Phân định tài sản của vị tu sĩ viên tịch theo giới luật Phật giáo Bắc tông

phan dinh tai san

PHÂN ĐỊNH TÀI SẢN CỦA VỊ TU SĨ VIÊN TỊCH

THEO GIỚI LUẬT PHẬT GIÁO BẮC TÔNG

 Thích Nữ Thắng Tâm

Tổng quan về người xuất gia trong Phật giáo

Du-già sư địa luận ghi rằng: “Tại gia, phiền não ràng buộc chật hẹp như ở nơi nhà trần tục, xuất gia rộng rãi như hư không. Thế cho nên xả bỏ tất cả” [1]. Sau khi từ bỏ cuộc sống thế tục, nếu là vị thành niên cần được sự chấp thuận của cha mẹ (hoặc người giám hộ); nếu người đó đã lập gia đình thì cần có sự đồng ý của chồng (vợ). Vị đó vào chùa hạ thủ công phu bái sám, chấp tác, học tập kinh điển và giáo lý cùng chư Tăng (Ni). Vào thời Phật còn tại thế, việc La Hầu La và các em nhỏ dòng tộc Thích Ca xuất gia đã khiến cho vua Tịnh Phạn không được vui. Và theo lời thỉnh bạch của nhà vua, Đức Phật đã đặt ra luật định rằng việc trẻ em xuất gia tu học cần phải có sự đồng ý của cha mẹ.

Điều 36, chương VIII trong Nội quy Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khóa VIII (2017-2022) có quy định về người xuất gia như sau:

1. Được sự chấp thuận của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

2. Không vi phạm pháp luật.

3. Phải đầy đủ các căn, thể chất lành mạnh, không bị bệnh truyền nhiễm, bệnh tâm thần và có phiếu khám sức khỏe tốt.

4. Giấy xác nhận tình trạng độc thân (nếu không có kết hôn và đủ tuổi thành niên).

5. Được vị trụ trì tự viện bảo lãnh; Ban Trị sự nơi xuất gia chấp thuận.

6. Ban Trị sự huyện xác nhận và báo trình Ban Tăng sự tỉnh tri tường.

7. Việc nhận người vào tu tại tự viện phải thực hiện theo quy định của luật Phật, Hiến chương Giáo hội, pháp luật Nhà nước.

8. Nam, Nữ Phật tử dưới tuổi vị thành niên, do cha mẹ hoặc người giám hộ làm đơn ký thác cho vị trụ trì cơ sở tự viện.

9. Nam nữ Phật tử đã có gia thất, muốn xuất gia phải có sự đồng ý của vợ hoặc chồng và theo các quy định tại khoản 2, 3, 5, 6 điều 36 nội quy này.

10. Sau khi các thủ tục xuất gia hoàn tất, Ban Tăng sự tỉnh cấp giấy chứng nhận xuất gia.

11. Hồ sơ xuất gia gồm có:

a) Tự tay viết đơn phát nguyện, ghi rõ lý do và nguyện vọng phát tâm xuất gia;

b) Có văn bản ký thác gửi cho trụ trì tự viện của cha - mẹ, hoặc người giám hộ. Áp dụng cho trường hợp người xuất gia dưới tuổi thành niên;

c) Sơ yếu lý lịch còn giá trị sử dụng không quá 6 tháng;

d) Phiếu khám sức khỏe;

e) Nếu đã kết hôn, muốn xuất gia phải có văn bản đồng ý của vợ, hoặc chồng, hoặc phán quyết của tòa án [2].

Sau một thời gian tập sự xuất gia, vị sư phụ có thể kiểm tra giáo lý hoặc kinh điển; nếu xét thấy đạo hạnh tu tập của người đệ tử này “tu cải hành vi, xả ác thủ thiện, ly tục tùng đạo dã” (sửa đổi hành vi, bỏ ác làm lành, lìa tục theo đạo) [3] thì đồng ý làm lễ thế phát (cạo tóc). Theo nghi thức thế phát của Phật giáo Bắc tông, vị đệ tử sẽ được vị thầy nhắc nhở:

Huỷ hình thủ chí tiết,

Cát ái từ sở thân,

Xuất gia hoằng Thánh đạo,

Thệ độ nhất thiết nhân [4].

