của bàn tay. Để đạt được lý tưởng giải thoát ta cần linh hoạt ứng biến giữa hai thái cực trên để có được kết quả cao nhất trong mỗi lúc. Kính chúc một mùa xuân sức khỏe, thành công và hạnh phúc.

 


 

[1] Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.

[2] Tự thân cái nhìn này cũng đã mang tính khai phóng hay giải thoát ở tầng nghĩa cao hơn.

[3] Cõi trời tuy được xem là cảnh giới cao nhất nhưng trong ánh nhìn rốt ráo của nhà Phật thì vừa là cảnh giới C và cũng vừa là cảnh giới B, tức là vẫn bị ràng buộc dù đã rất giải thoát rồi.

[4] Kinh Địa Tạng Bồ-tát bổn nguyện. Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Pháp Đăng. Việt dịch: HT.Thích Trí Tịnh. Bản PDF trang 21/161.

[5] Sđd. Tr.59/161

[6] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý - Bát Chánh đạo. 

[7] Nói hơi sớm một chút, đó là cảnh giới giải thoát vượt qua được luôn ý niệm giải thoát, thường được định danh là cảnh giới chân như.

[8] https://vuonhoaphatgiao.com/van-hoc/truyen/buong-bo-cung-la-mot-canh-gioi-cua-tri-hue/

[9] Người viết mạn phép biên tập một chút.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle