Sức mạnh và mục đích của tác ý trong Phật giáo

suc mạnh và mục dich


 

Có tác ý là có sự mong muốn hành động, nhưng không phải tất cả mọi sự tác ý đều thật sự trở thành hành động. Trái lại, không có tác ý, hành động của chúng ta trở thành không có mục đích. Phật giáo khẳng định tầm quan trọng của những tác ý tốt. Đồng nghĩa với thiện nghiệp, những tác ý tích cực có sức mạnh mang lại cho chúng ta một đời sống tương lai tốt hơn và cả khả năng giải thoát.

Tác ý trong triết học Phật giáo

Từ tiếng Phạn cetanā có nghĩa là tác ý, ý định hay ý chí. Tác ý là hạt giống đầu tiên khởi sinh trong tâm trước khi một hành động thuộc thân, miệng, ý được thực hiện. Karma (nghiệp) có nghĩa là “hành động”, và trong các bản kinh Phật giáo, Đức Phật định nghĩa nghiệp cụ thể hơn là tác ý/ý định nằm đằng sau hành động. Mặc dù tác ý khác với chính hành động, nhưng nó phải đi đôi với mong muốn hành động được thực hiện trong thực tế, nếu không phải vậy, nó không được coi là một tác ý. Sự tác ý này xác định việc một hành động được xem là có đạo đức hay không và nó sẽ tạo ra kết quả tốt hay xấu trong tương lai. Một hành động xấu được thúc đẩy bởi một trong ba độc (tham, sân và si), cộng với ý định thực hiện nó trong thực tế. Ví dụ, giết người xuất phát từ lòng thù hận, liên quan đến mong muốn giết người. Theo triết gia Phật giáo Thế Thân (Vasubandhu), tác ý/ý định không chỉ bao gồm mong muốn hoặc ý chí hiện tại của chúng ta, mà còn bao gồm xu hướng thói quen đến từ những việc làm trong quá khứ. Phật giáo phủ nhận có một bản ngã, nhưng thay vào đó, sự tiếp tục của nghiệp, được thúc đẩy bởi tác ý, có sức mạnh giữ chúng ta trong sinh tử hoặc giải thoát chúng ta.

Trong Tăng chi bộ (VI, 13), Đức Phật dạy như sau: “Này các Tỷ-kheo, Ta nói thế này, tác ý là hành động (karma); vì ngay khi tác ý xuất hiện, người ta thực hiện hành động, có thể là bằng thân, khẩu hoặc ý".

Thệ nguyện và cam kết

Tác ý tốt trong Phật giáo có thể hình thành ở nơi việc phát nguyện thực hiện những việc làm tốt và những cam kết thực hành tâm linh. Có nhiều cam kết như vậy được trình bày trong Luật tạng, nơi chứa đựng các giới luật dành cho đời sống tu sĩ. Một cam kết cơ bản mà người cư sĩ thực hiện là năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các chất gây say nghiện. Những người muốn thực hiện những cam kết tâm linh sâu sắc hơn đòi hỏi phải sống đời độc thân, sẽ thực hiện tám giới của một cư sĩ hay mười giới của một Sa-di. Các Tăng Ni thọ Cụ túc giới phải tuân theo một loạt các giới luật rộng lớn hơn nhiều, quy định cách họ sinh hoạt và hành xử trong đời sống hàng ngày. Theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, các Tỷ-kheo thọ trì 253 giới và các Tỷ-kheo-ni thọ trì 364 giới. Những giới luật này nhằm mục đích giữ chánh niệm, ngăn cản sự tham đắm vật chất, và cũng để bảo vệ danh tiếng của cộng đồng tu sĩ trong mắt cư sĩ. Trong Phật giáo Đại thừa, các hành giả được khuyến khích khơi dậy trong tâm họ khát vọng giải thoát tất cả chúng sinh, tức đánh thức tâm Bồ-đề ở trong họ. Bồ-tát phát nguyện thực hiện điều này. Các thực hành Mật tông cũng đòi hỏi một số cam kết nhất định, bao gồm việc duy trì sự bí mật của việc thực hành và coi các vị thầy (guru) của mình như một vị Phật. Cam kết càng nghiêm trọng thì quả báo càng lớn nếu vi phạm, vì vậy người thực hành không được xem nhẹ.

Lan tỏa tác ý tốt

Trong Phật giáo Tây Tạng, ngay cả khi bạn không sống theo nếp sống của một Tăng Ni hay một vị hiền thánh, bạn vẫn có thể thực hiện nhiều nghi lễ hoặc thực hành đơn giản để lan tỏa tác ý tốt. Các vị Phật và Bồ-tát được cho là đã tạo ra các thần chú (mantra) hay đà-la-ni (dharani) để đưa những tác ý từ bi của họ vào trong các thể thức cụ thể. Những người theo họ có thể dễ dàng lan tỏa những phước lành này, dù bằng cách đọc các câu thần chú hay viết chúng ra. Ví dụ, thần chú Om mani padme hum của Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) được viết trên nhiều phiến đá ở khắp Tây Tạng, thấm nhuần nó với sự gia trì của vị Bồ-tát từ bi. Bánh xe cầu nguyện chứa các câu thần chú và đà-la-ni được viết trên các cuộn giấy để người nào đó khi quay bánh xe có thể phóng ra các phước lành chỉ bằng một cái chạm tay. Mặc dù một số nhà quan sát phương Tây cho rằng bánh xe cầu nguyện không hơn gì chiếc máy cầu nguyện, nhưng ý định của người thực hành là kích hoạt các phước lành để chúng có thể được lan tỏa ở trong thế giới. Tốt nhất, một người quay bánh xe nên khởi những tác ý thanh tịnh và thực hiện các quán tưởng thích hợp để nhận được đầy đủ lợi ích của chúng.

Theo triết học Phật giáo, một hành động tốt hay xấu phụ thuộc chủ yếu vào tác ý/ý định đằng sau nó. Tùy theo tác ý mà người ta sẽ chịu quả báo tốt hay xấu. Ngay cả khi bạn không thực hiện thệ nguyên tâm linh hay quay bánh xe cầu nguyện, vẫn có nhiều cách để bạn củng cố tác ý tốt của mình.

Ba loại tác ý đúng

Đức Phật dạy rằng có ba loại tác ý đúng, đối nghịch lại ba loại tác ý sai lầm. Đó là:

Tác ý xả bỏ; giúp ngăn chặn tác ý tham muốn.

Tác ý tốt; giúp ngăn chặn tác ý xấu.

Tác ý không gây hại; giúp ngăn chặn tác ý gây hại.

- Tác ý xả bỏ là khởi ý muốn từ bỏ hoặc buông bỏ một cái gì đó. Tuy nhiên, để thực hành từ bỏ không có nghĩa là bạn phải cho đi tất cả tài sản của mình và sống trong một hang động. Vấn đề thực sự không phải là bản thân đồ vật hay tài sản, mà là sự gắn bó của chúng ta với chúng. Nếu bạn cho đi mọi thứ nhưng vẫn còn lưu luyến với chúng, bạn chưa thực sự từ bỏ chúng.

Đôi khi trong Phật giáo, bạn nghe nói rằng các Tăng Ni là "những người từ bỏ". Phát nguyện xuất gia là một hành động mạnh mẽ của sự từ bỏ, nhưng điều đó không có nghĩa rằng người tại gia không thể theo Bát Chánh đạo. Điều quan trọng nhất là đừng dính mắc vào mọi thứ, hãy nhớ rằng chấp trước đến từ việc xem bản thân và những thứ khác một cách ảo tưởng. Cần xem mọi hiện tượng đều là thoáng qua và có giới hạn.

- Tác ý tốt là khởi lên thiện ý. Một từ khác chỉ cho “thiện ý” là metta, hay "lòng từ". Chúng ta nuôi dưỡng lòng từ đối với tất cả chúng sinh, không phân biệt đối xử hay chấp trước vị kỷ, để vượt qua sân hận, ác ý, hận thù và ác cảm. Theo kinh Từ bi (Metta Sutta), một Phật tử nên trao cho tất cả chúng sinh tình yêu thương của một người mẹ dành cho con mình. Tình yêu này không phân biệt người nhân từ và kẻ ác ý. Đó là một tình yêu trong đó "tôi" và "bạn" biến mất, và nơi không có người sở hữu và không có gì để chiếm hữu.

- Tác ý không gây hại là không khởi ý định làm hại chúng sinh khác. Từ Sanskirit ahimsa, hay avihiṃsā trong tiếng Pāli, được dịch là bất hại trong Hán ngữ, mô tả một thực hành không gây tổn hại hoặc bạo lực đối với bất cứ ai. Để không gây hại chúng ta cần có karuna, hay lòng từ bi. Karuna không chỉ đơn giản là không gây hại mà còn là sự đồng cảm tích cực và sẵn sàng chia sẻ nỗi khổ của người khác.

Nguồn: rubinmuseum.org

Chia sẻ: facebooktwittergoogle