(Huỷ hình, thệ giữ chí tiết

Dứt tình thân ái, vào dòng Thích Ca

Xuất gia hoằng dương đạo pháp

Nguyện độ chúng sinh, lợi tha muôn loài.)

Sau khi đã cạo tóc xong, vị thầy khuyến tấn rằng: “Ngươi nay đã cạo tóc rồi, bởi vì có nhân lành đời trước mà được tướng đầu tròn, dần dần ra khỏi trần lao, vượt khỏi lưới ái, y Phật mà ở, thường cúng dường Tam bảo, siêng tu tam nghiệp, làm các việc phúc. Thầy bạn có dạy bảo, không được chống trái; đối với thượng, trung, hạ toạ, tâm thường cung kính, chớ bàn nói việc dở xấu của người; nam, nữ có phân biệt, Tăng, tục có phần, không phải bậc Hiền chớ làm bạn, không phải bậc Thánh chớ tôn. Như thế là đóng ba đường ác, mở muôn cửa lành, dụng tâm như vậy mới thật là đệ tử Phật”[5].

Xuất gia có ba nghĩa: 1. Xuất thế tục gia (ra khỏi nhà thế tục, cạo bỏ râu tóc, theo thầy học đạo); 2. Xuất phiền não gia (ra khỏi nhà phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi…, khép mình vào đời sống thanh tịnh và hòa hợp của Tăng đoàn); 3. Xuất tam giới gia (ra khỏi ngôi nhà Tam giới: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới).

Trong Pháp uẩn túc luận có nêu bốn hạng người xuất gia:

1. Thân xuất gia, tâm tại gia (Thân vào chùa học đạo nhưng tâm còn lưu luyến chuyện thế tục).

2. Thân tại gia, tâm xuất gia (trường hợp người lớn tuổi hảo tâm xuất gia nhưng không đủ sức khỏe sống ở thiền môn nên xin phép bổn sư về tư gia tu học để gia đình chăm lo sức khoẻ; trường hợp các vị cư sĩ hộ pháp thời chấn hưng Phật giáo như Tâm Minh Lê Đình Thám, Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha, Chánh Trí Mai Thọ Truyền…, tuy sống tại gia nhưng dành trọn đời cho đạo: giảng dạy tại các Phật học đường, thuyết giảng nhiều đạo tràng, xuất bản tạp chí Phật giáo…)

3. Thân tâm xuất gia (vị này niềm tin bất động đối với Tam bảo và Thánh giới, tinh tấn tu tập dứt trừ phiền não, chứng quả Bồ-đề).

4. Thân tâm không xuất gia (vị này hình thức xuất gia nhưng chẳng khác gì người thế tục, tham dục đầy dẫy. Sa-di luật giải của HT.Hành Trụ mô tả hạng người này là “húc cư sĩ”, tức là cư sĩ trọc đầu).

Vì thế người xuất gia cần nỗ lực tu tập tam vô lậu học, an nhiên với nếp sống phạm hạnh, hướng thượng ly dục, học đạo giải thoát xứng đáng với chí nguyện đã lập. Trong Quy Sơn cảnh sách, Tổ Quy Sơn Linh Hựu cảnh tỉnh hàng xuất gia rằng phải sống làm sao cho thân tâm khác tục, nối thạnh dòng Phật, chấn nhiếp ma quân, báo đáp bốn ân và hóa độ ba cõi.

Tài sản của một vị tu sĩ Phật giáo

Tài sản của một vị xuất gia được phân thành hai loại: tài sản tập thể (vật của mười phương Tăng) và tài sản cá nhân (vật của hiện tiền Tăng). Một số tài sản tập thể như ruộng vườn, đất đai, xe cộ của tự viện… là vật của mười phương Tăng, không thuộc quyền cá nhân nên không ai được quyền phân chia, chiếm đoạt. Theo Tứ phần luật, tài sản tập thể được phân thành hai loại: vật thường trụ thường trụ (đất đai, ruộng vườn… là những vật thường trụ của trú xứ không được phân chia, mua bán) và vật thập phương thường trụ (thức phẩm… là những vật mà Tăng chúng được quyền phân chia thọ dụng).

Ngược lại, một số tài sản của cá nhân như ba y, bát, ngọa cụ, đãy lọc nước… là vật của hiện tiền Tăng nên Tăng chúng hiện tiền được phép phân chia. Theo Tứ phần luật, vật hiện tiền Tăng được phân thành hai loại: vật hiện tiền hiện tiền (vật hiện tiền được người Phật tử dâng cúng cho Tăng hiện tiền, Tăng hiện tiền được phép sở hữu) và vật thập phương hiện tiền (vật của vị Tỳ-kheo sau khi viên tịch, nếu Tăng chưa yết-ma thì thuộc thập phương Tăng, nếu yết-ma thì thuộc hiện tiền Tăng, được phép phân chia Tăng hiện tiền). Các vật dụng trên do Tăng chúng sở hữu có hai nguồn gốc căn bản:

Vật do bảy chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di) cúng dường:

- Nếu họ cúng dường cho Tam bảo thì tài sản đó được phân chia thành ba phần (một phần cho Phật bảo, một phần cho Pháp bảo và một phần cho Tăng bảo).

- Nếu họ cúng dường cho hai bộ Tăng (Tăng và Ni) thì tài sản đó chia đều cho chư Tăng và chư Ni.

- Nếu họ cúng dường cho Tăng chúng thập phương thì tài sản đó thuộc về Tăng chúng thập phương.

- Nếu họ cúng dường cho Tăng chúng hiện tiền thì tài sản đó thuộc về Tăng chúng hiện tiền.

- Nếu họ cúng dường cho cá nhân (tiền bạc, xe cộ…) thì tài sản đó thuộc về cá nhân.

- Người đang bị Tăng tác pháp yết-ma trị phạt vẫn được phân chia. Sa-di hay Tịnh hạnh nhân tùy theo ý kiến của Tăng để phân chia vật cho họ.

Vật do năm chúng (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni) qua đời để lại:

 - Người viên tịch là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni thì tài sản đó do Tăng chúng quản lý.

- Người qua đời là Sa-di; Sa-di-ni thì tài sản đó do bổn sư quản lý.

- Nếu vị qua đời là người mà Tăng đã yết-ma diệt tẫn thì tài sản đó thuộc về thân quyến không thuộc Tăng.

Một số lưu ý đối với tài sản của chư Tăng (Ni)

Thứ nhất là không phân chia vật một cách lộn lạo: thí chủ cúng dường ngôi nào thì để ngôi đó, không được đem vật của ngôi này mà đưa sang ngôi khác. Trong một ngôi không được lộn lạo: ví như thí chủ cúng dường Tăng để xây tăng xá thì không được đem vật để làm trai tăng (ngoại trừ Tăng yết-ma).

Thứ hai là tài sản tập thể: Có một số vị trụ trì xem tài sản tự viện như tài sản cá nhân, chiếm đoạt không chia cho Tăng chúng. Tài sản của đại chúng được giao cho vị thủ bổn (thủ quỹ) cất giữ, không một cá nhân nào tự quyền chi dùng riêng và đồng thời nên báo cáo định kỳ theo quy định của từng tự viện.

Thứ ba là thu nhập lợi tức riêng: Khi chùa có lễ trai Tăng, nếu vị nào vắng mặt do có việc Tăng sai thì khi tín chủ cúng dường dư thì được chia. Ngược lại, vị đó vắng không lý do thì sung vào tài sản tập thể, tránh nhận riêng cho bản thân.

Phân chia tài sản của vị xuất gia viên tịch theo giới luật Phật giáo Bắc tông

- Trường hợp vi phạm giới luật Phật giáo

Một vị xuất gia vi phạm giới luật nghiêm trọng, bị chư Tăng (Ni) tẫn xuất ra khỏi tự viện (tức là hoàn tục), đồng thời qua đời thì tài sản đó thuộc về thân quyến.

- Trường hợp không vi phạm giới luật Phật giáo

Luật Bách nhất yết-ma ghi rằng: vào thời Phật còn tại thế, Tỳ-kheo Ô Ba Nan Đà viên tịch để lại tài sản trị giá ba ức tiền vàng. Bấy giờ, Tỳ-kheo ở sáu kinh thành lớn tập trung về với mong muốn được chia phần. Đại chúng không rõ việc này nên bạch Phật. Đức Phật dạy có năm trường hợp mà vị Tỳ-kheo có mặt được chia tài vật:

1. Có mặt lúc đánh kiền chuỳ tập hợp.

2. Có mặt khi đọc ba lần khải bạch.

3. Có mặt khi lễ bái chế để.

4. Có mặt khi kiểm túc số Tăng.

5. Có mặt khi tác bạch [6].

Sau khi đánh kiền chuỳ xong, một vị Tỳ-kheo (hay Tỳ-kheo-ni đối với bên Ni) được Tăng sai tác pháp yết-ma đơn bạch. Trước khi tác pháp, vị yết-ma sẽ hỏi người nuôi bệnh hay người thân về việc vị Tỳ-kheo (Tỳ-kheo-ni) về việc vị đó có nợ vật gì với ai hoặc ai nợ vật gì với vị mất này không? Nếu có tác pháp thì y vật của vị mất sẽ được phân cho đại chúng hiện tiền trong cương giới đó. Nếu không tác pháp thì chư Tăng trú xứ khác đến đều được có phần.

Trong việc tác pháp, Đức Phật dạy có 12 hạng người lời nói không được ghi nhận: 1. Hạng vô tàm; 2. Hạng tỳ vết; 3. Hạng ngu si; 4. Hạng si mê; 5. Hạng không biết phân minh vấn đề; 6. Lời nói không thiện xảo; 7. Hạng ở ngoài cương giới; 8. Hạng bị xả khí; 9. Lời nói không thứ tự; 10/. Kém oai nghi; 11. Hạng mất bản tánh; 12. Người thọ học. Ngược lại, Đức Phật dạy có bốn hạng người được ghi nhận trong việc tác pháp yết-ma chia vật: 1. Giữ nguyên bản tính; 2. Ở trong cương giới; 3. Không mất oai nghi; 4. Lời nói có thứ tự [7].

Yết ma chỉ nam, quyển 6, chương Xử đoán vật của người mất cho rằng: Y vật của Tăng (Ni) viên tịch có 10 hạng người được lấy:

1.      Coi như vật phấn tảo mà lấy: Ngũ phần luật dạy rằng nước cuốn người chết trôi đi. Người trông thấy, nhận lấy y vật ấy, coi như vật phấn tảo mà lấy.

2.      Người hiện tiền lấy: Thập tụng luật dạy rằng một người bị đuổi ở chung cùng với người giữ giới, một trong hai người chết thì y vật thuộc về người còn sống lấy. Nếu hiện tiền có người giữ giới khác đến thì người bị đuổi không được nhận y vật của người giữ giới mất.

3.      Người cùng trông thấy lấy: những người trông thấy dù là Tăng hay Ni cũng đều được chia y vật.

4.      Người có công lấy: vị Tăng (Ni) bị cử tội và mất. Tăng yết-ma cử tội người kia, người đó được y vật của người chết.

5.      Thuộc năm chúng lấy.

6.      Theo khuôn mặt quay về lấy: Luận Tỳ-bà-sa cho rằng vị Tỳ-kheo ở khoảng giữa hai người mà chết, khuôn mặt vị đó quay về bên nào thì bên đó được y vật.

7.      Bổn sư cùng Tăng trong một trú xứ nhận lấy: Luật Ma-ha-tăng-kỳ cho rằng nếu vị Sa-di (Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na) chết, y vật thuộc về vị bổn sư. Nếu vị bổn sư không lấy thì Tăng nơi đó nhận lấy. Vật này không thuộc về tứ phương Tăng nên không tác pháp yết-ma chia.

8.      Thuộc về thân quyến lấy: Luận Tát-bà-đa dạy rằng một vị bị đuổi hẳn nếu chết, y vật thuộc về thân quyến.

9.      Tuỳ theo chỗ người ở lấy.

10.   Tác pháp yết-ma nhận y vật của Tỳ-kheo (hoặc Tỳ-kheo-ni) [8].

Sau khi vị Tỳ-kheo (hay Tỳ-kheo-ni) viên tịch được đưa đi hỏa táng hoặc an táng xong, chư Tăng (Ni) đánh kiền chùy nhóm họp bạch nhị yết-ma chia. Trước hết, chư Tăng tác tiền phương tiện (vấn hòa Tăng). Sau đó, người nuôi bệnh trình bày lời dặn bảo của vị Đại đức mất. Bấy giờ, đại chúng Tăng sẽ giải quyết từng trường hợp sau:

a. Xem xét người nuôi bệnh:

- Vị nuôi bệnh được Tăng sai hay tự phát tâm?

- Đức Phật dạy người nuôi bệnh đủ năm pháp mới được nhận y bát của vị xuất gia viên tịch: 1. Rõ biết thức ăn nào người bệnh đáng ăn và không đáng ăn. Nếu đáng ăn thì cho ăn; 2. Không ghê tởm việc người bệnh đại tiểu tiện và khạc nhổ; 3. Có lòng thương xót trông nom, không vì mục đích khác; 4. Chăm lo thuốc men; 5. Nói Phật pháp khiến người bệnh hoan hỷ tu tập. Ngược lại trong luật Ma-ha-tăng-kỳ cho rằng, người nuôi bệnh trông nom tạm thời, Tăng sai, cầu phước, tà mạng thì không nên thưởng y vật.

- Xét thấy người bệnh vì lòng từ nuôi bệnh, chư Tăng tác pháp yết-ma cho vị xuất gia nuôi bệnh. Nếu là cư sĩ nuôi bệnh thì nên thưởng chút ít vật dùng [9]. Bạch nhị yết-ma trả vật của người mất cho người khác.

c. Tác pháp sai người chia vật khinh và vật trọng của vị Tỳ-kheo (hay Tỳ-kheo-ni) viên tịch.

d. Pháp giao tài vật cho người chia: Vật trọng thì đưa vào thường trụ, cúng dường mười phương Tăng dùng. Đối với vật khinh, tính chung giá các vật rồi tuỳ số người hiện tiền mà chia. Nếu vật này có ít, luật Ngũ phần dạy nên tác pháp bạch nhị yết-ma cho vị Tỳ-kheo không y. Nếu cả chúng đều có y thì cúng dường vị Tỳ-kheo trưởng thượng. Vị đó nhận thì giao ngay. Ngược lại không ai dùng thì không nên cắt phá ra, chư Tăng họp ấn định dùng chung.

e. Pháp chia vật người xuất gia mất cho Tỳ-kheo không y, hoặc chia cho bốn người, hoặc chia cho hai hay ba vị Tỳ-kheo khác. Đối với từ hai đến bốn vị Tỳ-kheo, tất cả đều xét công lao của người nuôi bệnh mà chia. Mặc dù vật đã chia, nhưng chưa đưa đến tay mỗi người, có khách Tăng đến thì cũng nên chia phần.

f. Pháp một vị tâm niệm nhận vật của vị xuất gia mất: Vị này tâm niệm ba lần rồi cầm lấy y vật. Dù cho có vị nào đến cũng không được dự phần [10].

Chú thích:

[1] Thích Đạo Thành (soạn), Thích Thiện Phước (dịch, 2016), Thích thị yếu lãm, NXB.Hồng Đức, Hà Nội, tr.91.

[2] Ban Tăng sự Trung ương (2018), Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khoá VIII (2017-2022), Giác Ngộ online, đăng ngày 29/10/2018. Nguồn: https://giacngo.vn/noi-quy-ban-tang-su-tu-khoa-viii-2017-2022-post45165.html

[3] Tỉnh Am (1964), Khuyến phát Bồ-đề tâm văn, Hương Cảng, tr.1.

[4] Thích Thiện Hòa (2016), Giới đàn Tăng, NXB.Tôn giáo, Hà Nội, tr.249.

[5] Thích Thiện Hòa (2016), Sđd., tr.250.

[6] Thích Đỗng Minh, Thích Tâm Hạnh (dịch, 1996), Luật Bách nhất yết-ma, Lưu hành nội bộ, tr.337.

[7] Thích Đỗng Minh, Thích Tâm Hạnh (dịch, 1996), Sđd., tr.341.

[8] Thích Bình Minh (1991), Pháp yết-ma chỉ nam, Thành hội Phật giáo TP.HCM ấn hành, tr.300-301.

[9] Thích Bình Minh (1991), Sđd., tr.305.

[10] Thích Bình Minh (1991), Sđd., tr.306-312.

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle