Ba pháp đưa đến vô sanh theo kinh Mi Tiên vấn đáp

ba phap

BA PHÁP ĐƯA ĐẾN VÔ SANH THEO KINH MI TIÊN VẤN ĐÁP

Thích nữ Liên Luân

 

Trong kinh Mi Tiên vấn đáp, ngài Na-tiên khẳng định rằng, “Bậc vô sanh phải đầy đủ ba pháp: chú tâm đúng, thiện pháp đầy đủ và trí tuệ. Thiếu một trong ba chẳng thể vô sanh được.”[1] Bậc vô sanh tức là bậc đã đạt trạng thái Niết-bàn.[2] Lời dạy này đúng với tinh thần của Đức Phật là: “Này Hiền giả, đây là con đường Thánh đạo tám ngành đưa đến chứng đắc Niết-bàn ấy.”[3] Ba pháp mà ngài Na-tiên đề cập không gì khác hơn là giới - định - tuệ. Vậy ba pháp này được trình bày như thế nào trong Mi Tiên vấn đáp?

1. Chú tâm đúng

Khác về thứ tự mà Đức Phật thường đề cập, ngài Na-tiên đã đưa định lên trước giới. Ở đây chúng ta cần dựa vào hoàn cảnh của lời nói. Vì vua Mi-lan-đà hỏi ngài Na-tiên về vấn đề chú tâm có đưa đến vô sanh hay không, nên theo lẽ thì phải đưa vấn đề nào liên quan đến câu hỏi lên trước nhất. Chú tâm ở đây được hiểu là định. Ngài Na-tiên nói: “Chú tâm đúng chỉ mới đưa đến chánh định. Chú tâm thì trâu, bò, heo, ngựa… các loài súc sanh đều có khả năng đó. Nhưng trí huệ thì nhơn thiên mới có.”[4]

“Định là quy tâm về một mối, là cột tâm, là tập trung tâm lại không cho loạn động. Trong tất cả thiện pháp, định là chủ trì, định là nguyên đỉnh, định là tối thắng, định là chỗ hướng về, định là nơi tụ họp, định là chỗ tiến tới, định là chỗ chảy xuống.”[5] Định rất quan trọng trên lộ trình tu học giác ngộ. Người đạt định sẽ dễ dàng chứng đắc được đạo quả, giác ngộ ba minh.

Muốn chú tâm phải có hai yếu tố là sự cố gắng, nỗ lực ở bên trong và nắm bắt, chụp bắt được đối tượng.[6] Muốn chú tâm mà không có sự cố gắng, phấn đấu và nỗ lực ở bên trong thì không thể nào chú tâm được, không có sự nỗ lực thì tâm buông lung phóng dật. Đối tượng hay đề mục thiền định hành giả phải luôn dính chặt tâm vào đó mà không lang thang rong ruổi bay nhảy, chạy theo trần cảnh. Tâm dính chặt vào đối tượng thì khi ấy có định. Chú tâm tương đương với trạng thái đạt được Tầm và Tứ tâm sở. Tầm là hướng về đối tượng; Tứ là dính chặt vào đối tượng.

Đạt được định thì tâm được thanh tịnh. Đây là nấc thang thứ hai của bảy nấc thang thanh tịnh. Tâm ở trạng thái tịch tịnh thì vắng lặng, trong suốt, từ đó sức tập trung về đối tượng thiền định trở nên mạnh mẽ sáng rõ.[7]

2. Thiện pháp

“Thiện pháp rất nhiều, nhưng giới mới chính là nền tảng cho các thiện pháp nảy nở, tăng trưởng.”[8] Giới được ví như đất, như thửa ruộng màu mỡ, là nơi mà các hạt giống thiện pháp như Ngũ căn, Ngũ lực, Thất Bồ-đề phần, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ thần túc, Bốn thiền…  nảy mầm, sinh trưởng và phát triển.

  Hành giả trên đường tu Phật cầu giác ngộ, đầu tiên là phải biết chuẩn bị hành trang tư lương vững chắc, hành trang ấy chính là giới; lấy giới làm sở y, phát triển giới cho sung mãn, thanh tịnh thì các thiện pháp mới có cơ hội thành tựu. “Tứ thanh tịnh giới là chỗ trú mình, chỗ sở y của người xuất gia để thành tựu tín, tấn, niệm, định, tuệ cùng các thiện pháp tối thắng khác.”[9] Tứ thanh tịnh giới gồm: biệt biệt giải thoát thu thúc giới, lục căn thu thúc giới, chánh mạng thu thúc giới, và quán tưởng thọ vật dụng giới.

Biệt biệt giải thoát thu thúc giới là những điều học mà Đức Phật đã chế định, chúng Tỷ-kheo phải thọ trì 227 điều học, chúng Tỷ-kheo Ni thọ trì 311 điều học. Lục căn thu thúc giới tức là sáu căn khi tiếp xúc với các trần, tuy tâm biết các pháp mà không nắm giữ, tinh tấn giữ gìn lục căn, luôn luôn phòng hộ các căn môn, không để khởi lên cái biết để đưa đến tâm phân biệt thích hay không thích. Chánh mạng thu thúc giới là nuôi mạng sống chân chánh. Quán tưởng thọ vật dụng giới là tư cách dùng bốn món ấy được trong sạch nhờ phép quán tưởng, gồm: vật để mặc, vật để duy trì thân thể, chỗ để thân thể nghỉ ngơi, thuốc chữa bệnh.

“Đức Thế Tôn muốn giáo giới cho chúng Tỷ-kheo hãy tinh tấn hộ trì giới bổn, thu thúc lục căn, làm cho thân khẩu ý được thanh tịnh thì các đời sống trong tương lai sẽ được an vui, hạnh phúc.”[10] Đây chính là sự tái sinh trong giáo pháp. Giới được ví như loài thuốc diệt trừ mọi độc phiền não, như loại nước cam lồ rửa sạch mọi dơ bẩn, như ngọc ma-ni thanh khiết, như thuyền lớn vượt qua dòng sinh, già, bệnh và chết. Giới được ví như chiếc xe lớn có thể đi qua những con đường hiểm trở cam go, như một trận gió lớn thổi tắt ba ngọn lửa tham, sân, si. Giới như đám mưa lớn thỏa mãn được cho dân chúng trong mùa hạn hán. Giới như một bậc thầy sáng suốt, hiền đức luôn dạy học trò làm điều thiện lành, như người chỉ đường đầy năng lượng luôn hoạt bát, vui vẻ, năng động, chỉ cho kẻ lạc đường bỏ tà đạo về chánh đạo.[11] 

“Công năng của giới là vô lượng, vô hạn, bất khả tư nghì. Không những giới sẽ thành tựu những đức tính cao quý tốt đẹp cho con người, tạo nên y báo, chánh báo mỹ toàn và sang cả, mà còn giúp cho chúng sinh vượt bốn chỗ sợ hãi to lớn của đời người đó là sinh, già, bệnh và chết nữa.”[12]

Nhờ giới mà tín vững chắc không xao động, nhờ giới nên tấn không thối thất, nhờ giới mà niệm không buông lơi, nhờ giới nên định tâm thêm kiên cố, nhờ giới mà tuệ càng thêm sáng tỏ.[13] Cũng như vua ra trận đánh giặc: Từ giới lập trận thế, lập chiến thuật, chiến lược, lập sa bàn, từ giới mà tiêu diệt đối phương thì mười đội binh ma quân phiền não sẽ cởi giáp quy hàng. Như vậy, “Giới năng sinh thiện pháp, giới năng sinh định, định năng sinh tuệ. Có giới là có tất cả. Nơi nào có giới thì nơi ấy có tuệ. Nơi nào có tuệ thì nơi ấy có giới.”[14]

3. Trí tuệ

“Hành tướng của trí tuệ là sự cắt đứt, sự tiêu diệt, sự phá hoại, sự đốn bỏ, như cắt đứt tham, sân, si, tiêu diệt phiền não.”[15] Vì vậy trí tuệ được ví như gươm bén chặt đứt gốc rễ tham, sân, si. Tuệ có hai chức năng[16] là cắt đứt và soi sáng. Với công năng soi sáng, trí tuệ giúp hành giả phản quan tự kỷ, soi lại chính mình những gì đã thành tựu và chưa thành tựu, nhờ đó biết rõ cần phải bổ sung gì để đạt giác ngộ.

Theo kinh Trung bộ, “Có tuệ tri: đây là Khổ, có tuệ tri: đây là Khổ tập, có tuệ tri: đây là Khổ diệt, có tuệ tri: đây là con đường đưa đến Khổ diệt. Vì có tuệ tri, này Hiền giả, nên được gọi là trí tuệ.”[17]

Trí tuệ (paññā): trí là sự hiểu biết, tuệ là sự thẩm thấu, sự thấu đáo; được định nghĩa là sự thấu triệt, sự thông hiểu về Tứ đế. Trí tuệ còn là sự liễu tri về định lý Duyên khởi, Tam pháp ấn, Năm uẩn. Đức Thế Tôn chứng đạt quả Vô thượng bằng như thật thắng tri Năm thủ uẩn. Sự thấy vô thượng là thấy bằng trí tuệ, thấy được tam tướng của danh sắc, giác ngộ chân lý. Sự hành vô thượng là thực hành pháp cao quý, hành theo Bát Chánh đạo. Sự giải thoát vô thượng là sự giải thoát khỏi phiền não, thoát khỏi sinh tử luân hồi. Ngài Na-tiên nói: “Người có trí tuệ hằng tìm lợi ích an vui cho mình, đừng như kẻ buôn thóc kia, lối đi bằng phẳng dễ dàng thì không chịu đi, lại lựa chọn con đường gập ghềnh, hiểm trở mà đánh xe đi, đến khi gãy trục, gãy vành ngồi khóc lóc thở than, kẻ ngu bỏ lành làm ác, cũng y như vậy có hối cũng đã muộn màng.”[18]

  Trí và tuệ khác nhau. “Trí (ñāṇa) thuộc về nhận thức, kiến thức, hiểu biết. Còn tuệ (paññā) là thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã. Trí là thông minh mà tuệ là sáng suốt.”[19] Trí có thể đi đến tà trí, thuộc phạm trù hiểu và biết, tuệ thuộc về cái thấy không còn nhầm lẫn, là chánh trí[20]. Trí dùng để nuôi sống bản thân nhưng không giúp cho bản thân vượt ra mọi khổ đau và chịu luân hồi trong ba cõi. Tuệ không phải do sở học, sự tích lũy kiến thức mà có, nó phát sinh do công phu tu tập thiền minh sát, đưa chúng sinh thoát ly sinh tử luân hồi. Trí thế gian chỉ lo cho phần thân, trong khi tuệ giúp cả thân tâm an lạc, vững chắc và hướng đến mục tiêu giác ngộ cứu cánh.

Ngài Na-tiên so sánh thêm giữa thức với trí tuệ. “Thức và tuệ hoàn toàn khác nhau. Thức là viññāṇa, nghĩa là nhận biết thu gom mọi kiến thức, kinh nghiệm. Còn tuệ có nghĩa là thấy rõ, biết chắc mọi sự vật (các pháp) đúng như thực tướng.”[21] “Tuệ cũng từ cái nhận biết ấy, từ cái thức ấy chứ không phải là hai cái khác nhau, nhưng thức thì dễ sai lầm, còn tuệ thì thấy đúng biết đúng. Tuệ thấy đúng như thực tướng.”[22] “Nhận biết của cái thức là do vô minh, ái dục chi phối. Còn cái thấy của tuệ là một cái thấy trong sáng, thanh tịnh từ sự giác ngộ và giải thoát, không bị ngăn che bởi vô minh và ái dục nữa”.[23] Đặc điểm này cho chúng ta thấy rằng thức có thể được xem là trí, nên thường gọi là trí thức.

Ba loại trí tuệ giúp chấm dứt Ngũ thủ uẩn là: tuệ văn (sutamayapaññā), là trí sáng suốt do được người khác chỉ dạy, do học hỏi, do đàm luận; tuệ tư (cintāmayapaññā), là trí sáng suốt do tự suy nghĩ, quán xét; tuệ tu (bhāvanāmayapaññā), là trí sáng suốt do chứng ngộ. Tuệ văn và tuệ tư là trí tương ưng tâm thiện dục giới, tuệ tu là trí tương ưng tâm thiện hiệp thế và tâm siêu thế. Trí tuệ nhiếp phục được dục tham chỉ có thể là tuệ tu. Nguyên nhân không có tuệ tu dù có tuệ văn và tuệ tư là do không thấy được ba tướng của năm uẩn. Tu Tứ niệm xứ thì chúng ta sẽ thành tựu bảy giai đoạn thanh tịnh, làm phát sinh 16 tuệ minh sát (tuệ tu) có khả năng đoạn trừ hoàn toàn phiền não, giải thoát mọi chấp thủ, thành tựu đạo quả Niết-bàn. Bảy sự thanh tịnh này là pháp tu tập chuyển tiếp thứ lớp để đạt Niết-bàn, cũng ví như bảy trạm xe[24] chuyển tiếp để cho người khách tuần tự hành trình đi đến mục tiêu.

Trú xứ của tuệ ở đâu? Trí tuệ không nằm ở đâu trong thân này, vì “Nó không có trú xứ thì làm sao mà chỉ nó ở đâu”[25]. Cũng ví như gió, ta không thể chỉ được, nhưng có gió là sự thật.[26] Khi tuệ phát sinh thì si mê diệt mất, như ánh sáng đến thì bóng tối tan. Tuệ nó cũng diệt mất, nhưng công việc mà tuệ đã làm như cho ta thấy biết chân tướng của cuộc đời, cho ta thấy rõ lý vô thường, kh và vô ngã của pháp thì vẫn còn[27]. Ví như người đốt đèn viết sách, viết xong, tắt đèn. Đèn tuy tắt nhưng chữ vẫn lưu lại trên giấy. Như vua Milinda cầm quân ra trận, cứ mỗi lần vua bắn một mũi tên lửa là dấu hiệu tấn công, khi chiến thắng vua không cần bn tên nữa. Người giác ngộ không sử dụng binh khí gì nữa mà chỉ thọ hưởng an lạc siêu thế mà thôi.

Như vậy, ba pháp dẫn đến vô sinh như là bản đồ.[28] Đức Phật đã khuyến khích mọi người theo những pháp ấy.[29] Ngài Na-tiên cũng vậy, chỉ hướng để mọi người thấy rõ con đường đi đến Niết-bàn. Ai mong muốn thoát ly khỏi Tam giới thì nên tinh tấn thực hành theo. Ngài Na-tiên như một hành giả đang nhắc lại lới Đức Phật dạy, nhưng những lời nhắc lại ấy là sự giải thích rõ ràng bằng ngôn từ gần gũi, ví dụ mộc mạc nhưng lại được lồng ghép kiến thức Phật pháp thâm sâu, khiến cho người học thấu triệt được lời Đức Phật dạy.

 


 

[1] Hòa thượng Thích Giới Nghiêm, (2014), Kinh Mi Tiên vấn đáp, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.130.

[2] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.158.

[3] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Tương ưng bộ, tập 2, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.315.

[4] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.130.

[5] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.145.

[6] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.131.

[7] Thích Chơn Thiện (2019), Tăng-già thời Đức Phật, NXB.Tổng Hợp TP.Hồ Chí Minh, tr.138.

[8] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.133.

[9] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.136.

[10] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.551.

[11] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.552-553.

[12] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.553.

[13] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.138.

[14] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.138.

[15] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.131.

[16] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sdd., tr.147.

[17] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch (2017), Trung bộ 1, kinh Đại phương quảng, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.359.

[18] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.211.

[19] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.154.

[20] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.154.

[21] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.290.

[22] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.292.

[23] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr.292.

[24] Trung bộ kinh, tập 1, kinh Trạm xe, sdd., tr.193-199.

[25] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr 247.

[26] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr 289.

[27] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sđd., tr 155.

[28] Kinh Mi Tiên vấn đáp, sdd., tr.694.

[29] ĐTKVN, Thích Minh Châu dịch, (2017), Trường bộ kinh, kinh Subha, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, tr.186.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle